Books are not made for furniture, but there is nothing else that so beautifully furnishes a house.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Jorge Luis Borges
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Duy Vo
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4111 / 147
Cập nhật: 2015-07-04 22:49:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tlön, Uqbar, Orbis Tertius
uy Đoàn chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Andrew Hurley
I
Tôi mắc nợ việc khám phá ra Uqbar từ sự kết hợp giữa tấm gương và một cuốn bách khoa thư. Tấm gương gây ra ưu phiền nơi tận sâu thẳm của lối hành lang tại một căn nhà miền quê ở Calle Gaona, thuộc Ramos Mejía [1]; cuốn bách khoa thư với nhan đề sai lệch The Anglo-American Cyclopedia (New York, 1917), và nó là phiên bản in lại theo đúng từng chữ của cuốn Encyclopaedia Britannica bản năm 1902. Sự kiện đã diễn ra khoảng năm năm về trước.
Bioy Casares [2] đã đến dùng bữa tối tại nhà tôi buổi chiều đó, và chúng tôi đã lạc mất toàn bộ dấu vết của thời gian trong một cuộc tranh luận miên man về thể cách mà một người có thể thực hiện khi sáng tác một tác phẩm tiểu thuyết một nhân vật mà người dẫn chuyện trong đó sẽ bỏ đi hay làm méo mó đi các sự vật và dấn thân vào tất cả các dạng mâu thuẫn, để một vài độc giả – chỉ một số rất ít – có thể cảm nhận cái sự thật ghê sợ, hoặc tầm thường. Ở sâu thẳm của lối hành lang, cái gương treo lơ lửng, bí mật dõi theo chúng tôi. Chúng tôi phát hiện ra (vào thời điểm rất khuya thì một phát hiện như vậy là điều không thể né tránh) rằng có gì đó ghê sợ về những tấm gương. Đó là khi Bioy nhớ ra một câu nói của một trong những người thủ lĩnh phái dị giáo của Uqbar: Tấm gương và sự giao hợp đều đáng kinh tởm, vì cả hai đều làm nhân loại sinh sôi nảy nở thêm. Tôi hỏi anh ta rằng anh bắt gặp câu dí dỏm đáng nhớ đó ở đâu, và anh ta bảo tôi nó được ghi lại trong cuốn The Anglo-American Cyclopedia, trong bài viết nói về Uqbar.
Căn nhà to lớn già cỗi (chúng tôi đã cho sơn phết lại) sở hữu một bản sao của tác phẩm đó. Trong những trang cuối của Quyển XLVI chúng tôi phát hiện một bài viết về Uppsala; trong những trang đầu của Quyển XLVII, là về “Ural-Altaic Languages” – không một từ nào dành cho Uqbar. Bioy, hơi rối lên, đã tham khảo những quyển Chỉ mục. Anh ta cố gắng mọi khả năng viết có thể: Ukbar, Ucbar, Ookbar, Oukbar… tất cả đều vô dụng. Trước rời khỏi, anh ta bảo tôi đó là một vùng nằm ở Iraq hoặc ở vùng Tiểu Á. Tôi thú nhận là tôi đã gật đầu có hơi chút miễn cưỡng; tôi cho rằng cái quốc gia không có cơ sở kia và vị thủ lĩnh dị giáo vô danh tính là sản phẩm hư cấu mà Bioy đã dựng nên trong một giây phút bất chợt, bởi tính khiêm tốn, nhằm để xác minh một câu nói dí dỏm trông có vẻ hay ho. Cuộc tìm kiếm vô ích suốt cả cuốn tập bản đồ của Justus Perthes đã củng cố cho sự ngờ vực của tôi.
Ngày tiếp theo, Bioy ở Buenos Aires gọi điện cho tôi. Anh ta bảo tôi là anh ấy đã có bài viết về Uqbar nằm bên phải ngay trước mặt – ở trong Quyển XLVI [3] của bộ bách khoa thư. Tên của vị thủ lĩnh kia không được nêu ra, nhưng phần mục từ đó đã tường thuật lại cái học thuyết của ông ta, được trình bày rõ ràng bằng những ngôn từ mà gần như tương tự với những ngôn từ Bioy đã trích dẫn lại, mặc dù từ quan điểm văn chương thì chúng có lẽ hạ cấp hơn. Bioy đã nhớ về cái việc “giao hợp và những tấm gương đều đáng kinh tởm,” trong khi đoạn văn bản của bộ bách khoa thư thì chạy dòng chữ: Đối với một trong số những phái ngộ giáo kia, thì cái vũ trụ hữu hình là một ảo ảnh hay, chính xác hơn, là điều nguỵ biện. Những tấm gương và cái cương vị làm cha đều đáng ghét bởi vì chúng làm sinh sôi và trưng ra vũ trụ. Tôi bảo Bioy, giọng khá thành thật, rằng tôi muốn xem bài viết đó. Một vài ngày sau anh ta mang lại cho tôi – nó làm tôi kinh ngạc bởi vì các chỉ mục về thuật vẽ bản đồ rất tỉ mỉ trong phần Erdkunde (địa lí học) của Ritter đã cho thấy một thứ trống rỗng hoàn toàn và tuyệt đối về sự tồn tại của cái tên Uqbar.
Quyển mà Bioy mang về thật sự là Quyển XLVI của bộ The Anglo-American Cyclopedia. Cả trên cái bìa và cái gáy giả kia, thì những từ khoá bảng chữ cái cho biết nội dung quyển sách (Tor-Upps) tương tự như cái của chúng tôi, nhưng thay vì 917 trang, thì quyển của Bioy có tới 921 trang. Bốn trang thêm vào đó giữ một bài viết về Uqbar – một bài viết không được biểu thị (như độc giả sẽ chú ý) theo từ khoá bảng chữ cái. Chúng tôi sau đó đối chiếu hai quyển và thấy rằng không có khác biệt gì thêm giữa chúng. Cả hai (như tôi tin tôi đã nói vậy) đều là bản in lại của ấn bản thứ mười bộ Encyclopaedia Britannica. Bioy đã mua bản của anh ta tại một trong những quầy bán hàng.
Bọn tôi đọc bài viết khá cẩn trọng. Đoạn văn mà Bioy đã nhớ ra có lẽ là đoạn duy nhất có thế khiến độc giả nhướng mày lên; phần còn lại xem ra khá hợp lí, phần nhiều được giữ theo giọng điệu chung của cả bộ bách khoa thư, thậm chí (theo lẽ tự nhiên) còn khá buồn tẻ nữa. Tuy vậy, đọc lại nó, chúng tôi khám phá ra rằng bài viết kĩ càng đó có một điều mơ hồ cơ bản làm cơ sở phía dưới. Trong số mười bốn cái tên vốn nằm trong phần nói về địa lí, chúng tôi chỉ nhận ra ba cái tên (Khorasan, Armenia, Erzerum), toàn bộ được đưa vào văn bản một cách nhập nhằng. Trong số những cái tên lịch sử, chúng tôi chỉ nhận ra một: vị pháp sư mạo danh Smerdis, và hắn ta được viện dẫn ra như là một ẩn dụ, thật sự vậy. Bài viết dường như xác định được các biên giới của Uqbar, nhưng các điểm tham chiếu mập mờ là những con sông và những hố to và những dãy núi của chính vùng đó. Ví dụ như chúng tôi đọc được rằng vùng châu thổ Axa và miền đất thấp Tsai Khaldun đánh dấu đường biên giới phía nam, và rằng những con ngựa hoang sinh nở trên các hòn đảo ở vùng châu thổ đó. Đó là ở đầu trang 918. Ở phần bàn về lịch sử Uqbar (trang 920), chúng tôi biết được rằng sự ngược đãi tôn giáo ở thế kỉ mười ba đã buộc những kẻ chính thống phải tìm nơi tị nạn ở những hòn đảo tương đồng nhau kia, nơi mà những cột tháp vẫn còn đứng đó và những tấm gương đá thỉnh thoảng được đào bới lên. Phần có nhan đề “Ngôn ngữ và Văn chương” khá ngắn gọn. Một điểm đáng nhớ: bài viết nói rằng nền văn chương ở Uqbar là nền văn chương huyễn tưởng, và những thiên anh hùng ca và các huyền thoại chưa bao giờ có liên hệ với thực tại mà thay vào đó liên hệ tới hai địa hạt tưởng tượng của Mle’khnas và Tlön…Phần danh mục sách tham khảo liệt kê bốn quyển mà chúng tôi chưa tìm ra, mặc dù quyển thứ ba – cuốn History of the Land Called Uqbar [Lịch sử vùng đất có tên gọi Uqbar] (1874) của Silas Haslam – không nằm trong những danh mục xuất bản bởi người bán sách Bernard Quaritch [a]. Quyển đầu tiên, Lesbare und lesenswerthe Bemerkungen über das Land Ukkbar in Klein-Asien [Những nhận xét dễ đọc và đáng đọc về quốc gia Ukkar ở vùng Tiểu Á], xuất bản năm 1641, là tác phẩm của một người tên Johannes Valentinus Andreä. Sự kiện đó rất có ý nghĩa: hai hoặc ba năm sau đó, tôi tình cờ gặp cái tên đó trong những trang sách bất chợt của De Quincey (Writings, Quyển XIII) [4], tại đó tôi biết được rằng nó thuộc về một nhà thần học người Đức, người mà trong đầu thế kỉ mười bảy đã mô tả một cộng đồng tưởng tượng, cộng đồng Thánh giá Đỏ hồng – mà những người khác sau đó cũng tìm ra được, theo một lối bắt chước theo mà ông đã báo trước.
