Số lần đọc/download: 2045 / 25
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:38 +0700
Phần III - Chương 13: Cộng Sản Có Mặt
TRONG TẦM TAY ĐẾ QUỐC HIỆN ĐẠI
Cộng Sản Có Mặt
Tư Bản Mỹ
Áp Lực Truyền Kiếp: Người Hán
Nói tới đế quốc hiện đại là phải nói tới Cộng Sản, trong đó gồm có các cơ cấu đầu não quốc tế và các tổ chức địa phương. Từ khi tranh chấp trong nội bộ thế giới CS bùng nổ – bên ngoài là tranh chấp quyền giải thích chủ nghĩa, thực chất là vì quyền lợi quốc gia – thì thế giới CS bị chia năm xẻ bảy, trong đó có hai khối chính do Nga và Tàu cầm đầu. Sau khi toàn thắng ở Hoa Lục, CS Trung Quốc đã phải dành một thời gian lo việc nội chính, sau đó mới tính tới chuyện Đông Nam Á. Còn Nga, vì nhu cầu tranh chấp với Tàu, mãi gần đây mới quan tâm đến việc gây ảnh hưởng mạnh hơn ở vùng này.
Vì không được lãnh đạo trực tiếp, trong quá trình hình thành và phát triển, CS Đông Nam Á đã chiến đấu khá đơn độc; lực lượng CS bành trướng không đều và không đủ mạnh để tạo thành một phong trào rộng khắp toàn vùng. Cuộc đấu tranh vũ trang của CS Việt Nam tuy có sôi nổi nhưng cũng chỉ giới hạn trong khu vực Đông Dương mà thôi, mặc dầu sau này đã được toàn thế giới CS tích cực yểm trợ.
Về phương thức đấu tranh, CS Đông Nam Á đã đi theo đường lối vũ trang khởi nghĩa để từ đó mưu tính tạo ra những cuộc chiến tranh cách mạng, hầu đánh quỵ hẳn lực lượng cầm quyền. Đường lối này có vẻ ngả theo phương thức tiến hành của CS Trung Quốc[1] và khác hẳn phương thức mà các đảng CS Á Châu khác đã và đang theo đuổi [2].
Giai đoạn phôi thai của CS ở Đông Nam Á được ghi chung vào thời kỳ giữa Thế chiến I và Thế chiến II. Trong thời kỳ này, CS đã lập đảng ở tất cả các nước (nếu đảng CS Đông Dương đưọc coi như đảng chung của cả ba xứ Việt, Lào, Kam-pu-chia) và sau đó đã phát triển mạnh nhờ Thế chiến II. Thế chiến II là thời kỳ các đảng CS vừa củng cố được cơ cấu lãnh đạo, vừa tự thực tập đấu tranh vũ trang trên tầm mức nhỏ. Khởi nghĩa có cường độ cao và chiến tranh thực sự chỉ được tung ra sau thế chiến: Việt, Lào, Kam-pu-chia được lồng vào cuộc kháng chiến chống Pháp từ 1946, Phi-Líp-Pin với cuộc nổi dậy năm 1947, Miến, Mã, Indonesia vào năm 1948 [3].
Trên một phần tư thế kỷ lẩn quẩn trong cuộc đấu tranh, khi công lúc thủ, CS Đông Nam Á vẫn chưa nhìn thấy viễn ảnh đoạn chót con đường đã vạch. Các Cộng đảng Phi, Mã, Indonesia, Miến đã và còn đang bị dồn vào thế kẹt. Cộng đảng Thái thì mới trong thời kỳ chuyển hướng với chủ trương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và chiến tranh du kích hơn nữa. Chỉ có CS Việt, Lào, Kam-pu-chia tương đối tiến xa hơn cả; nhất là CS Việt, chẳng những đã nắm trọn chính quyền một nửa nước mà hiện cũng đang cố gắng chia sẻ chính quyền ở phân nửa nước còn lại.
Thời Kỳ Phôi Thai Tiền Thế Chiến
Indonesia
Dấu vết tổ chức Cộng sản đầu tiên ở Đông Nam Á là nhóm Mác-xít Hoà Lan trong Hiệp Hội Dân Chủ Xã Hội thành lập tại thuộc địa Indonesia năm 1914, ba năm trước cuộc cách mạng tháng 10 ở Nga. Sneevliet, người cầm đầu Hiệp Hội Dân Chủ Xã Hội, đã bị chính quyền thuộc địa bắt năm 1918, nhưng trước đó, ông đã cấy được cái mầm Mác xít vào một số người Indonesia và họ đã kế tục sự nghiệp dở dang của ông.
Lúc đầu, nhóm Mác xít bản xứ gia nhập đảng Hồi giáo Sarekat với mưu tính dần dần nắm trọn đảng này. Nhưng sau không thành công, họ đã tách ra thành lập đảng Cộng Sản (1920). Chiêu bài tuyên truyền của đảng trong giai đoạn phôi thai là đánh Hoà dành độc lập, chứ không hướng nỗ lực thực thi chủ nghĩa, phát động đấu tranh giai cấp. Dầu sao, Cộng đảng Indonesia cũng lấy lực lượng thợ thuyền làm đối tượng lôi cuốn để bành trướng đảng. Nhiều nghiệp đoàn lao động đã chịu ảnh hưởng mạnh của Cộng đảng, nhưng sau vụ thất bại 1926, các tổ chức này như rắn không đầu cũng tan rã dần, hoặc mất tiềm lực đấu tranh cách mạng.
Nhóm Cộng sản đầu tiên ở Indonesia đã được Quốc Tế 3 (Quốc Tế Cộng Sản) công nhận. Rõ ràng, Mạc Tư Khoa đã trông chờ nơi Indonesia như một địa điểm khởi phát để gây dựng phong trào cộng sản toàn vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau này, làn sóng Cộng sản đã không dồn từ miền Nam lên, mà lại luôn luôn từ đảng Cộng Sản Trung Hoa từ miền Bắc tràn xuống.
Mã Lai
Một đảng cộng sản khác cũng ra đời rất sớm ở Đông Nam Á là đảng Cộng sản Mã Lai. Nguyên Hoa kiều hải ngoại, hầu hết ở Đông Nam Á, là một nguồn yểm trợ tài chánh rất mạnh cho phong trào cách mạng Tôn Dật Tiên. Sau này Quốc Dân Đảng và Cộng đảng cũng noi theo vết cũ tìm mọi cách lôi cuốn Hoa kiều vào đoàn thể. Phân bộ Quốc Dân Đảng ở Mã Lai thành lập vào khoảng đầu thập niên 1920, trong đó hệ phái tả khuynh khá đông đảo và có hậu thuẫn mạnh trong các trường học và tổ chức lao động. Thủ lãnh nhóm cộng sản trong Quốc Dân Đảng là Fu Ta Ching, cán bộ Cộng đảng Trung Hoa, được gửi tới Singapore năm 1925.
Khi mối đoàn kết Quốc Cộng rã tan ở Hoa Lục vào năm 1927, thì Hoa kiều ở Mã cũng bị ảnh hưởng lây làm cho phe Cộng phải tính việc tách ra thành một đảng riêng. Việc này không mấy khó khăn, vì nhóm Mác xít đã có sẵn các tổ chức chịu ảnh hưởng, quan trọng nhất là Tổng Liên Đoàn Lao Động Nam Dương. Cho nên, chỉ một năm sau họ đã cho ra đời một chính đảng mới có tên là Đảng Cộng Sản Nam Dương – một cái tên có vẻ bao vùng vượt cả ra ngoài lãnh thổ Mã Lai, vì người Tàu vẫn thường dùng chữ Nam Dương (Nan Yang) để chỉ toàn miền Nam Đông Nam Á (mà sau này nhiều người quen dùng để chỉ riêng Indonesia.) Đảng Cộng Sản Nam Dương sau đổi tên là Đảng Cộng Sản Mã Lai và rút phạm vi hoạt động về địa phận Mã Lai kể từ khi Đảng Cộng Sản Đông Dương được thành lập.
