Số lần đọc/download: 2494 / 48
Cập nhật: 2015-08-04 21:17:31 +0700
Chương 15: Tất Cả Chúng Ta Đều Thực Sự Mong Muốn Gì Đó Trong Đời
Đúng bảy phút sau khi Ka nghĩ rằng mình có thể sống hạnh phúc cả đời ở Kars bên cạnh Ipek, ông đã vội vã chạy trên tuyết đến Nhà hát nhân dân như một kẻ đơn độc ra trận để trình bày tiết mục của mình. Tim ông đập thình thịch. Trong bảy phút ấy, mọi sự đã thay đổi hẳn theo một tốc độ phi thường.
Tất cả bắt đầu khi Turgut Bey lại chuyển về kênh truyền trực tiếp từ Nhà hát nhân dân, và qua tiếng ồn ào trong ti vi tất cả mọi người đều có thể nhận ra rằng đang có chuyện bất thường xảy ra. Một mặt, nó khiến mọi người thích thú vì ít nhất đêm nay họ được chứng kiến một sự kiện khác với cuộc sống tỉnh lẻ nhàm chán đồng thời họ cũng phát hoảng vì nghe chừng sẽ xảy ra gì đó tồi tệ. Nghe tiếng vỗ tay và huýt sáo của đám khán giả hỗn loạn tất cả nhận ra không khí căng thẳng giữa các quan chức của thành phố ở mấy hàng ghế đầu và đám thanh niên ngồi phía sau.
Do ống kính không quay hết khán phòng, ai cũng tò mò muốn biết ở đó có chuyện gì.
Trên sân khấu là Vural cựu thủ thành của đội tuyển bóng đá, ngày xưa cả Thổ Nhĩ Kỳ đều biết ông. Ông vừa kể xong bàn thua thứ nhất trong mười một cú thủng lưới thê thảm ở trận giao hữu quốc tế cách đây mười lăm năm thì người dẫn chương trình cao lêu nghêu hiện ra trên màn hình. Cựu thủ môn đội tuyển hiểu ngay là có đoạn nghỉ để phát quảng cáo giống như chương trình truyền hình toàn quốc. Ông thôi kể ngay. Người dẫn chương trình cầm lấy micro và nhìn giấy đọc một mạch hai quảng cáo trong vài giây (ở hiệu tạp hóa Tadal ngoài phố Fevzi Paşa vừa có thịt đùi bò phơi khô do Kayseri cung cấp, và trung tâm "Khoa học"đã bắt đầu cho ghi tên đăng ký vào khóa luyện thi đại học), nhắc lại chương trình biểu diễn khá dài tối nay, nhắc đến tên Ka sẽ trình bày một bài thơ, sau đó buồn rầu nhìn vào ống kính và nói:
"Người dân Kars thực sự phiền lòng vì chưa thấy nhà thơ lớn của mình tới, sau khi ông cất công từ nước Đức xa xôi đến tận thành phố biên giới của chúng ta." Nếu bây giờ ông vẫn không đi thì thật là khó coi!" Turgut Bey nói ngay.
"Nhưng người ta đâu có thèm hỏi tôi trước xem có đến dự buổi tối hôm nay hay không," Ka trả lời.
"Đó là cách làm việc ở đây." Turgut Bey nói. "Giả sử người ta đem giấy mời đến thì ông chắc chắn đã từ chối. Giờ thì ông phải đến đó, nếu không muốn bị coi là ngạo mạn."
"Chúng tôi ở đây sẽ xem ông," Hande lên tiếng hăng hái không ngờ.
Đúng lúc đó cửa mở, cậu bé trực đêm ở quầy lễ tân nói:
"Ông hiệu trưởng trường sư phạm đã qua đời ở bệnh viện."
"Tội nghiệp cho ông ấy quá...", Turgut Bey nói. Rồi ông nhìn sang Ka. "Đám Hồi giáo chính trị đã bắt đầu khử từng người một trong chúng ta. Nếu ông muốn cứu mạng sống mình thì tốt hơn cả là hãy tin tưởng sắt đá hơn vào Thượng đế. Vì tôi e rằng ở Kars này một tín ngưỡng ôn hòa nửa vời sẽ không đủ để bảo toàn cái đầu một kẻ vô thần nữa đâu."
