Thất bại ư? Tôi chưa bao giờ gặp phải. Với tôi, chúng chỉ là những bước lùi tạm thời.

Dottie Walters

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Văn Chí
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: From Colonialism To Communism
Dịch giả: Mạc Định
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2690 / 215
Cập nhật: 2015-09-29 12:37:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12: Năm Bài Học
hoá chỉnh huấn 1953 – 54 gồm có năm bài học:
BÀI THỨ NHẤT: Thái độ học tập
BÀI THỨ HAI: Lịch sử cách mạng Việt Nam
BÀI THỨ BA: Tình hình mới, nhiệm vụ mới
BÀI THỨ TƯ: Tác phong cán bộ và đảng viên
BÀI THỨ NĂM: Cải cách ruộng đất
1. THÁI ĐỘ HỌC TẬP
Bài này giảng về thái độ đúng đắn của học viên trong lớp chỉnh huấn. Mỗi người phải có thái độ “thực sự cầu thị” nghĩa là thành tâm học hỏi để mong “tiến bộ” cho bản thân, không được “vờ vịt” làm bộ hối cải để mong đánh lừa Đảng. Mỗi lần phê bình bạn, phải có tinh thần “chữa bệnh cứu người”, nghĩa là yêu bạn mà chữa cho bạn thoát khỏi những tư tưởng phản động để bạn chóng lành mạnh, y hệt tinh thần của một bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân. Đảng cấm dùng “đao to búa lớn”, cấm “chụp mũ”, “truy kích”, những phương pháp trước kia thường dùng trong phong trào kiểm thảo. Chính trong khi giảng dạy bài này đảng uỷ đã đưa ra lời hứa và lời đe doạ có liên can đến Cải cách ruộng đất. Đảng nói: “bất cứ tội nặng bằng mấy, nhưng hễ thành thực bộc lộ cũng sẽ được hoàn toàn tha thứ” và “nếu đồng chí không chịu bộc lộ ngay bây giờ thì sau này anh em nông dân sẽ bộc lộ hộ cho đồng chí”. Nhờ có lời đe doạ này mà mọi người đều phải rán sức học tập, mặc dù Đảng không sử dụng những phương pháp khủng bố tinh thần khác, vì mỗi người đều cảm thấy có một chiếc gươm của ông Damoclès treo lủng lẳng trên đầu mình. Trong tình trạng ấy, tất nhiên mọi người đều rán sức học tập và tuân theo lời Đảng. Những người khôn ngoan không ngần ngại lúc đầu làm ra bộ hết sức phản động, nêu nhiều thắc mắc rất lớn, rồi về sau bộc lộ rất nhiều tội lỗi, cũng rất lớn, để chứng minh rằng nhờ có chỉnh huấn mà mình đã hoàn toàn “lột xác”, quyết tâm đi hẳn vào con đường mới do đảng đã chỉ dẫn cho mình theo.
2. LỊCH SỬ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Đây là một bài giảng về lịch sử cách mạng Việt Nam dưới quan điểm đấu tranh giai cấp. Đại khái có những điểm như sau:
a. Thực dân là một chế độ hết sức tàn ác và những công cuộc khai hoá của người Pháp ở Việt Nam chỉ nhằm mục đích phục vụ quyền lợi ích kỷ của họ. Họ mở đại học và các trường chuyên nghiệp để đào tạo thêm tay sai, làm đường xe lửa để tăng thêm thuế ruộng. Vì vậy nên mọi người Việt Nam đều có nhiệm vụ đấu tranh chống Pháp, đuổi Pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
b. Suốt trong thời kỳ Pháp thuộc ngọn lửa cách mạng lúc nào cũng bùng cháy, nhưng tất cả các cuộc khởi loạn đều đã thất bại vì lẽ giới lãnh đạo thuộc thành phần phong kiến hoặc trí thức tiểu tư sản, không được quảng đại quần chúng ủng hộ.
c. Nhưng từ ngày Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời năm 1930, thì cách mạng Việt Nam tiến bộ rất nhanh và rất vững vàng. Đấy là nhờ ở chủ nghĩa Mác Lê, ở sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và nhờ ở kinh nghiệm quý báu của cách mạng thế giới. Vì vậy nên mọi người nhiệt thành yêu nước phải tham gia kháng chiến chống Pháp và chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Lao động.
Mục đích của bài này là thuyết phục mọi người về một điểm: cộng sản tức là yêu nước, và mọi người yêu nước phải gia nhập Đảng Cộng sản, hoặc ít nhất cũng phải chấp nhận sự lãnh đạo của cộng sản.
3. TÌNH HÌNH MỚI, NHIỆM VỤ MỚI
Bài học bắt đầu bằng một bản báo cáo về tình hình trong nước. Cả lớp đều hết sức phấn khởi khi nghe giảng viên báo tin những thắng lợi mới nhất về quân sự và ngoại giao (chiến thắng ở Lào, và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được tất cả các nước xã hội chủ nghĩa công nhận). Giảng viên cũng trình bày tầm quan trọng và tính cách bất vụ lợi của việc Liên Xô và Trung Quốc viện trợ Việt Nam, so sánh nền kinh tế tư bản và nền kinh tế cộng sản, nhấn mạnh về quân lực của Liên Xô và tài lực của Trung cộng. Đưa ra một tỉ dụ nhỏ, giảng viên nói hiện không có một công ty tư bản nào có đủ tiền để mua số lông lợn do mậu dịch Trung Quốc thu được trong một năm. Giảng viên phân tích kỹ lưỡng tình hình thế giới và tình hình trong nước để kết luận rằng chế độ tư bản đã đến ngày tàn và mặc dầu được đế quốc Mỹ viện trợ quân sự thực dân Pháp thế nào cũng thất bại. Nhưng vì Mỹ can thiệp giúp Pháp và Pháp đương gắng sức phá hoại nền đoàn kết dân tộc nên hiện nay tình hình rất khẩn trương. Muốn đạt tới thắng lợi hoàn toàn, chính phủ và nhân dân phải thực hiện ngay một số nhiệm vụ khẩn cấp như:
a. Thành lập chế độ dân chủ nhân dân chuyên chính, nghĩa là dân chủ đối với nhân dân và chuyên chính đối với “kẻ thù của nhân dân”. Chính thể phải vừa dân chủ vừa chuyên chính (độc tài) vì “chúng ta có dân chủ với nhân dân mới có thể chuyên chính với kẻ thù, và chúng ta phải chuyên chính đối với kẻ thù mới có thể bảo vệ được chế độ dân chủ nhân dân”.
b. Cần phải tăng cường đoàn kết toàn dân bằng các loại trừ những phần tử phản động trong guồng máy hành chính và để cho giai cấp vô sản tham dự chính quyền.
c. Cần phải liên kết mật thiết với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và cách mạng Việt Nam rất cần sự viện trợ của họ.
