Love at first sight is often cured by a second look.

Love is sweet when it’s new, but sweeter when it’s true.

 
 
 
 
 
Tác giả: Boris Pasternak
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Khánh Trường
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Nhu Nguyen
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3364 / 225
Cập nhật: 2020-06-15 16:51:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Xvi Kết Từ
.
Mùa hè năm 1943, sau khi chọc thủng vòng cung Kursk và giải phóng thành phố Oriel, có hai quân nhân từ Moskva trở về cùng một đơn vị của họ. Đấy là Misa mới được thăng chức thiếu uý và thiếu tá Nika Dudorov.
Một người sau chuyến đi công tác đầu tiên, còn người kia sau đợt nghỉ phép ba ngày.
Họ gặp nhau trên đường phố trở về đơn vị và cùng nghỉ đêm tại Trecn, một thị trấn tuy hoang tàn, nhưng không bị huỷ diệt hoàn toàn như đa số các vùng dân cư khác nằm trong "vùng sa mạc" ấy đều bị kẻ địch san thành bình địa trước lúc rút lui.
Giữa những đống gạch đổ nát và sỏi đá bị nghiền thành bụi, họ tìm được một kho cỏ khô còn nguyên vẹn, bèn chọn nó làm chỗ nghỉ đêm.
Họ thao thức và trò chuyện suốt đêm. Khoảng ba giờ sáng, lúc mặt trời sắp mọc, Nika đang thiu thiu ngủ chợt giật mình thức giấc vì bị Misa làm chộn rộn, Misa đang vụng về loay hoay vướng víu trong đám cỏ mềm y như người bơi dở bị ném xuống nước đang ngoi ngóp, anh thu dọn các thứ quần áo gì đó bọc thành một gói, rồi hì hụi tụt từ trên ngọn đống cỏ xuống và lồm cồm bò ra cửa.
- Cậu sắm sửa đi đâu vậy? Còn sớm lắm.
- Mình đi ra sông đây. Mình muốn giặt giũ vài thứ.
- Cậu điên à. Chiều tối nay ta về tới đơn vị, cô Tania giữ quần áo sẽ đổi cho ta bộ khác. Tội gì phải vội vàng.
- Mình chả muốn chờ đến lúc đó. Vả lại mình nhiều mồ hôi, quần áo dơ lắm. Sáng nay nóng bức. Mình sẽ giặt qua, vắt kỹ, phơi nắng một lát là khô ngay thôi. Mình tắm một cái thay đồ cho dễ chịu.
- Dầu sao cũng bất tiện. Ít ra cậu cũng là một sĩ quan, đồng ý không nào!
- Còn sớm mà. Mọi người còn đang ngủ cả. Mình sẽ ra sau một bụi cây, đâu có ai nhìn thấy mà lo. Còn cậu cứ ngủ đi, đừng nói nữa mà mất giấc ngủ.
- Đằng nào thì mình cũng chẳng ngủ lại được. Mình cùng đi với cậu vậy!
Thế là hai người đi ra sông, ngang qua những đống đá trắng đổ nát đã kịp nóng lên dưới ánh mặt trời vừa mọc. Ngay giữa các đường phố cũ, có nhiều người nằm dưới đất mà ngáy khò khò, mặt đỏ bừng bừng, mồ hôi nhễ nhại, đúng chỗ có nắng rọi. Phần đông đấy là những người dân thị trấn bị mất nhà, các ông già, phụ nữ và trẻ con. Thỉnh thoảng cũng có những chiến sĩ Hồng quân đi lẻ, bị lạc đơn vị, đang tìm đường đuổi theo đơn vị cũ của họ. Misa và Nika luôn luôn nhìn xuống chân, cẩn thận bước tránh những người đang nằm ngủ để khỏi vấp phải họ.
- Cậu nói khẽ chứ, kẻo làm cả thị trấn thức giấc thì hết cả tắm giặt.
Thế là họ thì thầm tiếp tục câu chuyện hồi đêm của mình.
2.
- Con sông này tên là gì nhỉ?
- Mình chả biết. Mình không hỏi. Chắc là sông Dusa.
- Không phải Dusa. Một dòng sông gì đấy.
- Thế thì xin chịu.
- Bởi vì chính trên sông Dusa đã xảy ra tất cả chuyện đó.
- Chuyện cô Khristina ấy mà.
- Phải, nhưng chắc ở khúc khác. Phía hạ lưu kia. Người ta bảo giáo hội đã phong thánh cho cô ấy.
- Ở đấy có một cái nhà xây bằng đá, gọi là "Chuồng Ngựa". Quả là một cái chuồng ngựa của nông trường quốc doanh nuôi ngựa giống, và cái tên riêng đã trở thành lịch sử. Cái chuồng ngựa ấy tường rất dày, xây từ ngày xưa. Bọn Đức đã làm cho kiên cố thêm và biến thành một pháo đài vững chắc. Cả vùng bị đặt trong tầm súng từ đó bắn ra, cản trở cuộc tấn công của quân ta. Cần phải chiếm cho được cái chuồng ngựa ấy. Với lòng dũng cảm vô song và trí thông minh tuyệt vời, Khristina đã lọt vào và đánh mìn nổ tung chuồng ngựa. Quân Đức bắt được cô ấy và đem treo cổ.
- Tại sao lại gọi cô ấy là Khristina Orlesova, chứ không gọi là Khnstina Dudova?
- Bởi vì hai chúng tôi chưa cưới nhau. Mùa hè năm bốn mươi mốt, bọn tôi đã giao ước sẽ kết hôn khi nào chiến tranh kết thúc. Rồi mình theo đơn vị di chuyển nay đây mai đó. Đơn vị của mình cứ bị điều đi liên tục, do vậy mình bị mất liên lạc với cô ấy Từ đấy mình không được gặp cô ấy lần nào nữa. Về chiến công và cái chết anh dũng của cô ấy, mình cũng chỉ biết như tất cả mọi người, qua báo chí và lệnh của trung đoàn. Nghe đâu người ta dự định dựng đài kỷ niệm nàng ở vùng này. Mình nghe nói tướng Epgrap, em trai của Zhivago, đang đi thăm vùng này và thu thập tài liệu về cô ấy.
- Xin lỗi cậu, mình đã gợi lại chuyện Khristina. Chắc điều đó khiến cậu đau khổ lắm.
- Không sao. Nhưng ta đã nói quá nhiều rồi. Mình không muốn làm phiền cậu. Cởi quần áo ra, nhảy xuống nước mà tắm mát đi. Mình sẽ nằm dài trên bờ, nhấm vài cọng cỏ mà suy nghĩ, có khi ngủ thiếp đi một lát cũng nên.
Lát sau, câu chuyện lại tiếp tục.
