A blessed companion is a book, - a book that, fitly chosen, is a lifelong friend,... a book that, at a touch, pours its heart into our own.

Douglas Jerrold

 
 
 
 
 
Tác giả:  M. L. Stedman
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Light Between Oceans
Dịch giả: Hồ Thị Như Mai
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 17
Cập nhật: 2023-06-18 15:51:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Ii.7
êm đầu tiên trở lại Janus gió gào thét quanh buồng đèn, đập vào những mảnh kính cửa dày trên tháp đèn, như cố tìm ra chỗ yếu. Lúc thắp đèn Tom không nguôi nghĩ đến trận cãi vã với Isabel ngay khi con thuyền Hồn Gió vừa rời đảo.
Isabel cứ khăng khăng. “Ta không thể lật lại chuyện cũ được, Tom à. Mình không nghĩ là em cũng từng cố nghĩ cách hay sao?” Cô chụp lấy con búp bê mới nhặt lên từ sàn nhà, ôm chặt nó vào ngực. “Lucy là một đứa trẻ vui vẻ, khỏe mạnh. Đem nó đi bây giờ thật… thật kinh khủng Tom à!” Cô luôn tay gấp tấm trải giường để vào ngăn tủ, đi lại liên tục giữa giỏ đựng đồ và tủ quần áo. “Có ra sao đi nữa, Tom à, thì việc cũng đã rồi. Lucy thương mình, mình cũng thương nó, mình không thể ép nó bỏ đi người cha thương yêu được.”
“Còn người mẹ thương yêu của nó thì sao? Người mẹ khốn khổ vẫn còn sống sờ sờ ra đó! Làm vậy thì công bằng nỗi gì hả Izz?”
Mặt cô bừng bừng. “Vậy mình nghĩ chuyện ta mất đi ba đứa con là công bằng sao? Mình nghĩ chuyện Alfie và Hugh bị chôn cất cách nơi này hàng ngàn dặm còn mình ở đây không một vết trầy xước là công bằng hay sao? Làm gì có công bằng hả Tom, không có gì là công bằng cả! Đời cho sao thì phải nhận vậy thôi!”
Cô ta đã đánh ngay vào chỗ yếu đuối nơi lòng anh. Mãi nhiều năm sau, anh vẫn không thể rũ bỏ cái cảm giác tội lỗi lừa lọc đó – không phải vì anh đã qua mặt cái chết, mà dường như anh đã lừa lọc ngay những người đồng đội của mình, trở về nguyên vẹn khi họ phải trả giá bằng tính mạng, mặc dù lý trí trong anh vẫn biết rằng tất cả chỉ là may rủi. Isabel thấy được cô đã làm chủ tình thế, liền dịu lại: “Tom, ta phải nghĩ tới Lucy.”
“Izzy, tôi van mình…”
Cô ngắt lời anh. “Không nói một tiếng nào nữa, Tom à! Giờ mình chỉ có thể yêu thương con bé như nó xứng đáng được hưởng. Và không bao giờ, không bao giờ làm nó phải khổ!” Cô giữ chặt con búp bê rồi bước nhanh ra khỏi phòng.
Giờ đây khi anh nhìn về phía đại dương với gió dữ dội và sóng ngầu bọt trắng, bóng tối tràn xuống từ mọi hướng. Ranh giới giữa mặt nước và bầu trời trở nên mơ hồ, ánh sáng yếu đi từng giây. Chỉ số trên phong vũ biểu đang xuống thấp. Cơn bão sẽ đến trước khi trời sáng. Tom kiểm tra lại tay nắm bằng đồng trên cánh cửa mở ra ban công, rồi nhìn ngọn đèn quay. Ngọn đèn vẫn quay đều dặn, thản nhiên.