Có một điểm rất đáng chú ý là nhiều học viên tỏ thái độ thắc mắc về chính sách kết liên với các nước xã hội chủ nghĩa. Họ viện lẽ rằng nhiều nước như Ấn Độ và In-đô-nê-sia chẳng cần liên kết với khối nào mà vẫn kiện toàn được nền độc lập. Hơn thế nữa, vì họ đứng trung lập giữa hai khối nên cả hai đều phải kính nể họ. Do đó họ chiếm được ưu thế trên luận đàn thế giới. Nhiều học viên rất thắc mắc về điểm này, không giảng viên nào “đả thông” nổi, khiến cuối cùng, ông Hồ phải thân chinh đến thuyết phục từng người. Ông đả phá chủ trương “trung lập”, ông gọi các nước trung lập là những nước “làm đĩ chính trị”, nay ngả với phe này, mai ngả với phe khác để kiếm ăn. Khi nói chuyện với cả lớp và nhân nhắc đến thái độ trung lập, không dứt khoát lập trường, ông Hồ nói: “Đối với những chú không dứt khoát tư tưởng, còn đang lưng chừng, thì tôi khuyên nên dứt khoát ngay từ bây giờ: một bên là tổ quốc, một bên là quân thù. Chú nào muốn dinh tề thì xin cứ việc. Công an địa phương sẽ cấp giấy ngay tức khắc”. Nghĩ một lúc, ông nói: “Có hai ghế trước mặt. Các chú muốn ngồi cái ghế nào thì tuỳ ý chọn. Nhưng tôi khuyên chớ ngồi giữa hai chiếc ghế, vì ngồi như thế có cơ ngã xuống đất lúc nào không biết”.
4. TÁC PHONG CÁN BỘ VÀ ĐẢNG VIÊN
Bài này giảng về tác phong đúng đắn của cán bộ và đảng viên, nhưng học viên chia làm hai nhóm. Cán bộ học riêng và đảng viên học riêng. Đối với cán bộ ngoài đảng thì bài học cũng đại khái như cuốn SỬA ĐỔI LỀ LỐI LÀM VIỆC [1] do chính ông Hồ viết năm 1946. Trong cuốn sách nhỏ này ông Hồ đã liệt kê những thói hư tật xấu của công chức dưới thời Pháp thuộc, như tham ô, lười biếng, nịnh trên nạt dưới, hống hách với nhân dân.
Một điều đáng chú ý là từ ngày ông Hồ lên án những tật xấu này, guồng máy chính quyền của chính phủ kháng chiến gần như đã trở nên trong sạch hẳn, nhưng nhiều tật xấu lại tái phát từ ngày thành lập chế độ vô sản chuyên chính, năm 1954. Cũng những thói xấu ấy lại nẩy nở thêm dưới chế độ Bảo Đại và phát triển tới mức chưa từng thấy dưới chính thể Diệm Nhu ở miền Nam.
Ngoài những thói xấu vốn có từ thời Pháp thuộc mà ông Hồ đã liệt kê trong cuốn SỬA ĐỔI LỀ LỐI LÀM VIỆC, bài học trong khoá chỉnh huấn còn nêu thêm “bệnh” mới như: tả khuynh và hữu khuynh, cơ hội, tiêu cực, trùm chăn, lãng mạn, chủ quan, mất lập trường, mất cảnh giác, tự do (thích tự do cá nhân), bè phái, làm láo báo cáo hay, dân chủ quá trớn, bất mãn và vô số những bệnh thuộc về tư tưởng khác. Có một điểm đặc biệt là đối với các học viên không đảng thì tất cả các thói hư tật xấu này đều trút lên đầu giai cấp địa chủ và muốn diệt trừ những “chứng bệnh truyền nhiễm” này. Đảng dạy mọi người phải dứt khoát với giai cấp địa chủ và lật đổ giai cấp xấu xa ấy. Nhưng đối với các đảng viên, Đảng lại giảng rằng có một số bệnh phát xuất từ tư tưởng tiểu tư sản và Đảng dạy các đảng viên phải tích cực đấu tranh chống tư tưởng tiểu tư sản (tác giả không phải là đảng viên nên chỉ biết qua loa như vậy, không biết được nhiều điều giảng dạy khác).
Sau khi học xong bài này, đảng viên bộc lộ riêng, những học viên không đảng không được dự; nhưng trái lại các đảng viên vẫn dự những buổi bộc lộ công khai của những học viên không đảng. Tất cả đều bộc lộ những “bệnh” có liên quan đến bài học, và có một bệnh được mọi người ưa nghe nhất là bệnh hủ hoá, một danh từ mới có nghĩa là dâm ô. Nhiều học viên theo tinh thần của Jean Jacques Rousseau và lối trình bày của Francoise Sagan vanh vách kể hết những chuyện dâm ô với các bạn gái, nữ đồng sự, chị em họ và ngay cả chị em ruột. Có một anh sau khi kể hết cho cả lớp nghe những “chiến công oanh liệt” của mình có thể so sánh với những thành tích của Casanova, đột nhiên kết luận: “Bây giờ nhờ ơn Đảng đã dạy dỗ, tôi hết sức hổ thẹn, không dám nhìn mặt một nạn nhân cũ của tôi hiện đương có mặt tại đây”. Tự nhiên anh chàng tung ra “quả bom” này, khiến cả hội trường xôn xao và giới phụ nữ đỏ mặt tía tai. Về sau mọi người to nhỏ với nhau là anh chàng chủ tâm trả thù một nữ học viên ngày trước có gian díu với anh nhưng đã bỏ anh để gắn bó với một người khác cũng có mặt trong lớp học. Câu chuyện trên đây chứng tỏ rằng bộc lộ có thể có nhiều động cơ khác, không hẳn chỉ có chủ tâm cải thiện linh hồn sa ngã.