"Ông nói đúng đấy." Ka nói. "Đằng nào thì tôi cũng đã quyết dâng hiến cả đời mình cho tình yêu của Thượng đế rồi mà, trong tim tôi đã bắt đầu tràn ngập tình yêu dành cho Người."
Mọi người đều rõ là Ka có ý mai mỉa. Nhưng phản ứng của ông quá nhanh nhạy trong khi ai cũng nghĩ là ông đã quá chén khiến mọi người quanh bàn nghi ngờ rằng ý nghĩ ấy phải chăng ông đã có sẵn trong đầu từ trước?
Zahide bưng lại bàn một nồi to với chiếc muôi cán nhôm lấp lánh phản chiếu ánh đèn và hỏi: "Còn xúp đủ cho một đĩa đây. Bỏ đi thì phí quá, có cô nào muốn nữa không?"
Ipek đang khuyên Ka đừng đến Nhà hát nhân dân vì cô sợ có gì xảy ra. Lúc này cô cùng Hande và Kadife tươi tỉnh quay sang bà giúp việc.
Nếu Ipek nói "tôi" thì có nghĩa là cô ấy sẽ cùng đi Frankfurt và cưới mình, ý nghĩ ấy hiện ra trong đầu Ka. Và mình sẽ ra Nhà hát nhân dân đọc bài thơ "Tuyết".
"Tôi."Ipek nói ngay và dửng dưng đưa đĩa ra.
Trong mưa tuyết dày đặc ngoài trời. Ka nhận ra mình lạ lẫm xiết bao ở cái xứ Kars này, và có lẽ khi rời khỏi thành phố ông sẽ quên nó ngay, nhưng ý nghĩ đó không đọng lại lâu. Ông những muốn phó thác cho số phận may rủi, cảm nhận rõ là cuộc sống mà ông không tiếp cận được bằng logic có một cấu trúc hình học bí ẩn; ông cảm nhận một khát vọng sâu xa muốn hiểu được logic đó và để tìm hạnh phúc, nhưng hiện tại ông thấy chưa đủ sức thỏa mãn khát vọng đó của mình.
Con phố rộng chạy dài trước mặt ông đến tận Nhà hát nhân dân phủ đầy tuyết vàkhông một bóng người, những lá cờ bầu cử đung đưa trong gió. Những rìa mái nhà đóng băng nhô ra, hình chạm khắc đẹp trên tường và cửa, mặt tiền cổ kính của các tòa nhà - tất cả khơi dậy ký ức rằng đã có thời ở đây con người (dân Armenia giao thương với Tbilisi? Quan chức Ottoman thu thuế gia súc lấy sữa?) từng sống hạnh phúc, yên bình, thậm chí tưng bừng. Những người đã biến thị tứ này thành một trung tâm văn minh giản dị ấy, người Armenia, người Nga, người Ottoman, người Thổ thời đầu cộng hòa, tất cả đã ra đi, và đường phố vắng tanh như vậy chỉ vì không ai đến thế chân họ; nhưng, khác với hầu hết những thành phố bỏ hoang khác, hình ảnh đường phố vắng bóng người không làm người ta sợ. Ka say mê ngắm ánh đèn đường đùng đục màu da cam và đèn tuýp nhợt nhạt phản chiếu trên những cửa kính bày hàng đóng, những đụn tuyết đọng đầy trên hàng cây trúc đào và tiêu huyền bên đường, cột điện rủ những chóp băng khổng lồ. Tuyết rơi lặng lẽ huyền ảogần như thiêng liêng; Ka không nghe thấy âm thanh nào khác ngoài tiếng chân lạo xạo và tiếng thở gấp gáp của chính mình. Không nghe chó sủa. Tựa như trái đất đã đến ngày tận thế và cả vũ trụ bị hút hồn vào tuyết đang tuôn rơi. Ka ngắm những bông tuyết quanh quầng sáng mờ mờ của đèn đường, nhiều bông chầm chậm hạ xuống, những bông khác bay túa lên trời đêm.
Ông đi vào dưới hiên hiệu ảnh Hừng Sáng và chăm chú nhìn một bông tuyết đọng trên tay áo trong ánh sáng đo đỏ hắt ra từ biển quảng cáo. Một cơn gió nổi lên, có gì đó lay động, và khi đèn biển quảng cáo bỗng dưng vụt tắt thì dường như cây trúc đào phía đối diện cũng biến đi. Ông thấy một đám đông trước cửa nhà hát, một chiếc xe thùng nhỏ của cảnh sát đậu cách đó không xa, một nhóm đông đảo hơn nữa những người hiếu kỳ chen nhau bên cánh cửa mở hờ của quán cà phê đối diện để nhòm ngó đám đông kia.
