Phần thưởng cho sự chịu đựng gian khổ chính là những kinh nghiệm bạn thu được.

Aeschylus

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
ột ngày như những ngày khác, buổi sáng thường lệ tôi tới toà soạn cắt xén làm tin cho trang nhất lên khuôn buổi chiều. Nhưng sáng nay dậy muộn, có lẽ vì lượng rượu uống ở nhà tướng Thuyết đêm qua. Tôi không lên ngay toà soạn mà lại rẽ vào một quán nước đầu ngõ. Vẫn những khuôn mặt lem luốc của đám thợ in thợ máy. Cả gã thương binh cụt hai chân cũng có mặt ở đó. Họ đang bàn tán về những cuộc biểu tình cùng mưu toan sắp tới của những lãnh tụ Phật giáo. Tên tuổi nhà sư Pháp Viên luôn luôn được nhắc tới, cùng những nhận định về ông hết sức là mâu thuẫn. Câu chuyện còn xoay quanh một vụ nổ của một khách sạn Mỹ trong Chợ Lớn. Tiếng nổ dữ dội lúc về sáng làm rung chuyển nhiều khu phố. Một gã thợ máy đưa tầm mắt qua đường nhìn tầng lầu bin-đinh lên tiếng:
“Tụi Mỹ còn ở đó có ngày bọn mình lãnh đủ.”
Cô chủ quán coi bộ dị đoan sợ hãi về mấy cái miệng đàn ông nói gở, cô Tám ngúng nguẩy bỏ vào, chiếc áo ni lông bó chẽn từng mảng hồng hào da thịt khêu gợi đến nỗi anh nhà văn phải kêu lên đó là những kiến nghị sống. Cơn dục vọng thường chỉ tới với tôi trong những phút mệt nhọc của thân thể. Tôi đã ngủ muộn đêm qua, rượu vẫn còn lưu lại những cảm giác váng vất. Tôi uể oải trở lên toà soạn, mới gặp ngay tôi, ông chủ nhiệm đã lên tiếng ngầy ngà:
“Suốt buổi tối hôm qua anh ở đâu?”
Ông chủ nhiệm cho rằng tôi đã không về nhà đêm qua, nhưng đó không phải là một câu hỏi thuận lý. Tôi thấy mình xẵng giọng nhưng vẫn trả lời bình tĩnh:
“Tôi thì vẫn ngủ nhà, buổi sáng họp báo trong Tổng tham mưu, tối đi dự ăn ở nhà tướng Thuyết. Mà sao, có chuyện gì không ông chủ nhiệm?”
Trong cách nhìn của người thư ký và ánh mắt lo âu của ông, tôi linh cảm thấy một sự gì bất thường sẽ xảy tới. Hay là chuyện đóng cửa báo, chỉ có đó là vấn đề trọng đại và có ý nghĩa sinh tử của nhiều người. Đó là thứ lưỡi gươm Damoclès treo trên sợi chỉ mành mà bất cứ lúc nào cũng có thể chém phập xuống cổ người làm báo.
“Lại có cảnh cáo đóng báo nữa sao ông chủ nhiệm?”
“Không phải vậy. Đe doạ đó coi như tạm qua luôn. Mà tôi hỏi thật anh ngoài chuyện làm báo anh còn hoạt động gì khác?”
“Có, trước kia và ngay cả hiện giờ thỉnh thoảng tôi vẫn vẽ. Biết rồi mà sao ông chủ nhiệm còn hỏi tôi như vậy?”