Sự thực thì bệnh dâm ô là một bệnh khá phổ biến trong vùng cộng sản kiểm soát. Lúc đầu Đảng có ý làm ngơ để phụ nữ có cảm tưởng được hoàn toàn giải phóng khỏi những “ách” của phong kiến trong đó có “tam tòng, tức đức” của Nho giáo. Ly dị được hết sức dễ dàng, nếu không phải là được khuyến khích trong nhiều trường hợp, khiêu vũ là một thứ mà người Việt đã quên từ ngàn xưa thì nay được Đảng để cao trở lại, bằng cách truyền bá một số vũ điệu nhập cảng từ Trung Quốc như “xôn lá xôn”, “yêu hoà bình” v.v. Lúc đầu nam nữ chỉ cầm tay, lượn đi lượn lại như múa rồng múa rắn, nhưng dần dà tiến tới những điệu mà nam nữ cũng ôm nhau theo kiểu khiêu vũ của Tây phương. Tại nhiều nơi, phụ nữ đi chợ phải nhảy một vài bước để tỏ ra có học nhảy mới được cán bộ cho vào chợ mua bán. Chữ “cô” bị coi là “phong kiến” và gạt hẳn ra ngoài từ vựng Việt Nam. Mọi người, không kể là chưa chồng hay đã có chồng đều được gọi là chị, nếu là “quần chúng” và gọi là “đồng chí” nếu là đảng viên. Thanh niên nam nữ được tự do hẹn hò để “tìm hiểu” không cần phải xin phép cha mẹ. Có trường hợp một nữ sinh bị phê bình là “phong kiến” vì không chịu chụp ảnh chung với một nam sinh.
Sự giao thiệp giữa trai gái rất lỏng lẻo, nhưng chúng ta vẫn phải thành thực công nhận chính sách đả phá tinh thần “nam nữ thụ thụ bất thân” của cộng sản đã làm cho phụ nữ miền Bắc hết sức tự nhiên không còn e lệ như phụ nữ thuở xưa và bạo dạn hơn phụ nữ miền Nam, chưa nói đến phụ nữ các nước Á châu khác. Những chính sách cởi mở của cộng sản như cho phép tự do luyến ái, dễ dàng cho li dị, không nhằm mục đích giải phóng phụ nữ thực sự, mà cốt ngấm ngầm huỷ bỏ quyền lực của các phụ huynh, để thay thế bằng quyền lực của Đảng. Ví dụ: theo pháp luật thì trai gái vị thành niên phải được bố mẹ cho phép mới được kết hôn nhưng thực tế bố mẹ không có quyền vì trong bản giá thú không có chỗ giành cho cha mẹ ký tên. Mặt khác, năm 1951 Đảng ra chỉ thị buộc các đảng viên cấp xã phải báo cáo trước khi kết hôn, cán bộ cấp tỉnh phải được sự đồng ý của Đảng, còn đảng viên cao cấp trong chính quyền hoặc trong quân đội thì việc lấy vợ, lấy chồng là do Đảng xây dựng. Kết quả là cuộc trăm năm chăn gối không còn mang nặng tính chất “môn đăng hộ đối” mà cũng không dựa trên nền tảng luyến ái. Tiêu chuẩn mới của hôn phối là lập trường và công tác chính trị. Nạn dâm ô hủ hoá tràn lan trong mấy năm đầu, một phần tại chính sách thả lỏng của Đảng, nhưng một phần lớn cũng tại tình trạng sinh hoạt trong mấy năm kháng chiến, tạo ra nhiều điều kiện quá dễ dàng. Thanh niên nam nữ năng hội họp và học tập ban đêm, công chức và học sinh trú ngụ thường xuyên trong gia đình nông dân mà thường khi chỉ có đàn bà con gái ở nhà, vì đàn ông thường phải đi “dân công” hàng tháng không về. Những người buôn bán cũng di chuyển về ban đêm và đến đâu cũng chỉ việc gõ cửa là có chỗ ngủ. Tình trạng thường xảy ra là trong khi chồng đi dân công vắng, người vợ ở nhà dễ dàng ngoại tình với người đàn ông khác đến ngủ nhờ trong khi đi dân công. Tình trạng nghiêm trọng đến nỗi nhiều người thoái thác mọi lẽ để không đi dân công, nhưng thực sự là muốn ở nhà để “canh” vợ. Tới mức đó, Đảng trông thấy mối nguy lớn nên tích cực đả phá nạn hủ hoá.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra là vấn đề đa thê. Trong thời gian kháng chiến nhiều người thất lạc vợ con và muốn cho cuộc đời hậu phương đỡ “hiu quạnh”, đã lấy “tạm” một người khác vì không biết ngày nào mới gặp lại gia đình chính thức. Có nhiều cán bộ cho vợ về thành để chạy chọt tiền nong, nhưng các bà vợ tiểu tư sản cứ ở lì, không muốn trở lại chiến khu. Các ông chồng chờ mãi không thấy vợ ra phải lấy vợ khác, nên đến khi tiếp quản Hà Nội, họ trở về với 2 vợ, một vợ “tề”, một vợ “kháng chiến”. Nhiều cán bộ cao cấp đã cưới vợ mới để “xứng” với địa vị mới. Đấy là trường hợp của ông Hoàng Minh Giám, bộ trưởng bộ văn hoá, ông Trần Huy Liệu, nguyên bộ trưởng bộ tuyên truyền và ông Đặng Kim Giang, Bộ trưởng Bộ Quân nhu. Có người kể chuyện ông Hồ phải thân hành đến đả thông trong suốt mấy tiếng đồng hồ, ông Trần Huy Liệu mới chịu công nhận có ba bà vợ là một khuyết điểm, đặc biệt là bà Ba lại là vợ goá của Phạm Giao, con Phạm Quỳnh. Cả hai bố con đều bị Việt Minh lên án “Việt gian” và thủ tiêu năm 1945.
