Số lần đọc/download: 738 / 7
Cập nhật: 2018-04-29 14:51:03 +0700
Chương 16
T
hế là đến sáng hôm sau thì Siskin xuất hiện trong lớp. Nó ngượng ngùng mỉm cười và nhìn đám bạn, nhưng khi thấy là không ai có ý định mắng mỏ gì mình thì nó yên tâm ngồi xuống cạnh tôi. Chỗ trống bên cạnh tôi thế là không còn trống nữa, và tôi thấy nhẹ cả người, y như kiểu trong lồng ngực mình vừa có một cái gì đó lấp đầy và mọi việc đều ổn cả.
Olga Nikolaevna không nói gì Siskin, và các tiết học đều diễn ra bình thường, theo đúng trình tự. Giờ nghỉ ra chơi đầu tiên Volodia đến chỗ chúng tôi, bọn con trai bắt đầu kể cho anh nghe về chuyện Siskin. Tôi cứ nghĩ rằng thế nào anh cũng mắng thằng Siskin, nào ngờ người bị mắng lại là tôi.
– Em đã biết là bạn sai, thế mà lại không giúp bạn sửa chữa, - Volodia nói. - Đáng ra em phải nói chuyện nghiêm túc với bạn, còn nếu bạn không nghe lời em khuyên, thì phải nói với cô giáo, hoặc với anh, hoặc với các bạn trong lớp chứ. Đằng này em lại giấu hộ bạn.
– Có phải là em không nói với nó đâu! Em nói với nó nhiều lần rồi chứ! Nhưng em có thể làm được gì nào? Chính nó quyết định không đi học mà.
– Thế vì sao nó quyết định thế? Đó là vì nó học kém. Đáng lẽ em có thể giúp bạn học tập. Em biết là bạn học kém mà.
– Em biết ạ, - tôi nói. - Đó là vì môn tiếng Nga thôi. Nó thường chép bài tiếng Nga của em.
– Đó, em thấy chưa, giá mà em quan tâm thật sự đến bạn thì đừng cho bạn quay cóp chứ. Người bạn chân chính phải giúp bạn mình một cách nghiêm khắc. Em là loại bạn thế nào đây, nếu như em bỏ qua cho bạn những hành động không tốt? Tình bạn như thế không thể gọi là tình bạn chân chính được, đó là loại tình bạn giả hiệu.
Cả lớp bắt đầu nhao nhao tôi là thằng bạn giả hiệu, còn anh Volodia lại nói:
– Thôi để khi hết giờ học chúng ta sẽ bàn về vấn đề này, các em nhé.
Chúng tôi quyết đinh sẽ họp lớp sau giờ học, và khi chuông hết giờ vừa điểm, cô Olga Nikolaevna gọi tôi và Siskin lại, nói:
– Kostia và Siskin, các em phải lên gặp thầy hiệu trưởng ngay. Thầy muốn nói chuyện với các em.
– Nói chuyện gì ạ? - Tôi hốt hoảng
– Chuyện gì thì thầy sẽ nói. Mà các em đi đi, đừng sợ! - Cô cười nhạt.
Chúng tôi đến cửa phòng hiệu trưởng, ngập ngừng ngoài cửa và nói:
– Chào thầy Igor Alexandrovich!
Igor Alexandrovich ngồi sau bàn, đang viết cái gì đó.
– Chào các em! Các em vào đi, và ngồi chờ tôi một lát nhé, - thầy chỉ vào cái đi văng và tiếp tục viết.
Nhưng chúng tôi đều sợ, bởi cái đi văng đặt gần thầy quá. Đứng ngay ngoài cửa cả hai đứa cảm thấy yên tâm hơn. Igor Alexandrovich dừng bút, tháo kính ra và nói:
- Kìa, các em ngồi xuống chứ, tại sao lại đứng thế?
