Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Chương 2
L
ão Êpiphan Crivôrucốp chẳng dừng nán lại ở Narưm, cũng như ở Kargaxốc. Cả ở hai nơi họ ngủ lại đêm, nghỉ ngơi, cho ngựa ăn - và lại lên đường đi tiếp. Thậm chí không rẽ vào các cửa hiệu, bỏ đi ngang qua các tửu quán và quầy rượu. Lão Êpiphan rõ ràng vội vã đi đâu đó. Pôlia đã thử dò hỏi bố chồng, vì sao mà phải hối hả như vậy. Nhưng đáp lại, lão Êpiphan chỉ láu lỉnh nheo một mắt và phả trùm lên cô những cụm hơi tuôn ra từ mồm lão trong giá lạnh, cười khẩy mà rằng:
- Kẻ nào ngồi ngáp dài, Pôlia ạ, kẻ đó chỉ có mà nốc nước lã.
«Chắc rằng chúng ta sẽ dừng lại ở Uxti-Tưm. Ở đấy thời gian này dân Ôxchiác và Tunguxơ mang lông thú từ các cánh rừng tùng bách kéo ra, - Pôlia đoán định như vậy và tự làm yên lòng mình: - Mà mình thì thế nào mà chẳng vậy? Đi tiếp hay dừng nghỉ? Bây giờ cứ là qua ba bốn tuần nữa là ít mới có thể quay trở về nhà».
Nhưng mới lạ lùng sao: cả ở Uxti-Tưm lão Êpiphan cũng không lưu lại. Sau khi ngủ trọ đêm, họ lại theo con đường nhẵn lỳ vết xe trượt phóng tiếp lên phía bắc. «Không lẽ ông Êpiphan định tìm đến tận Xurgut ư? Ở đấy ông ta mới móc được mối lời nào thế không biết?» - Pôlia nghĩ, từ trong xe đưa mắt ngắm nhìn trời đất bao la không cùng không tận.
Nếu như ở Narưm mùa hè cũng đã buồn tẻ và đơn điệu, thì về mùa đông chẳng còn có gì phải nói nữa. Đưa mắt nhìn bất cứ về đâu - đều chỉ có tuyết, tuyết và tuyết. Một mầu trắng đến chói mắt. Không chỉ những ao hồ và sông lạch, đồng cỏ và bãi lầy mới phủ đầy tuyết - mà cả những cánh rừng ven bờ cũng lút đến tận tán cây trong tuyết. Họa hoằn lắm trên cánh đồng trắng mênh mông này mới có một vết nâu nâu và ven chân trời thoáng hiện một dải đen sẫm. Khi nheo mắt và cố hết sức căng mắt nhìn, thì ở đây không cần phải đoán phỏng cái gì đen sẫm ở đấy nữa. Cho dù giá lạnh ở đây đôi khi có mạnh đến mức nào đi nữa, bão tuyết có lồng lộn đến chừng nào đi nữa, mảnh đất Narưm vẫn cứ sống cuộc sống tiềm ẩn của mình. Trong thiên nhiên không có sức mạnh nào có thể cùm xích mảnh đất này đến chết hẳn. Những vết nâu nâu trên tuyết không hơn không kém chính là chỗ nước không đóng băng. Những mạch nước bung lên từ lòng đất, bắn lên trên mặt đất thứ nước váng vàng, và không có thứ tuyết nào có thể xóa đi cái màu vàng rộm, ánh đỏ này. Đôi khi tuyết rơi kéo dài đến nửa ngày không hết. Chà, cứ tưởng rằng vệt nâu biến đi vĩnh viễn! Nhưng không, xem kìa, sau một hai ngày tuyết lại đã thấm màu gỉ sắt, như thể lần băng vải thấm máu vết thương mới. Còn những dải đen đen đằng xa - đó là mép những rừng tùng bách Narưm. Gần như trên suốt chiều dài của nó, sông Ôbi chẩy dưới sự giam hãm giữa đôi bờ cao hai tầng. Tầng thứ nhất - đó là hai rìa bãi bồi, mùa nước lũ con sông hùng mạnh tung hoành sức lực của mình ở đó. Bấy giờ hai bờ của nó mở rộng ra tới năm, mười vécxta, có khi hơn nữa. Chỉ có những bờ dốc và những ngọn đồi phủ đầy rừng cây tới hàng trăm hàng nghìn vécxta, mới kìm giữ được tính khí hung tợn của con sông tràn nước này. Đến đây thì, dù nó lồng lộn cuộn sóng đến thế nào chăng nữa, dù dòng chảy của nó cọ xát những lưỡi sắc vào thành đất dồn nén hàng bao thế kỷ nay đến thế nào chăng nữa, - nó cũng không thể vùng thoát đi đâu. Lục địa - ở Narưm người ta gọi cái đất rắn không bị nước lũ tác hại này như vậy. Dân trong hạt biết rất rõ tính khí khắc nghiệt của con sông. Những làng nhỏ, những khoảnh đất phá hoang, những trại du mục của dân Ôxchiác và Tunguxơ nhất thiết làm dốc theo bờ lục địa, ở đây, dưới sự che chở của các cánh rừng tùng bách và bá hương, sống yên ổn hơn không chỉ trong mùa nước lũ - mùa xuân và mùa hè, mà cả vào mùa đông, khi những trận bão tuyết bốc từ mặt những con sông, những cái hồ đóng băng các lớp tuyết phủ, ném tung cao lên đến tận trời mây và mặt đất chìm đắm trong màn tối mịt mùng; như thể cái thân cây khô mục nặng nề dầm dề đầy nước ngâm dưới sông.
Pôlia ưa thích khoảng rộng bao la không bờ không bến của Narưm. «Đất mới rộng làm sao! Chính nơi đây cả gió lẫn con người đều tha hồ chơi dạo», - cô nghĩ bụng. Nhưng khoảng rộng trắng xóa thầm lặng mau chóng làm cho cô bải hoải, gieo vào lòng nỗi sầu muộn. Pôlia nhắm mắt lại, mơ màng nửa tỉnh nửa mê. Trong ký ức lộn xộn hiện về những cảnh cô đã sống qua. Khi thoáng hiện một mảnh thời thơ ấu, khi lại hồi tưởng một chi tiết ở đám cưới, có lúc đột nhiên lại hiện lên gương mặt của người chạy trốn mà mùa thu vừa qua cô đã cứu thoát khỏi đòn trừng trị của bọn lính canh và đám mugích say rượu. Chao ôi, gương mặt của chàng trai đó thật là khó có thể quên được!.. Cặp mắt nâu sẫm đầy cảnh giác, toàn thân căng thẳng... Chòm râu nhỏ mà anh ta cố ý nuôi để che giấu tuổi trẻ của mình và có vẻ giống một ngư dân sông Ôbi, cong lại vểnh lên, như đám chồi. Trong mỗi một cử động của thân thể đều biểu lộ sự sẵn sàng vọt nhẩy, như một con thú. Có thể biến mất trong nháy mắt, mà cũng có thể giáng một đòn lanh lợi và mạnh đến bất ngờ.
Để xua cơn buồn ngủ, Pôlia mở mắt ra, nhìn ra những khoảng rộng bao la trong vài phút, quan sát cái dải đen đen của lục địa chạy đằng chân trời, lúc dịch lại gần, khi lùi về xa, nhưng chẳng bao lâu hai mí mắt lại khép dính lại, trở nên đờ đẫn khổ sở.
Lại hiện lên những cảnh sống qua, nhưng bây giờ, che lấp những gương mặt và những đồ vật thoáng qua, đôi mắt của cha cô cứ nhìn cô không dứt: đôi mắt to, chìm sâu dưới những hàng lông mi rậm, tư lự và u buồn. Hệt như chúng đã nhìn cô ba ngày trước đây trong giờ chia tay. Rồi qua tiếng rít rít kéo dài của tuyết dưới càng trượt của cỗ xe, nghe thấy tiếng nói của người cha ấy: «Cha con mình sẽ ngồi vào bên bàn và sẽ chuyện trò lâu, rõ thật lâu...» Cái đó có nghĩa là thế nào nhỉ? Sự nghiêm trang ấy có nghĩa gì? Cha muốn nói một điều gì đó khác thường, hoàn toàn bất ngờ... Mà có thể như thể này chăng: cha sẽ nói cho cô hay một điều bí mật, điều bí mật khủng khiếp... «Này con có biết không, Pôliusca, thực ra con hoàn toàn không phải là con gái bố, mà là con người khác... Và mẹ Phơrôxia hoàn toàn không phải mẹ con... Và ông Phêđốt cũng không phải ông ngoại con, mà là người xa lạ, như bất cứ một ông già nào gặp ở ngoài đường ấy...» Trời ơi! Sống trên đời này mà không có người thân thiết... ruột thịt thì thật là bất hạnh làm sao!.. Còn anh Nhikipho? Anh ấy là chồng đấy... Nhưng anh ấy theo xe hàng hóa đi Tômxcơ rồi và không trở về nữa... Không bao giờ còn trở về nữa, bởi vì dọc đường băng đã tan vỡ dưới vó ngựa của anh và anh đã chết chìm cùng với cỗ xe hàng...»
Pôlia giật thót, lo sợ ngửng phắt mái đầu. Từ đáy lòng cô thốt ra một tiếng rên rỉ.
- Pôlia, con mê thấy một điều gì chẳng lành. Con vừa kêu lên mà, - đưa mắt liếc nhìn Pôlia, lão Êpiphan nói, giọng cười cợt. Lão ngồi bên cạnh nàng dâu, và cũng như nàng dâu, trùm kín tùm hụp từ đầu xuống trong tấm áo choàng da hươu... Suốt chặng đường lão ngồi im lặng, thỉnh thoảng mới quát tháo con ngựa bị phủ trên thân một lớp sương giá.
Pôlia không muốn kể chuyện cô vừa mê thấy. Thiếu gì cách lão Êpiphan có thể xuyên tạc chuyện cô cởi mở kia chứ...
- Con thiu ngủ, và tưởng mình bị ngã xuống hố sâu, nên kêu đấy, - Pôlia nói, vì cứ ngồi im cũng không tiện.
- Trong mê thì có thể thấy thiếu gì chuyện. Có lần ta thiếp đi và thấy mình trong gương. Cặp mắt và bộ dạng dường như là của ta, nhưng ở ngực lại là cái bờm, còn trên đầu có đôi sừng như hươu, còn thay vào ngón tay ngón chân là các cái vó. Ta choàng tỉnh dậy mồ hôi đầm đìa. Và chú ý là ta không hề say tí chút nào đâu. Người khác thì hẳn đã nhũn ra vì sợ hãi, nhưng ta bật ngay dậy và ra ngay bình nước rửa mặt. Ta rửa sạch ngay tất cả cái chuyện ma quỷ ấy. Con có muốn, ta cho dừng xe, con xuống lấy tuyết mà xát vào má, - lão Êpiphan ngỏ ý khuyên nhủ. Pôlia từ chối, mặc dù thâm tâm cô quả muốn chạm đến cái gì đó lành lạnh. Cô đưa lưỡi rà liếm môi, hít mạnh không khí giá lạnh qua mũi. Cảm thấy có phần dễ chịu hơn.
- Không quen, nên con khó chịu đấy, Pôlia ạ. Chứ ta đây dù đi qua hàng ngàn vécxta - ta vẫn cứ bình thường. Nhưng mà không sao, con sắp được nghỉ ngơi rồi, ta còn phải đi không bao xa nữa.
Lão Êpiphan thúc con ngựa trước, quay lại, giơ roi dọa con ngựa đi sau, thắng vào chiếc xe trượt. Con ngựa ấy đã mệt mỏi, kéo căng giây cương đến hết mức.
- Mày cứ sinh lười đi, sinh lười đi! Ta sẽ lấy roi quất vào sườn mày bây giờ!
Con ngựa lúc lắc bờm, cất vó nhanh hơn - rõ ràng là nó đã hiểu chủ nó muốn gì ở nó.
o O o
Sau chuyện đó họ còn đi, đi mãi, còn sự nghỉ ngơi mà lão Êpiphan hứa không hề thấy. Pôlia lại nửa tỉnh nửa mê. Bỗng chợt, mở mắt ra, cô nhìn thấy là xe họ đang đi trên con đường không bằng phẳng, rắc đầy tuyết chưa hề bị vết xe lao qua, theo một hành lang hẹp xuyên qua rừng tùng rậm rạp. Pôlia liền hiểu rằng họ đã rời con đường chính rẽ vào một đường làng nào đó.
- Chúng ta đã đi xa chưa thế, thưa cha? - Pôlia hỏi, tránh chữ «đi đâu», trong vùng này người ta không thích nói ra hai chữ đó trong những trường hợp như thế này vì tính chất cụ thể quá thừa, để khỏi vấp phải câu trả lời: «Đi đâu mới chả đi đâu, đi lên núi cao lôi chân quỉ sứ», - hay câu gì đó còn mặn hơn nữa.
- Chúng ta rẽ vào xóm của anh em đạo tặc, Pôlia ạ. Bọn họ đang chờ đợi ta. Ta hứa đến thăm họ sớm hơn một tuần.
- Họ là ai thế, thưa cha? - Pôlia đâm ra lo ngại, bụng nghĩ: «Bố mình có kể cho mình nghe chuyện gì đó về anh em đạo tặc, chuyện gì nhỉ? Chuyện gì ấy hình như rất kinh khủng, nhưng chuyện gì - mình chẳng nhớ nữa».
- Họ là ai ư? Cánh bạn của ta. Ngày xưa họ buộc phải đến đây sinh sống, nhưng sau đó cơ nghiệp ra cơ nghiệp. Mà rồi tự con sẽ nhìn thấy! Đừng có sợ. Đây, họ ngồi ở đây đây! Và cho ngâm tẩm! - lão Êpiphan đưa bàn tay giấu trong chiếc găng bằng da lông chó, vung vẩy trước mặt Pôlia. - Còn kia chính là nơi ở của họ! Con nhìn thấy không, ống khói mới tuôn khói dữ chưa? Quân vô dụng, họ thích hơi ấm. Họ bám quẩn quanh bếp lò. Cứ như cái bếp lò là gà mái ấp của họ ấy. - Lão Êpiphan gỡ bỏ những sợi băng tuyết bám ở ria và râu cằm, chuẩn bị gặp gỡ với những người anh em đạo tặc.
Pôlia còn muốn hỏi lão Êpiphan về đôi điều nữa, nhưng đã muộn rồi. Đường xóm bỗng có khúc ngoặt đột ngột, và trước mặt mở ra một bãi đất dài dài. Bám sát vào mé rừng trên bãi đất có một ngôi nhà lớn, còn xa hơn một chút, trên bờ một cái hồ hay là một đoạn sông cụt cũng nên, còn một căn nhà nào đó tôi tối, thụt sâu xuống mặt đất gần như đến tận mái.
Ngôi nhà được vây quanh bởi một hàng rào cao và lợp những cây sào như trong làng. cổng vào làm bằng những súc gỗ bổ đôi đẽo vạc bằng rìu – cả thú dữ, cả người cũng không thể dễ gì chui qua được.
Lão Êpiphan đứng dậy rời khỏi xe. Chân, tay, eo lưng ngồi lâu mỏi nhừ. Lão vặn vẹo cho giãn xương giãn cốt. Trong lúc lão giậm chân trên tuyết, cởi bỏ chiếc áo lông vào xe, vươn vai, duỗi người, thì ở trong nhà người ta đã nhận ra lão. Hai cánh cổng rít lên mở ra, ba gã mugích đội mũ lông sóc giống nhau, mặc áo lông lửng ngắn và đi giày ủng da hươu đen bẻ gập ống giống nhau, theo nhau chạy ra.
- Xin chúc sức khỏe của ông, ông Êpiphan, mừng ông đã tới! Chúng tôi mỏi mắt chờ ông mà chẳng thấy. Đức ông nán lại ở đâu trên đường thế không biết. - Ba gã mugích tranh nhau nói bằng những cái giọng the thé, giống như giọng trẻ con. Bối rối trước cảnh đó, Pôlia quan sát bọn họ. Họ đều mặt tròn, không râu ria, da mặt nhão nhợt, nhăn nheo. Họ rối rít một cách tận tụy bên lão Êpiphan, ném những cái nhìn ngạc nhiên về phía Pôlia.