***
Tối hôm đó khi Tom ở ngoài tháp đèn, Isabel ngồi cạnh nôi của Lucy, ngắm con bé chìm vào giấc ngủ. Cô đã phải gắng hết sức để vượt qua cả ngày hôm đó, đầu óc cô vẫn còn quay cuồng như cơn bão ngoài kia. Giờ đây, cô ngồi hát ru, gần như thì thầm, bài hát là Lucy vẫn hay đòi nghe. “Gió thổi về nam, về nam, về nam…” Giọng cô chật vật theo điệu nhạc. “Em đứng bên tháp đèn khi mình đi xa. Bóng đêm tràn xuống mặt biển cuồng sôi. Rồi thấy đâu nữa con thuyền người thương…”
Cuối cùng khi Lucy đã ngủ hẳn, Isabel mở mấy ngón tay bé xíu của con, lấy cái vỏ ốc màu hồng mà con bé cứ đòi cầm chặt. Cảm giác buồn non có từ lúc cô đứng bên tấm bia mộ lại tràn đến, cô ráng nhịn bằng cách miết ngón tay lên những đường xoắn vỏ ốc, tìm chút khuây khỏa trong vẻ mượt mà hoàn hảo, thứ tỉ lệ chính xác trên đó. Con vật làm ra cái vỏ này đã chết từ lâu, chỉ có tác phẩm còn lại. Thế rồi cô dằn vặt nghĩ rằng chồng của Hannah Potts cũng đã chết và để lại tác phẩm còn sống này, chính là đứa con gái bé bỏng đây.
Lucy vung một tay qua đầu rồi nhăn mặt trong chốc lát, bàn tay nắm chặt quanh vỏ ốc vô hình.
“Má sẽ không để ai làm con đau, cưng à. Má sẽ giữ con bình an, lúc nào cũng vậy.” Isabel thầm thì. Rồi cô làm cái việc mà đã mấy năm rồi cô mới làm. Cô quỳ xuống, cúi đầu. “Lạy Chúa, con không mong hiểu được nhiệm màu của Người. Con chỉ mong xứng với phận sự Người giao. Xin Người ban sức mạnh để con đi tiếp.” Trong thoáng chốc, nỗi ngờ vực gào thét ập đến, khiến cô run rẩy, cho đến khi cô tìm lại được nhịp thở của mình. “Hannah Potts…. Hannah Roennfeldt…” cô nói, cố quen với cái ý nghĩ đó, “cũng đang được Người chở che, con biết vậy. Xin Người ban bình an cho chúng con. Hết thảy chúng con.” Rồi cô lắng tai nghe tiếng gió ngoài kia, tiếng đại dương. Sự cô quạnh dần dần phục hồi lại cảm giác an toàn mà hai ngày rồi cô bị tước sạch. Cô đặt vỏ ốc xuống cạnh giường Lucy, để con bé nhìn thấy ngay khi thức dậy, rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng, lại vững lòng như mới.
***
Với Hannah Roennfeldt, ngày thứ Hai tháng Giêng sau buổi lễ rửa tội thật đặc biệt.
Khi kiểm tra hòm thư, cô cứ nghĩ nó sẽ trống không: ngay hôm trước thôi cô vừa kiểm tra rồi. Một thứ thông lệ để giết thời giờ của riêng cô, kể từ buổi lễ Anzac kinh hoàng gần hai năm trước đó. Đầu tiên, cô sẽ ghé lại trạm cảnh sát, đôi lúc chỉ nhìn qua, vẻ dò hỏi, rồi viên cảnh sát Harry Garstone sẽ đáp lại bằng cách lặng lẽ lắc đầu. Khi cô bước ra, Lynch, đồng nghiệp của Garstone sẽ bình luận rằng. “Tội nghiệp thật. Ai mà biết rồi sẽ như vậy…” rồi anh ta cũng lắc đầu, và tiếp tục với mớ giấy tờ. Mỗi ngày cô lại đi đến một bãi biển khác, cố tìm kiếm một dấu hiệu, một manh mối nào đó – mấy mẩu gỗ dạt, một thanh sắt từ cọc chèo.
Rồi cô rút ra từ trong túi áo thư gửi cho chồng và con gái. Đôi khi cô còn gởi kèm mấy thứ khác - một bài báo về gánh xiếc sắp đến thị trấn, một bài đồng dao tự cô viết tay và tô màu trang trí. Cô thả bức thư theo sóng biển, hy vọng rằng khi dòng mực nhòa thấm qua phong thư, ở nơi nào đó, ở đại dương nào đó, dòng thư sẽ đến được với người thương.