Chúng tôi lại chỗ cái đi văng và ngồi xuống. Đi văng bọc da, mềm và bóng loáng. Da rất trơn, và tôi cứ như bị trượt xuống, bởi vì tôi chỉ dám ngồi bên mép ghế, chứ còn ngồi hẳn lên ghế thì tôi không dám. Và cứ thế tôi khổ sở vì cái chỗ ngồi suốt cả cuộc nói chuyện - mà cuộc nói chuyện thì mới dài làm sao chứ. Ngồi như thế còn bất tiện và mệt hơn là đứng một chân trong thời gian ấy.
- Nào, Siskin, em nói đi, ý nghĩ bỏ học đã xuất hiện trong đầu em như thế nào nào? - Khi chúng tôi đã ngồi xuống, thầy Igor Alexandrovich hỏi.
- Thưa thầy em không biết ạ. - Thằng Siskin bối rối.
- Hừm! Thầy nói. - Thế ai có thể biết những gì em nghĩ?
- E...em không biết, - Thằng Siskin ấp úng.
- Theo em thì tôi biết hay sao?
Thằng Siskin nhìn trộm thầy để xem thầy đùa hay nói thật, nhưng mặt thầy hoàn toàn nghiêm khắc. Bởi vậy, nói lúng búng nhắc lại:
- Em không biết ạ.
- Không xong rồi, anh bạn nhỏ ơi, sao hỏi gì em cũng có mỗi một câu trả lời "Em không biết" thế. Nào, nếu đã nói chuyện thì phải nói chuyện nghiêm túc. Tôi hỏi em tại sao em không đi học chẳng phải vì tò mò đâu.
- Đơn giản thôi ạ, em sợ. - Siskin trả lời.
- Em sợ cái gì nào?
- Em sợ viết chính tả, và bỏ buổi chính tả, sau đó em sợ cô Olga Nikolaevna hỏi giấy xin phép của mẹ, và thế là em không đến trường nữa.
- Tại sao em lại sợ viết chính tả nào? Kinh khủng lắm à?
- Em sợ bị điểm hai ạ.
- Có nghĩa là em học môn tiếng Nga tồi lắm hay sao?
- Dạ vâng, tồi lắm.
- Tại sao em chuẩn bị bài ở nhà không chu đáo?
- Khó lắm ạ.
- Thế còn các môn khác, em cũng gặp khó khăn à?
- Các môn khác dễ hơn ạ.
- Thế vì sao môn tiếng Nga lại khó?
- Em bị hổng kiến thức, em không biết các từ phải viết như thế nào.
- Thế thì em càng phải cố để đuổi kịp các bạn, như thế tức là em học môn tiếng Nga ít quá thôi, đúng không?
- Dạ vâng, ít ạ.
- Tại sao?
- Vì em không học được ạ. Lịch sử hay địa lý thì em học được, thế mà tiếng Nga thì em không biết, vì cứ hễ em viết là thế nào cũng có lỗi.
- Thế thì em lại càng phải học tiếng Nga nhiều chứ. Không chỉ phải học những gì dễ, mà phải học cả các môn khó nữa chứ. Nếu như em muốn thuộc bài em phải bỏ sức lao động chứ. Nào, em hãy nói xem, Maleev, - Igor Alexandrovich đột ngột quay sang tôi, - ngày trước em cũng bị hổng môn số học phải không?
- Thưa thầy vâng ạ.
- Bây giờ em đã vững hơn rồi chứ?
- Thưa thầy vâng ạ.
- Vậy em làm thế nào để được như thế?
- Đầu tiên là em muốn đuổi kịp các bạn. Cô Olga Nikolaevna nói đầu tiên em phải quyết tâm, thế nên em quyết tâm để đạt được mong muốn của mình.
- Thế em đã đạt được chưa?
- Thưa thầy được rồi ạ.
- Thế đầu tiên thế nào, có khó không?
- Đầu tiên thì hơi khó ạ, nhưng bây giờ em thấy rất dễ rồi ạ.