Có một điều cần phải xác định là nạn hủ hoá không hề có trong hàng ngũ quân đội nhân dân. Kỷ luật hết sức khắt khe và hễ hiếp dâm là bị kết án tử hình. Vì vậy nên có trường hợp một cô gái quê, sau khi bị hiếp dâm, nhưng vì thương tình anh vệ quốc quân đã hiếp dâm mình, vội vã khai trước toà rằng chị ta đã “xung phong ủng hộ bộ đội”. Mục đích của Đảng là bắt buộc bộ đội phải cư xử hết sức đứng đắn với nhân dân những vùng mới giải phóng để kéo họ về phe kháng chiến, trái ngược với tư cách của quân đội viễn chinh Pháp. Chính nhờ kỷ luật sắt của quân đội cộng sản mà một phần lớn họ được nhân dân quý mến, khiến họ chiến thắng quân đội Pháp tương đối dễ dàng.
Câu chuyện sau đây chứng tỏ kỷ luật sắt trong hàng ngũ quân đội cộng sản. Trong cuộc Tây tiến năm 1950, quân đội Việt Minh đóng ở Sơn La thường bị con gái Thái ở địa phương trêu ghẹo. Con gái Thái không có tập tục “nam nữ thụ thụ bất thân” nên không e lệ như con gái miền xuôi và thường tròng ghẹo bất cứ thanh niên nào đặt chân đến bản thôn của họ. Nhưng họ hết sức ngạc nhiên khi thấy “bộ đội cụ Hồ” cứ trơ như đá, vững như đồng và họ đồn đại là cụ Hồ đã thiến lính trước khi đưa họ ra trận.
Một điểm khác cần được chú ý là bộ đội, mặc dầu có vợ cũng rất khó khăn mới được về phép thăm gia đình. Có người tin rằng cộng sản nhằm mục đích nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội. Lời giải thích này kể ra cũng hơi có lý vì thông thường những người nuôi gà chọi và ngựa đua vẫn áp dụng chính sách ấy: Tóm lại “thả lỏng” hay “kỷ luật sắt đá” đều tuỳ thuộc nhu cầu của cách mạng. Việc cộng sản có thể tuỳ thời áp dụng hai chính sách trái ngược chứng tỏ cộng sản nắm vững chiến thuật, sử dụng mọi biện pháp để thực hiện một cứu cánh tối hậu.
5.CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
Như đã trình bày ở trên, mục đích chính của khoá chỉnh huấn 1953-54 là chuẩn bị tư tưởng cho chiến dịch Cải cách ruộng đất, nghĩa là thuyết phục đảng viên và cán bộ bắt họ phải công nhận sự cần thiết và chính sách thực hiện cải cách ruộng đất. Tất cả vấn đề là, mặc dầu Đảng đã nắm quyền sinh quyền sát, Đảng không muốn thực hiện cải cách ruộng đất bằng sắc lệnh và nghị định từ trên ban xuống, mà Đảng muốn “phóng tay phát động quần chúng đấu tranh”, nghĩa là dùng hình thức quần chúng bạo động. Tất cả năm bài học trong khóa chỉnh huấn này đều được xếp đặt trước sau theo một thứ tự rất khôn ngoan, cốt để lái học viên, xuất phát từ lòng yêu nước tự nhiên và bồng bột, đến chỗ chấp nhận việc thi hành chính sách cải cách ruộng đất theo đúng sách lược Mao Trạch Đông. Muốn tới kết quả như vậy, công tác tư tưởng phải chia thành nhiều giai đoạn tuần tự.
Bài học mở đầu bằng cách nhắc lại một vài điểm quan trọng đã giảng trong các bài trước. Chế độ thực dân rất ác nghiệt, nên mọi người yêu nước phải tích cực kháng chiến chống thực dân. Các phong trào quốc gia đều thất bại, vì không lôi kéo được quảng đại quần chúng. Bây giờ nhờ có sự chỉ dẫn của Bác Hồ và Bác Mao – những đệ tử trung thành của Mác, Lênin và Sit-ta-lin – chúng ta đã huy động được sự tham gia đông đảo của các đồng chí nông dân. Nhờ có sự tham gia cách mạng của nông dân nên kháng chiến đã thành công rất lớn. Hiện nay, anh chị em nông dân là lực lượng bản bộ của kháng chiến.
Sau khi nhắc lại những điểm này, bài học mới thực sự đi vào việc thuyết phục học viên về chính sách cải cách ruộng đất:
a. Bản chất anh chị em nông dân là rất “thực tế” (tránh chữ hám lợi). Trong khi anh chị em tích cực tham gia kháng chiến chịu đựng hy sinh, anh chị em cũng muốn được hưởng ngay tức khắc một vài quyền lợi vật chất và tinh thần. Vì vậy nên, nếu chúng ta muốn anh chị em nông dân tích cực hơn nữa, chúng ta phải làm cho anh chị em phấn khởi thêm bằng cách cấp phát cho mọi người có đủ ruộng đất để cày cấy, và để các anh chị em có toàn quyền tự làm chủ lấy vận mạng của mình.
b. Đường lối của Đảng, nói chung vẫn đúng, nhưng Đảng đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong việc chấp nhận giai cấp địa chủ là một trong bốn thành phần chính yếu của chế độ dân chủ nhân dân. Thực tế đã cho chúng ta biết là giai cấp địa chủ không phải là bạn của nhân dân, mà là kẻ thù số một của chế độ dân chủ nhân dân.
c. Nhưng chỉ có anh chị em nông dân mới biết rõ ai là địa chủ và mỗi tên địa chủ phản động tới mức nào và đã phạm những tội ác gì. Vì vậy chúng ta phải “phóng tay” phát động các anh chị em nông dân “tố khổ” và trị tội bọn chúng. Đấy là công việc của anh chị em nông dân, còn về phần Đảng chỉ giữ nhiệm vụ “hướng dẫn”. Đảng không trực tiếp lãnh đạo.
