Số lần đọc/download: 4557 / 45
Cập nhật: 2015-10-05 14:43:53 +0700
Chương 15
B
uổi lễ đêm đó đối với Nekhliuzov là một trong những kỷ niệm tươi sáng nhất, sâu sắc nhất trong cả cuộc đời chàng.
Chàng cưỡi ngựa lặn lội trong đêm tối đen như mực: lõm bõm trên quãng đường lầy đây đó lấp loáng ánh tuyết; con ngựa chàng cưỡi ngoe nguẩy hai tai khi trông thấy những ngọn đèn lồng nho thắp sáng xung quanh nhà thờ. Chàng đến nơi thì buổi lễ đã bắt đầu.
Nhận ra chàng là cháu bà Maria Ivanovna những người nông dân bèn đưa chàng đến một nơi khô ráo để chàng xuống ngựa, rồi họ dắt ngựa đi và dẫn chàng vào nhà thờ; bên trong đã chật ních những người dự lễ.
Phía bên phải là đàn ông: các cụ già mặc áo dài thêu may lấy chân quấn vải trắng và đi dép cỏ; thanh niên mặc áo dài mới bằng dạ, ngang mình thắt một dải dây lưng tươi màu, chân đi ủng lớn. Phía bên trái là phụ nữ. Họ chít khăn vuông lụa đỏ, mình mặc áo chẽn nhưng có hai ống tay đỏ tươi, váy thì mầu lam, xanh đỏ sặc sỡ, chân đi giầy, đế đóng cá sắt. Phía sau họ là các bà cụ chất phác, đầu bít khăn vuông mình mặc áo dài xám và váy cũ chân đi giầy hoặc dép cỏ mới. Giữa các cụ và các phụ nữ đứng đằng trước, là các cháu thiếu nhi mặc áo đẹp, tóc sức dầu thơm. Đàn ông làm dấu thánh rồi cúi rạp xuống lạy, hất hất mớ tóc dài; còn phụ nữ, nhất là các bà già thì cặp mắt lờ đờ chăm chú nhìn tượng Chúa chung quanh có nến thắp sáng trưng, họ đưa những ngón tay chụm lại lần lượt ấn mạnh lên khăn, lên trán, vào hai vai rồi vào bụng, miệng lẩm nhẩm cẩu nguyện, rồi cúi rạp mình hoặc quỳ xuống. Trẻ con cũng bắt chước người lớn, ra vẻ say sưa cầu nguyện khi thấy mọi người nhìn chúng. Tấm khung lớn thếp vàng mang ảnh các thánh sáng ngời dưới ánh các ngọn nến nhỏ vây quanh những cây bạch lạp quấn trang kim. Chiếc giá nến treo giữa nhà thờ cũng cắm đầy những ngọn sáp nhỏ. Từ nhóm đồng ca nghiệp dư vang lên những âm điệu vui sướng rộn ràng, trong đó có giọng trầm, ồm ồm của người lớn xen lẫn với những tiếng cao lanh lảnh của thiếu nhi.
Nekhliuzov tiến lên phía trước. Nhóm người giầu sang ngồi ở khoảng giữa: nhà điền chủ địa phương cùng với vợ và đứa con trai mặc áo kiểu lính thuỷ, viên cẩm, thầy ký giây thép, một nhà buôn chân đi ủng lớn, ông xã trưởng ngực đính huy chương, và ở bên phải, trước đài giảng kinh, đằng sau mụ điền chủ là bà Matrena Paplovna mặc chiếc áo dài óng ánh màu tía nhạt, trên vai trùm một chiếc khăn "san" trắng, mép có đường viền. Bên cạnh bà là Katiusa trong chiếc áo dài trắng, ngang mình xếp nếp, nàng thắt chiếc dây lưng màu lam, trên mái tóc đen đính một chiếc nơ hồng.
Tất cả đều chứa chan một không khí tốt nhất, hội hè; tất cả đều trọng thể vui tươi đẹp mắt: các linh mục mặc áo tế thêu kim tuyến những người trong nhóm đồng ca nghiệp dư thì áo quần thanh lịch, tóc chải đầu mượt bóng; nào những điều tươi vui nhí nhảnh của những bài ca ngày hội; nào những lời ban phước không ngớt miệng của các linh mục tay cầm chùm nến chập ba có hoa trang trí; mọi người cao giọng ngâm nga đồng thanh nhắc đi nhắc lại: "Chúa đã sống lại! Chúa đã sống lại!". Tất thảy đều xinh, đều đẹp, nhưng đẹp xinh hơn cả là nàng Katiusa áo trắng, đai lam, nơ hồng trên mái tóc đen, khóe mắt long lanh, hớn hở.