Không nói gì thêm ngoài cái vẻ mặt ái ngại, ông chủ nhiệm lẳng lặng trao cho tôi một trát gọi có đóng triện son đỏ chót. Một phút bàng hoàng cả người nhưng tôi trấn tĩnh được ngay sau đó. Giấy của Cục An ninh Quân đội gọi đích danh tôi phải trình diện khẩn cấp mà lý do sẽ cho biết sau. Trong một chốc lát tôi hồi tưởng lại biết bao nhiêu mối liên hệ và những công việc đã làm nhưng không gợi nên được một nghi vấn. Cô thư ký còn cho biết từ sáng sớm có hai xe Jeep trắng mang số ẩn tế và những người lính an ninh mặc thường phục ập vào toà soạn lùng kiếm tôi. Không tìm ra tôi, họ lấy lời khai của các nhân viên và nhiều địa chỉ và yêu cầu ông chủ nhiệm bằng mọi cách phải liên lạc với tôi. Ở tình cảnh này ông tỏ ra rất lo ngại và quan tâm tới những khó khăn mới của tôi. Bằng tất cả sự trầm tĩnh và kinh nghiệm, ông xuống giọng ân cần hỏi tôi:
“Anh thử nhớ kỹ lại coi, trong các liên lạc giao tiếp, anh có dính dấp chánh trị với ai không, chứ theo tôi đây là một vụ nghiêm trọng trên cả báo chí. Tôi chắc họ cũng đã thả người phong toả chỗ anh ở. Bây giờ anh chưa lọt vào tay họ phải kể là còn may mắn. Tôi khuyên anh hãy tạm lánh đi để tôi có đủ thời giờ dò cho ra nguyên nhân đã, vì khi đã kẹt vào đó mọi chuyện xoay gỡ ra sẽ trở nên rất khó.”
Đến lúc này tôi có thể phỏng chừng là những dòng chữ về cao nguyên đã gây rắc rối cho tôi. Chính vì sự giao động thái quá của ông chủ nhiệm khiến tôi lại phải trấn an ông. Tôi quả quyết rằng không có một hành động nào của tôi lại có thể đưa tới vòng lao lý bất hợp pháp. Còn những dính líu tiếp xúc thì với tính cách một nhà báo tôi có quyền gặp gỡ bất cứ ai, từ ông linh mục tới nhà sư, từ hàng ngũ tướng lãnh tới các thành phần chống đối chánh phủ. Điều đó không thể nào tạo nên một tội trạng. Tôi cũng giảm đi e ngại khi cho rằng cuộc gặp gỡ công khai với một ông Tướng Cục trưởng như vậy là điều đáng mong ước hơn những vụ bắt bớ tối tăm bởi các bàn tay hung bạo vô trách nhiệm từ cấp dưới. Và tôi bình thản tự quyết định sẽ ra trình diện sớm sau khi giao ước với toà báo khoảng thời gian sau sáu tiếng kể như tôi đã bị bắt giữ. Tôi cũng giao số điện thoại của Nguyện cho cô thư ký nhờ báo tin tôi đi Trung vào ngày mai, trong thâm tâm tôi không muốn Nguyện phải lo âu vì những khó khăn không đâu như vậy. Tôi cũng ngạc nhiên là ở giây phút mong manh này chỉ có một điều tôi nghĩ tới là Nguyện.
