Số lần đọc/download: 4219 / 54
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Chương 9: Những Bước Tiến Của Việt Minh Từ Xuân 1950
S
au trận Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, cơ quan lãnh đạo kháng chiến Việt Minh tuyên bố với toàn thể dân chúng trong vùng họ kiểm soát: Giai đoạn đầu trong cuộc chiến tranh Việt-Pháp đã chấm dứt để bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn cầm cự trong chiến lược trường kỳ.
Cầm cự, theo Việt Minh, là quân đội Pháp không thể nào đẩy lui được họ trên mặt trận toàn quốc. Họ phân tách quân đội Viễn Chính Pháp đã không thể thành công trong lối đánh mau, đánh chớp nhoáng. Nếu bộ đội hùng mạnh của Pháp có thể đi sâu vào vùng Việt Minh kiểm soát thì ngược lại Vệ Quốc Quân cũng có thể len lõi vào hậu địch để trả miếng. Họ mệnh danh bộ mặt mới của cuộc chiến tranh là chiến tranh ‘’cài răng lược’’ hay chiến tranh xen kẽ, ở đó hai quân đội địch thủ sống bên cạnh nhau để bất kỳ tiêu diệt nhau. Lý luận ấy thoát thai ở kinh nghiệm thực tế của mặt trận Việt Bắc. Khi quân đội Pháp xuất toàn lực tiến ngược giòng Lô Giang thì ở đồng bằng các trung đoàn Việt Minh địa phương hăng hái tăng áp lực. Lý luận ấy thoát thai ở chiến trường miền Nam, ở chiến trường toàn quốc nói chung, mà quân lực của Pháp chỉ có hạn, hành động chỗ nảy, bỏ trống chỗ nọ…và lý luận ấy còn căn cứ ở sự tăng tiến của bộ đội Võ nguyên Giáp cả về mặt vũ khí lẫn tinh thần.
Sau khi đã cố hết sức đả kích hành động của Quốc Trưởng Bảo Đại, xuyên tạc những kết quả tốt đẹp trên Vịnh Hạ Long tuyên truyền phá hủy Hiệp Định Élysée, lên án Nội Các Trần Văn Hữu, Việt Minh thu cường lực, mài nanh dũa vuốt để tiếp diễn những trận đánh căn bản hòng thắng lợi cuối cùng.
Được các nước trong thế giới cộng sản chính thức công nhận, chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa của cụ Hồ chí Minh không bỏ lỡ cơ hội tuyên truyền và tăng cường luôn sự giao thiệp trong hệ thống cộng sản thế giới len lõi liên lạc với các đảng cộng sản trong Liên Hiệp Pháp nhất là đảng cộng sản Pháp của Thorez và Duclos. Họ đã giúp đỡ việt cộng không ít trên địa hạt tuyên truyền và gây phong trào phản chiến trong dân chúng Pháp, trong hàng ngũ quân đội Viễn Chinh Pháp.
Bộ máy chính quyền Việt Minh hoàn toàn dưới sự chi phối của đảng cộng sản, từ chính phủ trung ương cho đến các ủy ban xã. Hội đồng chính phủ, dưới mắt dân chúng là một phối hợp của các đảng phái như xã hội, dân chủ, liên việt, tôn giáo, các quan lại cũ, nhưng trên thực tế, đại đa số đều là các đảng viên đảng cộng sản và các người thân cộng cả. Chương trình hoạt động của các bộ trong chính phủ đều nằm trong đường lối của đảng cộng sản vạch ra và kiểm soát sự thi hành.
Tổ chức quốc hội của chính phủ Việt Minh từ 1945 không thay đổi và cũng không họp lần nào thêm cả, các nghị sĩ bị tản cư phân tán, người thì xoay ra buôn bán, người đi dậy học…trừ ban thường trực do Tôn đức Thắng, một đảng viên kỳ cựu cộng sản làm chủ tịch vẫn ở bên cạnh chính phủ. Dân chúng hầu như quên hẳn quốc hội. Vai trò quốc hội lu mờ dần trong trí nhớ và người dân cũng không liên lạc gì với tổ chức đó cả.
Nói giản dị, quốc hội biến mình dưới bộ máy chính quyền, riêng đắc lực cho đảng cộng sản.
Nói đến những bước tiến của chính phủ Việt Minh tức là nói đến đường lối, chủ trương, đến biến đổi, thăng trầm của đảng cộng sản ở Việt Nam.
Chính trị là một điều tối cần thiết. Việt Minh đặt chính trị lên hàng đầu của mọi vấn đề hoạt động.
Để có thể lôi kéo toàn thể dân chúng vào cuộc chiến đấu, Việt Minh tìm một phương thức mới: Đảng cộng sản Đông Dương biến thành đảng lao động Việt Nam.
Tháng 3 năm 1951, đảng lao động Việt Nam ra mắt dân chúng.
Trường Chinh, tổng bí thư của đảng lao động đọc bản tuyên ngôn trước máy truyền thanh nói về đường lối đối nội, đối ngoại của đảng. Đối nội, đảng tự nhận vai trò lãnh đạo tiền phong trong cuộc ‘’Kháng chiến cứu quốc và kiến quốc’’. Đảng sẽ thúc đẩy và khai thác tiềm lực của nhân dân trong cuộc chiến tranh chống đế quốc xâm lăng và kiết thiết một nước Việt Nam mới. Đối ngoại, đảng sẽ phát triển tình hữu nghị của dân tộc Việt Nam với dân tộc Cộng Hòa Sô Viết, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và các nước Dân Chủ Đông Âu…
Để đào tạo những cán bộ thật trung kiên, để loại bớt những phần tử thiếu tinh thần, cộng sản ở Việt Nam nêu lên vấn đề chỉnh đảng. Chỉnh đảng là một việc tối quan trọng, có chỉnh đảng mới hy vọng thắng lợi.
Các lãnh tụ cộng sản giải thích vì sao phải chỉnh đảng. Đây là nguyên văn bản đó:
‘’Trung ương đảng trong kỳ họp hội nghị lần thứ 3 vừa rồi đã quyết định chỉnh đảng là việc chính mà chúng ta phải làm. Chỉnh đảng là một nhiệm vụ chính trị căn bản của đảng cộng sản hiện nay. Đảng từ ngày thành lập, đã trải qua hơn 20 năm hoạt động gian khổ, đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam tranh đấu giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, Đó là điều mà trong đảng không còn ai có thể nghi ngờ. Đó cũng là điều mà đông đảo quần chúng nhân dân thừa nhận và tin tưởng.
Vì đâu đảng đạt được những thành tích như thế? Ấy là vì đảng có chủ nghĩa Mác-Lênin, có đường lối và chính sách đúng, có Hồ Chủ tịch lãnh đạo, có cơ sở khắp cả nước, có nhiều đảng viên và cán bộ tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, vì đảng ta phải tiến hành đấu tranh cách mạng trong hoàn cảnh gian nan, trước cách mạng tháng 8 thì đế quốc và phong kiến khủng bố và bao vây trùng trùng điệp điệp, trong kháng chiến thì liên lạc khó khăn, nhiệm vụ nặng, công tác nhiều, nên cán bộ và đảng viên nói chung chưa giáo dục một cách sâu sắc và có hệ thống, trình độ tư tưởng còn thấp kém, ảnh hưởng không ít đến việc chấp hành nhiệm vụ và chính sách của chính phủ. Do lập trường và quan điểm giai cấp chưa vững, nhiều đảng viên và cán bộ còn thiếu tinh thần đấu tranh triệt để và bền bỉ cho sự nghiệp cách mạng. Trên tư tưởng chưa phân biệt rõ địch, bạn và ta, chưa nhận rõ chính sách đoàn kết toàn dân của đảng, chưa nắm vững đường lối trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, nhận thức về dân chủ và kỷ luật trong đảng chưa rõ ràng và đúng mức, tinh thần phê bình và tự phê bình chưa được thực sự nâng cao, lề lối làm việc quan liêu mệnh lệnh, xa lìa quần chúng, xa lìa thực tế và bệnh tham ô lãng phí còn khá nặng.
Hiện nay cuộc kháng chiến của ta đang ở giai đoạn cầm cự, giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, là giai đoạn gay go, gian khổ, trước toàn thể nhân dân, trước mặt trận hòa bình dân chủ thế giới. Đảng ta nhận một nhiệm vụ lớn lao là lãnh đạo kháng chiến chuyển sang tổng phản công thắng lợi. Nhiệm vụ đó nặng nề và phức tạp. Nếu đảng ta không chuẩn bị mình cho đầy đủ, không trừ bỏ được những khuyết điểm và tư tưởng sai lầm nói trên của cán bộ và đảng viên thì trong thời kỳ sắp tới, việc chấp hành chính sách của đảng ta sẽ khó lòng mở rộng thêm thành tích hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.
Chính vì thế mà ta cần tiến hành việc chỉnh đảng. Do chỉnh đảng và đảng rèn luyện, chỉnh đốn và tăng cường đội ngũ để giữ vững trường kỳ kháng chiến và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Do đó, chỉnh đảng trở thành một nhiệm vụ chính trị căn bản của đảng ta hiện nay và mỗi cán bộ, mỗi đảng viên đều có trách nhiệm tích cực làm cho cuộc chỉnh đảng lần này thành công.
Chỉnh đảng đồng thời cũng là một nhiệm vụ tổ chức căn bản. Năm ngoài, trong đại hội đồng, Hồ Chủ Tịch đã nêu cao nhiệm vụ phải xây dựng một đảng mạnh mẽ. Người nói: Đảng lao động phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Chính vì muốn chấp hành nhiệm vụ tổ chức đó mà chúng ta tiến hành việc chỉnh đảng.
Mấy năm gần đây, đảng ta phát triển mạnh, số lượng đảng viên lên đến 70 vạn nhưng chất lượng của số đông nói chung còn kém. Hơn 90% đảng viên thuộc thành phần gốc rễ nông dân và tiểu tư sản, tuy đã vào đảng được đảng giáo dục một phần nào và tự bản thân cũng có ít nhiều cố gắng, nhưng chưa gột sạch ý thức tư tưởng tiểu tư sản. Những sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng nói trên của cán bộ và đảng viên là do ý thức tiểu tư sản đó gây ra. Xây dựng, chủ yếu là xây dựng về mặt tư tưởng. Tư tưởng có đúng thì hành động mới đúng. Tư tưởng có thống nhất thì mới có ý chí thống nhất, kỷ luật thống nhất, toàn đảng thông suốt muôn người như một. Cho nên xây dựng đảng cốt chính là một quá trình giáo dục, đấu tranh và cải tạo tư tưởng. Đó là đường lối Mao Trạch Đông trong vấn đề xây dựng đảng.
Vì chỉnh đốn tư tưởng rồi mới có thể chỉnh đốn các tổ chức quần chúng, nên hiện nay chỉnh đảng đồng thời cũng là một nhiệm vụ tổ chức căn bản cho đảng.
Chỉnh đảng là một chủ trương đúng mức và kịp thời. Nêu cao chỉnh đảng, quyết không phải là coi nhẹ những thành tích vẻ vang của đảng, phủ nhận những ưu điểm của cán bộ và đảng viên. Không coi thường sai lầm khuyết điểm. Đảng ta mới có thể giữ vững và phát huy ưu điểm, làm trọn nhiệm vụ khó khăn nhưng vẻ vang đối với ‘’nhân dân trong nước và lực lượng hòa bình dân chủ thế giới’’. Chỉnh đảng là một chủ trương kịp thời. Đối với những sai lầm khuyết điểm không những ta thấy cần phải trừ bỏ mà còn thấy có đủ điều kiện để trừ bỏ được. Vì do đại hội đồng toàn quốc năm ngoái đảng ta chung đúc được 21 năm kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của giai cấp và dân tộc để lấy đó làm cơ sở tư tưởng và lý luận đã tiến hành chỉnh đảng. Chỉnh đảng là một nhiệm vụ rất quan trọng về chính trị và tổ chức…’’
Để lọc lấy cái phần cần thiết trong cuộc giai cấp đấu tranh, có những Tỉnh miền Trung Du Bắc Việt sa thải gần phân nửa đảng viên các cấp. Một số lớn đảng viên hoạt động trong cơ quan cũng chịu chung số phận trong đợt thanh trừng đầu tiên. Lý do thanh trừng rất phức tạp, có khi vì những cớ xa xôi thuộc về dĩ vãng, có khi vì những lỗi không thể nào tránh khỏi.
Hãy xem một vài để phỏng đoán phương pháp trừng thanh nội bộ của cộng sản Việt Nam.
Một bí thư chi bộ bị đoàn thể đem ra nghiên cứu trường hợp anh đã được kết nạp. Cán bộ ấy thuộc giai cấp Tiểu Tư Sản thành thị, tham gia công tác năm 1945 ngay sau ngày ‘’cách mạng thành công’’ tháng 8. Đã năm năm nay, anh bỏ gia đình, bỏ họ hàng chạy theo kháng chiến, đã được đoàn thể tín nhiệm, kết nạp ngay từ 1946, ngày nay đã có một địa vị khá trong chính quyền cũng như trong đoàn thể. Hội nghị kiểu thảo đã họp và nghiên cứu tư tưởng anh vì sao đã theo phong trào cách mạng…Vô tình anh thuộc vào loại ‘’cách mạng hoạt đầu’’. Đa số các người được kết nạp vào tổ chức cách mạng năm 1945-1946 đều thuộc vào hạng hoạt đầu, ít thành thực, vì sợ chết, vì ham địa vị, vì theo đóm ăn tàn. Lý luận một chiều ấy đã đưa đến quyết nghị là thải anh cán bộ ra khỏi đến bao giờ tư tưởng anh được ‘’giáo dục lại hoàn toàn’’…
Cứ cái đà như thế, đại đa số đảng viên được kết nạp khoảng 1945 đều lo ngay ngáy và sửa soạn hành lý…về vườn. Đó là những cớ thuộc dĩ vãng.
Những lý do sốt dẻo thì vô cùng.
Một đồng chí công nhận hoạt động từ năm 1943 rất tích cực nhưng vì văn hóa kém quá, sáng kiến nghèo nàn nên mãi đến cuối năm 1949 mới bò được lên chức huyện ủy trong đoàn thể. Nói về phương diện tiết kiệm thì ‘’đồng chí huyện ủy’’ của chúng ta quả là người số một. Ngoài hai bộ cánh nâu, một cái bút máy ‘’cà cộ’’, đồng chí mua bán tiêu pha một cái gì có thể gọi là ‘’tốn của nhân dân’’, của chính phủ, từ những mẫu giấy con con, từ mẫu các-bon, anh cũng thu và thu vén. Bữa cơm, anh chỉ dùng mấy ngọn rau, vài hột muối hòa với vi-ta-min Ơ (các cán bộ của Việt Minh đặt tên vi-ta-min Ơ cho những trái ớt) còn không, có món gì khác, thậm chí những ngày quốc lễ, kỷ niệm, toàn thể được ‘’đúp-ra-xì-ông’’ anh cũng tập kiên khổ không gắp qua miếng thịt bò thịt lợn…
Thế rồi, một hôm quân đội Pháp tảo thanh một vùng thuộc huyện anh phụ trách. Dân chúng hốt hoảng chạy xô cả vào một xã. Không biết vì lý do chiến thuật tránh càn quét của huyện ủy có khuyết điểm hay vì hoàn cảnh chiến trường gay go, chỉ biết rằng trận càn quét của quân đội viễn chinh đã vô tình ‘’quét’’ luôn cả khoảng hai trăm dân chúng vô tội xuống truyền đài…Sau vụ đó, trung ương đảng bộ khai trừ thẳng tay vì huyện ủy của chúng ta vì lý do đã làm trái chủ trương trong thời gian của đảng và chính phủ. Chủ trương trong thời gian ấy là tiết kiệm máu. Làm đổ máu của những hơn hai trăm nhân mạng nhất là những nhân mạng ấy lại không phải là bộ đội, một lỗi không thể tha thứ được nói về phương diện trách nhiệm của một cán bộ đảng. Anh cán bộ bị khai trừ cũng không vừa, đồng chí định thảo đơn kiện trung ương đảng bộ Việt Nam tại phân bộ quốc tế đông phương, nhưng chắc cũng chẳng đi đến đâu nên đồng chí đành còm lưng làm cái công tác gánh thuốc lào kiếm ăn qua cơn thất nghiệp…chính trị tại một vùng đồi núi.
Gay gắt hơn nữa, vấn đề tư tưởng được tích cực chỉnh bị lại bằng cách thu hồi số lớn cán bộ trong đảng cũng như ngoài đảng đang hoạt động về nằm co một chỗ, anh nào phúc lớn thì được nằm co tại phòng tiếp tân của trung ương cơ quan mình, anh nào vô phúc thì xách ba lô đi tuốt vào…cải hối thất.