Nekhliuzov cảm thấy như nàng đã thấy mình, dù nàng không quay đầu lại. Chàng nhận ra điều đó khi đi sát bên cạnh nàng để đến bàn thờ. Không có câu gì để bắt chuyện, lúc đi sát qua nàng, chàng bịa ra chuyện khẽ nói:
- Bà bảo xong lễ cuối, cô về ăn cỗ đấy!
Bao giờ cũng vậy, cứ trông thấy Nekhliuzov là khuôn mặt xinh tươi của Katiusa lại đỏ bừng lên và đôi mắt đen láy lại ngước lên chăm chú nhìn chàng, vẻ sung sướng, hớn hở, hồn nhiên.
- Có, em đã biết rồi, - nàng mỉm cười trả lời.
Lúc đó, viên phụ lễ bưng chiếc bình đồng, lách qua đám đông, sát bên Katiusa và vì không nhìn thấy nàng nên đã để cho vạt áo của mình quệt phải nàng. Và cũng vì quá kính cẩn đối với Nekhliuzov, viên phụ lễ muốn tránh không đụng vào chàng, nên mới để vạt áo quệt vào Katiusa. Nekhliuzov lấy làm ngạc nhiên sao hắn, viên phụ lễ ấy lại không biết rằng tất cả những gì có trong ngôi nhà thờ nầy và ở cà trên cõi đời nầy nữa có tồn tại cùng chi vì Katiusa mà thôi: và người ta có thể coi thường tất cả nhưng không thể coi thường nàng được, bởi vì nàng là trung tâm của vũ trụ. Vì nàng mà vàng son khung ảnh thánh long lanh rực rỡ: vì nàng mà đèn nến sáng trưng: vì nàng mà những tiếng ca hoan lạc bay cao: "Hôm nay lễ Phục sinh Chúa! Mọi người hãy hớn hở vui lên!". Và trên cõi đời nầy có cái gì hay có cái gì đẹp cũng đều vì Katiusa cả. Chàng tưởng chừng Katiusa cũng biết thế.
Nekhliuzov thấy như vậy khi chàng nhìn hình vóc mảnh mai, cân đối của nàng bó lẳn trong tấm áo trắng có nếp chun, và gương mặt nàng chứa chan một niềm hân hoan, thanh thản như nhủ với chàng rằng cái gì đang khiến lòng chàng vui sướng dạt dào thì nó cũng làm cho lòng nàng dạt dào vui sướng.
Vào khoảng giữa, sau lễ đầu và trước lễ cuối, Nekhliuzov đi ra ngoài. Mọi người đều né mình nhường chỗ cho chàng đi và cúi đầu chào lúc chàng bước qua.
Người thì nhận ra chàng, người thì hỏi "Ai thế?" Chàng đứng lại trên bậc thềm trước nhà thờ. Đám hành khất xúm lại chung quanh: chàng lấy tất cả số tiền lẻ có trong túi ra phân phát, rồi bước xuống thềm.
Trời đã hửng sáng nhưng mặt trời chưa mọc. Các con chiên ra ngồi rải rác trên các ngôi mộ chung quanh nhà thờ. Katiusa vẫn chưa ra. Nekhliuzov đứng lại chờ.
Người dự lễ vẫn lũ lượt đi ra, gót giầy đinh nện vang trên các tảng đá lát, họ đi tản mát ra các ngả trong sân và ngoài nghĩa địa của nhà thờ.
Một cụ già, trước là thợ làm bánh cho bà Maria Ivanovna, đầu lắc lư, giữ Nekhliuzov lại và hôn chàng ba cái; rồi đến vợ ông cụ, một bà già da mặt đã nhăn nheo, đầu đội một chiếc khăn vuông lụa; bà cụ lấy một quả trứng nhuộm nghệ ở trong khăn tay ra đưa cho chàng. Đằng sau hai cụ, một anh nông dân trẻ, lực lưỡng, áo dài mới, dây lưng xanh, tươi cười tiến đến.