Năm 1930, cán bộ Quốc Tế 3 người Pháp tên là Serge Lefranc bị bắt ở Singapore, đã tiết lộ hầu hết đầu dây mối nhợ hệ thống Cộng sản mới thành lập ở Đông Nam Á làm cho Cộng đảng Mã Lai bị xáo trộn mạnh vì những vụ bắt bớ. Cũng trong vụ này, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã bị Anh bắt giữ ở Hương Cảng. Trong thập niên 30, Mã Cộng đã hoạt động rất mạnh và thu hút được nhiều Hoa kiều vì trong tuyên truyền họ đã dùng lòng thù ghét Nhật Bản hơn là dùng chính lý thuyết cộng sản làm động cơ lôi cuốn, nhất là từ khi Nhật đánh Mãn Châu (1931.) Nhưng dù bành trướng đến đâu, Cộng đảng cũng không bắt đưọc rễ sâu vào trong dân Mã gốc. Điểm này đã đưa Cộng sản đến chỗ què quặt, và sau Thế Chiến II, khi Cộng đảng nổi dậy thì lập tức chiến tranh nhân dân như đã dự liệu biến thành chiến tranh mang nặng tính chất chủng tộc.
Đông Dương
Sinh sau đẻ muộn hơn hai đảng trên, nhưng sau này đã được coi là thành công nhất trong các tổ chức Cộng sản ở Đông Nam Á, là Đảng Cộng Sản Đông Dương, ra đời năm 1930 ở Hương Cảng.
Nguyên trước thời kỳ này, khi đang làm uỷ viên Đông phương bộ của Quốc Tế Cộng Sản, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (TNCMĐCH) ở Quảng Châu (năm 1924). Nhưng TNCMĐCH chưa được coi là tổ chức Cộng sản. Chính Nguyễn Ái Quốc đã nhìn nhận động lực chủ yếu ở Việt Nam lúc ấy là đám thanh niên thuộc giai cấp tiểu tư sản, nên phải tổ chức đám thanh niên này làm đầu tàu để phát động một phong trào cách mạng có khuynh hướng vô sản ở Việt Nam, sau đó mới có cơ sở tiến hành công tác lập ra đảng Cộng sản được.
Các cán bộ TNCMĐCH được tung về nước hoạt động. Họ đã tuyên truyền vận động các bạn bè lập các nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác, và đem chủ nghĩa áp dụng thực tiễn vào một vài cuộc đấu tranh nho nhỏ của công nhân với tính cách trắc nghiệm. Khi số đảng viên đã lên tới hàng trăm, họ bèn thành lập ba đảng Cộng sản riêng biệt ở ba kỳ: Đông Dương Cộng Sản Đảng ở Bắc kỳ, Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn ở Trung kỳ, và An Nam Cộng Sản Đảng ở Nam kỳ. Cả ba tổ chức đều tự nhận là Cộng sản chính thống, nhưng lại kình chống nhau kịch liệt, nất là giữa Đông Dương Cộng Sản Đảng và An Nam Cộng Sản Đảng. Nhận thấy tình thế nguy ngập có thể đi đến đổ vỡ vì tổ chức mới còn trong trứng nước, Nguyễn Ái Quốc lại nhân danh uỷ viên Đông phương bộ, phụ trách Đông Nam Á vụ, triệu tập hội nghị ở Hương Cảng để bàn việc thống nhất. Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn đã không chịu cử đại biểu dự hội nghị, nhưng sau nhờ Nguyễn Ái Quốc gửi thư phê bình và đề nghị đoàn kết, tổ chức này mới chịu gia nhập [4].
Tổ chức thống nhất lúc đầu lấy tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam, sau có sự bàn luận lại về danh xưng mới đổi ra là Đảng Cộng Sản Đông Dương. Sự đổi tên vừa nhằm mở rộng địa bàn hoạt động vừa để biểu lộ sự song hành với đảng “anh em” Cộng Sản Nam Dương (Mã Lai) mà trên nguyên tắc cũng do Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo trong vai trò phụ trách Đông Nam Á (tuy nhiên, trên thực tế đảng CSND liên lạc trực tiếp với đảng Cộng sản mẹ ở Hoa Lục.)
Về nhân sự, thành phần lúc đầu của đảng CSĐD gồm nửa Việt nửa Tàu. Theo tài liệu chính thức của đảng, sau khi được thành lập, số đảng viên tổng cộng 565 người thì đã 300 là Hoa kiều, phần còn lại gồm 85 là người ĐDCS đảng, 61 người của ANCS đảng, 119 của ĐDCS Liên Đoàn và 54 Việt kiều ở Xiêm và Hương Cảng [5].
Trong chương trình hành động của đảng, cũng giống như đảng CS Indonesia, những người cộng sản Việt Nam đã tự đặt ra một giai đoạn hoàn thành cách mạng tư sản dân quyền trước khi tiến sang cách mạng xã hội. Bản luận cương do tổng bí thư của đảng là Trần Phú thảo ra có đoạn “Trong lúc đầu, cuộc cách mạng Đông Dương sẽ là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, bởi vì cách mạng chưa có thể trực tiếp giải quyết được những vấn đề tổ chức xã hội chủ nghĩa, sức kinh tế trong xứ còn rất yếu, các di tích phong kiến còn nhiều sức mạnh… Vì những điều kiện ấy cho nên thời kỳ bấy giờ cách mạng có tính chất thổ địa và phản đế … Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm cách mạng xã hội chủ nghĩa” [6].
Các Nước Còn Lại
Ngoài ba đảng CS Indonesia, Mã Lai và Đông Dương, phong trào cộng sản cũng bắt đầu lan tràn tới Thái, Miến và Phi-Líp-Pin, nhưng tất cả đều yếu ớt.
Thái là nước duy nhất không bị Tây phương trực tiếp thống trị, giới hoạt động chính trị có tinh thần quốc gia bảo thủ, còn về phía quần chúng, ngay cả sau cách mạng 1932, lòng tôn quân cũng vẫn còn mạnh, do đó cộng sản đã không tạo được động cơ thúc đẩy đấu tranh để thu hút đảng viên. Tổ chức cộng sản đầu tiên thành hình năm 1929 gồm hầu hết là Hoa kiều, người Thái quá ít không đáng kể. Tổ chức này hoạt động hoàn toàn trong vòng bí mật, số đảng viên không có là bao, đã thế lại bị luật chống cộng 1933 chi phối, làm cho gần như bị tiêu diệt.
Tương tự như Thái, thập niên 20 tại Miến cũng chỉ ghi nhận những hoạt động rất giới hạn của Cộng sản. Có điều khác biệt là tại Miến, Cộng sản đã thâm nhập vào từ cửa ngõ Ấn Độ chứ không phải từ Trung Hoa, vì cho đến 1937, Miến vẫn bị chính quyền thống trị Anh coi là một tỉnh của Ấn. Cuối thập niên 20, đảng CS Nam Dương (Mã Lai) đã cố bành trướng sang Miến nhưng không thành công. Từ 1930, chủ nghĩa cộng sản lý tưởng (đồng hoá chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa thực dân để chuyển đấu tranh giai cấp sang đấu tranh chống chính quyền thống trị) đã hấp dẫn khá mạnh thanh niên sinh viên Miến. Nhưng phải đợi đến năm 1939, đảng CS Miến mới chính thức được thành lập.
Tại Phi-Líp-Pin, đảng CS đã được thành lập năm 1930, sau khi đã thâm nhập vào tổ chức thợ thuyền và hiệp hội tá điền. Cộng đảng Phi thành hình nhờ chính Cộng đảng Mỹ gây mầm bắt rễ. Những cán bộ của đảng đã cố gắng khai thác lòng bất mãn cao độ của nông dân nghèo khó ở Luzon trong sự bóc lột của điền chủ. Đại hội đầu tiên của đảng được triệu tập bí mật tại Manila vào tháng 5 năm 1931, đã quy tụ 40 đại biểu từ 13 tỉnh về. Cũng trong năm này, đảng Cộng sản bị nhà cầm quyền đặt ra ngoài vòng pháp luật. Sau đó nhiều cán bộ cao cấp bị bắt giữ. Mãi tới năm 1938 nhờ sự can thiệp của Cộng đảng Mỹ, nhóm lãnh tụ Phi Cộng mới được phóng thích. Thấy đứng riêng rẽ bất lợi, nhóm cộng sản bèn sát nhập vào đảng Xã Hội để dễ bề hoạt động. Đảng Xã Hội vốn là một tổ chức hợp pháp, tranh đấu ôn hoà, nhiều nhân vật chủ chốt trong đảng có óc bài cộng. Nhưng từ khi tiếp nhận nhóm cộng sản, đảng này bị nhuộm đỏ dần và sau cùng chuyển hẳn sang khuynh hướng cộng sản.