Cả hai thứ ‘’Phòng’’ và ‘’Trại’’ đều có mục đích chau dồi tư tưởng mới, lọc bỏ lỗi lầm cũ, nhưng ở Phòng thì còn danh còn nghĩa, chứ đến Trại thì thật là…tù.
Nhưng dù là ở Trại hay ở Phòng, hoặc còn là nhân viên hoạt động cũng đều phải hấp thụ tư tưởng mới, phải ươm tư tưởng mới từ miền Bắc bay qua biên giới, đó là tư tưởng Mao Trạch Đông, một tư tưởng Mác Á Đông Hóa. Dân Việt Nam từng hấp thụ văn hóa Khổng Tử và triết học từ bi của Đạo Phật, rồi gần đây lại Tây triết…tất cả những thứ ‘’Triết’’ ấy đã được Việt Nam Hóa trên giải đất chữ S, tạo ra một hệ thống tâm lý mềm mỏng đầy tâm tình hòa nhã. Từ năm 1945, ngay lúc cách mạng bùng nổ, điểm tâm lý căn bản ấy của dân tộc đã ngăn trở bao nhiêu là đổ máu. Mặc dầu là cách mạng, sự đổ máu ở Việt Nam cũng không phải đáng nên so với các cuộc cách mạng trên thế giới, so với Ba Lê Công Xã, những vụ Bastille hay so với Pétrograd của Nga-la-tư mấy chục năm về trước. Ngay trong các cơ quan quân, dân, chính của Việt Minh, công tác chỉ huy lãnh đạo hoặc thừa hành vẫn đượm mầu thuần túy dân tộc, trong các cơ quan, một tâm lý gia đình vẫn phảng phất, ngoài tình đồng chí, họ còn thương nhau như anh em thân thích…
Mùa Đông năm 1950, khi biên cương mở rộng đón mừng uy thế của Trung Cộng đã đón luôn cả tư tưởng Bác Mao, toàn thể thế giới đã thấy tòa án Trung Cộng liệt tội dâm đãng vào tội phản động hạng nhất nhì, liệt hành vi ăn tiêu xa xỉ vào loại đại hình (dĩ nhiên là dùng tiền túi để ăn tiêu xa xỉ) Toàn thế giới đã rõ Trung Cộng ở tài liệu ‘’Tư tưởng Mao Trạch Đông’’ một tài liệu thuộc loại sách gối đầu giường của tất cả các đảng viên cộng sản không cứ ở Á Đông mà cả ở Âu Châu nữa Mao Trạch Đông nói: ‘’Kẻ tư bản ví như con hổ mạnh trên núi Cảnh Dương mà chúng ta là vũ sĩ Võ Tòng, nếu Võ Tòng nới tay không đánh mạnh và đánh cho thật chết thì con hổ cũng sẽ ăn thịt Võ Tòng’’ Tư bản đây là các nước mang danh nghĩa đế quốc, tư bản đây là những kỹ nghệ gia, thương gia, điền chủ, phú ông và tư bản đây cũng cả là những kẻ vô sản nhưng mang theo mọi tính tình tự cao tự đại, tự ái hay mang theo lòng yêu thương kiểu cổ, kiểu Khổng Giáo, kiểu Thiên Chúa Giáo, kiểu Tư Sản… Còn chúng ta đây tức là những người đảng viên cộng sản, những người thân cộng sản…
Để làm điển hình cho phong trào trừng thanh nội bộ vụ án Trần Dụ Châu được thành hình. Trần Dụ Châu là cựu Thư Ký Hỏa Xa, đã giác ngộ theo phong trào cách mạng từ năm 1944, qua bao nhiêu thử thách, anh ta đã leo đến bực thang danh vọng. Có uy tín trong đoàn thể cũng như ở chính quyền, anh đã giữ chức Tổng Giám Đốc một ngành cần thiết trong quân đội, anh đã được chính phủ cấp hàm Đại Tá. Trần Dụ Châu bị bắt chỉ vì đi dự bữa tiệc cưới của một nhân viên cấp Phòng. Tiệc cưới tốn kém vài chục con gà và hàng trăm ngọn nến, có thuốc lá ăng-lê và có cả rượu ‘’Boócđô’’…Lúc vào tiệc, một quan khách đã thốt ra những lời đượm mùi ‘’đạo đức cách mạng’’ phê bình sự xa xỉ trong bữa tiệc, trong lúc toàn thể dân chúng và bộ đội ăn cháo, nằm gai nếm mật…Trần Dụ Châu, phần vì không biết quan khách đó là một nghị sĩ quốc hội, phần ngượng mặt vì những lời phê bình chua cay ngay giữa bữa tiệc, chẳng gì, trách nhiệm tinh thần vẫn là ở cấp phụ trách dù tiệc cưới đặt tại tư gia hay xa cơ quan hàng trăm cây số, nên đã thưởng cho vị quan khách vài cái tát tai nên thân…Bữa tiệc chưa tàn, người ta đã bắt ngay vị Đại Tá Giám Đốc đó để sau dăm hôm khẩu cung và điều tra thấy rằng Đại Tá đã có của riêng hàng trăm đô la Mỹ, hàng chục bộ quần áo ga-ba-đi-nơ hàng két rượu mùi và hàng tút thuốc lá thơm và hàng tập ảnh…gái. Những tài liệu ấy tố cáo gì ở Đại Tá? Nó tố cáo tư tưởng tư sản trụy lạc của một đảng viên trung cấp trong cộng sản, hành vi ăn cắp của một nhân viên cao cấp của chính quyền. Nó dán nhãn hiệu ‘’tối phản động’’ lên thằng người một vị Giám Đốc, nó dẫn đồng chí đảng viên lên đoạn đầu đài, vụ điển hình số một thuộc loại không tiết kiệm và ăn cắp của nhân dân. Lẽ dĩ nhiên, Trần Dụ Châu cũng lôi theo một số lớn cán bộ xa xỉ và ăn cắp vào Cải Hối Thất để giáo dục lại con người.
Về vấn đề tư tưởng, Trung Cộng đã thổi qua biên giới một luồng gió mới. Luồng gió làm rát mặt những người Việt Nam theo cụ Hồ chí Minh. Không nhận nó không được, đó là một đặc điểm của luồng gió ghê gớm ấy.
Nói đến chính trị, nội các Phạm văn Đồng chủ trương: Dự trữ lực lượng để chờ thời cơ. Muốn vậy, cộng sản phóng đại những thắng lợi của họ trên chiến trường Bắc Việt, đả phá tinh thần sợ Mỹ trong nhân dân, đả kích dữ dội chính phủ quốc gia do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo, nên ý thức căn bản: Vừa đánh giặc vừa bồi dưỡng và tích trữ lực lượng.
Nguyên văn bản báo cáo của Phạm văn Đồng dưới đây để cho mọi người rõ thâm ý của những người cộng sản:
‘’Những thất bại nặng nề của địch trên chiến trường Bắc Bộ làm địch lo ngại. Điều lo ngại đó đã phản ảnh trong dư luận các giới chính trị phản động ở Pháp và thế giới. Đứng trước tình hình này, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đối phó thế nào?
Sức của Pháp có hạn, Mỹ lại giao cho Pháp nhiệm vụ quân sự khả năng trong khối gây chiến Tây Âu, thêm vào đó, phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam mỗi ngày một lan rộng, lên cao nhất là sau thất bại hòa bình. Thế Pháp quẩn, Pháp luôn luôn chạy theo Mỹ để cầu cứu. Nhưng Mỹ cũng đang gặp khó khăn lớn về mọi mặt ở khắp nơi trên thế giới, sức lực Mỹ cũng có hạn.
Vì lẽ trên thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, một mặt bản thân tiếp tục cố gắng, một mặt tích cực và quyết liệt hơn nữa trong việc dùng ngụy quân, ngụy quyền trong việc thi hành chính sách dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.
Để thi hành chính sách ấy, chúng trọng dụng tên đại gian ác Nguyễn Văn Tâm cùng một bọn phản động lưu manh, khốn nạn nhất trong bè lũ tay sai của chúng. Bọn này không từ chối một tội ác nào trong việc bắt lính, để tăng cường ngụy quân, cướp của để làm quỹ chiến tranh. Dùng vũ lực bắt lính không có kết quả, chúng dùng lừa phỉnh, mua chuộc. Chúng đặt lắm thứ thuế, nhiều nơi chúng thu ngược lại mấy năm trước (từ 1947) và thu thuế trước mấy năm tới. Đồng bào ta ở vùng tạm bị chiếm sẽ khổ cực thêm dưới gót sắt của địch và ngụy. Nhưng sẽ thấy rõ thêm mặt thật Việt gian phản nước của chúng mặc dầu lời nói giả nhân giả nghĩa của chúng, mặc dầu cái trò ‘’độc lập’’, ‘’dân chủ’’, cải cách’’ của chúng. Đồng bào sẽ căm thù chúng hơn và đoàn kết kháng chiến này mà chúng ta đã thắng lợi lớn ở vùng sau lưng địch Liên Khu 3, Trung Du, Bình-Trị-Thiên v.v…Đó là một cuộc thắng lợi lớn trong công tác duy trì và phát triển cuộc đấu tranh ở vùng sau lưng địch.
Địch cố gắng nhiều trong việc chia rẽ dân tộc, hòng phá hoại khối đoàn kết kháng chiến. Chúng dùng mọi thủ đoạn gian ác để dụ dỗ, lôi kéo đồng bào miền núi, đồng bào có đạo, tìm mọi sơ hở của ta để gây khó khăn cho ta. Nhưng chúng ta không để sơ hở. Chúng ta phải củng cố thêm khối đoàn kết toàn dân một cách thiết thực bằng việc làm, thắt chặt đoàn kết thân ái giữa đồng bào lương và đồng bào giáo, đồng bào miền xuôi và đồng bào miền núi.
Chúng tăng cường chiến tranh gián điệp, từ vùng tạm bị chiếm, vùng du kích đến vùng tự do. Để chống cuộc chiến tranh gián điệp này, chúng ta phải tỉnh táo hơn nữa. Phải phát huy lòng yêu nước và tính tích cực của quần chúng, chỉ có tai mắt của quần chúng mới có thể khám phá được tất cả những âm mưu xảo quyệt của kẻ gian làm tay sai cho địch.
Về mặt kinh tế tài chính, chúng vừa cướp vừa phá, nơi nào không cướp được thì phá đốt. Chúng dùng mọi cách để phá mùa màng, trâu bò, nhà cửa, cầu cống, đê đập v.v…điều đáng đặc biệt chú ý là gần đây địch tìm phá công trình thủy lợi của ta, vậy chúng ta phải chăm chú đề phòng mưu mô phá hoại của địch.
Đó là cuộc chiến tranh toàn diện mà địch đang thi hành để làm yếu sức kháng chiến của ta. Tất cả những điều trên chứng tỏ rõ rệt cho toàn thể đồng bào thấy: Địch càng thất bại thì càng tàn bạo hiển độc, cho nên cuộc kháng chiến của chúng ta phải trường kỳ và gian khổ trước khi đi đến thắng lợi cuối cùng.
Vậy chúng ta phải vừa đánh giặc vừa bồi dưỡng và tích trữ lương thực. Phải đánh giặc khắp mọi nơi, về mọi mặt, thu nhặt về mặt quân sự để tiêu diệt sinh lực địch, để địch yếu dần nhưng không quên đánh giặc về mặt chính trị, kinh tế, tài chính đồng thời phải bồi dưỡng và tích trữ lực lượng của ta về mọi mặt quân sự, chính trị, tư tưởng, kinh tế, tài chính.’’
Việt Minh tranh thủ quần chúng cả ở vùng quốc gia kiểm soát. Nhiều cán bộ lén lút đi sâu vào vùng quốc gia tổ chức cơ sở, họ gây ảnh hưởng từng cá nhân và tuyên truyền không ngớt những thắng lợi bên ngoài của Việt Minh và vạch những sơ suất đào sâu nhược điểm của nền hành chính địa phương dưới sự lãnh đạo của chính phủ quốc gia.
Tận lực khai thác sức lao động để phụng sự kháng chiến, Việt Minh thi hành khẩu hiệu ‘’Giảm chính và tăng hiệu xuất’’
Giảm chính và tăng hiệu xuất!
Tất cả mọi cơ quan quân dân chính đều phải giảm chính.
Giảm chính để tăng cường đơn vị tác chiến, các cơ quan hành chính trong quân đội phải thu hẹp nhân số lại, phá tan hệ thống ‘’bàn giấy’’ và tham mưu’’.
Giảm chính để đỡ hao hụt ngân quỹ chính phủ, các cơ quan chuyên môn nói chung thuộc về chính quyền phải thải bớt nhân viên, thủ tiêu lề lối ‘’tháng lĩnh lương, ngày vớ vẩn’’…
Giảm chính để tiết kiệm sức lao động, các đoàn thể nhân dân phải thu hẹp số nhân viên bàn giấy để thừa người làm các công việc khác cần thiết hơn.
Giảm chính phải đi đôi với vấn đề Tăng Hiệu Xuất những người còn lại phải làm cả những việc của những người bị giảm chính nghĩa là làm gấp 2, gấp 5, gấp 10. Không làm được cũng phải cố mà làm, đó là một bổn phận mà đó cũng là một điều bắt buộc.
Số phận những người bị giảm chính ra sao?
Dăm năm theo đuổi kháng chiến, nay phải vác ba lô từ biệt anh em, từ biệt cơ quan, không một nỗi niềm nào chua cay, bi đát hơn tâm tình họ lúc ấy. Về ư? Về đâu? Gia đình nếu gặp được là một chuyện may mắn, nếu không, hoàn cảnh có thể bầy ra:
Một, có sức lực thì đầu quân.
Hai, không đầu quân được hay không muốn thì về tăng gia cầy cuốc tại những vùng hẻo lánh, người nào may mắn có mẹ nuôi có cơ sở tăng gia sẵn sàng ở miền Đồng Bằng hay Trung Du là một điều phúc.
Ba, đi gõ đầu trẻ ở một thôn xã nào để hàng tháng kiếm gánh thóc nuôi sống thân cô.
Bốn, trở thành công nhân vận tải, có ít tiền dành dụm sắp một cái xe đạp tàng, xếp lên đó hàng tạ muối và đẩy suốt từ miền xuôi lên miền ngược, qua rừng, qua núi, qua suối, qua khe, dầm mưa dãi nắng, làm mồi cho muỗi, cho vắt, để sau khi đổi lấy vỏ, lấy củ nâu, lấy nấm, lấy mật, lại xuôi từ đèo heo hút gió xuống tận một phố chợ gần ‘’tề’’.
Năm, nếu không muốn hoặc không có dư năng lực và nghị lực làm nổi bốn nghề nói trên, chỉ còn một cách là ‘’dinh’’. Dinh là vào Thành ‘’Vào Thành’’ là một danh từ bi đát, một ý tưởng kinh khủng của những kẻ có lòng đã sống dăm năm với chính phủ cụ Hồ. Vì trong lưới tuyên truyền của Việt Minh, tất cả những kẻ không chịu sống trong vùng ‘’tự do’’ mà trở về vùng ‘’tạm bị chiếm’’ đều là các loại phản động, tất cả những cường quốc giúp chính phủ của Quốc Trưởng Bảo Đại đều là quân xâm lăng gớm ghiếc…
Tất cả các giác quan đều hấp thụ một lý luận, tâm lý bị hướng dẫn, những người bị giảm chính chẳng khác chi đàn gà có được thả ra cũng vẫn quáng nếu đêm ngày toàn bị nhốt trong tối đen.
Người ta chỉ nghĩ đến về Thành khi nào cái thế của người ta là 9 phần chết 1 phần sống. Về Thành, theo quan niệm của những người bị giảm chính là ‘’chết cả thể xác lẫn tinh thần’’, là hết, là mặc cho số phận và cho may, cho rủi. Đó là một điểm đặc biệt, một ưu điểm lớn trên mặt trận chiến tranh tâm lý của chính phủ Việt Minh. Người ta đã thấy những cặp vợ chồng cương quyết chia rẽ nhau vì lẽ chồng cam chịu đi công nhân vận tải, vợ quay trở lại Đô Thành và ngược lại, vợ cam chịu sống hiu quạnh với quán nước bên đường, chồng lạnh lùng đi thẳng vào Tề. Những cảnh ấy là kết quả của chính sách giáo dục Việt Minh.
