Có tiền và có những thứ tiền có thể mua được là điều tốt, tuy nhiên, đôi khi cũng nên xem lại và đảm bảo rằng mình không mất những thứ mà tiền không mua được.

George Horace Lorimer

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1704 / 67
Cập nhật: 2015-11-21 22:30:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
ố thằng Vũ đen quá. Giang hồ đúng ngày cô nó ốm nặng. Bác nó chừng hiểu rõ tâm sự của kẻ trốn nhà nên bắt bí nó thổi cơm, rửa bát, nấu cám lợn, bế em là những việc Vũ chưa hề làm bao giờ. Họ hàng cũng chẳng tốt gì. Chỉ có ba nó, dì nó, em nó tốt thôi. Nếu bác nó tốt đã không sai nó như sai thằng nhỏ. Bác nó cứ xoen xoét cái mồm khen nó khéo, khen nó giỏi để nhờ giúp việc này, giúp việc nọ. Bác nó tưởng nó ở đời với bác nó đấy. Chiều mai ba nó đón nó về, nó sẽ cho bác nó biết tay.
Vũ ăn cơm xong, quẳng bát vào chậu. Nó không thèm rửa vội. Vũ móc bị lấy cái kèn ác mô ni ca, lững thững ra ngoài cống. Trăng đã lên cao. Ánh sáng bạc trải lên con sông đào đang cuồn cuộn chảy đẹp vô cùng. Gió đêm mát rượi. Nhiều người tụ họp gần cống hóng mát.
Vũ cảm hứng đưa kèn lên thổi. Lũ trẻ con bu quanh nó thưởng thức âm nhạc. Vũ chơi bài “Căn nhà êm ấm”. Bài này anh Phú, huynh trưởng hướng đạo dậy nó. Anh Phú bảo tác giả “Căn nhà êm ấm” là một người Anh Cát Lợi, anh Phú quên mất tên. Chỉ biết ông ta là một ông lão hành khuất nghèo khổ, gia đình không có, họ hàng cũng không. Ông ta ngày đi ăn mày, đêm về ngủ gậm cầu xó chợ. Ông ta mơ ước một căn nhà êm ấm, có ánh lửa, có tiếng trẻ nô đùa để quên cuộc đời hành khất nằm vỉa hè hết một kiếp người dưới tuyết lạnh mùa đông. Nỗi mơ ước của ông lão hành khất thấm nhập vào tâm hồn ông thành bài hát. Rồi ông hát bài này trước cửa từng nhà thay vì “con lạy ông, lạy bà, lạy cô, lạy cậu hãy bố thí cho con miếng cơm bát gạo …” Dân Anh Cát Lợi nghe bài này cảm động, khóc sướt mướt.
Đến nốt nhạc cuối cùng, Vũ nhớ nhà quá. Nước mắt nó ứa ra. Nó mường tượng căn nhà ở phố Lý Thường Kiệt, nơi đó, ba nó, dì nó, em nó đang buồn rầu vì vắng nó. Vũ không nén nổi xúc động, nó nhìn giòng sông bạc cuồn cuộn chảy cất tiếng hát:
- “Nhà tôi bên sườn đồi thênh thang, chiều về gió lay ngàn thông cùng reo … Từ miền xa ngân nga tiếng sáo diều vi vu hòa bao cung đàn … Chiều vàng trên mái tranh hoa leo … Hàng bóng cau ngả nghiêng ngoài hiên ……
Đời bạt gió như chim lìa đàn. Còn vấn vương nếp tranh bên đồi …
Vũ hát kém thằng Vọng và thằng Côn nhưng hôm nay nó nhớ nhà, nó lại bị hầu hạ bác nó, bị bế em nên Vũ tưởng chính nó là ông lão ăn mày người Anh Cát Lợi. Giọng nó trầm buồn tha thiết.
Vũ hát xong bài “Căn nhà êm ấm”, bọn trẻ con vỗ tay khen ngợi ầm ỹ. Chúng nó xúm gần bắt chuyện làm quen với Vũ, Vũ bớt buồn. Chúng nó hỏi Vũ ở đâu. Vũ cho chúng nó biết Vũ ở nhà ông lang Tặng. Bọn trẻ rủ Vũ vào xóm đinh chơi. Vũ lắc đầu. Một lát sau chúng nó tản mạn hết, còn lại hai đứa. Một thằng hỏi Vũ:
- Tên đằng “ưới” là gì?
- Tên tớ là Vũ.
- Tên “tứa” cũng là Vũ, anh “tứa” đây là tên Thân.
Vũ nhìn thằng nhãi nhà quê. Nó toét miệng cười. Ánh trăng sáng đủ để Vũ biết nó bị sún. Vũ nói:
- Vậy bằng ấy là Vũ sún nhé!
- “Ừa”, bố tớ “vưỡn” gọi tớ là thằng sún đằng “ưới” ạ! Anh em tớ con nhà thuyền chài.
Thằng Thân tiếp em:
- Chỉ có hai anh em “tứa” thôi, chúng “tứa” bơi thuyền câu trên sông đằng “ưới” ạ! Đi gần tối “mưới” về, đông lắm, thích lắm “cưa” …
Vũ phởn chí. Bụng nó mở cờ mừng vui. “Con thuyền, cánh buồm máu, sông dài, bể rộng, tướng cướp biển” hà hà, giang hồ thế mới gọi giang hồ. Vừa có chuyện làm lác mắt bọn thằng Côn, vừa trả thù bác Tặng cho bác ta đi tìm trối chết, vừa thoát thổi cơm, rửa bát một ngày, Vũ thích rên lên. Nó gọi nhỏ:
- Vũ sún ơi!
- “Ươi”.
