Số lần đọc/download: 1510 / 37
Cập nhật: 2016-07-02 00:21:41 +0700
Chương 15: Đoàn Dự - Kẻ Phụng Hiến Trong Tình Yêu
T
ục ngữ bảo: “Con gái đôi tai, con trai đôi mắt”, nghĩa là trong tình yêu, phái nữ thường vì đôi tai mà trái tim bị chinh phục, còn phái nam thường do đôi mắt mà thần hồn bị đảo điên. Cho nên có người nói rằng: người đàn bà suốt đời chỉ khao khát nghe được câu "Anh yêu em" từ người đàn ông mà họ thương yêu, còn người đàn ông thì ngược lại, suốt đời họ cứ trăn trở mãi với câu hỏi "Ta yêu ai?". Nếu ta đem câu hỏi này để chất vấn Kim Dung, ắt hẳn ông, với nụ cười hóm hĩnh, sẽ đưa ra hình ảnh đáng yêu của vị vương tử đa tình nước Đại Lý: Đoàn Dự!
Những nhân vật chính diện trong tác phẩm Kim Dung, cũng như trong các tác phẩm võ hiệp khác, thường là đối tượng thương yêu của nhiều trái tim kiều nữ, như Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ.... Nhưng trong tình yêu của Đoàn Dự vẫn có chỗ khác biệt: đó là sự đắm say trong tất cả mối tình với những người con gái kiều diễm trên đời, mà chàng ta yêu ngay từ lần đầu gặp gỡ. Từ Chung Linh, rồi pho thạch tượng cho đến Mộc Uyển Thanh... Chỉ đến khi gặp được Vương Ngữ Yên thì tất cả hình ảnh giai nhân trên thế gian này mới thực sự bị xoá nhòa đi như không còn nữa. Tự tòng nhất kiến khanh khanh hậu. Trần thế giai nhân tổng thị vô. (Kể từ một lần gặp được khanh khanh, thì tất cả giai nhân trên đời này coi như không còn nữa).
Vị vương tử đa tình họ Đoàn đi đến đâu đều đắm say tình yêu đến đó, như một thỏi sắt cứ mãi mãi bị hút bởi từ lực của giai nhân. Chàng ta chỉ tôn thờ nhan sắc, chẳng thèm quan hoài chi đến võ công hay quyền lực. Được cầm cương ngựa cho giai nhân là nỗi khát khao suốt đời của chàng ta. Mà hồng nhan thì có khắp trong thiên hạ, cho nên tình yêu của chàng ta cũng bén rễ khắp chốn khắp nơi.
Đối với chàng ta thì chỉ có tình yêu là tất cả, như một Xuân Diệu thời trai trẻ "Tôi khờ khạo lắm ngu ngơ quá, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì". Nhưng trong tình yêu của Xuân Diệu "Yêu là chết trong lòng một ít" vẫn ngầm chứa nỗi khát khao được yêu lại, mà không đạt được nên đâm ra khổ đau và chết một ít trong lòng.
Còn Đoàn Dự thì hơn thế, chàng ta tìm đến với người đẹp dường như chỉ để chiêm ngưỡng tình yêu dưới quan điểm mỹ học thuần nhiên. Yêu chỉ để mà yêu, yêu chỉ để thoả mãn nỗi khát khao tôn thờ vẻ đẹp, yêu như một sự bột phát tuôn trào của những cảm xúc tự nhiên là muốn được phụng sự cho khách má hồng. Nhất là trong tình yêu chàng ta dành cho Vương Ngữ Yên.
Suốt đời cứ mê mẫn lẽo đẽo theo nàng ta rong ruỗi khắp giang hồ, như một kẻ tuỳ tòng hờ, chỉ ước mong nàng hạ tứ ban cho một nụ cuời, một ánh mắt nhìn là mãn nguyện. Cái thiết tha say đắm đã được đẩy tới chỗ tận cùng "Ta đâu biết cõi vô tình vô tận, nhưng tình ta ta biết tận vô biên" (Hồ Văn Thắng). Chàng công tử đa tình ấy như muốn tìm một chốn an tâm lập mệnh trong chút hương thừa của quốc sắc thiên hương!
Vương Sóc, một nhà văn Trung Quốc chuyên bài xích Kim Dung, đã phê phán rằng nhân vật Đoàn Dự chỉ là hình ảnh lặp lại của anh chàng công tử ẻo lả đa tình Gỉa Bảo Ngọc trong kiệt tác Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần mà thôi.
Nói thế không khỏi cho chỗ oan uổng và bất công. Đoàn Dự làm gì uỷ mị đến mức sướt mướt khóc gió than mây như Giả Bảo Ngọc? Nhưng cả hai đều rất giống nhau ở điểm: xem nhan sắc, hay đúng hơn phái nữ, là biểu trưng cho những gì đẹp đẽ nhất trên cõi đời này. Giả Bảo Ngọc cho rằng cốt cách đàn ông được cấu tạo từ đất, còn cốt cách đàn bà thì được cấu tạo từ nước. Nước thì mềm mại, nhu nhuyễn, cho nên giai nhân thì mong manh và đáng yêu vô kể!