Thế Chiến II, Cơ Hội Phát Triển
Thế chiến II là thời cơ thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng sản Đông Nam Á. Đứng chung trong phong trào cộng sản quốc tế, các đảng cộng sản địa phương đã không do dự trong sự đương đầu với Nhật. Trong khi các tổ chức cách mạng không cộng sản đã bị phân hoá – đoàn thể hợp tác với Nhật, đoàn thể chống lại – nên sau đó đã bị suy yếu tiềm lực đi nhiều.
Tại Indonesia, phe cách mạng dân tộc, đại diện là Sukarno và Mohamed Hatta (sau này là tổng thống và phó tổng thống), đã cộng tác với Nhật; trong khi đó, những người cộng sản lại tham gia phong trào kháng Nhật của các phần tử xã hội do Soetan Sjahir và Amir Sjarifuddin cầm đầu. Chính nhờ dịp này mà phong trào cộng sản Indonesia đang hầu như tan rã lại dần dần hồi sinh và tái lập thành đảng ngay sau thế chiến.
Tại Miến Điện, tổ chức cách mạng chống Anh của nhóm Ba Maw – Aung San – Ne Win đã đứng hẳn về phía hàng ngũ Nhật trong khi Nhật tiến chiếm Miến. Tuy nhiên, khi thấy mặt trận Thái Bình Dương biến đổi có lợi cho phía Đồng Minh, nhóm này bèn trở cờ, bí mật tổ chức Liên Minh Nhân Dân Tự Do Chống Phát Xít để kịp thời cứu vãn đất nước. Những người cộng sản đang trong tình trạng phân hoá cũng quy tụ lại dần trong tổ chức Liên Minh. Chính từ trong Liên Minh này, đảng Cộng Sản Miến đã củng cố nhờ tuyên truyền thu hút được một số đảng viên khá đông đảo.
Những phần tử cách mạng dân tộc ở Indonesia và Miến Điện cộng tác với Nhật trong thế chiến đã tiếp tục đứng vững sau khi Nhật đầu hàng và đã nắm được thế chủ động lãnh đạo đấu tranh dành độc lập. Do đó, tuy các đảng CS hai nước này đã phát triển trong thế chiến, nhưng vẫn không tạo nổi vị thế quan trọng trong sinh hoạt chính trị về sau.
Trong khu vực Mã Lai, nhìn chung thì người Mã gốc có cảm tình với Nhật, một thứ tình cảm tự nhiên vì họ tìm thấy ở người Nhật sự đồng tình trong việc chống đối người Tàu. Nhưng trong thời kỳ chiếm đóng Mã, Nhật vẫn duy trì cơ cấu chính quyền các tiểu bang, chưa có dịp tổ chức chính phủ trung ương, nên ở đây vấn đề cộng tác hay không cộng tác không mấy rõ rệt. Đảng Cộng Sản Mã Lai là tổ chức duy nhất kháng Nhật [7], nhưng trong hoạt động này họ đã gặp hai điều bất lợi là không có căn cứ yểm trợ bên ngoài và thiếu sự hợp tác của quần chúng nên cũng không đạt được thành quả nào đáng kể. Dầu sao nhờ cuộc chiến tranh này, họ đã chỉnh bị lại được hàng ngũ, đủ tạo thành một lực lượng chiếm đóng mới; phe thân Mỹ rút vào kháng chiến chống Nhật; và phe cộng sản (Đảng Xã Hội) thành lập Quân Đội Nhân Dân Chống Nhật (thường được gọi tắt là Huk, do tiếng Tagalog Hukbalahap mà ra) vào đầu năm 1942, vừa chống Nhật vừa chống cả phe thân Mỹ. Sau ba năm kháng chiến, cộng sản đã bành trướng thành một lực lượng khá mạnh ở trung tâm Luzon.
Tại Việt Nam, kể từ khi được khai sinh đến thế chiến II, đảng CS Đông Dương đã không tạo được thành tích nào đáng kể. Phải đợi tới năm 1941, Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) mới tập hợp lại được một số đảng viên thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Việt Minh), CS Việt Nam mới lại thực sự được phục hồi và bắt đầu bước vào giai đoạn tranh đấu mới với chiến khu ở Việt Bắc.
Việc tổ chức vũ trang chống Nhật lúc ấy, xét về thực chất, quả không hơn một trò đùa. CS Việt cũng biết như vậy và họ cũng không bao giờ mơ tưởng tới chuyện có thể dùng vũ lực lật đổ chính quyền Nhật ở Đông Dương. Chủ trương của Đảng lúc ấy chẳng qua chỉ là một thứ cơ hội chủ nghĩa, nương gió mà bẻ măng. Một số phần tử cách mạng dân tộc khi ấy đang chiến đấu chống Nhật trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng Trung Hoa cũng nhận thấy rõ cái thế tất bại của Nhật, nhưng lại suy tính một cách nông cạn là khi Đồng Minh thắng, đương nhiên chính quyền ở Việt Nam sẽ được trao vào tay họ. Cùng một thái độ chờ sung rụng mà không phải rung cây, nhưng phe Cộng đã khôn ngoan hơn vì đã tới mai phục gần gốc sung hơn. Nhờ thế, khi sung rụng họ đã vồ được trước.
Cách mạng tháng tám đã thành công quá dễ dàng làm cho chính các lãnh tụ cộng sản cũng phải ngạc nhiên. Ba yếu tố thuận lợi đã đưa đến thành công này là:
Quân Nhật ở Đông Dương đã có thái độ buông xuôi, mặc kệ, sau khi được tin chính quốc đã đầu hàng.
Chính quyền thân Nhật ở Hà Nội đã tự sửa soạn rút lui mà không cần ai lật đổ, vì mang sẵn mặc cảm phạm tội (!) với Đồng Minh [8].
Quần chúng náo nức chờ đợi một luồng gió mới sau khi đã thất vọng vì bánh vẽ độc lập của Nhật.
Khi nghe tin Nhật đầu hàng, Cộng sản Việt, dưới danh nghĩa Mặt Trận Việt Minh, đã triệu tập quốc dân đại hội ở Tân Trào [9] và ra lệnh “tổng khởi nghĩa”. Đại hội đã bầu ra Uỷ Ban Dân Tộc Giải Phóng, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Trần Huy Liệu phó chủ tịch.
Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Việt Minh làm lễ xuất quân, việc đầu tiên là đánh lấy Thái Nguyên để làm cứ điểm. Lực lượng gồm một đại đội do Võ Nguyên Giáp làm tổng chỉ huy. Đám quân này được gọi là “Việt Mỹ liên quân” vì trong đó có bảy người Mỹ giữ vai trò liên lạc và cố vấn. Hầu hết những người này là nhân viên tình báo chiến lược OSS (tiền thân của CIA sau này). Võ Nguyên Giáp loay hoay mấy ngày mà không tìm được cách hạ thành Thái Nguyên. Trong khi ấy thì Trần Huy Liệu và Trường Chinh được cử về Hà Nội để tính chuyện khởi nghĩa ở thủ đô, nhưng mới đi tới nửa đường thì Hà Nội đã tự động khởi nghĩa [10].
Cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc cướp chính quyền (ngày 16 tháng 8 năm 1945) và sau đó đã lập chế độ Dân Chủ Cộng Hoà (ngày 2 tháng 9 năm 1945), ghi thành tích đầu tiên cho cuộc đấu tranh trường kỳ của khối Cộng trên vùng đất Đông Nam Á này.
Tình Trạng Ngày Nay
Sau thế chiến, do những trường hợp và những động lực khác nhau, các đảng cộng sản ở khắp Đông Nam Á đều đã dấn bước vào những cuộc đấu tranh vũ trang trong phạm vi mỗi quốc gia.
Tại Indonesia, Cộng đảng đã nổi dậy tại Madium vào năm 1948, nhưng đã bị quân đội dẹp tan. Sau vụ này, CS chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị và thâu đoạt được những thành quả khá lớn lao về tổ chức. Tới năm 1965, cộng sản lại “dậy non” một lần nữa. Lần này gặp phản ứng khá tàn bạo của dân Hồi giáo, cơ sở cộng sản bị tan hoang, ít ra cũng phải mất một thời gian lâu dài mới góp mặt được trong cuộc tranh chấp địa phương [11].