- Cậu học ở đâu mà giặt quần áo khéo thế?
- Khó khăn dạy cả đấy. Bọn mình thật không may. Từ trại cải tạo, bọn mình bị đưa đến một trại giam khủng khiếp nhất. Hiếm người còn sống sót. Bắt đầu từ lúc mới đến nơi. Đoàn tù chúng mình bị lùa từ trên xe lửa xuống. Trước mắt là cả một sa mạc tuyết. Xa xa có khu rừng. Lính áp giải lăm lăm súng trong tay. Mấy con chó cảnh sát. Cũng khoảng giờ đó, những toán khác cũng bị lùa đến. Tất cả bị dồn thành một hình đa giác trên cánh đồng, lưng quay vào trong để không được thấy mặt nhau. Người ta bắt bọn mình quỳ xuống và cấm quay ngang quay ngửa, nếu không sẽ bị bắn bỏ ngay tức thì, thế rồi bắt đầu thủ tục điểm danh kéo dài nhiều giờ nhục nhã.
Điểm danh xong mới cho đứng dậy, các toán khác bị dẫn đi, còn toán chúng mình, họ bảo: "Đây là trại của các người. Làm thế nào thu xếp được chỗ ở thì làm". Cả một bãi tuyết trống trải, ở giữa cắm một cây cột có tấm biển "Trại cải tạo 92 IA N 90", có thế thôi.
- Vậy thì tình hình ở trại giam bọn mình dễ chịu hơn. Bọn mình gặp may. Vì đó là lần thứ hai mình ngồi tù, theo sau vụ thứ nhất. Lần thứ hai ấy, mình bị kết án theo điều mục khác, trong điều kiện khác. Khi được thả, mình lại được khôi phục như sau lần thứ nhất, lại được phép trở lại giảng dạy ở đại học. Mình được lệnh động viên ra mặt trận với hàm thiếu tá, chứ không phải với tư cách một phạm nhân như cậu lúc đầu.
- Phải, tất cả chỉ có thế. Một cây cột với cái biển đề "Trại cải tạo 92 IA N 90". Thoạt đầu, với hai bàn tay không, giữa trời băng giá, bọn mình phải bẻ cành cây làm lều. Thế rồi dần dần, cậu có tin được không, bọn mình cũng thu xếp ổn thoả. Nào đốn cây để cất nhà giam, dựng hàng rào, nào làm phòng biệt giam, chòi canh gác, tất cả do bọn mình tự tay dựng nên. Rồi bọn mình bắt đầu khai thác gỗ. Chặt cây. Hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Cứ tám người kéo một xe chở gỗ, hoặc khiêng cây trên vai, tuyết ngập đến thắt lưng. Rất lâu vẫn không biết rằng chiến tranh đã bùng nổ. Người ta giấu bọn mình. Đột nhiên một hôm họ đề nghị: những phạm nhân nào tình nguyện ra trận, mà còn sống sót sau một loạt trận đánh liên tiếp, sẽ được trả lại tự do. Sau đó là những đợt tấn công, tấn công liên tiếp, những hàng rào kẽm gai truyền điện, bom đạn, những tháng ngày ròng rã trong cơn bão lửa. Chẳng phải tự dưng ở các đại đội người ta gọi bọn mình là tử binh. Lưỡi hái của thần chết không tha một tử binh nào. Nhưng cậu hiểu không, toàn bộ cái địa ngục đẫm máu ấy vẫn còn là hạnh phúc so với những cảnh ghê sợ của trại cải tạo, và hoàn toàn không phải là về những điều kiện cay cực, mà là vì một lý do khác.
- Ừ, thế thì cậu khổ sở thật đấy.
- Biết giặt quần áo thì đã thấm gì. Sống trong cảnh ấy, người ta học được cách làm tất cả mọi việc.
- Kể cũng lạ thật. Không phải chỉ nguyên đối với thân phận tù khổ sai của cậu, mà còn đối với toàn bộ cuộc sống trước đó trong những năm ba mươi, kể cả khi được tự do, được yên ổn dạy đại học, có tiền tiêu, có sách đọc, có tiện nghi, chiến tranh đã tới giống như một cơn bão tẩy rửa, một luồng không khí trong lành, một cơn gió giải thoát.
Mình cho rằng công cuộc tập thể hoá là một biện pháp sai lầm, thất bại mà họ không dám thừa nhận. Để che giấu thất bại, họ đã sử dụng mọi phương tiện đe dọa khiến mọi người hoảng sợ, làm cho người ta phải nhìn thấy những cái không hề có và chứng minh những cái trái ngược với sự thật hiển nhiên.
Do đó đã dẫn tới sự khủng bố tàn bạo thời Ezhov 1, tới việc công bố một hiến pháp bánh vẽ và tổ chức những cuộc bầu cử không dựa trên các nguyên tắc tự do lựa chọn.
Và khi chiến tranh bùng nổ, những cảnh khủng khiếp có thực của nó, nỗi nguy hiểm có thực và cái chết thực sự đe dọa mọi người đã là một ân phúc so với cái sự cai trị vô nhân đạo của bịa đặt, đã khiến người ta dễ thở hơn, bởi vì chúng đã hạn chế cái sức mạnh huyễn hoặc của những chữ nghĩa không có hồn.
Không riêng những người bị tù đày như cậu, mà là hết thảy mọi người, cả ở hậu phương lẫn ngoài mặt trận, đều được hít thở tự do hơn, được say sưa hít căng lồng ngực và cảm thấy thực sự hạnh phúc khi lao vào lò lửa chiến tranh chứa đựng sự chết chóc và sự cứu rỗi.
- Chiến tranh là một mắt xích đặc biệt trong chuỗi các thập niên cách mạng. Tác động của những nguyên nhân trực tiếp, nằm trong bản chất của cách mạng, đã không còn nữa. Những kết quả gián tiếp, những kết quả của kết quả, hậu quả của hậu quả, bắt đầu phát huy tác dụng. Những tai họa đã rèn luyện nên tính cách, làm cho các thế hệ có sức chịu đựng, lòng dũng cảm và sẵn sàng thực hiện một sự nghiệp lớn lao, phi thường, liều lĩnh. Các phẩm chất kỳ lạ, chưa từng thấy ấy hợp thành màu sắc tinh thần của thế hệ.
Các nhận xét ấy làm cho tâm hồn mình tràn trề cảm giác hạnh phúc, mặc dù sự tuẫn tiết của Khristina, mặc dù các vết thương của mình, các mất mát của chúng ta, mặc dù cái giá đẫm máu của chiến tranh. Điều giúp mình chịu đựng nỗi đau khổ cái chết của Khristina chính là ánh hào quang của đức hy sinh đang rọi sáng cả cái chết của cô ấy, lẫn cuộc sống của mỗi chúng ta.