- Chào anh Agaphôn! Chào anh Agáp! Chào anh Agây! - lão Êpiphan lần lượt bắt tay ba gã mugích, vỗ vào lưng họ, hỏi han về đời sống sinh hoạt.
- Ơn Chúa! Chúng tôi sống bình thường, ông Êpiphan ạ, - bọn mugích the thé trả lời, không biết bày tỏ thế nào thiện cảm của mình đối với khách.
«Không lẽ những anh em đạo tặc là họ ư? Và ở họ có cái gì của bọn đạo tặc kẻ cướp chứ? Phải chăng là mắt họ? Những đôi mắt mới khó chịu, gian ngoan làm sao chứ» - Pôlia thầm nghĩ, tạm thời chưa định chui ra khỏi xe và chờ đợi lão Êpiphan chuyện trò thỏa thuê với những người quen của lão. Cô tin tưởng rằng hôm nay họ còn tiếp tục đi nữa, và ngủ đêm họ sẽ dừng lại ở đâu đó trong làng.
Nhưng kìa, lão Êpiphan và các gã mugích không râu ria lánh xa Pôlia và thì thào gì đó với nhau. Sau đó các gã mugích vội vã đi vào trong sân, còn lão Êpiphan quay về hai cỗ xe của mình.
- Pôlia, thế là chúng ta đã tới nơi. Xuống xe đi. Chúng ta sẽ đừng ở đây độ một tuần lễ.
- Một tuần lễ kia ạ? Vậy mà con nghĩ nhiều nhất là ở lại ngủ qua đêm thôi, - Pôlia nói, giọng thất vọng. Cô thấy không ưa cả cái vùng rừng rậm rạp tối om bao quanh xóm này, cả ngôi nhà với những ô cửa sổ hẹp tối mù này.
- Ở đây, Pôlia ạ, công việc của chúng ta ngập đến cổ. Cầu Chúa xoay xở cho xong. Chỉ có một điều này, Pôlia ạ, - hơi hạ thấp giọng, lão Êpiphan nói tiếp, - con không phải sống với cánh mugích mà sống ở nửa thứ hai của ngôi nhà. Ở đấy là xưởng của họ. Họ là thợ bện thừng và chưng dầu nhựa cây. Họ là những người bất dục. Đại loại như những con ngựa thiến. Và, theo tín ngưỡng của họ, họ không thể sống với giới đàn bà trong một nhà. Sống riêng như vậy liệu con có sợ không đấy?
- Không ạ.
- Con thấy không, mỗi người sống theo suy xét của mình. Nhưng ta không có quan hệ với họ thì cũng không có tình bạn với nhau. Nhưng ta không thể thiếu được họ... Họ giúp đỡ ta. Tất nhiên không phải giúp không. Không có ta họ cũng chẳng sống ổn. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói: tay nọ rửa tay kia... - lão Êpiphan lúng túng và không nói nốt câu thành ngữ.
Polia nhận định sự lúng túng của lão theo ý của mình và ngờ vực nhìn lão Êpiphan, nói nhỏ gần như lẩm nhẩm trong miệng:
- Tay nọ rửa tay kia, và hai tay đều bẩn...
Lão Êpiphan nhận thấy môi nàng dâu động đậy, lập tức cảnh giác, vội hỏi:
- Con nói gì thế nhỉ, Pôlia?
- Dạ, thưa cha, con nói là: tay nọ rửa tay kia, vì thế hai tay đều sạch.
- Vậy đó, vậy đó! - lão Êpiphan nói họa theo và ra lệnh: - Con đưa ngựa vào sân. Ở đấy Agaphôn sẽ tháo chúng và đưa vào tàu.
Trong sân Pôlia chạm trán mặt đối mặt với các gã mugích không râu ria. Một trong bọn họ bắt tay vào tháo ngựa, còn hai người khác bổ đến xe trượt và bắt tay vào tháo giây thừng buộc chằng chịt xe. Lão Êpiphan theo dõi công việc của họ, gợi ý việc này việc nọ, gọi tên từng người. Bọn người mugích giống nhau không chỉ ở trang phục, mà cả mặt mày, cả dáng vóc, cả cử chỉ điệu bộ. «Có giết mình chăng nữa, mình cũng chịu không phân biệt được người nào trong bọn họ là Agaphôn, còn người nào là Agáp và Agây», - Pôlia nghĩ bụng, đưa hai tay ôm lấy áo lông của mình và đứng chờ khi nào người ta đưa cô vào nhà.
Cuối cùng gã mugích mà lão Êpiphan gọi là Agaphôn, buộc xong ngựa vào tàu và mời khách lên hiên nhà. Hiên nhà chắc chắn, ghép bằng những thân gỗ bổ đôi và chạy dài gần suốt cả bề dài của nhà.
- Ông Êpiphan kính mến, mời ông vào đây, vào cửa này. Ông đã từng sống ở đây những lần trước, - Agaphôn đưa cánh tay ngắn ngủn mở cánh cửa bọc tấm nỉ, và để lão Êpiphan vào phòng. - Còn cô con dâu ông xin mời đến đây, - Agaphôn chạy đến một cửa khác và cũng vội vã mở rộng cánh cửa ra trước mặt Pôlia.
o O o
Một phút sau Pôlia đã ngồi trên chiếc ghế đẩu và xem xét căn phòng dành cho cô. Khắp nơi, cả ở các góc nhà, cả ở giữa nhà, đầy dẫy những cuộn sợi gai. Bàn thợ, đặt ở giữa cửa và cái bếp lò bằng sắt, để đầy những cuốn thừng đã bện xong xuôi. Là một người dân Narưm, Pôlia lập tức xác định được các loại thừng này dùng để làm gì. Loại mảnh. Đó là giây kéo. Loại này được bện bằng thứ sợi gai lựa chọn, dùng để bồng chằng lưới to, lưới nhỏ, mắc lưỡi câu và phụ thuộc vào các loại lưỡi câu được sử dụng, hoặc dùng làm dây chằng cho loại lưới rải hoặc làm vó. Loại giây này người ta dùng để kéo thuyền chở hàng khi cần phải chở lương thực ngược dòng các con sông và vượt qua các khúc sông nước chảy xiết, dùng mái chèo không thể vượt qua nổi. Loại giây thừng này dùng không chỉ dưới sông nước, mà cả trong rừng taiga. Trong việc nhặt quả tuyết tùng hoặc trong nghề da lông thú, khi rải bẫy trong rừng taiga - bẫy sập, hố bẫy, nỏ bẫy tự động, không có loại giây thừng này không xong.
Còn kia, loại giây thừng to hơn một chút. Loại giây thừng này rất tốt trong việc thắng hươu vào xe và kéo bánh lái của sà lúp và tàu tải hàng. Còn kia nữa, loại thừng to nhất - dùng làm giây cáp. Loại giây thừng này bện một cách đặc biệt. Sợi gai dài nhất. Sau đó nhúng vào chảo sôi có hắc ín và nhựa thông. Nó chắc chắn và dai bền. Loại giây thừng này buộc mỏ neo, và ở các bến thuyền chính loại giây thừng này ghì chặt cầu tàu và tàu thủy vào bờ.
Pôlia đi đến bên chiếc bàn nghề, đưa tay sờ xem những sợi giây thừng. Chúng được làm một cách cẩn thận! Và số giây thừng đã làm xong có không ít. Những sợi gai còn nhiều hơn. Rõ là người ta vẫn lui tới xưởng sản xuất này mua giây thừng. Ở Narưm không có giây thừng thì mùa đông cũng như mùa hè cứ là đừng hòng nhích một bước.
Ở phần nhà Pôlia vào nghỉ sặc mùi hắc ín, nhưng mùi này không làm Pôlia khó chịu. Từ bé cô đã quen vào thời gian hè, khi ruồi muỗi sinh ra nhiều đến mức không thở nổi nữa, phải đội lên đầu cái lưới bôi hắc ín, hai bàn tay bôi hắc ín thật đẫm.
Hơi ấm trong nhà khá đủ. Hẳn là bếp được đốt củi suốt ngày, không lúc nào tắt. Củi bạch dương chất đống ngồn ngộn bên chiếc bàn nghề.
Pôlia quyết định lấy chiếc ghế dài rộng mặt để bên cạnh cái bàn ở góc nhà phía trước làm chỗ ngồi. «Mặc dù ở chỗ này thường để người chết nằm, có điều mình chẳng cần xê đi xích lại đồ đạc của cánh mugích, - Pôlia nghĩ bụng và cười thầm: - Mình đang còn sống họ chẳng khênh mình ra nghĩa địa làm gì».
Xem xét xong bên trong nhà, Pôlia ra bên cửa sổ và ngồi xuống cuối chiếc ghế dài. Trước mặt cô là chính cái bãi đất dài dài lúc nãy, bãi đất mà mới đây, khi ngoặt ở đường cái vào, cô đã nhìn thấy trước khi nhìn thấy ngôi nhà nằm lùi vào một góc và được chắn qua loa bằng những ngọn tùng non lưa thưa. Trên bãi đất đây đó thấy những cái xà ngang, dựa trên những cái cọc và được chia bằng những cái chốt gỗ thành những khoảng cách đều nhau. Những cái xà ngang ấy đều bị tuyết phủ trắng. Đằng xa từ trong đống tuyết thò ra một phần của chiếc bánh xe to tướng. Pôlia chưa có dịp thấy người ta đánh thừng như thế nào, nhưng cô hiểu rằng chính ở trên bãi đất này, với những xà ngang và bánh xe kia người ta tiến hành công việc khôn khéo ấy, và kết quả là nay có những cuộn thừng nằm trên bàn nghề. «Còn ở đằng kia, trên bờ hồ, đen đen lò hắc ín», - Pôlia đoán ra.
Trời đổ tối. Tuyết hồng lên trong chốc lát, sau đó ngả màu xanh êm dịu và, cuối cùng, bị bóng tối màu tro trùm kín. «Hẳn là người ta đã quên mình rồi», - Pôlia nghĩ bụng, suy tính xem nên lấy áo lông rải làm đệm thế nào cho tốt hơn. Cô hơi dịch cái ghế dài xa khỏi tường rồi trải áo lông ra.
- Chớ, chớ, cô gái. Cô phải ăn cái đã. Rồi tôi sẽ lôi gối và nệm đến, - một trong những gã mugích lên tiếng the thé ngay bên cạnh Pôlia.
Pôlia quay lại. Gã mugích hai tay bưng một cái khay gỗ dài. Trên khay - một bát mằn thắn, một cốc trà, cái âu gỗ bạch dương đựng mật ong trong bọng, bánh mì đen bằng bột xay thô.
- Cảm ơn. Đáng ra tôi phải tự đi lấy về mới phải, - Pôlia bối rối.
- Cô ăn đi cho khỏe. Và xin đừng chê trách. Agáp của chúng tôi nấu nướng đấy. Anh ta cũng thạo bếp núc đấy. Mời cô nếm thử. - Chủ nhà bật cười, tiếng cười thanh thanh kéo dài và Pôlia không hiểu là gã nói thực hay đùa. Gã mugích bỏ ra, nhưng lập tức quay trở lại tay ôm cái đệm lông chim và chiếc gối.
- Cô cứ ngủ cho đã! - gã the thé nói, ném đệm và gối xuống sàn nhà và biến ra sau cánh cửa ra vào.
«Anh ta là ai - Agaphôn hay Agây? Mà có thể chính là Agáp cũng nên?» - Pôlia nghĩ vậy và ngồi vào bên bàn để kịp ăn xong bữa tối trước khi trời tối hẳn.
Mằn thắn quả thực là ngon. Bản thân Pôlia cũng là tay thiện nghệ làm mằn thắn, nhưng trong những chiếc mằn thắn này ẩn giấu một bí mật nào đó. Chúng được nặn từ một thứ bột nhào kỹ lưỡng, nhân thịt băm hỗn hợp nhiều loại thịt khác nhau với các lượng độ cần thiết, - điều đó Pôlia cảm thấy ngay tức thì. Nhưng vị ngon đặc biệt của những chiếc mằn thắn này vẫn làm Pôlia băn khoăn. «Ê, hóa ra là thế này. Nhân thịt băm, thêm vào các loại thịt bò, thịt cừu và thịt lợn còn có cả thịt hươu tuần lộc... Quả thực, cái anh Agáp này nấu nướng thiện nghệ», - Pôlia nghĩ bụng, thích thú chén mằn thắn.
Món nước trà của cánh mugích giọng the thé cũng dễ chịu, thơm phức. Nhưng về món này Pôlia không phải đoán xét gì. Ông Phêđốt thường đãi cô cháu món giải khát như thế này: nước pha đặc bằng mộc nhĩ bạch dương nấu với lá phúc bồn tử đen... Ôi, thứ nước trà như thế này mới gợi nhớ làm sao đến mùa hè và hương vị của rừng taiga vào tháng bảy nóng nực nhất...
Một mình ăn tối xong, Pôlia chuẩn bị chỗ nằm. Cô không muốn nằm dưới sàn nhà và kéo tấm đệm lông chim lên chiếc ghế dài. Chiếc ghế dài rộng hoàn toàn thay thế được giường. Kể ra thì hơi lạnh từ phía cửa sổ phả vào, nhưng Pôlia nhanh chóng khắc phục được điểm đó bằng cách lấy tấm áo lông che lên bậu cửa sổ. Để bếp lò khỏi tắt, Pôlia chất đầy vào đó những khúc củi to nặng và quyết định đi nằm. Không quen đi nằm sớm thế này, nhưng ngồi rỗi trong bóng tối vừa ngán vừa buồn. Vả lại Pôlia đi đường cũng đã mệt mỏi, muốn nằm duỗi chân duỗi tay, giãn xương giãn cốt.
Từ bên kia tường qua cánh cửa bọc thứ vải gai dày vọng vào tiếng chuyện trò không nghe rõ. Những người mugích không hiểu vì sao cùng đồng thanh the thé, còn lão Êpiphan, theo thói thường, nói bằng cái giọng cao, lanh lảnh, thỉnh thoảng lại hạ giọng chuyển sang giọng trầm, như con ong đất đập cánh bên kính cửa sổ.
Đưa hai tay lên kê đầu, Pôlia lúc nhớ đến Nhikipho, lúc lại tưởng tượng chuyện trò với cha đẻ, lúc lại lo lắng nghĩ về cuộc sống tương lai của mình trong nhà họ Crivôrucốp. «Cuộc sống của mình sẽ chẳng lấy gì làm tốt đẹp cho lắm, nếu ông Êpiphan bắt đầu đem mình đi theo, còn anh Nhikipho thì bị xua chở hàng ra tỉnh... Thế là bố với ông chẳng có ai trông nom... Mà ông ấy có công việc gì ở đây không biết nữa? Không lẽ ta sẽ phải dật dờ ở cái xóm ấp này suốt một tuần lễ ư?»
Đã tối khuya, và đáng ra phải ngủ rồi, nhưng Pôlia không thiếp đi được. Bên kia tường người ta quát tháo, chuyển dịch những đồ đạc nặng nề gì đó và mấy lần lão Epiphan say men rượu lên tiếng ông ổng hát, trắng trợn xuyên tạc cả âm điệu, cả lời ca. Mọi cái này mới không giống những lề thói cha đẻ của cô làm sao. Cha cô thường giữ gìn cho cô được yên tĩnh đến mức sáng sáng cấm chị nấu bếp không được nói to.
Mãi tận đêm khuya bên kia tường mới yên lặng. Pôlia cũng cố thiếp ngủ, nhưng hết xoay bên nọ trở bên kia, lòng dạ bời bời vì những suy nghĩ không vui.
Gần sáng, mơ mơ màng màng Pôlia nghe thấy tiếng kẹt cửa. Cô mở mắt ra và trong ánh sáng trăng lờ mờ, chiếu qua cửa sổ, cô nhìn thấy lão Êpiphan. Lão cầm chiếc cặp trong tay.
