The multitude of books is making us ignorant.

Voltaire

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
rung úy Huy nhìn quanh tìm những người lính còn sống sót trong đại đội ông. Ruột ông quặn thắt. Sau mười giờ cả đại đội túa ra tự mỗi người đi tìm đường sống, cuối cùng họ vẫn ở nguyên chỗ cũ, súng ống thất lạc, quần áo rách rưới, thân xác rã rời, tâm hồn ủ ê. Và cả đại đội chỉ còn sáu người: Huy, Kiểu thiếu úy, Lãng, Khải hạ sĩ truyền tin, Phước hạ sĩ tiểu đội phó, và Bưởi binh nhất. Cả Tiểu đoàn 4 còn lại cũng không được bao nhiêu, sĩ quan lớp chết lớp trốn đi trước, chỉ còn Thiếu tá Thành, Trung úy Huy là sĩ quan kế cận có cấp bậc cao nhất. Những lính Thủy quân lục chiến từ trên tàu qua được cửa tử là cái bửng nướng thịt người để vào bờ an toàn, nhưng thuộc các đơn vị khác như Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 2 Pháo binh, đơn vị vận tải, truyền tin, quân y, viễn thám của Lữ đoàn… rải rác còn hơn hai chục người.
Thiếu tá Thành vào bờ trước Trung úy Huy, nên khi ba thầy trò Huy vào tới bờ cát, ông đã tập trung được trên mười người lính Thủy quân lục chiến đơn vị khác nhau để phân công cho họ lập tuyến. Gặp Huy, ông mừng rỡ vì tìm được người phụ tá cần thiết. Ông nói:
- Huy cho anh em đi nhặt nhạnh tất cả súng đạn lại xem còn được nhiều ít để tính. Phải tận dụng thời gian tụi nó ngưng bắn để lập cho được tuyến. Súng dơ thì đem rửa đi, đạn vương vãi ở đâu phải nhặt cho hết. Trên tàu còn nhiều súng đạn trên đó.
Trung úy Huy dè đặt đề nghị:
- Còn một số anh em bị thương nằm trên đó.
- Hãy phụ đưa họ xuống. Vì trước sau gì tụi nó cũng phá tàu. Huy coi chỉ huy ở đây, tôi chạy đi xin thêm súng đạn.
Số lính Thủy quân lục chiến được tập họp lại. Thiếu tá Thành nói vài lời ủy lạo, rồi giao cho Trung úy Huy điều khiển họ khiêng thương binh ra khỏi tàu. Còn chưa biết làm sao trở lại chỗ Lữ đoàn lập phòng tuyến hồi sáng để xin tiếp tế vũ khí, thì may mắn một chiếc GMC từ phía bắc chạy tới. Thiếu tá Thành chận xe lại, leo lên ngồi với tài xế bảo chạy ngược về đường cũ. Người tài xế có lẽ quá quen với những điều bất thường, quay đầu xe lại, không nói năng. Thiếu tá Thành nghiêng người ra khỏi buồng lái, hét to cho đám lính phía trước nghe rõ:
- Tôi sẽ trở lại liền. Không có súng thì cũng phải có lương khô cho anh em!
Chiếc GMC tung cát chạy về hướng bắc, rồi khuất sau một khúc ngoặc có nhiều lùm dương cao. Trung úy Huy bảo Thiếu úy Kiểu:
- Ông dẫn bốn người trở lại tàu đem những người còn sống xuống.
Thiếu úy Kiểu hỏi:
- Nhiều quá khiêng sao cho hết?
- Ưu tiên binh chủng mình trước. Mấy người này đi thu nhặt hết súng đạn lại đây. Kể cả lính Bộ binh, ai có súng cũng phải nộp cho mình xài. Không được giữ riêng phòng thân.
Toán lính ngoan ngoãn tuân lệnh Trung úy Huy. Ông không thể tin được mắt mình. Chỉ vài giờ trước đây, trên tàu, họ là những tay súng lạnh lẽo không hề biết thương xót, thản nhiên kê súng vào màng tang các nạn nhân họ tự ý chọn lựa, thản nhiên đếm “một, hai, ba” rồi thản nhiên bóp cò. Thế mà bây giờ, họ là những người lính gương mẫu, có tinh thần kỷ luật và trách nhiệm. Nếu ở trên tàu, rủi ro một người trong bọn họ không tin Trung úy là Sĩ quan Thủy quân lục chiến thứ thiệt, chỉa súng vào đầu ông bắt đầu điệp khúc “Đù mẹ một, Đù mẹ hai…” chắc chắn ông không còn cách nào hơn là riu ríu tuân theo lệnh họ và nhảy xuống biển, không còn cách nào khác. Trong hỗn loạn, mất chỉ huy, thì người làm chủ đám đông là người có súng. Chưa đủ. Phải là người có súng và sẵn sàng giết.