Trên đường về cô thường ghé qua nhà thờ, ngồi lặng lẽ ở hàng ghế cuối, ngay cạnh tượng thánh Jude. Đôi khi cô nán lại tới lúc cây bạch đàn marri đổ bóng lênh khênh xuống kính màu trên cửa sổ nhà thờ, rồi cây nến trong tay cô chỉ còn là những bãi sáp nhỏ nguội lạnh. Nơi đây, theo cách nào đó, Frank và Grace vẫn tồn tại, miễn là cô cứ ngồi khuất trong bóng tối. Khi không còn né tránh được nữa, cô đi về nhà, chỉ mở hòm thư khi cô cảm thấy đủ mạnh mẽ để đối mặt với sự thất vọng khi nó trống trơn.
Trong hai năm cô đã viết thư cho mọi nơi mình có thể nghĩ đến – bệnh viện, cảng vụ, các đoàn truyền giáo vượt biển: bất kỳ ai có thể từng nghe thấy gì đó – nhưng cô chỉ nhận được những lời hứa lịch sự rằng họ sẽ báo cho cô biết ngay nếu có tin tức gì của chồng và con gái cô.
Sáng tháng Giêng hôm đó trời nóng nực, mấy con chim ác là hót như thác đổ – những thanh âm vỡ toang ra trên hàng cây bạch đàn dưới bầu trời xanh ngắt như nhuộm. Hannah thơ thẩn đi từ hiên nhà phía trước xuống lối mòn lát đá, cứ như đang mộng mị. Đã từ lâu cô không còn để ý đến đám hoa dành dành, hoa nhài vẫn thả hương ngọt ngào, êm dịu như muốn vỗ về. Hòm thư bằng sắt đã gỉ phát ra tiếng cót két khi cô cố mở nắp – đến hòm thư cũng mệt mỏi, không muốn động đậy, như cô vậy. Bên trong là một mẩu giấy trắng. Cô chớp mắt. Một bức thư.
Con ốc sên đã kịp chạm một đường viền trên đó, mép thư quanh chỗ bị ốc ăn ánh lên như cầu vồng. Không có tem, chữ viết trên bì thư đều đặn, cứng cỏi.
Cô đem bức thư vào nhà, đặt lên bàn ăn, sao cho mép thư thẳng hàng với cạnh bàn gỗ bóng. Cô ngồi trước bức thư một lúc lâu, trước khi cầm chiếc que mở thư có cán chạm ngọc trai lên. Cô rạch phong bì, cẩn thận để không làm rách thứ gì bên trong.
Hannah rút ra một tờ giấy nhỏ lẻ loi. Cô đọc:
Chị đừng lo cho con bé. Nó đang ở nơi an toàn, được yêu thương và nuôi nấng chu đáo, và sẽ luôn như vậy. Chồng chị đã về với Chúa. Tôi mong đọc thư này chị sẽ an lòng.
Hãy cầu nguyện cho tôi.
Căn nhà râm mát, tấm màn cửa đã được kéo lại, che đi ánh nắng gay gắt. Lũ ve sầu rên rỉ trên giàn nho ở hiên sau nhà, tiếng nỉ non dữ dội khiến Hannah thấy tai như ù đi.
Cô nhìn kỹ chữ viết. Con chữ hiện ra ngay trước mắt cô nhưng chúng nhảy múa hỗn loạn, không thể tách bạch được. Tim cô đập mạnh, phổi như nghẹn đi, cô thấy khó thở. Cô từng ngờ ngợ rằng lá thư sẽ biến mất khi cô mở phong bì ra – những chuyện như vậy từng xảy đến với Hannah. Cô từng thoáng thấy bóng Grace trên phố, có lẽ là chút màu hồng thoáng qua như chiếc áo đầm sơ sinh của con, rồi nhận ra rằng đó chỉ là một gói đồ có cùng màu sắc, hay váy áo của một người lạ. Có khi cô chợt thấy bóng của một người đàn ông y hệt như chồng mình, đến nỗi cô chạy theo níu tay áo người ta, chỉ để bắt gặp cái nhìn thảng thốt của một người tưởng chừng như không thể khác Frank hơn nữa.