Chính khi cậu đang phải chịu đựng vô số cực hình, thật tội nghiệp cho cậu, thì mình được phóng thích. Khristina vừa vào học khoa Sử. Đề tài nghiên cứu khoa học của cô ấy là do mình hướng dẫn. Từ lâu, sau lần bị đưa đi tập trung cải tạo lần thứ nhất, mình đã để ý đến cô bé kỳ diệu ấy. Cậu nhớ không, hồi Zhivago còn sống, mình đã mấy lần kể về cô ấy. Nghĩa là bây giờ, sau khi mình đi cải tạo lần thứ hai về, Khristina trở thành một trong số các sinh viên của mình.
Dạo đó, bắt đầu có cái phong trào học trò phê phán thầy giáo. Khristina tham gia hết sức hăng say. Có trời mới biết tại sao cô ấy lại công kích mình dữ dội đến thế. Cô ấy phê phán mình một cách dai dẳng, hung hăng và bất công đến nỗi các sinh viên khác đôi khi cũng phải khó chịu, lên tiếng bênh vực mình. Cô ấy có óc hài hước lạ lùng. Cô ấy viết báo tường châm biếm, chế giễu thoả thích một nhân vật do cô ấy bịa ra, nhưng ai cũng biết chính là mình. Bỗng nhiên, vì một sự tình cờ hoàn toàn, mình được biết rằng sự thù ghét ghê gớm ấy là một cách che giấu cái tình yêu trẻ dại, bền chắc, kín đáo đã ấp ủ từ lâu. Và mình đã luôn luôn đáp lại cô ấy bằng tình cảm tương tự.
Hai đứa chúng tôi đã qua một mùa hè kỳ lạ năm bốn mươi mốt, ngay trước chiến tranh và thời gian ít lâu sau khi nó xảy ra. Một số thanh niên, nam nữ sinh viên, trong đó có cô ấy, đến sống ở khu nhà nghỉ tại ngoại ô Moskva, nơi đóng quân sau đó của đơn vị mình. Tình bạn thân thiết giữa hai đứa mình bắt đầu và diễn ra trong hoàn cảnh huấn luyện quân sự cho nhóm thanh niên ấy, thành lập các trung đội dân quân ở vùng ngoại ô, việc tập nhảy dù của Khristina, các đêm trực trên mái nhà thành phố để chống trả những đợt oanh tạc đầu tiên của máy bay Đức. Mình đã nói với cậu, rằng tại đó bọn mình đã ăn mừng lễ đính hôn giữa hai đứa, rồi ít lâu sau hai đứa phải chia tay nhau vì đơn vị của mình chuyển đi nơi khác. Từ đó, mình không được gặp lại cô ấy.
Khi chiến sự đi vào bước ngoặt có lợi cho quân ta, và lính Đức bắt đầu đầu hàng từng loạt hàng ngàn tên, sau hai lần mình bị thương và hai lần nằm viện, mình được thuyên chuyển từ bộ đội pháo phòng không sang Phòng Bảy của ban tham mưu, nơi đang cần những người biết ngoại ngữ ở đó, mình đã nằn nì đề nghị họ đưa cả cậu về nữa, sau khi mình tìm được cậu y như mò kim dưới đáy biển.
- Cô Tania giữ quần áo biết rất rõ về Khristina. Hai cô gặp nhau ngoài mặt trận và trở thành bạn thân. Tania thường kể về Khristina. Tania có kiểu cười hết cả mặt, hệt như Zhivago ngày trước, cậu có thấy thế không? Lúc cô ấy cười, người ta quên hẳn cái mũi hếch, hai gò má hơi nhô cao của cô ấy khuôn mặt cô ấy trở nên dễ thương và rất có duyên. Hệt như khuôn mặt Zhivago, một khuôn mặt rất hay gặp ở xứ ta.
- Mình biết cậu định nói gì. Rất có thể. Mình đã không để ý đến.
- Tên họ của cô ấy thật là quái ác, Tania Bezocheredeva 2. Chả có cái họ nào như thế, chắc là bịa ra hoặc bị đọc chệch đi. Cậu nghĩ sao?
- Thì cô ấy đã giải thích rồi mà. Cô ấy bị bỏ rơi từ bé, không biết cha mẹ là ai. Chắc ở một vùng xa xôi hẻo lánh nào đó của nước Nga, nơi ngôn ngữ chưa bị pha tạp, người ta gọi cô ấy là Bezocheva 3, nghĩa là cô bé không cha. Dân chúng ngoài đường không hiểu ý nghĩa của biệt danh ấy, thường chỉ nghe loáng thoáng và nhắc lại không đúng, đã đọc chệch đi theo cách nói quen thuộc của dân vỉa hê đó thôi.
3.
Sau câu chuyện ban đêm ở Trecn, Misa và Nika về tới đơn vị. Quân đoàn của họ đã chuyển đi phần lớn, chỉ còn bộ phận hậu quân đóng tại thành phố Karachevo đã bị huỷ diệt hoàn toàn.
Mùa thu năm nay trời nóng. Đã hơn một tháng nay thời tiết ngày nào cũng trong sáng và yên ả. Dưới bầu trời xanh không gợn mây, nóng bức, miền đất đen phì nhiêu Brunsina, nằm giữa hai thành phố Oriel và Bnansck, sạm nắng thành màu cà phê - chocolatt.
Con đường lớn chạy thẳng qua thành phố cũng đồng thời là phố chính. Một bên là những ngôi nhà sụp đổ, bị mìn biến thành các đống gạch vụn, những cây cối bị bật rễ, bị băm vằm, cháy xém và đổ ngổn ngang trong các vườn cây ăn quả. Còn bên kia đường là những bãi trống chạy dài, ít được xây dựng, có lẽ từ hồi thành phố chưa bị huỷ diệt, nên ít bị hoả hoạn và bom mìn tàn phá, bởi ở phía ấy cũng chả có gì để mà tàn phá.
Dân các nhà bên phía bị phá huỷ đang tìm bới trong các đống tro còn nóng và xếp gọn vào một chỗ những thứ họ bới ra được Một số khác đang đào hầm để ở tạm hoặc đang đắp đất lên trên các hầm đất ấy.
Bên phía đối diện, trên các bãi đất hoang, dựng san sát các tấm lều bạt màu trắng, chen chúc đủ loại xe vận tải và xe ngựa của thê đội hai, các quân y viện dã chiến bị tụt lại sau ban tham mưu của mình, các phòng ban trực thuộc đủ thứ cơ quan vận tải, hậu cẩn và tiếp tế bi lạc nhau và đang đi tìm nhau. Ở đây cũng thấy những cậu thiếu niên gầy gò, ốm yếu của các đại đội bổ sung, đội mũ calô xám, mặc những chiếc áo capốt xám, nặng nề, mặt mũi hốc hác, nhợt nhạt vì bị bệnh kiết lỵ hành hạ, dừng chân để nghỉ ngơi, ăn ngủ tạm để rồi lại uể oải lên đường đi về phía Tây.