Đêm đó, Bioy và tôi ghé Thư viện Quốc gia, nơi đó chúng tôi nghiền ngẫm một cách vô ích hàng bao nhiêu cuốn tập bản đồ, danh mục, chỉ mục theo năm do những hội địa lí xuất bản, hồi kí của những kẻ du hành và các sử gia – không ai đã từng đến Uqbar. Phần chỉ mục tổng quát trong bản sao bộ bách khoa thư của Bioy cũng không chứa cái tên đó. Ngày tiếp đó, Carlos Mastronardi [5] (người mà tôi đã kể toàn bộ điều này) nhận thấy những cái gáy màu đen và bằng vàng của bộ The Anglo-American Cyclopedia trong một tiệm sách nằm ở góc của Corrientes và Talcahuano… Anh ta đi vào và tham khảo Quyển XLVI. Theo lẽ tự nhiên, anh ta không tìm ra được một đề cập nhỏ nhoi nào về Uqbar.
II
Một kí ức hạn hẹp nào đó và đang phai mờ đi về Herbert Ashe, một kĩ sư của Tuyến Đường sắt Phương nam, vẫn còn đang sống lây lất trong một khách sạn ở Adrogué, giữa những cây nho đang tuôn trào và trong những chỗ sâu thẳm mang tính hão huyền của những tấm gương. Trong cuộc sống, Ashe bị cái hư ảo làm cho đau khổ, như nhiều người Anh khác; trong cái chết, anh ta thậm chí không phải là một bóng ma như anh ta đã từng trong cuộc sống. Anh cao và trầm tĩnh và bộ râu quai nón hình chữ nhật đầy mệt mỏi của anh đã từng có màu đỏ. Tôi hiểu rằng anh là kẻ goá vợ, và không có con cái. Cứ mỗi vài năm, anh sẽ trở về nước Anh, để thực hiện chuyến thăm (tôi đang đánh giá từ một số bức ảnh mà anh cho chúng tôi xem) đến cái đồng hồ mặt trời và mấy cây sồi. Cha tôi đã thiết lập một trong những tình bạn thân thiết đó (tính từ thân thiết xem ra hơi quá) bắt đầu từ những điều thầm kín không ai biết và sớm loại bỏ đi sự trò chuyện. Họ trao đổi sách báo; họ khởi xướng trận đánh im lìm ở bàn cờ… Tôi nhớ Ashe ở trong hành lang khách sạn, cầm một cuốn sách toán, thỉnh thoảng ngước nhìn những sắc màu tan biến đi của nền trời. Một chiều nọ, chúng tôi nói về hệ số thập nhị phân, trong đó số mười hai được viết là 10. Ashe bảo rằng bằng một sự trùng hợp, anh vừa mới chuyển đổi mấy bản số hệ thập nhị phân sang hệ thập lục phân (ở đó số sáu mươi được viết là 10). Anh ta nói thêm rằng anh ta được một gã đàn ông Norway uỷ thác làm công việc đó… ở Rio Grande do Sul. Ashe và tôi đã biết nhau được tám năm, và anh ta chưa từng đề cập đến việc ở lại Brazil. Chúng tôi nói đến đời sống thôn dã điền viên, nói đến capangas, [6] nói đến ngữ nguyên của từ “gaucho” trong tiếng Brazil (mà một nhóm người già ở Uruguay vẫn còn phát âm nó là ga-úcho), và không gì khác hơn – Chúa tha tội cho tôi – là về những con số thập nhị phân. Vào tháng 9 năm 1937 (gia đình tôi và tôi không còn ở khách sạn nữa), Herbert Ashe chết vì bị vỡ túi phình mạch máu. Một vài sau trước cái chết, anh ta nhận được một kiện hàng được niêm phong và chứng nhận đến từ Brazil chứa một cuốn sách được in theo khổ tám. Anh để nó trên quầy rượu, là nơi tôi tìm thấy cuốn sách một vài tháng sau đó. Tôi bắt đầu giở lướt nhanh các trang sách và đột nhiên tôi cảm thấy một cơn choáng váng nhè nhẹ và gây kinh ngạc mà tôi sẽ không mô tả nó, bởi vì đây là câu chuyện không phải về cảm xúc của riêng tôi mà về Uqbar và Tlön và Orbis Tertius. (Vào một đêm Hồi giáo đặc thù, được gọi là Buổi đêm của những đêm, những cánh cổng bí mật của thiên đàng mở rộng và nước trong những vại nước thì ngọt ngào hơn những đêm khác; nếu những cánh cổng kia mở ra khi tôi ngồi đó, tôi chắc sẽ không cảm thấy cái mà tôi cảm thấy chiều hôm đó.) Cuốn sách viết bằng tiếng Anh, và nó bao gồm 1001 trang. Trên cái gáy vàng của quyển sách bọc bằng da thuộc tôi đọc những dòng chữ gây tò mò này, mà đã được lặp lại ở trên cái bìa sách giả kia: A First Encyclopaedia of Tlön. Vol. XI. Hlaer to Jangr. Không có ngày hay nơi xuất bản. Ở trang đầu tiên và một lần nữa trên trang giấy mịn màng bao trùm một trong những hình ảnh minh hoạ đầy màu sắc, có một hình oval màu xanh dương được in dấu lên với dòng chữ khắc này: Orbis Tertius. Hai năm trước đó, tôi đã khám phá ra có một bản mô tả ngắn gọn về một quốc gia không có thật ở trong một trong những quyển của một cuốn bách khoa thư bị sao chép lậu nào đó; giờ đây thì định mệnh đã tạo ra trước tôi một điều gì đó quí giá hơn và đòi hỏi công sức hơn nhiều. Tôi bây giờ nắm giữ trong tay một mảnh vô cùng to lớn và có hệ thống của toàn bộ lịch sử của một xứ sở vô danh, với những kiến trúc và những lá bài, hỗi kinh sợ của những huyền thoại và giọng nói xì xầm của những ngôn ngữ, những vị hoàng đế và những vùng biển, những quặng khoáng sản và những loài chim, loài cá, nền đại số học và lửa, nền thần học và những cuộc tranh cãi siêu hình học – tất cả hợp lại, khớp với nhau, dính kết chặt chẽ, và không có một mục đích nào liên quan một học thuyết bất kì hay một dấu hiệu giễu nhại nào hiện hữu.