Về hoạt động cộng sản ở khu vực Mã Lai, ngoài cuộc nổi dậy bị thất bại trong thời kỳ thành lập Liên Bang Mã Lai [12], các phần tử cộng sản cũng có những nỗ lực đáng ghi nhận tại Singapore và Sarawak. Về thành phần, nòng cốt chung của cộng sản trong khu vực Mã Lai là Hoa kiều, nhưng vì phân cách địa lý họ đã phát triển thành ba tổ chức khác nhau (Mã Lai, Singapore, Sarawak) tuy tất cả đều hướng về đảng CS mẹ ở Hoa Lục.
Trong nhóm CS Singapore có một số đã sang bên bán đảo Mã Lai và đi theo du kích quân rút lên Bắc Mã; số còn lại đã len lỏi vào các tổ chức nghiệp đoàn và chính trị khác để hoạt động. Trong thập niên 50, tổ chức chịu ảnh hưởng mạnh nhất của CS là Tổng Liên Đoàn Lao Động. Các trường trung học Tàu cũng góp phần vào việc đào luyện cán bộ cộng sản và đồng thời cũng là nơi được dùng làm căn cứ tung ra các cuộc đấu tranh chính trị có bạo lực.
Hồi đầu tháng 10 năm 1956, những xáo trộn do CS gây nên đã đưa đến nhiều vụ đổ máu làm cho chính phủ Lim Yew Hock phải giải tán một vài tổ chức đầu não của Tổng Liên Đoàn. CS bèn xoay hướng hoạt động sang Đảng Nhân Dân Hành Động, và chẳng bao lâu đã cầm đầu được đảng này. Nhưng sau, giới lý tài Trung Hoa đã dùng ảnh hưởng và tiền bạc giúp phe thân Tây phương của Lý Quang Diệu tạo được thế đứng trong đảng và càng ngày phe cực tả của Lim Chin Siong càng bị mất ảnh hưởng. Lý đã thắng cuộc bầu cử 1959 và tỏ ra được người Tàu tin cậy trong vai trò lãnh tụ với nhiệm vụ Trung Hoa hoá Singapore. Năm 1961, phe cộng đã tách ra khỏi đảng Nhân Dân Hành Động và thành lập Mặt Trận Xã Hội (Barisan Sosialis) mà hiện nay còn hoạt động.
Tại Sarawak, qua nhiều năm điều lắng vì sự chết yểu của Liên Đoàn Chống Phát Xít trong thế chiến II, nhóm CS, như được tiêm một mũi thuốc hồi sinh, đã trổi dậy hoạt động mạnh mẽ khi Cộng đảng Trung Hoa hoàn toàn chiếm được Hoa Lục. Tới tháng 10 năm 1951, nhóm này đã thành lập được Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ Trung Hoa Hải Ngoại Sarawak. Liên đoàn đã tạo được nhiều vụ rối loạn trong xứ làm cho chính quyền thống trị Anh phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào năm 1952. Năm 1954, tổ chức này được đổi thành Liên Đoàn Giải Phóng Sarawak, và tới năm 1956 thì biến thành Hội Thanh Niên Tiền Phong Sarawak. Tổ chức cuối cùng này đã vũ trang hoạt động với sự yểm trợ của đảng CS Indonesia dưới thời Sukarno. Nhưng sau chính biến 1965 ở Indonesia, hoạt động của CS Sarawak đã giảm sút đi nhiều, nhất là từ khi có những cuộc hành quân chung của quân lực Indonesia và Mã Lai ở vùng biên giới.
Trở về với bán đảo Mã Lai, hiện nay du kích quân ở Bắc Mã, theo sự ước lượng của chính phủ Liên Bang, chỉ còn chừng hơn một ngàn tay súng, nhưng số cảm tình viên và yểm trợ viên thì có hàng vạn. Do đó, CS vẫn duy trì được một mật khu an toàn ở ngay vùng biên giới Thái Mã hàng chục năm nay. Những cuộc hành quân liên hợp của chính quyền Thái và Mã ở biên giới trong thời kỳ gần đây đã gia tăng mạnh nhằm tiêu diệt mật khu này. CS Mã đã có né tránh đụng độ lớn để bảo toàn lực lượng, nhưng lại hay tung ra những đòn đột kích và phá hoại nhỏ nhằm gây tiếng vang.
Lãnh tụ CS Mã hiện vẫn là Trần Bình trong vai trò tổng bí thư của đảng. Trước đây, năm 1955, để lôi kéo người thuộc sắc dân khác ở Mã, Trần Bình đã kiếm được một người Mã là Musa Ahmad và một người Ấn tên là Balan để giao chức vụ chủ tịch và phó chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương. Nhưng sau đó Balan bị bắt và bị cầm tù bảy năm. Lúc được phóng thích, ông ta đã tuyên bố từ bỏ cộng sản. Còn Musa Ahmad sau này không biết còn sống hay đã chết, nhưng vẫn được Bình để tên trong các văn kiện của đảng.
Tại Phi-Líp-Pin, sau thế chiến, lực lượng CS đã đánh phá trong vùng đảo Luzon suốt từ năm 1946 đến 1953 nhằm mục đích lật đổ chính quyền trung ương bằng vũ lực. Vì đối tượng xâm lược Nhật Bản không còn nữa, nên CS đã cải tên Quân Đội Nhân Dân Chống Nhật (Hukbalahap) thành Nhân Dân Giải Phóng Quân (Hukbong Mapagpalaya Ng Bayan) từ tháng 2 năm 1950. Có lẽ hơn nơi nào hết tại Đông Nam Á, CS Phi đã khai thác được mâu thuẫn giai cấp sâu sắc ở Phi để tiến hành đấu tranh. Có thể nói lực lượng CS là lực lượng của giai cấp nông dân nghèo khó ở Luzon với quyết tâm chống lại bọn ca xích chủ điền địa phương và chính quyền của giai cấp tư bản [13]. Trong thời kỳ đạt cao điểm phát triển, lực lượng này đã lên tới con số 10.000 quân.
Năm 1953, phong trào CS bắt đầu tan rã trước các cuộc hành quân bình định có hệ thống của Magsaysay. Được chừng mười năm tạm lắng dịu, tới giữa thập niên 60, tiếng súng lại nổ ở nhiều nơi tạo ra một tình hình bất ổn mới. Gần đây, người ta đã thấy những phong trào thanh niên sinh viên có khuynh hướng Mác xít hoạt động một cách quá khích ngay ở thủ đô và các thị trấn lớn. Khó mà biết được có bàn tay Cộng đảng nhúng vào hay không, vì xã hội Phi đã được rập khuôn theo bề mặt tồi tệ của xã hội Mỹ, nên những hình thái nổi loạn của thế hệ trẻ ở Mỹ cũng có thể được phản ảnh trung thực ở Phi mà không cần một tổ chức bên ngoài nào bài bố. Dù sao, người ta cũng ghi nhận ít nhất có một đoàn thể thanh niên Cộng sản đã quy tụ được hàng vạn sinh viên, công nhân và nông dân xưng danh là Liên Đoàn Thanh Niên Yêu Nước (Kabataang Makabayan) hoạt động chủ yếu ở các thành phố từ 1969.
Trong dịp ban hành lệnh thiết quân luật (ngày 24 tháng 9 năm 1972), chính quyền Phi đã nại cớ về điều được gọi là mối đe dọa nặng nề của lực lượng vũ trang CS. Lực lượng này đã được đổi tên một lần nữa thành Tân Dân Quân, và theo nhà cầm quyền, đã có hoạt động tại 18 tỉnh trong số 67 tỉnh của Phi. Trong một khu vực ảnh hưởng cộng sản có khoảng 50.000 dân thì có tới 1.000 quân chiến đấu và 2.000 quân hỗ trợ. Về những con số này, đảng Tự Do đối lập đã cho là chính quyền cố ý phóng đại để nhân dịp đàn áp các phong trào chống đối của quần chúng. Dù sao, chắc chắn hoạt động của cộng sản cũng đã bị thu hẹp rất nhiều trong tình trạng thiết quân luật hiện nay.