Bây giờ những người lính ấy đã có chỉ huy. Họ trở thành những người lính bình thường.
° ° °
Việc tịch thu súng đạn của những người lính Bộ binh không phải dễ. Tuy không ai đứng ra tổ chức cho những người lính Bộ binh Sư đoàn 1 lập thành đội ngũ chiến đấu hẳn hoi, chia sẻ trách nhiệm với Thủy quân lục chiến chống lại các đợt tấn công sắp tới của địch, nhưng những người lính này nhất định không chịu buông súng. Họ biết rõ lợi thế của một khẩu súng trong đoạn đường nhiều chông gai sắp tới. Trung úy Huy không ngờ tới lúc ông phải dùng cái điệp khúc “Đù mẹ một hai ba” để giải quyết chuyện tập trung vũ khí.
Phần lớn những người lính Bộ binh rã ngũ đều riu ríu nộp vũ khí cho lính Thủy quân lục chiến dù không mấy sốt sắng. Cảnh chém giết họ vừa chứng kiến trên tàu khiến họ nhìn người lính mũ xanh nào cùng thấy đó là tử thần, tốt hơn hết là họ né tránh cho xa để khỏi phải chịu các nguy hiểm bất trắc. Điều mâu thuẫn là họ biết nếu bị địch tấn công, thì lực lượng thiện chiến đủ sức chống địch không ai khác hơn là những người lính mũ xanh. Cho nên dù né tránh không thân thiện, nhưng hễ lính mũ xanh ở đâu, đám lính Bộ binh và dân chúng đi theo đó, với một khoảng cách an toàn.
Trung úy Huy đang đi dọc theo bờ biển nhặt những băng đạn M-16 còn rơi rớt lại thì nghe giọng Lãng kêu lớn phía sau:
- Ông thầy, thằng này không chịu giao súng.
Viên trung úy quay ngoắt lại. Lãng đang cãi vã giằng co với một người lính không biết thuộc binh chủng nào vì anh ta chỉ mặc độc một cái quần đùi đen, thân khoác thêm một cái áo khoác dân sự màu xanh rêu bằng vải ni lông. Người lính mập mạp cao lớn gần gấp đôi Lãng, trên cánh tay và ngực xâm nhiều hình thù kỳ dị trông rất “bụi đời”. Thấy Lãng có vẻ thất thế, Trung úy Huy vội tới chỗ hai người, hỏi lớn:
- Cái gì vậy? Tại sao anh không giao súng?
Người lính ôm chặt lấy khẩu phóng lựu, nói:
- Súng của tôi, tôi không giao cho thằng nào hết.
Trung úy Huy nói:
- Vậy thì được. Anh tới chỗ kia lập tuyến với tụi này.
Người lính vênh mặt đáp:
- Tôi đâu phải em út của ông. Tôi không để thằng nào sai bảo đâu!
Nhanh như cắt, Trung úy Huy rút khẩu súng lục ra, dí nòng súng vào màng tang người lính, gằn giọng nói:
- Đù mẹ mày có giao súng không? Tao đếm ba tiếng, không giao thì chết rán chịu. Đù mẹ một.
- Đù mẹ chơi ép vùa thôi…
- Đù mẹ hai.
- Thôi, có lấy thì lấy đi.
Người lính mặt xanh như tàu lá, lúc đó mới biết sợ, thoát hiểm rồi lại càng sợ hơn nữa. Chỉ cần bướng bỉnh thêm một hai cái tích tắc nữa, chắc chắn viên trung úy Thủy quân lục chiến này không để cho hắn sống mà giữ khẩu M-79. Người lính lấm lét nhìn Trung úy Huy, nhìn Lãng, đảo mắt nhìn quanh tình thế, rồi lảo đảo đi về phía bờ nước, chỗ có nhiều người cả dân lẫn lính đang xúm nhau tìm kiếm thức ăn còn bỏ sót trong các xách tay, ba lô bị sóng đưa vào bờ từ lâu.