Trong “Quyển Mười một” mà tôi nói đến, có những hàm ý đến những quyển sau và những quyển trước. Néstor Ibarra [7], trong một bài viết nay đã thành kinh điển trong N.R.F., đã phủ nhận rằng những quyển đồng hành như thế có tồn tại; Ezequiel Martínez Estrada [8] và Drieu La Rochelle [9] đã bác bỏ lòng hoài nghi đó, có lẽ đã bác thành công. Sự việc là, những cuộc tìm kiếm kĩ lưỡng nào giờ đã trở thành vô dụng. Vô ích kể cả khi chúng tôi lật ngược mấy cái thư viện ở cả Mĩ lẫn châu u. Alfonso Reyes [10], chán nản “những công việc lao dịch thấp kém của loại công việc điều tra” thế kia, đã đề nghị rằng chúng tôi nên đảm nhiệm việc tái xây dựng hầu hết những quyển sách đồ sộ này vốn đã bị thất lạc: ex ungue leonem (nhìn móng chân con sư tử là thấy ngay được cả con). Anh ta tính toán, nửa đùa nửa thật, rằng một thế hệ của người Tlön là đủ rồi. Việc phỏng đoán táo bạo đó đưa chúng tôi quay ngược về vấn đề ban đầu: Ai, số ít hay số nhiều, là người tạo ra Tlön? Số nhiều thì, theo tôi nghĩ, khó có thể tránh khỏi, bởi vì giả thuyết về một người sáng tạo độc nhất – một dạng Leibniz bất tận nào đó làm việc trong tình trạng bị lãng quên và khiêm nhường – được bãi bỏ từ sự đồng thuận của mọi người. Người ta phỏng đoán rằng cái “thế giới mới can trường” này là tác phẩm của một nhóm người bí ẩn của những nhà thiên văn học, nhà sinh vật học, kĩ sư, nhà siêu hình học, nhà thơ, nhà hoá học, nhà đại số học, nhà đạo đức học, hoạ sĩ, nhà hình học…, tất cả được hướng dẫn và chỉ đạo bởi một người đàn ông thiên tài ẩn mình trong bóng tối. Có nhiều người tài năng trong những lĩnh vực khác biệt nhau như thế, nhưng ít ai có khả năng sáng tạo – và ít người hơn nữa có cái khả năng sáng tạo ở cấp thấp hơn cho một kế hoạch tỉ mỉ và mang tính hệ thống. Kế hoạch to lớn đến mức sự đóng góp của mỗi nhà văn là vô cùng nhỏ bé.
Đầu tiên người ta nghĩ rằng Tlön là một thứ hỗn độn thật sự, một hành vi vô trách nhiệm từ sự phóng túng trong sáng tạo; ngày nay chúng tôi biết rằng nó là một vũ trụ, và rằng những qui luật thâm sâu nhất chi phối nó đã được hình thành nên, tuy nhiên cũng là tạm thời. Chỉ cần gợi nhắc lại cho độc giả nhớ rằng những mâu thuẫn rành rành của Quyển Mười một là viên đá nền tảng cho cái bằng chứng về sự tồn tại của những quyển kia: cái trật tự vốn được quan sát trong bản thân nó thì vừa rõ ràng và vừa phù hợp. Những tạp chí phổ thông đã loan báo, với sự thái quá có thể dung thú, về lĩnh vực động vật học và phép vẽ địa hình của Tlön. Theo quan điểm của tôi, những con cọp hiển hiện ra của vùng đó và những toà tháp đầy máu có lẽ không xứng đáng có được sự chú ý thường trực của toàn thể nhân loại, nhưng tôi có thể quá táo bạo về việc cầu xin một vài khoảnh khắc để phác hoạ cái quan niệm của Tlön về cõi vũ trụ.
Hume luôn khẳng định rằng những luận cứ của Berkeley thừa nhận không chỉ một sự bác bỏ nhỏ nhặt nhất, chúng cũng không gợi lên một niềm tin nào. Phát ngôn đó hoàn toàn là thật với sự liên hệ đến trái đất, và hoàn toàn sai nếu liên hệ với Tlön. Các quốc gia trong hành tinh đó bẩm sinh đã đạt được mức lí tưởng. Ngôn ngữ của họ và những sự vật kia bắt nguồn từ ngôn ngữ – tôn giáo, văn chương, siêu hình học – hàm ý cho thuyết lí tưởng. Đối với người Tlön, thế giới không phải là một hỗn hợp của những vật thể trong không gian; nó là một dãy không đồng nhất của những hành vi độc lập – thế giới là chuỗi liên tục, thuộc về thời gian, nhưng không thuộc về không gian. Không có danh từ nào trong Ursprache (ngôn ngữ gốc) mang tính phỏng đoán của xứ Tlön, mà từ đó hình thành những ngôn ngữ và phương ngữ “ngày nay”: có những động từ không ở ngôi nào cả, biến cách theo những hậu tố (hoặc tiền tố) đơn âm tiết mang chức năng như những trạng từ. Ví dụ, không danh từ nào tương ứng với từ “mặt trăng” của chúng ta”, nhưng có một động từ mà nếu theo tiếng Anh sẽ là “to moonate” hoặc “to enmoon”. “Mặt trăng mọc trên dòng sông” sẽ là “hlör u fang axaxaxas mlö”, hoặc, như Xul Solar [11] dịch ra khá chuẩn xác: Hướng lên trên phía sau những dòng nước đang chảy mọc lên một mặt trăng. [Upward, behind the onstreaming it mooned]
Qui tắc đó áp dụng cho những ngôn ngữ ở bán cầu nam. Ở bán cầu bắc (về những Ursprache của nó thì Quyển Mười một chứa khá ít thông tin), đơn vị chính không phải là động từ mà là một tính từ đơn âm tiết. Các danh từ được hình thành bằng cách nối lại các tính từ với nhau. Người ta không nói “moon” [mặt trăng] mà nói “aerial-bright above dark-round” [sáng trưng lửng lơ phía trên vòng tròn tối] hoặc là “soft-amberish-celestial” [trên bầu trời có màu hổ phách nhẹ] hay bất kì một chuỗi nào khác. Trong trường hợp này, tổ hợp của những tính từ tương ứng với một vật thể thực, nhưng đó chỉ đơn thuần là tình cờ. Nền văn chương của bán cầu bắc (như trong thế giới đang tồn tại của Meinong) được lấp đầy bởi những vật thể lí tưởng, được tạo nên và hoà tan trong chốc lát, theo như yêu cầu của thi ca. Thỉnh thoảng thì chúng được tạo ra bởi tính đồng thời. Có những vật bao gồm hai cụm, một về thị giác, cái còn lại về thính giác: màu sắc của mặt trời mọc và tiếng chim kêu thảm thiết từ đằng xa. Có những vật bao gồm nhiều: mặt trời và nước nổi bật trên bộ ngực của người đang bơi, sắc hồng lung linh mờ ảo mà người ta thấy khi nhắm mắt lại, cảm giác của việc bị cuốn đi bởi dòng sông, và cũng bởi thần Morpheus, vị thần của giấc mộng. Nhữn vật thể ở cấp độ thứ nhì này có thể được kết hợp với những cái khác; tiến trình, bằng cách dùng những chữ viết tắt cụ thể, hầu như là bất tận. Có những bài thơ nổi tiếng được tạo thành từ một chữ đơn lẻ dài đằng đẵng; từ này là “vật thể thi ca” được tạo ra bởi nhà thơ. Sự việc không ai tin vào thực tại được diễn tả bằng những danh từ như thế này có một ý nghĩa nghịch lí rằng không có giới hạn cho các con số của họ. Những ngôn ngữ của vùng bán cầu bắc xứ Tlön sở hữu tất cả các danh từ của những ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Ấn-u – và còn nhiều hơn thế nữa.
Không hề phóng đại khi nói rằng nền văn hoá cổ đại của Tlön bao gồm chỉ một lĩnh vực – tâm lí học – còn toàn bộ những cái kia chỉ là thứ yếu so với nó. Tôi vừa nói rằng con người của hành tinh đó quan niệm vũ trụ như là một chuỗi các tiến trình tinh thần xảy ra không phải ở không gian mà thay vào đó xảy ra liên tục ở thời gian. Spinoza hình dung ra vị thần không biết mệt mỏi của ông có những đặc tính của sự mở rộng không gian và của tư duy; không ai ở Tlön sẽ hiểu ra mối quan hệ kề nhau của cái đầu tiên, vốn điển hình chỉ ở những trạng thái nhất định, và cái thứ nhì – là một dạng đồng nghĩa hoàn hảo với vũ trụ. Hoặc đặt nó theo cách khác: không gian không được quan niệm như đang có thời lượng trong thời gian. Việc cảm thức một đám mây khói ở chân trời và rồi vùng quê chìm trong lửa và rồi điếu thuốc cháy một nửa tạo ra một khu đất cháy sém, được xem như là một ví dụ cho sự liên hệ các ý tưởng.