Cái thành phố quá nửa bị đánh mìn biến thành đống tro tàn ấy vẫn tiếp tục cháy và nổ tung ở phía xa, nơi địch gài mìn nổ chậm. Thỉnh thoảng đất lại rung chuyển dưới chân những người đang đào bới, khiến họ ngừng làm việc, đứng thẳng lên, tay chống cán cuốc xẻng, đầu ngoảnh về phía phát ra tiếng nổ.
Họ đứng nghỉ và nhìn đăm đăm hồi lâu về phía đó. Ở đằng ấy, những đám mây đất đá màu xám, màu đen, màu đỏ gạch, màu lửa khói bốc lên trời thoạt đầu thành từng cột lớn cuồn cuộn, rồi toả rộng thành từng khối uể oải, nặng nề tan loãng dẩn mà rơi trở lại xuống đất. Và những người đào bới lại tiếp tục cúi xuống làm việc.
Bên phía các bãi trống, có một khoảnh đất được viền xung quanh bằng các bụi cây, và nhũng cây lâu năm cành lá um tùm ở đó che mát cả khoảnh đất. Chúng ngăn cách khoảng đất với thế giới xung quanh, như một chiếc sân có mái che, đứng biệt lập riêng một chỗ và chìm trong bóng âm u mát rượi.
Ở đó Tania với hai, ba chiến sĩ cùng trung đoàn và mấy người xin đi nhờ xe, trong đó có cả Misa và Nica đang chờ suốt từ sáng chiếc xe vận tải quay trở lại đón Tania và chở số tài sản của trung đoàn mà người ta giao cho cô trông nom. Số tài sản được xếp trong những chiếc hòm chất thành một đống lớn và mấy chiếc đặt rải rác trên cỏ. Tania không rời chúng một bước đã đành, song mấy người kia cũng không dám đi đâu xa vì sợ bỏ lỡ chuyến xe.
Họ đã chờ đợi hơn năm tiếng đồng hồ liền. Họ chẳng có việc gì làm. Họ nghe cô gái từng trải và hay chuyện kể hết chuyện này đến chuyện khác. Cô vừa kể lại lần gặp gỡ giữa cô với thiếu tướng Epgrap.
- Còn sao nữa. Vừa mới hôm qua thôi. Tôi được dẫn riêng lên gặp thiếu tướng. Đồng chí ấy đi qua đây, nên dừng chân để hỏi về Khristina. Hỏi những người đã chứng kiến, những người đã quen biết chị ấy. Người ta đã giới thiệu tôi. Họ bảo, hai cô ấy là bạn thân của nhau. Đồng chí thiếu tướng bèn ra lệnh mời tôi lên. Thế là tôi được dẫn lên. Đồng chí thiếu tướng chả có gì đáng sợ. Cũng bình thường như tất cả mọi người. Mắt xếch, đen láy. Thì tôi kể với đồng chí ấy tất cả những gì tôi biết. Nghe xong, đồng chí ấy cảm ơn, rồi hỏi: Còn cháu, cháu sinh ra ở đâu, gia đình thế nào? Dĩ nhiên là tôi mắc cỡ, cứ trả lời loanh quanh, không muốn nói ra. Hay ho gì mà khoe kia chứ? Một đứa con bị bỏ rơi. Nói chung thì các anh biết cả rồi đấy. Nào trại nuôi trẻ khó bảo, nào cuộc sống lang thang phiêu bạt. Nhưng thiếu tướng nhất định không chịu, cháu cứ nói đi, tôi nghe đây, đừng ngại gì cả, đồng chí ấy bảo thế, chẳng có gì phải xấu hổ, cháu ạ. Tôi bèn rụt rè thưa vài lời, sau đó thấy thiếu tướng gật gù khích lệ, tôi càng nói càng bạo dạn thêm.
Là vì tôi có bao nhiêu chuyện để kể. Nếu các anh nghe, chắc các anh chả tin, các anh sẽ bảo: con bé này chỉ giỏi bịa. Thiếu tướng cũng thế. Tôi kể xong, đồng chí ấy đứng dậy, đi đi lại lại trong gian nhà gỗ và bảo: "Cháu kể những chuyện kỳ lạ quá, phải không cháu. Thế này nhé. Bây giờ tôi chưa có thì giờ. Nhưng rồi tôi sẽ còn tìm gặp cháu sau, chắc chắn là như vậy, tôi sẽ còn gặp lại cháu. Không ngờ tôi lại được nghe câu chuyện này. Tôi sẽ không quên cháu đâu. Còn một số điểm cần làm rõ thêm, những chi tiết ấy khác nhau. Bấy giờ, không chừng chúng tôi lại tìm được đứa cháu ruột là cháu cũng nên, cháu sẽ có một ông chú thiếu tướng. Chú sẽ gửi cháu vào bất cứ trường đại học nào cháu muốn". Lạy Chúa, chuyện đúng là như thế. Có những ông tướng vui tính như thế đấy.
Đúng lúc ấy có một chiếc xe ngựa chạy vào khoảnh đất. Đấy là một chiếc xe dài, có thành rất cao, mà ở Ba Lan và miền Tây nước Nga người ta vẫn dùng để chở lúa vào ngày mùa. Hai con ngựa được thắng trong xe, do một quân nhân điều khiển, ngày xưa gọi là lính coi ngựa. Bác ta cho xe chạy vào khoảnh đất, nhảy xuống xe và tháo ngựa ra. Tất cả mọi người, trừ Tania và mấy anh chiến sĩ, liền vây quanh bác ta, nài nỉ bác ta đừng tháo ngựa ra, mà hãy chở họ đến nơi họ cần, họ sẽ trả tiền tử tế, đương nhiên. Bác ta từ chối, vì không được quyền tự ý sử dụng xe và ngựa, mà phải tuân lệnh cấp trên trong việc chuyên chở. Bác ta dắt cặp ngựa đi đâu đó và không thấy quay lại nữa. Mấy người vẫn ngồi dưới đất bèn trèo lên ngồi cả trên chiếc xe để không. Câu chuyện của Tania bị ngắt quãng bởi sự xuất hiện của chiếc xe và cuộc điều đình với bác đánh xe, lại được tiếp tụ.
- Cô đã kể gì với thiếu tướng, - Misa hỏi.- Nếu có thể, cô hãy kể lại cho bọn tôi xem nào.
- Được thôi.
Và cô đã kể lại cho họ nghe câu chuyện kinh khủng của cô.
4.