- Đó, Siskin, em thấy không, em hãy nhìn gương Maleeva đấy. Đầu tiên bao giờ cũng khó, còn sau đó, khi em đã vượt qua được khó khăn rồi thì sẽ dễ dàng hơn. Cho nên em phải bắt tay vào việc đã, và em cũng sẽ làm được.
- Thưa thầy vâng ạ, em sẽ thử, - Siskin nói.
- Không, không phải thử gì cả. Em phải bắt tay vào học ngay, có thế thôi.
- Vâng ạ, em học xem sao, - Siskin nói.
- Nói thế thì có gì là khác với thử đâu, - thầy Igor Alexandrovich nói. - Rõ là em chả có tự tin gì cả. Em sợ gì chứ? Em còn có các bạn mà. Chẳng lẽ bạn bè không giúp em sao? Em, Maleev, em là bạn của Siskin phải không?
- Thưa thầy vâng ạ. - Tôi nói.
- Tốt, vậy em hãy giúp bạn theo kịp lớp trong môn tiếng Nga nhé. Bạn em đã bỏ qua hơi nhiều bài rồi đấy, và một mình bạn sẽ không học nổi nữa đâu.
- Thưa thầy việc ấy thì em làm được ạ, - tôi nói. Chính em cũng đã từng bị hổng môn toán, nhưng bây giờ thì em biết là phải bắt đầu từ đâu rồi ạ.
- Đó, đó! Có nghĩa là em sẽ thử giúp bạn chứ? Thầy Igor Alexandrovich mỉm cười.
- Dạ không ạ, em không thử đâu. Em sẽ bắt đầu học bài cùng bạn ngay ạ.
- Tốt lắm, phải thế chứ, thầy hài lòng đấy, - Igor Alexandrovich nói. Em có công việc xã hội gì không nhỉ?
- Thưa thầy hiện giờ thì không ạ. - Tôi nói.
- Thôi được, đó sẽ là công việc xã hội của em. Thầy đã bàn với cô Olga Nikolaevna, cô cũng nói em có thể giúp bạn Siskin được. Bởi nếu bản thân em đã quyết tâm học tốt hơn được thì tất nhiên em cũng biết phải giúp bạn như thế nào. Có điều em phải làm việc đó một cách thật nghiêm túc thôi.
- Em sẽ nghiêm túc ạ. - Tôi trả lời.
- Em phải theo dõi, để bạn tự lực cánh sinh làm tất cả các bài tập đúng thời gian quy định, và bài nào cũng phải làm đến kỳ xong mới thôi. Không được làm hộ bạn cái gì hết. Nếu làm hộ bạn tức là một kiểu giúp hại bạn đấy. Khi bạn đã biết cách làm bài, bạn cũng sẽ có ý thức như em, và khi đó bạn sẽ không cần giúp đỡ nữa. Em hiểu chưa?
- Em hiểu rồi ạ. - Tôi nói.
- Còn em, Siskin, em hãy nhớ rằng mọi người đều phải lao động một cách trung thực...
- Vâng thì em vẫn... chung... chung... trung thực đấy chứ ạ, - Siskin lắp bắp.
- Học tập cũng phải trung thực, em ạ. Đối với học sinh thì học tập chính là lao động đấy. Người lớn lao động trên các công xưởng, nhà máy, trong các nông trường, công trường, xây dựng các nhà máy thuỷ điện, đào kênh nối liền sông với biển, mang nước tưới cho sa mạc, trồng rừng... Đấy, em thấy không, nhiều việc lắm. Còn trẻ em phải học tập ở trường học, để sau này trở thành những người lớn có kiến thức, và đóng góp cho Tổ quốc nhiều hơn. Em không muốn đóng góp cho Tổ quốc sao?
- Em muốn chứ ạ!
