Số lần đọc/download: 2986 / 66
Cập nhật: 2016-10-05 22:29:26 +0700
Chương 16/27
G
iánh sinh năm nay trời thật lạnh. Chỉ tiếc không có tuyết rơi. Nếu muốn tuyết rơi, tôi phải nhắm mắt mơ mộng. Mọi năm, tôi đâu cần biết lễ Giáng Sinh. Với học trò ngoại đạo, Giáng Sinh được nghỉ một ngày, được xa trường lớp một buổi, được quên sách vở một đêm. Thế thôi. Nhưng Giáng Sinh năm nay thì tuyệt diệu. Với tôi, từ tháng chín, một ý nghĩ gì về Phượng, một ngóng trông nào với Phượng đều tuyệt diệu. Tôi khó tìm tĩnh từ hay hơn. Trước tiên, Phượng nhờ bưu điện gửi cho tôi một tấm thiếp giáng sinh do nàng vẽ. Ðơn sơ là tình yêu. Ðơn sơ cũng là tặng phẩm tình yêu. Tấm thiếp vừa khổ phong bì, Phượng vẽ cây giáng sinh đầy chuông, hoa và những vì sao. Chót vót cây giáng sinh, một đôi chim nhỏ đậu sát nhau. Chuông, hoa và sao phủ đầy tuyết trắng. Ðôi chim nhỏ không bị tuyết phủ. Chắc là vì sao giáng sinh trên trời giúp đôi chim một phép tích làm tan tuyết lạnh. Vì sao giáng sinh chiếu tỏa hào quang xuống chỗ đôi chim đậu. Phượng viết câu chúc tôi: " Chúc anh Chương nhận được một ân huệ nhỏ của Chúa trong đêm Giáng Sinh để gìn giữ suốt đời ". Gửi thiệp giáng sinh trong mùa Giáng Sinh đã trở thành truyền thống cho cả những người ngoại đạo ở thành phố. Không còn gì khôi hài hơn, " học trò " hơn những anh bạn cùng lớp gửi thiệp giáng sinh cho mình tận tay và ở ngay lớp học. Và mình dở ra xem ngay, đọc ngay và cám ơn ngay tại chỗ. Và chẳng cảm thấy gì. Ðó là những tấm thiếp giáng sinh năm ngoái, năm kia. Năm nay, không ai gửi cho tôi. Có lẽ, Chúa muốn bắt tôi phải cảm thấy một ý nghĩa tuyệt diệu ( vẫn tĩnh từ đó ) trong ngày giáng sinh của Ngài và Ngài truyền lệnh cho Phượng gửi thiếp giáng sinh cho tôi bằng bưu điện, bằng sự ngạc nhiên vây phủ bởi mầu sắc của thần thánh. Tôi tưởng chừng gặp Chúa sớm nhất, sớm hơn ba ngôi vua tới từ phương Ðông.
Tỉnh lỵ nhỏ bé của tôi nhộn nhịp từ lúc chập tối. Người người đi đi, lại lại. Những chiếc đèn ông sao luồn bóng điện bên trong đã thắp sáng trước cửa những gia đình công giáo. Tôi quên chưa hỏi Phượng "đi đạo" hay "đi đời." Tôi nghĩ chả nên hỏi. Bóng tối tràn ngập thị xã cho tôi nhìn rõ cây thánh giá trên nóc giáo đường. Tôi đứng ngoài cửa chờ Phượng. Tôi nhớ Phượng. Nhớ Phượng châm điếu thuốc. Và tôi châm một điếu thuốc. Ðiếu thuốc chóng hết. "Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần, Anh sẽ nói gớm sao mà nhớ thế." Châm thêm điếu thuốc mới. Hỡi cỏ tương tư, ngỡ rằng đốt một giúm, nhỏ khói sẽ thấy người yêu hiện ra, ta đốt hai giúm, người yêu vẫn chưa hiện ra trong khói thuốc! Hỡi khói tương tư, ta gửi hồn ta vào ngươi, hãy bay tới nàng bảo đến ngay kẻo ta vàng phổi, ta ho lao, ta chết. Phượng không muốn tôi chết. Phượng đã tới. Nàng mặc áo mầu. Nàng sợ mặc áo trắng tôi nhình không ra. "Áo em trắng quá nhình không ra." Phượng tới như một thiên thần, một nữ thiên thần biết yêu. ( Các thiên thần thường là bột nặn, là đá, là gỗ...) Vùng trời của riêng tôi rực ánh hào quang. Nhưng tầm mắt tôi thì bị giới hạn ( Tôi thích thê). Cơ hồ tôi cận thị. Cơ hồ tôi chỉ còn nhìn rõ Phượng áo nhung xanh mướt.
