Số lần đọc/download: 0 / 122
Cập nhật: 2021-09-12 20:51:51 +0700
Ông Già Và Con Chó - Dương Hùng Chí
T
rưa hè. Mặt trời đứng bóng. Dưới cây ngô đồng râm mát cạnh đường cái huyện ở Quan Trung, một cái hòm gỗ vuông vắn viết hai chữ to đập vào mắt mọi người: Quyên Góp. Hai cô gái trẻ xinh đẹp trông coi hòm. Một cô tóc chấm vai, một cô tóc ốp. Bên cạnh còn một chàng trai đeo kính râm, tay cầm loa pin đang diễn thuyết: "Thưa các đồng chí, các bạn cùng toàn thể bà con anh chị em. Thưa các thầy cô giáo cùng các em học sinh. An Huy và Chiết Giang bị nạn lụt. Đồng bào hai tỉnh đang đau khổ, hoạn nạn. Một nỗi khó khăn, tám nơi chi viện, mọi người chúng ta hãy phát huy tinh thần hợp tác cộng sản chủ nghĩa, tích cực đóng góp. Năm xu một hào cũng được, tám đồng mười đồng càng hoan nghênh, tự nguyện tự giác là chính, số tiền không hạn định, nào xin mọi người đóng góp, mau mau góp tiền làm điều lành việc thiện."
Nghe lời tuyên truyền cổ động của chàng trai, người qua đường xúm lại góp tiền. Bà cụ nhà quê bán trứng gà đến góp. Ông cán bộ nghỉ hưu tóc bạc phơ đến góp. Các em học sinh có mấy xu ăn kem cũng bớt lại cho vào hòm đóng góp. Dòng người đến góp mỗi lúc một đông, khí thế đã nhộn nhịp, lại nghiêm trang.
Chàng đeo kính, cô tóc chấm vai và cô tóc ốp là phân đội nhỏ quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị nạn dưới sự lãnh đạo của văn phòng ủy ban huyện. Chàng đeo kính là phân đội trưởng. Anh là trợ lý thông tin của văn phòng ủy ban huyện, là sinh viên khoa văn, từng đuọc đăng mấy bài thơ nhỏ trên báo chí. Điều này làm cho hai cô gái xinh đẹp đang chờ việc phục sát đất, vui vẻ làm nghĩa vụ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của anh. Chàng đeo kính cũng vui vẻ kết bạn với hai cô gái đẹp mê hồn. Bạn gái cũ của anh tuy cũng là người tài, tiếc rằng không xinh lắm. Chàng đeo kính cảm thấy dẫn dắt các cô gái xinh đẹp trở nên thông minh dễ hơn dẫn dắt các cô gái thông minh trở nên xinh đẹp. Bởi thế, anh nhiệt tình với hai cô gái.
Chẳng mấy chốc đã xế chiều. Chàng đeo kính bảo hai cô gái sửa soạn thu dọn. Hai cô mở hòm kiểm kê tiền. Bỗng cô tóc chấm vai reo lên "Mau lại xem này!" Nói rồi cô đưa tờ giấy cho chàng trai. Chàng trai cầm xem. Thì ra một tờ phiếu gửi tiết kiệm mức cao 2 vạn tệ. Chủ hộ là lão Hoàng. Cả ba ngẩn người. Nghĩ mãi cũng không tài nào nhớ ra người nào có cử chỉ đặc biệt trong dòng người đến góp tiền. Cá nhân góp hai vạn tệ là chuyện có một không hai trong cả huyện. Chàng kính râm ba chân bốn cẳng phóng thẳng về văn phòng báo cáo chủ nhiệm. Chủ nhiệm hăm hở báo ngay lên chủ tịch huyện. Chủ tịch huyện lập tức chỉ thị: "Đi phỏng vấn lão Hoàng, phát thanh biểu dương trong toàn huyện, xem ra tình hình làm ăn kinh tế huyện nhà khấm khá lên trông thấy."