Về các hoạt động của CS Miến Điện, thời kỳ được coi là công tác hoàn toàn với phe cách mạng dân tộc trong Liên Minh Nhân Dân Tự Do Chống Phát Xít vỏn vẹn không được hai năm, từ tháng 8 năm 1944 đến đầu năm 1946. Một trong những lãnh tụ Cộng đảng Miến là Soe, khi gia nhập Liên Minh, đã mưu tính sẽ nắm giữ vai trò then chốt và nhuộm đỏ dần Liên Minh. Nhưng sau thấy kế hoạch bất thành, Soe liền rút những phần tử thân tín ra khỏi Liên Minh và lập chiến khu chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Lực lượng ly khai do Soe cầm đầu được gọi là Đảng Cờ Đỏ.
Thành phần CS còn lại trong Liên Minh quy tụ dưới sự lãnh đạo của Than Tun và được gọi là Đảng Cờ Trắng. Sau vụ Aung San bị ám sát, khi lập nội các, U Nu đã không dành một ghế nào cho Đảng Cờ Trắng làm cho Than Tun bất mãn, rút toàn đảng ra khỏi Liên Minh (tháng 3 năm 1948.) Năm 1948 là năm cả hai đảng CS cùng nổi dậy theo lời kêu gọi trong nghị quyết của Hội Nghị Thanh Sinh Đông Nam Á Đấu Tranh Cho Tự Do và Độc Lập, được CS quốc tế tổ chức tại Calcultta vào đầu năm. Trong suốt bốn năm, hai đảng CS Cờ Đỏ, Cờ Trắng cùng với Tổ Chức Nhân Dân Tự Nguyện [14] và quân Karen ly khai đã chiếm giữ toàn vùng trung Miến. Nhưng từ 1952, những cuộc hành quân bình định liên tục của quân đội Miến dưới quyền chỉ huy của tướng Ne Win cùng với những sự chia rẽ giữa bốn nhóm loạn quân vì tranh chấp vùng ảnh hưởng đã làm cho phong trào suy bại dần.
Một tổ chức cộng sản thứ ba do các dân biểu tả khuynh cầm đầu đã tiếp tục cộng tác với chính phủ, nhưng đã rút ra khỏi Liên Minh thành lập Đảng Công Nông Miến (vẫn thường được gọi là Đảng Xã Hội Đỏ) từ tháng 1 năm 1951. Tới cuộc bầu cử năm 1956, Công Nông Miến đã sáp nhập vào Mặt trận Liên Hiệp Quốc Gia, và Mặt Trận đã dành được 48 ghế trong số 239 ghế của Quốc Hội. Trong cuộc bầu cử năm 1960, Mặt Trận đã bị mất nhiều phiếu trước sự ra đời của đảng Thống Nhất Quốc Gia do U Nu thành lập, và chỉ còn đoạt được 30 ghế.
Dưới chế độ Ne Win, Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Gia đã bị phân hoá thành ba hệ phái: phái thân Nga, phái thân Tàu và phái độc lập. Do đó, Mặt Trận này đã tự làm suy yếu trước khi bị chính phủ Ne Win đặt ra ngoài vòng pháp luật vào năm 1964.
Các phe Cộng nổi dậy ở Miến hiện đang cố gắng vùng vẫy để mở rộng khu vực kiểm soát. Trung Cộng đã nhúng vay vào bằng cách yểm trợ quân dụng vũ khí và thúc đẩy tăng gia cường độ khuấy rối, đồng thời cũng vận động khai trừ các phần tử thân Nga để mở lối thống nhất tổ chức. Song le, vì đứng hẳn sang phe Trung Cộng, tức là chọn phía đối nghịch với quần chúng Miến, nên dù cố gắng bao nhiêu, lực lượng CS Miến cũng không thể nào tạo nổi ảnh hưởng như đã từng có trong thời kỳ mới thâu hồi độc lập.
Tại Thái, sau thế chiến, trong nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của Nga Sô để gia nhập Liên Hiệp Quốc (1946), chính quyền đã huỷ bỏ luật chống cộng 1933. Đó là thời cơ phục hoạt của nhóm CS nhỏ bé ở xứ này. Trong lúc tạo dựng lại cơ sở, CS đã hoạt động hợp pháp với các tổ chức phôi thai ở ngay thủ đô Bangkok. Từ năm 1949, nhóm lãnh đạo (gồm hầu hết là Hoa kiều) chịu ảnh hưởng của CS Trung Hoa đã đẩy mạnh các hoạt động bạo lực tạo ra một tình huống buộc nhà cầm quyền phải đối phó. Năm 1952, quốc hội Thái đã thông qua một đạo luật tái đặt hoạt động của cộng sản ra ngoài vòng pháp luật làm cho cơ quan đầu não của đảng phải rút về ẩn náu ở Thonburi, một thị trấn đông đúc đầy sông rạch ở gần Bangkok, để tránh bị tiêu diệt.
Vào các năm 1957, 1958, dưới thời Sarit Thanarat, CS đã bị đàn áp nặng nề. Sarit cũng còn loại hết các phần tử tả phái ra khỏi đại học, báo chí, thương hội và đình luôn cả việc giao thương với Trung Cộng. Sau vụ này, Bắc Kinh đã quyết định trực tiếp nhúng tay vào việc yểm trợ CS Thái, qua việc gửi vũ khí vào Bắc Thái. Từ tháng 3 năm 1962, đài Bắc Kinh đã tăng gia gấp ba giờ tiếng Thái và đồng thời cũng đã khai sinh ra một đài “Tiếng Nói Nhân Dân Thái” ở Vân Nam. Năm 1962, Bắc Việt cũng đã trợ giúp bằng cách nhận huấn luyện cán bộ CS Thái ở Hoà Bình và cùng Trung Cộng giúp điều hành một trường khác chuyên đào tạo cán bộ thiểu số cho Thái ở Mường Sai vùng Bắc Thượng Lào.
Trong năm 1967, cảnh sát Thái đã bắt giữ trên 30 cán bộ cao cấp Thái Cộng ở Bangkok và Thonburi, trong số có tổng bí thư Thong Chaemsri và sáu uỷ viên Ban Chấp Hành Trung Ương. Thong là người lai Hoa Thái, được Bắc Kinh đào tạo và đã trở thành nhân vật số một của Cộng đảng cho đến khi bị bắt. Cuối năm 1968, chính quyền Thái lại liên tiếp phá vỡ nhiều cơ sở CS khác.
Trước tình huống này, Trung Cộng đã quyết định giúp Thái Cộng chuyển hẳn sang thế đấu tranh võ trang với các căn cứ ở Bắc Thái để tiện đường tiếp tế. Ngày 11 tháng 1 năm 1969, đài Tiếng Nói Nhân Dân Thái tại Vân Nam đã tuyên cáo cương lĩnh 10 điểm, tương tự như cương lĩnh 10 điểm cũ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, với các điểm chủ yếu: đánh đuổi đế quốc Mỹ, lật đổ chính quyền tay sai Bangkok, thiết lập chính quyền nhân dân, tiến hành cải cách ruộng đất, v..v…
Ở Kam-pu-chia, giai đoạn kháng chiến chống Pháp mà CS cùng chia sẻ được coi như đã chấm dứt ngay khi hoà hội Genève 1954 kết thúc. Nhóm CS nhỏ bé đã bị phân tán đi nhiều ngã. Đa số trở về đời sống sinh hoạt bình thường, một số nhỏ tiếp tục ở lại ngoài bưng, một số nhỏ khác theo CS Việt miền Nam “tập kết” ra Bắc Việt. Trong số sinh hoạt bình thường, có một nhóm quy tụ ở Phnom Penh phối hợp với những phần tử thiên tả thành lập đảng Pracheachon (Liên Đoàn Nhân Dân) để tranh đấu chính trị hợp pháp dưới thời Sihanouk, nhưng đã thất bại.
Từ khi tiến hành việc xây dựng lại những căn cứ hậu cần lớn hơn ở Kam-pu-chia, CS Việt Nam đã tập hợp những toán du kích quân Khmer lẻ loi lại thành từng bộ phận hỗ trợ nhỏ để sử dụng trong những dịch vụ liên lạc và giao tiếp ở địa phương. Vào cuối thời Sihanouk, nhờ có thêm những thanh niên mới ra bưng, nhóm này đã phát triển tới số ngàn và đã trở thành một lực lượng mới, thường được gọi là Khmer Đỏ (Khmer Krom).