- Này Pôlia, Pôlia, ta với anh em đi thu xếp công việc, còn con ở nhà xem lại sổ sách. Sao, nghĩa là, sao cho đâu vào đấy: thu - chi. Và nghỉ ngơi, cứ nghỉ ngơi không đi đâu mà vội. Bây giờ Agáp sẽ mang thức ăn cả ngày đến cho con... - lão Êpiphan hẳn đã lại kịp thêm bữa rượu nữa rồi. Lão bước ngật ngưỡng, nói năng lộn xộn, từ người lão phả ra mùi rượu nồng nặc.
- Mọi người đi hết cả ạ? - Pôlia lo lắng hỏi. Cô thấy sợ sợ phải ở lại một mình trong xóm ấp này.
- Đi cả. Công việc cần phải đi cả. Còn con đừng sợ. Chẳng có ai dám động đến con đâu... Anh em... Con đừng có thấy họ tật nguyền... Không phải đàn ông, mà cũng chẳng phải đàn bà... Họ là đám trốn tù bất trị, xóm ấp của họ ở lánh một phương... Không ai dám động đến con...
Lão Êpiphan dù say cũng không bao giờ mất tự chủ. Lão hiểu là Pôlia sợ.
- Thế bao giờ cha về, thưa cha? - Do những lời trấn an của lão Êpiphan cô càng lo sợ hơn.
- Cứ thu xếp xong công việc, thì bọn ta về. Có thể tối nay, mà có thể, sáng ngày mai cũng nên...
- Không hiểu cái xóm ấp này của anh em đạo tặc có gì quí đối với cha thế không biết? - Pôlia nói, không giấu sự khó chịu.
Lão Êpiphan lên tiếng một cách cả tin, thì thào:
- Mà con khoan hãy nói những lời đó. Rồi đây xong công việc và tiền bỏ vào túi, thì con sẽ ca hoàn toàn khác hẳn cho mà coi... Ta sẽ dựng cho con với Nhikipho ngôi nhà mới, hai tầng, có hiên. Cả Parabên sẽ phải phát ghen lên...
Mơ ước của lão Êpiphan không làm Pôlia xúc động. Ở ngôi nhà của cha đẻ cô cũng sung sướng rồi. Và cầu thượng đế sao cho cô mau mau được trở về nơi ấy cùng với anh Nhikipho... Sống cùng với cha và ông, mùa hè và mùa đông, đi đánh cá, mùa thu đi nhặt quả tuyết tùng ở rừng bá hương, lần theo các lối mòn săn thú lông... Rồi sau đó, một chú bé hay một cô bé con ra đời... Pôlia muốn con gái hơn. Chỉ có điều rủi ro là: cô chẳng cảm thấy có dấu hiệu nào về chuyện đó.
- Thôi được, cha cứ đi ạ, một khi không thể làm khác được. Con sẽ sống qua được. Chắc là, con chẳng chết đâu, - Pôlia nói, thấy lão Êpiphan không chịu đi, mà đợi ở cô những câu trả lời gì đó.
Sau đó từ bên ngoài tường vọng vào tiếng chuyện trò và tiếng bát đĩa va chạm nhau. Pôlia hiểu là những người chủ cùng ông khách ngồi vào ăn sáng.
Khi đã sáng hẳn, cánh cửa ra vào lại mở ra, Agáp hiện ra.
- Bánh mằn thắn ở trong bao ấy, cô gái ạ. Cô lấy ở đinh móc ngoài phòng đệm. Cô đổ vào cái nồi gang này, tùy ý cô, bao nhiêu cũng được. Bánh mì cũng ở ngoài phòng đệm, trong cái hòm con, còn ấm trà thì đây.
Agáp lịch bịch bày ra bàn nào nồi gang, nào ấm trà và, không nói thêm một lời nào nữa, bỏ đi.
Lát sau từ ngoài trời dội vào tiếng xe trượt nghiến trên tuyết. Pôlia vùng dậy, ra bên cửa sổ. Hai cỗ xe thắng ngựa liền nhau tiến theo con đường qua bãi rộng đi về phía cánh rừng. Con ngựa đầu tiên Pôlia nhận ra là con ngựa chạy nước kiệu của lão Êpiphan. Con ngựa thứ hai không phải ngựa nhà Crivôrucốp. «Anh em đạo tặc thắng ngựa của mình. Ngựa nhà ta rõ là chân ngắn», - Pôlia cười khẩy và ngả nằm xuống tấm đệm lông chim, vào chỗ lõm đã được chính thân thể của cô sưởi ấm.
o O o
Pôlia nằm thêm trên đệm không bao lâu. Không còn muốn ngủ nữa. Vả lại có gì đó lo ngại khi nghĩ rằng cô chỉ có một thân một mình ở xóm ấp xa lạ. Cô cứ có cảm giác là có ai đó đi lại ở hiên cửa chạy dài, ở ngoài phòng đệm, lúc sập nắp cái hòm gỗ nhỏ, khi đập cánh cửa bên nửa nhà của anh em đạo tặc. Nhưng còn có ai đi lại kia chứ. Chính mắt Pôlia đã nhìn thấy tất cả bọn họ ra đi. Trên chiếc xe đầu cô nhìn thấy rõ hai người ngồi và trên xe thứ hai - cũng hai người nữa. Cô đặc biệt nhìn rất rõ hình dáng những người mugích ở chỗ đường ngoặt. Trên nền màu tuyết trắng lóa, màu đen nổi lên đặc biệt rõ rành. Không, cô không thể nhầm lẫn được.
Trở dậy, việc đầu tiên Pôlia nhóm lại bếp lò, rồi cô lấy gáo sắt múc nước lạnh ở cái thùng gỗ dội xuống cái xô sắt con để rửa mặt, đặt cái nồi gang lên bếp hâm nước. Cô tìm thấy ngay, không khó khăn gì, cái bao đựng bánh mằn thắn. Rắc khoảng hai ba chục bánh vào nồi nước sôi, cô để bao lại chỗ cũ và ngồi vào ăn sáng. Và cô lại có cảm giác có ai đó đi lại trong nửa nhà kề bên hay gõ vào tường nhà từ phía ngoài sân, mà có thể, gõ ngoài cổng kia. Cô lật đật nhảy ra bên cửa sổ dòm xem, nhưng trên bãi rộng vẫn hoang vắng và lặng lẽ. Tuyết nằm im lìm, và những cây tùng, cây bách vây quanh các ngôi nhà, cũng đứng im lìm như vậy.
Ăn sáng xong, Pôlia mặc áo lông, đi ra sân. Ái chà, anh em đạo tặc sống không đến nỗi nào! Cải nhà kho dài dài, ghép bằng thân gỗ thông khóa bằng một cái khóa gì to bằng cả bàn tay! Hẳn là trong đó chứa không ít của cải! Pôlia nhìn vào tầu ngựa. Hai con ngựa chân cao lông hồng vục mõm vào cái máng sâu, lười nhác rỉ rách nhai kiều mạch. Trên giá cao chất đầy cỏ bãi thơm nức để làm thức ăn dự trữ. Nửa thứ hai của chuồng gia súc trống không - anh em họ không nuôi bò. «Mà họ cần bò làm quái gì kia chứ, - Pôlia nghĩ. - Có bò chỉ tổ hỗn độn mà thôi. Bơ thì chẳng cần có bò anh em họ cũng có: có thừng thì ở Narưm có thể mua tất cả những gì anh muốn có. Vả lại chung quanh đầy những cây bá hương? - chắc hẳn họ ép dầu từ hạt của chúng».
Con ngựa thứ hai của lão Êpiphan, bị kéo dắt suốt dọc đường, được nhốt vào một ngăn đặc biệt của chuồng gia súc, hẳn là trước đây được làm ra để nhốt ngựa cái chửa. Con ngựa nhận ra Pôlia, hí lên ai oán, lúc lắc cái đầu bờm xờm.
Điều ấy làm Pôlia xúc động. Cô đi tới bên ngựa, ôm lấy cổ nó, áp má vào đám bờm cứng quèo:
- Buồn nhớ người nhà hả! Gớm, tình cảm thế... Còn ta? Ngựa thân yêu, ta còn sẵn sàng rú lên như chó sói ấy vì cái cuộc sống như thế này, - Pôlia nói to, làm như con ngựa có thể hiểu được các tình cảm của cô.
Pôlia âu yếm vuốt cặp môi mềm mềm, ấm áp của ngựa, nhìn vào máng ăn, nhặt nắm cỏ khô rơi từ giá cỏ xuống, nhét vào lưới chắn. Con ngựa nín lặng, đưa cặp mắt hiền hậu nhìn Pôlia, cứ như thể: ngựa mà biết nói, nó hẳn đã tuôn ra với Pôlia những lời cảm ơn vì cô đã không khinh thường nó trong những giây phút u sầu day dứt, không giận nó vì cơn bột hứng thầm kín...
Pôlia đi ra ngoài sân, đưa mắt nhìn quanh bãi rừng phủ đầy tuyết, dưới ánh mặt trời lấp lánh những dải vàng rợi, và Polia đi trên tuyết đến căn nhà nhỏ, tường của nó thẫm tối ở cuối bãi rừng bên cạnh cây linh sam xanh.
Căn nhà nhỏ hóa ra là nhà tắm. Anh em nhà hoạn xây dựng căn nhà tắm này thật tuyệt. Cửa sổ nhỏ lắp kính hướng vào rừng, trên mái - cái ống khói đá gắn đất sét. Phòng ngoài buồng tắm ghép bằng những súc gỗ to, rộng rãi như phòng trong nhà ở. Dọc tường kê một chiếc ghế dài rộng mặt. Pôlia hiểu rằng chiếc ghế để làm gì: chỗ này sau khi thân thể anh trải qua trận tẩm quất bằng cành bạch dương ấm áp, ra mà nằm hưởng hơi mát thoải mái, không có gì phải gò bó mình, cứ việc hưởng mát, như một ông vua Ba Tư trong cung thất của mình vậy.
Pôlia mở cửa vào buồng tắm. Mùi thuốc lá nồng nặc xộc vào mũi. Pôlia đi vào trong và càng ngạc nhiên hơn. Trong buồng tắm ấm áp như trong nhà ở. Thay vào cái bếp xây bằng gạch đá - là một cái bếp với những cái chảo gang, những cái ca sắt tây lồng quai vào cái ống đồng tròn. Thoạt tiên Pôlia không hiểu cái đó để làm gì, nhưng nhìn vào góc, cô thấy năm cái thùng đựng nước vàng vàng.
Pôlia ngồi lom khom, đưa mũi ngửi trên những miệng thùng không đậy. Mùi bốc lên làm mắt cô tối sầm, cổ thấy lợm buồn nôn. Pôlia bỏ chạy ra cửa, mở tung cánh cửa ra, chạy ra phòng trước. «Họ làm rượu ngâm thuốc lá», - cô đoán ra, sập mạnh cánh cửa lại.
Và cô nhớ đến một chuyện: chừng năm năm trước, cha cô có lần đã đi đến Tưm trở về. Cả nhà theo tục lệ ngồi vào bàn trước ấm xamôva, và cha cô bắt đầu kể chuyện những gì ông đã nhìn thấy, nghe thấy, khi rong ruổi qua vùng hẻo lánh của Narưm. Đột nhiên, cắt ngang câu chuyện, cha cô lấy ở túi đi đường ra một cái chai nút bằng cái nút gỗ thật chặt, đưa cho ông Phêđốt xem, và nói: «Ông thử đoán xem cái gì đây?» Ông của Pôlia đưa chai lên mũi, vui vẻ cười: «Phêđo, đây là rượu lậu ngâm thuốc lá. Bọn đi thu mua thường cho dân Ôxchiác uống say để dễ lừa bịp dân rừng rú taiga này. Một cốc thuốc độc này quật ngã lăn ra ngay. Nhưng mà Phêđo, anh bới đâu ra được cả chai này thế?» Và bấy giờ cha cô đã kể lại rằng ông đã đoạt cái của thuốc độc này ở trại du mục của dân Ôxchiác, gần Uxti-Tưm. Một chai đã bị uống hết. Cha cô phải cứu chữa cho một bà già dân Ôxchiác bị say nặng. Suýt nữa thì bà ta gửi linh hồn cho chúa. Còn chai thứ hai ông y sĩ đã phải bỏ ra không tiếc cả một bi đông cồn để chuộc, ông Gôrbiacốp mang bi đông cồn ấy theo để sử dụng vào cái việc y tế cần thiết. Nếu không có bi đông cồn thì ông ta bằng cách nào cũng không lấy nổi chai rượu này của dân Ôxchiác. Và như vậy thì hẳn bà già đã vĩnh viễn nhắm mắt xuôi tay...
- Cái quân đê mạt! Họ đầu độc cả bản thân, cả người khác! Và không hiểu cái ông Êpiphan khả kính này đưa mình tới chỗ nào đây? Ta lại đi bẻ cành linh sam nhóm lửa thiêu cháy cái căn nhà độc địa này, sao cho nó không còn lại dấu vết gì nữa! - Pôlia bực tức nói thành tiếng, rảo bước lánh xa ngôi nhà tắm.
Pôlia vào căn buồng mình ở và hồi lâu không sao trấn tĩnh lại được. Cô hết ngồi vào bên bàn, lại chộp lấy những thanh củi, chất đầy vào bếp, rồi lại đi đi lại lại trong phòng, nhảy qua các bó giây thừng. «Thôi được, xót xa tan nát lòng vô ích thế đủ rồi», - Pôlia tự nói với mình và, kéo cái cặp lại, lôi ra một cuốn sổ dầy cộp. Mở sổ ra, Pôlia thấy trên tờ bìa có những dòng chữ to, không đều nhau: «Cuốn sổ bí mật này của lái buôn Narưm Êpiphan Crivôrucốp để ghi chép thu chi». Từ «lái buôn» bị xóa đi và bên trên viết từ khác: «thương gia». Pôlia bất giác cười gằn. Ông bố chồng của cô còn chưa phải là một thương gia, nhưng hẳn đó là điều mơ ước của ông ta.
«Như vậy thì cả ta cũng có thể mang danh thương gia. Thực thế: bố chồng - là thương gia, con trai ông ta - thương gia thừa kế, còn ta - con dâu thương gia. Chà chà! Thật kỳ lạ!» - Pôlia suy nghĩ và bỗng trở nên vui vẻ. Cô không thể nào tưởng tượng nổi ra mình là một mụ thương gia, mà cô cũng chẳng thiết. «Dù có lấy dao giết mình đi nữa, mình cũng không thể làm cái chuyện buôn bán và kiếm lợi nhuận được», - ý nghĩ ấy hiện lên trong đầu Pôlia.
Pôlia không vội giở sang trang sau trong cuốn sổ dầy cộp. Cô có cảm giác, bây giờ cô sẽ biết những chi tiết mà tốt hơn là không bao giờ nên biết. Nếu như lão Êpiphan không giao cho cô phải làm một vài con tính, cô không đời nào lại mở cuốn sổ này ra. Bởi vì không phải ngẫu nhiên mà chủ của nó gọi là cuốn sổ bí mật.
Nhưng những ghi chép đầu tiên Polia lại thấy buồn cười, và cô đọc, miệng tủm tỉm cười:
«Cho cô em Đômna 35 côpếch để cúng nhà thờ và mua nến».
«Cho Nhikipho - 80 côpếch để đãi gái».
«Cũng cho nó 15 côpếch. Đóng góp vào tối vui».
Giở sang một trang nữa, Pôlia nhìn thấy những ghi chép còn làm cho cô chú ý hơn và cảnh giác hơn.
«Cho thầy cúng dân Ôxchiác tên là Phinca ở lughina năm mươi hai rúp và năm chai rượu để làm mê muội dân ở trại du mục».
«Trao cho anh em nhà hoạn một trăm rúp để đưa vào lưu thông».
«Nhận của anh em nhà hoạn 310 rúp 75 côpếch».
Giở thêm một trang nữa, Pôlia đọc đến một điều ghi chép, mà tim cô thắt lại:
«Mua ở cửa sông Nausca ở trại của tập đoàn Môcây Bugocxki 900 pút hạt tuyết tùng đã gọt sạch giá mỗi put 1 rúp 25 côpếch.
Bán buôn hạt tuyết tùng ở Tômxcơ cho chủ bao mua và thu lãi mỗi pút 3 rúp 20 côpếch».