Phần Trung úy Huy, ông cũng bàng hoàng cả người vì vừa thoát được một tai nạn khó xử. Phải, đúng là một tai nạn không tránh được, nếu người lính chết nhát kia cứ khăng khăng giữ lấy khẩu M-79. Chỉ cần hắn im lặng khi ông hô tới điệp khúc chót “Đù mẹ ba” thì thế bắt buộc ông phải bóp cò. Một thân xác sẽ đổ xuống ngay dưới chân ông. Có thể những người chứng kiến cảnh tượng đó thông cảm cho ông, hiểu cái thế bất đắc dĩ của ông, nhưng Trung úy biết chắc là từ giờ phút ấy cho đến khi nhắm mắt lìa đời, chính ông không thể tha thứ cho ông được. Ông không thể nào quên cái thân hình đẩy đà có xăm hình tục tĩu ấy, cũng như không thể quên đôi mắt ngỡ ngàng kinh hãi của anh trung úy Bộ binh khi bị bắn chết trên tàu buổi trưa nay.
° ° °
Số súng đạn tập trung được không nhiều. M-16 được trên hai mươi khẩu nhưng đạn thiếu. Khẩu M-79 tịch thu của người lính mập là vũ khí tốt nhất lại chỉ có ba quả đạn. Khẩu M-60 với nguyên một thùng đạn vàng chóe thì lại bị trở ngại tác xạ, Lãng hí hoáy tìm cách sửa mà không xong. Trung úy Huy rán an ủi:
- Tụi bây bắn cầm chừng dọa tụi Việt cộng không cho chúng ào ra, chờ Thiếu tá đem súng đạn về. Tao tin ổng không làm thì thôi, đã làm là được việc.
Nửa giờ sau, người tài xế chiếc GMC từ hướng bắc hớt hải chạy bộ về, mặt xanh tái vì sợ và mệt. Anh ta vừa thở vừa kể:
- Thiếu tá bị bắt rồi. Tôi lái xe mới tới chỗ kia thì bị tụi nó chận lại, tịch thu xe.
Lãng vội hỏi:
- Ông thiếu tá đâu?
- Bị tụi nó bắt đi rồi. Ông khai là hạ sĩ, nhưng tụi nó nhìn mặt ổng, có vẻ không tin.
- Sao nó tha cho mày?
- Chẳng hiểu. Tụi nó bảo tôi thay đồ dân sự về Huế mà sinh sống làm ăn. Tôi giả bộ nghe lời, đi một đoạn rồi lén chạy lộn ngược về đây.
- Tụi nó đông không?
- Không biết. Chỗ chốt đó có sáu bảy thằng. Nói toàn giọng Bắc.
Trung úy Huy nói:
- Tụi chủ lực rồi! Tụi mình phải rời đây ngay. Thế nào tụi nó cũng tung quân xuống chiếm tàu. Nằm ở đây mà thiếu súng đạn, chắc chết. Mình nên kéo về phòng tuyến của Lữ đoàn. Tụi bây chuẩn bị đi. Di chuyển ngay bây giờ.
Mấy mươi người lính Thủy quân lực chiến lại trở về đường cũ, đoạn đường cát lún mà sáng nay họ đã rời Lữ đoàn để tới chỗ tàu hẹn vào vớt. Thấy toán lính thiện chiến bây giờ tơi tả lôi thôi, đám dân và lính Bộ binh không còn muốn đi theo họ nữa. Họ bước chậm theo bờ nước, hy vọng đi như vậy tuy nhọc hơn đi trên bờ cát khô nhưng tránh xa được tầm đạn bắn sẻ của địch, phát từ những lùm dương trên bờ.
Đoạn đường gần một cây số khá an toàn. Tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn 5 đã hiện ra trước mắt, dấu hiệu đầu tiên nhận được là chiếc M-113 đứng án ngữ mặt nam. Năm sáu người lính mũ xanh đứng trên chiếc M- 113 lăm lăm súng nhìn đoàn quân thất thểu tới gần, cái nhìn nghi kỵ đề phòng. Lãng nhận diện được hạ sĩ Lộc, người cùng xung phong chiếm mục tiêu ngon lành với Lãng ở trận sông Bồ hai hôm trước (lúc trung đội Lãng được cử đi tăng cường cho Tiểu đoàn 5). Lãng vẫy tay cho anh hạ sĩ, la lớn:
- Tụi này banh hết rồi.