o O o
Có một điểm cần được nêu nên là chiến thuật cải cách ruộng đất do ông Mao thiết lập cho Trung Quốc, có nhiều chỗ không phù hợp với tình hình Việt Nam vì giữa hai nước tình trạng chiếm hữu ruộng đất có mấy điểm sai biệt như sau:
a. Chế độ phong kiến phát triển rất mạnh ở Trung Hoa và vẫn duy trì được ưu thế dưới chính thể Quốc dân Đảng. Các địa chủ lớn ở Trung Hoa đồng thời cũng là quân phiệt, có quân đội riêng, tự đặt ra pháp luật, mặc sức bóc lột và áp chế nông dân theo kiểu các tiểu vương thuở xưa. Tình trạng ở Việt Nam lại khác hẳn. Người Việt Nam thuộc chủng tộc In đô nê sia (cùng gốc với người Mường và người Mọi) mà đặc tính là tinh thần “làng bản”, một di tích của chế độ cộng sản nguyên thuỷ. Làng nào cũng có công điền, công thổ, và có khi tất cả ruộng đất trồng trọt trong làng, hoặc trong một huyện đều là công điền. Trong toàn cõi Việt Nam, 20 phần trăm ruộng đất đều là công điền. Việc sở hữu tư điền tất nhiên không đồng đều, người có ít, người có nhiều, nhưng sự chênh lệch không đến nỗi trầm trọng như nhiều nước khác. Trước thế chiến thứ hai, nhà kinh tế học người Pháp, ông Yves Henri, đã kê khai việc phân chia ruộng đất ở Việt Nam như sau:
Bắc kỳ:
Ruộng đất: Trên 50 Ha; Địa chủ: 0,10%; Diện tích: 20%
Ruộng đất: Từ 5 - 50 Ha; Địa chủ: 8,35 %; Diện tích: 20%
Ruộng đất: Dưới 5 Ha; Địa chủ: 90,88 %; Diện tích: 40 %
Ruộng đất: Công điền; ----------------------; Diện tích: 20 %
Trung kỳ:
Ruộng đất: Trên 50 Ha; Địa chủ: 0,13%; Diện tích: 10%
Ruộng đất: Từ 5 - 50 Ha; Địa chủ: 8,35 %; Diện tích: 15%
Ruộng đất: Dưới 5 Ha; Địa chủ: 93,80 %; Diện tích: 50 %
Ruộng đất: Công điền; ----------------------; Diện tích: 25 %
Nam kỳ:
Ruộng đất: Trên 50 Ha; Địa chủ: 2,46%; Diện tích: 45%
Ruộng đất: Từ 5 - 50 Ha; Địa chủ: 25,77 %; Diện tích: 37 %
Ruộng đất: Dưới 5 Ha; Địa chủ: 71,73 %; Diện tích: 15 %
Ruộng đất: Công điền; ----------------------; Diện tích: 3 %
b. (Y. Henri – ECONONMIE AGRICOLE DE L’INDOCHINNE (Hanoi, 1932). Bản này được chính quyền Bắc Việt công nhận là đúng và trích đăng trong cuốn Xã thôn Việt Nam, do nhà xuất bản Văn Sử Địa, cơ quan nghiên cứu chính thức của Đảng Lao động ấn hành, Hanoi, năm 1959, trang 62.)
c. Trung Hoa là một quốc gia độc lập. Địa chủ Trung Hoa được chính quyền Quốc dân Đảng bênh vực và che chở. Trái lại, Việt Nam là một thuộc địa, do ngoại bang cai trị. Do đó, dù là “giai cấp bốc lột” các địa chủ Việt Nam vẫn bị chính quyền thực dân áp bức và bóc lột. Vì bản thân là nạn nhân của chế độ thực dân nên địa chủ Việt Nam luôn luôn chống đối chính quyền thực dân. Không ai chối cãi được rằng họ đã ủng hộ cách mạng Việt Nam rất nhiều, nhất là về phương diện tài chính. Ngay cả Đông Dương Cộng sản Đảng, phong trào Việt Minh và phong trào kháng chiến cũng quyên được của địa chủ rất nhiều (Tuần lễ vàng, Ủng hộ bộ đội địa phương, v.v.) Sự thực thì họ đóng góp rất nhiều công của cho chính phủ kháng chiến từ đầu cho đến ngày đương ở địa vị “một thành phần của chính quyền dân chủ nhân dân”, họ bị giáng xuống là “kẻ thù của nhân dân”.
d. Khổng giáo xuất phát từ Trung Quốc, nhưng cũng bắt đầu suy tàn từ Trung Quốc, trong khi còn đương thịnh hành ở Việt Nam. Trong mấy thế kỷ gần đây, Trung Quốc trải qua nhiều triều đại đốn bại, và nhất là sau cuộc Cách mạng Tân Hợi thì tình hình trở nên gần như vô chính phủ, ban ngày thì quân phiệt sách nhiễu, ban đêm thì thổ phỉ hoành hành. Việt Nam cũng trải qua nhiều triều đại, nhưng lúc nào chế độ vua quan cũng đặt trên nền tảng Nho giáo. Từ triều đình cho đến thôn xã giới thống trị được chọn lọc trong đám khoa bảng, không có tình trạng quân phiệt chiếm đoạt chính quyền như ở Trung Quốc.
e. Trong 80 năm gần đây, Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Nhân dân Việt Nam có dịp đụng chạm với văn hoá Tây phương một cách trực tiếp hơn nhân dân Trung Quốc. Sự va chạm giữa hai nền văn hoá khác nhau tất nhiên gây nên nhiều tai hại trong xã hội Việt Nam, nhưng đồng thời cũng mang lại một vài ảnh hưởng tốt. Một trong những ảnh hưởng này là sự hấp thụ được tính lý luận chính xác và khúc chiết. Do đó, người Việt Nam và nhất trí thức Việt Nam không ưa những lối lý luận hàm hồ, quanh co và “đại khái chủ nghĩa”. Nếu tính theo phần trăm dân số thì những người có thể gọi là tri thức ở Việt Nam nhiều hơn ở Trung Quốc bội phần.