Niềm tin về độc thần, hay thuyết duy tâm, triệt để thế này đã khiến cho khoa học thành con số không. Lí giải (hoặc để đưa ra đánh giá) một sự kiện là liên kết nó với cái khác; ở Tlön việc kết-nối-lại-với-nhau như thế là một trạng thái xảy ra sau của chủ thể, và không thể tác động cũng như soi sáng cho trạng thái trước đó. Mọi trạng thái tinh thần đều ở mức tối giản: một hành vi đơn giản của việc đặt tên cho nó – tức là phân loại nó – sẽ giới thiệu ra một sự méo mó, một dạng “nghiêng về một bên” hoặc “thiên vị”. Một người có thể giỏi diễn dịch ra, do đó, ở Tlön không có khoa học – hoặc thậm chí bất kì “hệ thống tư duy” nào. Cái sự thật nghịch lí là các hệ thống tư duy có tồn tại, với một lượng lớn gần như vô tận. Triết học rất giống với các danh từ ở bán cầu bắc; thực tế rằng mọi nền triết học theo định nghĩa là một trò chơi biện chứng, một Philosophie des Als Ob, điều đó cho phép chúng phát triển nảy nở lên. Có những hệ thống trên những hệ thống khó tin nhưng sở hữu nghệ thuật kiến trúc hài hoà hay một thuyết duy cảm dễ chịu nào đó. Các nhà siêu hình học ở Tlön đi tìm không phải chân lí, hay thậm chí là sự hợp lí – họ tìm cái cách gây sửng sốt và làm kinh ngạc. Theo quan điểm của họ thì siêu hình học là một nhánh của văn chương huyễn tưởng. Họ biết rằng một hệ thống là con số không ngoại trừ việc là hình thức thấp kém hơn của toàn bộ những khía cạnh của cõi vũ trụ cho đến việc là một trong những khía cạnh đó – bất kì cái nào trong số đó. Thậm chí cả cụm từ “toàn bộ những khía cạnh” cũng nên được tránh đi, bởi vì nó hàm ý về việc không thể thêm vào khoảnh khắc hiện tại và toàn bộ những khoảnh khắc đó vốn đã đi qua rồi. Ngay cả dùng số nhiều trong cụm “những khoảnh khắc đó vốn đã đi qua rồi” cũng không hợp lệ, vì nó hàm ý một quá trình không thể xảy ra… Một trong những trường phái triết học ở Tlön đi quá xa về việc phủ nhận sự tồn tại của thời gian; nó biện luận rằng hiện tại là không xác định và bất tận, tương lai không có thực tại ngoại trừ có vai trò như một niềm hi vọng của hiện tại, và quá khứ không có thực tại ngoại trừ có vai trò như là kí ức của hiện tại [b]. Một trường phái khác đưa ra ý rằng mọi thời điểm đều đã trôi qua cả rồi, để cuộc đời chúng ta chỉ là kí ức lúc chiều tà, hoặc chỉ là những suy tưởng lúc chiều tà của một tiến trình không thể thu hồi được, vốn không thể nghi ngờ gì nữa là đã bị méo mó và huỷ hoại đi. Tuy vậy, một trường phái khác khẳng định rằng lịch sử vũ trụ – và trong lịch sử đó, cuộc sống chúng ta và những chi tiết mờ nhạt nhất trong cuộc sống chúng ta – là bản viết tay của một vị thần hạ cấp cố gắng giao tiếp với quỉ dữ. Một trường phái khác, bảo rằng vũ trụ có thể được so sánh với những bản mật mã mà ở đó không phải tất cả các biểu tượng đều được tính vào, và chỉ có điều xảy ra cứ mỗi ba trăm đêm là thật sự có thực. Một trường phái khác, bảo rằng trong khi chúng ta ngủ ở đây, thì chúng ta thức ở một nơi khác, để cho mọi con người thực tế là hai người.
Trong toàn bộ các học thuyết của Tlön, không cái nào gây ra náo động bằng thuyết duy vật. Một số nhà tư tưởng đã tạo nên nền triết học này (nhìn chung là ít sáng sủa hơn lòng nhiệt thành) như thể đưa ra một nghịch lí. Để làm cho luận đề bất khả hình dung này dễ hiểu hơn, một vị thủ lĩnh dị giáo ở thế kỉ mười một [c] đã trình bày sự nguỵ biện của chín đồng xu, một nghịch lí nổi tiếng nhờ tai tiếng ở Tlön cũng tựa như Eleatic aporiae [nghịch lí Eleatic] đối với bản thân chúng ta. Có nhiều phiên bản của “luận cứ đắt giá” đó, với lượng đồng xu và những khám phá khác nhau; phiên bản sau đây là thường gặp nhất:
Thứ ba, X đang đi bộ dọc theo con đường hoang vắng và làm mất chín đồng xu. Thứ năm, Y tìm ra bốn đồng trên con đường, vẻ bóng bẩy của chúng phần nào bị mờ đi do cơn mưa hôm thứ tư. Thứ sau, Z phát hiện ra ba đồng trên con đường. Sáng thứ sáu, X tìm được hai đồng ở trên hàng hiên nhà mình.
Từ câu chuyện này, vị thủ lĩnh kia mong muốn diễn dịch ra thực tại – tức là, tính liên tục trong thời gian – của chín đồng được thu hồi lại kia. “Thật lố bịch,” ông ta nói, “hình dung rằng bốn đồng trong số đó không tồn tại từ thứ ba đến thứ năm, ba đồng từ thứ ba đến chiều thứ sáu, hai đồng từ thứ ba đến sáng thứ sáu. Theo luận lí học mà nghĩ thì chúng thực tế có tồn tại – dù rằng theo một cách thức bí ẩn nào đó chúng ta không được phép hiểu – ở bất kì lúc nào trong số ba thời điểm đó.”
Ngôn ngữ của Tlön kháng cự lại việc hình thành nghịch lí này; hầu hết mọi người không hiểu nó. Cái trường phái theo “lí lẽ thông thường” đầu tiên đơn giản chỉ là phủ nhận sự thật của giai thoại đó. Họ khẳng định nó là một sự nguỵ biện ngôn từ dựa trên việc sử dụng hai cách diễn đạt từ mới một cách cẩu thả, những ngôn từ trái phép theo cách dùng chuẩn và xa lạ với toàn bộ quá trình tư duy kĩ lưỡng: hai động từ “tìm” và “mất,” theo sau một petitio principii [nguyên lí tưởng chừng là đúng], bởi vì chúng giả định tính đồng nhất của chín đồng đầu tiên và chín đồng sau đó. Những nhà phê bình này gợi cho người nghe nhớ rằng toàn bộ các danh từ (người đàn ông, đồng xu, thứ năm, thứ tư, mưa) chỉ có giá trị ẩn dụ. Họ phê phán kịch liệt chi tiết sai lệch về “vẻ bóng bẩy của [những đồng xu] phần nào mờ đi do cơn mưa hôm thứ tư”, cho nó như là một tiền giả định cho cái nó nỗ lực chứng tỏ: sự tồn tại liên tục của bốn đồng xu từ thứ ba đến thứ năm. Họ giải thích rằng “tính bình đẳng” là một thứ và “tính đồng nhất” là thứ còn lại, và họ hình thành một dạng reductio ad absurdum [chứng minh bằng phản chứng] – một trường hợp giả thuyết của chín người đàn ông những người trong chín đếm liên tiếp đã trải nghiệm một cơn đau buốt dữ dội. Họ hỏi rằng, liệu nó sẽ không vô lí để giả vờ rằng người đàn ông đã mắc phải cùng một cơn đau? [d] Họ cho rằng vị thủ lĩnh kia có động cơ từ lòng ham muốn báng bổ thần linh khi gán cái phạm trù thần thánh về tồn tại cho một nhúm đồng xu tầm thường, và cho rằng thỉnh thoảng ông ta phủ nhận tính đa nguyên và thỉnh thoảng lại không. Họ lập luận: Nếu tính bình đẳng theo sau tính đồng nhất, người ta sẽ phải thừa nhận rằng chín đồng xu là một đồng xu duy nhất.