Vào đến bên trong khán phòng, ông choáng váng vì tiếng ồn lộng óc và cảnh lộn xộn. Không khí nồng nặc mùi rượu, hơi người và khói thuốc lá. Người ta chen nhau ra vào qua các cửa bên. Một quầy giải khát ở góc phòng bán nước ngọt và bánh vừng vòng.
Cạnh cửa đi vào nhà vệ sinh hôi nhức óc, Ka thấy đám thanh niên đang thì thầm. Ông đi qua hàng cảnh sát vận cảnh phục xanh lam và nhân viên dân sự đứng phía cuối phòng trang bị bộ đàm. Một đứa trẻ giữ tay bố, không để ý gì đến ồn ào xung quanh, chăm chú nhìn những hạt đậu khô mà nó nhét vào chai nước ngọt.
Ka thấy một người đứng ngoài rìa đám đông vẫy tay loạn xị, nhưng không chắc có phải vẫy mình không.
"Tôi đã nhận ra ông từ xa nhờ cái áo khoác." Nhận ra Necip đi đến, Ka cảm thấy ấm áp và thân thiết. Họ ôm nhau thật chặt. "Tôi biết là thế nào ông cũng đến", Necip nói. "May quá.Cho tôi hỏi một câu được không ạ? Có hai chuyện rất quan trọng cứ vấn vương mãi trong đầu tôi."
"Vậy là cậu định hỏi tôi một hay hai câu?"
"Ông thông minh thật đấy, thông minh đến nỗi biết rằng trí thông minh không phải là tất cả," Necip nhận xét. Cậu kéo Ka vào một góc để nói chuyện cho tiện hơn. "Ông có nói với Hicran hay Kadife là tôi yêu cô ấy, và đó là toàn bộ ý nghĩa của đời tôi không?"
"Không."
"Lúc nãy ông đi với cô ấy khỏi quán trà ông có nói gì về tôi không?"
"Tôi kể là cậu ở trường tôn giáo."
"Và gì nữa? Cô ấy không nói gì à?"
"Không."
Họ im lặng một lúc lâu.
"Tôi hiểu là ông thực sự không nói gì thêm về tôi," Necip gắng gượng thốt lên. "Vì Kadife hơn tôi bốn tuổi, cô ấy còn không nhìn thấy có tôi nữa. Có lẽ ông nói những chuyện riêng tư với cô ấy, thậm chí là những chuyện chính trị bí mật cũng nên. Tôi không cần biết chuyện ấy. Tôi chỉ quan tâm một điều, và nó rất quan trọng đối với tôi. Phần đời còn lại của tôi phụ thuộc vào đó.Ngay cả khi Kadife không biết tôi có mặt trên đời đi nữa - có lẽ phải nhiều năm nữa cho đến khi cô ấy biết đến tôi, lúc đó thì cô ấy đã có chồng rồi cũng nên - tùy thuộc vào câu trả lời của ông, hoặc là tôi yêu cô ấy suốt đời hoặc là tôi quên phắt cô ấy ngay bây giờ. Ông đừng do dự, mà hãy cho tôi câu trả lời chân thực!"
"Tôi đợi cậu hỏi đây," Ka nói nghiêm trang.
"Hai người có nói về chuyện gì tầm phào không? Về những thứ vô nghĩa trên ti vi, những tin đồn lăng nhăng, những thứ tầm tầm có thể mua được bằng tiền chẳng hạn? Ông có hiểu tôi không? Kadife có phải là người không thèm để ý đến những thuyền tầm phào vặt vãnh đó, như đánh giá bề ngoài? Hay tôi đã uổng công si mê cô ấy?"
"Không, chúng tôi không hề nói chuyện tầm phào." Ka đáp và thấy ngay câu trả lời của mình tác động kinh khủng đến Necip; cậu cắn răng gắng giữ bình tĩnh.
"Nhưng ông nhận ra rằng cô ấy là một người phi thường."
"Đúng."
"Ông có thể yêu cô ấy không? Cô ấy rất đẹp. Vừa đẹp vừa độc lập, một điều tôi chưa bao giờ thấy ở những phụ nữ Thổ khác."