“Gwen?” cô gọi với, khi cuối cùng cũng bật ra được thành tiếng. “Gwen, em vào đây một lát được không?” Cô gọi em gái từ bên phòng ngủ, cứ sợ rằng nếu cô chỉ động đậy thôi thì lá thư cũng sẽ bốc hơi mất, rằng đó chỉ là thứ ảo ảnh buồn thương.
Gwen vẫn cầm đồ thuê trên tay. “Chị gọi em à. Hanny?”
Hannah không nói gì cả, chỉ dè dặt gật đầu, nhìn về lá thư. Cô em gái nhặt lên. “Ít ra,” Hannah nghĩ thầm, “Mình đã không tưởng tượng ra nó.”
Chỉ trong một giờ sau đó cả hai rời căn nhà gỗ đơn sơ, đến Bermonsey, dinh thự bằng đá trên đồi của Septimus Potts, ngay rìa thị trấn.
“Trong hòm thư, ngay hôm nay?” ông hỏi.
“Đúng thế.” Hannah đáp, vẫn còn hoang mang.
“Ai lại đi làm cái việc này hở cha?” Gwen hỏi.
“Đương nhiên là người nào đó biết rằng Grace vẫn còn sống!” Hannah nói. Cô không thấy cách cha và em gái vội nhìn nhau.
“Hannah con à, chuyện đã rất lâu rồi,” Septimus nói.
“Con biết mà!”
“Ý cha là,” Gwen nói vào, “thật là kỳ lạ vì bao nhiêu lâu chẳng nghe gì cả, rồi đột nhiên lại thế này.”
“Nhưng cũng là manh mối chứ!” Hannah lên tiếng.
“Ôi Hanny,” Gwen lắc đầu.
Buổi chiều hôm đó, hạ sĩ Knuckey, cảnh sát cấp cao ở Mũi Partageuse ngồi vụng về trên chiếc ghế cũ, vừa cố giữ tách trà đặt trên đầu gối to khuỳnh vừa ghi chép.
“Chị không thấy người nào lạ ở quanh nhà hả, chị Potts?” ông ta hỏi Gwen.
“Không có ai cả.” Cô đặt bình sữa xuống chiếc bàn con. “Thường có ai ghé thăm đâu,” cô kể.
Viên cảnh sát ghi chép.
“Rồi giờ sao?”
Knuckey hiểu rằng Septimus đang đặt câu hỏi cho mình. Ông ta nhìn bức thư một lần nữa. Chữ viết ngay ngắn. Giấy thường. Không gởi bưu điện. Từ một người trong vùng? Có Chúa mới biết… quanh đó vẫn còn có người sẽ hả dạ khi thấy một người thân Đức-Hung phải khổ sở.
“Không có gì đáng kể, tôi e là vậy.” Knuckey kiên nhẫn lắng nghe Hannah phản đối, rằng rõ là phải có manh mối gì đó. Ông để ý thấy người cha và cô em gái trông hơi lúng túng, cứ như khi một bà dì dở người bắt đầu huyên thuyên về Chúa Jesus ở bàn ăn.
Khi Septimus tiễn ông ta ra cửa, hạ sĩ Knuckey đội mũ vào rồi hạ giọng “Một trò đùa độc ác, có vẻ như vậy hơn. Tôi nghĩ đã đến lúc quên đi thù hằn với người Đức. Chuyện cũ quá khủng khiếp, nhưng đâu cần phải làm trò kiểu này. Tôi sẽ giữ kín chuyện. Không muốn có người bắt chước.” Ông bắt tay Septimus rồi rảo bước trên lối vào dằng dặc, hàng cây bạch đàn đứng hai bên.
Trở về thư phòng, Septimus đặt tay lên Hannah. “Thôi mà con, cố lên. Đừng nghĩ đến chuyện này nữa.”
“Nhưng con không hiểu cha à. Rõ là con bé còn sống! Nếu không tại sao lại có người mất công đi viết lá thư nói dối một chuyện như vậy, cứ như ở trên trời rớt xuống?”
“Để cha nghĩ xem, hay cha tăng thưởng gấp đôi vậy? Hai ngàn guinea. Nếu có ai đó thực sự biết tin gì, ta sẽ biết sớm thôi.” Septimus rót thêm trà cho con gái. Lần đầu tiên ông không thấy vui lòng khi biết rằng mình khó mà mất tiền được.