Pôlia lôi trong cặp ra cái bàn tính để cùng cuốn sổ chi thu, rồi làm tính nhân. Hóa ra là lão Êpiphan bỏ túi chỉ nhờ một chuyến hàng ấy đã gần ba ngàn rúp.
«Đúng là cái tên lột da người! Không còn liêm sỉ, không còn lương tâm...» - Pôlia nghĩ thầm.
Môcây Bugocxki sống với một đàn con cái ở Parabên trong ngôi nhà của người khác. Pôlia đã đánh bạn với hai cô con gái của ông ta, thường lui tới ngôi nhà này và kinh ngạc trước sự nghèo túng cũng như sự cần cù của cả gia đình. Mọi người đều lao động tùy sức của mình. Một lần, vào thời kỳ thu lượm quả tuyết tùng, Pôlia đã thấy trong rừng tuyết tùng ở Parabên cả gia đình ông Môcây Bugocxki cùng kéo đi làm. Thậm chí cả đứa con trai bé nhất của ông ta, thằng Grisca bảy tuổi, cả thằng bé ấy cũng khệ nệ mang cái bao hạt tuyết tùng, còng lưng xuống vì sức nặng của cái bao.
Pôlia đẩy cuốn sổ và cái bàn tính ra xa, không biết cô phải làm gì tiếp. Cơn tức giận chống lại lão Êpiphan choán hết cả tâm trí cô, và, nếu như lão có mặt lúc này ở đây, trong ngôi nhà của bọn anh em nhà hoạn này, hẳn cô đã ném cuốn sổ khủng khiếp này vào cái mặt mẹt trơ tráo của lão... Và cho lão đời đời kiếp kiếp biết rằng cô không phải là đầy tớ của lão và hễ Nhikipho ở tỉnh về một cái là họ sẽ không ở lại sống thêm một ngày nào nữa dưới mái nhà của Êpiphan.
Pôlia ngồi ủ rũ rất lâu. Dần dần cơn tức giận sôi sục trong lòng cô lắng xuống, và cô lại thấy muốn giở cuốn sổ đến trang cuối cùng. «Một khi ông ta đã giao phó cho mình, mình phải biết ra tất cả mọi điều sự thực về ông ta... Nếu ông ta với bà Anphixa định quở trách mình thì mình sẽ nói cho họ tất cả những gì mình nghĩ thực về họ». Đến đây ý nghĩ của cô chuyển về căn nhà cha đẻ. «Bố mình dường như biết là mình sẽ phải làm gì ở đấy, bảo mình phải tự tìm hiểu rõ công việc của ông Êpiphan làm ăn ra sao, - Pôlia nghĩ. - Và bây giờ ta đã biết ra. Rồi đây mình sẽ kể lại cho bố với ông ngoại nghe - ông với bố chắc không tin, sẽ bảo mình: chính con đã bịa ra chứ không sai. Mà quả thực, người suy nghĩ bình thường ai có thể tin được chuyện như thế?»
Pôlia thận trọng, không vội vàng, giở trang sổ mềm mại, nhưng cô có cảm giác nặng nề như tảng đá. Một điều ghi chép khác đập vào mắt cô:
«Thượng đế ban phát cho ta lộc lớn. Ở bãi cát Mêrdơlikin tôi đã được lời của dân Ôxchiác một mẻ lưới. Chỉ mất một thùng vốtca - được 68 pút cá tằm, cá nhám, cá xađin. Bán lại ngay cho tàu thủy. Được lãi to. Cầu thượng đế cho con gặp được nhiều ngày lành như thế này trong công việc làm ăn của con».
Được lời một mẻ lưới! Pôlia biết rõ phương pháp tước đoạt một cách tàn nhẫn những người đánh cá này.
Có một lần gần sang thu cha cô đưa cô đi theo trong một chuyến đi. Có việc cần phải đến Cônpasevô. Ngay hồi ấy cái làng đó nằm ở trên bờ dốc đứng của con sông Ôbi và cách xa Tômxcơ hàng trăm vecxta, đã tưởng gần như một thị trấn ở hạt Narưm hoang dã. Ở đây có những cửa hiệu giàu có như kho tàng, hai nhà thờ chúa. Còn ở bên cạnh, tại làng Tôgur trên bờ sông Kêi, là chỗ ở của những người bônsêvích đi đày. Cũng ở đấy ông Gôrbiacốp có một người bạn chung thủy, bác nông dân Ephim Vlaxốp. Bác Ephim làm nghề áp giải. Khi nhà nước cần đưa một cách gấp gáp một «tội phạm quốc gia đặc biệt nguy hiểm» đến một nơi khỉ ho cò gáy nào đó, hay ngược lại do những hoàn cảnh mới phát hiện ra của «vụ án» đưa người ấy trở lại để tăng án thêm nặng, các nhà chức trách cảnh sát lại tìm đến nhờ bác Ephim. Bác lập tức nhận lời, mặc dù moi tiền của chính quyền một cách không thương xót. Bác biết rõ giá trị của mình! Mùa đông đi ngựa, còn mùa hè đi thuyền độc mộc, bác Ephim luồn lỏi vào những nơi của hạt Narưm mà ngay cả những người ở rừng taiga làm nghề săn thú có kinh nghiệm cũng lắc đầu giang tay xin chịu. «Chà, người mới lanh lợi! Cứ như con chim ấy: dù không có đường đi lối lại, dù xa lắc xa lơ, gì thì gì cũng không giữ chân được bác ấy!».
Ông Gôrbiacốp nâng niu gìn giữ tình bạn với bác Ephim. Tình bạn này nẩy sinh từ lâu trên cơ sở hết sức thường tình, mà trong châm ngôn người ta đã nói tới: «Núi với núi không gặp nhau, chứ người với người bao giờ cũng gặp nhau».
Một lần ông Gôrbiacốp ở các làng và các trại du mục trở về. Ông dừng lại nghỉ đêm ở Tôgur - phải thăm người đồng chí bị ốm và nhân tiện trao cho đồng chí ấy một số tin tức đảng.
Đang đêm có tiếng gõ vào cửa sổ, tiếng gõ đầy lo lắng. Ông Gôrbiacốp cho rằng cảnh sát đã khám phá ra các mối liên hệ của ông với những người lưu đày chính trị phạm, và trong khi người đồng chí mở chốt cửa ở phòng đệm, ông Gôrbiacốp vội vàng ném giấy tờ vào bếp đốt đi.
Nhưng cánh cửa vào nhà vừa mở ra, thì trước mắt ông Gôrbiacốp một người nông dân trông còn trẻ mặc áo lông cừu lửng, đi giày ủng bằng da có ống cao, với bộ râu cằm rậm rạp xoắn lại, sụp quì xuống sàn. Người nông dân nức nở, cơn tuyệt vọng làm nghẹn tắc cổ bác ta.
- Người anh em, người bạn, xin ông hãy làm ơn làm phúc. Vợ tôi sinh nở đang chết mất... Có cái gì tôi cũng xin bỏ ra hết để trả ơn ông... Chỉ xin ông cứu chữa cho mẹ nó, vì Chúa. - Người nông dân nhìn ông Gôrbiacốp bằng đôi mắt đỏ ngầu, đầy nước mắt.
Ông Gôrbiacốp chộp lấy cái túi dụng cụ. Vừa đi vừa mặc áo ấm, ông chạy theo người nông dân, lo lắng nghĩ bụng: «Ai là người biết mà báo cho anh ta về việc mình đến đây? Bởi vì mình đến lúc đã xẩm tối kia mà, đến với người đánh xe từ Cônpasevô... Con mắt của người nông dân này tinh thật, nếu như nhận ra mình».
Ba ngày đêm liền ông Gôrbiacốp ở bên giường vợ bác Ephim Vlaxốp, ông đã cứu sống cả vợ cả con trai bác ta... Và chẳng lấy gì cả, không lấy một côpếch nào, dù ông đã thức suốt mấy ngày đêm. Tuy nhiên Ephim lại trở thành người anh em, người bạn của ông và đôi khi, chia sẻ cùng ông những lo toan và nguy hiểm, nhận về mình phần khó khăn nhất của công việc...
Cả trong chuyến đi xa xưa đến Cônpasevô ấy, cả sau này, Pôlia đều không ngờ điều gì đã gắn bó cha cô với bác Ephim Vlaxốp. Pôlia chỉ biết rằng cha cô gọi bác nông dân là người bà con, bởi vì ông y sĩ đã bằng lòng trở thành cha đỡ đầu của con trai người làm nghề áp giải. Sau tất cả câu chuyện quanh lần vợ bác ta đẻ, ông Gôrbiacốp thấy nếu mà từ chối cái điều mong muốn tự nhiên này của bác Ephim thì quả là bất lương.
Và thế là họ đi đến Cônpasevô - mỗi người có một mục đích của mình: Pôlia đến các cửa hiệu ở Cônpasevô để mua một vài đồ vật cho mình, cho cha và ông cô, còn ông Gôrbiacốp - đến thăm các đồng chí trong Đảng, chuyển tới họ gói tài liệu mới, ghé thăm bác Ephim Vlaxốp ở Tôgur, hỏi bác ấy xem những trận gió thu không lúc nào yên sắp tới sẽ đưa bác ta đi đâu, về hướng nào của vùng Narưm...
Chính khi ấy, trong chuyến đi ấy, Pôlia đã hiểu thế nào là được lời một mẻ lưới!
Thuyền còn cách Cônpasevô chừng ba mươi vécxta, thì Pôlia và ông Gôrbiacốp gặp những người Ôxchiác cùng với lưới cá ở trên bãi cát. Đánh cá mùa thu trên sông Ôbi tuy khó nhọc đấy, bởi vì nước sông lạnh băng làm buốt cóng tay, sóng nước bướng bỉnh đánh bạt lưới đi, nhưng vào thời gian này cá mắc lưới nhiều hơn bất cứ ngày nào khác trong năm.
Chỉ mới đang tiến đến gần tập đoàn đang đánh cá, Pôlia cùng cha cô đã hiểu ra là ở đây đang diễn ra một chuyện gì khác thường. Không hiểu sao ở chỗ những người đánh cá quá ư là ầm ĩ, vả lại họ cũng tụ tập hơi quá đông trên bờ. Thêm vào đấy gần chỗ kéo lưới cháy bừng bừng một đống lửa, những cái chảo treo trên bếp kiềng, còn bên cạnh đống lửa là những cái chai xếp một hàng dọc thẳng lấp lánh thành chai. Phải đến mười chai, chứ không ít.
Khi chỉ còn cách bờ khoảng trăm bước, ông Gôrbiacốp, khuấy mạnh mái chèo đẩy nhanh thuyền đi, bảo với con gái:
- Con xem kìa, đích thân Phôma Vôlôkitin có mặt ở đây cùng với các tay quản lý của mình.
Pôlia đã được nghe nói đến Phôma Vôlôkitin. Khắp vùng Narưm, mọi người - trẻ già lớn bé, đều biết ông ta. Thương gia Phôma Vôlôkitin sinh cơ lập nghiệp trên sông Parabên, xây dựng trên một mũi đất tại đó cả một dinh cơ. Các trại của dân Ôxchiác và các quần cư du mục của dân Tunguxơ, cũng như các xóm làng nông dân tín đồ cựu giáo, không thể di chuyển một bước mà không có Vôlôkitin. Trong các rừng tùng bách bọn tay chân của Vôlôkitin chuyên bao mua lông thú đâu đâu cũng có mặt rình mò theo chân những người thợ săn, trên các con sông, các chiếc thuyền thúng và thuyền chở hàng của Vôlôkitin, mua các mẻ lưới ngay tại chỗ. Lão Phôma Vôlôkitin tiến hành các trận tập kích của mình đến cả những lạch nước sâu trên sông Ôbi, đôi khi đi xa đến tận Xurgut và Beredốp. Lão Vôlôkitin không thương xót gì các đối thủ trong nghề buôn bán của mình. Đôi người trong bọn họ, giống như lão Êpiphan Crivôrucốp nghĩa là cỡ nhỏ hơn, thường cố gắng tránh chạm trán với Vôlôkitin, cố tránh cho xa lão và nếu có làm những chuyện gì đê tiện đối với lão, thì nhất thiết làm một cách lén lút, vụng trộm.
- Nhanh lên, nhanh lên, ông thầy thuốc! Ở đây chúng tôi bày trò rất thú vị! Ông hãy là người trọng tài giữ sao cho mọi cái đúng theo thể lệ! - lão Vôlôkitin gào to, khi nhìn thấy ông Gôrbiacốp và con gái ông ngồi trong thuyền.
Ông Gôrbiacốp đã quen Vôlôkitin nhiều năm rồi. Đã mấy lần ông buộc phải ghé vào nhà lão ngủ trọ đêm. Lão thương gia đón tiếp ông y sĩ một cách lịch sự, thết đãi như một vị khách, cho ăn cho uống một cách hậu hĩ, theo lối Narưm, dọn cho ông ngủ ở một phòng riêng trên chiếc giường rộng đệm lông chim.
- Ông Phôma, có chuyện gì ở đây thế này? - ông Gôrbiacốp hỏi, mặc dù từ lâu đã hiểu chuyện gì đang diễn ra. Trong nhiều năm sống ở Narưm ông đã thấy chán vạn những trò bịp bợm bất lương trong nghề buôn bán.
- Chuyện gì ư? Trò chơi, ông thầy thuốc ạ! Các ông bạn Ôxchiác của tôi nổi máu hăng, - lão Phôma Vôlôkitin rung người lên vì cười, và nặng nề, theo dáng đàn bà đi tới đón ông Gôrbiacốp. Bắt tay người y sĩ, ném cái nhìn dửng dưng khinh thị về phía con gái ông, lão Phôma giảng giải: «Tôi dùng rượu vốtca làm cho họ, bọn mồm xếch ấy, phát ngứa phát ngáy lên. Bữa trưa tôi cho họ mỗi người một ly, thế là rượu choán lấy họ, kích thích ăn ngon miệng. «Ông cho thêm đi! Vì chúa, ông cho thêm đi, ông Phôma» - tứ phía họ nhao nhao kêu gào. Tôi thấy là không có gì có thể kìm giữ được họ. Tôi mới nói: «Xin các ông, tôi sẽ cho. Nhưng đánh đố liều với nhau một phen kia: tôi xin đặt cả chục chai rượu vốtca cuộc lấy một mẻ lưới của các ông. Nếu mẻ lưới không được gì - các ông cũng cứ lấy số rượu vốtca này. Như vậy là các ông được! Tôi cũng sẽ không khóc mếu - đã chơi là phải cho trung thực. Còn nếu như tôi gặp may và mẻ lưới có cá, thì các ông cũng chớ có giỏ nước mắt, tôi sẽ vét đến con bống cuối cùng». Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau như thế đấy! Ông xem đấy, họ đang cố sức ghê chưa! Quân vô dụng, họ thích rượu lắm!
Lưới hãy còn ở dưới sông, chỗ sông ngoặt, nhưng ông Gôrbiacốp và Pôlia, nhiều lần đã làm việc trong các tập đoàn vùng cát sâu, hiểu rằng lão thương nhân đã chơi ván bài ăn chắc. Lưới chuyển nặng nề, những cái phao chốc chốc lại nhảy vọt lên, rồi biến đi trong lòng nước. Khi bắt đầu kéo hai cánh lưới lên bãi cát, cái vòng rộng bị quây kín bởi cái lưới chắc chắn sôi lên lục bục, như nồi nước trên đống lửa. Cả một đám hỗn độn bạc trắng sinh động khuấy đục lên, lẫn với bùn và cát.
Lão Phôma Vôlôkitin hiểu rằng mẻ lưới không chỉ có cá, mà nhiều vô kể. Vung cây gậy chạm hình con rắn bạc lên, lão chạy trên bãi cát, hổn hển kêu to:
- Kibaxia[18], quân khốn kiếp, ép chặt kibaxia xuống! Cá luồn dưới nước đi hết bây giờ!
Rồi đến khi đáy lưới đầy tràn cá đưa vào đến bờ, lão Phôma Vôlôkitin đích thân lao tới chỗ gỡ cá, không thương tiếc gì đôi giày ống bốccan đánh bóng của mình.
Chỉ riêng cá chiên gỡ ra đã được tới bốn mươi con! Hai chiếc thuyền trọng tải một trăm pút của lão thương gia chất đầy cá hồng loại một.
