Số lần đọc/download: 152 / 14
Cập nhật: 2020-10-15 22:01:54 +0700
Truyền Thuyết Về Quán Tiên P V
Trước những cốc bia sủi bọt, với những cặp mắt đã ngấm men, những người lính lái xe Trường Sơn xưa kia đang ôn lại với nhau cái không khí "quán Tiên" sau ngày các cô gái ra đi. Chủ quán là một tay trợ lý hhậu cần vào loại giỏi của binh trạm được ông Lâm điều đến. Thêm vào đấy là ba thương binh dũng cảm không chịu lui về hậu phương. Thiệt điếc này bỗng nhiên như có phép màu đã nghe được khá hơn, nhưng dù sao vẫn là nghễnh ngãng. Một anh lính cao pháp đi khập khễnh, và một chiến sĩ giao liên bị bom hỏng một con mắt. Thức ăn vẫn là xôi hoặc bánh chưng. Vẫn nước chè rừng nóng hổi. Binh trạm trưởng còn lệnh xuất kho thêm một khoản thịt hộp tăng cường cho xuất ăn phụ ban đêm. Nhưng sự cố gắng đến cay cú của ông Lâm đã không thành công.
Những người lính lái xe dừng lại ở "quán Tiên" trong những ngày đó, thoạt đầu ngỡ ngàng, tiếp theo là nhớ tiếc không khí hồi nào, rồi một chút chán ngán và cuối cùng họ tính toán: dừng lại mười lăm phút để đâu phải chỉ ăn một nắm xôi? Nếu để hưởng thêm một khoảng khắc tươi mát thì làm sao tìm được nơi các chàng thương binh dũng cảm? Thà họ mang mấy thỏi lương khô, một bình toong nước chè nguội tranh thủ mà chạy thêm một quãng đường lại hơn. Không thể dùng lệnh buộc họ phải đỗ lại, nếu họ không hích thú. Thế là ngang qua "quán Tiên" họ lái xe vù thẳng. Quán ế hàng nên không thổi xôi mà chỉ luộc bánh chưng. Vì bánh chưng có thể để đem đến trạm giao liên. Binh trạm trưởng cáu tiết, nhưng "quán Tiên" phải giải thể. ít lâu sau chiếc hang xinh đẹp bỏ trống trở lại cảnh nguyên thủy như xưa. Chỉ những chùm thạch nhũ ám khói là còn lưu dấu vết một thời có người ở.
Trong câu chuyện của những người lính lái xe luống tuổi, khi nhắc đến chuyện "quán Tiên" bị giải thể, họ tỏ ý giễu cợt. Trái lại khi nhắc tới số phận của Mùi và Phượng, họ lại tỏ ra trân trọng ưu ái. Nghe đâu, cô Phượng không được về Tha Mé vì ở đó chỉ có một công việc thích hợp với Phượng là làm cấp dưỡng cho đội xe. Mà làm cấp dưỡng thì chưa phải là công việc đòi hỏi Phượng phải tỏ rõ lòng dũng cảm như ông Lâm yêu cầu. Hơn nữa, theo ông Lâm thì việc yêu đương của Phượng và Quỳnh, chậc, chẳng qua là do Mùi buông lỏng quản lý mà nên chuyện. Với lại, dù có tình ý với nhau thì nay thằng Quỳnh đã nằm dưới mộ, ôm lấy nắm đất mà khóc than là cái trò phong kiến! Xúp! Số phận của Phượng đã được binh trạm trưởng tính toán. Cũng như Mùi, nhất thiết cô phải ra "đội bom". Và cô đã nhận được quyết định đến bến phà Tà Khống cùng một chỗ với người bạn cũ là Tuyết Lan. ừ thì đi, có sao đâu. Người ta đồn, về sau Phượng yêu một anh lái xe khác. Hết thời gian thanh niên xung phong, họ về quê cưới nhau. Bây giờ con cái họ đã lớn, và hình như Phượng đang phụ trách một cửa hàng giải khát ở thành phố Vinh.
Những người lính lái xe nhắc đến Mùi như thể mới gặp cô hôm qua, hôm kia thôi. Họ bảo lính lái xe ngại nhất là tắc đường. Vậy mà tắc đường ở cây số 133 họ lại yên tâm, vì đấy là đoạn đường do đơn vị thanh niên xung phong của cô Mùi phụ trách. Một cây luồng chắn ngang đường làm hiệu cho xe dừng lại. Lái xe ló cổ qua ca bin hỏi vọng vào hầm hàm ếch khoét vào núi:
- Tắc đường ư mấy em?
- Tắc đường, cá anh chờ cho chút xíu. Dẹp xe lại!
- Lính cô Mùi đấy phải không?
- Vâng chúng em là lính chị Mùi đây!
- Cô Mùi ở đâu rồi?
- Chị ấy đang trên hiện trường. Lấp hỗ bom sắp xong rồi. Lát nữa các anh đi qua sẽ gặp. Cứ chị nào tóc dài nhất í!
Một phát súng nổ báo hiệu thông đường. Đoàn xe từ từ lăn bánh trên đoạn đường chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Qua chỗ đất mượn mới đắp, lính lái xe đi giữa tiếng reo vui của các cô gái thanh niên xung phong. Những bàn tay dính bết đất giơ lên vẫy vẫy, có những bàn tay thò qua ca bin hạm vào cánh tay người lái. Cười nói ríu rít:
- Cô Mùi ơi! Cô Mùi đâu?