Mấy người lính đứng trên xe M-113 cùng phát tay ra hiệu cho bọn Lãng đừng tiến tới nữa. Lãng ngạc nhiên, hỏi Trung úy Huy:
- Họ không cho mình vào hở Trung úy?
- Tao cũng đéo hiểu. Hay tụi nó sợ mình đã bị Việt cộng trà trộn, trá hàng để vào tuyến. Tụi bây giơ cả hai tay lên đầu cho tụi nó biết là mình banh thiệt sự trăm phần trăm rồi.
Toán lính làm theo lời Trung úy Huy, tiếp tục bước tới. Đại liên trên M-113 bắn xẹt một loạt đạn lên đầu toán lính của Trung úy Huy, sau đó đạn đại liên bắn chúi xuống phía trước toán lính, dứt khoát chận không cho họ tiến tới.
Lãng giận quá chửi toáng lên:
- Đù mẹ tụi nó điên hết rồi. Đánh giặc cái khỉ mẹ gì mà cứ nhắm vào bạn mà bắn. Tụi…
Một loạt đạn M-79 dập tắt lời Lãng. Đạn bay từ phía tuyến của Tiểu đoàn 5. Ba người lính của Trung úy Huy bị thương vì mấy quả M-79 ấy. Ông ra lệnh cho toán lính chạy rạp về phía bờ biển, nằm núp tạm ở đó để tìm cách liên lạc với Tiểu đoàn 5 hoặc Lữ đoàn xem lý do vì sao họ không nhận cho con cái ông trở về. Nhưng liên lạc cách nào đây, máy PRC-25 không, anh hạ sĩ truyền tin nằm rên ư ử vì cánh tay bị thương kia…
Cả toán nằm chết dí tại chỗ trống trải ấy hơn nửa giờ, thì súng AK nổ dòn. Không phải từ hướng tây là phía hai hôm liền Lữ đoàn phải củng cố một dọc tuyến vòng cung để chống với lực lượng địch từ ngôi làng gần đó. Bây giờ, địch đã mở thêm một mũi dùi tấn công khác, từ phía nam lên. Họ đã chiếm chiếc tàu mắc cạn y như Trung úy Huy dự đoán, sau đó theo chân toán tàn quân thọc một mũi xung kích sâu vào cạnh sườn của Lữ đoàn.
Mấy người lính của Trung úy Huy nằm trân chịu trận giữa hai làn đạn. Ông giận quá, hết sợ nguy hiểm, đứng dậy hét lớn cho đám lính ở chiếc M-113 nghe:
- Tụi bây làm ăn cái gì lạ vậy. Tụi nó đuổi theo kịp rồi. Không cho vào tuyến tụi tao cũng cứ vào. Tiến vô anh em!
Mấy người bị thương được chuyển vào trước. Sau đó lần lượt tới những người khỏe mạnh. Toán lính Tiểu đoàn 5 ngồi trên M-113 lặng lẽ nhìn các bạn hữu hoạn nạn đi qua, không ai nói gì. Cái im lặng khó hiểu. Lãng quắc mắt nhìn hạ sĩ Lộc, muốn hỏi móc một câu, nhưng thấy vô ích, còn nhiều việc khác phải làm.
Chiếc M-1 13 im lặng chờ cho toán lính của Trung úy Huy vào tuyến xong, mới bắt đầu bắn về phía toán lính địch đang từ con tàu mắc cạn tấn công lên. Súng nổ dòn dã một hồi rồi thưa hẳn.
Trung úy Huy dẫn lính tới phía sau những chiếc gọ nằm lật úp trên cát để cùng họ đào hố cá nhân nằm nghỉ. Bấy giờ ông mới cảm thấy chân tay hoàn toàn rã rời, như thân thể ông không còn thuộc về ông nữa. Buổi sáng hôm nay chính ông giao tuyến cho Tiểu đoàn 7 để chuẩn bị xuống tàu, bây giờ với cái giá đắt đỏ của hàng nghìn sinh mạng, đám tàn quân của đại đội ông lại trở về đây, cách cái tuyến buổi sáng vài chục thước.
Lãng và Phước thấy ông cầm mũ sắt xúc cát đào hầm một cách yếu ớt, chạy tới giúp ông. Lãng lo lắng hỏi:
- Ông thầy mệt lắm hả? Để tụi em đào cho. Không biết tụi con gái biển ở làng này còn ở lại đây, hay chạy mất hết rồi.