- Phượng đến muộn bắt anh đợi. Anh đốt mấy điếu thuốc lá rồi?
- Tôi mới sắp đốt điếu thứ nhất.
- Anh có nói dối không?
- Không.
- Sao Phượng cứ thích anh nói dối Phượng.
- Ðể làm gì?
- Ðể thấy anh dễ mến hơn.
Chúng tôi sóng đôi bước thân ái tựa đôi nhân tình.
Phượng nói:
- Mình đi đâu chờ tới nữa đêm?
Tôi hỏi:
- Phượng muốn đi đâu?
- Anh có sợ mỏi chân không đã?
- Không.
- Thế thì mình đi hết các phố thị xã. Phượng về đây ngót bống tháng mà mới chỉ biết con đường từ nhà đến trường ngang qua nhà anh. Phượng muốn chơi trò này: Phượng đếm và anh làm tính nhẩm xem thị xã của anh có bao nhiêu bóng đèn điện ngoài phố.
- Những bóng bị cháy?
- Mình cũng tính rồi trừ đi.
- Tại sao mình không đếm những cây hồi?
- Một đêm khác. Giáng Sinh sang năm, chẳng hạn.
Chúng tôi thả dài trên những hè phố lớn. Những phố nhỏ không có vỉa hè, chúng tôi đi giữa đường, đi thong thả. Hai đứa cười nói rất nhỏ mà tiếng cười nói rất to, vang xa. Phượng đếm những bóng đèn điện vàng khè trên cột cao bằng đốt ngóng tay. Hết con phố, nàng cho biết tất cả có bao nhiêu bóng đèn điện. Sang phố khác, hết đường, nàng lại cho biết số bóng đèn đã đếm và tôi cộng lại. Trò chơi lạ lùng. Hồi còn nhỏ, tôi chỉ khoái bắn vỡ bóng đèn điện. Tối tối, tôi đem súng cao su, tia bóng đèn rồi chạy trốn cảnh binh. Bây giờ lớn khôn, có người bạn gái mà mình tưởng đã là người yêu của mình, tôi đi đến bóng đèn điện.
- Anh Chương ạ!
- Hở!
- Anh không quên " bài học, " Phượng tặng anh 19 điểm.
Tôi bắt chước Phượng xóa tiếng "dạ" và đồng nghĩa của nó trong tự điển rồi.
- Phượng thương hại những con đường đêm không có ánh điện. Ðó là những con đường mù. À, được bao nhiêu cả thẩy?
- Tôi quên.
- Lỗi tại Phượng, đang đếm thì nói làm anh quên.
- Phượng cứ nói chuyện, có gì sang năm chúng mình đếm lại. Sang năm, chắc không còn những phố đêm không đèn.
- Anh chắc?
- Tôi chắc. Vì những phố ấy Phượng đã đi qua.
Phượng lặng thinh. Tôi nghe rõ hơi thở của Phượng và tôi nghe rõ hơi thở của tôi. Tôi có nhiều chuyện muốn kể với Phượng, muốn nói với Phượng nhưng tôi đã quên hết. Ở nhà, sửa soạn ra đi, tôi định khơi chuyện Nhật ký của tôi. Thể nào Phượng cũng nằn nì đòi xem. Và tôi sẽ cho nàng xem. Tôi đã ghi biết bao ý nghĩ của tôi về Phượng. Tôi đã chép biết bao thơ nhớ nhung, hờn ghen, giận dỗi của các thi sĩ mến yêu của tôi. Ðọc xong, Phượng sẽ nói yêu tôi. Ba tiếng anh yêu em thật giản dị, thật đơn sơ mà sao khó nói, khó viết! Phải chăng những gì đơn sơ nhất, giản dị nhất lại khó khăn nhất, rắc rối nhất. Tình yêu là thí dụ. Và vì tình yêu không đơn sơ, giản dị, tình yêu chứa đựng cả bầu trời huyền ảo, cả đại dương bí ẩn nên Thượng Ðế mới tạo ra thi sĩ để thi sĩ truyền cách tỏ tình cho loài người. Nhưng thi sĩ chưa làm tròn sứ mệnh của Thượng Ðế. Hàng triệu thi sĩ đã làm thơ ái tình và còn hàng triệu thi sĩ đang làm thơ ái tình. Có hàng triệu triệu bài thơ ái tình gây xúc động cỏ cây, hoa lá, chim muông, đất đá, súng đạn. Chỉ thiếu một bài thơ cho tôi nói với Phượng: Anh yêu em. Bởi thế, tôi đành chép những bài thơ của những thi sĩ tôi yêu nhất, tôi ngưỡng mộ nhất vào nhật ký của tôi, hy vọng nếu Phượng đọc, Phượng sẽ nói Phượng yêu tôi, em yêu anh. Phượng nói chắc dễ dàng.