Mùa Thu năm 1950, chính phủ Việt Minh mở trận đánh lớn vào khu Cao-Bắc-Lạng, tình thế quân sự Bắc Việt khẩn trương, phe quốc gia mất vùng biên giới. Thắng lợi của Việt Minh đã làm chấn động dư luận hoàn cầu. Thi đua với chiến dịch biên giới, quân kháng chiến Trung Bộ đánh đắm một chiến hạm của thế giới tự do chở quân sang giúp chính phủ Lý Thừa Vãn…Tất cả đã đánh một dấu phẩy chia giai đoạn cầm cự của Việt Minh ra làm đôi. Chính phủ cụ Hồ tuyên bố phần cuối của giai đoạn 2: Thời Gian Tích Cực Cầm Cự Chuẩn Bị Tổng Phản Công.
Tích cực cầm cự và chuẩn bị…! Tất cả lực lượng Việt Minh đổ dồn vào khẩu hiệu mới mẻ đó. Để lãnh đạo toàn thể dân chúng một cách chắc chắn hơn, hợp thời hơn, tháng 3 năm 1951, mặt trận Việt Minh và Liên Việt tuyên bố sát nhập làm một dưới danh từ Ủy Ban Liên Việt Toàn Quốc. Đó là mặt trận dân tộc thống nhất dưới quyền một chủ tịch cụ Tôn đức Thắng, người cựu lính thủy trong Hải Quân Pháp kiêm trưởng ban thường trực quốc hội.
Giúp việc chủ tịch Tôn đức Thắng có 3 phó chủ tịch:
– Linh Mục Phạm Bá Trực, đại biểu Công Giáo.
– Hoàng quốc Việt, kiêm chủ tịch tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
– Bác Sĩ Lê Đình Thám, kiên chủ tịch ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam.
Ngoài chủ tịch và 3 phó chủ tịch còn thêm 2 ủy viên: Chu văn Tấn. Đại diện dân tộc thiểu số kiêm chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính liên khu Việt Bắc, kiêm chánh án tòa án quân sự toàn quốc và cụ già Thy Sơn, ông lão râu tóc bạc phơ có phong độ một nhà nho thuần túy.
Ủy ban liên việt toàn quốc thu thập hết sức rộng rãi các tầng lớp nhân dân, mục đích chính là vơ vét thật cặn kẽ giai cấp trí thức và quan lại lưng chừng. Đó là một hình thức tổng thu những cá nhân lẻ loi, những xu hướng phất phơ ngoài lề cuộc kháng chiến, thống nhất lại để chịu dưới quyền một đảng: Đảng lao động Việt Nam.
Trong vùng việt cộng, vấn đề kinh tế tài chính hết sức gay go nguy ngập, do đấy Việt Minh phải cố gắng phát triển tiềm lực kinh tế của nhân dân. Hệ thống mậu dịch rất nghèo nàn vì Việt Minh dùng mọi phương pháp, thủ đoạn để thủ tiêu quyền tự do mậu dịch.
Theo cộng sản, tự do thương mại có nghĩa là tự do ăn cắp. Từ ngày kháng chiến, một số lớn dân chúng tản cư sống bằng buôn bán. Nhờ buôn bán, số lớn đồng bào đã nuôi sống được gia đình trong những ngày điêu linh khổ sở. Nền thương mại rất lưu động vì phải tránh máy bay, tránh mặt trận. Một phần dân chúng cũng nhờ tản cư đi buôn mà trở nên giàu có. Tuy vậy, hình thức thương mại thật nghèo nàn, ngoài cách mở quán hàng ăn, giải khát, ai biết nghề thì hoặc chữa đồng hồ, hoặc chữa xe đạp, hoặc làm thợ cắt tóc còn toàn là loanh quanh với quán hàng tạp hóa với những thứ hàng ‘’ngoại hóa’’ lén lút. Còn một hình thức thương mại tại vùng đồi núi nữa là buôn măng, mộc nhĩ, nấm hương, tre nứa lá, những lâm sản. Muốn buôn những thứ này, dân chúng phải qua ty kinh tế và xông pha vào thâm sơn cùng cốc mới hy vọng có lời có lãi. Hình thức thương mại đã nghèo nàn nhưng chính sách của đảng lao động là muốn ‘’ỹ lao động hóa’’ con người, ép con người vào công việc tăng gia sản xuất, theo tôn chỉ của đảng, như vậy mới có tiến bộ…
Muốn tiêu diệt dần dần các con buôn, chính phủ bắn một phát đạn thẳng vào túi tiền của những người ưa buôn bán: Đó là thuế công thương nghiệp.
Kinh tế tự do mất đi kinh tế chỉ huy tiến. Ngoài những xưởng giấy, xưởng dệt, xưởng ép dầu của các đoàn thể dân chúng quan quản, kỹ nghệ quốc phòng được mở mang theo mức độ kháng chiến, Việt Minh đã phát triển công việc làm mìn, làm đạn, moóc-ti-ê, làm súng đại bác không giật (SKZ) v.v…
Để điều hòa nền kinh tế chỉ huy, để kịp thời sử dụng hàng hóa và vũ khí, Việt Minh tích cực tổ chức công tác giao thông vận tải. Yếu tố chính của vấn đề vận tải là nhân lực. Trên đường trường xa thẳm xuất hiện loại xe đạp buộc thêm vài cây tre, chở lạc, chở trà, chở củ nâu, chở giấy má…Đường xá bắt đầu được sửa chữa để dùng cho từng đoàn Molotova do Trung Cộng viện trợ. Công việc sửa đường và làm cầu cống hoàn toàn do dân chúng tự tạo. Phòng dân công thành lập tại khắp nơi. Lại một lần nữa Việt Minh động viên dân chúng để phục vụ kháng chiến. Hàng đoàn người, già, trẻ, trai, gái, cơm nắm, áo ôm, đêm đêm xẻng cuốc đắp đường, dầu trong mưa hay trong bão. Sức lao động con người được thúc đẩy dùng đến mức độ cao nhất. Những con đường dài dặc, ngày hôm qua còn lồi lõm, còn bị cắt xẻ do chiến thuật của giai đoạn kháng chiến, ngày hôn nay đã gọn gàng bình thảm lượn quanh đồng ruộng, lượn vòng sườn núi không còn dấu vết của chiến tranh.
Đường giao thông vận tải lớn là những mạch máu chính của cuộc chiến tranh tối tân, là yếu tố mấu chốt của vấn đề phân phối nhu cầu. Bởi lẽ đó nên quân đội Võ nguyên Giáp đặt nan đề giao thông chiến là một việc quan trọng. Hình thái chiến tranh đã thay đổi, đường vận tải lớn trước kia chỉ cần thiết riêng cho Bộ Tư Lệnh Pháp ngày nay cũng trở nên vấn đề sinh tử đối với bộ tư lệnh Việt Minh.
Hiểu như vậy, các cán bộ dân công hết sức thúc đẩy dân chúng đắp đường cho nhanh, xẻ núi cho mau và cũng vì vậy Bộ Tư Lệnh Pháp cố tình phá diệt đường xá, bắn giết đám dân công vô tội. Hàng chuỗi bom được đoàn phi cơ chiến thuật rắc dọc khắp nẻo đường, hàng tràng đại bác 20 ly tưới xuống ven đường, bờ ruộng, mỗi bóng người cầm quốc xẻng, mỗi bóng người nhấp nhô là mỗi tràng đạn nổ rầm trời.
Những đám dân công làm trong đêm tối siêng năng và quả quyết. Nếu nói về kết quả việc làm của họ đã đem lại ý nghĩa phản quốc gia theo quan niệm của những người quốc gia thuần túy vì lẽ họ đã mang sức lực ra giúp Việt Minh, thì hỏi về tinh thần làm việc của họ, phải công nhận họ xứng đáng là những người con quý của dân tộc Việt Nam. Dưới đường lối tuyên truyền của Việt Minh, họ chỉ biết đắp đường là yêu nước. Cử chỉ của họ đã lột rõ tâm tình đối với quốc gia dân tộc, và tất cả những người có ý thức đều phải nghiêng mình trước những sự hy sinh của họ dưới làn mưa đạn của không quân.
Song song với công tác đắp đường, ngành không và ngành thủy cũng được xây dựng. Phòng không quân bắt đầu tuyển mộ đào tạo sĩ quan các loại: Hoa tiêu, cơ khí…Phòng thủy vận tập trung vào những khả năng chuyên môn, tổ chức việc vận tải trên Lô Giang, trên các giòng suối rộng tổ chức thương thuyền vận tải ở bờ bể Trung Việt và tất cả các triền sông chưa bị vùng quốc gia kiểm soát.
Chính sách kinh tế tài chính của Việt Minh gồm mấy điểm lớn:
– Sản xuất tiết kiệm
– Thăng bằng chi thu
– Lũng đoạn kinh tế vùng quốc gia kiểm soát.
Để tránh nạn đói, Việt Minh hô hào dân chúng tăng gia sản xuất. Trước hội nghị cán bộ chính quyền tháng 3 năm 1951, Chủ Tịch Hồ chí Minh lên tiếng phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm. Sản xuất đi đôi với tiết kiệm, đó là khẩu hiệu chính mà toàn thể dân chúng đều phải thực hiện.
Từ cuối năm 1951, đảng lao động Việt Nam đã tung ra khẩu hiệu ‘’Tự Cấp-Tự Túc’’. Những xưởng cán bông, dệt vải, seo giấy mọc lên như nấm.
Giấy: Các cơ quan nói chung từ trên xuống dưới đều phải dùng thứ giấy chế bằng đó, bằng giang.
Bông: Một chương trình trồng bông được đại dân chúng hóa mỗi nhà đều phải tiến tới giống một sào bông. Giá một ký-lô bông được nâng cao hơn giá thóc để khuyến khích. Những cá nhân giồng bông nhiều, có kết quả tốt ở những khu đất do họ tự vỡ lấy sẽ được thưởng, hoặc giấy khen, hoặc tuyên dương làm chiến sĩ thi đua, chiến sĩ lao động trên mặt báo…
Mỗi gia đình cũng như mỗi cơ quan, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị phải có chương trình sản xuất riêng: Bao nhiêu luống khoai, luống cà chua, luống rau, tăng gia bao nhiêu gia súc, đào bao nhiêu ao, thả bao nhiêu cá v.v…Để ngăn ngừa tâm lý hoang phí khi thu được nhiều kết quả do chính sách mới đẻ ra, đảng lao động Việt Nam đã gắn liền hai chữ Sản Xuất danh từ Tiết Kiệm. Sản xuất nhiều nhưng khi có kết quả không được hoang phí, chính sách ấy có nghĩa là những thứ sản xuất được sẽ để vào kho. Chuẩn bị cho thời gian tổng phản công.
Tiếp theo chính sách sản xuất tiết kiệm. chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa bắt đầu ca tụng một thứ thuế mới: Thuế nông nghiệp. Thuế nông nghiệp là một thứ thuế theo kinh nghiệm của đảng cộng sản Trung Hoa để nuôi Hồng Quân trong sự nghiệp lập các Khu Độc Lập trong khi chiến đấu với chính phủ của Trung Hoa Dân Quốc.
Các cán bộ thuế nông nghiệp giải thích đó là một thứ thuế dân chủ nhất đánh theo năng lực sản xuất của người dân, tính theo tỷ lệ của hoa mầu và lấy thóc làm đơn vị của thuế. Thuế nông nghiệp tượng trưng một thứ thuế ‘’xây dựng’’ một thứ thuế dành ưu thế chính trị cho nông dân, theo quan niệm của cộng sản.
Nhưng thực tế, thuế nông nghiệp cũng chưa thu đủ số dự trù cho ngân sách dù trong khi thừa hành nhiệm vụ, một số cán bộ thuế nông nghiệp đã dùng chính sách áp bức dân chúng.
Việc thu thuế rất nặng làm nhân dân vô cùng ta thán khiến cho Phạm văn Đồng phải sửa đổi ít nhiều để ve vãn lòng dân hòng thu được nhiều hơn nữa.
Trong bản báo cáo tường trình tình hình nông nghiệp họ Phạm đã đề nghị một chủ trương mới trước hội đồng chính phủ như sau:
‘’Khuyết điểm về thuế nông nghiệp 1951 là ở chỗ điều tra định sản có nơi quá thấp, nguyên nhân là vì một số người phụ trách không chịu thật chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, cùng nhân dân bàn bạc để điều tra định sản cho đúng.
Điều tra định sản nói chung là thấp, nhưng không phải thấy đều nhau, nghĩa là có người vừa hay là cao một chút cho nên họ kêu nặng và bị nặng thật, hoặc tương đối nặng so với nhiều người khác nhẹ (số người được nhẹ lại thường là người có nhiều ruộng và ruộng tốt). Nhân dân thường nói: ‘’Không sợ đóng thuế, chỉ sợ không công bằng’’.
Điều tra định sản thường phải làm đi làm lại, làm phiền nhân dân rất nhiều, lại gây trở ngại đến công tác khác như thế là không hợp lý. Nhân dân thường nói: ‘’Làm sao tính cho đúng và đóng một lần’’.
Một điều cốt yếu trong thuế nông nghiệp là phải đi tới cố định sản lượng, và công bố cho nhân dân để nhân dân yên tâm sản xuất, ra sức tăng năng xuất. Có như thế mới thực sự khuyến khích sản xuất. Nhưng việc cố định sản lượng này trong vụ thuế nông nghiệp 1951, chưa làm được. Chúng ta phải kịp thời học hỏi kinh nghiệm sửa chữa khuyết điểm để hoàn thành nhiệm vụ thuế nông nghiệp 1952.
Căn cứ công tác thuế nông nghiệp 1951, hội đồng chính phủ đã xét lại điều lệ thuế nông nghiệp và quyết định thay đổi mấy điều nhằm mục đích giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân giảm nhẹ sự đóng góp ở vùng căn cứ du kích, quy định việc miễn và giảm thuế đúng mức lúc mùa màng của nhân dân gặp tai nạn bất thường.
Điều đáng nêu nhất là việc nâng khỏi điểm đánh thuế từ 61 ký-lô lên 71 ký-lô, đồng thời hạ thấp thuế xuất từ 6% xuống 5% như thế để miễn thuế thêm cho một số nông hộ nghèo, đồng thời giảm nhẹ chút ít cho mọi người.
Kinh nghiệm công tác thuế nông nghiệp 1951 chứng tỏ rằng chính sách thuế nông nghiệp của chính phủ đã hợp với sức đóng góp của nhân dân. Nếu điều tra định sẵn đúng, thì số thu là 20% tổng số thu hoạch của nhân dân do 90% nông hộ đóng thuế.
Để kháng chiến dành độc lập, mưu ích lợi cho nhân dân, chính phủ phải thu thuế nhưng chỉ thu vừa đúng sức đóng góp của nhân dân. Thực là một trời một vực so với số thuế bằng 50% tổng số thu hoạch mà nhân dân các nước đế quốc cho bọn cầm quyền để chúng áp bức nhân dân và chuẩn bị chiến tranh’’.
Mặc dầu cố đánh thuế nông nghiệp, cố tăng gia, cố tiết kiệm, Việt Minh cũng không thu được đủ chi phí cho chiến tranh cho nên Việt Minh cố gắng thực hiện thăng bằng chi thu của nền tài chính Việt Minh hiện tại:
‘’Thuế nông nghiệp 1951 thu dưới mức. Thuế công thương nghiệp từ đầu năm đến nay cũng thu dưới mức. Thuế công thương nghiệp từ đầu năm đến ay cũng thu dưới mức. Tuy rằng mức ấy còn thấp đối với khả năng thực tế. Cho nên việc thực hiện thăng bằng thu chi, thăng bằng ngân sách mà chính phủ đã quyết định sẽ gặp khó khăn. Vậy chúng ta phải coi trọng và cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác này.
Năm 1951, chúng ta chủ trương tăng thu giảm chi, thống nhất quản lý tài chính, giảm dần việc phát hành để chi tiêu, làm như vậy chúng ta nhằm mục đích: Ổn định vật giá, ổn định thị trường, tạo điều kiện phát triển sản xuất, buôn bán phát triển nền kinh tế chung đồng thời phát triển công tác đấu tranh kinh tế với địch và mậu dịch với các nước bạn.
Trong năm 1951, công tác tài chính này đã thu được ít nhiều kết quả, cho đến đầu năm 1952, chúng ta đề ra kế hoạch Sản Xuất và Tiết Kiệm đồng thời chúng ta ra sức Tăng Thu Giảm Chi, tiến tới thực hiện Thăng Bằng Thu Chi, quyết tránh phát hành để chi tiêu, tạo điều kiện thật thuận lợi cho công tác sản xuất và tiết kiệm.