- Đấy, có thế chứ! Nhưng có lẽ, em nghĩ rằng, nói "em muốn" là đủ rồi? Cần phải bền bỉ và chăm chỉ nữa, em ạ. Thiếu phấn đấu bền bỉ thì em cũng chẳng đạt được gì đâu.
- Em sẽ chăm chỉ ạ.
- Được rồi, - thầy Igor Alexandrovich nói, - Còn phải trung thực nữa. Em có trung thực không? Em đã lừa mẹ em, nói dối cô giáo, nói dối các bạn.
- Từ giờ trở đi em sẽ trung thực ạ.
- Em hãy cố gắng nhé, - thầy Igor Alexandrovich nói. - Nhưng chuyện đến đây không phải là đã hết đâu. Em còn phải yêu quý các bạn mình nữa.
- Chẳng lẽ em không yêu quý các bạn sao? - Siskin ngạc nhiên hỏi.
- Yêu quý gì nào? Em bỏ hết tất cả các bạn và nghĩ là sẽ làm được mọi việc mà chẳng cần ai hết. Thế mà gọi là tình yêu à?
- Nhưng em buồn nhớ các bạn lắm ạ! Thằng Siskin nói, nước mắt vòng quanh.
- Thôi được rồi, ít nhất thì em cũng buồn nhớ các bạn. Nhưng tốt hơn em hãy thử hình dung xem thiếu bạn bè thì em sẽ không thể sống được đâu, để thậm chí không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ các bạn nữa nhé.
- Em sẽ yêu quý các bạn nhiều hơn ạ. - Siskin nói.
- Vậy khi không đi học em đã làm những gì nào? Thầy Igor Alexandrovich hỏi.
Chúng tôi kể cho thầy nghe chuyện dạy con chó Lobzik đếm. Thầy rất quan tâm đến việc đó, và hỏi rất cụ thể chúng tôi đã làm thế nào.
- Chả lẽ lại có thể dạy một con chó đếm như người sao? Thầy hỏi.
- Nhưng con chó trong rạp xiếc nó biết đếm đấy thôi.
Thầy Igor Alexandrovich phá lên cười:
- Con chó đó chẳng biết đếm gì đâu. Người ta dạy nó cách sủa và dừng theo một dấu hiệu bí mật nào đấy. Khi con chó sủa đủ số lượt cần thiết rồi thì người dạy chó ra hiệu một cách bí mật để khán giả không trông thấy, nhưng con chó thì nhận ra dấu hiệu đó nên dừng lại. Khán giả tưởng nhầm là con chó biết đếm thực sự.
- Thưa thầy dấu hiệu gì ạ? - Siskin hỏi.
- Thì có thể là ông ta khẽ gật đầu, búng tay, hay vẫy tay gì đấy.
- Nhưng con Lobzik đôi khi vẫn sủa đúng mà - thằng Siskin nói.
- Chó rất tinh, em ạ. Có thể em đã vô tình gật đầu, hoặc làm một động tác gì đó đúng lúc đó, nó đã nhận ra điều ấy và đang cố gắng đoán xem khi nào thì phải dừng sủa. Tuy nhiên do các động tác của em rất khó nhận ra, nên nó mới hay nhầm. Để nó sủa và dừng sủa đúng lúc em phải tập cho nó quen với một dấu hiệu xác định nào đó, ví dụ như búng tay chẳng hạn.
- Em sẽ dạy nó như thế ạ, - Siskin nói. - Ngay khi em theo kịp môn tiếng Nga em sẽ lại dạy con Lobzik đếm.
- Phải đấy! Khi trường tổ chức dạ hội, các em có thể biểu diễn với con chó thông thái đấy.
Thế mà chúng tôi cứ sợ thầy Igor Alexandrovich sẽ nghĩ ra cho chúng tôi một hình phạt nào đấy, nhưng có vẻ như thầy không định phạt chúng tôi, mà chỉ giải thích cho chúng tôi hiểu sự cần thiết phải học tốt mà thôi.