Và buổi chiều cùng ngày, tôi đã có mặt trở lại toà soạn với rất nhiều nỗi vui mừng của ông chủ nhiệm và các bạn đồng sự. Và không đúng như tôi dự đoán là nguyên nhân từ vụ cao nguyên, nhưng đó là hậu quả dắt dây của bài báo năm ngàn chữ về nhà sư Pháp Viên mà tôi đã dành cho Davis. Những dòng chữ chỉ trích quân đội của nhà sư đã gây nhiều phản ứng tức giận nơi một vài tướng lãnh. Đó là lý lẽ của cuộc gặp gỡ dằn mặt sau đó với khung cảnh có nhiều vẻ bất thường và hăm doạ. Sau vụ đàn áp Phật giáo thành công, ông An ninh được vinh thăng lên tướng. Ông ném bản photocopy của tập télétype từ toà báo Davis đánh đi lên giữa mặt kính. Sẵn trên mặt phẳng đó là một khẩu Smith Wesson và một khẩu 6.35 dằn trên một chồng những đồng bạc Mỹ kim mới. Khi cương khi nhu, nhưng lời buộc tội của ông thì hàm hồ, lên án báo chí đâm lưng quân đội và cá nhân tôi bị coi như một phát ngôn đắc lực của nhà sư Pháp Viên. Đó chính là điều mà tôi bị ông cay ghét. Tôi hiểu rằng sau chuyến bị dẫn độ vào Sài Gòn, nhà sư bị hoàn toàn cô lập và chánh quyền muốn tên tuổi ông phải bị quên lãng trong trí nhớ quần chúng. Phải nhận rằng nhà cầm quyền còn rất e ngại uy thế tinh thần của ông. Hành động của tôi như một đòn nặng trên chánh sách của nhà nước và có thể làm rung chuyển dư luận bên châu Mỹ. Một lần nữa tôi lại phải nghe ông Tướng Cục trưởng không ở trong nghề chỉ dẫn đường hướng và cách thức làm báo. Điều đó cũng trớ trêu như tôi làm cố vấn an ninh cho ông. Nhưng có điều sau chuyến gặp gỡ chín mươi sáu phút với ông Tướng ở Cục An ninh, tôi bớt thành kiến và có cảm tình với ông ta hơn. Đó là một mẫu người xô bồ và rất liều lĩnh nhưng thẳng thắn và bộc trực ngay cả với đối thủ của mình. Ở tôi sự cứng rắn đương đầu coi bộ kích thích sự kiêu căng sẵn có nơi ông và ông Tướng có vẻ khoái chí. Ông thiếu cái lì lợm nham hiểm của nghề như tôi tưởng. Cũng vì vậy tôi tự cho là may mắn được bước vào bằng cửa chính gặp đích danh ông.
Hoạ vô đơn chí, sáng hôm sau tôi cũng lại may mắn thoát chết bằng một đường tơ kẽ tóc. Cộng sản bảo tấn công người Mỹ nhưng không một người Mỹ nào bị thương tích và toà cao ốc phía trước toà báo vẫn ngạo nghễ đứng đó, hoàn toàn vô sự. Ở những ngày khác, giờ đó tôi đang ngồi khề khà để uống ly cà phê dưới quán cô Tám. Vận mệnh nhiều khi chỉ phụ thuộc vào biến đổi của một chút thói quen, một ly cà phê sữa buổi sáng. Được tin Nguyện hốt hoảng lái xe tới toà soạn tìm tôi trong khi mọi ngả đường còn bị phong toả. Đám phóng viên nhiếp ảnh như đám kên kên xúm vào đống xác chết. Nguyện mừng tủi khi gặp lại tôi và ôm hôn say đắm. Vừa qua cơn kích động, tôi bị mất phản ứng, ngực còn bị dồn tức vì sức ép. Đầy vẻ lo âu, Nguyện hỏi tôi:
“Anh có sao không, để Nguyện đưa anh về nhà. Anh cần nghỉ ngơi ít hôm còn đi Huế với em chứ.”
Tôi cảm động bảo Nguyện:
“Không sao đâu, anh có thể đi với em cho tới suốt buổi tối.”
Nguyện thắc mắc hỏi tôi:
“Làm gì mà anh bị gọi lên Tổng Cục An ninh?”
Tôi ngạc nhiên tại sao Nguyện lại có thể biết, Nguyện cười:
“Anh làm gì mà Nguyện không biết, sao anh nói dối với Nguyện là anh đi Trung, anh không muốn được em lo cho anh sao?”
Câu trách âu yếm của Nguyện khiến tôi quên đi những tình cảm bận rộn về đời sống riêng tư của nàng. Nguyện được nhắc tới với nhiều ghen tức và thèm muốn. Nàng là một cần thiết cho nhiều người và thảm hại là người đàn ông nào cũng cảm thấy một đặc ân mà người đàn bà dành riêng cho mình. Trước mắt tôi bây giờ là một người đàn bà hiền thục với giọng nói còn nguyên trong sáng. Không một điều gì có thể làm vẩn đục những ý nghĩ của tôi về Nguyện. Nàng bảo tôi:
“Anh Triết ạ, em có ý nghĩ sẽ ra thăm Huế. Tết này anh và Nguyện ra đó trước. Nguyện muốn đưa anh về Vĩ Dạ sống những ngày con gái ở đó.”