"Chị cô ấy đẹp hơn," Ka nói. "Nếu xét về sắc đẹp."
"Chứ còn xét gì nữa?" Necip hỏi. "Vì sao Thượng đế vĩ đại cứ bắt tôi luôn nghĩ đến Kadife cơ chứ?" Cậu bé mở cặp mắt xanh lá rất to với vẻ ngây thơ khiến Ka ngạc nhiên, năm mươi mấy phút nữa một con mắt cậu sẽ bị đạn xé nát.
"Tôi không biết," Ka nói.
"Ông biết. Ông chỉ không muốn nói với tôi thôi."
"Tôi không biết."
"Một nhà văn cần phải nói được về mọi chuyện," Necip nói như định đỡ lời "Nếu tôi là một nhà văn, tôi sẽ muốn nói được những gì người khác không nói ra lời.Ông không thể nói hết với tôi hay sao, một lần duy nhất thôi?"
"Hỏi đi!"
"Tất cả chúng ta đều thực sự mong muốn gì đó trong đời, đúng không?"
"Đúng thế."
"Thế ở ông là gì?"
Ka im lặng và mỉm cười.
"Ở tôi thì rất đơn giản," Necip tự hào. "Tôi muốn cưới Kadife, sống ở Istanbul và trở thành nhà văn Hồi giáo đầu tiên viết khoa học giả tưởng. Đó toàn là những điều không tưởng, tôi biết chứ, mặc dù vậy tôi vẫn muốn. Tôi cũng không giận ông vì ông không kể ra là ông mong mỏi gì; vì tôi hiểu ông, ông là tương lai của tôi. Tôi nhận ra điều đó qua cách ông nhìn vào mắt tôi: ông nhìn thấy trong tôi tuổi trẻ của ông, vì vậy ông mến tôi." Một nụ cười mãn nguyện và láu lỉnh thoáng trên môi Necip.
Ka thấy sợ.
"Nghĩa là cậu giống tôi hồi trước đây hai chục năm?"
"Vâng. Trong cuốn khoa học giả tưởng mà tôi sắp viết sẽ có một cảnh giống hệt như thế. Xin lỗi ông, cho phép tôi đặt tay lên trán ông nhé?"
Ka hơi khom lưng. Necip đặt tay lên trán ông với dáng điệu tự tin của người quen làm việc đó: "Bây giờ tôi cho ông biết cách đây hai mươi năm ông đã nghĩ gì."
"Cậu đã làm thế với Fazil à?"
"Nó và tôi cùng nghĩ một chuyện ở cùng thời điểm. Giữa hai chúng ta có sự chênh lệch thời gian. Xin ông hãy nghe tôi nhé!Một ngày mùa đông, ông ở trường cấp ba, trời tuyết, và ông đang chìm trong suy nghĩ. Ông nghe tiếng nói của Allah trong mình, nhưng cố quên Allah đi. Ông cảm thấy thế giới hợp thành tổng thể, nhưng ông nghĩ là sẽ bất hạnh hơn và thông minh hơn nếu ông nhắm mắt không nhìn người đem lại cho ông cảm giác ấy. Ông làm thế là đúng. Vì ông biết rằng chỉ ai bất hạnh và thông minh mới viết được những bài thơ hay. Ông đã ngoan cường chấp nhận nỗi đau từ cuộc sống phi tín ngưỡng để viết được những bài thơ hay. Ông chưa hiểu ra là mình sẽ cô đơn trong một vũ trụ trống rỗng, một khi đánh mất tiếng nói ấy trong mình."
"Được, cậu nói đúng; tôi có nghĩ thế thật." Ka nói. "Bây giờ cậu cũng nghĩ thế à?"
"Tôi biết là ông sẽ hỏi câu này." Necip xúc động nói. "Ông cũng muốn tin vào Thượng đế chứ? Ông muốn mà, đúng không?"