- Đằng ấy thích chơi với tớ hở?
- “Ừa”, anh “tứa” thích “chươi vưới” đằng “ưới”. Chúng nó bỏ đi hết, anh em “tứa” không bỏ đi. Đằng “ưới” đi câu vui lắm, mang kèn “thủi” cho cá nó nghe đằng “ưới” ạ!
Vũ giả vờ:
- Tớ còn một việc mai không đi được.
Thân hỏi:
- Việc gì hả đằng “ưới”?
Vũ trả lời:
- Bác tớ bắt tớ rửa bát, quét sân. Tớ lười chưa rửa, quét gì cả. Nếu các đằng ấy thích tớ mang kèn đi thổi cho cá nghe thì Vũ sún rửa bát, Thân quét sân hộ tớ. Mới lại nhân tiện để tớ xem hai đằng ấy có thật lòng với tớ không?
Hai anh em thằng Vũ sún khờ khạo, hăng hái nhận việc. Vũ lôi chúng nó về. Vũ sún rửa cả chậu bát lẫn chậu quần áo của bọn nhãi, con ông lang Tặng. Thân khom lưng quét sân, thái bèo cho lợn, còn thằng “hiệp sĩ” Vũ ngồi dựa lưng vào tường thổi bài nhạc vui “Trên lưng ngựa”.
Làm xong việc, anh em Vũ sún về hẹn thằng Vũ sáng mai, lúc mặt trời chưa mọc, anh em nó đợi Vũ “hiệp sĩ” ở ngoài cổng. Vũ vừa lách liếp vào thì bác nó túm lấy, sai việc:
- Bác phải sang thăm bệnh ở bên kia sông, cháu sắc cho cô chén thuốc này nhá! Đổ ba bát nước để lửa lom rom, canh lấy già nửa bát, gạn ra đưa cô uống.
Rồi bác nó đi luôn. Vũ nghiến răng, lẩm bẩm. Nó cáu sườn “cớp” táo tầu chén. Tối mò mò, Vũ mở nhầm liễn thục địa. Thục địa nó cũng ăn. Ăn xong Vũ “cớp” táo nhưng lại nhầm ô mai. Vũ chửi thầm đứa nào sắp hàng liễn lộn xộn. Ném nắm ô mai vào chuồng lợn. Vũ xuống bếp nhóm hỏa lò. Sắc một chén thuốc, ít nhất cũng mất hai tiếng đồng hồ. Vũ thương cô mới thức chứ người khác, bác lang Tặng chẳng hạn, đừng hòng.
Vũ chẻ vài cái củi nhỏ, rưới tí dầu hỏa làm mồi, xếp than lên, đoạn châm lửa. Củi cháy vèo hết ngay. Vũ ngồi chồm hổm, phồng mang trợn mắt thổi lửa. Nó nhớ tới bài tập đọc trong cuốn “Quốc văn giáo khoa thư” lớp sơ đẳng học năm ngoái mà phì cười. Nó giống hệt ông Lý Tích thổi than sắc thuốc cho chị cháy cả râu. Khác một điều, nó không làm quan to, chưa có râu và sắc thuốc cho cô nó thôi.
Gạn lần cuối cùng, đúng phân lượng bác đã dặn, Vũ rưới nước tắt bếp rồi bưng thuốc lên cho cô nó. Nó vặn ngọn đèn sáng hơn, gọi cô nó dậy. Cô Vũ không ngờ Vũ thức đêm sắc thuốc cho mình. Bà cứ tưởng đây là công việc của ông chồng yêu dấu. Cô Vũ cảm động đỡ bát thuốc, uống ừng ực một hơi hết liền. Một lát, cô nó ngạc nhiên gọi:
- Cháu ơi!
Vũ kinh hãi:
- Dạ.
- Cháu xích gần đây.
Vũ bỗng nghĩ đến chuyện quỷ nhập tràng. Nó sợ run bần bật:
- Cháu đứng đây được rồi cô ạ!
- Cô nhìn thấy rồi cháu ơi!
Vũ thở phào. Nó nói:
- Thuốc của bác hay ghê!
Cô Vũ lắc đầu:
- Không phải đâu, nhờ cháu mà cô mở mắt được. Cháu xích gần đây cô cho cháu một đồng …
Vũ mon men lại gần. Cô nó nắm tay nó. Nước mắt cô nó rơi nghe rõ từng giọt. Vũ thấy lòng nó se lại. Nó không dám nghĩ xấu về họ hàng nữa. Mai nó sẽ mua kẹo cho mấy đứa nhãi, đền bù những cái béo, những cú đá cáu kỉnh.
Chờ cô nằm yên, Vũ trở ra. Nó chui vào màn nằm mơ mộng vờ vẩn. Lạ nhà, lạ chiếu, lạ màn, Vũ không thể ngủ được. Mà ngủ nhỡ dậy muộn, mất một dịp may lênh đênh trên sông nước cả ngày thì tiếc chết người. Vũ ta chập chờn từng giấc ngủ ngắn không đầy mười lăm phút.
Vũ muốn chiêm bao. Nó nhớ con Thúy quá. Càng xa càng nhớ. Tại sao những giấc mơ mới không bao giờ giống giấc mơ cũ? Và tại sao lúc muốn mơ lại không mơ được? Vũ tự hỏi thế. Lạy trời cho Vũ mơ thấy Thúy.
Vũ nằm nghiêng, quay mặt ra cửa sổ. Bóng con Thúy không chịu tới. Chỉ có bóng cây in hình đen thẫm trên nền sân đất dưới ánh trăng bạc. Và mỗi khi gió thổi, bóng cây lay động.
Thằng Vũ Thằng Vũ - Duyên Anh Thằng Vũ