Giọng Nguyện trở nên xa vắng:
“Ở một tuổi nào đó mình bắt đầu thấy có những gì để mất đi như một giấc mơ.”
Tôi bảo Nguyện ở tình trạng này tôi muốn thôi làm báo và có thể sẽ ra Huế nhận dạy trường Mỹ Thuật ngoài đó. Tôi cũng đang cần sự yên tĩnh và hy vọng vẽ trở lại:
“Anh khỏi lo, nhà Nguyện ở Vĩ Dạ có vườn cây rộng bên bờ sông, buổi chiều chỉ còn nghe tiếng gió lướt trên những ngọn sóng.”
Người đàn bà mang rất nhiều kỷ niệm về quá khứ tuổi thơ và quê hương mình. Tôi tưởng tượng tới những cơn gió làm nhăn mặt sóng và lùa qua những mái tóc. Nghĩ tới những biến động ngoài đó tôi hoài nghi bảo nàng:
“Lâu em không về, Huế đã có rất nhiều biến đổi. Huế của tranh đấu cách mạng chứ không còn thầm lặng như xưa nữa.”
“Theo em đó chỉ là những sôi nổi nhất thời mà nhà báo thì bị lôi cuốn vào những ồn ào biến cố. Còn bộ mặt thật Huế là ở những nơi khác, sau những hàng dậu xanh: yên ngủ trầm tĩnh như tâm hồn một người đàn ông rất Huế.”
Tôi mỉm cười với ý nghĩ về người đàn ông rất Huế của Nguyện. Nguyện cho biết nàng đã về bộ Ngoại giao và có thể làm phụ tá đặc biệt cho ông Ủy viên một thời gian. Nguyện sống hồn nhiên và quen thuộc với những đổi dời. Con chim sơn ca phải được bay cao và cất tiếng ca hót. Nguyện nhất định lái xe đưa tôi về nhà, không phản đối nhưng tôi đề nghị ghé qua toà soạn của Davis trước. Davis không có đó, viên thư ký cho biết anh đang có mặt trên hãng thông tấn AP và sẽ trở lại ngay sau đó. Phút hội ngộ thật hồn nhiên, chính Davis hoàn toàn chưa biết những gì xảy ra, riêng tôi cũng không muốn nhắc lại một chuyện cũ. Không cần phải giới thiệu Nguyện với Davis, hai người đã nhiều lần gặp nhau ở bộ Ngoại giao và có những liên hệ quen biết. Nguyện không uống rượu, quen ý Davis vẫn pha cho tôi một cognac soda còn riêng anh thì whisky sec. Căn phòng nhỏ ấm cúng, một nửa tấm bản đồ yên vị trên nền tường trắng muốt. Davis vừa đi Tokyo hai hôm. Sự di chuyển đối với nhà báo được coi như một lối sống. Hướng về phía Nguyện, Davis nói:
“Ở Tokyo tôi có ăn cơm với ông Đại sứ và hỏi thăm cô thì được biết cô đã trở lại Sài Gòn và làm phụ tá văn hoá ở Bộ.”
“Cũng chưa có gì rõ rệt, vả lại làm ngoại giao tôi không muốn phải sống mãi một nơi, nhất đó lại là Việt Nam.”
Câu nói của Nguyện khiến cả tôi và Davis cùng cười. Nếp sống của nàng như không ăn nhập gì tới vẻ đẹp thuần hậu Á Đông trên khuôn mặt ấy nữa. Như xực nhớ ra điều gì, Davis bảo tôi:
“À tôi có gặp cả Kux nữa. Kux bảo có lần nói chuyện nghe anh thích Malraux nên hắn gửi tặng cuốn Anti-memoirs bản tiếng Anh vừa xuất bản.”