Đám người Ôxchiác rầu rĩ nhìn những tay quản lý tháo vát của lão Vôlôkitin chọn cá chiên, cá tầm. Mẻ lưới như thế này dân chài lưới phải đợi chờ hàng bao nhiêu năm, nếu không phải cả đời, mới được một lần. Ấy vậy mà giờ đây nó đang tuột khỏi tay những con người nghèo khổ và bất lực này. Nhìn thấy tất cả sự bất công khủng khiếp của chuyện đang xảy ra, ông Gôrbiacốp cố ghìm cơn tức giận, nhìn lão Vôlôkitin bằng cặp mắt phẫn nộ, lên tiếng:
- Giá ông trả thêm cho họ ít nhiều, ông Phôma! Trò chơi hóa ra quá ư không công bằng.
- Chúa sẽ giúp họ, ông thầy thuốc ạ! - lão Phôma Vôlôkitin đưa tay làm dấu, ngước nhìn người y sĩ cau có, nhìn cô con gái ông ta lúc này đang co vai lại, miễn cưỡng đấu dịu, ra lệnh cho tay quản lý trưởng: - Này Aphônia, anh cho bọn Ôxchiác hai chai nữa. Cho họ thấy lòng nhân từ của ta.
Lát sau, thuyền, đò của lão Phôma Vôlôkitin rời bờ. Lão thương gia tung cái mũ lưỡi trai vẫy vẫy như không có chuyện gì cả...
Đọc lại ghi chép của lão Êpiphan về việc được cuộc mẻ lưới, Pôlia nhớ lại một cách rõ ràng mọi chuyện xảy ra trong cái ngày thu ấy trên bãi cát ở Parabên. Qua mọi điều thấy rõ là lão Êpiphan đã học được ở lão Phôma Vôlôkitin cái mánh khóe chó sói chộp lấy cổ người ta. Biết đâu, có thể anh học trò lại đã vượt cả ông thầy rồi cũng nên! Vả chăng, kẻ nào là thầy kẻ nào, đoán cũng vô ích... Pôlia đột nhiên thấy không phải thương những người Ôxchiác, khi ấy đã bị lão Phôma Vôlôkitin tước đoạt không thương tiếc và cũng không phải thương tập đoàn ngư dân mà lão Êpiphan đã lừa gạt ở bãi cát Mêrdơlikin, mà thương chính bản thân mình... Chẳng lẽ đã bao giờ, dù chỉ trong một giây lát, cô suy nghĩ tới, việc cô sẽ rơi vào mối quan hệ đồng lõa với những kẻ làm tiền! «Chao ơi, Pôlia, vì sao cô lại đi làm tổn hại lương tâm mình kia chứ? Thì có phải cô đã lừa gạt tập đoàn ngư dân trên bãi cát Mêrdơlikin đâu! Hóa ra là việc này ông Êpiphan đã làm từ đời nào rồi, khi cô với Nhikipho còn chưa có thỏa thuận nào», - Pôlia toan bào chữa cho mình. Nhưng lòng cô không thấy yên ổn lại. Trong tâm hồn mọi cái căng thẳng đến cực độ, và cơn run rẩy thấm vào người cô đến tận các đầu ngón tay ngón chân. Cô gấp cuốn sổ lại, nhét vào cặp cùng với cái bàn tính, cảm thấy trên thế gian này không có sức lực nào có thể bắt cô lại cầm cuốn sổ bí mật của lão Êpiphan lên tay lần nữa.
Pôlia mặc áo ấm và lại ra khỏi nhà. Sau buổi sáng sáng sủa, trời sầm lại khá là u ám. Nền trời chuyển thành màu chì trắng nhờ, là thấp, và có cảm giác nếu đằng chân trời không có những ngọn tùng giống như những mũi giáo chống đỡ, nó sẽ sụp xuống mặt đất, vĩnh viễn trùm kín cái vạt xám lên người cô! Thậm chí tuyết, không ngừng lặng lẽ và buồn bã từ trời rơi xuống, ngày hôm nay cũng không còn trắng, mà xanh xám như thế nào ấy, như thể tro gỗ cây. Khi trong tâm hồn không có cái đó cũng đã đau buồn rồi, thì thời tiết như thế này càng đè nén con người không chút thương xót, bóp nghẹt con người, không ngừng vây quanh người ấy những cái gối mềm, mà cả đến lực sĩ cũng không thể hất đi nổi.
Pôlia đi lang thang một cách vô định trên tuyết; bước đi một hai bước lại dừng chân. Cô đứng đó một lát - lại bước đi. «Mình phải làm gì đây? Mình không thể chịu nổi suốt một tuần cuộc sống như thế này. Vả lại, bây giờ mình làm sao có thể nhìn thẳng vào mắt ông Êpiphan? Nói với ông ấy những lời lẽ thế nào? Mà mình có nên đóng ngựa vào và bỏ về nhà chăng?.. Kể cũng hấp dẫn đấy... Nhưng sau đó sẽ ra sao? Trách móc, đay nghiến, chửi bới. Họ sẽ xé xác mình ra. Họ sẽ không cho phép anh Nhikipho mở miệng....
Và, dù Pôlia có cân đi nhắc lại trong đầu, vẫn chỉ đành theo một phận: dù có đoán già đoán non, cô phải sống lay lắt, buồn da diết ở đây bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm nữa, thì cô vẫn phải nhẫn nhục ngồi chờ ở đây mà thôi.
Pôlia đi vơ vẩn cho đến lúc chân cô còn đứng vững. Chỉ khi đầu gối bắt đầu run run và gần như mỗi bước lại khuỵu xuống, cô mới đi về nhà.
o O o
Đến tối nổi bão tuyết thực sự. Ngoài trời gió gào rú, những cây tùng và vân sam lay động nghe răng rắc, những nắm tuyết khô tới tấp ném vào mặt kính cửa sổ.
Pôlia ăn bữa tối, lại vẫn món bánh mằn thắn ấy, uống nước trà và đi nằm, nghe ngóng xem lão Êpiphan với đám anh em nhà hoạn đã trở về chưa. Tất nhiên Pôlia sẽ chẳng ra đón họ. Giờ đây cô thấy căm ghét đến kinh tởm tất cả, tất cả lũ họ. Nhưng nhớ ra là mình chỉ có một mình ở xóm ấp, thì cô lại thấy nặng nề, và cô muốn sao cho thế nào họ cũng trở về.
Buổi tối đã chuyển sang đêm, khi gần nhà nghe có tiếng xe trượt nghiến trên tuyết, tiếng trò chuyện, tiếng ngựa phì phì. Pôlia cứ chờ đợi hoài: lũ chó sẽ sủa lên hay rít lên? Nếu là rít lên - nghĩa là người nhà trở về, còn nếu chúng sủa lên - nghĩa là những người lạ dòm dỏ vào xóm ấp. Bây giờ thì Pôlia biết làm gì? Cô quyết định im hơi lặng tiếng, không nhúc nhích. Nếu như bọn trộm cướp ghé vào đây, thôi thì mặc chúng cuỗm sạch sành sanh cả xóm ấp này đi, cô cũng sẽ không nhúc nhích. Đàn chó mãi chẳng sủa mà cũng chẳng rít. Chó ở Narưm là giống đặc biệt: chúng thờ ơ với người, mặc cho đó là người lạ hay chủ. Nhưng đối với thú chúng lại rất thính nhạy, hung tợn không kìm nổi. Chúng sẽ cất tiếng sủa đến mặt đất phải rung lên rên rỉ.
Pôlia, lo lắng vì sự im lặng của đàn chó, lao ra bên cửa sổ, nhưng đúng lúc đó một con chó lười nhác ẳng lên một tiếng, và khó có thể hiểu được là nó sủa người lạ, hay tỏ ý vui mừng thấy người nhà. Pôlia dán mặt vào kính. Bóng tối lẫn lộn với tuyết. Mảnh trăng khuyết vất vả lắm mới lờ mờ xuyên qua được màn đêm. Nhưng dù sao đi nữa Pôlia cũng nhận ra những người vừa tới: ông bố chồng choàng áo lông, anh em nhà hoạn mặc áo lông cộc. Nhưng kia, còn một người nào đó nữa đi với họ - người thứ năm. Pôlia định xem rõ người mới tới - nhưng làm sao có thể nhận ra người ấy kia chứ! Chỉ là một vệt tối đen - có vậy thôi. Có chuyển động đấy, nhưng chỉ là một vệt đen! Đến cha đẻ cũng có thể tưởng là một tên cướp ngang tàng!
Pôlia gieo người xuống giường. «Thiếp đi cho mau! Khi trong xóm ấp này còn có người - thì ngủ đi, nghỉ ngơi một chút... Mặc kệ mọi chuyện và mặc kệ mọi người!» - Pôlia quyết định.
Nhưng cô đã tính toán nhầm. Lát sau nửa nhà bên kia đã nổi lên tiếng ồn ào đến mức không thể thiếp ngủ đi được, mà thậm chí nằm yên cũng không thể được nữa.
Ông bố chồng say rượu; thoạt đầu ông ta nghêu ngao hát, đòi bọn anh em nhà hoạn phải hòa theo. Và quả thực họ cũng hát theo bằng mấy cái giọng the thé, khó chịu. Sau đó Pôlia nghe thấy tiếng ông bố chồng chuyện trò oang oang, hẳn với người thứ năm nọ, người mới đến lúc nẫy. Lão Êpiphan gần như quát lên. Còn người kia cũng chẳng chịu lép, đáp lại còn to hơn.
Ngay từ những lời đầu tiên họ chuyện trò, Pôlia cũng đã hiểu rằng, giữa họ đã diễn ra một chuyện mặc cả. Mặc cả về việc gì, Pôlia không muốn biết. Cứ kệ họ quát tháo, dù cho đến sáng mai cũng được! Bởi vì cho đến lúc cổ họng họ còn chưa khản đặc, họ còn chưa chịu im lặng. Nhưng muốn hay không muốn, Pôlia vẫn chộp được mấy câu trao đổi, và thái độ của cô đối với câu chuyện bên kia tường thay đổi. Không, cô không thể tiếp tục thờ ơ được nữa. Ở đó, bên kia tường, người ta đang nói về «cái hố»...
«Cái hố»... Từ thơ ấu Pôlia đã biết rằng các «cái hố» ở trên sông Obi - đó là kho báu to lớn đối với con người. Cá hồng quí giá tụ tập ở đấy nhiều đến mức hàng mấy làng đổ ra mới bắt xuể. «Cái hố» cứu đỡ người nghèo, như thể của quí bắt được... Không xu dính túi, bỗng chốc trở nên giàu! Còn đối với kẻ giàu thì «cái hố» là món lãi to, tờ xổ số độc đắc, số vận đỏ. Riêng bọn thương gia, thì đối với họ «cái hố» giống như cái két bạc, mà theo thần thông biến hóa hàng đống vàng chảy vào.
Đối với mọi người là như thế. Còn đối với sông, đối với thiên nhiên: «cái hố» là sự thử thách ác nghiệt đôi khi làm cho nước hết sạch cá hàng mấy chục năm dài.
Đến tháng Chạp các lạch nước ở Ôbi phủ lớp băng dầy hàng xagiên kín mít. Các đàn cá trở nên ngạt thở và đói ăn. Theo các qui luật do trời đất định sẵn cho thế giới sinh vật, cá đổ dồn đến chỗ sông đã lấn chen cát và đất sét đi, xoáy thành hố sâu, có lẽ, có gì đấy giống như cái bát. Cá, như vậy là, đổ tới đấy, và nằm nện chặt đến mức bên sườn chúng hình thành những cái vết đặc biệt- vết lằn đã thành chai sạn.
Tìm ra «cái hố», phát hiện ra nó trên cả dòng sông hàng ngàn vecxta - công việc tinh vi đến mức không phải nhiều người làm được. Còn nếu anh có gặp may đi nữa - vì anh là người hay gặp may hay do sự hiểu biết sông nước đặc biệt của anh, và anh phát hiện ra «cái hố», - anh cũng không thể một mình chiếm đoạt cái hố ấy. «Cái hố» là tài sản của mọi người, cũng giống hệt như rừng tùng bách, nơi muông thú sinh tồn hay hệt như những hồ nước, nơi nhung nhúc những cá là cá.
Pôlia biết rõ mọi chuyện đó. Bấy giờ cô còn bé tý, khi ông ngoại Phêđốt của cô tìm thấy một «cái hố» ở gần Parabên. Việc đầu tiên ông Pôlia làm là ông đi báo cho thôn trưởng. Mọi người nồng nhiệt cảm ơn ông. «Cái hố» hứa hẹn cho họ một mẻ lưới nặng cá. Nhưng ông Pôlia không được ưu tiên gì hết. Cùng với những người khác, ông rút ở cái mũ của thôn trường một mẩu giấy trên đó có ghi số ô đứng của ông bằng bút chì hóa học, mà ô ấy lại ở sát bên bờ và vì thế mà chẳng hứa hẹn thu được nhiều cho lắm...
Pôlia biết rằng xử sự khác đối với «cái hố» là không hợp lẽ con người ta. Từ xa xưa đã như vậy, bởi vì sông nước là của mọi người, của cải của nó dành cho tất cả mọi người, và không ai có thể tự giành lấy đặc quyền...
Nhưng mà phải chăng không ai xử sự khác ư?
Tiếng chuyện trò bên kia tường trở nên lúc ầm ĩ hơn, lúc lại sầm sì, nhưng không khí căng thẳng của nó không giảm đi. Đám mugích thét lác, chửi bới, chuyển từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia. Nhưng Pôlia đã hiểu cả. Người thứ năm trong bọn họ là Ermôlai Lôpátkin. Có lẽ, ông ta chỉ còn một mắt: lão Êpiphan gọi ông ta là «tay ngổ ngáo một mắt». Anh em nhà hoạn đã rình chộp được Lôpátkin vào đúng lúc khi ông ta giấu những con cá chiên ướp lạnh vào kho gần căn nhà của mình ở trại. Những con cá chiên loại cá «ở hố», có những vết chóc hai bên sườn và hơi bị ép lại ở trong những chồng đống dưới lòng nước. Bây giờ lão Êpiphan cùng các anh em nhà hoạn dồn gã đánh cá trộm phải chỉ «cái hố» cho họ và thề trước thánh giá rằng không nói thêm cho một ai nữa trên đời về «cái hố», còn đánh bắt cá ở đó thì chỉ tiến hành bí mật, vào đêm hôm và chỉ được đánh bắt cùng với bọn anh em nhà hoạn và những ngư dân do chính lão Êpiphan cắt cử.
Gã Ermôlai Lôpátkin là một tay ranh mãnh và tháo vát. Gã lúc thì hứa sẽ chỉ «cái hố» cho lão Êpiphan, tất nhiên là không phải suông tình, mà đòi khá tiền, số tiền đó lão Êpiphan không được khất, mà ngay bây giờ phải đặt lên bàn, lúc thì lại chối phắt những lời mình nói và nhắc đi nhắc lại mỗi một điều!
- Tôi đã bảo là không chỉ là không chỉ!
Một lần, khi Lôpátkin lên tiếng hạch sách đòi lão Êpiphan nhận hắn vào «cổ phần» trong công việc buôn bán, anh em nhà hoạn bèn rít lên xông vào hắn và ra sức đấm hắn túi bụi. Tiếng vật lộn ầm ĩ đến mức Pôlia lo sợ nhìn xuống sàn nhà và lên trần: liệu những tấm ván ở trên kia có đổ sập xuống người cô chăng, ván sàn có tan nát chăng? Hẳn là, không dễ gì đánh thắng được Ermôlai. Hắn lẳng bọn anh em nhà hoạn, và khi ngã xuống bọn họ kêu lên và sặc lên ằng ặc. Đột nhiên, át tiếng đánh đấm ầm ĩ, vang lên tiếng kêu thất thanh của lão Êpiphan:
- Bỏ rìu đi, Agáp! Hắn ta có dao găm dắt lưng! Hắn cắt tiết ráo cả chúng ta bây giờ đấy!