Sáu tháng đã qua, nhưng công tác của chúng ta chưa tiến bộ mấy. Chúng ta thu không đủ số dự trù trong ngân sách về thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp. Chúng ta chưa nhận thấy đầy đủ sự quan hệ mật thiết giữa công tác thăng bằng thu chi với công tác sản xuất và tiết kiệm. Thậm chí có nơi chỉ lo công tác sau mà sao lãng công tác trước. Như thế khác nào đặt cái cầy trước con trâu. Như thế là chưa hiểu, chưa nắm toàn bộ công tác kinh tế tài chánh trong đó khó khăn chính hiện nay vẫn là công tác tài chính: Thực hiện thăng bằng thu chi.
Chừng nào chúng ta chưa thực hiện được thăng bằng thu chi nghĩa là còn phải phát hành để chi tiêu thì chúng ta chưa ổn định được vật giá, chưa ổn định thị trường, thì nhân dân chưa mạnh bạo sản xuất và buôn bán, thì việc phát triển kinh tế còn gặp khó khăn. Đó là chưa kể còn phát hành để chi tiêu thì giá sinh hoạt vẫn còn lên mãi, làm thiệt hại đến đời sống của nhân dân, nhứt là từng lớp cần lao, bộ đội, cán bộ, công chức, những người nhờ lương tháng để sống.
Để thực hiện thăng bằng thu chi, để củng cố giá trị đồng bạc của ta, củng cố nền tài chính quốc gia, chỉ trên nền tảng đó, chúng ta mới thực sự cải thiện đời sống nhân dân phát triển nền kinh tế quốc gia’’.
Một chiến thuật nữa trong mặt trận kinh tế của Việt Minh là cố làm lũng đoạn nền kinh tế vùng quốc gia kiểm soát. Muốn phá chính sách Bồi Thổ của Quốc Trưởng Bảo Đại, Việt Minh mở rộng vòng đai sắt, để mặc cho những nhân viên bị giảm chính tự do trở về vùng quốc gia kiểm soát, gây nạn thất nghiệp, tung cán bộ công đoàn vào các xí nghiệp, xưởng máy trong vùng quốc gia hoạt động, tranh đấu, bãi công, đòi tăng lương, gây mâu thuẫn, ly gián chủ và thợ, cấp giấy tờ đi lại cho con buôn len lõi vào liên lạc với một số thương gia hám lợi hoặc Việt Nam hoặc Trung Hoa, chuyên chở lén lút thuốc men, các chất hóa học, máy thu thanh, máy chữ, vật liệu văn phòng…Để triệt lương thực vùng quốc gia, Việt Minh tổ chức bao vây kinh tế, cấm ngặt việc đem ngũ cốc, trâu bò về vùng quốc gia, cấm ngặt việc chuyên chở ngoại hóa và xa xỉ phẩm ra vùng thuộc họ kiểm soát. Ngoài những hoạt động trên, Việt Minh còn tích cực tổ chức bán Công Phiếu Kháng Chiến trong vùng thành thị, bí mật đánh thuế những thuyền bè, xe cộ vận tải qua vùng họ kiểm soát. Những hoạt động này cũng thu được khá nhiều kết quả.
Sau trận đánh thẳng vào đầu não Việt Minh năm 1947 (Opération LEA, Lạng Sơn-Cao Bằng-Bắc Kạn-Thái Nguyên-Tuyên Quang), lực lượng quân sự của Việt Minh tuy bị thất tán nhưng chủ lực không bị tiêu diệt. Sau một cuộc hội nghị tranh luận gay go, Việt Minh quyết định chuyển cuộc chiến đấu sang một giai đoạn mới: Giai Đoạn Cầm Cự
Giai đoạn này chủ trương xây dựng lực lượng, phát triển chiến tranh du kích.
Xây dựng lực lượng là tăng cường quân đội chính quy, lấy đơn vị sư đoàn làm chính. Năm 1948-1949, đại hội chủ lực 308 được thành lập gồm một số trung đoàn thiện chiến. Sư đoàn tinh nhuệ này do Đại Tá Vương thừa Vũ chỉ huy. Là một cán bộ quân sự cao cấp của Việt Minh, Vương thừa Vũ đã tòng học ở Trường Võ Bị Hoàng Phố (Trung Hoa), đã chỉ huy bộ đội chiến đấu ở Hà Nội và Khu Bình-Trị-Thiên (Trung Việt) năm 1948.
Cuối 1949, các đại đoàn khác lần lượt được tập hợp như đại đoàn 304 dưới quyền Đại Tá Hoàng minh Thảo, một đại đoàn trưởng trẻ và đầy tương lai của Việt Minh, đại đoàn 312 dưới quyền Đại Tá Lê trọng Tấn, đại đoàn 316 dưới quyền Đại Tá Cao văn Khánh, đại đoàn 320 dưới quyền Thiếu Tướng Văn tiến Dũng, nguyên cục trưởng cục chính trị của bộ tổng tư lệnh quân đội Việt Minh và đại đoàn 351 là đại đoàn pháo binh dưới quyền Thiếu Tướng Trần đại Nghĩa nguyên cục trưởng cục quân giới Việt Minh.
Quân đội chính quy Việt Minh giữ nhiệm vụ vận động chiến. Để phát triển du kích, Việt Minh liên hợp các Khu nhỏ thành các Liên Khu kháng chiến như:
– Liên Khu Việt Bắc gồm Khu 1, Khu 10, Khu 12 cũ (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang).
– Liên Khu 3 gồm Khu 2 và Khu 11 cũ (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Quảng Yên, Hòn Gay, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây).
Liên Khu 4 và Liên Khu 5 là Trung Việt v.v…
Mỗi Liên Khu có một liên khu trưởng chỉ huy và có các trung đoàn gọi là chủ lực khu, dưới có các tỉnh đoàn dân quân du kích.
Nói đến sự tiến bộ trong vùng Việt Minh là phải nói đến phương diện quân sự.
Phương châm ‘’Huấn luyện trọng hơn tác chiến’’ đề cao việc huấn luyện binh sĩ trong giai đoạn. Nếu tinh thần chiến đấu là điểu tối cần trong giai đoạn phòng ngự thì vấn đề kỹ thuật tác chiến lại là một việc hệ trọng trong giai đoạn cầm cự với chiến thuật ‘’vận động chiến là chính và du kích chiến là phụ’’.
Các trường quân sự được mở liên tiếp ở khắp nơi:
– Trường trung cấp quân sự huấn luyện các cán bộ tiểu đoàn và trung đoàn do Thiếu Tướng Trần tử Bình và Thiếu Tướng Lê thiết Hùng làm giám đốc, có giáo sư Trung Cộng huấn luyện (học ở bên kia biên giới). Các cán bộ trung cấp được chau dồi về kỹ thuật chỉ huy, nghiên cứu học tập chiến thuật của Đại Tướng Trung Cộng chỉ huy Đệ Bát Lộ Quân Lâm Bưu. Học tập quan niệm chiến tranh của một nước lạc hậu chống quân đội tối tân của một cường quốc, học sử dụng vũ khí mới. Về chính trị, các cán bộ phải học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, phương thức lãnh đạo quân đội chiến đấu, phương pháp vận dụng tinh thần binh sĩ…Tất cả các cán bộ lần lượt thay phiên mà đi học, hết khóa nọ đến khóa kia mỗi khóa chừng 50 cán bộ.
– Trường sơ cấp huấn luyện các cán bộ trung đội và đại đội, đôi khi nhận cả cấp tiểu đội nếu có đủ khả năng và có triển vọng về quân sự.
Ngoài hai loại trường trên, Việt Minh còn mở rất nhiều lớp võ bị địa phương huấn luyện ngay tại các đại đoàn, khu hoặc trung đoàn, tỉnh đoàn
Tất cả mọi lớp huấn luyện đều phải thuộc dưới quyền kiểm soát của quân huấn cục về mặt chuyên môn và tổ chức do cục trưởng Hoàng đạo Thúy, người Anh Cả của Hướng Đạo Việt Nam cũ, điều khiển.
Từ khi Võ nguyên Giáp trực tiếp giữ chức tổng tư lệnh, họ Võ đã thúc đẩy mạnh phong trào thi đua, rèn cán chỉnh quân năm 1949 ví như thời gian chuẩn bị nanh vuốt thu hình rình mồi của con hổ dữ.
Bước sang Thu-Đông 1950, bộ đội Việt Minh đua nhau áp dụng những điều học được trên chiến trường Cao-Bắc-Lạng đợt 2.
Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng là một đòn quyết liệt trong đó bộ đội của họ Võ tập trung gân sức. Tất cả các trung đoàn cứng, các đại đoàn có thành tích đều có mặt trong thời gian chiến dịch.
Ngoài việc thắng lợi, thu hồi khu biên cương trong tay quân đoàn Lê Dương anh dũng của Liên Hiệp Pháp, chiến dịch Cao-Bắc-Lang đẻ ra những trận Thất Khê, Khâu Luông, đẻ ra những anh hùng trong quân đội Việt Minh như:
Trần Cừ, một thanh niên thuộc giai cấp tiểu tư sản thành thị, một đại đội trưởng trong trận Khâu Luông đã dùng lưng bịt họng súng khẩu đại liên dũng mãnh của địch thủ để lấy đường xung phong cho bộ đội mình, thân nam nhi bị tung như xác pháo đã đem lại kết quả tiêu diệt được đồn.
La văn Cầu, một nông dân miền núi phụ trách ôm quả bom danh dự mở đầu cho chiến dịch đường số 4 đợt hai. Cử chỉ của La văn Cầu tượng trưng ý thức ‘’vị đảng’’ bực nhất trong bộ đội Việt Minh. Nói theo nhận định của những người quốc gia, cử chỉ ấy tố cáo một nấc độ cuồng tín tối cao của người lính cộng sản. Với chức vụ chỉ ngang với cấp Trung Sĩ trong Quân Đội Quốc Gia Việt Nam hiện nay, tiểu đội trưởng La văn Cầu, người thanh niên 19 tuổi đã lĩnh trách nhiệm ôm quả bom tiến trong lửa đạn với mục đích đem đặt tại một mục tiêu đã chỉ định…Một loạt đạn liên thanh tiến gẫy cánh tay phải, trái bom chưa kịp đặt tới mục tiêu đã rơi xuống như một trái chín. Lặng lẽ quay trở lại, trong khói lửa, La văn Cầu điềm tĩnh khi gặp một trung đội trưởng đang tay gươm tay súng: ‘’Anh cắt hộ em cánh tay vướng bận lủng lẳng này’’, và một nhát kiếm lìa cánh tay vô dụng rơi như một chiếc lá lìa cành. Không đợi băng bó, người tiểu đội trưởng quay nhanh lại nhặt ôm trái bom bằng cánh tay còn lại thẳng tiến tới mục tiêu…Làm xong nhiệm vụ, để mặt trận bùng khói lửa sau quả bom tiên phong.
Những cử chỉ gương mẫu ấy được tuyên dương trước toàn thể quân đội Việt Minh và cũng là cái mốc thi đua trong thời gian lập công vĩ đại.
Muốn quân chủ lực khu tự nó đã có ý thức và kinh nghiệm chiến đấu. Bộ tổng tham mưu quân đội Việt Minh đề cao tổ chức dân quân toàn quốc. Những người ‘’dân lính’’ ấy không phải là những người thoát ly gia đình, họ vừa làm ăn vừa tổ chức chiến đấu. Luôn luôn họ theo quân chủ lực để học hỏi kinh nghiệm ngoài tuyền tuyến. Trận đánh kết liễu họ lại quay về vừa cầy ruộng vừa canh gác làng mạc thôn xóm. Họ là những người lính chính quy tương lai của quân đội Việt Minh.
Việt Minh tổ chức rộng rãi như vậy nên luôn luôn thiếu thốn cán bộ. Do đó khẩu hiệu mới nẩy ra: ‘’cán bộ quyết định tất cả’’. Nói riêng trong quân lực, cán bộ là vấn đề tối quan trọng trong thời gian: Cán bộ phải chỉ huy những trận đánh bằng điện thoại bằng phương tiện tối tân vì chiến trường rộng rãi. Cán bộ phải biết sử dụng và chỉ huy trên mặt trận gồm đủ loại vũ khí tối tân, đại bác bắn vòng, đại bác bắn thẳng, súng cối nặng, nhẹ, đại liên, trung liên, đại bác không giật (SKZ), Bazooka v.v…Sau trận đánh, dù thua hay dù thắng, cán bộ phải đủ khả năng thu thập kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm phải nắm vững và phải phát triển tinh thần quân đội…nghĩa là đủ cả…
Với tất cả phương pháp nhồi sọ tối tân, Việt Minh đã biến bộ đội lạc hậu năm 1945 thành một quân đội khả dĩ ngang sức với quân đội một nước tối tân, có thể chống đỡ với quân đội Pháp không bị tiêu diệt trong chiến dịch Ondine 1 và 2 ở Hòa Bình, Sơn Tây, chiến dịch Pégase ở Hà Nam, Phủ Lý, chiến dịch Bastille ở Bắc Ninh, Junon ở Phát Diệm và Pomone ở Phú Thọ, Tuyên Quang, hơn nữa, Việt Minh còn dư sức chịu đựng hỏa lực vũ bão của quân đội tối tân Liên Hiệp Pháp trên chiến trường Vĩnh Phúc Yên và Nam Định, Ninh Bình 1960 dưới tài chỉ huy của vô địch tướng quân: Cố Thống Chế De Lattre de Tassigey.
Năm 1951, họ Võ được thêm vây cánh, hai ủy viên trung ương của đảng lao động được cử vào bộ tổng tư lệnh giúp việc dưới quyền Đại Tướng tổng tư lệnh, ba cơ quan chính tổng cục tham mưu, tổng cục chính trị và tổng cục hậu cần do ba nhân vật trực tiếp chỉ huy Trung Tướng Hoàng văn Thái, Nguyễn chí Thanh và Trần đăng Ninh.
Tổng cục trưởng tổng cục chính trị Nguyễn chí Thanh là một nhân vật cừ khôi, đã tham gia hoạt động cộng sản từ năm 16 tuổi, hãy còn trẻ chưa đầy 40 tuổi, từng làm chủ tịch kháng chiến hành chính Liên Khu 5 (Trung Việt). Dưới bàn tay họ Nguyễn, công tác chỉnh huấn trong bộ đội Việt Minh tiến một bước khá dài, về phương diện tác chiến, họ biến thành những người lính thích chết hơn chịu hàng, về phương diện đạo đức họ cảm hóa được lòng dân. Những sự ấm ức của người dân do những hành động áp bức, vô chính trị của loại cán bộ hành chính, kháng chiến gây ra đã nhờ đạo đức của người lính Vệ Quốc thuộc bộ tư Võ-Nguyễn-Hoàng-Trần làm cho êm dịu.
Thực hiện chánh sách ‘’quân dân nhất trí’’, người lính Việt Minh chiến đấu ở tuyền tuyến và giúp đỡ dân chúng hậu phương. Trong lúc nghỉ ngơi, họ học hỏi liên tiếp, cấy cầy, quét tước, dọn dẹp cho dân chúng, đào giếng, dựng nhà cho thôn xóm. Cử chỉ lễ độ của họ được nhào luyện thêm trong những lớp văn hóa sơ cấp bộ đội, lớp bổ túc văn hóa bộ đội. Tất cả sự tiến bộ của họ về mặt tinh thần đã là ưu điểm tuyệt đối của Việt Minh.
Để theo sát được sự tổ chức và phát triển quân lực về cả mặt tinh thần lẫn vật chất, tổng cục hậu cần của Trần đăng Ninh tích cực khẩn trương nhiệm vụ cơ quan mình phụ trách. việc mấu chốt là quân khí và quân lương. Trần đăng Ninh có nhiệm vụ trực tiếp giao thiệp với Trung Cộng trong vấn đề tiếp nhận võ khí, thuốc men và gạo, dầu mỡ. Công nhân vận tải là một điều quan trọng, tuy vậy tổng cục hậu cần cũng đã tiến tới dùng được những phương tiện giao thông tân tiến như các loại xe cơ giới vận tải.
Đồng thời với sự viện trợ của Trung Cộng, kỹ nghệ quốc phòng mà Kỹ Sư Trần đại Nghĩa là một trong những người tên tuổi về ngành này, đã ra công thiết lập các xưởng máy chế tạo và cải cách võ khí hợp thời. Kỹ nghệ quốc phòng tiến một nhịp đều với giai đoạn chiến lược của quân đội Việt Minh.