Tôi cầm cuốn sách từ tay Davis và giở tới dòng chữ của một trang cuối. Tôi có thói quen khởi đầu cuốn sách bằng một trang cuối như vậy. Vừa lúc đó thì bác sĩ Ross tới, to lớn vui vẻ và ồn ào như một cơn gió ùa tới. Mới về Mỹ ông đã lại trở qua Việt Nam, không hiểu vì lý do nào sáu tháng nghỉ hè của ông bị huỷ bỏ. Hiện giờ thì ông vô cùng bận rộn để giúp ông Giáo dục mở rộng phong trào Thanh niên Sinh viên hướng về Nông thôn. Ross tự mở tủ lạnh lấy bia uống. Ross nói đột ngột như một khám phá:
“Phải công nhận rằng hệ thống phòng thủ các chung cư Mỹ chu đáo hết chỗ nói. Có chứng kiến hậu quả vụ nổ sáng nay mới thấy.”
Davis vội vã hỏi:
"Lại nổ ở đâu? Ở trong phòng lạnh chỉ thấy rung cửa kính."
"Chỗ chung cư lớn nhất mới xây ở đường Phạm Ngũ Lão, cái hay là không một người Mỹ nào bị thương dù bọn khủng bố tấn công bằng lối cảm tử với hàng mấy chục kí lô plastic."
Nguyện ngạc nhiên nhìn tôi vẫn ngồi yên lặng, nhưng Davis khi nghe tên khu phố vội quay ra hỏi tôi:
"Hình như toà báo anh ở đường đó. Triết, anh không biết tin gì hết sao?"
"Thì ngay trước toà soạn, giữa lúc nổ tôi đang điện thoại bị xô văng ra khỏi ghế, tôi chỉ bị sức ép và xây xước vì gai nhọn của những mảnh kính vỡ."
Câu chuyện xoay quanh vào những chi tiết tổn thất, những lý luận và giả thiết sau đó. Ross nhìn qua những ô cửa kính trong suốt, giọng trách móc Davis:
"Tôi đã nhiều lần bảo anh cho người dán băng keo lên những tấm gương, các vụ nổ thường trở thành nguy hiểm vì thế."
Davis cười, cái cười nửa miệng của một người bình tĩnh có kinh nghiệm với những phút nguy biến, Davis nói:
"Ở một tầng lầu năm thế này, nguy hiểm là khi nào tụi nó dùng tới hoả tiễn."
Tất cả đều cười, vô tâm và bình thản. Tai nạn chiến tranh đã trở thành một cái gì thường nhật trong lối sống. Không còn ai để nhiều quan tâm vô đó nữa. Davis hỏi Ross về tin tức phái đoàn sinh viên giải độc ở Mỹ, bác sĩ Ross giọng phấn khởi nói:
"Thành công rực rỡ, không ngờ tụi nó khá như vậy. Chỉ gặp đôi chút khó khăn khi bị nghi kỵ là người của chánh phủ nhưng sau đó mọi sự trôi chảy như trên một bánh xe, vả lại anh cũng biết, các giáo sư sinh viên và cả dân chúng Mỹ đều không biết tí gì về bên này, bởi vậy mọi dư luận phải được điều kiện hoá. Tôi cũng đang định thu xếp cho tụi nó làm một tour Âu châu sau khi rời Mỹ, đó cũng là một cách thưởng công cho tụi nó."
Tôi hỏi Ross về chuyện học hành của hai sinh viên Thượng vừa được ông đỡ đầu cho du học tại Mỹ. Có điều lạ là đa số học sinh Thượng đều muốn bỏ học đi Biệt kích cho Mỹ hoặc qua Cam Bốt theo phe khởi nghĩa.
Ngẫm nghĩ một lát, Ross giọng trầm ngâm nhắc lại một quan điểm của ông mục sư:
"Hãy trả cho César cái gì của César, tôi sợ rằng việc giao trả quyền tự trị cho các sắc dân thiểu số là điều không thể tránh được. Điều quan trọng là không để phí phạm thêm nhiều xương máu."