Đương nhiên, nhiệm vụ phỏng vấn được giao cho chàng đeo kính. Anh vừa là trợ lý thông tin, vừa là người có mặt tại chỗ. Viết bài biểu dương lão Hoàng là nghĩa vụ không thể từ chối, là trách nhiệm không thể gạt cho ai. Vậy là, không để chậm trễ, đã nói là làm, chàng đeo kính dẫn hai cô gái cùng đi.
Hôm sau, đem theo giấy giới thiệu của ủy ban huyện dựa vào đầu mối ghi trên phiếu gửi tiền, ba người đến ngân hàng trước. Sau khi nói rõ đầu đuôi sự việc, họ dễ dàng tìm ra địa chỉ của lão Hoàng ở ngân hàng: thôn Đông Doanh, phố Đông, thị trấn Thành Quan. Cô tóc ốp bảo biết nơi đó, ở phía sau tòa nhà gia đình ủy ban huyện. Chàng đeo kính liền giao cho cô tóc ốp dẫn đường, ba người kéo thẳng đến thôn Đông Doanh.
Đầu thôn Đông Doanh có đám đàn bà con gái giặt quần áo đang trò chuyện vui vẻ. Chàng đeo kính vượt lên trước, lễ phép hỏi:
— Thưa các thím, các chị, các em, xin phép cho hỏi nhà đồng chí Hoàng ở đâu?
Trong đám người có một chị béo tốt vui vẻ:
— Cậu khéo mồm khéo miệng lắm, thảo nào còn mang theo hai người đẹp. Thôn này không có ai họ Hoàng.
Chàng đeo kính rất ngạc nhiên. Trong lúc phiền lòng, có một người đứng tuổi vác cuốc đi đến, nhìn chàng đeo kính, hỏi:
— Anh hỏi thăm lão Hoàng?
Chàng trai vội đáp:
— Vâng! Tôi hỏi thăm nhà đồng chí Hoàng.
Người đàn ông đứng tuổi rất phân vân:
— Sao lão Hoàng lại là đồng chí của anh nhỉ? Nhưng anh muốn tìm nhà thì kia.
Nói rồi, giơ tay chỉ, chàng đeo kính nhìn theo, thấy ở mạn nam của thôn có một ngôi nhà nhỏ riêng biệt, tường trắng mái đỏ, cây cối um tùm, trông cũng xinh đẹp yên tĩnh. Anh cảm ơn người đàn ông đứng tuổi, dẫn hai cô gái đi. Từ sau lưng, chị béo tốt ném theo một câu:
— Lão Hoàng thế nào nhỉ?
Chàng đeo kính quay đầu đáp:
— Lao Hoàng làm việc tốt.
— Cái gì? — Chị béo cười, đứng dậy — Lão Hoàng biết làm việc tốt á?
Cả đám đàn bà con gái cười hô hô, cuời ầm ĩ, cười đến mức chàng trai và hai cô gái chẳng hiểu thế nào cả.
Ba người bước vào căn nhà nọ, chàng đeo kính cất tiếng gọi: "Lão Hoàng..." Chưa dứt lời, không biết từ chỗ nào, bỗng một con chó xộc tới, nhe hàm răng nhọn hoắt xông vào cắn. Cô tóc chấm vai và cô tóc ốp sợ hết hồn, kêu toáng lên. Chàng đeo kính cũng mất vía đứng ngây. Giữa lúc gay cấn, may sao chủ nhà đã ra, huýt một tiếng sáo, con chó thay đổi ngay thái độ, vẫy đuôi mừng ba người khách lạ. Cô tóc chấm vai và cô tóc ốp vừa nhìn, cùng "a" lên một tiếng. Thì ra các cô đã gặp chủ nhà. Hôm qua, lúc quyên góp tiền chủ nhà này cũng có mặt trong dòng người, tuổi đã cao, đội chiếc mũ nan rách, tay dắt con chó lấm láp. Lúc ấy, nhìn thấy ông lọ mọ bên chiếc hòm đựng tiền, hai cô gái còn quát: "Đồ ăn mày, ra ngoài kia." Lẽ nào hai vạn đồng quyên góp lại là ông? Ông kiếm đâu ra ngần ấy tiền. Có tiền sao ông ăn mặc như vậy? Bỗng chốc cả ba đớ người.