Hãy nghe câu chuyện nhỏ giữa hai vị Tướng, ta cũng dự đoán được sự nghiên cứu võ khí trong cơ quan quân giới của Việt Minh gắn liền với chính trị và giai đoạn chiến lược đến mực nào:
– Thiếu Tướng Trần Đại Nghĩa: ‘’Anh có cần những loại võ khí nặng, thật tối tân, có sức tàn phá ghê gớm hơn hẳn những loại mà quân sĩ của chúng ta đương sử dụng?’’
– Tổng tham mưu trưởng: ‘’Trong giai đoạn chúng ta cần loại dao để bổ cau chúng ta đánh dao bổ bưởi để làm gì?’’
Bộ tham mưu quân khí Việt Minh đẻ ra SKZ không phải chỉ do tiêu chuẩn ‘’tìm và phát minh loại võ khí có sức công phá mạnh’’ mà chính do điều kiện cần thiết và thích hợp với chiến lược và chiến thuật trong giai đoạn: Tiết kiệm nhân công trong việc sử dụng võ khí nặng. Ta đã thấy súng SKZ công phá không kém gì đại bác cỡ lớn cần phải đủ điều kiện: Xe cộ để vận tải, đường cái to để chuyên chở, chỗ rộng để đặt ụ súng. Đại bác cỡ lớn cồng kềnh bao nhiêu thì SKZ bé nhỏ và nhẹ nhàng bấy nhiêu. Vài chú lính bé nhỏ, cuốc bộ đủ chuyên chở được một khẩu SKZ trên bờ ruộng, trên sườn núi, trên khúc đường nhỏ ngoằn nghèo, trong rừng rú. Rúc trong một bờ rậm cỏn con, SKZ vẫn có thể nhả đạn dễ dàng, tránh chỗ này, quanh chỗ nọ, không quân đối phương khó lòng theo dõi được.
Sự thực vấn đề vũ khí từ năm 1947 Việt Minh vẫn thiếu thốn. Sang 1948, quân đội Võ nguyên Giáp đã tiến bộ về phương diện này và đã có vũ khí loại:
– Bazooka 60 ly, 75 ly.
– Sten
– Mousqueton 7 ly 7
– Đại liên 20 ly, 12 ly 7, 7 ly 7 (phòng không)
– Đại bác 20 ly, 57 ly.
Mỗi tiểu đoàn chính quy Việt Minh vũ trang như sau:
– 60 Pistolets automatiques
– 200 tiểu liên
– 300 súng trường
– 20 trung liên.
– 8 bích kích pháo
– 3 SKZ
– 6 đại liên
– 3 bazooka.
Tháng Giêng năm 1951, quân lực chính quy của Đại Tướng Việt Minh sử dụng 25.000 vũ khí đủ các loại, bộ đội địa phương sử dụng 10.000, dân quân du kích sử dụng 5.000, nhưng đến tháng Giêng 1952, số lượng vũ khí của bộ đội chính quy đã tăng lên 50.000, địa phương quân 16.000 và dân quân 12.000.
Với cái đà tiến bộ như vậy, quân đội Việt Minh đã tăng tiến một cách rất mau lẹ, không những đủ sử dụng trên khắp chiến trường Việt Nam mà còn đào tạo được vài đợt sĩ quan tung sang đất Lào và Cao Mên để gây các khu du kích, giúp đỡ ‘’quân đội giải phóng Neo Lạp Issara’’ và ‘’quân đội giải phóng Khmer Issaraks’’.
Năm 1952, Việt Minh mở trận đánh lớn vào vùng Nghĩa Lộ, chiến dịch này đã giúp họ thu được phần lớn đất đai miền dân tộc thiểu số.
Bước sang giai đoạn Tích Cực Cầm Cự Chuẩn Bị Tổng Phản Công, Việt Minh đặc biệt chú ý đối với việc xây dựng lực lượng dự trữ và bồi dưỡng, Việt Minh sẽ ngã quỵ trước sức tiến triển của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam cộng với sức mạnh luôn tăng cường của quân đội Liên Hiệp Pháp và sự viện trợ tích cực của Hoa Kỳ.
Nghiên cứu bản nhận định tình hình quân sự của Phạm văn Đồng, ta sẽ thấy rõ đường lối chủ trương của bộ tham mưu Việt Minh trong giai đoạn mới:
‘’Sau mấy tháng chiến dịch Hòa Bình, tính rõ tổn hại của địch về mọi mặt quân sự, chính trị, chúng ta càng nhận thấy quân và dân ta đã thắng một trận lớn.
Sau khi bị đánh bại ở biên giới, địch bị hãm vào thế bị động, phòng ngự ở Bắc Bộ. Chúng ra sức xây dựng phòng tuyến củng cố hậu phương, chống đỡ các cuộc tiến công liên tiếp của ta, từ Trung Du xuống Đồng Bằng, đồng thời chúng ra sức chuẩn bị giành lại chủ động, tìm chỗ đánh ta, mong thu được một thắng lợi quan trọng để củng cố lại vị trí quân sự của chúng ở Bắc Bộ và gây ảnh hưởng chính trị.
Như thế, cuộc tiến công Hòa Bình của địch là một sự cố gắng có hệ thống, có kế hoạch của chúng từ cuối 1950 đến cuối 1951. Nhưng cuộc tấn công lớn ấy đã thất bại trong sự cố gắng trong kế hoạch giành lại chủ động ở Bắc Bộ.
Trận đại bại ở Hòa Bình chứng tỏ địch đã thua to, không những trên chiến trường Hòa Bình (trên sông Đà, đường số 6 và Hòa Bình) mà còn thua to ở khắp chiến trường Trung Du và Liên Khu 3. Phòng tuyến kiên cố của chúng không ngăn được quân chủ lực ta thâm nhập vào hậu phương chúng để cùng với lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân đánh và thắng chúng liên tiếp, làm tan rã từng mảnh ngụy quân, mở rộng vùng du kích và căn cứ du kích, gây một phong trào kháng chiến sôi nổi trong lòng địch.
Cho nên ta đại thắng trận Hòa Bình, không những vì chủ lực ta đánh thắng địch trên mặt trận chính ở chiến trường Hòa Bình mà còn vì chiến tranh du kích phát triển mạnh ở sau lưng địch, ngày đêm uy hiếp địch, gây một mối lo ngại rất lớn cho địch, buộc địch phải rút khỏi Hòa Bình.
Đó là ý nghĩa chính trị, quân sự trên trận Hòa Bình
Địch rút Hòa Bình cốt để chống cuộc chiến tranh du kích đang phát triển sau lưng chúng. Từ đó đến nay, chúng tập trung lực lượng càn quét liên tiếp các vùng du kích và căn cứ du kích của ta ở hữu và tả ngạn sông Hồng Hà, ở Trung Du. Mục đích của địch là: Nếu không tiêu diệt được thì cố gắng dồn ép chủ lực của ta ra khỏi vùng sau lưng chúng, đánh phá lực lượng võ trang địa phương, cơ sở nhân dân, phá hoại kinh tế, bắt người bắt lính, lập lại ngụy quân ngụy quyền. Tóm lại chúng cố gắng dồn ép chủ lực của ta ra khỏi vùng sau lưng chúng, đánh phá lực lượng võ trang địa phương cơ sở nhân nhân. Chúng cố gắng củng cố hậu phương của chúng ở Trung Du và Liên Khu 3 để giữ vị trí của chúng ở Bắc Bộ, đồng thời để cướp sức người sức của ở theo chính sách dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.
Để chống lại những cuộc càng quét ác liệt của địch, quân và dân ta ở sau lưng địch đã chiến đấu vô cùng anh dũng và đã thu được thắng lợi, cơ sở nhân dân được rèn luyện và củng cố, lực lượng võ trang của địa phương đã lớn mạnh, các vùng du kích, căn cứ du kích nói chung đều giữ được, có nơi bị thu hẹp nhưng cũng có nơi mở rộng, nói chung đều được củng cố vững chắc hơn trước. Đó là những thắng lợi đáng kể, vì chúng ta đã giữ vững và phát triển chiến tranh du kích, chống càn quét thắng lợi trong vùng địch, nơi địch tập trung lực lượng tinh nhuệ của chúng và dùng mọi thủ đoạn tàn ác của cuộc chiến tranh toàn diện: Quân sự, kinh tế, chính trị, gián điệp.
Thắng lợi này là thắng lợi của chiến tranh nhân dân, đặc biệt ở các Tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh v.v…Thắng lợi của đồng bào lương và giáo trước đây bị địch và ngụy tàn sát, nay dũng cảm đứng lên đoàn kết chiến đấu chống địch bảo vệ quê hương, tài sản, tính mệnh, tôn giáo.
Đồng bào ở vùng sau lưng địch, Liên Khu 3 và Trung Du đã xứng đáng với tổ quốc, chính phủ thân ái gởi lời chào đồng bào, hoan nghênh tinh thần yêu nước, kháng chiến của gương đoàn kết kháng chiến đó.
Trên các chiến trường khác, từ Bình-Trị-Thiên qua miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ, quân và dân ta vô cùng phấn khởi với chiến thắng Hòa Bình, đã ra sức hưởng ứng với chiến trường chính, ra sức phát triển chiến tranh du kích, chống càng quét, chống kế hoạch bình định, chống chính sách của địch, dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.
Ở Bình-Trị-Thiên, đi đôi với phong trào du kích chiến tranh khá rộng, nhiều trận đánh tương đối lớn đã diễn ra tiêu diệt từng tiểu đoàn thiện chiến của địch, mở rộng và củng cố miền du kích và căn cứ du kích gây thêm khó khăn cho địch, gây lòng tin tưởng trong đồng bào.
Ở miền Nam Trung Bộ, chúng ta đã thành công phần nào trong việc phá âm mưu của địch, lợi dụng đồng bào Thượng Du ở Sơn Hạ, trong việc diệt một số vị trí địch, uy hiếp đồng bào vùng tự do. Chiến tranh du kích ở sau lưng địch phát triển nhất là ở cực Nam Trung Bộ.
Ăn nhịp với cuộc kháng chiến toàn quốc, cuộc kháng chiến ở Nam Bộ mạnh dần lên, mặc dầu địch dùng mọi lực lượng, mọi thủ đoạn tàn ác để càn quét căn cứ địa của ta. Chia rẽ và mê hoặc đồng bào, ra sức bình định vùng tạm chiếm. Chiến tranh du kích phát triển ở nhiều nơi. Từ miền Đông sang miền Tây, chủ lực và lực lượng võ trang địa phương hoạt động ngày thêm mạnh, đánh lui mấy cuộc tấn công lớn của địch vào căn cứ của ta, chống càn quét thắng lợi ở nhiều nơi, đánh tiêu diệt ở một số vị trí của địch, thắng mấy trận giao thông chiến khá lớn.
Trong hoàn cảnh rất khó khăn ở Nam Bộ, đó là những thành tích kháng chiến đáng kể.
Tóm lại, nửa đầu năm 1952, cuộc kháng chiến của ta đã thu thắng lợi lớn trên chiến trường Bắc Bộ đồng thời chiến tranh du kích phát triển khắp mọi nơi’’.
Xuân năm 1953, Việt Minh vùng đánh sang đất Ai Lao. Hành động ấy chứng tỏ sự lớn mạnh của quân đội Võ nguyên Giáp mặc dầu họ chưa thể tiến được về miền đồng bằng Bắc Việt và chưa làm cỏ được ‘’Cánh Đồng Chum’’ đất Ai Lao. Trung Châu Bắc Việt và Thủ Đô Ai Lao chưa bị xâm phạm nhưng quân đội chính quy Việt Minh vẫn thắng lợi trong tiêu chuẩn hành bính của họ.
Ngoài những mục đích nói chung của các trận đánh, mỗi cuộc hành quân của Việt Minh đi sâu vào ‘’hậu địch’’ đều có tính cách gây bón cho những tổ chức dân quân du kích, thúc đẩy và làm tăng tinh thần của địa phương quân.
Điều tiến bộ của Việt Minh không phải là việc cố đóng ngay được lực lượng chính quy trên đất Lào, mà là sau trận đánh ‘’rút kinh nghiệm ấy’’, gây được thanh thế, ảnh hưởng…Quân đội Việt Minh đã rút lui để làm mọc rải rác trên đất Lào vô vàm những ổ du kích, những tổ dân quân địa phương và những tổ chức chính trị. Những ổ vi trùng này sẽ tự nhiên lớn dần và đến ngày nào đó sẽ được mang danh nghĩa quân đội chính quy với võ khí hoặc là đánh cướp được, hoặc do cục quân giới tiếp vận cho. Bởi kinh nghiệm chiến trường già dặn, bởi sự thông hiểu địa hình, địa vật, những bộ đội chính quy ấy sẽ là những đơn vị vô cùng nguy hiểm mai sau.
Đứng về mặt quân lực, Việt Minh khá tiến bộ mới có thể khởi trận tấn công vào xứ Vạn Tượng, nhưng thực ra việc đó lại tố cáo nhiệm vụ quốc tế và sự lo âu của bộ tham mưu Việt Minh về vấn đề căn cứ địa. Nếu chiến tranh nóng bùng nổ giữa hai phe đối lập trên thế giới bao trùm vùng Đông Nam Á, thì rừng núi vùng Thượng Lào, miền Nam Vân Nam và miền Tây Bắc Việt sẽ là căn cứ địa chính của những lãnh tụ cộng sản hoạt động trong khu vực Bán Đảo Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện và Đông Dương. Nếu không sửa soạn vùng chiến lược sau này, Việt Minh lo sẽ có thể bị tan vỡ hoặc bị bao vây trong căn cứ địa nhỏ bé ở Việt Bắc hiện thời.
Vấn đề Văn Hóa-Xã Hội củng được chú ý đặc biệt mặc dầu Việt Minh mắc bận nhiều ở tiền tuyến. Đặc biệt thứ nhất là sự hoạt động của Bình Dân Học Vụ. Theo báo cáo của đại hội Bình Dân Học Vụ năm 1952, toàn quốc đã có 14.000.000 người thoát nạn mù chữ. Những người đã qua lớp i, tờ nghĩa là đã đọc và viết được đều được tiếp tục theo các lớp bổ túc căn bản. Lớp bổ túc văn hóa mở ra cho nông dân theo học các buổi tối, khỏi làm mất thì giờ công tác tăng gia sản xuất.
Để thúc đẩy phong trào, ủy ban văn hóa trung ương do văn sĩ Hoài Thanh và thi sĩ Tố Hữu, hai cây bút cộng sản lãnh đạo, xúc tiến thi hành các đội ‘’văn công’’ chuyên môn đi biểu diễn ca, nhạc kịch, trưng bầy triển lãnh tận cả nông thôn. Người nông dân là quen dần với những đường cong đơn giản của bản đồ Châu Âu, Châu Á, Việt Nam, quen dần với những chấm đen tượng trưng tỉnh thành của đất nước. Ngoài những bài địa dư, sử ký giản yếu đã khêu gợi ý thức của một người dân đối với giang sơn tổ quốc, những lớp bổ túc văn hóa đã dậy cho nông dân có ý thức về phương diện vật lý, vệ sinh. Tự họ đã đào giếng khơi ngòi, tự họ đã đắp đường xẻ rãnh, tự họ đã tiến bộ. Từng đội văn công lưu động khua chiếng dóng trống len lõi không những tất cả làng mạc miền xuôi mà còn tiến cả vào những vùng đèo heo hút gió. leo qua núi qua khe, có mặt với những dân tộc LôLô, Mán sơn đầu, Mèo ở chót vót từng mây…
Một số các trường trung học được mở bên kia biên giới. Cả giáo sư lẫn học sinh đều ‘’du học’’. Chương trình giáo dục được thay đổi từng gốc rễ, lấy môn chính trị học làm đầu.
Học sinh, ngay từ tiểu học đã phải học ‘’lao động’’. Học sinh phải có một vườn rau riêng, tự lực trồng trọt trong giờ riêng quy định, trong những ngày chủ nhật hoặc thứ năm, học sinh phải tập hợp lũ lượt kéo nhau đi làm ‘’công tác xã hội’’. Đó là những việc linh tinh ở địa phương gần nơi học hoặc đào đất, khơi ngòi, xẻ rãnh, hoặc đắp lạch cho nước ở ao khơi tràn ra đường, hoặc tu sửa một nơi dùng làm phòng triển lãm văn hóa v.v…Những công tác xã hội ấy không bao giờ hết được. Có những em nhỏ một loạt chừng 8, 9 tuổi, dưới sự hướng dẫn của ông giáo trẻ phụ trách việc đắp những con đường nhỏ trong thôn xóm những buổi sớm ngày chủ nhật đẹp đẽ và hùng tráng dưới tia nắng nhẹ của mặt trời. Mỗi trẻ vác một cục đất vừa mới sức mình, ông giáo vác tảng đất to hơn, đàn kiến cần cù và vui vẻ ấy đã thu hút được lòng mến của những người khó tính nhất. Những kẻ bướng bỉnh nhất, những anh lười biếng nhất cũng bị lưỡi mai kiểu tinh thần ấy bẩy lên, tung lên và xô vào bánh xe lao động. Ngoài những công tác đó, học sinh đoàn còn đi bán công phiếu kháng chiến cho chính phủ, làm giúp các công việc cho các ủy ban hành chính kháng chiến.