Lãng cười, cố pha trò cho vui một chút:
- Có được một em da nâu nằm ôm riết lấy đêm nay, chết cũng sướng. Phải không thầy?
° ° °
Trung úy Huy mệt quá ngủ thiếp lúc nào không hay. Lúc choàng thức dậy, trời đã tối. Gió có vẻ mạnh hơn buổi chiều, cát bay đập rào rào vào lườn cọ lật úp trước hầm cá nhân.
Ông cảm thấy cồn cào ở bụng. Đói. Ông nhớ lại: buổi sáng uống rượu với Thiếu úy Sỹ và Thiếu úy Lộc, họ chỉ nhậu chay không có đồ nhắm. Hai ông bạn đó giờ ở đâu? Còn sống hay đã mất xác đâu đó rồi? Trên tàu ông nhai vội được vài miếng bánh khô Lãng lấy cắp được ở buồng lái của Chuẩn úy Hải quân Tấn. Ông già chậm chạp đáng thương ấy giờ ra sao? Có chạy nổi qua tấm bửng nướng thịt không? Cái đói dẫn tới cái lạnh. Viên trung úy run cầm cập vì gió đêm. Cái áo jacket không biết ông đã cởi ra lúc nào, và vất đi đâu. Ông nghe tiếng đạn nổ lẻ tẻ đây đó, lâu lâu tiếng súng AK xé gió ngay trên đỉnh đầu. Ông nghe nhiều tiếng cười khúc khích hồn nhiên ở những hầm bên cạnh. Chú tâm hơn, ông nhận ra được giọng nói của Lãng. Lãng đang kể cho ông bạn nào đó thành tích chơi bời của mình, những mẩu chuyện vừa có thật vừa tưởng tượng thêm thắt Lãng vẫn dùng để lòe những anh lính mới.
Trung úy Huy mỉm cười, thương và phục thằng đàn em chí cốt đã cùng sống chết với ông suốt ba năm qua, chỉ khác một điều là trong lúc Lãng thong dong hồn nhiên sau các biến cố thì viên trung úy cứ trầm ngâm gặm nhấm những gì đã qua như loài nhai lại. Trung úy thấy lối sống của Lãng đơn giản hơn, hợp lý hơn, thuận với thời chiến hơn. Ông cố bắt chước Lãng mà không được.
Có nhiều tiếng động lao xao nổi lên quanh hầm, cố lắng nghe, Trung úy nhận ra được tiếng nhiều bước chân. Lãng đã thôi kể chuyện chơi bời. Một lúc lâu không nghe hầm bên cạnh có ai nói gì, Trung úy nghĩ chắc họ đã ngủ, hoặc chạy đi kiếm lương thực. Súng vẫn nổ lác đác. Trăng đêm nay còn mờ, ánh trăng vàng bệch ảm đạm.
Chợt Trung úy Huy nghe tiếng chân ai chạy nhanh về phía mình, rồi giọng nói hối hả của Lãng:
- Dậy mau, Trung úy. Họ bỏ đi gần hết rồi!
- Ai? Rút lui à?
- Phải, rút lui. Mình phải đi nhanh cho kịp.
- Đi đâu?
- Không biết. Về phía cửa Tư Hiền.
Lãng nắm tay Trung úy Huy giúp ông đứng dậy. Đúng như Lãng nói, người ta đã bỏ các hầm hố công sự quanh đó đi xuống sát mép biển, tạo thành từng hàng dài di chuyển về phía cửa Tư Hiền. Trăng mờ đổ lên hình thù những bóng đen lầm lũi bước, trông thê lương như những bóng ma dắt díu nhau về dương gian trong ngày rằm tháng bảy. Lãng thì thào hỏi:
- Không biết họ dẫn mình đi đâu nữa?
Trung úy Huy chán nản đáp:
- Biết làm gì cho thêm mệt. Đã tới hồi mạt vận rồi. Tao chán dễ sợ!
Lãng im lặng không nói gì. Một lúc sau Lãng nói:
- Đêm nay thứ bảy, Trung úy nhớ không? Giờ này được ở Sài gòn, vui phải biết!