Chỉ thấy ông già hây một tiếng, con chó theo lệnh vào nhà lôi ra ba cái ghế đẩu, lần lượt đặt cạnh chiếc bàn đá dưới gốc cây trong sân, sau đó lấy đuôi lau bụi trên ghế, rồi giơ một chân trước lên ra vẻ mời ba người khách ngồi. Chàng đeo kính cảm thấy là lạ. Hai cô gái cảm thấy ngượng ngùng vì hôm qua trót mắng ông già. Ông già hình như vẫn chẳng để tâm tới việc ấy, cười hề hề mời khách ngồi. Cô tóc chấm vai đỏ mặt, thưa:
— Ông ơi! Chỉ tại chúng con có mắt mà chẳng nhận ra Thái Sơn, trưa hôm qua trót gọi ông là đồ ăn mày, mong ông tha lỗi cho chúng con.
Có tóc ốp cũng nói:
— Con cũng xin lỗi ông. Không ngờ ông là hộ chuyên siêu vạn đồng, tư tưởng giác ngộ rất cao.
Ông gia cười đáp:
— Không! Không! Không! Tôi đâu có phải là hộ chuyên vạn đồng.
Chàng đeo kính râm nói:
- Ông khiêm tốn quá, hộ chuyên vạn đồng là đại biểu của lực lượng sản xuất ở nông thôn rất vẻ vang đấy.
Ông già trịnh trọng giãi bày:
— Tôi đúng là ông lão độc thân nằm trong 5 đối tượng giúp đỡ của nhà nước. Nếu không được chính quyền cứu tế, cũng sẽ thành kẻ ăn mày thật. Chính sách của Đảng Cộng sản tốt đấy, anh chị em xem, ngoài trợ cấp ăn, mặc, dùng, thôn còn dựng nhà cho tôi, mua cho hẳn một cái ti-vi. Tôi chẳng phải lo nghĩ, vướng víu gì sất, sống rất tự do thoải mái. Ngồi xuống! Mời ngồi xuống nói chuyện.
Chàng đeo kính, cô tóc chấm vai và cô tóc ốp ngồi vây quanh bàn đá. Chàng đeo kính thắc mắc:
- Thưa ông, ông không phải là hộ chuyên vạn đồng, vậy hai vạn đồng ông góp ủng hộ vùng mắc nạn...
Ông già cười hà hà:
— Ồ! Anh hỏi hai vạn đồng ấy ư? Có đấy! Có đây>
Chàng đeo kính rút giấy bút ra thúc giục:
— Vậy xin ông cho biết những suy nghĩ khi góp tiền ủng hộ vùng bão lụt. Có phải ông nghĩ đến nhân dân vùng bị nạn là những anh em ruột thịt của chúng ta? Tinh thần hợp tác cộng sản chủ nghĩa của ông đã được phát huy dưới sự gợi mở động viên của chủ tịch huyện có phải không? Chủ tịch huyện bảo tôi viết bài biểu dương ông trên đài truyền thanh huyện. Xin ông hãy nói lại sự tích tiên tiến của mình, không nên khiêm tốn, không ngại gì cả, bụng nghĩ thế nào ông nói thế.
Ông già véo một điếu thuốc cho vào tẩu châm lửa hút, vừa chậm chạp hút, vừa lạnh lùng nói:
— Tôi chưa được nghe báo cáo động viên của chủ tịch huyện. Giác ngộ của tôi cũng không cao. Chủ tịch huyện có muốn biểu dương thì bảo ông ấy biểu dương con chó.