Nền văn hóa dưới bàn tay Việt Minh đã có bộ mặt thay đổi. Từ trẻ nhỏ, đã tập dần để hiểu thế nào là sức lao động của con người, đã tập dần tự túc, tự sản xuất, tự kiến tạo và tiết kiệm. Tất cả những sách vở, văn chương đều bị kiểm soát ngặt nghèo và hướng dẫn trong một khuôn khổ. Người ta bắt đầu ca tụng những con người mới trong thời đại Staline, những vĩ nhân của chủ nghĩa vô sản, khoa triết học được xây dựng từ khởi điểm bằng tài liệu lịch sử nhân loại theo duy vật biện chứng pháp. Tất cả học sinh cũng như các nhân viên, cán bộ đều phải học lại hoặc bắt đầu học để hiểu rằng loài người là con cháu của loài khỉ, để hiểu rằng định luật kinh tế thô sơ đã đẻ ra xã hội bộ lạc, phong kiến đã đẻ ra xã hội tư bản và ngày nay, đoạn chót của tư bản, đế quốc, tiềm tàng mâu thuẫn đã tự tiêu diệt nhường chỗ cho một xã hội mới, xã hội cộng sản đang thành hình qua cái cầu chủ nghĩa xã hội. Khoa triết học duy vật biện chứng pháo ép học sinh vất bỏ tất cả mọi tư tưởng khác biệt, Einstein là ngố ngáo lạc hậu, Jean Jacques Rousscau là tự do vô tổ chức, Hegel là duy tâm, tôn giáo là ru ngủ, Barkeley là thầy đồ ngụy biện, cũng như Khổng Mạnh chỉ là những lão đồ gàn…Dưới mắt học sinh chỉ có Marx, Engel, Lenin, Staline và thật mới mẻ Mao Trạch Đông.
Một số các cán bộ cao cấp và sinh viên được gửi đi học các ngành tại Prague, tại Varsovie (Đông Âu) học về nghề hỏa xa, nghề điện, nghề công an, kỹ thuật máy móc, một số được theo học trường Mã-Lê học hiệu ở Trung Cộng…
Trên thượng tầng, những anh linh loại văn hóa: Hoài Thanh, Tố Hữu, Nguyễn đình Thi, Xuân Thủy, loại chuyên môn: Bác Sĩ Tôn Thất Tùng và một số kỹ sư đưa nhau làm trưởng phái đoàn đi ngoại quốc thu thập bước tiến của ‘’nhân loại văn minh’’.
Dưới hạ tầng, dân chúng đưa nhau đón tiếp những điều mới lạ. một đặc điểm mạnh dạn nhất là phong trào Nhẩy toàn thể dân chúng, nông dân, công nhân, học sinh, nhân viên, các bộ mọi ngành, già trẻ trai gái đều đua nhau nhẩy ‘’Ương Ca’’ một điệu nhẩy từ Trung Cộng nhẩy sang (và có lẽ nó cũng đã nhẩy lung tung từ Nga Sô đến thất cả các nước ‘’Tân dân chủ’’ trong sợi giây truyền cộng sản)…Vũ khúc Ương Ca bắt nhịp theo các bài hát có nhạc điệu Trung Hoa. Bài hát ca tụng Mao Chủ Tịch là một bài hát được đại chúng hóa không những ở Trung Hoa mà cả ở vùng Việt Minh, đâu đâu cũng thấy:
Đông Phương hồng, Mặt trời lên Trung Hoa chúng ta có ông Mao Trạch Đông…
‘’Trung Hoa chúng ta có ông Mao Trạch Đông’’, câu đó làm người ta nhớ lại những ngày nào, dưới thời Pháp thuộc, trẻ nhỏ Việt Nam gào trên ghế nhà trường bài Sử Ký nhập trường: ‘’Tổ tiên chúng ta là người Gô loa…(nos ancêtres snt des Gaulois)’’.
Những nông dân chất phác, vô học từ hàng thế kỷ nay, bỗng dưng được học văn hóa mới, học nhẩy, thay đổi điệu hát cổ truyền trước mắt họ chỉ còn mầu đỏ của Nga Sô của Trung Cộng, tai họ chỉ nghe những mẫu chuyện ở ‘’Thành phố Hoa-Đồng’’, những thiên ‘’anh hùng ca’’ từ Bình Nhưỡng bay đến, hòa hợp với các bản nhạc kháng chiến đẫm máu của dân tộc Việt Nam họ đã biến dần thành những người cuồng tín, xả thân vì văn hóa mới, vì tư tưởng mới, vì chính phủ, vì đảng…
Hệ thống Dân Y phát triển đều với hệ thống quân y. Phụ nữ tham gia khoa dược học rất nhiều. Từ 1949, bộ y tế đã liên tiếp mở nhiều khoa y tá, cứu thương cho ngành dân y. Mỗi tỉnh lớn đều có một Bác Sĩ phụ trách. Vì thiếu Bác Sĩ, Việt Minh đã phải cố gắng đào tạo những y sĩ trẻ mới.
Nhưng công tác Dân Y tiến bộ rất chậm chạp vì vấn đề bào chế và giao thông. Những xưởng bào chế tuy được hết sức mở mang những vì thiếu máy móc tinh xảo tối tân nên không thể sản xuất đủ cho dân chúng dùng. Do tính cách thủ công nghiệp của phương pháp bào chế nên thường thường các phẩm, lượng của thuốc lúc hơn lúc kém, tùy theo thời gian, theo địa phương, ví dụ: Phòng bào chế tại Liên Khu Việt Bắc. Vì lý do ở miền đồng bằng những dược phẩm cần thiết để bào chế dễ dàng được cung cấp hơn ở vùng đồi núi.
Vấn đề giao thông cũng là một trở lực mạnh. Đứng về địa vị ‘’cung’’, lượng của dược phẩm không được phân phát đều cho các phòng bào chế tản mác trong toàn quốc, cho nên có nơi thuốc rẻ có nơi thuốc đắt, dân chúng càng ở xa phòng bào chế càng chịu cảnh ít thuốc và thuốc đắt. Nói về phương diện ‘’cầu’’ dân chúng tuy được giáo dục qua về ý thức dùng thuốc Âu, Mỹ, nhưng từ những thôn dã xa xôi, họ ngại ngùng khi phải đi một vài chục cây số mới mua được vài ống thuốc hoặc tới khám bệnh tại ty y tế thường đóng trong rừng trong núi. Có cố gắng đến được chăng nữa thì những bệnh cấp cứu cũng đã mất thời gian tính hoặc không còn cách nào để cứu chữa nữa.
Đến 1952, mỗi xã đã có một phòng thuốc công cộng dưới quyền một y tá hàng xã, nhưng thực ra chỉ có hình thức, một là do những khó khăn vì tình trạng thuốc men và giao thông đã nói ở trên hai là do tình trạng tâm lý của dân chúng cũng như tinh thần của các nhân viên chuyên môn phụ trách.
Nói đến tinh thần phục vụ của ‘’nhân viên vệ sinh’’ phải nhìn đến những yếu tố đã cấu tạo ra nó. Phần lớn các y tá dân y là những người thoạt tiên có tư tưởng ‘’leo bên lề cuộc kháng chiến’’ Họ hưởng danh nghĩa ‘’kháng chiến’’ (mà họ cho là oai) nhưng lại nhát không dám xông pha nơi trận tuyến, hoặc khả năng kém không dám xung phong đảm nhận những công tác khố khăn khác. Họ là những người kém tinh thần phục vụ nói chung (tất nhiên dù trong vùng Việt Minh hay trong vùng quốc gia cũng vậy) Với tư tưởng cầu an và phản xã hội ấy, vô hình chung họ lại tham gia vào một công tác cần nhiều đầu óc xã hội nhất. Họ tưởng chắc rằng, với chiếc ‘’sơ-ranh’’, vài quận băng, bông, một chai thuốc ‘’méc-kuya-rô-côm’’ họ sẽ được dân chúng tin tưởng và mến phục, vừa được đi trước với bệnh nhân khi mặt trận lan đến địa phương họ.
Sẵn tư tưởng đáng phàn nàn ấy, phòng chính trị của hệ thống dân y cũng chưa giáo dục được họ cho hoàn hảo nên số những người phụ trách y tế thôn xã đều chỉ nhận được sự thờ ơ của dân chúng. Thâm tâm dân chúng đều ít tin tưởng ở tủ thuốc hàng xã vì cớ thuốc cũng như người nghèo nàn cả về hình thức lẫn nội dung tinh thần lẫn vật chất.
Tóm lại, công tác dân y vùng Việt Minh mới chỉ tiến bộ chút ít về mặt hình thức và tương đối đã là một ngành gần ‘’bét’’ trong vùng Việt Minh so với các ngành hoạt động khác.
Để bù vào ‘’hạ tầng lủng củng’’ về mặt dân y, các Bác Sĩ cố gắng học hỏi nghiên cứu về phương diện bào chế và chau dồi chính trị. Bác Sĩ Tôn Thất Tùng chu du Bắc Bình, Thượng Hải, Bác Sĩ Đặng Văn Ngữ bào chế thuốc Pen-ni-ci-lin, Bác Sĩ Nguyễn Văn Thuyết được tặng danh hiệu ‘’chiến sĩ thi đua số 1’’ Tỉnh Thái Nguyên, thủ đô của Việt Minh.
Quyết tiến vượt mức, Việt Minh cố gắng thúc đẩy phong trào thi đua lập công. Phong trào này được bồi dưỡng bằng cách ca tụng những thành công, những thành tích thắng lợi của từng cá nhân. Trên báo chí, trên tranh ảnh toàn thi đua ái quốc đến thi đua kiến quốc.
Ngày ngày thi đua,
Ngành ngành thi đua,
Người người thi đua,
Ta nhất định thắng,
Địch nhất định thua.
Đó là bài thơ gây phong trào thi đua ái quốc và kiến quốc của tác giả Hồ chí Minh, tác giả của đảng cộng sản Đông Dương, tác giả của đảng Việt Nam Độc Lập Đổng Minh, của hội nghiên cứu Mác-Lenin ở Việt Nam, tác giả của đảng lao động Việt Nam…
Bài thơ được phổ nhạc. Phong trào thi đua được phát động thật mạnh mẽ hình thức thi đua phổ biến hết sức rộng rãi.
– Những ngày còn thở hít được khí giới là phải thi đua.
– Thi đua trong tất cả mọi ngành quân, dân, chính.
– Gái, trai, già, trẻ, người nào cũng phải thi đua.
– Mình thi đua với người, mình thi đua với chính mình.
– Mình thi đua hôm nay với mình hôm qua.
– Mình bây giờ thi đua với mình lúc nấy.
Cuộc vận động phong trào thi đua được xây dựng trên những yếu tố:
– Tinh thần yêu nước, vì đảng.
– Tâm lý tự ái, hiếu thắng.
– Óc địa vị, chuộng danh.
Theo quan niệm của những người cộng sản ở Việt Nam thì dân chúng phải cấu tạo một ý thức hẳn hòi về thi đua, làm sao cho thi đua lẫn vào cuộc sống hàng ngày, cần thiết đối với con người như khí giới, như hạt thóc, làm sao cho hành động này thi đua với hành động nọ, liên miên không phút nào ngừng. Thi đua phải biến thành tiềm thức, lẫn vào xương vào máu để nhất cử nhất động phải là thi đua. Đó là điểm đặc biệt, theo họ, tiến bộ hơn phong trào Stakhanovitch của Nga Sô, phong trào Ngô-mộng-hảo của Trung Cộng. Những phong trào của ngoại quốc chỉ tưng bừng hoặc trong kỹ nghệ, trong nhà máy hoặc trong những đợt kế hoạch kinh tế.
Phong trào thi đua đợt đầu đã đẻ ra nhiều cá nhân gương mẫu. Quân đội chính quy có La văn Cầu, có Nguyễn quốc Trị, kỹ nghệ quốc phòng có Kỹ Sư Trần đại Nghĩa công nhân Ngô gia Khảm. Đồng ruộng có ông lão Hoàng Hanh. Dân quân du kích có Nguyễn thị Chiêm…Họ toàn là những chiến sĩ thi đua, nhờ thành tích thắng lợi được chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa thưởng các huân chương quân công, huân chương kháng chiến, được báo chí nêu danh: Anh hùng quân đội, anh hùng lao động…
Hết đợt này đến đợt khác, luôn luôn Việt Minh khuấy động tinh thần làm việc của người dân bằng ý thức thi đua. Sự khuấy động với phương pháp hết sức tinh vi, khoa học đã đem lại nhiều kết quả mà kết quả chính là lực lượng chiến đấu ngày một tăng, tinh thần chiến đấu ngày một vững.
Sau bức màn sắt, Việt Minh ‘’nhất mã nhất thương lăn lộn trong dân chúng, nhào nặn họ thành những tín đồ sùng đạo cộng sản’’ hơn cả những con chiên sùng đạo nhất trên hoàn cầu.
Thế giới đã từng thấy người lính Nga Sô chiến đấu dữ dội như thế nào để giữ Thành Stalingrad, thế giới đã từng thấy đệ tử của Mao Trạch Đông chiến đấu dữ dội như thế nào khi vượt Hoàng Hà Giang, người lính đỏ bắc Cao Ly chiến đấu dữ dội như thế nào để chống với lực lượng tối tân của Liên Hiệp Quốc thì ngày nay thế giới lại thấy tất cả những tính cuồng chiến ấy hiện ra trong bộ võ phục nhãn hiệu ‘’cờ đỏ, ao vàng’’ ở Việt Nam.
Gắn liền với công tác chính trị, phong trào thi đua của Việt Minh đã biến toàn thể dân chúng trong vùng họ kiểm soát thành một bức thành kháng chiến khổng lồ gây khó khăn vĩ đại cho toàn sức chiến đấu của Liên Quân Việt-Pháp. Đại Tá Némo, người chỉ huy cuộc hành binh ‘’Claude’’ ở vùng Duyên Hải Trung Châu Bắc Việt (8.1953 Tiên Lãng, Bắc Việt) đã phải tuyên bố: ‘’Chúng tôi đã trông thấy một em nhỏ chừng 14 tuổi chiến đấu như con sư tử non trong một trận giáp la-cà. Trong cuộc hành binh này, chúng tôi đã bắt được 123 trẻ nhỏ dự chiến như vậy’’.
Nhớn thi đau, bé cũng thi đua, Việt Minh thật là quá quắt khi đặt vấn đề khai thác cả tuổi thơ ngây dùng trong cuộc chiến tranh hung bạo.
Chủ trương chính trị đối với quốc tế của Việt Minh là liên kết với Liên Bang Sô Viết với Trung Hoa Đỏ, với các nước Dân Chủ Nhân Dân Đông Âu, với Bắc Cao Ly, liên kết chặt chẽ với các đảng cộng sản khắp thế giới, đặc biệt nhất với đảng cộng sản Pháp và các Xứ ở Bắc Phi Châu thuộc Liên Hiệp Pháp.
Việc giao thiệp với Nga Sô đặt dưới hai hình thức: Chính quyền và dân chúng.
Về chính quyền, Nguyễn lương Bằng một lãnh tụ của Việt Minh được cử làm Đại Sứ Việt Nam ở Mạc-tư-khoa. Nguyễn lương Bằng là một lãnh tụ cộng sản quan trọng, nổi tiếng với đức tính cần cù và tiết kiệm, đã từng giữ chức Giám Đốc Ngân Hàng Quốc Gia của chính phủ Việt Minh. Với tinh thần kỷ luật tuyệt đối, óc vị đảng thân Nga hoàn toàn chính phủ Việt Minh thật đã chọn đúng người với trách nhiệm Đại Sứ ở Nga.
Để nâng cao tình bang giao, để truyền bá tư tưởng thẳng vào dân chúng, Hội Việt-Sô Hữu Nghị thành lập do Tôn đức Thắng, chủ tịch ủy ban liên việt toàn quốc làm hội trưởng.