- Phượng.
- Dạ.
- Ðã nửa đêm chưa?
- Gần tới.
- Mình nên đến nhà thờ.
- Làm gì?
- Dự lễ.
- Phượng không " đi đạo ". Phượng " đi đời ", Phượng đi thênh thang trong cuộc đời. Mình dự lễ ngoài đời, dự lễ ngoài trời. Anh hãy ngước nhìn bầu trời mà xem, Chúa đang nhìn những kẻ ngoại đạo và chỉ ban ân sủng cho kẻ ngoại đạo.
Tôi ngửa mặt nhìn trời. Bầu trời đầy sao. Ánh sao xuyên qua sương khuya.
- Vì sao nào sáng nhất là Chúa Giê xu đấy.
Tôi nói:
- Tôi chỉ thấy một chuỗi sao sáng nhất.
Tôi bảo Phượng nhìn theo tay tôi chỉ lên trời:
- Phượng thấy chưa, chuỗi sao hình chữ P. Ðặt tên là sao Phượng nhé!
Phượng nắm lấy tay tôi. Cánh tay tôi cứng đơ. Như một hiệp sĩ hạng tồi bị tay cao thủ điểm trúng huyệt. Tôi lịm người. Tâm hồn tôi thoát khỏi thể xác tôi, bay bổng. Bay bổng lên vì sao Phượng. Tôi đang hưởng một cảm giác lạ lùng mà tôi ngu ngơ quá, chẳng hiểu cách so sánh hay phân chất. Phượng đã buông tay tôi. Nàng giải huyệt cho tôi.
- Có một vì sao mọc chệch ra ngoài.
Tôi nhìn Phượng:
- Ðó là chiếc răng khểnh của Phượng.
Phượng cười, nụ cười thơm mùi lê chín:
- Cám ơn anh. Phượng được hưởng một đêm Giáng Sinh rất đẹp ở tỉnh lỵ. Mình về nhé, anh Chương.
- Vâng, mình về...
Ðêm Giáng Sinh niên thiếu của tôi đấy. Cũng bình thường và đơn giản, nếu tôi kể chuyện cho bất cứ ai nghe. Hai người trai gái đi trên những phố vắng. Ði đến nửa đêm, nghĩ vẩn vơ, nói vu vơ. Rồi về. Trước đó thì náo nức mong, nóng lòng đợi, tưởng chừng mình sẽ kiếm được bí tích của tình yêu trong đêm Giáng Sinh. Chúa đến với loài người chắc cũng đơn giãn như hai chúng tôi. Và đó là tình yêu.
- Anh Chương ạ, nếu được ước một điều trong đêm nay, anh ước ao gì?
- Phượng đã học bài thơ Ði chơi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp chưa?
- Chưa.
Tôi mừng quá. Trong bài thơ ấy, cô bé mười lăm tuổi theo bố mẹ đi chơi chùa Hương đã gặp một văn nhân. Cô bé mơ ước "Sao cho em lấy chàng". Tôi muốn ước một điều tương tự: Sao cho tôi lấy nàng. Tôi bảo Phượng:
- Tôi ước ao điều cô bé của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã ước.
Phượng nói:
- Ðể Phượng sẽ đọc bài thơ Ði chơi chùa Hương.
Tôi đưa Phượng về nhà Phượng. Một mình trên con đường khuya, tôi châm thuốc hút. "Nhớ nhà châm điếu thuốc, Khói huyền bay lên cây". Nhớ Phượng châm điếu thuốc. Khói huyền bao lên sao. Ðêm nay tôi không thích ngủ. Có thể tôi sẽ làm thơ.