Bàn tay trên trán ông lạnh đến mức đã làm ông sợ, nhưng đột nhiên cậu nhấc ra. "Về chủ đề này tôi còn phải nói với ông nhiều. Tôi cũng nghe trong mình tiếng nói 'Đừng tin vào Thượng đế!'Khi tin tưởng sắt đá vào sự tồn tại của một thứ, người ta sẽ không khỏi hoài nghi hay lo sợ nhỡ nó không tồn tại. ông hiểu không? Trong những khoảnh khắc mà tôi hiểu ra là mình sống tiếp nhờ lòng tin vào Thượng đế nhân từ của mình, lúc đó tôi thường nghĩ, nếu giả sử không có Thượng đế thì sao nhỉ? Hệt như hồi bé tôi nghĩ, mình sẽ làm gì nếu bố mẹ cùng chết đi? Lúc đó tôi tưởng tượng ra một hình ảnh sờ thấy được, một khung cảnh. Do biết hình ảnh đó lấy sức mạnh từ tình yêu của Thượng đế nên tôi cũng không sợ, mà ngắm nhìn đầy tò mò."
"Cậu kể cho tôi nghe về cảnh ấy đi!"
"Ông có muốn đưa vào một bài thơ không? Ông không cần nhắc tên tôi trong bài đâu, ông chỉ cần đền bù cho tôi bằng một việc duy nhất."
"Được!"
"Trong sáu tháng gần đây tôi đã viết ba lá thư tho Kadife.Và không đem thư nào ra bưu điện cả. Không vì xấu hổ, mà vì sợ bưu điện mở ra xem. Một nửa dân ở Kars là cảnh sát thường phục mà. Một nửa số người quanh đây cũng thế. Họ đang quan sát mình đấy. Cả người của chúng ta cũng quan sát mình."
"Người của chúng ta là ai?"
"Tất cả tín đồ Hồi giáo trẻ ở Kars. Họ rất muốn biết tôi nói gì với ông. Họ tới đây để phá rối, vì họ biết buổi diễn tối nay sẽ bị biến thành cuộc biểu trưng sức mạnh của phe thế tục và quân sự.Tối nay sẽ diễn vở 'Khăn trùm' mà người ta làm ồn lên từ mấy hôm nay và hạ nhục những cô gái trùm khăn. Thực ra tôi ghét chính trị, nhưng các bạn tôi phản đối có lý. Họ cũng nghi ngờ tôi vì tôi không hăng hái như họ. Lúc này tôi không đưa thư cho ông được, vì ai cũng nhìn. Tôi muốn ông đưa chúng đến tay Kadife."
"Bây giờ không ai nhìn cả. Cậu đưa tôi luôn, rồi kể cho tôi nghe về cảnh ấy."
"Thư ở đây, nhưng tôi không cất trong người. Tôi sợ bị khám người lúc qua cửa. Cả các bạn tôi cũng có thể khám người tôi. Ta gặp nhau đúng hai mươi phút nữa, ở nhà vệ sinh cuối hành lang, đi ra đó qua cửa sát sân khấu."
"Rồi cậu sẽ kể cho tôi nghe về cảnh ấy chứ?"
"Có người của họ ra đây đấy." Necip nói. Cậu quay nhìn ra hướng khác. Tôi biết hắn. Đừng nhìn về phía hắn, ông cứ làm bộ nói chuyện bình thường nhưng đừng thân mật quá!"
"Được!"
"Cả thành phố này đều tọc mạch muốn biết vì sao ông về đây. Người ta nghĩ nhà nước hay thậm chí phương Tây cử ông về đây trong một điệp vụ. Các bạn tôi phái tôi ra đây để dò ông chuyện đó. Tin đồn ấy có đúng không?"
"Không đúng."
"Tôi phải nói gì với họ? Vì sao ông về đây?"
"Tôi không biết."
"Ông biết, nhưng lại chỉ vì xấu hổ mà không nói ra được." Họ im lặng. "Ông về đây vì ông bất hạnh." Necip nói.
"Sao cậu nhận ra?"
"Qua mắt ông: côi thưa từng gặp một ai có đôi mắt buồn như ông cả... Hiện giờ tôi cũng không hạnh phúc gì, nhưng tôi còn trẻ. Nỗi bất hạnh tiếp sức cho tôi. Ở tuổi này tôi ưa bất hạnh hơn hạnh phúc. Ở Kars này chỉ có bọn ngu và ác mới hạnh phúc nổi.Nhưng đến tuổi ông thì tôi mong muốn có hạnh phúc để nương tựa vào."
"Nỗi bất hạnh bảo vệ tôi trước cuộc đời," Ka nói. "Cậu không phải lo cho tôi!"