Nga Sô đã ủng hộ Việt Minh bằng cách dùng Đài TASS tuyên truyền các ‘’hành động anh hùng’’ trong quân đội họ Võ, trong liên đoàn lao động của Hoàng quốc Việt, dán nhãn hiệu anh hùng của thế giới hòa bình lên La văn Cầu, lên Ngô gia Khảm…Và đồng thời tranh đấu đòi cho đại biểu của chính phủ Hồ chí Minh được gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Khác với giao thiệp Việt-Nga chỉ có tính cách một ‘’ngoại giao báo cáo’’, sự giao thiệp với Trung Cộng lại là một ‘’ngoại giao viện trợ’’ chính thống. Ngoài ông già Thy Sơn, một ủy viên trong ủy ban liên việt toàn quốc với chức hội trưởng Hội Việt-Hoa Hữu Nghị, Việt Minh cử ông Nguyễn văn Hoan làm Đại Sứ Bắc Kinh.
Sát với Trung Cộng, Việt Minh đã đon đả nhận viện trợ đủ các loại, từ tư tưởng đến phương pháp làm việc, từ tinh thần đến vật chất, cố vấn chuyên môn, võ khí, thuốc men, thóc gạo…
Bắt đầu từ trận Cao-Bắc-Lạng, cố vấn Trung Cộng đủ mọi ngành hoạt động ùn ùn kéo sang Việt Nam. Phòng giao tế trung ương được thành lập để tổ chức tiếp đón.
Phần lớn các cố vấn đều là cán bộ quân sự của Hồng Quân Trung Hoa. Họ sang đủ cả lễ bộ: Tướng, Tá, Úy cho đến cả mã phu, mỗi Tá, mỗi Tướng có đến bốn năm lính theo hầu, nào thông ngôn, nào bếp, nào giữ ngựa, nào kiêng võng, nào che lọng…Tuy họ đã rất giản dị, sự thật, giản dị hơn các Tướng Tá Quốc Dân Đảng Trung Hoa sang Bắc Việt hồi 1945 nhiều lắm, nhưng người ta vẫn phải buồn cười vì những hành lý ngộ nghĩnh của họ. Hãy ngắm một vị Tướng hoặc Tá trên đường sang Việt Nam: Một con ngựa của ‘’ngài’’ cưỡi, dưới yên, một tầm chăn bông mầu xám xù ra ôm cả lưng lẫn bụng ngựa, lẽo đẽo theo sau là anh mã phu vác lọng che nắng che mưa cho ‘’ngài’’, rồi đến ngựa của viên thông ngôn, rồi đến ngựa đồ đạc với đủ thứ: Chậu đồng rửa mặt vàng chóe, ô, dù lủng củng, va-ly, hòm xiểng chồng chất… những nồi niêu bát đĩa.
Từ khi có mặt các cố vấn Trung Cộng, phương pháp tổ chức và làm việc nói chung đều phải sửa đổi. Các ông cục trưởng đứng đầu một cơ quan trung ương đều mang một tên mới: Thủ Trưởng.
Một lớp ngoại ngữ được mở để các cơ quan phái nhân viên đi học cấp tốc về làm thông ngôn giữa Thủ Trưởng với Cố Vấn chuyên môn. Môn ngoại ngữ dĩ nhiên là tiếng Quan Hỏa gọi là tiếng Phổ Thông.
Ngoài vấn đề chiến lược nói chung do tham mưu hỗn hợp quy định, vấn đề chiến thuật và kỹ thuật cũng phải theo một hướng mới do tư tưởng mới quyết định: Tư tưởng vô sản.
Một tỷ dụ về kỹ thuật bắn đại bác.
Muốn công phá một đồn của Liên Quân Việt-Pháp các cán bộ trong một đơn vị pháo binh đã dùng lối ‘’bắn vòng’’ để câu trái pháo vào mục tiêu. Một cố vấn quân sự Trung Cộng không bằng lòng và phê bình pháo binh Việt Nam đầy óc tiểu tư sản. Theo Hồng Quân Trung Hoa phải thực hiện lối bắn của vô sản: Người vô sản phải đem đại bác sát mục tiêu, càng gần càng hay và nhắm mục tiêu qua nòng súng mà nhả đạn cho thẳng tắp. Lối bắn vòng phí đạn, ít kết quả, do tư tưởng muốn an sinh và nhát sợ của bọn tiểu tư sản phải loại bỏ.
Một võ khí sắc bén nữa đã theo các cố vấn Trung Cộng sang Việt Nam: Tinh thần phê bình và tự phê bình.
Nói đến chủ nghĩa Mác-Ăng-ghen là nói đến phê bình và tự phê bình rồi nhưng thực ra trong vùng Việt Minh, vấn đề ấy cũng mới chỉ bàn bạc trên lý thuyết mặc dầu tác giả quyển ‘’Sửa đổi lối làm việc’’ X.Y.Z (bí danh của cụ Hồ chí Minh) một cuốn sách gối đầu giường của tất cả các nhân viên và cán bộ quân, dân, chính, đã dạy: ‘’Một ngày không kiểm thảo, không tự phê bình cũng ví như một ngày không rửa mặt’’.
Phương pháp kiển thảo, tự phê bình được các cố vấn Trung Cộng truyền thụ một cách rất thực tế. Trong đơn vị quân sự, tự phê bình và phê bình lẫn lộn, quân phê bình quân, quân phê bình quan, thẳng cánh. Mỗi buổi chiều tối hoặc sau mỗi trận đánh, ngồi trên chiếu kiểm thảo, phê bình, mọi người đều bình đẳng, ai có lỗi tự kê khai để ‘’đoàn thể sửa chữa cho’’…Trong lớp học, học sinh phê bình nhau, thầy giáo phê bình học trò, học trò phê bình thầy giáo ‘’Chúng tôi phê bình Thầy trong giờ giảng Thầy dùng nhiều thời giờ để hút thuốc lào quá, việc đó có hại cho việc học hỏi của học sinh và không tiết kiệm thì giờ cho đoàn thể…Phê bình Thầy đến trễ năm phút…Phê bình Thầy giảng bài bằng một tinh thần ‘’tắc trách’’…
Dưới đây là một mẫu chuyện kiểm thảo phê bình giữa hai mã phu, một Việt Nam, một Trung Hoa để tượng trưng phương pháp phê bình mới nhập cảng:
Gần bản doanh quân sự có một chuồng ngựa. Chuồng ngựa được ngăn làm đôi từ khi vị cố vấn trung đoàn trưởng Trung Cộng được cử đến cộng tác với vị sĩ quan cao cấp Việt Minh phụ trách cơ quan đó. Sĩ quan Việt Minh có một con ngựa và một mã phu. Cố vấn Trung Cộng cũng có một con ngựa và một người mã phu đồng hương. Hai anh mã phu mỗi người phụ trách một con ngựa của ‘’quan’’ mình. Hàng ngày người ta nhận thấy kết quả hai công tác hơn kém nhau rõ rệt: Con ngựa của anh mã phu Trung Cộng mỗi ngày được tắm rửa hai lần, ngoài việc được nuôi dưỡng thật đúng phương pháp, còn có những bó cỏ non mướt rũ rửa sạch sẽ để dự trữ, xung quanh chuồng ngựa có xẻ rãnh để thông nước, không một mảnh rác rưới, không một bãi phân ngựa. Luôn luôn những gánh nước được gánh từ suối lên nào dội, nào cọ…Anh mã phu Trung Cộng đã đem toàn lực ra để ngựa của chủ anh được béo, được sạch, chuồng nuôi ngựa của anh sạch như ở nhà, luôn lau chùi quét dọn. Bên cạnh anh mã phu Việt Nam cũng có tắm cho ngựa, cũng có quét cọ, lau chùi chuồng ngựa nhưng vì kém tích cực, kém cố gắng nên nơi anh phụ trách vẫn rõ ràng là…một chuồng ngựa. Phân, nước tiểu, cỏ rác bừa bãi, bẩn thỉu. Riêng con ngựa của anh chăn nuôi cũng không mỡ màng bằng con ngựa Trung Hoa. Hơn nữa, anh mã phu Việt lại mắc thêm cái tật hay ngủ ngày trên đống da và tắm lâu trên giòng suối.
Tuy chiều nào cũng có ‘’Hội ý, hội báo’’ giữa hai anh mã phu Hoa-Việt nhưng vì mới gặp nhau nên chưa có những buổi gay gắt lắm. Một thời gian ngắn trôi qua, sau khi đã nhận đúng những khuyết điểm của ‘’đồng chí Việt Nam’’, sau khi có đủ chứng cớ về ngựa, về chuồng, về người, đồng chí Trung Cộng tấn công một buổi chiều sau giờ ‘’chính quyền’’:
– Mã phu Trung Cộng: ‘’Sau khi nhận thấy chuồng ngựa kém quét dọn, nhiều rác rưới, phân, nước tiểu bừa bãi, ngựa kém chăm nom, ít được tắm rửa, hôi hám, cỏ ngựa ăn không chịu rửa kỹ, thóc ngựa ăn vung vãi phí phạm…tôi phê bình đồng chí: Không chăm chỉ, làm việc tắc trách, cần phải sửa đổi lối làm việc’’.
– Mã phu Việt Nam (tự ái và bướng bỉnh): ‘’Đồng chí nhận xét sai, mỗi người một hoàn cảnh, ngựa của tôi phải dùng luôn, không thể mỗi lúc một mang ra tắm được. Tôi tự thấy đã làm đủ bổn phận rồi’’.
– Mã phu Trung Cộng (yên lặng nghĩ ngợi một lúc): ‘’Có lẽ tôi có khuyết điểm trong sự nhận xét công việc làm của đồng chí, tôi sẽ kiểm thảo lại vẫn đề đã nêu ra để chúng ta cùng rút kinh nghiệm’’.
Buổi kiểm thảo ngắt quãng để tiếp diễn chiều ngày hôm sau.
– Mã phu Trung Cộng: ‘’Tôi đã hết sức suy nghĩ và thấy rằng những điểm tôi đã nêu ra hôm qua là đúng. Đồng chí cần nhận để sửa đổi khuyết điểm đã mắc. Phải hiểu rằng đoàn thể đã trao cho chúng ta nhiệm vụ coi ngựa. Đó là con ngựa của đoàn thể, đó là tài sản của nhân dân. Ngựa khỏe mạnh và sạch sẽ, sẽ giúp đồng chí trung đoàn trưởng trong khi phục vụ nhân dân. Muốn ngựa khỏe cần phải luôn tắm rửa cho ngựa, cần phải xem xét cẩn thận thóc và cỏ cho ngựa ăn, cần phải…
– Mã phu Việt Nam: ‘’Tôi thấy đồng chí lý luận nhiều quá. Tôi đã hết sức chu đáo không để ngựa ốm, tôi đã tự xét và thấy không lầm lỗi, nhất định không lầm lỗi, chính đồng chí tỉ mỉ quá trong việc chăm nom không cần thiết lắm làm mất thì giờ học tập riêng của đồng chí’’.
Buổi kiểm thảo lại ngắt quãng vì sự ngoan cố của ‘’đồng chí Việt Nam’’ sau khi anh mã phu Trung Cộng vui vẻ nói:
‘’Chưa làm đồng chí nhận được khuyết điểm của mình tất nhiên là tôi còn khuyết điểm trong xự nhận xét hoặc giả tôi đã nhận xét sai lệch, hoặc giả tôi có thành kiến với đồng chí, tôi sẽ tự kiểm thảo và chúng ta sẽ thảo luận lại buổi mai.’’
Và chiều hôm sau…
– Mã phu Trung Cộng (với nét mặt nghiên nghị): ‘’Tôi đã tự kiểm thảo và vẫn thấy rằng những nhận xét của tôi rất đúng. Một đồng chí hay ngủ gật trong giờ chính quyền, đồng chí đã không tắm cho ngựa đều đều là hai. Ba, đồng chí không quét dọn chuồng ngựa luôn. Bốn, thóc ngựa ăn vung vãi, Năm, cỏ ngựa ăn không đủ. Tóm lại, đồng chí có khuyết điểm trong công tác của đoàn thể trao cho, tôi đề nghị đồng chí giác ngộ và phục thiện…’’
Cứ đều đều như thế mãi, hết chiều lại chiều, anh mã phu Trung Cộng cố sức nhẫn nại tìm cách phê bình bằng những chứng cớ cụ thể cho đến khi anh mã phu người Việt đành phải công nhận lỗi lầm để từ đó trở đi, phải thi đua trong công tác chăn ngựa, phải không được ngủ ngày và phải tham gia học hỏi tay đôi với anh bạn đồng chí ngoại quốc.
Lối học do Trung Cộng truyền sang thật lạ lùng biến con người một cách dễ dàng thành những con cừu ngoan ngoãn luôn luôn muốn chịu đựng và phục tùng.
Nếu hơn ngàn năm về trước người Trung Hoa đã dùng Khổng Giáo để tinh thần thắng người ở Việt Nam thì ngày nay, người Trung Hoa lại mang một võ khí tinh xảo hơn, sắc bén hơn khiến người dân Việt từ nhẹ dạ ương ngạch đến ngoan ngoãn, phục tùng.
Từ anh mã phu vô học đến nhà kỹ sư thông thái, từ anh học sinh Trung Học ngây thơ đến nhà giáo già dặn, tác phong giáo dục của cộng sản Trung Hoa đã vượt qua mọi trở lực san phẳng hình thức con người và đồng hóa một điểm quan hệ, tinh thần và tư tưởng.
Đi sâu vào phương pháp học tập của Trung Hoa đỏ, ta thấy người ‘’giáo sư chính trị’’ dùng lối ‘’tự tu’’ để dậy học trò.
Theo dõi một khóa trung cấp về cải tạo tư tưởng và chính trị học bên kia biên giới, ta thấy:
Một đợt thanh niên Việt Nam, đa số đã có bằng Trung Học Pháp cũ, bằng Trung Học Chuyên Khoa cả hai phần…tạm ngừng công tác, đeo hành lý ngược qua biên giới, tựu trường.
Buổi gặp mặt ‘’Thầy’’ đầu tiên, học trò được nghe một bài giản dị:
‘’Các đồng chí đi đường có được khỏe mạnh không? Ở đây các đồng chí có thấy điều gì khuyết điểm không? Các đồng chí tham dự khóa học này thật là một điều may mắn cho tôi, tôi sẽ được các đồng chí vạch rõ các khuyết điểm của tôi để tôi sửa chữa và tôi sẽ có dịp vạch rõ những bệnh về tư tưởng của các đồng chí v.v…’’
Lớp học mãn giờ với cái đà đại khái như vậy. Trong một thời gian hai tháng, học sinh được tự do sinh hoạt, tự do suy tưởng theo nội quy của nhà trường. Giáo sư thỉnh thoảng tạt qua thăm nhưng cũng chỉ để hỏi những câu thông thường: ‘’Các đồng chí có thấy dễ chịu không? Có khỏe mạnh không? Sự ăn uống có điều gì đáng phàn nàn không? Vấn đề vệ sinh chung ra sao?… Những lời nói của tôi nếu phải thì các đồng chí nghe, nếu không phải mong các đồng chí hãy giả lại tôi…’’.
Trong thời gian hai tháng đó, các vị giáo sư nhũn nhặn có mặt đã hoàn toàn lấy được cảm tình của học sinh, để rồi, một buổi mai, học trò mỗi người được lĩnh giấy bút làm bản ‘’Tự Vãn’’ thuận lại đời mình bằng một lối văn thật tỉ mỉ, thật soi mói, tự nghiên cứu, tự tra vấn tội trạng mình, tự bắt mạch căn bệnh tư tưởng, tự tra vấn tội trạng mình, tự định mức độ tinh thần mình, tự phân loại những ‘’vết thương’’, những bệnh trạng của mình và tự đề ra những phương pháp sửa chữa.
Tiếp vào vấn đề kiểm thảo tư tưởng, các học sinh được học hỏi và nghiên cứu duy vật biện chứng pháp, quan niệm tân dân chủ, lịch sử đảng cộng sản Liên Sô, tình hình thế giới, chiến cuộc Cao Ly, vấn đề Đức, tính chất cuộc chiến tranh ở Việt Nam v.v…
Chương trình học đã làm cả tinh thần lẫn thể xác của học sinh mệt mỏi rã rời. Rồi đến lượt vị giáo sư Trung Cộng sẽ thân chinh hướng dẫn trong cuộc nhận định căn nguyên cội rễ căn bệnh của ‘’học trò’’ và ‘’bốc thuốc’’…
‘’Phải học tập, học luôn, học mãi, không ngừng, vì ngừng một phút ta sẽ thua địch một phút’’. Đấy là lời của tổng tư lệnh Võ nguyên Giáp tuyên bố với toàn thể các cán bộ quân sự trong một buổi họp hoan nghênh sự thắng lợi của Hồng Quân Trung Hoa.