Hai thầy trò đã nhập vào đoàn người. Tất cả đều im lặng lầm lũi bước dưới ánh trăng mờ. Trung úy Huy và Lãng không nhận ra ai quen trong số những bóng đen đi quanh. Súng địch từ trong doi cát bắn ra không còn làm cho đoàn người hốt hoảng nữa. Gần như sau một ngày gian nan, đã tới lúc không còn ai biết sợ chết. Cứ để mặc cho số phận đưa tới đâu thì tới, khỏi thắc mắc lôi thôi. Một loạt AK bắn tới. Vài ba người vương đạn gục xuống. Người bên cạnh khẽ liếc về phía người xấu số, rồi tiếp tục bước. Không còn ai quan tâm tới ai, khi không quan tâm cả đến cuộc sống của chính mình.
Thủy triều rút xuống, bày một bãi cát rộng phẳng phiu cho đường rút lui. Ban đầu, người ta còn chịu khó lội xuống nước để hy vọng tránh xa được tầm đạn địch, rồi dần dà người ta đâm liều, cứ ngang nhiên đi trên cát khô. Sống chết bấp bênh.
Lãng và Trung úy Huy đi sau lưng hai người mà họ đoán là bạn thân với nhau, vì dù không nói năng, mỗi lần một người mệt quá phải ngồi lại để nghỉ thì người kia cũng dừng lại, y như cách Lãng ân cần săn sóc ông xếp của mình. Hai cặp đó lạc nhau, rồi lại gặp nhau, có khi Lãng và Trung úy Huy vượt qua họ, có khi họ vượt qua khi Trung úy phải ngồi lại thở dốc.
Lần này, Lãng nghe người đi bên trái nói với người đi bên phải:
- Thôi, em ở lại.
Người đi bên phải hỏi nhỏ, giọng có vẻ hốt hoảng:
- Anh không đổi ý à?
- Vô ích. Nếu có gặp lại anh em, nói giùm…
Tiếng súng lẫn tiếng gió thổi bạt lời người đi bên trái. Rồi Lãng thấy người đó tách ra khỏi đoàn. Người kia cũng tách khỏi đoàn, nhưng đi được vài bước thì dừng lại, ngập ngừng, rồi nhập vào dòng người sau lưng Lãng. Lãng vừa đi vừa quay nhìn bóng đen đang đi xa về phía biển. Ông ta dừng lại khi tới gần mé nước, ngồi xuống như người cầu nguyện. Lãng chẳng hiểu ông ta định làm gì, hỏi nhỏ Trung úy Huy:
- Ổng chán, muốn ở lại làm bia cho Việt cộng sao, ông thầy?
Một tiếng nổ lớn trả lời cho Lãng. Đoàn người khựng lại lao xao vì kinh ngạc. Trung úy Huy thì rúng động, Vì hiểu ngay người lính ấy đã dùng lựu đạn tự tử.
° ° °
Đoàn người câm lặng lầm lũi đột nhiên rùng mình ngơ ngác, tiếng lao xao bàn tán loang nhanh ra phía trước, truyền nhanh về phía sau. Lãng đi sát gần ông Huy, nắm lấy bàn tay phải của viên trung úy. Cả hai bàn tay đều lạnh cóng, nhưng trong cử chỉ bóp nhẹ lấy năm ngón tay nhau, hai thầy trò cảm thấy lòng đỡ nặng. Cái chết của người lính vô danh, giữa cảnh đêm ảm đạm làm cho cả hai người rúng động, cảm thấy lạc lõng, trống trải. Dường như đột nhiên họ không còn những tấm vách che gió che mưa cho cuộc đời họ, họ như người trần truồng đi trong một khung cảnh lạ hoắc, bước chân đưa tới theo thói quen mà không hề biết là đi đâu, về đâu. Lãng nói nhỏ với ông Huy:
- Kể ra chết lúc này cũng phải. Mọi chuyện kỳ cục quá!
Viên trung úy không nói gì, chỉ bóp nhẹ vào bàn tay Lãng tỏ dấu đồng ý. Lãng nói:
- Chẳng hiểu ổng có vợ con gì không?
- Ai?
- Cái ông tự sát vừa rồi.
- Chắc là không.
- Nhiều khi em cũng nghĩ như ổng. Sống thế này nhục quá. Tự nhiên tan hàng, rồi xếp hàng đi khơi khơi cho tụi nó bắn bia. Chẳng ra làm sao cả! Mình đang đi đâu đây?
- Tao chẳng biết. Mọi sự quờ quạng như trong cơn mê. Mình đi như người mộng du, Lãng thấy không!