Năm 1970, sau cuộc đảo chính 18 tháng 3, CS Việt bèn vạch hẳn ra yêu cầu cấp thiết chỉnh đốn và bành trướng các lực lượng võ trang Khmer. Lực lượng được tuyển mộ và huấn luyện sau này thường được người Khmer gọi là Khmer Giải Phóng (Khmer Rôm đô). Tổng cộng số người được võ trang của CS Khmer ngày nay vào khoảng từ 30.000 tới 40.000, và hiện trở thành một thứ phụ lực quân cho quân chính quy của CS Việt Nam trên đất Kam-pu-chia. Trên giấy tờ, tổ chức này được gọi là Lực Lượng Võ Trang Nhân Dân Giải Phóng Dân Tộc Kam-pu-chia do chính phủ lưu vong Sihanouk lãnh đạo.
Tại xứ Lào, sau thời kỳ phân hoá của hàng ngũ Lào Tự Do (Lao Issara), nhóm cộng sản đã rút hẳn vào mật khu, chỉnh đốn lại hàng ngũ, phát triển thêm nhân số và dần dần thành lập đầy đủ các tổ chức đảng, mặt trận và lực lượng võ trang. Hiện nay, CS Lào quy tụ trong hình thức Đảng Nhân Dân Lào (Phak Paseson Lao); nhưng bề ngoài, CS luôn luôn sử dụng danh nghĩa Mặt Trận Lào Yêu Nước (Neo Lao Hak Sat) để tiện đấu tranh chính trị trên bình diện rộng. Lực lượng võ trang của CS được gọi là Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Lào được CS tự cho là đã được thành lập từ ngày 20 tháng 1 năm 1949, tuy nhiên những đơn vị nhỏ bé đầu tiên dường như chỉ mới ra đời vào khoảng tháng 8 năm 1950.
CS Lào đã sát cánh với CS Việt Nam trong cả hai cuộc chiến tranh Đông Dương I và II. Thế phát tirển của CS Lào tuy chậm nhưng vững chắc. Trải qua các hiệp định Genève 1954, Genève 1962 và Vientiane 1973, CS Lào, với sự hỗ trợ của CS Việt, đã dần dần tạo được thế đứng ngày một mạnh thêm trên chính trường Lào [15].
Ngày nay, với một quân đội từ 30.000 đến 40.000, kiểm soát được 2/3 lãnh thổ và 1/3 dân số, CS Lào được coi là lực lượng CS đứng hàng thứ nhì ở Đông Nam Á, sau CS Việt.
Cũng như CS Việt, nội bộ của CS Lào có cái vẻ khá thuần nhất, không đến nỗi phân hoá, chống đối lẫn nhau như nội bộ của các đảng CS còn lại ở Đông Nam Á; mặc dầu trong thời kỳ thương thuyết đầu năm 1973, người ta cũng có nhận xét là phía CS có hai khuynh hướng rõ rệt: Kaysone Phomvihane, tổng bí thư Đảng Nhân Dân Lào, cầm đầu phe ứng rắn, còn Souphanouvong và Phoumi Vongvichít, chủ tịch và tổng bí thư Mặt Trận Lào Yêu Nước, cầm đầu phe ôn hoà.
Nhìn chung, hầu hết các đảng CS Đông Nam Á ngày nay đều đã bị thương tổn nặng nề sau thời kỳ nổi dậy hậu Thế Chiến. Riêng CS Kam-pu-chia và CS Lào còn đứng vững và bành trướng được là nhờ sức hậu thuẫn của CS Việt Nam. Chính vì đã nắm được chính quyền ngay sau thế chiến và lấy thắng lợi này làm đà phát triển mà phong trào CS Việt Nam vẫn tiếp tục lớn mạnh cho tới ngày nay.
Kể từ cách mạng tháng 8, quá trình hoạt động của CS Việt có thể được phác định trong bốn thời kỳ như sau:
Củng cố chính quyền cách mạng (1945-1946).
Kháng chiến chống Pháp (1946-1954).
Tái thiết miền Bắc (1655-1959).
Xã hội hoá miền Bắc và “giải phóng” miền Nam (từ 1960).
Để củng cố chính quyền trong thời kỳ đầu, CS Việt đã cố gắng tiêu diệt các phe nhóm không cộng sản; mặc dầu, trước mắt quần chúng, họ Hồ đã che dấu bộ mặt thực của mình bằng cách tuyên bố giải tán đảng CS Đông Dương (tháng 11 năm 1945). Từ đó, đảng được rút vào hoạt động tương đối bí mật. Mãi tới khi CS Trung Hoa toàn thắng ở Hoa Lục (tháng 9 năm 1949) và trở thành điểm tựa vững chắc cho CS Việt, những người lãnh đạo CS Việt mới thực vững tâm đem đảng ra hoạt động công khai trở lại dưới một tên mới: đảng Lao Động Việt Nam (tháng 3 năm 1951) – danh xưng vẫn còn được sử dụng tới ngày nay.
Ngoài cơ cấu đảng nòng cốt, CS cũng còn lập ra những hình thức mặt trận để lôi cuốn quần chúng ngoài đảng vào phục vụ cho những mục tiêu của đảng. Như phần trên đã trình bày, CS Việt đã thành lập Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (1941) để phục vụ cho nhu cầu cướp chính quyền và sau đó nhu cầu kháng chiến chống Pháp. Nhưng sau những vết thương tương tàn Quốc Cộng, Mặt Trận Việt Minh đã tỏ ra không đủ hiệu lực thu hút những phần tử lừng chừng. CS bèn lập thêm Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam, thường được gọi tắt là Liên Việt (tháng 5 năm 1946). Mãi tới tháng 3 năm 1951, khi CS cải danh là đảng Lao động, hai mặt trận này mới được chính thức kết hợp làm một dưới cái tên chung là Liên Việt.
Tháng 9 năm 1955, CS đã giải tán Liên Việt để thành lập Mặt Trận Tổ Quốc nhằm phục vụ nhu cầu thống nhất. Cho tới nay, Mặt Trận Tổ Quốc vẫn là cơ cấu ngoại diện chính của CS; nhưng, để đáp ứng nhu cầu “giải phóng” miền Nam do đại hội Đảng lần thứ 3 năm 1960 vạch ra, CS đã thành lập thêm Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Mặt trận thứ hai này được khai sinh trên giấy tờ ngày 20 tháng 12 năm 1960, nhưng thực tế hàng năm sau mới tổ chức xong bộ phận trung ương.
CS Việt hiện nay đã đạt tới con số đảng viên trên một triệu. Số đảng viên trong thế chiến II chưa tới một ngàn, sau cách mạng tháng 8 đã tăng lên năm ngàn, rồi tới 20 ngàn vào năm 1946. CS đã kết nạp đảng viên mạnh nhất trong thời kỳ kháng Pháp, thời kỳ đa số nhân dân Việt Nam chỉ tìm thấy chính nghĩa rõ ràng ở một phe: phe kháng chiến.
Khối Cộng Sản và Đông Nam Á
Trong phong trào Cộng sản Đông Nam Á, CS Việt được coi là có thực lực nhất, nhưng không có nghĩa là có ảnh hưởng mạnh nhất. Dầu sao cũng còn các đảng Cộng sản đàn anh Nga và Tàu. Khốn nỗi Nga và Tàu đã can thiệp vào Đông Nam Á không phải chỉ để tiếp tay cho các đảng CS đàn em phát triển mà rõ ràng còn để chặn bớt ảnh hưởng của nhau. Tình hình đôi bên thường vẫn ngang ngửa; mỗi bên có một thế riêng trong vùng.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, CS Việt đã cố đi dây giữa Nga và Tàu. Người ta đã nói đến phe thân Nga, thân Tàu trong cấp lãnh đạo Đảng, nhất là trong Bộ Chính Trị, nhưng thực tế không dễ mà phân biệt trắng đen như vậy. Nếu có thiên trọng thì chỉ là thiên trọng về chính sách, đường lối từng thời kỳ chứ không hẳn là chuyện cá nhân.