Khó tin là những lời bác bỏ kia không đặt dấu chấm hết cho sự việc. Một trăm năm sau khi vấn đề lần đầu được trình ra hỏi, một nhà tư tưởng không kém thông minh hơn vị thủ lĩnh kia, nhưng thuộc về truyền thống chính đạo, đã trình bày một giả thuyết táo bạo. Phỏng đoán tài tình của ông ta là chỉ có duy nhất một chủ thể; cái chủ thể không thể ra chia ra được này là mọi sự tồn tại trong vũ trụ, và những tồn tại của vũ trụ là những cơ quan và vẻ mặt ngoài của đấng thần linh. X là Y và cũng là Z, Z phát hiện ra ba đồng bởi vì anh ta nhớ rằng X làm mất chúng; X tìm thấy hai đồng ở trên hàng hiên nhà mình bởi vì anh ta nhớ rằng những đồng khác đã được tìm thấy… Quyển Mười một đề xuất ý rằng thuyết phiếm thần duy tâm này đã thành công so với tất cả các trường phái tư tưởng khác vì ba nguyên nhân chính: đầu tiên, bởi vì nó bác bỏ thuyết duy ngã; thứ nhì, bởi vì nó để lại nguyên vẹn cả một nền tảng khoa học của tâm lí học; và thứ b a, bởi vì nó bảo toàn cái triển vọng của tôn giáo. Schopenhauer (một Schopenhauer nhiệt huyết mà minh bạch) đã trình bày rõ ràng ra một học thuyết tương tự vậy trong quyển đầu tiên của bộ Parerga und Paralipomena. [Parerga and Paralipomena]
Hình học của Tlön tạo thành từ hai lĩnh vực tương đối khác biệt – hình học thị giác và hình học xúc giác. Hình học xúc giác tương ứng với của chính chúng ta, và chỉ là thứ yếu so với hình học thị giác. Hình học thị giác dựa trên bề mặt, không phải một điểm; nó không có những đường thẳng song song, và nó khẳng định rằng khi cơ thể người ta di chuyển qua không gian, nó điều chỉnh những hình dạng xung quanh cơ thể đó. Nền tảng của số học Tlön là ý niệm về những con số bất định; nó nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm “lớn hơn” và “nhỏ hơn,” là những khái niệm mà các nhà toán học của chúng ta kí hiệu bằng những biểu tượng > và <. Người dân Tlön được dạy rằng việc đếm sẽ điều chỉnh lại số lượng được đếm, sẽ chuyển cái bất định thành cái xác định. Sự việc một vài người đếm cùng một lượng rồi đi đến cùng một kế quả đối với những nhà tâm lí học ở Tlön là một minh hoạ cho sự liên hệ của các ý tưởng hoặc của sự ghi nhớ. – Chúng ta phải luôn nhớ rằng ở Tlön, chủ đề của tri thức chính là cái một và cái vĩnh hằng.
Trong địa hạt văn chương cũng vậy, ý tưởng về một chủ thể đơn lẻ có quyền năng tuyệt đối. Sách ít khi được kí vào, hay như khái niệm đạo văn cũng không tồn tại: Người ta đã quyết định rằng toàn bộ sách là tác phẩm của một tác giả đơn lẻ, một người tồn tại vĩnh cửu và vô danh. Phê bình văn chương thường sáng tạo ra các tác giả: Nó sẽ lấy ra hai tác phẩm không tương đồng nhau – cuốn Đạo đức Kinh và cuốn 1001 Đêm, ví dụ vậy – qui chúng về một tác giả duy nhất, và rồi bằng cả tấm lòng quyết định nền tâm lí học của homme de lettres [văn sĩ] thú vị này…
Những cuốn sách của họ cũng khác biệt so với của chúng ta. Tác phẩm hư cấu chỉ chứa duy nhất một cốt chuyện, với mọi cách hoán vị có thể nghĩ ra. Các tác phẩm về bản chất triết học luôn chứa cả chính đề lẫn phản đề, cả cái pro [thuận] lẫn contra [nghịch] của mọi luận cứ. Một cuốn sách mà không chứa đựng một phản thư thì đuợc xem là chưa hoàn chỉnh.
Hàng thế kỉ của thuyết duy tâm khó mà gây ảnh hưởng lên thực tại. Trong hầu hết các vùng cổ xưa của Tlön người ta có thể, không thường lắm, quan sát sự nhân đôi của các đồ vật thất lạc: Hai người đang tìm một cây bút chì, người thứ nhất tìm thấy nó, nhưng không nói gì; người thứ nhì tìm thấy cây bút chì thứ hai, cũng thực không kém, nhưng thích hợp với mong đợi của anh ta hơn. Những món đồ hạng hai này được gọi là hrönir, và chúng dù có vẻ bất tiện nhưng có phần trường tồn hơn. Cho đến gần đây, hrönir là đứa con ngẫu nhiên của sự xao lãng và sự đãng trí. Thật khó để tin rằng chúng được sản sinh ra có hệ thống chỉ mới khoảng một trăm năm, nhưng đó là những gì Quyển Mười một bảo chúng ta. Nỗ lực ban đầu không thành, nhưng cái modus operandi [cách làm] đáng để hồi tưởng lại: Người gác ngục của một trong những nhà tù quốc gia đã thông báo cho các tù nhân biết rằng có mấy cái mộ nằm dưới đáy một con sông cổ xưa gần đó, và ông ta hứa mang lại tự do cho bất kì ai tìm ra được một thứ gì đó quan trọng. Trong nhiều tháng truớc lúc khai quật, các tù nhân được đưa cho xem bức ảnh về cái mà họ sẽ đi tìm. Nỗ lực ban đầu đó cho thấy niềm hi vọng và lòng tham lam có thể kiềm nén lại; sau một tuần dùng cuốc xẻng, cái hrön duy nhất được đào lên là một cái bánh xe rỉ sét, có niên đại vào cái thời sau thời của cuộc thí nghiệm. Cuộc thí nghiệm được giữ bí mật, nhưng được lặ plại sau đó tại bốn trường trung học. Tại ba trường trong số gần như là thất bại hoàn toàn; ở trường thứ tư (ở đó vị hiệu trưởng bỗng nhiên lăn ra chết trong quá trình khai quật lúc đầu), mấy đứa học sinh đào lên được – hay đã tạo ra – một cái mặt nạ bằng vàng, một thanh kiếm cũ kĩ, hai hay ba vỏ hai quai bằng đất sét, phần thân bị mốc meo và huỷ hoại của một vị vua với dòng chữ khắc trên ngực mà vẫn chưa được giải mã. Do vậy người ta khám phá rằng không chứng nhân nào để ý đến bản chất thí nghiệm của cuộc tìm kiếm lại có thể được phép ở gần chốn đó… Những kế hoạch nghiên cứu tập thể đã tạo ra những phát hiện xung đột nhau; hiện giờ thì những kế hoạch cá nhân và gần như bất thình lình được chuộng hơn. Việc tạo ra có hệ thống những hrönir (theo Quyển Mười một) là sự trợ giúp vô giá đối với các nhà khảo cổ, khiến cho việc tra vấn, thậm chí chỉnh sửa quá khứ trở thành điều có thể, cái quá khứ đó dễ uốn, dễ nắn không kém gì tương lai. Một mẩu thông tin gây tò mò: hrönir ở cấp thứ nhì và thứ ba – hrönir bắt nguồn từ một hrön khác, và hrönir bắt nguồn từ hrön của hrön – điều này phóng đại tính khác thường của cái đầu tiên; những cái ở cấp thứ năm gần như tương tự nhau; những cái cấp thứ chín có thể bị lầm lẫn với cấp thứ nhì; và những cái ở cấp mười một trưng ra tình trạng tinh khiết của đường kẻ mà ngay cả vật nguyên bản cũng không có. Tiến trình này có chu kì: Cái hrönir của cấp thứ mười hai bắt đầu phân rã. Thỉnh thoảng kì lạ hơn và tinh khiết hơn bất kì hrön nào là ur – vật được tạo ra theo đề nghị, vật được sản sinh ra bởi niềm hi vọng. Cái mặt nạ bằng vàng lộng lẫy mà tôi từng đề cập là một ví dụ tiêu biểu.
Những vật tự nhân đôi chúng ở Tlön; chúng cũng có xu hướng trở nên mờ ảo hoặc “sơ sài,” và xu hướng đánh mất chi tiết khi chúng bắt đầu bị lãng quên. Một ví dụ kinh điển là cái ô cửa vốn tiếp tục tồn tại cho đến khi có một kẻ hành khất nào đó lui tới nó, nhưng nó sẽ biến mất khi hắn ta chết đi. Thỉnh thoảng một vài con chim, một con ngựa, đã cứu được đống đổ nát của giảng đường.