Tiếng kêu của lão làm cho cả bọn anh em nhà hoạn cả gã Ermôlai sực tỉnh ra. Cuộc ẩu đả lắng xuống, rồi qua mấy phút sau vọng tới chỗ Pôlia tiếng chai và cốc chạm nhau lanh canh và tiếng chuyện trò khá là bình thản giữa những kẻ vừa ẩu đả nhau. Cuộc mặc cả tiếp diễn, dường như không hề có cuộc xô xát hung hăng vừa rồi, tẹo nữa thì dẫn đến chỗ giết chết tươi lẫn nhau. Ngược lại, cuộc xô xát không chỉ làm họ bình tâm lại, mà còn tỉnh táo ra. Uống «cạn đến đáy thêm một cốc nữa, cốc nữa», lão Êpiphan với Ermôlai bàn bạc chuyện ngã giá theo chiều hướng rất chí lý. Bọn anh em nhà hoạn chỉ thỉnh thoảng mới gật gù với lão Êpiphan, khi lão ta thuyết phục gã Lôpátkin bướng bỉnh về điều gì đó.
Mãi gần sáng, cuối cùng hai bên mới thỏa thuận xong các điều kiện hợp tác. Theo Pôlia hiểu được thì, họ đi đến thỏa thuận sau: lão Êpiphan mua toàn bộ «cái hố»; gã Ermôlai do khám phá ra «cái hố» nên được «trợ cấp» và sẽ được phần thêm tính theo mỗi pút cá đánh được.
Việc thuê mướn những người đánh cá mà sẽ không để lộ «cái hố» với người cùng làng, lão Êpiphan đích thân đảm nhiệm. Lão không giấu giếm các tính toán của lão: lão sẽ gọi dân Ôxchiác ở các trại dân cư lân cận, dùng chất độc rượu vốtca buộc họ lại bằng sự bảo lãnh liên đới, và cứ để họ cứ việc khai thác cá. Không ai dám hé răng thốt lên một tiếng. Cái gì chứ khai thác cá ở sông thì dân Ôxchiác biết cách! Cả vào mùa hè cũng biết cách, còn hơn vào mùa đông, lại ở bên «cái hố» thì càng khỏi phải nói!
Lão Êpiphan cũng không giấu giếm nỗi lo ngại của mình: lão đã «xâm phạm» vào địa hạt không phải của lão. Phôma Lukích Vôlôkitin đã nhiều năm sinh sống ở đây, khắp các làng xóm, các trại dân cư. Nếu như nói đổ xuống sông xuống biển, lão Vôlôkitin mà biết ra những mưu toan của Êpiphan, thì lão chẳng tiếc gì bản thân lão, cũng như tiền bạc để đuổi cổ tên cạnh tranh không mời mà đến của mình vĩnh viễn ra khỏi nơi đây. Cả anh em nhà hoạn cũng hiểu điều đó, mà cả Lôpátkin cũng vậy. Vì thế họ thề với nhau gìn giữ bí mật. Dù thế nào đi nữa, tất cả bọn họ đều quan tâm đến điều đó.
- Mọi chuyện sẽ chôn sâu đắp kỹ, - một trong bọn anh em nhà hoạn nói the thé.
- Đúng thế, Agáp! - lão Êpiphan tán thành.
- Làm sao không ai lần ra mối manh đâu cả, - Ermôlai xác nhận.
o O o
Sáng sớm hôm sau lão Êpiphan ghé vào phòng Pôlia. Pôlia đang nằm, mắt đã mở to, lắng nghe tiếng nhộn nhạo ở bên kia tường.
- Thế nào, Pôlia, không buồn chứ? Còn bọn ta lại đi đây! Công việc mà! Hời to Pôlia ạ, chắc hời to, - lão Êpiphan liến thoắng nói nhanh và, không chờ nàng dâu đáp, nhảy vội ra cửa.
«Tôi biết công việc của các người! Suốt đêm nghe nhiều lắm rồi! Ông Ermôlai lừa gạt người làng, giấu không cho họ biết «cái hố», ông lại lừa gạt ông Ermôlai, còn bọn anh em nhà hoạn lừa gạt cả hai người các ông ở chỗ nào và thế nào, cái đó thì tôi còn chưa biết được tường tận», - Pôlia nghĩ bụng.
Cô cảm thấy người khó chịu. Đêm Pôlia không ngủ, chỉ mãi gần sáng mới chợp đi được một lúc, khi bên kia tường lắng đi trong chốc lát. Cô tỉnh dậy với cảm giác mình có lỗi gì đó nặng. Nhưng cô phạm lỗi gì kia chớ? Và có lỗi trước ai? Chẳng lẽ cô có lỗi vì trên trái đất có những con người quái thai như vậy, như anh em nhà hoạn, mà cô đang có mặt ở nhà của họ?! Còn ông Ermôlai? Đó không phải là quái thai ư? Thì cũng là một ngư dân nghèo mà loại người như ông ta ở sông Ôbi có thể gặp vô số, nhưng ông ta lại làm cái trò gì kia chứ? Ông ta gặp vận đỏ - tìm ra «cái hố», cái tài sản mà đáng ra mọi người cùng được hưởng. Nhưng ông ta đã làm gì? Ông ta giấu giếm tài sản ấy không cho mọi người biết, mưu toan trục lợi cho riêng bản thân mình... Còn ông Êpiphan?.. Pôlia không tìm ra lời lẽ để có thể dùng chỉ các hành tung của ông bố chồng... Nhưng dù sao đi nữa chẳng lẽ cô có lỗi trong việc tất cả bọn họ, những kẻ không phải là người ấy, đang sống bên cạnh cô, làm các công việc nhơ nhuốc của mình và không chút nào e ngại cô? Họ nói to, không chút ngượng ngùng, công khai tính toán xem làm thế nào lừa gạt được người khác một cách khéo léo hơn, còn ông bố chồng Êpiphan trơ trẽn đến mức đưa cho cô cuốn sổ trong đó mỗi điều ghi chép là một chuyện lừa gạt, một tội ác, một việc khủng khiếp! Vả chăng không lẽ tất cả bọn họ đều đã mất hết lý trí đến mức coi cả cô cũng là người cùng hội cùng thuyền?
Vì ý nghĩ ấy Pôlia ngồi chồm dậy trên giường, và ngồi thế rất lâu, rũ rượi mái tóc rậm dầy.
«Nhưng rồi sẽ ra thế nào đây? Rồi đây sẽ chẳng tốt đẹp gì hơn... Sẽ càng tồi tệ hơn. Trong lúc còn chưa muộn, cần phải thoát ra khỏi vũng bùn lầy này. Nếu không, nó sẽ hút thụt đến tận đầu, rồi sau đó trùm lấp kín cả đầu. Ta tự giết mình... Cha đẻ với ông ngoại mình sẽ xấu hổ khi gọi mình là đứa con, đứa cháu thân thương», - cô suy nghĩ.
Pôlia khóc, khụt khà khụt khịt mũi như một cô bé, lấy những món tóc tơ ở những bím tóc tơ ra lau nước mắt. «Anh Nhikipho... Tất cả hi vọng trông cả vào anh ấy. Anh ấy ở Tômxcơ trở về là mình với anh ấy sẽ không ở lại thêm một ngày nào trong nhà của ông bố chồng. Mình với anh ấy sẽ bỏ đi tới đâu thì tới. Bố sẽ giúp đỡ, ông ngoại cũng sẽ chìa tay cho vợ chồng ta. Vợ chồng ta sẽ sống được... Trong trường hợp có chuyện gì đó ta sẽ thuê nhà ở trọ. Đấy, những người đi đày vẫn sống cả đấy... Sống... và cho dù không được tự do, nhưng lương tâm họ không bị cắn rứt. Sống không cướp bóc, không lừa gạt, không tham nhũng...».
Pôlia tự yên ủi mình, khuyên mình tạm thời đừng day dứt... Tuổi trẻ có ưu thế là mọi việc còn ở phía trước cả. Pôlia chỉ mới bắt đầu sống, và vì thế nỗi đau khổ của cô vẫn còn tuân phục cô: thoạt đầu lắng xuống, rối sau đó hoàn toàn bay biến mất. Pôlia đứng dậy, đi ăn sáng, dọn dẹp chỗ ở, thu dọn các cuộn giây thừng vào một phía. Khi làm một việc gì đó thì nỗi buồn dễ nguôi hơn.
Nửa buổi Agáp phóng xe trở về nhà. Anh ta vội vã chạy vào phòng Pôlia, lo lắng bảo:
- Ông Êpiphan sai nhóm bếp nhà tắm. Ông nổi chứng đau lưng. Bà lang sẽ sát dầu linh sam cho ông. Ông đang rên rỉ ầm ĩ! Nào, cô nàng dâu, giúp tôi thu xếp cái nhà tắm.
Pôlia chăm chú nhìn anh chàng hoạn. Trên bộ mặt tròn xệ xuống vì rượu lẩn quất nét cười gằn ranh mãnh, cặp mắt lẩn đi dưới cặp mí hùm hụp láu lỉnh đảo đi đảo lại. «Đồ vô lại, hắn đang mưu mẹo đây», - Pôlia nghĩ thầm, nhưng từ lâu cô đã muốn ra ngoài trời, nên cô nhận lời.
- Đưa đòn gánh với xô đây, tôi đi quẩy nước.
Cái chảo và chậu trong nhà tắm chứa được nhiều nước. Pôlia quẩy hai mươi xô nước về mà vẫn còn hai ba gang tay mới tới miệng. Agáp lúi húi ở xa, nhưng Pôlia cảm thấy rằng hắn ta theo dõi cô không lơi mắt. Cái cười gằn cứ đọng mãi trên mặt hắn. «Hắn biết chuyện gì đó mà mình không biết. Vì thế mà hắn cứ nhăn nhở, cứ hơn hớn. Hắn không quen sống không mánh khóe, không lừa gạt», - ý nghĩ thoáng qua trong tâm trí Pôlia.
Đến tối mọi chuyện đều sáng tỏ. Quả thực, Pôlia không biết cái điều gã hoạn biết. Lão Êpiphan không trở về một mình, mà đi cùng một mụ đàn bà. Thoáng nhìn mụ qua cửa sổ, Pôlia lập tức hiểu ra là mụ chẳng phải bà lang cô mụ nào, mà chỉ là nhân tình của ông bố chồng. Trước hết, lứa tuổi của ả đã vạch mặt ả. Nhiều nhất ả cũng chỉ chừng ba mươi tuổi. Bà lang ở cái tuổi ấy ban ngày có đốt đuốc soi cũng chẳng thấy. Đôi ủng da hươu, chiếc áo lông cộc đều rất hợp với người ả. Cái thắt lưng siết chặt ngang người làm nổi rõ bộ mông tròn, cứ núng nẩy mỗi khi đi, còn đôi bắp chân đẫy đà làm dãn cả đôi ống giày ra. Nhưng đặc biệt tấm khăn chéo lụa đen in những bông hoa màu hồng làm lộ chân tướng ả đàn bà. Loại khăn chéo như vậy các bà các chị nông dân ở đây không đội vào những ngày bình thường vào mùa đông. Đầu xuân và mùa thu ấy lại là chuyện khác, nhưng vào lúc đông giá đàn bà con gái đều giấu kín đầu dưới những tấm khăn san len đan. «Chính ông ta, ông Êpiphan, tặng ả tấm khăn chéo này», - Pôlia xác định một cách đúng như in.
Lão Êpiphan đi đến nhà tắm, chân đi hơi tập tễnh và người hơi lảo đảo. Ả đàn bà đã phóng đến đây trước rồi, mang theo chai dầu linh sam và cây đèn. Agáp cùng với anh em nhà hoạn tất tả trong nhà, ngoài sân, chuẩn bị bữa ăn tối thết đãi khách. Lão Êpiphan trở về với ả đàn bà khi trời đã tối hẳn.
- Chà, Marpha thật là nhà tài nghệ làm cho giãn gân giãn cốt! Cô thấy không, tôi trẻ ra lập tức! - lão Êpiphan khen ả đàn bà, còn bọn anh em nhà hoạn, phụ họa, làm ra bộ dường như họ tin điều đó, và chịu để người đàn bà nọ có mặt tại phần nhà bên họ, và ả thì coi bộ không định bỏ đi.
Rồi về sau, khi bọn họ uống say khướt với món bánh mằn thắn của Agáp, với lại, đã gào rát cổ họng rồi, cuối cùng im lặng, tản ra các góc nhà, Pôlia nghe lọt cái điều mà nỗi xấu hổ thiêu đốt cô suốt từ chân lên đầu. Cái giường trên đó lão Êpiphan cùng với ả Marpha say sưa những trò nghịch ngợm của họ, kê sát vách bên giường cô sau cửa. Và dù Pôlia có vùi đầu xuống dưới gối đến thế nào đi nữa, tiếng kêu xồn xồn của ông bố chồng cũng lọt đến tai cô!
- Thôi đi mà, Marpha, che đậy làm quái gì! Phanh cho rộng ra! Ôi thiên thần, em thẹn với ai kia chứ? Không lẽ kia là các chàng trai ư? Chúng đâu có phải là người! Một bọn ngợm! Kha kha kha, - giọng nói của lão Êpiphan vọng sang.
Cuối cùng Pôlia chộp lấy cái áo lông cộc, cô mặc ấm rồi bỏ ra hiên nhà. Cô ngồi ở đó cho đến lúc trong nhà những tiếng hổn hển của lão Êpiphan tắt hẳn, toàn thân cô run rẩy vì lạnh, mà cũng vì tởm lợm.
o O o
Trời hửng sáng thì trong ấp cũng lại trở lại im ắng và yên tĩnh. Bọn anh em nhà hoạn lên đường đi vào làng, rồi sau đó cả lão Êpiphan cùng với ả giang hồ Marpha của mình cũng phóng xe về nơi đó.
Lại bắt đầu một ngày nữa, có thể, là một ngày kinh khủng nhất trong đời của Pôlia. Cô có cảm giác rằng toàn bộ con người cô vừa bị người ta đưa qua những xú uế nhơ nhuốc và hôi thối gì đó và còn có gì nhớp nháp bám trên mặt và tay cô. Với cảm giác đó thì điều tốt đẹp nhất lúc này là nhà tắm. Chà, sao mà thèm xối những gáo nước nóng đến thế, thậm chí, lấy cành bạch dương phả hơi nước nóng mù mịt quất lên thân thể mình, lên lưng, lên mông, lên chân đùi. Nhưng chỉ cần nhớ tới chính trong cái nhà tắm ấy, nơi hôm qua cô đã sốt sắng quẩy ở lỗ băng trên mặt hồ về mười gánh nước, buổi tối ông bố chồng đã cùng ả Marpha đến hú hí, là cô lại thấy tởm lợm đến buồn nôn. Hai ba lần Pôlia lấy nước lạnh trong thùng ra rửa mặt. Hơi nhẹ nhõm được một chút, tuy vậy cũng chẳng được bao lâu. Cuối cùng cô nhảy ra khỏi nhà, ra hiên cửa, trên người chỉ mặc áo dài, đầu để trần. Họa may thân thể có mát mẻ chút nào được chăng, thở hít không khí lạnh, cho cơn khó chịu qua đi, cơn khó chịu ngột ngạt như những ngón tay sắt xiên lấy cổ cô.
Pôlia duỗi chân duỗi tay, kiễng gót và lúc đó nhìn qua rào gỗ vây quanh khu nhà, cô thấy trên đường có một người nào đó chậm chạp và nặng nề lê bước đi tới khu nhà.
Đôi mắt của Pôlia sắc sảo, nhìn xa. Cô nheo nheo nhìn kỹ và lập tức hiểu rằng người kia không giống ai trong số anh em nhà hoạn cũng chẳng giống ông bố chồng.
«Mình sẽ vào nhà khóa tịt cửa lại. Người kia đến không thấy ai sẽ bỏ đi thôi», - Pôlia định bụng. Cô chạy vào nhà, cài vội móc cửa và vội đến bên cửa sổ. Người nọ vẫn bước đi không vội vàng. Đó là một người đàn ông cao dong dỏng, đi ủng lông đen, đội mũ lông xám, mặc áo lông cộc màu đen, quần may chần. Theo nhịp bước chân, ông ta chuyển dịch cái que liễu hoàn diệp khô, đã tróc vỏ đến nửa. Qua hai ba phút sau Pôlia nhìn thấy rõ người kia hơn. Bộ mặt của người đàn ông mũi quặp xương xẩu, bộ râu bạc. Trên đôi mắt lõm sâu nổi đậm đôi lông mày rậm, đen như cánh quạ. Thấy rõ là người đàn ông đã đi khá lâu rồi. Trên ria ông ta bám đầy băng giá, trán và hai bên má lởn vởn hơi nóng.