Tất cả những điểm sai biệt kể trên, và nhiều điểm dị đồng về nhiều phương diện khác nữa, khiến xã hội Việt Nam và xã hội Trung Quốc có rất nhiều điểm không giống nhau, vì vậy nên chiến thuật cải cách ruộng đất từ Trung Quốc mang sang, không hợp với hoàn cảnh Việt Nam bằng hoàn cảnh Trung Quốc. Nói vậy không có nghĩa là công nhận chiến thuật của họ Mao hoàn toàn thích hợp với hoàn cảnh Trung Quốc và tinh thần nhân dân Trung Quốc.
Vì vậy nên việc Đảng Lao động muốn bắt giới trí thức Việt Nam phải chấp nhận chính sách cải cách ruộng đất của Trung Quốc quả là một công việc gay go. Chính vì muốn bắt giới trí thức phải “chịu liều thuốc Bắc”, nên Đảng đã tổ chức khoá chỉnh huấn 1953-54. Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày cặn kẽ, vì toàn bộ quả thật là một mưu mô kỳ diệu.
Tài liệu học tập chính trong bài thứ 5 này là bản báo cáo của ông Trường Chinh, đọc tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng Lao động, họp tại Việt Bắc, từ ngày 14 đến ngày 23 tháng 2, 1953.
Đảng đã dùng ngay những luận điệu của ông Trường Chinh để cố gắng giải thích, chứng minh và thuyết phục các học viên trong lớp. Sau đây chúng tôi xin trích những đoạn quan trọng trong bản báo cáo của ông Trường Chinh. Chúng tôi viết thêm những tiêu đề để nói rõ lên những điều ông Trường Chinh không muốn nói rõ.!!!Chế độ cũ là một chế độ bóc lột.
Địa chủ không đầy năm phần trăm dân số mà còn cùng với đế quốc chiếm đoạt vào khoảng 70% trong nước, trong khi nông dân, gồm 90 phần trăm dân số, chỉ sở hữu chừng 30% ruộng đất.!!!Nếu chia đều ruộng đất thì mỗi gia đình sẽ được bao nhiêu?
Đất trồng tỉa trong toàn quốc có đến 5 triệu héc ta. Nếu mà đem chia đều 5 triệu gia đình, thì sẽ được một héc ta.!!!Địa chủ Việt Nam luôn luôn cấu kết với đế quốc Pháp.
Từ ngày bị Pháp cai trị, giai cấp địa chủ luôn luôn cấu kết với đế quốc Pháp để bóc lột và áp bức nông dân mỗi ngày một ác nghiệt hơn.!!!Địa chủ và đế quốc đều là kẻ thù. Chúng ta cần phải tiêu diệt cả hai.
Mục tiêu của cách mạng là tiêu diệt cả đế quốc lẫn phong kiến vì cả hai đều là kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam. Muốn lật đổ đế quốc thì đồng thời phải lật đổ cả phong kiến. Ngược lại, muốn lật đổ phong kiến thì đồng thời cũng phải lật đổ đế quốc.!!!Chống thực dân chưa đủ. Phải là cộng sản mới đủ.
Nhiệm vụ phản đế và phản phong không thể tách rời nhau được. Chúng ta cần đả phá thái độ muốn tách rời nhiệm vụ phản phong và nhiệm vụ phản đế, coi đế quốc là kẻ thù chính và phong kiến là kẻ thù phụ.!!!(phản đế nghĩa là chống thực dân. Phản phong nghĩa là tiêu diệt giai cấp địa chủ.)
CHƯƠNG TRÌNH HAI ĐỢT
Phong trào Cải cách ruộng đất sẽ gồm có hai đợt:
1. 1. Giảm tô [2] để giảm ưu thế kinh tế của giai cấp địa chủ bước đầu để tiến tới tiêu diệt ưu thế chính trị của chúng.
2. Cải cách ruộng đất, bãi bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của địa chủ, tiêu diệt ưu thế chính trị của chúng.!!!Có thực giai cấp địa chủ là Việt gian không?
Chiến tranh càng khốc liệt thì giai cấp địa chủ phong kiến càng tỏ ra phản động. Chứng cớ là trong phong trào giảm tô, nhân dịp đấu tố, chúng ta đã phát hiện nhiều địa chủ làm Việt gian do thám cho địch. Chúng thành lập những căn cứ ở địa phương cho quân đội địch, thành lập nhiều tổ chức phản động để hòng phá hoại chính sách của chính phủ chống thuế, chống dân công v.v. Nhiều địa chủ đã ám sát cán bộ, đốt nhà nông dân, bỏ thuốc độc xuống giếng, ra hiệu cho máy bay địch bắn phá thả bom.!!!Chúng ta đã phạm sai lầm.
Trong những năm gần đây chúng ta đã đoàn kết một chiều với giai cấp địa chủ. Chúng ta coi nhẹ nhiệm vụ phản phong, và chúng ta không nhận định rõ ràng có đấu tranh phản phong thì đấu tranh phản đế mới thành công, chóng đạt tới kết quả.!!!Tại sao chúng ta không bắt chước Bác Mao, chờ đánh Pháp xong rồi sẽ tiêu diệt địa chủ?
Chúng ta áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc trong tám năm kháng Nhật, nhưng hồi đó, cách mạng Trung Quốc chỉ thực hiện giảm tô, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc còn phải liên minh với chính phủ Tưởng Giới Thạch để chống Nhật. Chính phủ Quốc dân Đảng đại diện cho giai cấp địa chủ và bọn quan liêu tư sản. Chúng ta không có vấn đề liên minh như vậy nên chúng ta không cần phải hạn chế chính sách ruộng đất của chúng ta bằng cách chỉ thực hiện giảm tô mà thôi.!!!Chúng ta nhận là sai và sẽ chữa.
Đảng ta là Đảng Mác-xít Lê-nin-nít, có truyền thống phê bình và tự phê bình để tiến bộ. Chúng ta thành thật nhận là sai và quyết tâm sẽ sửa chữa.!!!Phải cô lập giai cấp địa chủ để tiêu diệt chúng.