Salto Oriental, 1940
TÁI BÚT – 1947
Tôi tái tạo bài viết ở trên chính xác như nó đã xuất hiện trong cuốn Anthology of Fantastic Literature (1940) [Hợp tuyển Văn chương Kì ảo], những thay đổi duy nhất từ việc biên tập cắt bỏ một vài ẩn dụ và một tóm tắt mang vẻ đùa cợt mà giờ đây được xem như là điều khiếm nhã. Có quá nhiều thứ xảy ra kể từ năm 1940… Cho phép tôi hồi tưởng lại một số việc:
Vào tháng ba năm 1941, một lá thư viết tay từ Gunnar Erfjord được phát hiện trong một cuốn sách của Hinton, vốn thuộc về Herbert Ashe. Phong bì được đóng dấu bưu điện ở Ouro Preto; bí ẩn của Tlön trở nên rõ ràng ra hoàn toàn bởi lá thư này. Nó xác nhận giả thuyết của Martínez Estrada: Câu chuyện huy hoàng đã bắt đầu vào một thời điểm nào đó đầu thế kỉ mười bảy, vào một đêm ở Lucerne hay Luân-đôn. Một hội thân thiện bí mật (trong số những thành viên của nó có Dalgarno và sau đó là George Berkeley) ra đời; nhiệm vụ của hội: tạo ra một quốc gia. Trong cái chương trình ban đầu không rõ ràng, thì có “ngành luyện đan,” lòng nhân ái, và Kabbalah. (Cuốn sách gây tò mò của Valentinus Andreä có từ giai đoạn ban đầu kia.) Sau vài năm bàn bạc và cùng nhau phác thảo vội vã, những thành viên trong hội nhận ra rằng một thế hệ sẽ không đủ để tạo ra và mang đến một dáng vẻ hoàn chỉnh cho một đất nước. Họ quyết định rằng mỗi bậc thầy thuộc hội này sẽ chọn ra một môn đồ tiếp nối công việc. Sự sắp xếp theo di truyền được tiếp theo sau; sau khoảng thời gian chuyển tiếp dài hai trăm năm, cái hội bị đối đãi tệ bạc kia xuất đầu lộ diện ở Tân Thế giới. Vào năm 1824, ở Memphis, Tennessee, một trong những thành viên đã có cuộc nói chuyện với nhà triệu phú đơn độc Ezra Buckley. Buckley, phần nào đó khinh bỉ, đã để người đàn ông kia nói – và rồi cười ha hả vào cái sự khiêm nhường của kế hoạch đó. Ông triệu phú bảo người đàn ông kia rằng ở Mĩ thì việc tạo ra một đất nước là điều ngớ ngẩn – cái mà họ cần làm là tạo ra một hành tinh. Với ý tưởng vĩ đại kia, ông ta thêm vào cái khác nữa, sản phẩm từ thuyết hư vô của ông ta [e]: Công trình khổng lồ đó phải được giữ bí mật. Vào lúc đó, người ta đang mê điên cuồn bộ hai mươi quyển Encyclopaedia Britannica; Buckley gợi ý một quyển bách khoa thư có hệ thống về một hành tinh tưởng tượng. Ông ta sẽ để lại cho họ hàng núi vàng, những con sông mà tàu bè có thể đi lại được, những vùng thảo nguyên với tiếng kêu la của trâu bò, mấy tay da đen, những căn nhà thổ, và những đồng dollar, ông ta nói vậy, nhưng với một điều kiện: “Tác phẩm đó sẽ không thoả hiệp với kẻ mạo danh Chúa Jesus.” Buckley không tin vào Chúa, do vậy mà ông ta muốn chứng tỏ với vị chúa trời không tồn tại kia rằng những con người khả tử có thể hình dung ra và tạo nên hình hài cho thế gian. Buckley bị đánh thuốc độc ở Baton Rouge vào năm 1828; năm 1914, hội gửi đến các thành viên của mình (giờ đây bao gồm ba trăm người) quyển cuối cùng của bộ First Encyclopedia of Tlön. Quyển sách được xuất bản bí mật: bốn mươi quyển tạo thành một tác phẩm (tác phẩm chữ nghĩa vĩ đại nhất mà loài người từng thực hiện) sẽ là căn bản cho cái khác, một tác phẩm công phu hơn, được viết vào thời điểm này không phải bằng tiếng Anh mà bằng một trong những ngôn ngữ ở Tlön. Bản mô tả khái quát của thế giới tưởng tượng đã được đặt tạm thời một cái tựa là Orbis Tertius, và một trong những đấng tạo hoá khiêm nhường của nó là Herbert Ashe – đại diện hoặc là đồng nghiệp của Gunnar Erfjord, tôi không thể nói chắc được. Việc anh ta nhận một bản sao của Quyển Mười một dường như nghiêng về giả thuyết sau hơn. Nhưng còn những người kia thì sao? Vào năm 1942, câu chuyện được tô điểm thêm. Tôi hồi tưởng lại rất rõ ràng về một trong những sự kiện đầu tiên xảy ra, một điều gì đó của cái tính chất điềm báo mà tôi tin là tôi cảm thấy được thậm chí ngay lúc đó. Nó xảy ra tại một căn hộ ở Laprida, bên kia con đường, từ trên một ban-công cao, sáng sủa hướng về phía mặt trời lặn. Công chúa Faucigny Lucinge đã nhận được một hộp gỗ từ Poitiers trong đó chứa món đồ bằng bạc của cô. Từ bên trong lòng của cái hộp chứa đồ có mấy con tem hải quan quốc tế trang trí trên đó, cô ta lấy đi, từng thứ một, những vật bất động tinh tế: cái dĩa bạc từ Utrecht và Paris được chạm khắc bằng những huy hiệu cứng cáp hình thú vật, …, một ấm đun trà kiểu Nga. Trong số các món đồ, rung lên nhè nhẹ mà dễ nhận biết, như một chú chim say ngủ, là tiếng đập, một cách bí ẩn, từ cái la bàn. Cô công chúa không nhận ra nó. Cái kim màu xanh khao khát hướng về cực bắc; vỏ kim loại của nó lõm vào; những kí tự trên mặt la bàn thuộc về bản chữ cái của Tlön. Đó là sự thâm nhập đầu tiên của thế giới kì ảo Tlön vào thế giới thực tại.
Một sự trùng hợp đáng lo ngại khiến tôi trở thành chứng nhân cho sự thâm nhập thứ nhì. Sự kiện này xảy ra vài tháng sau đó, tại một nơi dạng như quán rượu kiêm cửa hàng tổng hợp ở miền quê, do một người đàn ông Brazil ở Cuchilla Negra làm chủ. Amorim [12] và tôi đang đi trở về Sant’Anna. Nước dâng lên tràn bờ sông Tacuarembó; khi mà không còn lối nào băng qua, chúng tôi buộc phải cố gắng dùng (tức là cố gắng chịu đựng) các dịch vụ khách hàng cơ bản sẵn có. Người chủ cửa hàng thu xếp hai chiếc giường xếp cọt kẹt cho bọn tôi trong một nhà kho lớn ngổn ngang những thùng và những đống da thuộc đang xếp lớp. Chúng tôi nằm xuống, nhưng cứ thức đến gần sáng bởi giọng say lè nhè của tay hàng xóm nào đó, hắn cứ nói này nói kia những lời thô lỗ và những ngôn từ thô tục được hát vang lên mà không ai hiểu được, của những điệu nhạc milonga – hoặc những ngôn từ thô tục của cùng một milonga, thật sự là vậy. Như người ta có thể hình dung, chúng tôi cho rằng cơn giận dữ vô lối kéo dài đó là do thứ rượu rẻ tiền như lửa đốt của người chủ cửa hàng… Ngay sau khi trời sụp tối, người đàn ông chết ở lối đi hành lang. Tiếng kêu khô rát của hắn ta đã làm chúng tôi lầm tưởng – hắn là một chàng thanh niên trẻ. Trong trạng thái mê sảng, một vài đồng xu đã rơi ra khỏi dây thắt lưng cao bồi to bản của hắn, một vật hình nón bóng bẩy với kích thước bằng cục xí ngầu cũng rơi ra. Một cậu bé cố nhặt cái vật hình nón đó lên, nhưng vô ích; một gã đàn ông khó có thể nhặt nó lên. Tôi cầm nó trong lòng bàn tay vài phút; tôi nhớ lại sức nặng của nó không kham nổi, và thậm chí sau khi có ai lấy nó đi, thì cảm giác về sức nặng ghê gớm vẫn còn đó. Tôi còn nhớ cái hình tròn tinh xảo đó hằn vào da thịt mình. Cái bằng chứng về một vật tuy rất nhỏ mà lại nặng ghê gớm đã để lại một dư âm gây khó chịu của nỗi sợ và nỗi kinh hoàng. Một paisano [người ở nông thôn] bảo chúng tôi ném nó xuống con sông ngập nước kia. Amorim mua nó chỉ vài đồng peso. Không ai biết gì về người đàn ông đã chết kia, ngoại trừ chi tiết “hắn ta đến từ vùng biên giới.” Những vật hình nón nhỏ bé mà nặng không ngờ ấy (làm bằng thứ kim loại không thuộc thế giới này) là hình ảnh của đấng chúa trời của một số tôn giáo nào đó ở Tlön.