- Quả là tôi có nhiều chuyện để kể. Hình như tôi không phải con nhà thường dân, người ta bảo thế. Chả nhớ có phải người ngoài nói với tôi điều đó, hay là tôi đã ôm ấp nó trong thâm tâm, nhưng tôi nghe nói rằng mẹ tôi, bà Raisa Komarova, đâu như là vợ của một ông bộ trưởng người Nga trốn tránh ở xứ Bạch Nông, vợ của đồng chí Komarov. Nhưng cái nhà ông Komarov ấy không phải là bố hay cha đẻ của tôi.
Lẽ dĩ nhiên tôi chẳng được ăn học, tôi lớn lên trong cảnh mồ côi không cha không mẹ. Các anh có thể thấy những điều tôi nói là nực cười, nhưng tôi chỉ kể những gì tôi biết, các anh nên đặt mình vào hoàn cảnh của tôi.
Đúng thế. Nghĩa là tất cả những gì tôi sắp kể cho các anh nghe, đã xảy ra quá nhiều ở Grusisy, tận đầu bên kia miền Sibiri, gần vùng đất của dân Cô- dắc, phía biên giới Trung Hoa.
Khi chúng ta, nghĩa là Hồng quân, tiến gần đến thủ phủ của bọn bạch vệ, thì cái ông bộ trưởng Komarov ấy đã đưa mẹ tôi cùng với toàn bộ gia đình các quan chức khác lên một chuyến tàu đặc biệt và ra lệnh cho tàu chạy đi, bởi vì mẹ tôi quá sợ sệt, chả dám đi đâu một mình, nếu không có họ đi cùng.
Còn tôi, cái nhà ông Komarov ấy thậm chí chả biết có tôi trên đời. Mẹ tôi đã đi xa ông ấy một thời gian để sinh ra tôi và bà sợ muốn chết, nếu giả dụ có ai bép xép mách với ông ấy chuyện đó. Ông ấy rất ghét trẻ con, cứ quát tháo và giậm chân ầm ĩ, bảo trẻ con chỉ làm bẩn nhà và gây phiền nhiễu. "Tôi không thể chịu được", ông ta quát lên như thế.
Vậy là khi Hồng quân tiến gần đến thành phố, thì mẹ tôi cho người đi gọi bà Marfa, vợ bác gác đường tàu ở ga Nagornaia, rồi tới đèo Samsonov. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao mẹ tôi lại cho gọi bà Marfa tới. Chắc bà ấy vẫn mang rau và sữa đến bán ở thành phố. Chắc thế.
Để tôi kể tiếp. Rõ ràng có những điểm tôi không biết. Tôi cho rằng người ta đã đánh lừa mẹ tôi, không nói cho mẹ tôi biết sự thực. Có trời biết họ đã bảo mẹ tôi thế nào, chắc họ bảo mẹ tôi hãy gửi tôi đi tạm vài ba hôm là tình hình sẽ trở lại yên ổn. Chứ không phải gửi hẳn. Giao hẳn cho người khác nuôi. Đời nào mẹ tôi lại chịu giao con hẳn đi kia chứ.
Ôi dào, chuyện đánh lừa trẻ con, ai chả biết. Con hãy đi với dì, dì sẽ cho con bánh kẹo. Dì tốt lắm, con đừng sợ dì.
Nhưng sau đó tôi khóc quá thể. Trái tim thơ dại của tôi bị tổn thương ghê gớm, thôi, tốt nhất, chẳng nên nhắc lại chuyện đó.
Tôi chỉ muốn treo cổ tự tử, đang còn bé tí mà tôi suýt nữa phát điên. Chắc chắn là mẹ tôi có trao tiền cho bà Maepha để nuôi tôi nhiều lắm.
Trại của bác gác đường tàu khá giàu, có bò sữa, có ngựa kéo xe, gà vịt thì dĩ nhiên hàng đàn, đất rộng xung quanh, muốn trồng rau làm vườn bao nhiêu tùy ý, chính cái nhà ấy cũng là nhà được cấp không, ở ngay bên cạnh đường tàu.
Những chuyến tàu từ vùng quê tôi đến thì phải ì ạch leo dốc, còn tàu từ nước ngoài Nga các anh sang thì lao như bay, phải hãm bớt tốc lực lại. Ga Nagornaia ở phía dưới, về mùa thu khi rừng rụng lá, trông nhà ga như được đặt trên một cái đĩa.
Bác chủ nhà, tên gọi Vasili, tôi vẫn gọi là bố, như thói quen của dân quê. Bác rất vui tính và hiền hậu, chỉ tội bác quá tin người và đã rượu vào, thì chẳng còn biết giữ mồm giữ miệng gì nữa, như ta có câu, bác moi tất cả ruột gan, cho bất cứ ai bác gặp.
Còn vợ bác, bà Marfa, thì tôi không thể mở miệng gọi là mẹ được. Chẳng rõ là vì tôi không sao quên được mẹ tôi, hay còn tại lý do khác, chỉ biết là bà ấy dữ vô cùng. Phải, nghĩa là tôi gọi bà ta là dì Marfa thôi.
Thế rồi thời gian trôi qua. Năm tháng trôi qua. Bao nhiêu năm, tôi chả nhớ. Bấy giờ tôi đã biết cầm cờ làm hiệu cho tàu chạy. Tháo ngựa ra khỏi xe hoặc chăn bò là việc chẳng lạ đối với tôi. Bà Marfa dạy tôi kéo sợi. Việc nội trợ thì khỏi phải nói. Nào lau chùi, dọn dẹp, nào nhào bột ìàm bánh, nấu ăn, chuyện ấy đối với tôi chả ăn nhằm gì, tôi biết làm tất. À mà quên, tôi còn trông nom thằng bé Petia. Chân nó bị liệt, nó lên ba mà chỉ nằm một chỗ, không đi được. Vậy là tôi phải săn sóc nó. Đã bao nhiêu năm trôi qua rồi, mà tôi vẫn rùng mình, sởn gai ốc khi nhớ lại cái ánh mắt của bà Marfa ngó đôi chân lành lặn của tôi. Cái nhìn của bà ta ngụ ý: sao chân nó không què quặt, mà là chân của Petia, làm như tại tôi mà bé Petia bị liệt không bằng, đấy các anh xem, lắm khi người ta so bì độc ác như thế đó?
Bây giờ các anh hãy dỏng tai mà nghe, vừa rồi mới là chuyện sơ sơ, còn điều tôi sắp kể đây, các anh sẽ dựng tóc gáy.
Dạo đó đang thời kinh tế mới, một ngàn rúp chỉ đáng giá một xu. Bác Vasili bán con bò cái dưới thung lũng, nhận lấy hai bị đầy tiền, tiền Kerenski, mà bấy giờ người ta vẫn gọi là "trái chanh", đúng thế "trái chanh". Bác nốc rượu vào, thế là đi kể cho cả khu nhà ga Nagornaia biết mình có nhiều tiền.