Lãng ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói:
- Cứ mê đi mà lại khỏe thân. Mấy người tỉnh quá, chịu không thấu chuyện kỳ cục, họ chỉ còn nước tự sát như cái ông lúc nãy.
Trung úy Huy không ngờ nghe một câu như thế từ miệng Lãng thốt ra, quay nhìn Lãng đăm đăm. Lãng không biết xếp đang tò mò quan sát mình, cứ cắm cúi bước. Một tràng đạn AK từ trong bờ bắn ra, không có ai bị thương hay chết, đoàn người hơi chùn lại rồi tiếp tục đi. Lãng hỏi:
- Nãy giờ em cứ nghĩ tới chuyện tự sát. Trung úy tin được không?
Trung úy Huy vội nói:
- Không nên, Lãng ạ. Rồi trời lại sáng. Chuyện kỳ cục này rồi cũng phải tới lúc chấm dứt. Đừng vội.
Lãng không nói gì thêm, chỉ bóp nhẹ lên bàn tay Trung úy.
° ° °
Họ được chứng kiến nhiều vụ tự sát nữa. Những cuộc tự sát tập thể lặng lẽ, ngẫu nhiên.
Đang lầm lũi đi, một người tách khỏi đoàn. Bóng đen đi xa về phía mé biển. Những đợt sóng nhỏ đập rì rầm. Ngoài khơi đèn trên những chiếc tàu lớn nhỏ vẫn nhấp nháy hứa hẹn.
Trong bờ, những người ở lại vẫn âm thầm nối bước tiến tới. Đạn địch vẫn nhắm vào cái bia khổng lồ, một viên AK chắc chắn phải làm gục vài mạng người. Bóng đen dừng lại, quay nhìn một vòng đêm tối, rồi ngồi xuống. Một bóng đen khác tách đoàn, đến ngồi gần bên người đi trước. Rồi một người thứ ba, thứ tư… tách đoàn. Họ ngồi trên mặt cát lạnh, chờ cho đủ một vòng tròn kín. Đoàn người trong này lặng lẽ xót xa quan sát họ, lâm râm những tiếng cầu kinh bị gió bạt đi. Một tiếng lựu đạn nổ. Tiếng lao xao gợn lên một chút rồi thôi. Đèn tàu vẫn nhấp nháy hứa hẹn trêu ngươi.
Đạn địch vẫn vãi vào đám người bất hạnh. Trăng vẫn rọi ánh sáng bệnh hoạn lên bãi cát dài. Rồi một người khác tách đoàn. Một người nữa… Người thứ ba… Người thứ tư… Người chót đủ để làm một vòng tròn, năm sáu tấm thân đủ che cho mảnh lựu đạn khỏi bắn vào tận chỗ đoàn di tản đang đi. Chắc chắn những người lính, khi ngồi quanh một quả lựu đạn sắp rút chốt chờ đợi giây phút thiêng liêng của đời họ, họ không hề quen biết nhau. Ánh trăng cũng không đủ sáng để họ nhìn được mặt nhau. Nhưng năm người cùng một tâm trạng, cùng một quyết tâm. Họ là một trước khi chết, dù là năm ngã rẽ trong cuộc sống.
Trung úy Huy không thể nhớ được có bao nhiêu quả lựu đạn đã nổ giữa vòng người ngồi lặng lẽ, cũng như không thể đếm được bao nhiêu người đã gục xuống vì đạn địch. Càng chứng kiến cảnh tự sát bi hùng của những người lính vô danh, tâm trí ông càng mê muội đi. Ông thật sự trở thành người mộng du. Ông không ý thức rõ mình ở đâu, đang làm gì.
Mãi cho tới khi những người đi trước ông dừng lại, hai thầy trò ông cũng phải dừng lại, thì viên trung úy mới chợt tỉnh. Người chung quanh lao xao hỏi nhau vì sao dừng. Không ai biết. Họ đã đi suốt đêm, và trời bắt đầu sáng.
Nhiều người từ phía trước chạy lui cho biết cả đoàn đã bị Việt cộng chận lại. Phía sau, một đơn vị địch đã vây kín đường lui. Cả đoàn như con cá lọt lưới, không biết làm gì khác hơn là vất đại đồ đạc lên cát, ngồi chờ địch tới bắt.
Lãng lầu bầu than với xếp:
- Tính gọn như mấy người hồi hôm mà lại hay, ông thầy!
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương