If you truly get in touch with a piece of carrot, you get in touch with the soil, the rain, the sunshine. You get in touch with Mother Earth and eating in such a way, you feel in touch with true life, your roots, and that is meditation. If we chew every morsel of our food in that way we become grateful and when you are grateful, you are happy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Huyền Chip
Thể loại: Tùy Bút
Upload bìa: lê lâm tuệ
Số chương: 83
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7481 / 247
Cập nhật: 2015-02-05 12:40:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16: Gặp "sư phụ" ở Mandalay
(*) Cố đô Myanmar
Có một số người được trời phú cho ngoại hình mà đi đâu cũng có thể giả làm người dân địa phương, Antonio là một trong số đó. Anh có nước da rám nắng, mắt nâu, tóc đen, râu ria xồm xoàm. Ở Trung Đông, ai cũng sẽ nghĩ anh là người Ả Rập. Ở Châu Mỹ Latin, anh trở thành một người da đỏ. Ở Ấn Độ, nếu nói anh ta từ Kamir, ai cũng sẽ tin sái cổ. Hồi anh ở Việt Nam, ai cũng nghĩ anh người dân tộc thiểu số mới xuống núi. Châu Âu thì là quê nhà của anh rồi.
Nhưng đấy không phải là lý do tôi viết về anh trong cuốn sách này. Tôi nhớ đến anh bởi anh là người đã dạy cho tôi nhiều bài học hết sức quan trọng, những bài học đã giúp tôi đi được đến tận ngày hôm nay. Antonio là sư biên trái phép. Anh mới có hai mươi ba tuổi nhưng đã đi gần tám mươi nước. Anh từng đi bộ qua rừng từ Trung Quốc vào Tây Tạng, đóng giả làm con trai một người dân địa phương để đi từ Kasmir(**) Ấn Độ, sang Kasmir Pakistan mà không cần trình hộ chiếu. Anh đi vòng quanh thế giới với cái ba lô vỏn vẹn chưa đầy năm kilogam đựng: một quyển sách, một cái áo khoác, hai cái quần, ba cái áo phông, ba đôi tất, ba cái quần lót, một cái bàn chải đánh răng. Tôi hỏi sao anh mang ít thế, anh tròn mắt lên hỏi: “Thế cần mang gì khác?”. Tôi mới giật mình, quả thực mình đi bụi thường mang theo nhiều đồ không cần thiết. Cô bạn Marsha tôi gặp ở Kota Kanabalu mang theo mình đến mười lăm kilogam hành lý: thuốc thang, đồ trang điểm, thậm chí cả hai đôi giày mới vì sợ không tìm mua được giày đúng ý mình trên đường đi.
(**) Vùng đất phía bắc của Nam Á và là phần phía nam của Trung Á.
Tôi gặp Antonio khi đang ngồi chờ xe buýt đi Mandayla ở Yangon. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh chàng này là anh nhìn… bẩn bẩn đã vậy còn liên tục cắn móng tay. Chúng tôi là hai người nước ngoài duy nhất trên xe bus, bởi có lẽ chúng tôi là hai “Khách du lịch” duy nhất đủ nghèo và đủ dũng cảm để đi xe bus địa phương (Myanmar có xe bus dành riêng cho khách du lịch. Tôi phải nhờ một người dân địa phương mua hộ vé xe bus này cho tôi).
Chúng tôi đến Mandalay lúc sáng sớm. Từ bến xe vào thành phố khoảng bảy kilomet, hai đứa quyết định đi bộ. Bình minh Myanmar thật yên bình. Đi bộ được khoảng một tiếng thì cái ba lô của tôi bắt đầu nặng trĩu. Đúng lúc đấy một chiếc pickup đi qua, chúng tôi nhảy lên luôn. Pickup là phương tiện di chuyển chính trong thành phố của người dân địa phương. Đây là một dạng xe tải hạng nhẹ với thân mở để chở hàng hóa, nhưng đã được bao bọc xung quanh bởi thanh kim loại để chở khách. Hành khách hoặc đứng hoặc ngồi hoặc quỳ phía trước, phía sau, phía trên, phía dưới. Tôi là con gái được ưu tiên một ghế ngồi phía sau với ít nhất hai đôi chân lủng lẳng ngay trước mặt. Xe thả chúng tôi tại tháp đồng hồ. Chúng tôi vào trung tâm thành phố đúng lúc cao điểm của phiên chợ sáng. Cả đường phố biến thành một khu chợ vô cùng tấp nập với đủ loại rau quả chất thành từng đống hai bên đường. Thấy chúng tôi là người nước ngoài, ai cũng đon đả chào mời. Tôi cũng không hiểu sao mọi người biết tôi là người nước ngoài, bởi người Việt Nam và người Myanmar nhìn không giống nhau.