Tôi nhớ hôm ấy là một ngày mùa thu, gió rất mạnh, thổi tung cả mái nhà, thổi bay cả người đi đường, tàu không leo dốc nổi vì ngược chiều gió. Tôi thấy có một bà lão hành hương từ trên dốc đi xuống, gió thổi phồng cả váy và tấm khăn vuông của bà cụ.
Bà lão vừa đi vừa ôm bụng kêu đau. Bà xin vào nhà. Gia đình đặt bà nằm trên chiếc ghế dài, bà cứ kêu ôi đau bụng quá, bụng tôi quặn lại, tôi chết mất thôi. Vì Chúa, xin hai bác chở tôi đi nhà thương, tôi sẽ trả tiền, bao nhiêu tôi cũng trả. Bác Vasili liền thắng con ngựa Udaloi, dìu bà lão lên xe và chở đến bệnh viện huyện, cách nhà và cách đường tàu khoảng mười lăm dặm.
Lâu chóng bao nhiêu không rõ, tôi với bà Marfa vừa đặt lưng nằm ngủ, thì nghe tiếng con Udaloi hí ngoài cửa sổ. Chiếc xe đã chạy vào sân. Sao mà về sớm đến thế? Bà Marfa thắp đèn, khoác áo, không chờ chồng gõ cửa, đã kéo ngay then cài ra.
Cửa vừa mở, thì chả thấy chồng đâu, chỉ thấy lù lù một thằng cha lạ hoắc, đen thui, trông phát khiếp. Hắn bảo: "Chỉ ngay chỗ để tiền bán bò. Tao đã cắt cổ thằng chồng mày trong rừng rồi, còn mày, mày là đàn bà, tao sẽ tha cho, nếu mày nói tiền cất ở đâu. Không nói thì mày tự hiểu lấy, đừng trách tao ác Tốt hơn hết là đừng để tao phải chờ. Tao không có thì giờ lằng nhằng với mày".
Trời đất cha mẹ ơi, cảm tưởng của hai chúng tôi ra sao, các anh cứ thử đặt mình vào địa vị chúng tôi sẽ hiểu! Chúng tôi run rẩy, hồn vía lên mây, lưỡi ríu lại, kinh khủng quá? Hắn đã chặt đầu bác Vasili, chính mồm hắn bảo thế. Bây giờ hai người đàn bà chân yếu tay mềm đứng trước tên cướp, một tên cướp của giết người đang ở trong nhà chúng tôi, thật rõ như ban ngày.
Hẳn là lúc ấy bà Marfa bỗng chốc mất trí, nghe tin chồng chết, bà như bị đứng tim. Mà lẽ ra phải bình tĩnh đối phó, không nên lộ vẻ sợ hãi.
Trước hết bà quỳ xuống bên chân tên cướp, "Tôi cắn rơm cắn cỏ lạy ông, mong ông lượng tình, bà nói, đừng giết tôi, nào tôi có biết đến tiền nong gì đâu, ông nói tiền gì, nghe ông nói tôi mới biết." Nhưng tên cướp đâu có ngu dại, thằng khốn kiếp, đâu có dùng lời lẽ van xin mà thoát được hắn. Bỗng dưng bà Marfa nảy ra ý định lừa hắn. "Thôi được, tôi xin làm theo lệnh ông vậy. Tiền để ở căn hầm dưới sàn nhà. "Bà nói". Tôi nhấc nắp hầm lên, ông chui xuống mà lấy". Nhưng cái thằng quỷ sứ nó thấy rõ ruột gan bà "Không, đây là nhà mày, hắn nói, mày thông thuộc hơn. Mày hãy tự chui xuống. Mày muốn chui xuống hầm hay leo lên mái tùy mày, miễn là có tiền đưa ra đây cho tao. Chỉ cần nhớ một điều, chớ hòng giở trò lừa gạt tao. Đối với tao, đừng có đùa".
Bà Marfa bèn bảo nó: "Lạy Chúa, sao ông đa nghi thế. Tôi sẵn sàng chui xuống lấy cho ông, tội chân tôi bủn rủn không lần nổi cầu thang. Để tôi đứng trên bậc thứ nhất soi đèn cho ông xuống thì hơn. Ông đừng lo, để ông tin, tôi sẽ cho con gái tôi cùng xuống dưới ấy với ông". Nghĩa là bà ta sẽ đẩy tôi xuống hầm.
Trời đất thiên địa ơi, chắc các anh cũng đoán được hồn vía tôi ra sao, lúc tôi nghe bà ta nói thế! Thôi thế là hết đời, tôi nghĩ? Mắt tôi tối sầm, tôi cảm thấy mình sắp ngã, hai chân khuỵu dần.
Nhưng tên cướp đến là tinh ma, hắn liếc mắt nhìn hai chúng tôi, nheo nheo mắt, rồi nhe răng cười nhăn nhở.
- Này, đừng có lừa tao, hắn nói.
Chắc hắn thấy bà Marfa không thương xót gì tôi, nghĩa là tôi chẳng phải là con đẻ, chẳng máu mủ ruột thịt gì với bà ta, nên hắn bèn túm lấy thằng Petia, tay kia nắm cái móc tròn nâng nắp hầm lên. Nào, soi đèn cho tao, hắn nói, đoạn hắn đem bé Petia chui xuống.
Lúc ấy, tôi nghĩ bà Marfa đã hoá điên, chẳng còn hiểu gì nữa, bà ta đã mất trí rồi. Tên cướp vừa đem Petia chui xuống vài bậc thang, bà ta liền đóng sập cái nắp hầm lại một tiếng, móc ổ khoá vào, đoạn kéo cái hòm nặng nhất chặn lên trên nắp hầm, vừa kéo vừa gật đầu ra ý bảo tôi hãy giúp một tay, hòm nặng, mình bà đẩy không nổi. Bà ta đã đẩy được, rồi ngồi luôn lên mặt hòm, ra vẻ sung sướng hể hả, thật là ngu xuẩn! Bà ta vừa ngồi xuống, thì tên cướp ở dưới vừa gọi ta vừa đấm thình thình dưới sàn.
- Mày khôn hồn thì mở cho tao lên, nếu không, tao vặn cổ thằng con mày.
Tiếng nói của nó lọt qua kẽ ván, nghe chỉ loáng thoáng, với lại lời nói lúc ấy thì ăn thua gì. Hắn cứ rống lên hơn cả mãnh thú để đe dọa.
- Được, - hắn hét - Tao sẽ cho thằng oắt này đi theo bố nó ngay bây giờ.