Bác sĩ Ross đã nhắc lại nhiều lần cái ngày không thể tránh được ấy, The Inevitable Day. Ông bảo người Việt thường tỏ ra rất nhậy cảm về vấn đề chủng tộc nhưng tại sao họ chưa ý thức được cái sẽ đến và phải đến đó. Sau một chuyến đi dài, Davis hỏi lại chỗ ở của bác sĩ Ross:
"Sao anh còn ở ngôi biệt thự Duy Tân chứ? Có lần tôi tới chỉ gặp toàn các lãnh tụ sinh viên."
Ross hóm hỉnh nhe răng cười, giơ tay làm một cử chỉ nói với Davis:
"Tôi mới mượn thêm một villa tuyệt đẹp ở Hiền Vương, hôm nào mấy anh lại chơi: có sân quần vợt và cả piscine tắm nắng nữa. Tôi để cái ở Duy Tân cho những người trẻ làm nơi gặp gỡ. Các Thanh niên Chí nguyện về Sài Gòn công tác tôi cũng cho ở đấy nữa. À chiều nay tôi có một cocktail mời một số nhà văn Việt Nam để giới thiệu họ với nữ sĩ Beko, tân tuỳ viên văn hoá toà Đại sứ. Cô Nguyện chắc là tháp tùng ông Ngoại giao còn ông hoạ sĩ và anh Davis thì riêng tôi mời tới đó."
Không cần đợi một xác nhận, bác sĩ Ross xoay qua hỏi tôi về nhà văn Đào Khiêm và Hồ Lãm. Tôi liên tưởng tới Hiệp hội Nhà văn Tự do thành hình nay mai với bàn tay sắp đặt của Ross.
"Hãy hỏi tôi cái gì thuộc về hội hoạ, còn hai nhà văn kia tôi có nghe tiếng nhưng chưa đọc hết một cuốn sách nào do họ viết."
Ross tỏ ra am hiểu tường tận nhiều vấn đề trong nhiều lãnh vực, ông biết khá chính xác về hai nhà văn kia:
"Hình như cả hai đều khá nổi tiếng. Hồ Lãm là nhà văn của thế hệ bốn mươi chống cộng mạnh mẽ và đề cao vai trò lãnh đạo của giai cấp tiểu tư sản; còn Đào Khiêm là một kiện tướng lãnh đạo nhóm nhà văn trẻ với nhiều khám phá văn chương lộng lẫy. Tôi rất tiếc là vốn liếng tiếng Việt của tôi không đủ để đọc văn họ, nhưng xem ra cả hai đều chịu ảnh hưởng nhiều của văn hoá Pháp, có phải vậy không anh?"
Từ khi bước chân vào nghề báo, tôi học thêm được đức tính là chịu đựng dễ dàng trong mọi trường hợp dông dài của cuộc đối thoại, nhất đó lại là với bác sĩ Ross. Tôi không thể trả lời khẳng định với ông ta một điều gì bởi những cái ông biết và điều nói ra luôn luôn có luận cứ. Bác sĩ Ross tiếp:
"Tôi đang nghĩ tới sự thiếu vắng của một tờ báo nghiên cứu như tờ Học Tập ở ngoài Bắc, tư tưởng phát biểu là những người có thực tế hành động. Còn ở trong Nam này, bộ óc ở một nơi, cánh tay lại ở một chỗ khác: cái nguy cho chính chúng ta là ở chỗ đó."
Tôi đang nghĩ tới phong trào lập thuyết ở miền Nam, tới cuốn Triết lý Hai cuộc Cách mạng của tướng Thuyết và một lần nữa Ross đã suy luận không phải là sai. Khi nhận định về những người Mỹ sang đây, Davis đã có một cái nhìn thật sâu sắc: đa số không thể thích ứng, nghênh ngang vì ngu xuẩn, thiếu trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Nhưng Ross là một thiểu số ngoại lệ vượt xa lên trên những nhận định đó.