"Thế thì tuyệt! Ông cũng đừng giận tôi nhé? Mặt ông có một vẻ gì mà tôi hiểu được, tôi có thể nói với ông tất cả những gì tôi nghĩ, kể cả những chuyện ngớ ngẩn nhất. Nếu tôi kể cho các bạn mấy chuyện ấy thì chỉ tổ để họ chế nhạo tôi thôi."
"Kể cả Fazil?"
"Fazil thì khác. Nó sẽ trả thù cho tôi nếu bất kỳ ai chơi xấu với tôi và biết mọi ý nghĩ của tôi. Bây giờ ông nói gì đi. Thằng ấy đang nhìn về phía chúng ta đấy."
"Thằng nào?" Ka hỏi. Ông nhìn ra đám người tụ lại sau các hàng ghế. Một người đàn ông đầu hình quả lê, hai đứa con trai mặt đầy trứng cá, những đứa trẻ ăn mặc tồi tàn, lông mày cau lại, tất cả lúc này đều nhìn lên sân khấu, một vài người loạng choạng có vẻ say rượu.
"Hôm nay mình không phải là người duy nhất quá chén", Ka lầu bầu.
"Bọn họ uống vì bất hạnh," Necip nói. "Nhưng ông uống để gánh nổi niềm hạnh phúc giấu giếm trong lòng."
Câu nói chưa dứt thì đúng lúc đó đám đông chợt rùng rùng chuyển động. Ka không biết có hiểu rõ ý của Necip không. Nhưng trong đầu ôngtuy xung quanh náo động, vẫn yên ắng như khi đang nghe tiếng nhạc êm dịu. Ai đó vẫy ông - giữa các hàng ghế. Có vài chỗ trống giữ cho các nghệ sĩ. Một nhân viên nhà hát, nửa chu đáo nửa hầm hố. đưa Ka đến chỗ của ông.
Những gì Ka xem trên sân khấu tối hôm ấy, sau này tôi có xem lại trên băng video lấy từ kho lưu trữ của Truyền hình biên giới Kars. Một tiểu phẩm hài chế nhạo quảng cáo của nhà băng; nhưng Ka không hiểu nổi đâu là khôi hài và đâu là nhại lại, vì nhiều năm nay ông không xem tivi Thổ. Tuy vậy ông cũng nắm được cốt truyện là một người đàn ông ra nhà băng nộp tiền vào tài khoản. Một người sang trọng cố làm ra vẻ giống Tây bằng được ở mấy thành phố còn nhỏ hơn Kars và tận vùng quê, đoàn kịch nửa Brecht nửa Bakhtin của Sunay Zaim diễn tiểu phẩm này còn tục tĩu hơn nữa trong các quán trà, nơi đàn bà và người của nhà nước không ló mặt tới: thay vì một gã chuộng mốt với thẻ ATM trong tay, là một gã đồng tính chính hiệu, khiến khán giả cười nôn ruột. Trong tiểu phẩm tiếp đó, đến phút cuối cùng Ka mới nhận ra người sắm vai gã đàn ông râu ria mặc đồ phụ nữ, dốc dầu gội đầu Schwarzglatz và kem bôi tóc lên đầu là Sunay Zaim.Giống như tại các quán trà tỉnh lẻ chỉ có khách đàn ông vào, khi muốn đám người nghèo khổ cáu bẳn được trải nghiệm "sự thanh tẩy chống tư bản", Sunay trong bộ đồ đàn bà chửi bới tục tằn và làm bộ đút lọ dầu gội đầu thuôn thuôn vào hậu môn. Sau đó, vợ Sunay là Funda Eser trong khi nhái quảng cáo một loại xúc xích khô ưa thích đã cầm cây xúc xích lên tay, nhấc xem thử với nụ cười quyến rũ và hỏi: "Của ngựa hay lừa thế này?" rồi rời sân khấu ngay trước khi vở kịch đi quá đà.
Rồi thủ môn nổi tiếng trở lại sân khấu tiếp tục chuyện đội Anh trong trận giao hữu đó đã sút mười một bàn vào lưới mình ra sao, lồng thêm mấy vụ lăng nhăng với các nữ diễn viên nổi tiếng trong cùng thời gian đó và các màn bán độ. Mọi người lắng nghe và cười sảng khoái đầy ác ý, khoái chí vì sự chậm tiến đặc trưng của người Thổ Nhĩ Kỳ.