Song bà Marfa không hiểu gì hết. Bà ta cứ ngồi trên chiếc hòm mà nháy mắt với tôi và cười ha hả. "Cứ gào thật khỏe vào, đồ ngốc ơi, bây giờ đến lượt mày, tao đang ngồi trên hòm, còn chìa khoá nắp hầm thì tao đang nắm trong tay đây này". Tôi lôi, tôi kéo bà ta đủ cách. Tôi hét vào tai bà ta, tôi đẩy bà ra khỏi chiếc hòm, tôi muốn làm cho bà ngã chổng kềnh. Phải mở nắp hầm ra. Phải cứu bé Petia. Nhưng tôi yếu sức hơn? Tôi đâu làm gì nổi bà ta!
Tên cướp vẫn đập thình thịch lên sàn, thời gian cứ trôi đi, mà bà Marfa cứ yên vị trên chiếc hòm, đảo mắt nhìn quanh nhìn quẩn, không buồn nghe.
Được một lúc, cha mẹ ơi, trời đất hỡi, trong đời mình, tôi đã thấy nhiều điều, đã trải nhiều cảnh khổ tâm, nhưng chưa bao giờ ghê sợ như lúc ấy, tôi sẽ nhớ suốt đời, tôi cứ nghe văng vẳng tiếng thét ai oán đứt ruột của Petia, tội nghiệp cậu bé đáng thương và ngoan ngoãn, từ dưới hầm vọng lên, chẳng là thằng cướp khốn kiếp đang giết cậu bé.
Ôi, tôi biết làm gì, trời ơi, tôi phải làm gì bây giờ, tôi nghĩ, với cái bà già hoá điên và cái tên cướp sát nhân kia? Mà thời gian thì cứ trôi qua. Tôi vừa nghĩ thế, thì bỗng nghe tiếng con Udaloi hí lên ngoài cửa sổ, chẳng là nó vẫn bị thắng trong chiếc xe ngoài đó. Vâng, con ngựa hí lên, như muốn bảo tôi: Tania ơi, ra đây mau lên, ta hãy phóng đi tìm những người tử tế, ta phải đi cầu cứu. Tôi ngó ra, thấy trời sắp sáng. Cảm ơn Udaloi, mày cừ lắm, mày khôn thật. Đúng đấy, tao với mày hãy đi ngay. Tôi vừa nghĩ thế, chợt nghe như có tiếng ai gọi từ trong rừng ra: "Hượm đã, Tania, đừng hấp tấp. Chúng ta sẽ có cách giải quyết vụ này hay hơn". Nghĩa là tôi không trơ trọi một mình trong rừng. Có tiếng còi tàu quen thuộc từ dưới thung lũng gọi tôi, nghe thân quen như tiếng gà gáy, tôi biết rõ lắm. Đó là cái đầu máy, gọi là đầu máy đẩy, luôn luôn sẵn sàng ở ga Nagornaia, để đẩy các chuyến tàu hàng lên dốc. Đây là một chuyến tàu hỗn hợp, đêm nào cũng chạy qua nhà tôi vào giờ này. Vậy là tôi nghe thấy tiếng còi tàu quen thuộc dưới kia đang gọi tôi. Nghe tiếng nó, tim tôi dồn dập. Tôi tự hỏi: không biết có phải mình cũng hoá điên như bà Marfa rồi hay sao, mà nghe cả con ngựa lẫn cái đầu máy xe lửa đều nói tiếng người rõ ràng thế này?
Nhưng tôi đâu có thời giờ suy nghĩ, chuyến tàu gần đến rồi. Tôi vội chộp lấy cây đèn bão, vì lúc ấy trời chưa sáng rõ, rồi tôi lao như điên ra đường tàu, tôi đứng ngay giữa hai thanh ray mà giơ cây đèn lên đưa đi đưa lại lia lịa.
Đến đây thì khỏi phải kể nữa. Tôi đã ngăn chuyến tàu dừng lại. Cũng may là nó chạy chậm như rùa vì đang leo dốc, lại bị gió thổi mạnh ngược chiều. Tàu đỗ, bác tài quen mặt từ trong thò đẩu ra hỏi câu gì đó, nhưng tôi không nghe thấy vì gió thổi bạt đi. Tôi la lên rằng có một tên cướp xông vào nhà bác gác đường tàu, nó cướp của giết người và đang mắc kẹt trong đó, chú ơi, chú xuống cứu gia đình cháu, lẹ lên. Trong khi tôi đang la như vậy, thì từ trên các toa, các chiến sĩ Hồng quân lần lượt nhảy xuống, hoá ra đấy là chuyến tàu chở bộ đội, phải, họ nhảy xuống đường, hỏi: "Có chuyện gì vậy", họ ngạc nhiên, tại sao đang yên đang lành lại ngăn tàu đỗ giữa rừng, giữa dốc, lúc đêm hôm như thế này.
Khi biết đầu đuôi câu chuyện, họ vào nhà, lôi tên cướp dưới hầm ra, hắn rên rỉ, dập đầu van xin, giọng còn thảm thiết hơn cả bé Petia, xin các ông rủ lòng thương hại, hắn nói, đừng giết tôi, tôi sẽ không dám tái phạm nữa. Họ lôi hắn ra đường ray, trói chân tay hắn đặt ngang trên hai thanh ray rồi cho tàu chạy qua. Xử tại chỗ, họ bảo thế.
Tôi cũng chả dám quay vào nhà lấy quần áo nữa vì khiếp quá. Tôi xin họ, các chú ơi, cho cháu lên tàu với. Họ cho tôi lên tàu đưa tôi đi. Sau đó, tôi nói không ngoa chút nào, tôi đã đi có đến nửa trái đất, hết xứ này sang xứ khác, cùng với bọn trẻ lang thang, bơ vơ. Chẳng thiếu chỗ nào tôi không đến. Thật là tự do, thật là sung sướng sau bao nhiêu đau khổ mà tôi phải chịu đựng thời thơ ấu? Tuy rằng tôi cũng gặp không ít tai hoạ và phạm nhiều tội lỗi. Nhưng đấy là chuyện về sau, để lần khác tôi sẽ kể. Còn cái hôm ấy, một nhân viên đường sắt xuống tàu vào nhà làm tờ kê khai tài sản nhà nước ở trong đó và lo liệu cho cuộc sống của bà Marfa. Người ta bảo sau đấy bà ta đã chết ở nhà thương điên. Có người lại nói bà ta lành bệnh và xuất viện.
Nghe xong câu chuyện của Tania, Misa và Nika lặng lẽ đi đi lại lại trong khoảng đất kia rất lâu. Sau đó chiếc xe vận tải chạy tới, cồng kềnh và vụng về rẽ vào bãi. Mọi người bắt đầu chất các hòm lên xe. Misa nói:
- Cậu đã biết Tania là ai rồi chứ, Nika?
