Số lần đọc/download: 2057 / 42
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:31 +0700
Chương 16
L
uyến, Ngọc và Khoa ngồi im lặng hàng tiếng đồng hồ. Không cắt ngang câu chuyện, không thắc mắc điều chi. Cứ mặc Côn diễn thuyết trước ba người thân yêu. Nói dài. Nói lung tung. Kệ Côn. Luyến im lặng, kính trọng nỗi đau khổ của Côn. Luyến hiểu đang cùng cực trong nỗi khổ, Côn cần phải nhả ra cho vơi bớt những phiền tủi, đau đớn chứa chất trong lòng. Côn có tâm sự cay đắng. Sự cay đắng làm vàng võ một đời người. Luyến vẫn để dành những giọt nước mắt cho Côn. Nếu nó bị cuộc đời xua đuổi. Côn đã bị cách mạng xua đuổi. Côn đã bị cộng sản, theo ý Côn, xua đuổi. Năm năm trời, Côn cũng giống Vũ, giống Long, giống Lộc, đem hết nhiệt tình dâng cách mạng. Khốn nỗi, cách mạng lại dối gạt Côn, lừa đảo niềm tin của Côn. Để bây giờ, Côn đâm ra thù hận cách mạng. Chẳng có cách mạng cách mung, Việt Minh việt meo gì hết. Cách mạng giả hình đã hiện nguyên hình cộng sản. Côn nghĩ thế. Có lẽ đúng. Cuộc đời bao la. Công sản bé nhỏ. Cuộc đời chưa xua đuổi, không xua đuổi Côn. Luyến vẫn để dành những giọt nước mắt khóc Côn.
Từ ngày về thị xã, Luyến trải thân mình rộng ra như tấm da thú, chịu đựng bao nhiêu mũi tên tẩm thuốc độc oan nghiệt bắn vào. Những mũi tên đó, Luyến tưởng đã là khủng khiếp của thời đại chiến tranh. Nó bị xóa mờ đi, khi Côn đề cập giai cấp trong chủ nghĩa cộng sản. Phân chia giai cấp để chia rẽ tình người, để con người thù hận con người, để dân tộc chém giết nhau. Và ly tán. Chả biết đấu tranh giai cấp có lợi gì cho cộng sản? Chỉ biết con người đã nghi kỵ con người, đã căm phẫn con người, đã đề phòng con người. Vì, sắp có đấu tranh giai cấp, máu sẽ như nước lũ, ào ạt chẩy tự rừng núi xuống đồng bằng. Giai cấp là trò chơi khốn nạn nhất của cộng sản.
Dân Thái Bình đã chết đói cơ man, đã chết bom đạn vô số, lại sắp chết giai cấp đấu tranh, nếu cộng sản giải phóng Thái Bình. Chưa thấy bần cố nông đấu tố địa chủ ác ôn. Đã thấy con địa chủ hốc hác, già đi, tưởng chừng quên thời tuổi vàng hoa mộng vì học tập chia giai cấp, phân loại thành phần và hiểu mình thuộc thành phần nào, giai cấp nào. Luyến không ác cảm với cộng sản, nhưng phân chia giai cấp, Luyến phẫn nộ. Và thương Côn.
Chiều tối hôm qua, Luyến đến nhà Khoa gặp Côn. Luyến bàng hoàng thấy Côn già đi nhiều quá. Đặng Xuân Côn hôm nay khác hẳn thằng Côn năm xưa. Năm xưa, thằng Côn thắc mắc độc lập là gì, thực dân là gì, phát xít là gì, Việt gian là gì, thì thằng Luyến đíu thắc mắc, cứ nằm một chỗ chơi; rủ đi nghịch ngợm, thằng Luyến đi liền. Thằng Côn chê thằng Luyến nhút nhát, sợ hãi Nhật lùn. Bẩy năm rồi, Côn mới tiếc giá như Luyến. Mỗi người có một đời. Côn tiếc làm chi. Luyến kể chuyện thị xã những tháng năm vắng Côn, Vũ, Long, Lộc. Nó khôi hài mất một chân. Côn cười. Luyến không quên nói với Côn những gì xẩy ra cho nó và Ngọc. Hai đứa yêu nhau và sẽ cưới nhau. Côn không xúc động, chúc Luyến và Ngọc hạnh phúc suốt đời. Chỉ muốn làm cho Côn ngạc nhiên, nên còn dấu thằng Vọng ghẻ tầu. Luyến dặn Khoa đừng nhắc gì tới Vọng, cả cha mẹ Khoa nữa. Cứ để mặc Côn tưởng Vọng đã chết đói năm Ất Dậu.
