Số lần đọc/download: 2089 / 57
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:26 +0700
Chương 16
N
gày nào, giặc Pháp, ở đồn Ô Mễ, cũng đi càn quét. Chúng chỉ đến đường Lầy, bắn vào làng, rồi kéo quân về. Hoặc, chúng đứng trên bờ đê, ria đạn liên thanh thị uy. Làng Tường An không còn gì để giặc vơ vét. Con đường dẫn tới không thể chạy bằng xe căm nhông, nên giặc khó lòng đặt đồn bót. Đêm đêm, đạn ô buy, đạn đại bác câu về hàng trăm trái, bảo vệ đồn Mễ. Dân làng ngủ dưới hầm tránh đạn. Nhiều đứa trẻ sinh ra dưới hầm. Chúng cất tiếng khóc cùng với tiếng đạn bay trên đầu, và nổ tung đâu đó. Ban ngày, lo chạy giặc. Ban đêm, lo tránh đạn đại bác. Trong nỗi chết đe dọa thường xuyên, dân làng quên mất kháng chiến, quên mất chính phủ, quên luôn cả Hồ chủ tịch. Công việc đồng áng, lo vào sáng sớm. Đại bác câu về từ mười giờ khuya tới ba giờ sáng. Những đêm có trăng, đại bác nghỉ câu. Và, dân làng cầy cấy, gặt hái vào những đêm đó. Đại bác thường câu vu vơ. Thỉnh thoảng mới chết một người. Có khi ngót năm chục trái rơi xuống một thửa ruộng, biến thửa ruộng thành cái ao sâu có bờ. Đại bác làm vườn tược ngả nghiêng, xơ xác. Những cây chuối trúng mảnh đạn, ngã rũ, nom phát rợn người.
Nhiều gia đình tản cư đã bồng bế nhau xuống đồn Mễ, xin giấy thông hành vào thị xã. Từ đây, họ sang Nam Định hay lên Hà Nội. Xe Con Voi của Ông Lê Văn Định đã chạy khúc Thái Bình Tân Đệ. Mẹ Khoa muốn hồi cư, muốn về tề. Cha Khoa chưa quyết định. Cha Khoa vẫn tin tưởng giặc Pháp sắp bị đánh bật khỏi Thái Bình. Về tề sớm, vừa mang tiếng theo giặc, vừa không biết chạy đâu, nếu quân ta tấn công, san bằng đồn bót giặc. Ở làng, chạy giặc đã quen rồi, khổ cực cũng quen rồi. Miễu Vang là nơi tụ họp hàng ngày.
Gia đình Liên vẫn còn ở Tường An; mỗi ngày, Khoa đều gặp Liên, ở miễu Vang. Khoa thường trèo lên cành cây cao, nhìn về đường số 10, xem xe giặc chạy tới, chạy lui. Một buổi sáng, không giống bất cứ buổi sáng nào, Liên rủ Khoa đến ngồi dưới gốc cây cổ thụ. Con bé cầm tay Khoa, giọng bùi ngùi:
- Tiếc nhỉ, Khoa nhỉ?
Khoa chưa hiểu Liên tiếc điều gì. Thằng bé đã quên đi cái cảm giác tuyệt vời, những lần Liên cầm tay nó hay khoác tay lên vai nó.
- Khoa có tiếc gì không?
- Tiếc chứ.
- Nếu giặc Pháp đừng về Tường An, Liên sẽ muốn ở đây mãi, cho tới ngày hai đứa mình lớn lên. Rồi, kháng chiến thành công, Liên về Hà Nội, Khoa về Thái Bình. Mùa hè, chúng mình về Tường An nghỉ.
- Kháng chiến sẽ thành công.
- Bây giờ, buồn quá. Liên thích cầu Chờ ở quê nhà Khoa. Liên chưa đến bến Đợi. Chắc Liên sẽ thích lắm, nếu Liên được tới. Quê nhà Khoa có nhiều kỷ niệm, Liên không tài nào quên nổi. Như mật ngọt ở cuống hoa mẫu đơn…
- Sáng mai, Liên làm ong nhé!
- Chịu thôi, nhỡ giặc Pháp đi càn.