- Dĩ nhiên.
- Epgrap sẽ lo liệu cho cô ấy. - Rồi sau một phút im lặng, ông nói thêm - Trong lịch sử đã có mấy lần xảy ra chuyện như thế. Cái được dự tính một cách lý tưởng và cao thượng đã bị vật hoá, trở nên thô thiển. Hy Lạp đã hoá thành La Mã cũng như thế đó, sự khai hoá những Nga đã hoá thành cuộc cách mạng Nga cũng như thế đó. Cậu cứ lấy một câu thơ của Blôc "chúng ta, con đẻ của những năm kinh khủng ở nước Nga", cậu sẽ thấy ngay sự khác biệt giữa các thời đại. Khi Blôc nói như thế, ta cần hiểu câu ấy theo nghĩa bóng, theo lối ẩn dụ. Con đẻ ở đây không phải là con cái, mà là sản phẩm tinh thần, là tầng lớp trí thức, còn chữ khủng khiếp không phải với nghĩa đáng sợ, mà có tính chất tiên đoán ngày tận thế, đấy là hai chuyện khác nhau. Bây giờ thì tất cả cái nghĩa bóng, ẩn dụ đã trở thành nghĩa đen thực sự, con đẻ là con đẻ, khủng khiếp là đáng sợ, đấy, sự khác nhau là ở đó.
5.
Năm năm hoặc mười năm sau, vào một buổi chiều mùa hè yên ả. Misa và Nika lại ngồi với nhau, bên một cửa sổ mở rộng ở trên cao, nhìn xuống thành phố Moskva bao la ở bên dưới.
Họ lần giở các tập văn của Zhivago mà Epgrap đã thu thập được. Họ đã đọc đi đọc lại nhiều lần, đã thuộc lòng đến một nửa. Thỉnh thoảng họ ngừng đọc để trao đổi vài nhận xét hoặc để suy tưởng. Đọc được một nửa thì trời tối, khó phân biệt mặt chữ, họ phải thắp đèn cho sáng.
Ở bên dưới và xa xa, kinh thành Moskva, quê hương của tác giả, nhân chứng của một nửa cuộc đời tác giả, họ thấy Moskva lúc này không chỉ là nơi đã xảy ra các sự kiện kia, mà còn là nhân vật chính của thiên truyện dài, mà tối nay, với cuốn sách trong tay, họ đang đọc tới đoạn kết.
Mặc dù ánh sáng và sự giải phóng, mà người ta mong đợi sau khi chiến tranh kết thúc, không đến cùng với thắng lợi, như người ta vẫn tưởng, song dẫu sao làn gió tự do cũng đã hây hẩy thổi trong suốt những năm sau chiến tranh, hợp thành nội dung lịch sử duy nhất của chúng.
Ngồi bên cửa sổ, hai người bạn nay đã về già, có cảm tưởng rằng cái tự do tâm hồn ấy đã đến, rằng chính vào buổi tối hôm nay, tương lai đã hiện ra rõ rệt dưới các đường phố kia, rằng chính họ đã bước vào tương lai đó và từ nay sẽ sống trong đó. Cảm giác sung sướng thiết tha, yên tâm về cái đô thành thiêng liêng kia và toàn bộ trái đất này, về những người tham gia câu chuyện này còn sống đến tối hôm nay và về con em họ, đang trào dâng trong tâm hồn họ, lới cuốn họ bằng điệu nhạc lặng thầm của hạnh phúc tràn ngập khắp không gian xung quanh. Và tập sách nhỏ trong tay họ dường như cũng biết hết thảy những điều đó, nên đồng tình xác nhận các cảm xúc của họ.
Một số nhân vật:
Yuri Andrevich Zhivago, con của ông Andrey Zhivago, một kỹ nghệ gia triệu phú và bà Maria Nicolaevna. Bác sĩ, người tình của Lara. Kết hôn với Tonia, có con trai Xasa và con gái Maria với nàng.
Epgrap Andrevich Zhivago, em cùng cha khác mẹ của Yuri Zhivago, sau trở thành thiếu tướng Hồng quân, nhiều lần cứu giúp Bác sĩ Zhivago.
Nicolai Nicolaievich Vedeniapin, linh mục, triết gia, cậu ruột của Yuri Zhivago.
Tonia Alexandrovna Gromeko, con gái giáo sư Alexandr Gromeko và bà Anna Ivanovna, cháu ngoại của cụ Ivan Cruyghe - một điền chủ lớn có khu trang trại Varykino.
Lara Fedrovna Ghisa, (người tình của Yuri Zhivago), nữ giáo viên trung học, con gái bà Amelia Karlovna. Kết hôn với Pasa Antipop, sinh được một con gái là Katenka.
Pasa Paplovich Antipop, con của một công nhân đường sắt tên là Pavel Antipop, giáo viên trung học. Sau trở thành một chỉ huy cao cấp của Hồng quân, đổi tên thành Strelnikov, đối địch với tướng bạch vệ Galiulin, vốn là bạn cũ của chàng.
Yuxupka Ghimadetdin Galiulin, con bác lao công Chimazetdin và bà Phatima. Thợ máy, sau đó là trung uý, cuối cùng là tướng bạch vệ.
Vikto Ippolitovich Komarovski, luật sư của cha Zhivago, nhân tình của mẹ Lara (Amelia Karlovna), huỷ hoại đời thiếu nữ của nàng, sau trở thành bộ trưởng trong Chính phủ phản cách mạng ở Sibiri.
Misa Gordon, bạn học của Yuri Zhivago, sau là giáo sư.
Nika Dudorov, bạn học của Yuri Zhivago, sau là giáo sư.
Lavrenti Mikhailovich Kologrivov, nhà doanh nghiệp giàu sang, hào phóng, có vợ là bà Seraphima Philipovna và hai con gái là Nadia (bạn học của Lara) và Lipa.
Aveckia Miculisyn, quản lý của cụ Cruyghe ở trang trại Varykino, có con trai là Liveri (Lesnyc) là một vị chỉ huy đoàn quân du kích trong rừng.
Macken Sapov, gia nhân của gia đình giáo sư Gromeko, có con gái Marina sau này thành vợ không chính thức của Zhivago, sinh với chàng hai con gái (Kapa và Clara).
--------------------------------
1 Ezhov, nguyên Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô trong những năm ba mươi, sau đợt thanh trừng lớn 1937- 1938 đã bị bắt vào đầu năm 1939 và bị án tử hình.
2 Bezocheredeva: không xếp hàng chờ đợi.
3 Bezocheva: không cha.
Bác Sĩ Zhivago Bác Sĩ Zhivago - Boris Pasternak Bác Sĩ Zhivago