Chúng tôi đến mấy nhà nghỉ giá rẻ được giới thiệu trong cuốn Lonely Planet, nhưng với Antonio vẫn là đắt. Chúng tôi đi bộ khắp thành phố tìm cho bằng được chỗ ngủ rẻ nhất có thể. Điểm dừng chân là một nhà nghỉ hết sức tồi tàn cách không xa cổng phía Đông vào cố đô Mandayla với giá 4USD/đêm. Mỗi phòng rộng khoảng mét rưỡi, dài khoảng hai mét, chỉ đủ kê đúng một cái giường đơn. Nghỉ ngơi một lát, chúng tôi đi bộ vòng quanh thành phố. Mandayla là một thành phố rất đẹp: mặt hồ xanh biếc, đường rộng thênh thang soi bóng hai hàng cây, nhiều khu dân cư hiện đại không thua kém gì những nước phát triển. Chúng tôi leo lên ngôi chùa trên đỉnh đồi Mandayla, lên tận trên cùng nơi mà không có khách du lịch nào trèo lên. Nền lát gạch ngập… phân chim. Nhưng mà lên đến nơi rồi mới thấy bõ công leo. Từ trên cao, chúng tôi có thể nhìn xuống toàn bộ Mandayla, nhìn ra tận cố đô hoành tráng xây dựng giữa lòng hồ. Bây giờ đang là mùa du lịch của dân Châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha. Đi đâu cũng nghe thấy người ta nói tiếng Tây Ban Nha. Từ trên đỉnh đồi đi xuống, chúng tôi gặp một đôi uyên ương người Tây Ban Nha. Họ định thuê taxi ngày mai đi thăm các khu đền chùa cổ xung quanh Mandayla: Ava, Amarapura, Sagaing và cây cầu U Bein nổi tiếng. Giá cả cũng phải chăng nên chúng tôi đi cùng.
Đi rồi mới thấy Antonio là bậc thầy của trốn vé như thế nào.
Đáng lẽ chúng tôi phải mua vé giá $10 vào thăm cả khu chùa cổ. Nhưng chúng tôi không ai mua vé. Lý do không chỉ bởi chúng tôi muốn thử xem trốn vé như thế nào, mà còn bởi mọi người không muốn trả tiền cho Nhà nước Myanmar.
Antonio rất giỏi nói chuyện. Anh luôn luôn thuyết phục được người soát vé cho chúng tôi vào. Lần thì anh giả bộ chúng tôi quên vé ở khách sạn, và yêu cầu người soát vé gọi lên trung tâm bán vé để kiểm tra. Người soát vé không muốn gọi nên cho chúng tôi vào.
“Nói thật, chúng tôi không ai có đủ tiền để trả cả $10 cho một cái vé cả. Giả sử chúng tôi mỗi người trả $5, liệu anh có thể cho chúng tôi vào mà không cần vé không?”
“Ừ, thế cũng được”.
(Giả bộ kiểm tra ví)
“Chết rồi, bây giờ $5 tôi cũng không có. Như anh nói thì quyền cho vào hay không đều nằm cả trong tay anh. Liệu anh có thể thông cảm cho chúng tôi vào mà không cần tiền đút lót không?”.
Người soát vé bó tay cho chúng tôi vào. Một lần khác, chúng tôi nói chuyện với người lái xe, ông dẫn chúng tôi vào qua cổng sau mà không cần phải đi qua người soát vé. Thế là chúng tôi đi thăm cả buổi ngày hôm đó mà không phải trả một xu tiền vé. Tất cả chi phí nằm trọn trong việc thuê taxi (taxi ba bánh giống xe tuk tuk của Thái Lan, không có đồng hồ kilomet, chỉ tính theo đoạn đường, mỗi kilomet chừng một ngàn Kyat).
Có một chuyện xảy ra làm chúng tôi thấy rất khó chịu. Đấy là khi về thành phố, taxi của chúng tôi bị một người mặc áo cà sa chặn lại xin tiền. Ông xin mười ngàn Kyat (khoảng mười đô Mỹ). Chúng tôi cho ông một ngàn Kyat. Ông xé tiền ngay trước mặt chúng tôi chửi bới loạn lên rồi bỏ đi. Người dân xung quanh mới túm tụm vào, họ xin lỗi chúng tôi, đồng thời cảnh báo ở Myanmar có rất nhiều người giả sư để xin tiền du khách.
Xách Ba Lô Lên Và Đi Xách Ba Lô Lên Và Đi - Huyền Chip Xách Ba Lô Lên Và Đi