«Có thể, một người đi đày chạy trốn chăng? Đang đi tìm nơi ẩn nấp... Mình sẽ ra đón, ông ta chẳng giết mình đâu, vì không phải tên cướp», - đột nhiên Pôlia thay đổi quyết định, và lập tức cô nhớ đến câu chuyện trong ngày cưới, khi cô không tố giác trao người chạy trốn cho đám say rượu hành hạ. Thời gian đã trôi qua, nhưng Pôlia không làm sao có thể quên được người thanh niên trẻ trên thuyền với cặp mắt lo lắng và kiên quyết. Anh ấy bây giờ ở đâu? Anh ấy có tranh thủ được cơ hội và đi tới đích hay không?
Pôlia ra gặp người đàn ông ở cửa. Nhìn thấy cô, ông ta dừng lại và thậm chí hơi lùi bước, dường như hoảng sợ:
- Không lẽ phụ nữ ư? Mà lại còn trẻ như thế này? Ở nhà anh em nhà hoạn à?!
Tất nhiên người đàn ông nói đùa. Có cảm giác rằng ông ta không phải thuộc loại nhút nhát để đến nỗi hoảng sợ. Và điều đó không hiểu sao lập tức làm cho Pôlia có thiện cảm đối với người lạ này.
- Mời bác vào đây. Ở bên ấy chẳng có ai. Bác là thế nào nhỉ? Có việc gì cần thiết mà bác phải tìm đến chốn này? - Pôlia lên tiếng, quan sát kỹ người đàn ông và thầm nhận xét: «Con người tốt bụng đã mệt nhoài! Thở mới ghê chứ! Không, người này đâu có giống tên cướp».
- Thế còn cô là ai? Sao với đôi mắt hiền từ thế kia cô lại rơi vào cái hang hùm nọc rắn này? - vừa bước lên các bậc thềm tam cấp ở hiên nhà, người đàn ông hỏi.
- Tôi ấy ư? À cũng là vậy thôi... - không biết trả lời ra sao, Pôlia bối rối. Thừa nhận rằng cô là con dâu lão Êpiphan Crivôrucốp, cô không muốn, mà bịa ra một điều gì đấy, cô con chưa kịp nghĩ ra.
Người đàn ông nhận thấy Pôlia không vội trả lời câu hỏi của ông, ông khoát tay:
- Mà thôi, cô cũng chẳng cần phải nói! Không cần nói gì tôi cũng biết rằng cô rơi vào đây không phải do tự nguyện. Hẳn là họ nhử cô như một con chim nhỏ cho lão sa đọa Epiphan Crivôrucốp.
Điều này thì Pôlia không thể chịu đựng được một cách dửng dưng, cô lắc đầu:
- Không, không, bác ạ! Dứt khoát không phải như vậy.
Không rõ vì sao người đàn ông thấy tin ngay Pôlia không chút lưỡng lự.
- Không phải thì rất tốt. Phải mở to mắt nhìn cho kỹ!
- Tôi là người kế toán trong nhà họ Crivôrucốp. Tôi tính chi thu lỗ lãi.
- Tìm được công việc gì khác thì phới cho mau. Trong cái công việc của cô chẳng có gì là tốt đẹp đâu. Tôi biết cái chuyện buôn gian bán lận của lão! - người đàn ông khuyên giải, giọng đầy thuyết phục.
Sau khi vào nhà, Pôlia mời người đàn ông một ca nước trà. Người kia sẵn sàng nhận lời, quẳng tấm áo lông cộc, chiếc mũ lông và găng tay ra. Ông vẫn còn thở nặng nhọc, húng hắng ho, lấy lòng bàn tay lau mồ hôi trên chỗ đầu hói.
- Thế cái bọn tù khổ sai giọng the thé ấy mất mặt ở đâu rồi? - hất đầu sang nửa nhà bên kia, người đàn ông hỏi.
- Cùng với ông chủ tôi đi về làng rồi.
- Ra là thể! Họ đi về đấy, còn tôi lại ở đấy đến đây. Tôi có thể không gặp họ ở chỗ nào nhỉ!... Tiếc thật, mà tôi đang cần đến họ quá đi mất.
- Mà có thể, họ đi đến một nơi khác. Họ có nói gì với tôi đâu, - Pôlia nói, nghĩ thầm: «Có thể, họ đi xem «cái hố» hay thuê mướn dân Ôxchiác». - Bác là ai, người quen của họ hay có công việc gì liên quan với họ? - im lặng một lát, cô hỏi.
- Tôi cần giây thừng, mà thừng thì ngoài họ ra chẳng biết tìm ở đâu ra nữa.
- Nghĩa là, bác là dân đánh cá? - Pôlia định hỏi rõ hơn.
- Ngư dân một cách miễn cưỡng. Tôi là dân bị đi đày, cô gái ạ. Họ của tôi là Suxtốp, tên là Vaxili. Tôi đã sống ở đây hai năm rồi. Còn phải khổ sở thêm hai năm rưỡi nữa. Cùng với tôi có cả gia đình. Năm cháu nhỏ lắt nhắt một lũ. Tất nhiên, cả vợ nữa. Bảy miệng ăn. Mỗi người một ít thôi - thì tất cả cũng cần bao nhiêu rồi. Vậy mà ở đây lại còn sức khỏe chẳng ra sao nữa. Xuân sang là sốt rét sốt nóng vật vã tôi, còn mùa đông thì lại khổ vì ho hen, không thì lại thấp khớp.
Bác Suxtốp nhấp trà ở cái ca, đưa mắt nhìn Pôlia với vẻ ngờ vực, buông ra một câu, miệng cười gằn:
- Mà nói làm gì kia chứ! Dù sao cô cũng chẳng hiểu nổi.
- Tại sao tôi lại không hiểu nhỉ? - Pôlia phật ý ra mặt.
- Là bởi vì, cô gái ạ, để mà hiểu tôi, cần phải ở trong tình cảnh của tôi. - Bác Suxtốp hẳn là đã đoán ra rằng bác ta đã có điều gì xúc phạm Pôlia; bởi vì nói những lời lẽ ấy đã dịu dàng hơn. Pôlia rất muốn nói: «Tôi hiểu tất cả: cả ông tôi, cả cha đẻ tôi đều đã từng là những người đi đày». Nhưng cô đã ghìm được và hỏi về một điều khác:
- Thế bác đã thử chữa chạy chưa? Bác Vaxili?
- Sao lại chưa! Ông y sĩ ở Parabên - Gôrbiacốp Phêđo Têrentievích vẫn chữa chạy cho tôi. Một tấm lòng vàng! Có lần ông phóng ngựa đi trong thời tiết phát sởn tóc gáy. «Chà, - tôi nói, - sao lại như vậy? Ông đến chết mất!». Còn ông ấy, con người vui tính ấy chỉ cười: «Ê, - ông ấy nói, - chỉ những chuyện vớ vẩn! Ai số phải chết chìm, thì người đó ở trong lửa cũng không cháy!». Một tấm lòng vàng! - bác Suxtốp nhắc lại. Và dường như nhổm người lên vì xúc động.
Pôlia khó khăn mới ghìm được để không kêu lên: «Nhưng tấm lòng vàng ấy chính lại là bố tôi!» Lời khen ngợi của bác Suxtốp cô thấy thật dễ chịu, tâm hồn cô tràn ngập một niềm vui sâu sắc và mãnh liệt đến mức tất cả mọi điều khó chịu và day dứt trong những ngày gần đây bay biến khỏi ký ức, dường như chưa bao giờ có. Hẳn là, ánh sáng nội tâm rực lên rạng chiếu cả trên gương mặt Pôlia, trong cặp mắt cô. Bác Suxtốp nhận thấy điều đó. Đột nhiên, nhìn Pôlia chằm chằm, bác ta hỏi:
- Cô đã có dịp quen biết ông Gôrbiacốp?
- Còn phải nói. Con người ấy nổi tiếng khắp Narưm.
- Ông Gôrbiacốp là con người có tâm hồn lớn, - lần thứ ba bác Suxtốp khen ngợi ông y sĩ.
- Thế chính bác người ở đâu? - Pôlia hỏi, mỗi phút một cảm thấy thêm lý thú đối với con người này. - Ở đây, ở vùng của chúng tôi, người ở nơi khác đến gian nan lắm. Chúng tôi dân Xibiri, đã chịu đựng quen, sống quen rồi.
- Quê tôi ở Xaratốp. Tôi tới đây như nhiều thợ thuyền khác - tôi tham gia đình công. Kể ra thì anh em khác dễ chịu hơn. Họ đều chưa có gia đình, một thân một mình. Khổ sở trong buồn nhớ và cô đơn, nhưng thế nào họ cũng sống qua thời hạn lưu đày. Chúng phân tán chúng tôi mỗi người đi một ngả. Một số đến gần Áckhanghenxcơ, số khác - đến Turukhanxcơ, còn tôi và ba người nữa - tới Narưm này. Nhưng ở đây chúng lại phân tán bọn chúng tôi đến các chốn dân cư khác nhau, bác Suxtốp kể lể một cách cả tin. - Phải chi chúng tôi ở bên nhau, thì dù sao chúng tôi cũng không để cho nhau phải chết đói dần mòn...
- Bác được người ta trả trợ cấp hay bác sống như một dân làng lưu đày?
- Tất cả trợ cấp tôi phải trả tiền thuê nhà. Cái ăn phải làm để kiếm lấy. Năm đầu tôi mạ thiếc ấm đun nước, hàn xoong nồi cho cả làng. Nhưng làng xóm nào có to tát gì! Cả thẩy chỉ có sáu mươi hộ. Sau đó đi làm làn bằng vỏ bạch dương. Tôi cung cấp cho tất cả các gia chủ. Nhưng tiền kiếm được chủ yếu là nghề đánh cá. Mùa thu cùng với vợ làm ở các bãi cát. Khi thì kéo lưới, khi chế biến cá. Làm có vẻ nhiều đấy, nhưng đắp đổi lần hồi mà không xong. Bây giờ tôi định trang bị lấy một tấm lưới của riêng: tôi đã mua câu cắm, lờ, định đến mùa xuân sắm hai ba tấm lưới nhỏ, ít ra là không phải mua cá. Mà có cá, thêm bánh mì nữa là có cái ăn đấy rồi...
Pôlia nghe câu chuyện từ tốn của bác Suxtốp, và nhiều điều bác ta nói, rất quen thuộc và gần gũi đối với cô. Gia đình cha cô tuy không bị cái đói đe dọa, nhưng thường xuyên buộc phải tính toán chi ly. Trong nhà chẳng có của gì thừa, và tất cả sự no đủ phụ thuộc vào công việc làm của chính bản thân người trong nhà
- Thế con cái bác lớn chưa? - Pôlia hỏi.
- Đứa con trai lớn nhất mới mười tuổi, còn thằng nhỏ thì mãi đến ở nơi đày này mới ra đời.
- Chúng khỏe chứ?
- Đâu có được khỏe khoắn gì! Thình thoảng chúng lại đau ốm. Khí hậu ở đây không so sánh được với khí hậu của chúng tôi: khắc nghiệt quá. Còn quần áo dày dép thì chúng tôi không thể khoe khoang gì được. Thôi thì có gì mặc nấy. Mà lũ trẻ của tôi lại chỉ toàn các ông lỏi. Không làm sao trị nổi chúng. Ngoài sông nước đang băng lạnh, vậy mà chúng mò xuống nước. Cảm cúm cả lũ quỉ con! - gần như âu yếm bác thốt lên và, im lặng một lát, nói tiếp: - Khi chúng tôi bị tuyên án, thoạt đầu tôi không muốn lôi gia đình theo tới nơi đi đày. Nhưng sau đó vợ tôi đến thăm và thế là bắt đầu nài nỉ tôi: «Ở đây em biết làm gì với lũ trẻ? Chỉ còn cách mang bị gậy đưa chúng đi ăn xin». Tôi mới quyết định: mang đi theo, đằng nào cũng tội cả. Và thế là tôi đưa gia đình tới đây. Chúng tôi sống dù có đói đấy, nhưng dù sao vẫn cứ cố bên nhau... Kể ra thì cũng chẳng sao! Cốt sống được đến mùa xuân, đến khi ấm áp. Lúc đó thì sẽ dễ dàng hơn: tôi sẽ sửa xong lưới, bắt tay vào đánh cá... Chỉ sợ một điều là anh em nhà hoạn không bán chịu giây thừng cho. Như vậy thì tôi lại không có lưới... Bấy giờ thì không còn biết làm ăn ra sao...
Pôlia muốn bằng cách nào đó giúp bác Suxtốp, và giúp tức thời. Cô nhìn bộ mặt gầy gò và mệt mỏi của bác đổ mồ hôi vì nước trà nóng, rồi nhìn sang các cuộn giây thừng. Một trong những cuộn này đúng là loại giây thừng nhỏ vẫn dùng để «đặt» lưới. «Mình cứ liều lấy cho bác ấy độ hai chục xagiên - thế là ổn», - Pôlia nghĩ bụng.
Bác Suxtốp dường như chộp được ý nghĩ của cô. Hất đầu về phía những cuộn giây thừng, bảo:
- Chính loại giây này đấy. Nhưng không có chủ ở nhà không thể lấy được.
- Thế nếu thử lấy không có chủ thì sao? Tôi chịu trách nhiệm. Tôi sẽ bảo tôi tự ý lấy. - Pôlia đề đạt.
- Cái đó thì dứt khoát không, cô gái ạ! Với cô thì có thể qua thôi, còn với tôi thì bọn họ sẽ lột xác ra đến bẩy lần, bởi vì mỗi tấm lưới họ đều biết cả. Nếu cô cứ thử thậm chí giấu giếm được số thừng này đi, nhưng còn tấm lưới thì dù sao đi nữa tôi cũng chẳng giấu được đi đâu. Bọn họ lập tức sẽ dò xét ra, xộc tới ngay và sẽ không trừ một thủ đoạn nào hết, không dừng lại trước bất cứ hành động gì. Ở đây người ta biết họ và sợ họ hơn cả sợ bọn cướp đường. Tôi ngồi nghỉ ngơi một chút rồi lại lần trở về nhà vậy. Đành để dịp khác lại đến.
Bác Suxtốp ngồi thêm mươi phút rồi sửa soạn ra về. Pôlia thấy giận mình vì cô không giúp được gì cho người này, và giận anh em nhà hoạn, những kẻ đi trói buộc người ta bằng những cuộn giây thừng của mình, những con người sống dở chết dở trong thiếu thốn như những con ruồi vướng mạng nhện.
Khi bác Suxtốp chia tay ra về, đã ra tới ngoài hiên, Pôlia vội xỏ tay vào áo lông cộc rồi vội lao ra theo.
- Bác Vaxili Đêmianôvích, bác dừng lại đã! Tôi muốn nói với bác một lời!
Bác Suxtốp chờ cô bên cổng với nét mặt nghi hoặc: cô ta nghĩ ra cái trò gì không biết? Lại muốn liều mạng đề nghị mình nhận món giây thừng chắc?..
- Ở đây tôi biết được một điều bí mật của anh em nhà hoạn...
- Điều bí mật? Bí mật nào? - bác Suxtốp đứng xích gần lại bên Pôlia, ngoái nhìn lại phía hiên nhà - liệu có kẻ nào nghe trộm họ không.
Pôlia kể lại chuyện gã Ermôlai Lôpátkin đến đây, về «cái hố», mà bọn họ đã mặc cả với nhau, về âm mưu của lão Êpiphan Crivôrucốp thuê mướn tập đoàn dân Ôxchiác để đánh cá trộm ở «cái hố».
Bác Suxtốp nghe Pôlia nói hết, không hề ngắt một lời nào. Chỉ có các thớ thịt là chuyển động dưới làn da nhợt nhạt trên hai má, mọc lưa thưa những sợi lông tơ.