Sáng nay, Luyến mời Côn về nhà mình. Có Ngọc và Khoa.
- Nói nữa đi, anh Côn! Nói nhiều cho ẩn ức nó trào ra, mình sẽ hết ẩn ức.
Ngọc tha thiết đề nghị.
- Nhiều ẩn ức lắm, Ngọc ạ! Chẳng bao giờ hết nổi. Họa khi nào cộng sản chết hết.
Côn buồn rầu trả lời.
- Ai cũng có niềm ẩn ức. Anh Luyến ẩn ức hơi nhiều. Nhờ anh chịu suy nghĩ và viết lên giấy, ẩn ức của anh vơi đi. ẩn ức trong cuộc đời còn mãi. Anh Côn biết không, từ Luyến nghịch ngợm đến Luyến cụt chân, bây giờ anh ấy định cư ở Luyến tiểu thuyết.
Ngọc vui vẻ nói.
- Mày viết văn đấy hả, Luyến?
Côn hỏi.
- Đang tập viết.
Luyến đáp.
- Anh Luyến đinh viết cuốn Cầu Bo trầm lặng. Cầu Bo, chứng tích lịch sử của Thái Bình.
Khoa nói.
- Có thể, mày sẽ hay hơn các nhà văn nổi tiếng tiền chiến. Chưa ai dám nghĩ viết cuốn tiểu thuyết lịch sử về tỉnh mình đâu, Luyến ạ!
Côn nói.
- Luyến cụt chân hết làm Luyến nghịch ngợm, tất phải năng suy nghĩ. Luyến bây giờ làm việc bằng đầu óc. Làm việc bằng đầu óc không ai bì nổi, dẫu họ có trăm ngàn tay chân.
Côn nói.
- Anh thấy chưa, Luyến. Em nói có sai đâu. Anh Côn cũng bảo Luyến đầu óc mà...
Ngọc thích chí khoe.
- Biết viết văn là nhất rồi. Mình có thể bỏ tù Hồ Chí Minh vạn vạn năm. Trong tù, Hồ Chí Minh sẽ than: Bầy trò phân chia giai cấp là hèn, đốn mạt. Người ta sinh ra để được sống no ấm bên nhau, chứ đâu phải để thù nhau, ghét nhau.
Côn nói.
- Thời đại sẽ xoay vần, nghiến nát cộng sản. Chúng ta nên chờ đợi, vì chúng ta chống sao nổi thời đại. Cộng sản, tư bản đang chiến tranh lạnh. Cả hai đều là những con ốc của thời đại được dịp múa may quay cuồng. Hết dịp thì chỉ là sắt vụn rỉ, chả ai thèm biết tới. Thử nghĩ xem, ai mạnh bằng Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn, chiếm từ Á sang Âu. Người thù của mặt trời Thành Cát Tư Hãn đi tìm mặt trời để giết, vì mặt trời cứ tối, làm quân Mông Cổ phải dừng chân nghỉ ngơi, không tung vó ngựa đi chinh phục được. Sau Thành Cát Tư Hãn là gì? Một miếng đất cằn cỗi, thiếu nước, nghèo khổ cho dân Mông Cổ. Thời đại nó xoay, ai ngờ được. Ai mạnh bằng đế quốc Babylone, La Mã? Thời đại nó xoay, Babylone chìm xuống biển, La Mã bị lãng quên, không biết tên nước nữa. Ấy đó, thời đại luôn luôn xoay vần. Ai giỏi hơn Hitler, ai khỏe hơn phát xít Đức, Nhật? Thế mà cũng tiêu. Cộng sản đang ở chu kỳ rực rỡ, nó sẽ leo cao tuyệt đỉnh, rồi sẽ xuống đất đen. Cần gì phải bỏ tù Hồ Chí Minh?