***
Mặc dù Septimus Potts là người có máu mặt ở Partageuse, rất ít người có thể tự nhận là thân với ông. Potts rất mạnh tay che chắn gia đình mình, nhưng đối thủ chính của ông, từ xưa đến giờ, vẫn là Số Phận. Năm 1869 khi bước xuống từ con tàu Queen of Cairo, lần đầu đặt chân đến Fremantle, Septimus chỉ mới lên năm. Trên cổ cậu bé là tấm biển nhỏ mà mẹ đã đeo cho cậu khi cay đắng ôm hôn tạm biệt trên bến tàu ở London. Tấm biển ghi chữ: “Cháu là một cậu bé ngoan đạo. Xin hãy thương cháu.”
Septimus là con thứ bảy, cũng là con út của người buôn đồ sắt ở Bermondsey. Septimus chào đời được ba ngày thì người cha cũng từ giã thế gian sau khi bị nghiến nát dưới vó một con ngựa kéo xe đang vùng bỏ chạy. Mẹ Septimus đã rất cố gắng để giữ gia đình nguyên vẹn, nhưng sau vài năm chịu chứng lao phổi, bà biết rằng đã đến lúc phải lo cho tương lai các con. Bà gởi đám con đi đến các gia đình họ hàng quanh London, ở đợ kiếm miếng ăn. Nhưng đứa con út thì quá nhỏ, chưa làm được gì, chỉ là tốn của nuôi, vậy là đường cùng bà xin cho nó một suất đi miền Tây Australia, một thân một mình.
Hàng chục năm sau Septimus hay nói rằng thứ trải nghiệm đó hoặc là đẩy ta tới gần cái chết, hoặc là khiến ta thêm sống dữ dội, rồi ông cho rằng sớm muộn gì mà chẳng chết. Vậy là khi một bà mập mạp, da cháy nắng từ Đoàn truyền giáo vượt biển đến đón cậu bé Septimus, rồi gởi cậu đến một “nhà đàng hoàng” ở miền Tây Nam, cậu cứ vậy mà đi không một lời càm ràm hay thắc mắc. Mà có nói thì cũng có ai nghe? Cậu bắt đầu cuộc sống mới với vợ chồng người làm nghề nhổ cây gỗ đàn hương, Walt và Sarah Flindell ở Kojonup, một thị trấn ở rìa phía đông xứ Mũi. Nhà Flindell là người tốt, nhưng cũng khôn ngoan vừa đủ để biết rằng gỗ đàn hương rất nhẹ, tới đứa trẻ con cũng có thể khiêng vác được, vậy là họ nhận lời nuôi cậu bé Septimus. Với Septimus, sau thời gian ở trên tàu, giờ đâu có được sàn nhà đứng yên một chỗ và những người không ghét bỏ miếng ăn của mình thì thấy thực chẳng khác gì thiêng đàng.
Septimus dần quen với xứ sở mới, nơi cậu được gởi đến như một gói bưu kiện không để địa chỉ, rồi dần cảm mến Walt và Sarah, cảm mến cung cách chân chất của hai người. Căn nhà nhỏ trên mảnh đất vỡ hoang nơi họ ở không có cửa sổ lắp kính, cũng không có nước máy, nhưng những ngày xa xưa đó, dường như khi nào họ cũng thu vén được đủ đầy.
Cuối cùng khi thứ gỗ đàn hương quý mà có lúc từng đắt hơn cả vàng cũng cạn kiệt vì khai thác quá mức, Walt và Septimus chuyển sang làm ở những xưởng cưa gỗ mới mở ở xứ Mũi. Nhờ có các hải đăng mới được dựng dọc theo bờ biển mà việc buôn bán đường biển từ chỗ chỉ là một canh bạc may rủi chuyển thành một thứ rủi ro thương mại có thể chấp nhận được. Đường sắt và cầu tàu xuất hiện, cho phép người ta đốn rừng lấy gỗ, chở đi bất kỳ nơi nào trên thế giới từ ngay tại chỗ.