Không khí trở nên bế tắc. Các lần phỏng vấn trước đây, chưa lần nào chàng đeo kính gặp trường hợp gay cấn như thế này, bỗng chốc anh thấy không biết xoay sở ra sao. Cô tóc chấm vai và cô tóc ốp thấy ông già này bí hiểm quá, tính nết kỳ cục quá, vừa nãy còn trời quang mây tạnh, sao bỗng nhiên sấm chớp đùng đùng? Dù sao chàng đeo kính râm vẫn là sinh viên có nghiền ngẫm sách vở. Anh nhớ có một quyển sách viết: Mỉm cười là ngôn từ tốt nhất. Vậy là anh cố mỉm cười, lễ phép nói:
— Thưa ông Hoàng, xin ông bớt giận.
Ông lão ngạc nhiên hỏi:
— Ông Hoàng ư? Anh gọi lão Hoàng là ông ư?
Chàng đeo kính tiếp tục mỉm cười đáp:
— Vâng, đúng vậy! Ông không phải là ông lão Hoàng ư?
Ông già nhăn nhó nói:
— Râu ông nọ cắm cằm bà kia rồi. Lão Hoàng là con chó của tôi, con chó của tôi tên là Lão Hoàng. — Vừa nói, ông vừa gọi ra ngoài. — "Lão... Hoàng, về đây, con chó này mày tốt số lắm.
Nghe tiếng gọi, con chó chạy lại sà vào lòng ông già. Vừa vuốt ve con chó, ông vừa khoe:
— Đây là con chó lông vàng, người trong thôn gọi nó là Lão Hoàng...
Nghe đến đây, hai cô gái không nín được cười, liếc nhìn chàng đeo kính, hỏi:
— Còn gọi Lão Hoàng bằng "ông" nữa không nào?
Chàng trai ngượng nghịu lắc đầu, tự giải thoát:
— Lầm lẫn là chuyện thường phải không nào?
Hai cô gái càng nghĩ càng thấy hay, càng nghĩ càng cười không dứt, lây sang cả ông già. Không khí lại trở nên hòa nhập.
Nhắm trúng thời điểm, chàng trai lái câu chuyện đi vào chủ đề chính:
— Thưa ông lão Hoàng... Ấy chết xin lỗi, thưa ông lão Thường. Vậy tại sao phiếu gửi tiền, ông lại viết tên lão Hoàng?
Nghe hỏi vậy, ông lão tỏ vẻ nghiêm lúc trang trọng, đứng dậy bảo cả ba người:
— Xin anh chị đi theo tôi.
Ba người theo ông già đi vào bếp, thấy một đống hộp giấy đóng gói rất đẹp, sặc sỡ ở góc tường. Ba người lật xem nào là hộp bánh điểm tâm, nào là hộp bánh nướng trung thu, nào là hộp bánh ga-tô sinh nhật, toàn loại xịn hoa cả mắt. Chàng đeo kính chẳng hiểu ra sao, những hộp bánh này có liên quan gì tới tấm phiếu gửi tiền tiết kiệm. Cô tóc chấm vai và cô tóc ốp đầu óc giản đơn hơn, cứ xuýt xoa hâm mộ:
— Mức sống của ông cao thế này, còn bảo không phải hộ chuyên vạn đồng?
Ông già nhăn nhó cười:
— Nào có phải của tôi, tôi làm gì có diễm phúc được hưởng những thứ sang trọng ấy.
— Thế là thế nào?