- Khoa thù giặc Pháp.
Khoa nghiến răng ken két. Mắt Khoa long lên. Không có trái cam, để Khoa chộp mà bóp nát. Giọng Liên vẫn bùi ngùi:
- Liên nhớ những ngọn đèn dầu đĩa, ở lớp Bình dân học vụ. Liên nhớ tiếng trống đồng, Khoa bảo, để phá giấc ngủ của Liên. Tiếc nhỉ, Khoa nhỉ?
Liên xích lại gần Khoa hơn:
- Ở Hà Nội, không có cầu Chờ, không có con đường đất nhễ nhãi ánh trăng.
Con bé nói thật nhỏ:
- Liên sắp về Hà Nội.
Khoa hốt hoảng:
- Liên sắp về tề!
Liên đưa tay, đặt lên miệng Khoa:
- Đừng nói to.
Khoa bứt tay mình khỏi tay Liên. Nó túm một nắm cỏ, dứt mạnh, rồi ném xa. Liên hỏi:
- Khoa giận Liên à?
Khoa lặng thinh. Tâm hồn nó rối bời. Giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ đã bị dẫm đè. Sương tan, và cỏ nát. Khoa chớp mắt. Nó cúi đầu. Kỷ niệm hôm qua hiện lên rực rỡ, rồi ủ rũ, cơ hồ những hàng chuối trúng đạn đại bác của giặc Pháp. Khoa nắm chặt đôi bàn tay. Nó cắn chặt môi. Rồi, khẽ lắc đầu:
- Khoa không bao giờ giận Liên cả.
- Liên biết mà.
- Liên về tề, Khoa sẽ buồn lắm.
- Rồi Khoa cũng về thị xã.
- Khoa không về.
- Tại sao?
- Vì Khoa là em của anh Vũ. Anh Vũ đã ra đi… À, bao giờ Liên bỏ làng Tường An?
- Liên mới chỉ nghe bố nói. Hôm nào Liên đi, Liên sẽ bảo Khoa.
Liên dặn dò:
- Nếu Khoa về thị xã, cố xin bố mẹ cho lên Hà Nội chơi, nhé! Nhà Liên ở số 42 phố cửa Bắc.
Khoa vuốt tóc:
- Khoa không về thị xã đâu. Khoa thù giặc Pháp.
Liên hỏi:
- Kháng chiến thành công, Khoa phải về chứ?
Khoa đáp:
- Khoa sẽ theo đoàn quân về, chiếm lại thủ đô Hà Nội.
Liên đặt nhẹ bàn tay lên vai Khoa:
- Có cho Liên chờ Khoa ở một cửa ô không?
- Cửa ô nào?
- Cửa ô trong một bài hát mà Khoa thích đó.
Khoa ngẩng mặt. Nó chớp mắt lia lịa. Cái tưởng đã quên, lại được nhớ. Và, mộng ước tưởng đã phong kín, lại mở ra. Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Khoa sẽ về Hà Nội, sẽ vào Hà Nội, từ một cửa ô. Khoa không thể về tề, vào tề, sống chung với giặc Pháp. Những bông hoa ngày mai, đón tương lai về tay, đang xuân đời mỉm cười vui hát lên… Khoa mỉm cười:
- Ngày ấy, Liên còn nhớ mặt Khoa không nhỉ?
- Nhớ Khoa mãi. Chỉ sợ Khoa quên Liên thôi.
- Đời nào quên Liên.
- Nhỡ Khoa quên.
- Thì Khoa còn nhớ căn nhà Liên, ở cửa Bắc.
- Chúng mình sẽ dạo chơi quanh hồ Hoàn Kiếm, và sẽ nhắc chuyện Tường An, chuyện cầu Chờ, chuyện bến Đợi…
- Và chuyện hẹn hò gặp nhau, ở miễu Vang, dưới gốc cây cổ thụ.