Tới đây thì tôi kết thúc phần tự thoại cá nhân của mình. Phần còn lại nằm trong kí ức của tất cả các độc giả (nếu không phải là trong niềm hi vọng hay nỗi sợ hãi). Nhiêu đó cũng đủ cho tôi để nhớ lại, hay đề cập đến những sự kiện tiếp sau đó, với một sự chuẩn xác giản đơn về ngôn từ mà cái kí ức phản chiếu của cộng đồng sẽ làm phong phú thêm và mở rộng ra:
Năm 1944, một điều tra viên từ tờ báo The Nashville American đã đưa ra ánh sáng bốn mươi quyển của bộ The First Encyclopaedia of Tlön trong một thư viện ở Memphis. Thậm chí ngày này vẫn còn những bất đồng ý kiến về việc liệu khám phá đó là do tình cờ hay hoặc là được ưng thuận và chỉ dẫn bởi những vị điều hành của một Orbis Tertius vẫn còn rất mơ hồ; giả thuyết thứ nhì hoàn toàn hợp lí. Một số đặc điểm khó tin nổi của Quyển Mười một (ví dụ như sự nhân bản của hrönir) đã được loại bỏ hay được làm nhạt đi trong bản sao ở Memphis. Dường như có lí khi cho rằng việc cắt bỏ vậy tuân theo ý định trình ra một thế giới vốn không quá dị biệt đối với thế giới thực. Việc truyền rải các món đồ của Tlön khắp nhiều đất nước khác nhau sẽ bổ trợ thêm cho kế hoạch đó… [f] Ở bất kì mức độ nào, báo chí quốc tế đã kêu la dữ dội về “cái được tìm thấy” này. Những cuốn sổ tay, những hợp tuyển, những bản điều tra, “những bản dịch sát nghĩa,” các bản in lại của Kiệt tác Vĩ đại nhất của Nhân loại được cấp phép lẫn các bản được sao chép lậu, tất cả tràn ngập thế giới, và đến giờ vẫn còn ngập tràn. Gần như ngay tức thì, thực tại nhân nhượng nhiều hơn chỉ một điểm. Sự thật là, nó muốn nhân nhượng. Mười năm trước, bất kì sự đối xứng nào, bất kì hệ thống nào có sự xuất hiện của trật tự – thuyết duy vật biện chứng, chủ nghĩa bài Do-thái, Đức Quốc xã – có thể làm mê muội loài người. Làm thế nào mà thế giới không thể ngã quị dưới tầm ảnh hưởng của Tlön, làm thế nào mà nó không thể nhượng bộ cái chứng cứ to lớn và chi tiết đến từng chút của một hành tinh có trật tự? Thật vô nghĩa để trả lời rằng thực tại cũng có trật tự. Có lẽ nó có, nhưng trật tự theo những qui luật thần linh (đọc là: “những qui luật phi nhân bản”) mà chúng ta không bao giờ có thể có cách để thông hiểu được. Tlön có thể hoàn toàn là một mê lộ, nhưng nó là một mê lộ hun đúc nên bởi loài người, một mê lộ mà số mệnh của nó là để con người giải mã ra.
Việc giao tiếp với Tlön, tập quán của Tlön, đã tháo rời cái thế giới này ra thành từng mảnh. Bị mê hoặc bởi tính chuẩn xác của Tlön, tính nhân văn đã lãng quên, và tiếp tục quên lãng, rằng đó là tính chuẩn xác của những bậc thầy chơi cờ, chứ không phải của các thiên thần. “Ngôn ngữ nguyên sơ” của Tlön (theo phỏng đoán) đã thâm nhập vào môi trường học đường của ta; việc dạy dỗ nền lịch sử hài hoà của Tlön (lấp đầy bởi những chương hồi cảm động) đã xoá sạch nền lịch sử đã chi phối thời thơ ấu của chính tôi; cái quá khứ hư cấu, cái quá khứ của những thứ mà chúng ta không biết chắc chắn điều gì – thậm chí là nó có sai hay không, đã chiếm chỗ cái quá khứ kia trong kí ức của loài người. Lĩnh vực nghiên cứu tiền đúc, dược lí, và khảo cổ học đã được cải cách. Tôi hiểu rằng lĩnh vực sinh vật học và toán học cũng đang chờ đợi sự hiện thân khác của chúng… Một triều đại được phân bố rải rác của những kẻ ẩn dật đã làm thay đổi bề mặt trái đất – và tác phẩm của họ cứ tiếp tục. Nếu sự dự đoán của tôi là đúng, thì một trăm năm sau kể từ bây giờ sẽ có một ai đó khám phá ra một trăm quyển của bộ The Second Encyclopaedia of Tlön.
Vào lúc đó, tiếng Pháp, tiếng Anh, và cả Tây-ban-nha sẽ biến mất khỏi trái đất. Thế giới sẽ là của Tlön. Điều đó tạo ra rất ít khác biệt đối với tôi; bằng những ngày yên ả tại khách sạn này ở Adrogué, tôi tiếp tục duyệt lại (mặc dù tôi chẳng bao giờ có ý xuất bản) một bản dịch không rõ ràng, theo phong cách của Quevedo, của quyển Urne Buriall viết bởi Ngài Thomas Browne.
Chú thích của tác giả
[a] Haslam cũng là tác giả của cuốn A General History of Labyrinths.
[b] Russell (The Analysis of Mind [1921], trang 159) cho rằng thế giới được tạo ra chỉ trong những khoảnh khắc trước, tràn ngập những con người “nhớ” được cái quá khứ ảo ảnh.
[c] Một “thế kỉ,” được viết theo hệ thập nhị phân được dùng ở Tlön, là quãng thời gian kéo dài 144 năm.
[d] Ngày nay, một trong những tôn giáo ở Tlön xác nhận theo kiểu Plato rằng một nỗi đau nào đó, một màu sắc nào đó, một nhiệt độ nào đó, và một âm thanh nào đó đều cùng là một thực tại đơn lẻ. Toàn thể loài người, trong giây phút chóng mặt của cuộc giao hoan đều cùng là một người. Toàn thể loài người nói ra một dòng Shakespeare đều là William Shakespeare.
[e] Buckley là nhà tư tưởng tự do, một người theo thuyết định mệnh, và là người bảo vệ của tình trạng nô lệ.
[f] Dĩ nhiên là vẫn còn có vấn đề về vật chất mà ở đó một số đồ vật được tạo ra.
Chú thích của dịch giả tiếng Anh (Andrew Hurley)
[1] Ramos Mejía: “Một phần của Buenos Aires mà ở đó người giàu có những căn hộ dùng cho cuối tuần chứa một nhóm cộng đồng người Anh. Nó giờ đây là vùng ngoại ô công nghiệp” (Psiche Hughes và Evelyn Fishburn, A Dictionary of Borges)
[2] Bioy Casares: Adolfo Bioy Casares (1914- ): nhà tiểu thuyết người Argentina, bạn thân và cũng là cộng sự của Jorge Luis Borges trong vô số các dự án, trong đó có một số được kí bằng bút danh dùng chung. Trong ấn phẩm viết chung của họ, hai người tỏ ra hứng thú với truyện trinh thám, những kĩ thuật kể chuyện sáng tạo (như đoạn văn bản ở đây cho thấy), và những câu chuyện của một tính chất có phần “kì ảo.” Không may bị che phủ bởi Borges, đặc biệt trong thế giới nói tiếng Anh, Bioy Casares là nhân vật văn chương chủ đạo với phần thân đặc sắc trong tác phẩm; mô tả về ảnh hưởng tương hỗ giữa hai nhà văn này sẽ cần (ít nhất) phần nghiên cứu với độ dài bằng cả cuốn sách.
[3] Quyển XLVI: Cuốn Obras completas, là cuốn mà bản dịch này dựa vào, có “Quyển XXVI,” là cuốn mà dịch giả đã coi nó có một lỗi in chữ, chữ X thứ nhì được đưa vào chỗ chữ L đúng.
[4] Johannes Valentinus Andreä trong những bài viết của Thomas de Quincey: có lẽ đó là điều cần thiết khi de Quincey cho rằng Andreä (1586-1654) “sáng tạo” ra cộng đồng Rosicrucian bằng cách viết những tác phẩm châm biếm (và đặc biệt là phần: Fama Fraternitatis of the meritorious Order of the Rosy Cross, addressed to the learned in general and the Governors of Europe) mô tả một xã hội Thiên chúa giáo huyền bí bí mật và ngớ ngẩn liên quan không chỉ đến tinh thần phóng khoáng nói chung và sự cải thiện của tính nhân bản, mà còn về luyện đan và tạo ra vàng. Cộng đồng đã không nhận ra được ý định châm biếm của Andreä, và nhiều người đổ xô nhau “gia nhập” cộng đồng này, mặc dù họ có thể chẳng bao giờ tìm thấy được một ai thừa nhận họ. Cuối cùng, theo de Quincey, một nhóm người “theo trường phái của Paracelsus” quyết định rằng nếu không còn ai thừa nhận là một Rosicrucian, họ sẽ chiếm cái tên đó và sẽ là cái cộng đồng đó.