Khi Đoàn Dự nhìn thấy Du Thản Chi - đang là Bang chủ Cái Bang - chấp nhận quì lạy Đinh Xuân Thu và gọi lão bằng sư phụ để mong lão tha chết cho A Tỷ, một cảnh tượng làm tất cả các nhân vật võ lâm trong đương trường phải phẫn nộ vì xấu hổ cho "thân phận nam nhi", thì chàng ta lại thán phục và ngầm so sánh với mình.
Chàng ta cứ ngỡ rằng tấm lòng mình dành cho Vương Ngữ Yên tưởng chừng như đã đạt đến chỗ sơn cùng thủy tận của tình yêu, đã đến mức hoan hỷ tận hiến tất cả thân tâm, nhưng ngẫm ra hãy còn thua xa Du Thản Chi, là kẻ tình nhân đã đạt đến trình độ yêu đương quỷ khốc thần sầu. Và chàng ta thầm khen Du Thản Chi mới đích thị là "bậc hiền thánh trong tình yêu" (tình trung hiền thánh)!
Trong tình yêu của Đoàn Dự và Du Thản Chi không còn một chút dấu tích so đo tính toán của lý trí, còn "cái tôi" thì đã hoàn toàn biến mất để hoà tan trong đối tượng thương yêu. Hai ông "tình thánh" kia quả rất xứng đáng là những kẻ si tình vĩ đại nhất của mọi thời đại, suốt dưới vòm trời bốn bể năm châu!
Còn môn Lăng ba vi bộ kỳ tuyệt mà chàng ta học được, khi vô tình lạc vào thạch thất của phái Tiêu Dao sau núi Vô Lượng, cũng nhờ đắm say chiêm ngưỡng bức thạch tượng tạc một phụ nữ dung nhan tuyệt đại trông tợ thần tiên.
Những kẻ muốn đùa cợt hoặc xúc phạm bức tượng ắt phải chết vì những mũi tên tẩm độc ngầm dấu trong các cơ quan rồi. Chỉ có chàng ta vì mê mẫn bức tượng, xem đó là bậc thần tiên giáng thế, nên mới chịu khó cung kính quì lạy đủ 1000 lạy! Và chính tấm lòng đa tình lãng mạn đó vô tình cứu chàng ta khỏi hoạ sát thân.
Kim Dung đã cực tả cái thần trong đôi mắt của thạch tượng làm người đọc liên tưởng đến sự quyến rũ kỳ diệu trong nụ cười Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Nhan sắc ấy và đôi mắt ấy thì trách sao anh chàng đa tình Đoàn Dự không điên đảo thần hồn, hân hoan quì lạy, gọi bằng "Thần tiên nương tử, Thần tiên tỷ tỷ", và hứa hẹn thời gian sau sẽ quay về đoàn tụ, dù vị "thần tiên nương tử" đó chỉ là pho thạch tượng! Cái tình yêu ấy đã được thăng hoa gần như thoát tục, và còn như muốn đi xa hơn cả cái khái niệm amor platonicus trong văn học phương Tây.
Dưới ánh sáng của tình yêu như thế, thì mọi vật dù vô tri giác cũng sẽ tràn đầy sức sống và được gán cho một linh hồn. Đó cũng là tình yêu mà sau này chàng ta mãi mãi dành cho người con gái diễm kiều thông tuệ Vương Ngữ Yên - một bản sao của pho thạch tượng thần tiên đó.
Ngoài nhan sắc, chàng ta chẳng thiết tha gì với những cái mà thiên hạ sẵn sàng đổ máu để tranh giành nhau. Đường đường là vị hoàng thân quốc thích của nước Đại Lý, chuẩn bị kế thừa ngôi vua, nhưng vì không muốn học võ công, không ham chính trị, nên chàng ta dấn thân phiêu bạt giang hồ, kết bạn với anh hùng hảo hán.
Hễ thấy nơi nào có tranh chấp là chen vào can thiệp, bằng lý lẽ của anh đồ gàn, bất chấp họ có thèm nghe theo mình hay là không. Võ công thì siêu đẳng với tuyệt kỹ Lục mạch thần kiếm độc bá võ lâm, nhưng chàng ta chẳng thèm mơ màng chi cả, nên khi thì thi thố thần diệu tuyệt luân, lúc thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn như đứa bé không biết võ công.
Chỉ có một môn võ công chuyên dùng để "chạy trốn" mà chàng ta luôn sử dụng thành công, đó là những bước Lăng ba vi bộ. Chàng ta học bộ pháp kỳ tuyệt đó rất dễ dàng bởi vì nó chỉ dùng để tránh đòn mà không phải sát thương một ai… Như vậy mới hợp với tấm lòng đôn hậu của chàng ta: muốn tất cả mọi người vất bỏ hận thù, và sống chan hoà với nhau như anh em.