— Toàn là những thứ từ nhà tầng gia đình ủy ban huyện vứt xuống, vứt vào đống rác, lão Hoàng lôi từ các đống rác về cho tôi ăn. Tôi dỡ ra xem thì đã mốc, biến chất cả. Người xơi chẳng được, tôi cho lão Hoàng ăn. Chỉ như vậy chẳng kể làm gì, khốn nỗi trong những hộp ấy có cả tiền! Toàn tiền to năm mươi, một trăm đồng, khiến tôi run lên như nằm mê. Đem trả lại người ta? Không biết là ai. Giữ để tiêu ư? Tôi lại không biết tiêu, tiếc không tiêu và cũng không dám tiêu! Kệ xác nó, tiền lão Hoàng tha về, thì cứ gửi với cái tên của nó. Sau này tôi và lão Hoàng chết đi, không ai lĩnh, đương nhiên là của chung. Mấy ngày vừa rồi, xem vô tuyến truyền hình thấy An Huy, Chiết Giang bị nạn lụt, đang buồn chưa tìm ra cách nào gửi khoản tiền này đi, thì thấy các anh các chị tổ chức động viên quyên góp trên chợ, tôi đã thay lão Hoàng góp số tiền ấy. Điều tôi nói toàn bộ là việc có thật, tin hay không do các anh các chị.
Nghe ông già nói, hai cô gái luôn mồm xuýt xoa, chàng đeo kính thì suy nghĩ lung lắm. Anh nghĩ bụng con chó thì chẳng thể nào biểu dương, ông già Thường cũng không thể biểu dương công khai. Bởi vì đóng góp tiền ông già đâu có thăng hoa về tư tưởng, lời lẽ cũng đâu có hùng hồn mạnh mẽ giống như các nhân vật tiên tiến. Vấn đề lúc này không phải là biểu dương mà dường như là khiển trách. Song khiển trách ai? Đồ ăn cao cấp bị mốc, biến chất là do chất lượng sản xuất kém, hay do chủ nhà để quá lâu? Ngay chuyện để quá lâu cũng phải mổ xẻ ra, do để quên hay ăn chẳng hết? Do chủ nhà mua nhiều quá còn thừa, hay do người ngoài biếu cho quá nhiều? Quà biếu sao đút cả tiền mặt? Đó ngấm ngầm học Lôi Phong trợ giúp, hay hối lộ người ta? Nếu là hối lộ thì kẻ hối lộ là ai? Chủ nhân đổ tiền hối lộ với bánh mốc vào đống rác chứng tỏ chủ nhân không nhận hối lộ. Ngày xưa Dưong Tử quyên tiền ngoài đồng, còn bây giờ có kẻ quyên tiền trong đống rác. Không thế đánh lộn sòng chuyện này...
Càng suy nghĩ, chàng đeo kính càng mụ mị, bế tắc... Xưa nay anh luôn tự cho mình đầu óc phát đạt, trí lực cao siêu, vậy mà lúc này anh cảm thấy thiếu thốn trí thức vô cùng. Anh hàm hồ nói với ông già:
— Thưa lão Thường, tình hình ông cung cấp rất có giá trị tham khảo, tôi sẽ phải viết về lão Hoàng. Nó sẽ xuất hiện trong thơ ca hoặc tiểu thuyết của tôi.
Đến thăm ông già trở về, chàng kính râm cảm thấy vấn đề hóc búa, liền báo cáo toàn bộ tình hình với chủ nhiệm. Nghe xong, chủ nhiệm thở dài liên tục:
— Có chuyện này à? Có chuyện này à?
Chàng kính râm hỏi:
— Có viết bài biểu duơng nữa không?
Chủ nhiệm đáp:
— Không viết nữa.
Chàng kính râm lại hỏi:
— Vậy chủ tịch huyện hỏi thì nói thế nào?
Chủ nhiệm đáp:
— Không báo cáo với chủ tịch huyện nữa, mỗi ngày chủ tịch huyện có hàng chục chỉ thị, biết đâu đã quên mất. Chúng mình phải giữ kín chuyện này, không được dễ loang ra. Loang ra chúng ta chẳng đẹp mặt gì đâu. Gọi chó là đồng chí, là ông người ta cười cho thối mũi.
Nói xong, chủ nhiệm lại thở dài thườn thượt.
Chàng kính râm im lặng suy tư...
VŨ CÔNG HOAN dịch