[5] Carlos Mastronardi: Mastronardi (1901-1976) là “một nhà thơ, nhà tiểu luận, và nhà báo (ở Buenos Aires), một thành viên của nhóm nhà văn có mối liên hệ gần gũi với tạp chí văn chương mang phong cách avant-garde (tiền vệ) Martín Fierro” (theo Psiche Hughes và Evelyn Fishburn, A Dictionary of Borges). Balderston (The Literary Universe of Jorge Luis Borges: An Index …; New York: Greenwood Press, 1986) đưa ra một vài trong số những tựa sách của Mastronardi: Luz de Provincia, Tierra amanecida, Conocimiento de la noche. Mastronardi là một trong những người bạn thân của Jorge Luis Borges trong suốt thập niên ba mươi và bốn mươi (Borges cũng có mối liên kết gần gũi với Martín Fierro), và Rodríguez Monegal tường trình lại trong cuốn sách tiểu sử về Jorge Luis Borges rằng Borges vẫn còn gặp Mastronardi khi quyển tiểu sử (xuất bản năm 1978) được viết ra; do vậy, dường như chắc chắn khi nói rằng Borges và Mastronardi là bạn của nhau cho đến lúc Mastronardi chết.
[6] Capangas: Những người giám sát hay quản đốc của một nhóm công nhân, thường hoặc là nô lệ hoặc là dạng gần như nô lệ làm việc theo giao kèo, ở những vùng nông thôn, dùng cho việc đốn củi, v.v., mặc dù không ở trang trại, nơi mà ở đó các quản đốc được biết đến với cái tên capataz. Từ này là từ Guaraní, hay có lẽ có nguồn gốc châu Phi và thâm nhập vào tiếng Tây-ban-nha, như Jorge Luis Borges đã chỉ ra, từ một vùng thuộc Brazil.
[7] Néstor Ibarra: (b. 1908) “Sinh ra tại Pháp, là con của một người Argentina, người này là con của một người Pháp xứ Basque bị trục xuất khỏi nước mình. Néstor Ibarra học trường University of Buenos Aires vào khoảng năm 1925 để hoàn thành chương trình tốt nghiệp của mình. Trong khi ở đó, ông khám phá ra những bài thơ của Borges và …cố gắng thuyết phục các giáo viên cho ông ta viết luận văn về thi ca cực đoan của Borges” (Rodríguez Monegal, Jorge Luis Borges: A Literary Biography; New York: Paragon Press, 1988). Công trình nghiên cứu đột phá và rất quan trọng của Ibarra về Jorge Luis Borges, Borges et Borges, và những bản dịch Jorge Luis Borges (cùng với những bản dịch của Roger Cailois) sang tiếng Pháp vào thập niên 1950 là công cụ để toàn thế giới nhận ra tầm vĩ đại của Jorge Luis Borges. Giữa những sự liên hệ kể chuyện khác về truyện này và những truyện khác là việc Ibarra và Borges sáng tạo ra một ngôn ngữ mới (“với những quan hệ siêu thực hay cực đoan”), một trường phái văn chương mới của Pháp, Thuyết đồng dạng (Identism), “ở đó các vật thể luôn được đối chiếu với chính chúng,” và một cuốn phê bình mới, có tựa Papers for the Suppression of Reality (xem truyện “Pierre Menard,” thông tin này theo Rodríguez Monegal, trang 240-241). N.R.F là Nouvelle Revue Française [New French Review], một tờ tạp chí văn chương cực kì quan trọng của Pháp, xuất bản gần như mọi nhà văn hiện đại có tầm quan trọng trong ba thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 20.
[8] Ezequiel Martínez Estrada: Martínez Estrada (1895-1964) là nhà văn có tầm ảnh hưởng người Argentina, với tác phẩm Radiografia de la pampa (X-ray of the Pampa) mà Jorge Luis Borges phê bình rất tích cực vào năm 1933 trong phần phụ trương vă nchương (Revista Multicolor de los Sábados [“Saturday Motley Review”]) cho tờ báo ở Buenos Aires là Critica.
[9] Drieu La Rochelle: Pierre-Eugene Drieu La Rochelle (1893-1945) là biên tập cho tờ Nouvelle Revue Française trong một thời gian; ông ghé thăm Argentina năm 1933, nhận ra tính chất thiên tài của Jorge Luis Borges, và người ta bảo rằng ông đã nói thế này khi trở về nước Pháp: “Borges vaut le voyage” [Borges is worth the trip] (Psiche Hughes và Evelyn Fishburn, A Dictionary of Borges).
[10] Alfonso Reyes: Reyes (1889-1959) là nhà thơ và nhà viết tiểu luận người Mexico, đại sứ tại Buenos Aires (1927-1930 và lần nữa vào khoảng 1936-1937), bạn của Jorge Luis Borges (Psiche Hughes và Evelyn Fishburn, A Dictionary of Borges). Reyes được công nhận là một trong những nhà nhân văn vĩ đại của châu Mĩ trong thế kỉ hai mươi, một người đàn ông học thức vô biên, là bậc thầy về ngôn ngữ Tây-ban-nha cũng như phong cách của ngôn ngữ này (“thẳng thắn và gãy gọn mà không nhạt hay tầm thường” [Rodríguez Monegal, Jorge Luis Borges: A Literary Biography]).
[11] Xul Solar: Xul Solar là bút danh của Alejandro Schultz (1887-1963), người bạn cả đời của Jorge Luis Borges; Jorge Luis Borges so sánh Xul theo nghĩa tích cực với William Blake. Xul là hoạ sĩ và cũng có gì đó như là một “nhà ngôn ngữ học sáng tạo,” đã sáng tạo ra một ngôn ngữ mà ông gọi là creol: một “ngôn ngữ …tạo thành từ tiếng Tây-ban-nha được làm phong phú thêm bởi những từ mới sáng chế ra và những từ tiếng Anh đơn âm tiết… được dùng như trạng từ” (Roberto Alifano, người phỏng vấn và biên tập, Twenty-Four Conversation with Borges, chuyển ngữ sang tiếng Anh bởi Nicomedes Suárez Araúz, Willis Barnstone, và Noemí Escandell; Housatonic, Mass.: Lascaux Publishers, 1984; trang 119). Tại một nơi khác, Jorge Luis Borges cũng ghi chú một ngôn ngữ khác được sáng tạo bởi Xul Solar: “một thứ ngôn ngữ triết lí trên tinh thần của John Wilkins (“Autobiographical Essay,” trang 237: The Aleph and Other Stories: 1933-1969; New York: Dutton, 1970, trang 203-260). Jorge Luis Borges tiếp tục ghi chú rằng “Xul là phiên bản của anh ta về Schultz và Solar của Solari.” Tác phẩm hội hoạ của Xul Solar thường được so sánh với của Paul Klee; “kì lạ” và “bí ẩn” là nhữn tính từ được dùng để mô tả nó. Xul minh hoạ ba trong số những cuốn sách của Jorge Luis Borges: El tamaño de mi esperanza (1926), El idioma de los argentinos (1928), và Un modelo para la muerte, tác phẩm cộng tác giữa Jorge Luis Borges và Adolfo Bioy Casares và được kí bởi cái tên “B. Suárez Lynch.” Trong cuốn sách tiểu sử của Borges, Emir Rodríguez Monegal dành vài trang để nói về ảnh hưởng của Xul lên cách viết của Jorge Luis Borges; chính Borges cũng nói khá nhiều về Xul trong hợp tuyển các bài phỏng vấn như đã đề cập bên trên. Trên hết, Xul là một “nhân vật” ở Buenos Aires vào thập niên hai mươi và ba mươi và hơn thế nữa.
[12] Amorim: Enrique Amorim (1900-1960) là nhà tiểu thuyết người Uruguay, có quan hệ gia đình với Borges thông qua hôn nhân. Ông viết những cánh đồng hoang, những tay chăn bò, và cuộc đời chăn bò; Borges nghĩ rằng tác phẩm El Paisano của ông là “bản mô tả gần gũi nhất đối với đời sống của kẻ chăn bò hơn cả tác phẩm nổi tiếng hơn Don Segundo Sombra của Gülraldes (Psiche Hughes và Evelyn Fishburn, A Dictionary of Borges).
Tuyển Tập Tác Phẩm Tuyển Tập Tác Phẩm - Jorge Luis Borges Tuyển Tập Tác Phẩm