Luyến nói.
- Mày là nhà văn, mày có quyền nghĩ xa xôi, làm việc xa xôi. Tao là chiến sĩ, chỉ nghĩ đến chuyện trước mắt. Và, trước mắt tao đang lù lù mấy thằng cộng sản. Giết nó đi, khỏi chờ thời đại xoay vần.
Côn nói. Rồi im lặng. Luyến đốt thuốc lá. Côn cũng vậy. Hai đứa cùng nhả khói và nhìn nhau, cùng cười.
- Giá, có thằng Vọng nhỉ?
Luyến nói.
- Nó chết rồi. May cho nó. Nếu nó còn sống, nó sẽ là kẻ thù của tao. Bố nó công nhân. Chết vẫn để lại giai cấp! Mẹ nó người bán hàng rong. Vọng thuộc giai cấp vô sản. Tao thành phần địa chủ ác ôn, giai cấp tư sản. Hai giai cấp đánh nhau. Phần chết sẽ về tao.
Côn nói.
- Khi nó chơi với chúng mình, nó có biết giai cấp là gì không? Thằng Vũ, con ông buôn bán hàng chuyến giai cấp gì? Thằng Long, con ông bán hàng sắt, giai cấp gì? Thằng Lộc, con ông chủ hiệu xe đạp, giai cấp gì. Mày giai cấp gi? Tao giai cấp gì? Mà vẫn chơi với nhau khắng khít.
Luyến nói.
- Dạo ấy, chưa có cộng sản.
Côn nói.
- Mày nghi oan cho thằng Vọng rồi, Côn ạ!
Luyến nói.
- Không oan, nếu nó còn sống.
Côn nói.
- Anh Vọng vẫn còn sống, anh ạ!
Khoa nói.
- Nó chết rồi mà.
Côn nói.
- Tháng 11, 1950, anh ấy còn đóng quân ở làng em. Bây giờ, chắc anh ấy đã đổi đi nơi khác.
Khoa nói.
- Vọng còn sống, lạ nhỉ.
Côn nói.
- Không lạ đâu. Khoa kể chuyện anh Vọng cho anh Côn nghe đi.
Luyến nói.
Khoa thuật từ đoạn Vũ, Côn, Luyến, Long, Lộc đem cơm bánh đến cứu Vọng. Lần này, không bị người đói cướp giật. Vào đến nhà, không có Vọng, chỉ thấy mẹ Vọng đã chết. Tất cả đều cho là Vọng chết giúi ở chỗ nào. Thực ra, cách đấy ba ngày, thầy Nguyễn Công Hoan sai người đến cứu Vọng, đem Vọng xuống Tiền Hải. Từ đó, Vọng học làm cách mạng. Vì bận nhiều việc, Vọng không về thị xã. Cho đến tháng 9, 1950, Vọng về Tường An, làm chính ủy trung đội và khuyên gia đình Khoa vào thị xã, càng nhanh càng tốt. Nếu gia đình Khoa ở lại, Vọng đi khỏi, bộ đội mới về, có thể sai chính sách, thi hành lầm, gia đình Khoa sẽ gặp nhiều oan trái. Khoa nói ba người thương Vọng nhất trên đời là Vũ, Côn, Luyến. Vọng đã khóc. Vọng bắt Khoa kể chuyện đá bóng năm xưa, hỏi Vũ, Côn, Luyến ở đâu, làm gì. Vọng mừng khôn tả. Vọng có tên mới: Kỳ Bá. Vọng bảo Khoa muốn gọi là Vọng hay Kỳ Bá cũng đưọc. Khoa vào thị xã cuối năm l950. Vọng từ biệt Khoa và hứa gặp Khoa ngày giải phóng thị xã.