Phải dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông. Muốn được như vậy chúng ta phải tôn trọng quyền lợi của họ, giác ngộ quyền lợi giai cấp cho họ và làm cho họ thấm nhuần câu: “Bần cố nông và trung nông là anh em một nhà”.
Còn đối với phú nông thì chúng ta liên hiệp với họ (về phương diện chính trị (nghĩa là không đấu tố họ); về phương diện kinh tế thì chúng ta giữ nguyên lối làm ăn của họ!!!(cộng sản chỉ giữ lời hứa trong đúng một năm).
Liên hiệp với phú nông để cô lập giai cấp địa chủ, để lôi kéo phú nông vào hàng ngũ kháng chiến và để trung nông được yên tâm. Dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết với trung nông để thanh toán từng bước một chế độ phong kiến bóc lột, để tăng cường sản xuất và củng cố kháng chiến.!!!Tại sao phải thực hiện hai chiến dịch?
Giảm tô là bước đầu, cải cách ruộng đất là bước thứ hai của một chiến thuật chính trị duy nhất. Chúng ta thực hiện giảm tô để dọn đường cho cải cách ruộng đất.!!!Tại sao mỗi chiến dịch gồm có nhiều đợt?
Muốn thực hiện chính sách ruộng đất chúng ta phải chiến đấu chống lại những lực lượng chống đối. Tình hình quân sự quyết định sự thành bại.!!!(Cộng sản chỉ thực hiện cải cách ruộng đất ở những nơi cộng sản kiểm soát chặt chẽ, không thực hiện ở những nơi giáp giới vùng Pháp chiếm đóng).
Cần thực hiện cải cách ruộng đất làm nhiều đợt. Trước tiên ở những vùng thuận tiện sau mới tới các vùng khác, không bao giờ thực hiện một lúc khắp mọi nơi.!!!(Có nghĩa là cải cách ruộng đất chưa thực hiện ngay ở những vùng dân tộc thiểu số đảng chưa nắm vững).
Đừng hoảng sợ. Đảng có chính sách phân biệt.
Giai cấp địa chủ phong kiến là phản động. Tuy nhiên hiện nay trong nước ta có ba loại địa chủ:
1. Địa chủ cường hào, gian ác, Việt gian, phản động
2. Địa chủ thường
3. Địa chủ kháng chiến và nhân sĩ tiến bộ
Nếu anh nhận đường lối của Đảng, anh sẽ thoát.
Chúng ta sẽ xử lý tuỳ theo thái độ chính trị của mỗi loại địa chủ.!!!Nếu anh “tốt”, ruộng đất của anh sẽ không bị tịch thu. Trái lại sẽ được trưng mua.
Sau khi phân chia địa chủ thành loại và xét từng loại ruộng đất, cần phải thi hành biện pháp sau đây để tước quyền sở hữu ruộng đất của đế quốc và địa chủ.
1. Tịch thu
2. Trưng thu không bồi thường
3. Trưng mua (theo giá chính phủ ấn định)
Tiếp theo bài báo cáo của ông Trường Chinh, và đạo sắc lệnh về ruộng đất ấn định thể thức thi hành. Cả bản báo cáo lẫn bản sắc lệnh đều điển hình của lối hành văn cộng sản.
Trở lại quang cảnh học viên đương khổ tâm nghiên cứu bản báo cáo của ông Trường Chinh. Họ thảo luận suốt trong mười ngày, bàn cãi từng câu từng chữ. Nhưng thực sự không mấy người hoàn toàn chấp nhận luận điệu của ông Trường Chinh, vì nhiều chỗ ông nguỵ biện một cách quá lộ liễu. Không ai chối cãi là từ trước ruộng đất ở Việt Nam cũng như ở mọi nước không cộng sản phân chia không đồng đều, và có những địa chủ bóc lột và đàn áp nông dân. Nhưng không ai có thể công nhận những con số quá đáng mà ông Trường Chinh đã nêu ra để lấy cớ áp dụng một chính sách cực kỳ bạo tàn trong chiến dịch Cải cách ruộng đất. Ông nói ở Việt Nam, 5 phần trăm dân số bóc lột 90 phần trăm khác. Trong số “bị bóc lột” ông bao gồm cả hai triệu dân thành thị không có ruộng đất, và hai triệu dân thiểu số thường sống lưu động, hoặc có ruộng nhưng không khai báo, vì không muốn đóng thuế. Trong số “bị bóc lột” ông Trường Chinh cũng gộp luôn cả giới trung nông là đại đa số những người sở hữu ruộng đất (90, 88 phần trăm ở Bắc kỳ, 93, 80 phần trăm ở Trung kỳ và 71, 73 phần trăm ở Nam kỳ). Ông Trường Chinh đổ diệt cho địa chủ Việt Nam và đế quốc chiếm hữu tới 70 phần trăm, ông kể cả công điền, chừng 20 phần trăm, và tập tục thì bao giờ cũng chia đều cho dân làng thay phiên cày cấy. Tại sao ông Trường Chinh lại bao gồm công điền vào số ruộng đất bị địa chủ chiếm đoạt? Khi bị chất vấn trong một khóa chỉnh huấn về vấn đề kể trên, ông trả lời: “Công điền chỉ còn là ruộng công trên nguyên tắc thực tế, những công điền đã bị bọn cường hào ác bá dùng thủ đoạn chiếm đoạt làm ruộng tư”. Mặc dầu vậy, trong cuốn XÃ THÔN VIỆT NAM xuất bản năm 1959, Đảng Lao động cũng phải công nhận như sau:!!!…Chế độ ruộng công đã từng có lâu đời ở Việt nam. Cho nên nguyên tắc phân phối bình quân ruộng công cũng trở thành một tập quán ăn sâu trong nhân dân, nó có sức mạnh của truyền thống,!và nhân dân luôn đấu tranh để bảo tồn nguyên tắc ấy. Cho nên chừng nào chế độ ruộng công còn tồn tại, thì những nguyên tắc đó không thể xoá bỏ được. Nghĩa là bọn cường hào địa chủ cho dù có dựa vào chính quyền thực dân chăng nữa cũng không thể nào công nhiên đem tất cả ruộng công mà lần lượt chia nhau không đếm xỉa gì đến nhân dân.