Liên ngả đầu lên vai Khoa. Rất hồn nhiên. Bây giờ, Khoa đã nghe rạo rực tự đáy hồn. Mạch máu Khoa chuyển mạnh. Liên đã phả thêm lý tưởng vào chuyến ra đi sắp tới của Khoa. Tất cả, còn nguyên vẹn. Tất cả, chưa bị bắn phá. Không có bom đạn nào bắn phá nổi tình người. Không có lưỡi lê nào đâm thủng nổi mộng ước. Hai đứa trẻ vừa chớm buồn một chia ly, ngồi yên dưới gốc cây. Gió kéo đến làm lá reo vui. Bầu trời xanh nhiều sắc mây lang thang. Một ngày bình thản trong mùa ly loạn. Một ngày đủ cho Khoa thu xếp hành lý yêu thương. Một ngày Khoa muốn dài thêm. Để, ngồi bên Liên tính chuyện mai sau.
Chiều đã xuống. Chiều xuống vội vàng. Mọi người rời miễu Vang trở lại làng, lo cơm nước, và sửa soạn tránh đạn đại bác. Đêm ấy, đại bác câu về cơ man. Tiếng nổ tiếp theo tiếng nổ. Đất rung chuyển. Sáng mai, hẳn sẽ nhiều chuyện buồn thảm. Khoa nằm trên chiếc chiếu, trải dưới hầm, không nghĩ đạn bay ngang đầu. Qua kẽ lá, Khoa vẫn nhìn rõ bầu trời, lấp lánh những vì sao. Khoa mường tượng một vùng trời Hà Nội. Khoa chọn một vì sao đặt tên là sao Liên, để nay mai đi chiến đấu, sẽ có những đêm nằm gối đầu lên súng, ngắm một vì sao, mà nhớ một người, chở vào đời mình đầy ắp kỷ niệm. Khoa ngủ thiếp đi dưới hầm tránh đạn đại bác.
Buổi sáng, Khoa vừa thức dậy, cha mẹ đã giục hối lên miễu Vang. Khoa ngỡ sẽ cùng Liên ngồi dưới gốc cây hôm qua, nói những câu chuyện êm đềm. Liên đến muộn. Sao hôm nay Liên đến muộn thế? Khoa nóng lóng gặp Liên, bảo cho Liên biết, vì sao nào là Liên. Và, nhắc Liên, lúc nào, nhớ Khoa nhất, là lúc vì sao lung linh nhất.
Khoa ngồi một mình dưới gốc cây. Khoa nhắm mắt. Khoa mong mình có thể ngủ được một giấc dài, cho tới khi Liên đến. Liên sẽ đứng trước mặt Khoa. Khoa mở mắt, thấy Liên cười. Và, Khoa đã ngủ. Rồi, Khoa mở mắt. Nắng làm chói mắt Khoa. Đường đang đứng trước mặt Khoa, chứ không phải Liên. Khoa nháo nhác:
- Liên đâu, Liên đâu mày?
- Nó về Hà Nội, từ sáng sớm.
Khoa nghẹn ngào. Nó đưa hai tay úp mặt. Nước mắt Khoa ứa ra. Nó thấm ngay, bằng cánh tay áo.
- Nó nhắn tao nói với mày rằng, bao giờ kháng chiến thành công, mày nhớ lên Hà nội, rủ nó về Tường An nghỉ hè!
Tai Khoa ù đi. Tâm hồn Khoa rét mướt.
- Mày nghe rõ chưa, Khoa?
Khoa từ từ đứng dậy. Nó ngước nhìn trời. Trời chưa có sao.
- Lúc nó nhắn tao nói với mày, nó khóc. Tao thương hại con Liên quá. Nó bảo mày đừng quên nhà nó, ở cửa Bắc. Mày nghe rõ chưa, Khoa?
Khoa thẫn thờ bước. Đường lắc đầu chẳng hiểu gì. Khoa lần xuống hồ Mơ. Nó soi bóng nó dưới nước. Khoa tưởng như cái bóng của nó là Liên và tưởng như những lời Đường vừa nói với nó là Liên đang nói với nó. Khoa mơ hồ nghe tiêng hát vang vọng "... đi diệt thù cứu quê, giặc tan đón em về...". Khoa nói cho cái bóng nghe: - Khoa sẽ đón Liên về ngồi trên cầu Chờ những đêm trăng sáng.
23-3-72
(Viết xong tại quận III Sàigòn)