Thuốc tê tan đi, những mũi khâu gây đau nhức, ống huyết thanh vừa chích bắt đầu có phản ứng như muốn lên cơn sốt. Trán dấp dính mồ hôi. Nguyện nhìn tôi bằng ánh mắt âu yếm lẫn lo âu. Ross uống tới chai bia thứ ba, tôi đi lại quầy rượu tự tay rót nửa ly Scotch nốc cạn hết. Tôi cảm thấy rõ dòng rượu chảy suốt một lồng ngực nóng. Ross từ giã mọi người để tới dạy một giờ ở ban Cử nhân Công pháp. Davis khép cửa, vui trở lại nói với tôi:
"Sao mà ông ấy ôm đồm đến như vậy, cả đến những khó khăn ở quốc hội tôi cũng thấy các nghị sĩ tới nhờ ông giàn xếp."
"Đó là một bộ óc siêu việt, nhúng tay một lúc vào nhiều việc mà không điều gì chứng tỏ bác sĩ thiếu chu đáo."
Davis mua từ Tokyo cho tôi một bộ sưu tập hội hoạ thế giới của tổng thống Sokarno, ngoài cô vợ bé thật xinh đẹp, ông này còn là một tay chơi rất nghệ sĩ. Tranh và điêu khắc đủ loại, từ cổ điển tới hội hoạ mới trên khắp thế giới: từ nét lập thể của Picasso tới nét mơ màng của bức tranh lụa đặc biệt Việt Nam. Davis nói:
"Tại chưa được coi tranh anh chứ không ít nhất ông ta cũng giữ cho được một bức.”
Khuôn mặt Nguyện mơ màng khi cười, hình ảnh nàng như xa ra sáng rỡ trên một nền tăm tối. Tôi mệt, thật sự thấm mệt và muốn được thả mình xuống nghỉ ngơi nếu không có người đàn bà ở đó. Ra tới thang máy, trong lồng tối, Nguyện níu cổ tôi xuống hôn nói:
“Anh phải nghỉ, cả hôm nay Nguyện không cho anh đi đâu, muốn ăn gì sẽ tự tay em nấu.”
Tôi mệt nhưng vẫn muốn làm một cử chỉ biết ơn Nguyện. Tôi cúi hôn nhẹ trên mái tóc thơm của nàng, cử chỉ đó thay cho một câu nói như trong một giấc mơ. Tôi có ý định sẽ vẽ chân dung Nguyện, hình ảnh thoáng bắt được là một khuôn mặt sáng rỡ mơ mộng trên một nền thật tăm tối. Nguyện ở lại với tôi suốt một ngày, bàn tay thu vén của người đàn bà đem tới cho căn phòng một không khí biến đổi đầm ấm. Những nốt nhạc dịu làm nền cho tiếng cười và giọng nói trong như thuỷ tinh của Nguyện. Nàng không tới dự cuộc tiếp tân các nhà văn tại tư thất của bác sĩ Ross, bỏ cả bữa ăn tối đã hẹn với Davis. Chúng tôi chỉ ăn xúp và nước trái cây. Nguyện cố dỗ cho tôi ngủ, còn nàng nằm bên tôi đọc sách đến thật khuya. Tôi chống cự cho khỏi phải thiếp đi nhưng giấc ngủ vẫn tới như một cơn mê êm ái: của một tiếng gà gáy sáng, vài tiếng chim run trong lá, của ánh sáng nên thơ qua khung cửa như rắc đầy bụi phấn, của nước mắt và giọng nói hân hoan cùng những hy vọng dừng ở đó. Hạnh phúc chỉ là nỗi mỏi mệt thức giấc khi người đàn bà đang hôn ngay trong giấc mơ của mình.
Vòng Đai Xanh Vòng Đai Xanh - Ngô Thế Vinh Vòng Đai Xanh