Trong thời kỳ phát động công cuộc cải cách ruộng đất, CS Việt đã rập khuôn theo đường lối Trung Cộng; nhưng tới năm 1960 cũng chính CS Việt đã tung ra chiến dịch sửa sai nhằm vớt vát lại chút ít những đổ vỡ khốc liệt do công cuộc trên gây nên. Đấy cũng là dấu hiệu cho thấy CS Việt tự hãm bớt đà chạy theo Tàu. Từ 1960 đến 1962, Bắc Việt cố tạo lấy thế trung lập giữa hai đàn anh Nga và Tàu. Nhưng từ 1962 sang 1963, Bắc Việt lại nhích gần Trung Cộng hơn do ảnh hưởng Hội Nghị Genève về Lào (1962) và ảnh hưởng Hội Nghị Cấm Thí Nghiệm Nguyên Tử Nga Mỹ hồi tháng 7 năm 1963. Năm 1964, nhân vụ Mỹ tấn công Vịnh Bắc Việt, CSVN tự thấy rõ nhược điểm của quân đội mình về trang bị hiện đại, nên đã không ngần ngại cầu viện Nga. Tháng 1 năm 1965, chủ tịch hội đồng tổng trưởng Nga Aleksei Kosygin đã viếng Hà Nội để nghiên cứu tại chỗ vấn đề viện trợ, và dĩ nhiên, cũng nghiên cứu tại chỗ cách nắm giữ Bắc Việt chắc hơn.
CSVN đã tự giải thích việc trang bị hiện đại bằng nhận định “chiến tranh chống Pháp khác chiến tranh chống Mỹ [16],” và chính sự trang bị này đã đưa CSVN đến chỗ chấp nhận chiến tranh bán quy ước. Tuy vậy, trên đại thể, CSVN đã không bác bỏ chiến lược Mao Trạch Đông, dù cả trong những cao điểm tấn công như Tổng công kích Mậu Thân [17]; CSVN chỉ thay đổi phương thức tiến hành cho phù hợp với vũ khí mới và nhất là chiến lược mới của đối phương.
Để tiến hành cuộc chiến tranh uỷ nhiệm ở Đông Dương, cả Nga lẫn Tàu đều đã phải chi viện những ngân khoản khổng lồ. Nếu loại hàng viện trợ phản ảnh phần nào đường hướng của kẻ viện trợ thì ta có thể thấy Trung Hoa luôn luôn san sẻ đồng đều giữa quân viện và kinh viện, trừ năm 1967, quân viện gần gấp đôi kinh viện; trong khi Nga Sô luôn luôn thiên về quân viện thời gian trước 1968 và chuyển nặng nề về kinh viện sau 1968 [18]. Năm 1967 cũng là năm Nga tăng số quân viện lên cao nhất (nửa tỷ Mỹ kim.) Hàng viện trợ của Nga lúc ấy là xe tăng, đại pháo, hoả tiễn địa không v..v… Tuy nhiên, CSVN lại không thể sử dụng ngay những chiến cụ ấy được. Xe tăng, đại pháo đã phải tồn trữ ở Nam Trung Hoa để tránh oanh tạc (cao điểm oanh tạc thời Johnson: 1967-1968), và mãi tới cuối 1971, đầu 1972 mới được đem về nước chuẩn bị sử dụng trong cuộc tổng công kích 1972.
Nếu chỉ nhìn vào chiến cụ, ta có thể thấy ngay vũ khí Trung Hoa đã giữ phần chủ yếu trong tổng công kích 1968, trong khi vũ khí Nga Sô đã lấn lướt trong tổng công kích 1972. Thông thường, người ta dễ có kết luận là Bắc Kinh đã uỷ nhiệm trận 1968, trong khi Mạc Tư Khoa đã uỷ nhiệm trận 1972. Thực tế không giản dị như vậy. Mặc dầu trong cuộc tranh chấp Nga Hoa, trung tâm uỷ nhiệm nào cũng mong thấy vũ khí viện trợ của mình đắc dụng hơn trên chiến trường, nhưng Trung Hoa vốn đã biết rõ thế yếu của mình trên mặt vũ khí hiện đại đối với Nga Sô, nên đã thiên trọng rõ rệt về chiến tranh không quy ước. Ngay từ 1965, Trung Hoa đã cảm thấy CSVN có vẻ đang chuyển đổi đường lối chỉ đạo chiến tranh nên đã cảnh cáo trước trong bài “Yếu tố quyết định thắng bại trong chiến tranh là con người chứ không phải vật dụng” đăng trong Hồng Kỳ số 7 ngày 14 tháng 6 năm 1965 [19].
Cái lối viện trợ san sẻ đồng đều giữa quân sự và kinh tế và giữ ở một mức độ vừa phải của Trung Hoa cũng cho thấy Trung Hoa có chủ trương chung là duy trì tình trạng bất ổn thường trực với chiến tranh khuynh đảo hơn là nhảy vọt sang quy ước. Trong khi ấy Nga Sô có vẻ nôn nóng hơn, đã tăng gia mạnh mẽ quân viện trong vài năm đầu, nhưng sau đó (từ 1968) không thấy chiến tranh ngã ngũ thì nản nên đã giảm quân viện xuống cũng rất nhanh.
Trong tình hình CS Đông Nam Á hiện nay, trừ Đông Dương, chiến tranh quy ước khó có thể phát động, Mạc Tư Khoa sẽ mất ưu thế hỗ trợ. Ngược lại, Bắc Kinh còn có khả năng cầm chịch lâu dài những hoạt động nổi dậy nho nhỏ của du kích quân các nước. Tuy nhiên, Nga Sô đã chuyển thế ngoại giao trước Trung Hoa bằng cách trực tiếp bắt tay tạo ảnh hưởng với bất kỳ thứ chính phủ đương quyền nào trong khu vực, dù cho chính phủ ấy đang có hoạt động tiểu trừ cộng sản. Điều này làm cho những người cầm quyền không cộng sản ở Đông Nam Á đỡ e ngại Nga Sô hơn Trung Cộng, và từ đó dễ chấp nhận sự thâm nhập bằng đường lối hoà bình của Nga Sô hơn. Ngay như đối với chính quyền Lon Nol ở Phnom Penh, thường được CS cho là loại chính quyền tối phản động, Nga Sô vẫn duy trì quan hệ ngoại giao bình thường ít ra là trên ba năm sau đảo chính 1970. Không phải là Bắc Kinh không nghĩ đến một chính sách tương tự, bằng cớ là Bắc Kinh cũng đang có những vận động ngoại giao rộng rãi nhằm vào việc phát triển quan hệ kinh tế hơn là ý thức hệ. Nhưng cái khó của Bắc Kinh là không phải mỗi lúc Bắc Kinh có thể phủi tay từ bỏ mọi sự hỗ trợ cho các phong trào “giải phóng” ở nhiều nước mà Bắc Kinh đã tự ràng buộc vào quá sâu sa và nhất là đã đẩy một số phong trào đến chỗ dứt khoát chống Nga [20].
Dầu sao, điều có thể xác quyết được là ở Đông Nam Á mâu thuẫn nội bộ khối cộng (Nga-Hoa) hiện lớn hơn là mâu thuẫn giữa khối CS và khối Tư Bản. Mâu thuẫn ấy chẳng những có thể tìm thấy qua những va chạm, khích bác thường xuyên, mà còn ở cả những hành động tưởng là hiệp đồng, như hành động cùng viện trợ cho CS Đông Dương để chống Mỹ. CS Đông Dương cầu viện là để chống Mỹ và chống phe thân Mỹ. Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh cùng viện trợ lại nhắm nhiều hơn vào việc chế ép lẫn nhau, không cho nhau có điều kiện tạo ảnh hưởng độc tôn. Tình hình trong tương lai gần cũng sẽ vẫn thế, không thể có thay đổi ngược lại.
Chính vì nhược điểm sinh tử này của CS quốc tế mà các đế quốc Mỹ, Tây Âu, Nhật sẽ còn tiếp tục duy trì được ảnh hưởng, vì đối với cả hai đầu của khối Cộng, thà là chấp nhận một Đông Nam Á trung lập trong đó ảnh hưởng mọi trung tâm quyền lực đều thăng bằng còn hơn là một Đông Nam Á Cộng Sản hoá do một đầu đối nghịch nắm phần chỉ đạo.
Ghi Chú: [1] Cộng sản Trung quốc đã tiến hành đấu tranh qua 5 giai đoạn: hình thành; phát triển, củng cố cơ cấu lãnh đạo; chiến tranh nhân dân; và thành lập chính quyền vô sản.