- Thầy Nguyễn Công Hoan dạy Vọng làm cách mạng à?
Côn hỏi.
- Vâng.
Khoa đáp.
- Nguyễn Công Hoan là tổ sư cộng sản, dạy thằng Vọng làm tổ sư cộng sản. Nó đi lính tới chức chính ủy, nó phải vào Đảng cộng sản. Phải không, em Khoa?
Côn chua cay hỏi.
- Vâng, anh ấy là đảng viên Đảng cộng sản.
Khoa bình tĩnh đáp.
- Giai cấp vô sản lại đảng viên Đảng cộng sản, thôi Khoa, anh không muốn nghe chuyện thằng ghẻ tầu nữa. Quên nó đi. Anh hết thương nó rồi. Cả ông Nguyễn Công Hoan. Bây giờ, gặp cộng sản ở đâu, chỉ có đạn bắn trúng tim chúng nó. À, anh còn trả thù cho thầy Đàn nữa. Thầy đã bị cộng sản thủ tiêu rồi. Như Khái Hưng, Lan Khai...
Côn nói rất tàn bạo. Khoa há miệng chưng hửng. Ngọc ngạc nhiên. Luyến nhìn Khoa, thầm bảo Khao đừng nhắc Vọng lúc này. Luyến hiểu côn căm thù cộng sản muốn phát điên. Ai ở trong trường hợp Côn cũng giống Côn hết. Mắt Côn đỏ lên, long lanh thù hận:
- Không thể Bạn và Thù lẫn lộn được. Chúng ta cứ để Thù là Bạn chúng ta mãi, ngày kia, Thù sẽ cắt cổ chúng ta. Chúng ta lớn rồi, hiểu biết rồi, chúng ta là Quốc Gia. Thằng Vọng lớn rồi, khôn gấp bội chúng ta, thủ đoạn gian manh đầy người, thằng Vọng là Cộng Sản. Lời nói của cộng sản chỉ là đãi bôi. Nước mắt cộng sản chỉ là nước mắt cá sấu. Các bạn tin vào lời nói của thằng Vọng ư? Các bạn tin vào nước mắt của thằng Vọng ư? Tôi không tin, ngàn lần không tin thằng cộng sản đó. Với tôi, chỉ có sống hay chết trong chiến đấu diệt cộng sản.
- Côn ơi, mày và tao lên cầu Bo chơi. Tao sẽ nói tại sao tao muốn viết văn.
Luyến nháy mắt. Ngọc đứng dậy xin phép về đi chợ. Khoa nói có hẹn với thằng bạn sang Bồ Xuyên, sáng nay. Luyến đã chống nạng.
- Ừ, lên cầu Bo.
Côn và Luyến bước trên phố chính. Hai đứa không nói năng gì. Sự im lặng, một bước dài heo hút, ngăn cách giữa hôm qua và hôm nay. Hôm qua vui vẻ, hồn nhiên và yêu đương ngập tràn. Hôm nay buồn bả, cô đơn và hận thù kín lối. Luyến thương Côn quá. Người bạn ngày xưa, từ cách mạng tới giờ, thấm thoát bẩy năm,.thay đổi toàn bộ nhân sinh quan. Ở miệng Côn thở ra căm thù và căm thù. Thái Bình, quả thật, đã trải qua cuộc dâu biển tàn bạo. Lâu lắm rồi, kể tự sứ quân Trần Lãm dấy binh, đến Đinh Bộ Lĩnh làm yên đất nước, Thái Bình chỉ biết chịu đựng thù hận, không nói đến hận thù. Thời đại nó đẩy người Thái Bình đến chỗ phải biết hận thù và kiếm cách trả thù hận. Cách mạng, chiến tranh, hay cộng sản?
Tiếng nạng gỗ của Luyến nghe buồn tênh...