(XÃ THÔN VIỆT NAM, Tr. 77).
Một mặt khác, ông Trường Chinh cố tình dùng lối hành văn mập mờ “cùng với đế quốc” để bao gồm trong số ruộng đất mà ông coi là “chiếm đoạt của nhân dân” những đồn điền chè và cà phê do Pháp kiều khai khẩn ở những nơi trước kia mà vì sợ bệnh sốt rét nên không ai dám lui tới. Dĩ nhiên là ở các đồn điền Pháp đã bóc lột cu li Việt nam một cách tàn nhẫn nhưng dù sao cũng phải công nhận rằng đấy là những đất mới khai hoang, không phải như ông Trường Chinh nói, là đế quốc “chiếm đoạt của nông dân”.
Việc ông Trường Chinh hứa mỗi gia đình Việt Nam sẽ có một héc ta đất (mẫu tây) ruộng cũng rõ ràng là một thủ đoạn lừa bịp. Đành rằng nếu đem số 5 triệu héc ta, nhưng ông Trường Chinh cố ý quên rằng trong số 5 triệu héc ta thì 2 triệu 3 héc ta lại ở Nam kỳ, không phải ở Bắc kỳ, nơi mà Đảng Lao động thực hiện cải cách ruộng đất. Nếu muốn gia đình Việt Nam có một héc ta ruộng đất thì phải di cư một nửa dân số Bắc kỳ vào Nam, nghĩa là di cư 10 triệu người đi xa 2.000 cây số vào miền đồng bằng phì nhiêu của sông Cửu Long. Dĩ nhiên là hồi năm 1954, khi ông Trường Chinh đọc bản báo cáo của ông trước Đại hội lần thứ nhất của Đảng Lao động, Đảng không có phương tiện thực hiện một cuộc di cư vĩ đại như vậy; nhưng phải chăng Đảng đã định tâm, nếu thống nhất được quốc gia dưới chế độ cộng sản sẽ đưa đến một nửa dân số Bắc Việt vào Nam để chia bớt ruộng đất của đồng bào ruột thịt Nam bộ”?
Ông Trường Chinh cứ gọi địa chủ Việt Nam là “phong kiến” với ngụ ý “mập mờ đánh lận con đen” làm như thế từ xưa tới nay họ vẫn là “con vua cháu chúa” có quyền coi nhân dân như tài sản tư hữu của mình. Khi bị chất vấn về danh từ “phong kiến” dùng để chỉ “địa chủ”, ông Trường Chinh chỉ trả lời lờ mờ rằng “chế độ địa chủ xuất phát từ thời phong kiến”. Các học sinh trong lớp chỉnh huấn hiểu rõ ý định của ông Trường Chinh là “muốn giết chó thì kêu là chó dại”, và họ cũng hiểu rằng bản báo cáo của ông Trường Chinh chỉ là một cái bình phong dùng để che đậy thâm ý độc ác của Đảng: tiêu diệt giai cấp địa chủ đã từng tham gia kháng chiến, đã giúp cộng sản lên lắm chính quyền và củng cố thế lực.
Trong thời gian học tập bản báo cáo, cuộc thảo luận vẫn sôi nổi như mấy bài trước, nhưng học xong bài này thì mọi người đều tỏ ra chấp nhận luận điệu của Đảng. Họ chấp nhận sự cần thiết của cải cách ruộng đất và cả phương pháp tàn bạo thực hiện cải cách ruộng đất một cách rất ngoan ngoãn vì một lẽ rất dễ hiểu: Đa số học viên thuộc thành phần địa chủ nên hy vọng rằng một khi đã chấp nhận chủ trương đường lối của Đảng, may ra sẽ được sắp xếp là địa chủ kháng chiến trong nhiều năm. Vì vậy nên đối với họ, thái độ khôn ngoan hơn cả là đứng về phe Đảng, hoặc ít nhất cũng tỏ ra như vậy. Học xong bài học về cải cách ruộng đất, tất cả lớp đều đồng ý về bản báo cáo của ông Trường Chinh và đồng thanh hô to: “đả đảo giai cấp địa chủ!”
Nhưng sau khi mãn khoá ra về, nhiều người chợt nhớ tới cái câu ví của ông Hồ Chí Minh: “đế quốc là con hổ mà địa chủ là bụi rậm để cho con hổ núp. Vì vậy nên muốn đuổi hổ, phải phá cho kỳ được bụi rậm”. Mặc dù họ đi chỉnh huấn về, có cảm tưởng rằng bản thân mình sẽ được an toàn, nhưng họ quên rằng bố mẹ, anh em, họ hàng sẽ bị Đảng coi là lang sói, và gia đình êm ấm của họ là sào huyệt của hổ báo mà Đảng sẽ đốt phá trong một tương lai rất gần.
Chú thích
[1] SỬA ĐỔI LỀ LỐI LÀM VIỆC, nhà xuất bản Sự thật. Cuốn sách của tác giả XYZ, bút hiệu của ông Hồ.
[2] Giảm tô ở Trung Quốc (thực hiện ở những vùng Trung cộng chiếm đóng trước 1949) là chỉ giảm tô không mà thôi, không phải là chiến dịch giảm tô theo kiểu Trường Chinh trình bày, vì giảm tô theo kiểu này là đợt một của cải cách ruộng đất, có đấu tố và xử bắn địa chủ. Ý Trường Chinh muốn nói là: “địa chủ Trung Hoa được chính quyền Quốc dân Đảng che chở nên bác Mao không dám tiêu diệt họ trong khi đương liên minh với Tưởng Giới Thạch. Còn địa chủ Việt Nam thì chẳng được chính phủ nào che chở, nên chúng ta có thể tiêu diệt họ ngay bây giờ được”.
Từ Thực Dân Đến Cộng Sản Từ Thực Dân Đến Cộng Sản - Hoàng Văn Chí Từ Thực Dân Đến Cộng Sản