- Ta vào nhà đi. Điều bí mật quả là bất ngờ. Cẩn phải suy tính cho kỹ, - đột nhiên bác Suxtốp nói và đi lên trước Pôlia.
Đến hiên nhà, bác dừng lại, hỏi xem người quen mới của bác tên là gì.
- Pôlia ạ, quả tình cô báo cho tôi một tin kinh thiên động địa, ngồi xuống tại chỗ cũ, bác Suxtốp nói. - Cô thử nghĩ mà coi, họ định làm cái trò gì kia chứ! Đánh cắp của nhân dân, cướp giật của mọi người cái mà thuộc quyền sở hữu của họ theo luật lệ và không có một nghi vấn gì cả! Và ở đâu đâu cũng vậy, ở khắp cả nước Nga! Cô nghĩ mà coi, vì sao ở nhà máy chúng tôi đã nổi dậy? Bọn chủ đầy đọa chúng tôi! Chúng tính gian, chúng phạt, không cho bước nửa bước... Và tại đây, nơi khỉ ho cò gáy này, cũng vẫn cuộc đời như vậy. Còn cái gã Ermôlai Lôpátkin ấy, chà, quả là quân đê tiện, một thằng đểu cáng! Thì hắn cũng như tôi, nào có được căn nhà gỗ của mình, tất cả của cải chỉ là lũ trẻ con... Vậy mà thấy đấy, óc tưởng tượng, lòng thèm khát làm giàu đã choán ngợp lấy hắn có ghê không chứ? Đi chống lại cả dân làng! Thôi, sau chuyện này thì dân đánh cá sẽ không thể chịu nổi hắn một ngày nào nữa đâu! Nếu hắn tự biết thân biết phận mà cuốn xéo đi cho xa thì tốt. Bằng không, nếu lần chần là người ta rình bắt và cho đi chầu cá măng. Chà, những quân mới đểu cáng! Nhưng mà không, cái miếng ngon này không thể để rơi vào tay chúng! Cám ơn cô, Pôlia! May sao cô không chịu thần phục chúng. Còn mọi chuyện khác tôi sẽ tìm cách nào đó tự lo liệu lấy... Ngay từ tối hôm nay sẽ giám sát gã Lôpátkin đến mức mà cảnh sát cũng không thể làm được như vậy... Bọn chúng không thể chiếm được «cái hố» này, không thể nào chiếm được!..
Khi thoạt đầu bác Suxtốp mới bước vào nhà, Pôlia cảm thấy bác ta vừa yếu ớt, vừa già. Bây giờ cô nhìn bác ta hết sức ngạc nhiên. Bác Suxtốp, có lẽ không ngoài bốn mươi tuổi, bác là con người tràn đầy nghị lực và nhiệt huyết. Tất nhiên Pôlia hiện thời còn chưa đoán ra rằng bác công nhân Suxtốp người Xaratốp đã mòn mỏi đi tại nơi đây, nơi lưu đày, bởi sự thiếu thốn, trong giây phút bừng sống lại và sôi lên bởi vì cảm thấy trong việc mà Pôlia kể cho bác nghe, có sự nghiệp xã hội, mà chỉ sự nghiệp đó mới làm cho bác trẻ lại, làm dịu những đau khổ và nhức nhối về thể xác.
- Nếu cần, cô Pôlia, tôi sẽ lại đến đây tìm cô... Và cô nhớ kỹ: không ai, không ai, không một người nào, ngoài tôi ra, được biết, do ai mà tôi biết được điều bí mật này, - bác ta nói, đứng dậy và đưa bàn tay xương xẩu, to rộng của mình cầm lấy bàn tay của Pôlia.
- Đối với tôi thế nào cũng được, họ biết ra hay không biết! Tôi với họ không có quan hệ gì cả! - Pôlia thốt lên một cách vô tư lự. Trong giây phút đó quả thực cô không nghĩ gì tới bản thân, tới việc số phận của cô sẽ ra sao, nếu như lão Êpiphan và những tên hoạn biết ra là cô đã tiết lộ bí mật «cái hố». Cô thấy sung sướng là dù sao cô cũng có cái gì đó giúp được bác Suxtốp, giúp được con cái bác, những đứa trẻ không hiểu sao cô tưởng tượng cũng giống như bố chúng, mặt dài nghêu và lông mày rậm. «Nếu như «cái hố» về tay nhân dân, thì bác Suxtốp cũng được chút gì đó. Bởi vì chỉ có kẻ không có tay mới không thể kiếm được khá cá từ «cái hố», - Pôlia nghĩ.
Nhưng bác Suxtốp có ý kiến khác về thái độ của Pôlia.
- Không, cô Pôlia ạ, không. Cô nói vậy không đúng! Việc gì bỗng dưng lại đưa đầu cho bọn giết người ấy? Cô chớ có nghĩ là chúng thương xót gì cô! Cô ghi nhớ một điều: chó sói không bao giờ trở thành người.
Bác Suxtốp ra đi, còn Pôlia còn ngồi bên bàn hồi lâu, ngẫm nghĩ về sự việc vừa xảy ra. «Thôi được, cứ theo như ý bác, Vaxili Đêmianôvích ạ, tôi sẽ im lặng cả về chuyện bác tới đây, cả về việc tôi đã lộ bí mật của chúng. Nhưng rồi tôi sẽ nói với anh Nhikipho như thế nào, sẽ chuyện trò với anh ấy ra sao đây? Có thể, cả anh ấy cũng sẽ tức giận tôi. Muốn gì thì gì ông Êpiphan cũng là bố đẻ của anh ấy. Bố đẻ... Thế còn với mụ Marpha? Chuyện như thế về bố đẻ phải nghe kể thì chẳng lấy gì làm thích thú... Thôi thì tốt hơn là mình sẽ im lặng, tạm thời im lặng, rồi ta hãy hay... Không, mình sẽ nói, sẽ nói hết mọi chuyện như đã xảy ra! cả việc nọ cả việc kia. Để cho anh ấy biết. Hai đứa đã thề không giấu giếm gì nhau hết kia mà...»
Pôlia hết ngả về quyết định này, rồi lại thay đổi thiên sang quyết định kia, nhưng không thể đi đến một quyết định dứt khoát nào cả. «Nói hay không nói?» Câu hỏi ấy dằn vặt cô, làm cô trăn trở, mất cả yên tĩnh, sự yên tĩnh mà cô chỉ còn lại có một tí xíu, chỉ bằng một sợi chỉ mỏng manh.
Đến tối lão Êpiphan và bọn người hoạn trở về xóm trại. Họ đều tỉnh táo, nói với nhau điều gì đó sẽ sàng và lo lắng. Pôlia cố lắng nghe câu chuyên của họ, nhưng không hiểu được chút gì hết. Sau bữa ăn trưa lão Êpiphan sang bên nửa nhà Pôlia.
- Thế nào, Pôlia, con buồn nhớ nhà chứ? - lão bố chồng hỏi, quan sát nàng dâu và thầm suy tính trong bụng: nó có biết về chuyện Marpha hay không? Nó có tin đấy là bà lang hay không?
- Nhưng ở đây có gì là vui vẻ kia ạ? Cha đưa con đến chốn hoang dã này, bỏ con một mình đấy, và con phải ngồi ru rú như ngồi tù, - Pôlia bực bội nói, giọng khó chịu.
- Con đừng trách, Pôlia. Ta không để con thiệt đâu. Một công việc làm ăn lớn phải lo cho xong. Ta sắp sửa thu được món lời lớn.
- Công việc gì thế ạ? - Pôlia hỏi, giả bộ ngây ngô, dường như cô chẳng nghe biết chuyện gì hết.
Lão Êpiphan lưỡng lự: có nên cho nàng dâu biết ngọn ngành chăng, liệu nó có vì chất phác tốt bụng mà hở ra cho người nào khác không cần thiết không?
- Đợi đó ít lâu nữa, Pôlia ạ.
- Vâng, tùy ý cha, - Pôlia phật ý bậm môi và cúi đầu nhìn xuống.
Lão Êpiphan giậm chân trên những mảnh gỗ sàn nhà kêu cót két, nhưng không định bỏ đi. Pôlia hiểu rằng ông bố chồng đến không phải để nói chuyện suông, cô cảnh giác, dò hỏi ngước nhìn lão.
- Ta cần nhiều tiền, Pôlia ạ, - lão Êpiphan thở dài và đưa tay giật giật cái khuyên trên tai. Pôlia từ lâu đã để ý thấy rằng nếu lão Êpiphan gặp hoàn cảnh khó khăn, là lão lại giật chiếc khuyên - hoặc giả vì bực bội, hoặc giả vì nóng ruột.
- Thì bố vay của các ông bạn của bố, - Pôlia ngoảnh về phía bức tường ngăn cách nhà, đưa ngón tay gõ vào dầm cửa.
- Con nói gì vậy, Pôlia! Ngay trong lễ rửa tội có xin họ miếng băng cũng chẳng được, chứ đừng nói đến tiền. - Lão Êpiphan hạ giọng, im lặng một lát, ngập ngừng nói: - Ta chỉ còn hy vọng vào con.
- Vào con? Do đâu vậy?
- Ta muốn, ngày mai con đi về nhà, mang đến đây một món kha khá vào, càng nhanh càng tốt. Sẽ phải chi một món khá to. Con không sợ đi một mình chứ? Có lẽ là một chặng ngủ đêm không về tới Gôlêsikhinô được đâu. - Lão Êpiphan im lặng, chờ đợi, xem nàng dâu nói gì. Pôlia thì cảm thấy một niềm vui sướng choán ngợp. Không phải chỉ tới Gôlêsikhinô, mà đến tận Mátxcơva cô cũng sẵn sàng ra đi, chỉ cốt sao khỏi phải dật dờ ở cái nhà đáng nguyền rủa này của bọn hoạn, không phải nhìn thấy những bộ mặt xun xoe của họ, không nghe thấy những giọng nói the thé của họ. Lại còn cái ông bố chồng nữa... Cái mặt mẹt say rượu của ông ta nhơ nhuốc, và sau cái chuyện xảy ra cùng ả Marpha, ở cô biến mất cả những tí chút cuối cùng của lòng kính trọng đối với ông ta - bố của chồng cô. Cho đến trước đó, cô có cảm giác ông bố chồng hiền hơn, tâm tình hơn bà mẹ chồng. Tưởng rằng ông ta sẽ chóng hiểu nguyện vọng của cô với Nhikipho được ra ở riêng, ông ta sẽ giúp hai người khi cần thiết. Sau cái việc cô đã thấy và biết ra ở đây, ở xóm trại này, khó lòng chờ đợi được sự thông cảm ở ông ta, còn sự hỗ trợ thì lại càng là chuyện không tưởng,
- Thôi được, nếu cần, thì con xin đi. Con chẳng có gì phải sợ. Ngựa con biết chăm sóc, còn đường đi dù lạ lẫm, nhưng có cái lưỡi là có thể đi tới bất kỳ nơi nào, - không để lộ nỗi vui sướng của mình, Pôlia nói một cách dè dặt.
- Nhưng khi đánh xe quay lại, phải cẩn thận đấy, Pôlia ạ. Tiền nong để chắc chắn khâu vào yếm, trong áo cánh ấy. Thời buổi này thiếu gì cái bọn tù khổ sai lang thang khắp mọi nẻo đường. Trước đây chúng ta sống yên ổn ở Narưm. Chẳng ai biết thế nào là trộm cắp. Người ta sống thoải mái cởi mở, - lão Êpiphan bắt đầu lý sự chuyện đời, rõ ràng là lão hài lòng về việc nàng dâu không ương bướng mà đồng ý lên đường một mình.
- Thế nhưng ai sẽ trao cho con tiền kia chứ? Dễ thường mẹ Anphixa lại tin lời con? Chẳng đời nào mẹ tin đâu! Làm sao con chứng minh được là trở về theo ý của cha?
- Con nói đúng đấy, Pôlia ạ. Bà ấy nhà ta keo kiết, bất li tri thù. Nhưng như thế này: ta sẽ viết cho bà ấy. Tất nhiên, bà ấy đọc chữ cũng chẳng tài giỏi gì, nhưng dù sao đi nữa cũng là tờ giấy, thư ủy nhiệm.
- Như thế tốt hơn. Chứ không mẹ lại nghĩ rằng con bỏ trốn. - Pôlia không giấu ác cảm đối với bà mẹ chồng.
Lão Êpiphan cau trán, cố giải thích cho Pôlia hiểu một ý nghĩ nào đó của mình, nói một cách khá là lập lờ:
- Đúng như vậy đó. Bà ấy là như thế. Tưởng tượng ra đủ thứ chuyện có, chuyện không có.
Pôlia hiểu là lão Êpiphan định ám chỉ ai: ả Marpha. Dường như ả có đến xóm trại, nhưng cũng dường như không hề đến đây. «Ông ấy sợ mình, nghĩ rằng mình về sẽ thì thào với bà vợ quí báu của ông ấy... Nhưng người mà mình sẽ không nói gì hết, chính là bà ta... Với con trai ông ấy mình sẽ nói, bởi vì anh ấy là chồng mình... Cứ để anh ấy biết ông bố của anh ấy là người nhẹ dạ và bậy bạ tới mức nào».
- Con đi con ngựa Igrenca ấy, Pôlia ạ. Nó chạy nước kiệu nhanh hơn, khỏe hơn con kia. Đến khi quay trở lại đây thì lấy con Pegarơ. Kéo xe thì nó đi hay không chê được. Thôi được rồi, ta đi cho ngựa ăn kiều mạch rồi đi ngủ. Ngày mai ta sẽ có một ngày thật kinh khủng, ta sẽ đem tiền ra đánh liều một trận. - Lão Êpiphan chưa kịp bước ra thì cánh cửa vào mở tung và Agáp bước vào,
- Có người lạ nào đó đến đây, - gã hoạn nói, giọng lo lắng, và nhìn Pôlia chằm chằm.
- Có ai đến đây không, Pôlia? - lão Êpiphan hỏi.
- Con chẳng thấy ai. Cả ngày con ở nhà một mình, - Pôlia trả lời, nhớ lời thỏa thuận với bác Suxtốp.
- Không có dấu chân, tuyết phủ sạch hết cả, nhưng cái then cổng không đặt ở chỗ cũ. Tôi gài vào một lỗ, nhưng nó lại đặt lỗ khác. - Cặp mắt láu lỉnh của gã Agáp cứ đảo đi đảo lại: hết dò xét Pôlia, lại đến lão Êpiphan, khi thì lại đảo qua các cuộn giây thừng. Ý giả xem có nguyên cả hay không.
- Tôi ra khỏi cổng. Không lẽ phải trèo qua hàng rào ư, - Pôlia nói.
Gã Agáp nheo nheo mắt, hai lỗ mũi của cái mũi bè bè của gã phập phồng cảnh giác, cặp môi động đậy không ra tiếng...
- Mà Agáp, anh quả là tay thiện nghệ dò xét! Gớm chửa, ngờ đến thế kia nữa! Cái then trên cánh cổng, - lão Êpiphan trở nên vui vẻ và ôm vai gã hoạn. - Thôi đi! Pôlia đã nói với anh là không có ai đến cả, nghĩa là không có...
- Ấy, nhưng vẫn ngờ ngợ thế nào ấy. Thổ dân - dân Ôxchiác hay Tunguxơ - thì họ chẳng lấy đâu, nhưng người ở xa tới thì có thể cuỗm mất như chơi!
«Chính mi là tên đầu trộm đuôi cướp có nòi, thế mà lại ngờ vực người khác... Nhưng mi có nheo mắt bao nhiêu đi nữa, cũng chẳng dò biết được sự thật đâu. Tuyết đã phủ kín sự thật rồi», - cười thầm, Pôlia nghĩ bụng.
Sáng sớm hôm sau cô lên xe đi về Parabên mang theo thư của lão Êpiphan, trong đó dặn mụ Anphixa vét hết tiền đến đồng rúp cuối cùng trong tráp và tức khắc gửi Pôlia mang trở lại. Sắp có một món lời lớn. Điều này lão Êpiphan viết bằng các chữ cái in và nhấn mạnh bằng hai gạch đậm.