[2] Tại Bắc Hàn và Mông Cổ, chế độ CS đã được tạo dựng bằng ngoại lực; tại Nhật Bản, Ấn Độ, Tích Lan, CS vẫn còn lẩn quẩn trong hình thái đảng tranh với các chính đảng không CS khác như kiểu Tây Âu.
[3] Những cuộc nổi dậy của CS Miến, Mã, Indonesia vào năm 1948 là do ảnh hưởng Hội Nghị Thanh Niên Sinh Viên Đông Nam Á Đấu Tranh Cho Tự Do và Độc Lập được CS quốc tế tổ chức tại Calcutta vào tháng 2 năm 1948. Dựa vào học thuyết “hai phe” của Mạc Tư Khoa (hoặc đứng vào hàng ngũ CS, hoặc làm tay sai cho đế quốc) do Andrei Zhdunov đưa ra vào cuối năm 1947, nghị quyết của Hội Nghị Calcutta đã minh thị con đưòng các tổ chức CS Đông Nam Á phảI đi là con đường không thoả hiệp và phương thức tiến hành đấu tranh không gì khác hơn là võ trang.
[4] Văn Tân, bài Lãnh Tụ của Đảng, tập san Nghiên Cứu Lịch Sử, số 10, năm 1960, Viện Sử Học, Hà Nội.
[5] Vũ Thọ, bài “Quá trình thành lập đảng Vô Sản ở Việt Nam đã được diễn ra như thế nào?” tập san Nghiên Cứu Lịch Sử, số 71, tháng 2 năm 1965, Viện Sử Học, Hà Nội.
[6] Luận cương chính trị được trình bày và thông qua tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương lần thứ nhất vào tháng 10 năm 1930.
[7] Tại Sarawak, nhóm Hoa kiều CS có quan hệ tổ chức với CS Mã cũng đã thành lập Liên Đoàn Chống Phát Xít Sarawak nhằm tuyên truyền chống Nhật, nhưng hoạt động yếu ớt không đáng kể và về sau đã tự điều lắng.
[8] Trên thực tế, nội các Trần Trọng Kim đã từ chức từ ngày 7 tháng 8 năm 1945 và chỉ còn được lưu lại để xử lý.
[9] Tân Trào là tên Mặt Trận Việt Minh đặt cho Bản Kim Long, thuộc huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.
[10] Theo Trần Huy Liệu ghi lại trong hồi ký Đi Dự Quốc Dân Đại Hội ở Tân Trào thì không những Hà Nội mà hầu hết các nơi khác cũng vậy, đại biểu Việt Minh từ Tân Trào về các địa phương chỉ là để tiếp thu thành quả của quần chúng hơn là lãnh đạo khởi nghĩa. “Nhiều cuộc khởi nghĩa ở các địa phương đã nổ ra trước khi lệnh khởi nghĩa từ Tân Trào phát đi, cũng như nhiều đại biểu từ Đại Hội Quốc Dân trở về đến nơi thì cuộc khởi nghĩa đã bùng lên rồi.”
Riêng chuyện thành phần trung ương từ Tân Trào về Hà Nội lo việc tổ chức khởi nghĩa do chính Trần Huy Liệu đảm nhiệm, ông ta viết “Một buổi chiều, vào nghỉ trọ ở nhà một đồng bào Mán Cao Lan ở gần Sơn Cốt (Thái Nguyên), nghe đồng bào nói có người từ dưới xuôi lên nói là ta đã lấy Hà Nội rồi. Tôi nói chuyện lại với anh Trường Chinh, nhưng vẫn không tin lắm. Nhưng qua chợ Mỏ Chè đến phố Cò thì chuyện Hà Nội khởi nghĩa đã là tin đích xác rồi. Chúng tôi vừa đi vừa bàn những việc phải làm ngay. Đến Phố Cò, anh Trường Chinh và một người nữa mượn hai chiếc xe đạp đi lên Thái Nguyên để gặp anh Võ Nguyên Giáp bàn định công việc vì Thái Nguyên lúc ấy còn ở tay quân Nhật, ta chưa hạ được.”
[11] Xem chương 6.
[12] Xem chương 7.
[13] Yếu tố nhân dân hỗ trợ cho hoạt động của CS có lẽ đã được Magsaysay nhận thấy, nên vào tháng 2 năm 1953 khi tuyên bố từ chức chức vụ bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ Quirino, ông đã nói “Thật là vô ích cho tôi nếu tiếp tục giữ cái chức vụ bộ trưởng Quốc phòng này với nhiệm vụ duy nhất là giết loạn quân Huk, trong khi nhà cầm quyền vẫn tiếp tục nuôi dưỡng và dung thứ những điều kiện tạo thành mảnh đất phì nhiêu cho hạt giống Cộng sản” (Philippines Herald số ra ngày 1 tháng 3 năm 1952.)
[14] Gồm những phần tử quá khích trong Tổ Chức Võ Trang Nhân Dân Kháng Nhật hồi thế chiến II. Nhóm này cũng đã ly khai vì không được chia ghế trong tân chính phủ.
[15] Xem chương 11.
[16] Nhật Báo Nhân Dân số ra ngày 14 tháng 6 năm 1966.
[17] Xem chương 12.
[18] So sánh viện trợ Nga Sô và Trung Cộng cho CSVN (đơn vị: triệu MK)
Năm Nga Trung Hoa
Quân sự – Kinh tế – tổng cộng Quân sự – Kinh tế – tổng cộng
1965 210-85- 295 60-50-110
1966 360-150-510 95-75-170
1967 505-200-705 145-80-225
1968 290-240-530 100-100-200
1969 120-250-370 105-90-195
1970 70-320-390 90-87-177
1971 100-370-470 100-110-210
1972 150-350-500 110-120-230
(Từ 1965 đến 1969, ghi theo Bộ Quốc Phòng Mỹ, qua tin UPI, Washington, ngày 29 tháng 4 năm 1972; từ 1970 đến 1972, theo Douglas Pike, bài “North Vietnam in the Year 1972”, Asian Survey số 1, bộ XIII, tháng 1 năm 1973.)
[19] Survey of China Mainland Magazines số 481, nga1y 26 tháng 7 năm 1965.
[20] Thái độ dứt khoát chống Nga của một số Đảng CS Đông Nam Á được ghi nhận đặc biệt trong thòi kỳ Nga Mỹ họp Hội Nghị Cao Cấp ở Mạc Tư Khoa năm 1972 qua những lời tuyên bố điển hình sau:
“Diễn biến tình hình quốc tế trong một năm qua đã chứng minh đầy đủ học thuyết khoa học của Mao chủ tịch… Bọn đế quốc xét lại và bọn phản động không cam chịu xét lại. Đế quốc Mỹ và bọn xét lại Liên Sô đang điên cuồng tăng cường quân bị để phân chia phạm vi ảnh hưởng. Chúng vừa cấu kết, vừa tranh dành ráo riết tiến hành can thiệp, lật đổ và xâm lược các nước.”
(Xã luận đài Tiếng Nói Cách Mạng Mã Lai của Đảng CS Mã ngày 20 tháng 5 năm 1972)
“Đế quốc Mỹ và đế quốc Xã Hội Liên Sô đã lâm vào cảnh hết sức cô lập trên thế giới. Mặt trận thống nhất cách mạng của nhân dân toàn thế giới chống Đế quốc và tất cả bọn phản động đã vững mạnh hơn bao giờ hết.”
(Bình luận của đài Tiếng Nói Nhân Dân Thái của đảng CS Thái ngày 20 tháng 5 năm 1972)
“Xu hướng chính của thế giới hiện nay là cách mạng. Đế quốc Mỹ đã vấp phải những khó khăn chồng chất và không thể vượt qua nổi cả trong lẫn ngoài nước. Đế quốc Xã Hội Liên Sô càng lộ rõ hơn nữa bộ mặt thật của tên Sa hoàng mới. Hai cường quốc siêu đẳng này vừa cấu kết lại vừa cấu xé hòng chia cắt và chi phối thế giới. Nanh vuốt của chúng thò đến đâu thì nhân dân ở đấy chống lại chúng đến đó.”
(Tuyên bố của đảng CS Indonesia ngày 23 tháng 5 năm 1972 nhân dịp kỷ niệm 52 năm ngày thành lập)