Một anh đồ gàn rong ruỗi giữa cõi giang hồ đầy bất trắc và ân oán thị phi, để rao giảng thuyết "Tứ hải giai huynh đệ" của Khổng Tử bằng cái tâm trong sáng hồn nhiên, giống như một Don Quichotte ở phương Đông. Ấy vậy mà đôi khi những lời lẽ gàn gàn, tưởng chừng như dở hơi đó, lại cứu vãn được nhiều cục diện căng thẳng sắp đi đến chỗ bất khả vãn hồi, và võ công cũng không thể giải quyết được gì.
Kim Dung để cho Đoàn Dự kết nghĩa anh em với Tiêu Phong, Hư Trúc và mối giao tình của họ, như một dòng nước ngầm chạy suốt bên dưới tác phẩm Thiên long bát bộ, như để nêu lên những mối tư lường thâm huyền cho tư tưởng.
Nếu Tạo hóa đã dùng đại lực lượng, đại ý chí để sáng tạo nên những vưu vật hiếm hoi, những cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, thì con người phải biết thưởng ngoạn chiêm ngưỡng để khỏi phụ tấm lòng Hóa công, cái mà thơ Lý Hạ gọi là "Nguyên hoá tâm". Cũng vậy, khi con người đã bỏ tâm huyết cả một đời người để sáng tạo nên những công trình trác việt, như một thể cách đáp ứng lại đức Sinh của tạo hóa, thì những kiệt tác đó của con người cũng không thể bị vùi chôn trong quên lãng được.
Đỗ Phủ đã từng cảm thán "Văn chương thiên cổ sự, đắc thất thốn tâm tri" (Văn chương là chuyện ngàn năm, được hay mất chỉ tấc lòng biết thôi). Nặn óc vắt tim, đẻo gọt gan ruột làm ra sách là để gởi lại cho hậu thế, mà không một ai biết đến, điều đó há chẳng đáng xót xa sao? Nhưng đâu chỉ trong văn chương, mà trong tất cả những công trình nghệ thuật do con người sáng tạo, đều là chuyện đem tấc lòng gởi vào thiên cổ cả, nên con người của vạn đại mai sau không có quyền để cho mai một.
Do đó, khi Đoàn Dự phát hiện ra bao võ công uyên áo của phái Tiêu Dao còn lưu trong thạch thất núi Vô Lượng, nhưng lại hờ hững bỏ qua không chịu học, (vì ấn tượng mạnh nhất đối với chàng ta là pho thạch tượng chứ không phải các bí cấp võ công), thì Kim Dung phải bố trí cho người anh kết nghĩa của Đoàn Dự là Hư Trúc hưởng được toàn bộ chân truyền của các tuyệt kỹ đó trên cung Linh Thứu. Đó cũng là cách để Hư Trúc, thay mặt anh chàng tam đệ si tình, mà tạ lỗi với cổ nhân!
Nào phải chỉ có những cái hợp nhau mới tìm đến với nhau theo lẽ "Thanh khí ứng cầu", mà những cái cực đoan cũng hay gặp gỡ nhau. Và chính hai cái thái cực đối nghịch, khi kết hợp lại, mới làm sáng tỏ thêm ý nghĩa đời. Ngạn ngữ phương Tây bảo "Les extrémités se touchent" cũng là ý đó.
Một Đoàn Dự không thiết tha chi ngoài nhan sắc, một Tiêu Phong không thích gì ngoài rượu và võ công, hai người tưởng chừng như khác nhau một vực một trời đó, ở chỗ thẳm sâu lại vô cùng gần gũi nhau trong tâm hồn quãng đại. Kim Dung đã sâu sắc biết bao khi sắp xếp hai người đại diện cho hai cực đoan đó gặp nhau trên Tùng hạc lâu và kết nghĩa anh em. Để khi đối cực bên này đổ vỡ thì đối cực bên kia đi đến chỗ tựu thành, như một sự điều hoà và cứu vãn cho nhau.
Người anh hùng Tiêu Phong lạc bước vào Mê Cung, và đã kết thúc cuộc đời trong bi hận. Mối tình ngậm ngùi đau đớn của ông với A Châu đã vỡ tan cung bậc, thì chút tâm nguyện xem như phó thác lại cho người em kết nghĩa là Đoàn Dự, để chàng ta tựu thành những gì ông để dở, bằng khối tình si đối với Vương Ngữ Yên. Tấm lòng đó của Đoàn Dự cho dẫu không cứu vãn được, thì cũng an ủi được rất nhiều cho những tình yêu ngang trái.
Đoàn Dự sinh ra chỉ để phụng hiến cho tình yêu, và đối với một kẻ đa tình như chàng ta thì có lẽ trong tình yêu, người đàn bà không bao giờ có tuổi và người đàn ông không bao giờ có mối tình đầu!