Hầu như anh lính lái xe nào cũng gào lên như thế. Bởi vì ai đã từng qua "quán Tiên" đều không quên Mùi. Nhưng giữa sự nhộn nhạo vang lên hàng loạt câu đáp:
- Em đây! Mùi đây!
- Ai hỏi Mùi đấy?
- Em đây! Mùi đây!
Và những nhịp cười trong trẻo. Không người lính lái xe nào kịp nhìn kỹ xem cô gái nào có mái tóc dài nhất.Cô nào cũng nhận là Mùi tất. Thế là được rồi. Đi xe đoàn không thể túc tắc muốn dừng lúc nào thì dừng.
Lại một đêm khác, đoàn xe dừng lại trước cây luồng chắn ngang:
- Tắc đường ư mấy em?
- Tắc đường! Các anh chờ cho chút xíu...
- Lính cô Mùi đấy phải không?
Không có tiếng đáp lại. Qua bóng tối lờ mờ có dáng một người con gái bước tới.
- Cô Mùi đâu rồi?
Cô gái òa lên khóc:
- Chị Mùi hy sinh mất rồi, các anh ơi!
Cánh cửa xe mở hấp tấp. Những người lính lái xe túm tụm lại nghe cô gái nói về cái chết của Mùi. Có một chiếc xe chở đạn pháo bị thằng C.130 săn đuổi bén lửa đâm dụi vào ta luy. Mùi hô hào chị em lên dập lửa nhưng ai cũng níu Mùi lại, vì nguy hiểm quá. Mùi giằng ra. "Phải cứu người lái xe bị thương nặng ra". Nhưng trời đất ạ, không kịp nữa rồi. Cả xe đạn nổ tung. Gương hy sinh của Mùi đã được báo chí và đài phát thanh Trung ương nêu lên. Nghe nói đoàn Trường Sơn có truy tặng Mùi là liệt sĩ anh hùng, nhưng vì lý do trục trặc về thủ tục gì đó nên không được duyêt. Dẫu không được phong tặng anh hùng thì Mùi vẫn để lại trong lòng các chiến sĩ lái xe, các anh chị em thanh niên xung phong một hình ảnh đẹp, khó quên. Có điều không ai hiểu được tại sao Mùi lại dũng cảm đến mức liều lĩnh như vậy? Y như có một nỗi niềm gì thôi thúc trong lòng mà chữ nghĩa trên báo và tiếng nói trên đài không tài nào diễn đạt được...
... Bây giờ những người lái xe luống tuổi vẫn nhắc về Mùi bằng một giọng bùi ngùi thương cảm. Chẳng hiểu sau đại thắng mùa xuân 1975 thằng chồng nó, cái thằng tên là Hân í ó may mắn trở về nữa không nhỉ? Cũng mong manh lắm, bởi vùng tây Nam Bộ đâu có kém ác liệt gian khổ, nhất là thời kỳ sau Mậu Thân. Những cặp mắt mơ màng nhìn qua cửa sổ, qua những dòng người qua lại tưởng như vô tư, để nhìn ra tận chân trời, tận cõi hư vô xa lắc và huyền ảo dường như muốn tìm một lời giải đáp.
Bởi vì họ nửa tin nửa ngờ một chi tiết mang màu sắc huyền thoại. Rằng anh chàng Thiệt (về sau không còn điếc nữa) đã có dịp trở lại thăm "quán Tiên", khi chiến tranh kết thúc được vài năm. Là cán bộ của sở Lâm nghiệp, nhân một chuyến công tác lên tận biên giới Lào - Việt, anh đã tìm đến khu rừng đầy kỷ niệm. Ngôi mộ con khỉ đã bị ai bới rồi, nhưng vết khắc trên cây dẻ của anh vẫn còn đọc được. Trưa hôm ấy, sau khi ngắm nhìn cảnh hoang vắng của "quán Tiên", anh mắc võng vào hai mẩu đá trong chiếc hang năm xưa mà anh vẫn chưa quên, để ngả lưng. Cũng là để nhớ lại chiếc hôn đầu của người con gái ban cho, mà dù bây giờ đã có vợ con, anh vẫn thấy ngọt ngào huyền diệu làm sao. Nhưng lạ thay, đặt lưng xuống võng, anh không tài nào chợp mắt nghỉ trưa được. Mắt vẫn mở mà thật là quái dị, hình ảnh một con khỉ màu đen ức có chùm lông trắng hiện lên. Người con gái có mái tóc dài chấm gấu áo cứ hiện lên. Người con gái đi trước, con khỉ theo sau bao giờ cũng có quãng cách. Nằm nghiêng bên này vẫn thấy, trở sang bên kia vẫn như thế. Nhắm mắt lại, càng thấy rõ hơn. Cấu vào chân mình, biết là mình tỉnh mà vẫn như mê. Sợ quá, anh chàng nhỏm dậy, cuốn võng khoác ba lô chuồn thật nhanh. Vậy mà đi đường, thậm chí trèo lên ôtô rồi, anh vẫn thấy cái ảo ảnh kỳ lạ đó. Bao giờ cũng có một quãng cách, người con gái đi trước. Con khỉ theo sau... Dường như hai sinh vật ấy không thể gặp nhau được, tuy nhiên vẫn cứ đi.
Ngày giáp Tết Bính Dần