Học chuyên môn và học cải tạo tư tưởng. Cải tạo tư tưởng là vô sản hóa con người là bỏ hết những tính tình cũ là…lột xác.
Phương pháp học tập kiểu Trung Cộng kể trên đã khiến một số học sinh khi về nước sụt đi hàng dăm bảy cân mặc dầu họ được ăn uống sung sướng trong khóa học. Ngoài việc sụt cân còn có học sinh đâm ra ngớ ngẩn hoặc mắc bệnh ‘’lệch lạc giây thần kinh’’ vì đã phải dùng tới trí óc nhiều quá. Sau khóa học, thường thường họ được nghỉ công tác hàng 5, 6 tháng liền để thuốc thang và tĩnh dưỡng tinh thần. Cần phải nói là trước khi đi học họ phần đông đều thuộc loại thanh niên khỏe mạnh dư lực.
Dưới lối nhìn một chiều và máy móc, người ta chỉ thấy Trung Cộng viện trợ cho Việt Minh hoặc bột mì, hoặc dầu xăng hoặc súng đạn…Sự thực, những thứ viện trợ ấy đều không đáng kể, chẳng khác gì những đồ viện trợ của Hoa Kỳ đã gửi cho Tưởng Thống Chế, có khi còn kém cả về phẩm lẫn lượng. Võ khí ghê gớm nhất mà ‘’Bác Mao’’ đã gửi giúp ‘’Bác Hồ’’ là những ‘’đại bác’’ cải tạo tư tưởng, cải tạo tận gốc, cải tạo thực sự, những phương pháp tranh đấu bản thân thực cạn tầu ráo máng…
Người ta còn nhớ khi Hồng Quân Trung Hoa đánh Nam tiến như vũ bão, không một trở lực, gạt băng tất cả các chướng ngại vật trên đường, bỗng nhiên dừng hẳn lại bên bờ sông Hoàng Hà…không phải vì hết lương thực, không phải vì thiếu chuẩn bị súng ống đạn dược, không phải thiếu phương diện quá giang…mà chỉ dừng lại để ‘’phản tỉnh’’ để tự tra, tự cứu!
Qua trận Hoàng Hà, người ta lại một lần nữa thấy kết quả phương pháp giáo dục ấy ở trận Hòa Bình năm 1952 và còn có thể có những lần nữa trên khắp lãnh thổ Bán Đảo Đông Dương.
Nếu như ngoại giao Việt-Sô có một tính chất chư hầu báo cáo và liên hệ ngoại giao Việt-Hoa có tính chất viện trợ lĩnh giáo, thì liên hệ ngoại giao Việt Hàn có một tính chất ủng hộ và rút kinh nghiệm chiến đấu. Ủng hộ và rút kinh nghiệm. Việt Minh cử Trung Tướng Nguyễn Sơn, người đã từng chỉ huy sư đoàn thiết giáp trong dã chiến quân Trung Cộng, nguyên khu trưởng Liên Khu 4 (Trung Việt) sang chiến đấu cùng với cộng sản Bắc Cao Ly. Việt Minh và Bắc Cao Ly cùng thi đua trong công tác ‘’trừ ngoại xâm’’. Giữa mỗi phần của hai dân tộc Việt-Hàn có những cuộc trao đổi cán bộ rút kinh nghiệm. Những ‘’anh hùng’’ của Việt Minh đều được nêu danh tại Bắc Cao Ly để làm gương mẫu và ngược lại cũng thế.
Tính chất ngoại giao ấy tố cáo rõ rệt sự thuần nhất về tư tưởng và chiến lược của phe cộng sản trong 2 trận chiến tranh nóng Á Đông.
Liên hệ ngoại giao giữa chính phủ Quốc Gia Việt Nam với chính phủ Lý Thừa Vãn nhạt nhẽo bao nhiêu thì trái lại sự ràng buộc giữa Việt Minh và Kinh Nhật Thành chặt chẽ bấy nhiêu. Để tuyên truyền cho Bắc Cao Ly, Việt Minh đã dùng danh từ bù nhìn, tay sai của đế quốc để chỉ Tổng Thống Lý Thừa Vãn và gọi Kim Nhật Thành là vị ‘’Chủ tịch thân mến của dân tộc Hàn’’. Việt Minh lên tiếng tố cáo Mỹ đã thả bom vi trùng ở Cao Ly do viện khảo cứu vi trùng học ở Moukden phóng đại, để gây công phẫm trong dân chúng thêm khinh ghét Hoa Kỳ. Nhưng việc đó đã chứng tỏ sự đồng tâm nhất trí của Việt Minh và Bắc Cao Ly. Nếu một ngày mai có bóng người lính Mỹ trên đất Việt, chắc chắn Việt Minh sẽ quay thẳng mũi dùi chiến tranh vào Hoa Kỳ mà hất Liên Quân Việt-Pháp xuống mục tiêu ngoại phụ.
Sợi giây chằng ngoại giao của Việt Minh vươn sang tận các nước Đông Âu và Đông Đức, tuy nhiên chưa được chặt chẽ lắm ngoài việc, trao trả các quốc gia ở Đông Âu những tù binh người Hung, Lỗ, Tiệp…bắt được trong hàng ngũ Liên Hiệp Pháp, trao đổi các tin tức về những kế hoạch kinh tế thực hiện dưới chính thể tân dân chủ hoặc phái du học sinh Việt Nam theo học các trường chuyên môn tại Prague, Bucarest hay Varsovie. Việt Minh đã có lần được Tiệp Khắc ủng hộ giầy, vải đủ trang bị cho hai sư đoàn.
‘’Phong trào hòa bình thế giới’’ do Điện Kremlin nêu lên tất nhiên được các đồng chí Việt Nam nhiệt liệt hưởng ứng. Một phái đoàn đi dự hội nghị Berlin có: Nguyễn đình Thi, Hoài Thanh, Lưu hữu Phước…với một số thiếu nhi. Trong đó còn có cả La văn Cầu ‘’đồng chí chiến sĩ cụt tay’’ trong chiến trường Cao-Bắc-Lạng mùa Thu năm 1950.
Cầm đầu ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới ở Việt Nam là Bác Sĩ Lê đình Thám. Họ Lê đã làm một việc khá lớn là gây phong trào lấy chữ ký ở Việt Nam để yêu cầu 5 cường quốc Anh-Mỹ-Pháp-Nga-Trung Hoa lập công ước hòa bình. Mỗi đơn vị quân sự dù tĩnh hay dù động cũng phải có một ban đi lấy chữ ký từng người. Mỗi cơ quan chính quyền hay đoàn thể đều phải thành lập một ban. Mỗi địa phương kháng chiến kể cả vùng tề và ngay trong các đô thị do quốc gia kiển soát Việt Minh cũng cố gắng len lõi vào lấy chữ ký.
Ngoài việc công khai giao thiệp với các nước trong thế giới công sản, Việt Minh tăng cường liên lạc với các đảng cộng sản thuộc Liên Hiệp Pháp. Nhìn qua những việc xảy ra, ta cũng thấy hoạt động của Việt Minh rất có kết quả. Trước hết là đảng cộng sản Pháp hoặc do đường Đông Âu liên lạc, hoặc do các tù binh được phóng thích, nhất là sau cuộc thăm viếng của Léo Figuiéres, phó chủ tịch liên đoàn thanh niên thế giới kiêm chủ tịch liên đoàn thanh niên Pháp, Pháp cộng và việt cộng đã tăng cường giây liên lạc. Vụ anh chàng lính thủy Martin không chịu chở binh lính sang Trung Ấn, vụ một phụ nữ Pháp chị Raymondien, 19 tuổi nằm ngang trên đường sắt chắn đoàn xe lửa chở lính sang Đông Dương, phong trào các bà mẹ Pháp đòi con, phong trào đình công, những vụ phá hoại đầu máy xe lửa và quân nhu võ khí gửi sang Đông Dương…tất cả đã do bàn tay của những người cộng sản Pháp, do sự thâm thụt của những người cộng sản Việt Nam lén lút sang Pháp. Đối lại sự tăng cường chiến đấu của việt cộng nhằm thêm mục đích: Ngăn cản công cuộc thành lập quân đội Pháp theo Minh Ước Đại Tây Dương.
Việc phóng thích các tù binh người da đen cũng nằm trong chương trình liên lạc của Việt Minh với các đảng cộng sản Bắc Phi. Công tác huấn luyện và nhồi sọ các tù binh người Bắc Phi được đặc biệt nghiên cứu. Những nhạc điệu mới được phổ biến tuyên truyền mục đích làm cho sợi giây liên lạc giữa ‘’da đen’’ và ‘’da vàng’’ được chặt chẽ (Bài hát của người da đen).
Một cơ ngũ Bắc Phi được thành lập toàn người da đen. Người lính ‘’Việt Minh da đen’’ trong đơn vị ‘’Bắc Phi độc lập’’ cũng có mẹ nuôi, chị nuôi và khi cũng thành lập gia đình cẩn thận.
Đảng cộng sản Đông Dương là đảng cộng sản mạnh nhất trong toàn khu vực Đông Nam Á. Không những vì lý do có một lãnh tụ hạng quốc tế như cụ Nguyễn ái Quốc (Hồ chí Minh) chỉ đạo mà còn vì cả bộ tham mưu của đảng còn gồm một số người thông minh nhất, hoạt động nhất có người đã từng được xếp ưu hạng trong các trường đào tạo cán bộ chính trị ở Mạc-tư-khoa.
Phong trào cách mệnh hỗn loạn vùng Đông Nam Á cũng do Việt Minh trực tiếp châm ngòi lửa. Sau việc thất bại của lãnh tụ Việt Minh Đào duy Kỳ tại Thái Lan năm 1947, lãnh tụ Trần Văn Giầu đích thân sang Thái hoạt động, đào tạo cán bộ địa phương, tuyên truyền Việt kiều hải ngoại và liên lạc với cộng sản Mã Lai. Ở Miến Điện, Bác Sĩ Luân cũng liên lạc với cộng sản địa phương. Riêng đối với hai quốc gia Cao Miên, Ai Lao, Việt Minh đặt liên hệ mạnh bạo hơn cả.
Từ hình thái chiến đấu lẻ loi của những toán quân Issarak hay Sơn ngọc Thành, năm 1946, Việt Minh tiến tới thành lập khối Liên Minh Việt-Mên-Lào năm 1952.
Trong kỳ họp đại hội thống nhất ủy ban liên việt và mặt trận Việt Minh đã có mặt cả đại biểu Lào, Cao Mên và các đại biểu dân tộc thiểu số.
Khối Liên Minh Việt-Mên-Lào có 3 ủy viên lãnh đạo. Ủy viên thứ nhất là Tôn đức Thắng, đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ủy viên thứ hai là Siêu Heng, một ủy viên của ủy ban giải phóng trung ương dân tộc Cao Mên mới (Khmer Issarak) và ủy viên thứ ba là Souphanuvong đương kim chủ tịch mặt trận giải phóng Lào (Neo-Lào Issarak) của nước Lào mới (Pa-thet Lào).
Tất cả đường lối chiến lược, chiến thuật đều do Việt Minh chỉ đạo. Từ 1949, các cán bộ quân sự, chính trị Việt Minh đã bí mật sang đất Lào và Mên không ngớt với mục đích gây cho dân tộc hai nước đó những ổ kháng chiến, chuẩn bị chiến trường và ta đã thấy trận đánh Ai Lao của Việt Minh năm 1953 đã làm chấn động dư luận đến mức nào. Đó là kết quả đầu tiên do mọi sự chuẩn bị của Việt Minh từ năm 1949.
Một ngày kia, nếu cơ hội thuận tiện cho Việt Minh, nếu tình hình thế giới có lợi cho hoạt động của Việt Minh tại vùng Đông Nam Á, người ta có thể thấy một Liên Bang Trung Ấn xuất hiện, gồm các xứ ‘’Cộng Hòa Nhân Dân Việt Nam’’. ‘’Cộng Hòa Nhân Dân Lào và Cộng Hòa Nhân Dân Mên’’ dưới một chính thể ‘’tân dân chủ’’, dưới một đảng lao động liên bang…
Gần đây đài Bắc Kinh tuyên bố một chính phủ Thái được thành lập ở Vân Nam cho tất cả những người Thái vùng Đông Nam Á…Người dân Thái sống ở Miến Điện, ở biên giới Bắc Việt, ở Ai Lao, ở Thái Lan…rồi đây, sự hoạt động của chính phủ ấy thế nào, kết quả ra sao? Nếu cộng sản thắng lợi, bản đồ vùng Đông Nam Á lại một phen sửa đổi. Tất cả các dự định của cộng sản nói chung, lúc tiềm tàng, lúc đột biến khó ai có thể đoán trước được.
Từ việc lãnh tụ Malenkov kế chân vị ‘’Đại Nguyễn Soái Staline’’ đến việc xâm lăng Lào của quân đội Võ nguyên Giáp, mọi sự kiện trên thế giới do bàn tay cộng sản địa phương chủ động đều nằm trong kế hoạch chung, đường lối chung phát ra tự các ông trùm cộng sản thế giới. Dưới mắt thế giới tự do những sự kiện ấy đôi khi là lạ lùng và nếu cứ quan tâm đến tất cả mọi sự kiện đó thì thế giới tự do chỉ còn một việc hoặc thụ động hoặc theo đuổi đối phó với những việc đã rồi.
Từ 1946 đến 1953, mặc dầu qua các giai đoạn hung bạo đôi khi tàn ác, vùng Việt Minh vẫn không bị nạn đói đe dọa, không bị các bệnh thời khí hoành hành. Những lãnh tụ Việt Minh tuy đã áp dụng lắm phương pháp vượt khỏi khuôn khổ của tình cảm con người nhưng chính bản thân họ đã tỏ ra hy sinh triệt để, đã phô bày đủ các đức tính cần cù, tiết kiệm, thanh liêm, sự khổ hạnh trong lối sinh hoạt của họ cộng vào quá trình tranh đấu xưa đến nay dưới mắt người dân đã là một đặc điểm để thu hút và cảm hóa lòng người.
Nhờ có dân, Việt Minh mới mạnh. Dân đóng góp thóc lúa cho Việt Minh, dân giữ bí mật cho Việt Minh hoạt động, dân khuân vác, vận tải, dân đưa đường chỉ lối, dân dấu diếm cán bộ cán bộ, dân sửa đường khơi ngòi đắp đê…dân đã làm đủ cả cho Việt Minh. Đấy là nguyên tắc căn bản mà các lãnh tụ cộng sản đã nắm rất chắc rất vững vàng.
Nếu Staline đã tự nhận là ‘’cha già của các dân tộc’’ thì Staline cũng thường nhận rằng mình là con đẻ của các dân tộc. Nếu Mao Trạch Đông lặp đi lặp lại ở Bắc Kinh rằng họ Mao là con của dân chúng thì lãnh tụ Hồ chí Minh cũng thường nói mình do dân chúng đẻ ra. Làm cha mà lại làm con, làm con mà lại thành làm cha, ý tưởng xem ra rắc rối ấy thực đã là một yếu tố tối quan trọng trong vấn đề ‘’thống trị’’ của các chính phủ cộng sản.
Việt Minh đã nhào nặn được dân chúng vùng họ kiểm soát, điều đó không thể chối cãi được. Nhiệm vụ của những người quốc gia, những người lấy tự do cá nhân làm trọng là phải đem kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm đau đớn khi bị Việt Minh áp bức, kinh nghiệm trong quá trình tranh đấu của mình để dìu dắt và phổ biến trong dân chúng, một dân tộc nghèo nàn, kém đọc kém viết, chất phác như dân tộc Việt Nam hiện nay, một dân tộc mới vùng ra khỏi vòng nô lệ.
Có lôi được dân chúng khỏi tay mấy lãnh tụ cộng sản mới thắng được cộng sản, vì đấu tranh với Việt Minh không phải là chỉ riêng trừ khử nhóm lãnh tụ tay sai của Nga-Trung mà lại chạm cả vào khối người đã từng ngụp lặn trong lý thuyết cuồng tín ngoại lai ngót chục năm ròng.
Công việc vĩ đại ấy đòi hỏi ở những người quốc gia một cố gắng phi thường, một bình tĩnh tuyệt đối và một hy sinh vô bờ bến. Nhưng người Quốc Gia Việt Nam chiến đấu không lẻ loi, luôn được thế giới tự do giúp đỡ, ủng hộ, nhất là Pháp và Hoa Kỳ, đó là một điềm tin tưởng độc nhất dẫn đến thành công.