Septimus làm việc như trâu cày, siêng năng cầu nguyện và xin xỏ được ít chữ nghĩa từ những buổi học với vợ của Cha sở vào thứ Bảy. Nếu không đáng thì đến nửa xu ông cũng không tiêu. Mặt khác Septimus không bao giờ bỏ lỡ cơ hội làm ra tiền. Septimus hơn người ở chỗ ông luôn thấy cơ hội làm ăn trước người ta. Trông ông luôn có vẻ bệ vệ hơn thực tế, mặc dù cả khi đi giày ông cũng chỉ cao hơn một thước rưỡi. Ông luôn ăn mặc chỉn chu, tươm tất nhất có thể. Có nghĩa là đôi lúc Septimus trông cực kỳ bảnh, còn thường thì chí ít cũng ăn vận sạch sẽ khi đi lễ nhà thờ Chúa nhật. Khi cần, mặc cho đêm hôm khuya khoắt, ông cũng sẽ chịu khó đi giặt đồ để giũ sạch mạt cưa sau một ngày làm việc quần quật.
Nhờ đó mà năm 1892 Septimus gặp thời khi một nam tước mới được phong từ Birmingham đi thăm thuộc địa, muốn tìm kiếm một xứ xở xa lạ để đầu tư chút ít. Septimus chộp ngay lấy thời cơ khởi nghiệp, thuyết phục được vị nam tước kia bỏ tiền vào một phi vụ đất đai nho nhỏ. Septimus tài tình làm món đầu tư ban đầu sinh lời gấp ba, rồi với chút liều lĩnh có tính toán và sự khôn khéo vốn có, ông dùng phần được chia, tái đầu tư, rồi nhanh chóng có được cơ nghiệp riêng. Tới khi thuộc địa sáp nhập vào nước Australia khai sinh năm 1901, Septimus đã trở thành một trong những đầu nậu buôn gỗ giàu nhất trong hàng dặm quanh đó.
Việc làm ăn ngày càng phát đạt. Septimus cưới Ellen, người đẹp đến từ Perth. Hannah và Gwen ra đời. Dinh cơ Bermonsey của nhà Potts trở thành biểu tượng giàu sang thành đạt ở miền Tây Nam. Thế rồi, vào một trong những buổi tiệc dã ngoại trong rừng vốn từng được nhiều người trầm trồ đó, nơi có các tấm trải và những món đồ bạc sang trọng, người vợ yêu quý của Septimus bị rắn hổ cắn. Ngay trên mắt cá chân mang ủng da dê màu nhạt. Chỉ trong một giờ sau đó, bà ngấm độc mà chết.
Cuộc đời… Septimus ngẫm ngợi khi hai con gái đã ra về: ta không thể trông gì ở cuộc đời khốn nạn này cả. Đời cho ta thứ gì thì lấy đi thứ khác. Đứa bé ra đời, cha con hòa thuận trở lại, thế rồi người con rể và đứa cháu ngoại mất dạng, để lại đứa con gái đau khổ thân tàn ma dại. Giờ đây lại có kẻ muốn khuấy nước chọc bùn. Thôi thì sống hôm nay làm sao biết được ngày mai.
***
Hạ sĩ Knuckey ngồi ở bàn giấy, gõ mũi bút chì xuống cuốn sổ nháp, ngắm vết chì mỏng manh chạy dài. Một người đàn bà khốn khổ tội nghiệp. Cô ta có lỗi gì khi mong muốn đứa bé vẫn còn sống? Irene, vợ của hạ sĩ, thi thoảng vẫn khóc thằng nhóc Billy, mặc dù đã hai mươi năm kể từ ngày nó chết đuối, lúc vừa chập chững. Sau đó hai người có thêm năm đứa con nữa, nhưng nỗi đau cứ luẩn quẩn quanh họ.
Thực lòng mà nói khả năng đứa bé còn sống gần như không tưởng. Dù vậy ông ta vẫn rút ra một tờ giấy và bắt đầu bản tường trình sự việc mới. Ít nhất người đàn bà họ Roennfedlt cũng xứng đáng có đầy đủ thủ tục.
Ánh Đèn Giữa Hai Đại Dương Ánh Đèn Giữa Hai Đại Dương -  M. L. Stedman Ánh Đèn Giữa Hai Đại Dương