- Chúa đã sống lại! - Anh ta nói, vẻ tươi cười hiện rõ trên đôi mắt, rồi ôm lấy cổ Nekhliuzov, mặn mà đưa cặp môi rắn khỏe, trong sạch, hôn ba cái, quệt bộ râu loăn xoăn lên mặt chàng: một hương vị lành mạnh của người dân cày bao trùm cả người chàng.
Trong lúc ôm hôn anh nông dân và nhận của anh ta một quả trứng nhuộm nâu, Nekhliuzov thoáng trông thấy đằng xa tấm áo óng ánh đổi màu của bà Matrena Paplovna và mái tóc đen xinh xắn có điểm chiếc nơ hồng.
Qua bao nhiêu đầu người lô nhô đằng trước, nàng vẫn nhận ra ngay Nekhliuzov và chàng thấy mặt nàng bừng sáng hẳn lên.
Ra đến thềm, nàng cùng bà Matrena Paplovna dừng lại để bố thí cho đám người ăn xin. Trong bọn có một người mũi chỉ còn là một mụn đỏ đang lên da non, tiến đến gần nàng. Nàng lấy một vật gì trong áo đưa cho người ấy rồi cũng tiến sát lại gần, hôn hắn ba cái, không chút ghê tởm, khóe mắt vẫn tươi sáng, vui mừng. Cũng trong lúc ấy, mắt nàng gặp mắt Nekhliuzov và nàng dường như muốn hỏi chàng: "Em làm thế có đúng không anh?" "Đúng lắm chứ, em yêu quí! Tất cả đều tốt, tất cả đều đẹp, anh yêu em!".
Bà Matrena Paplovna và Katiusa bước xuống thềm.
Nekhliuzov lại gần nàng. Chàng không có ý định trao đổi với nàng cái hôn mừng lễ Phục sinh theo cổ lệ, chàng chỉ muốn đứng bên nàng cho gần thêm.
- Chúa sống lại rồi! - Bà Matrena Paplovan nói và nghiêng đầu mỉm cười; nghe giọng nói, thấy ngay trong ngày hôm đó mọi người đều bình đẳng. Bà lấy chiếc mùi xoa cuộn tròn ra lau miệng rồi ghé mặt về phía Nekhliuzov để hôn chàng.
- Chính thế, Chúa sống lại rồi! - Chàng trả lời và hôn bà.
Chàng quay lại nhìn Katiusa, nàng đỏ mặt lên và nhích lại gần.
- Chúa sống lại! Anh Dmitri Ivanovich.
- Chính thế, Chúa sống lại rồi! - Họ hôn nhau hai lần rồi ngừng lại, ngần ngại không biết có nên hôn nữa hay không; và khi thấy là phải tiếp tục thì họ lại hôn nhau một lần thứ ba nữa rồi cả hai cùng mỉm cười.
- Bà và cô không đến nhà linh mục à? - Nekhliuzov hỏi.
- Không, chúng tôi ngồi lại đây thôi, anh Dmitri Ivanovich ạ, - nàng gượng nói, dốc cả lồng ngực thở một hơi dài như khi mới làm xong một việc khoan khoái, rồi đăm đăm nhìn vào mắt chàng với cặp mắt nhu mì, trinh bạch, yêu thương, hơi hiêng hiếng.
Trong tình yêu của một đôi nam nữ, bao giờ cũng có một phút mà tình yêu ấy lên tới đỉnh cao nhất, không mảy may gì là có ý thức, là suy tính và cũng chẳng bợn dục tình. Nekhliudov đã qua phút đó trong đêm lễ Phục sinh hôm ấy. Giờ đây, nhớ lại Katiusa và những lúc ở bên nàng thì phút giây duy nhất đó đã xoá mờ tất cả các giây phút khác: mái tóc đen mượt và bóng, chiếc áo trắng xếp nếp bó lẳn tấm thân mảnh mai trinh bạch, bộ ngực non mới nhú nở, sắc mặt bừng đỏ và cặp mắt đen láy, dịu hiền, hiêng hiếng, long lanh qua một đêm không ngủ, thêm vào đó là cái nét chính toát lên trong toàn bộ con người nàng: đó là cái tinh khiết của tình yêu trinh bạch, không phải chỉ riêng đối với chàng chàng biết rõ như thế - mà tình yêu đối với tất cả mọi người, mọi vật trên đời nầy, không phải chỉ riêng với cái tất đẹp mà cả đối với kẻ hành khất nàng vừa ôm hôn.
Chàng biết rõ thứ tình yêu đó có ở nàng vì chính trong lòng chàng đêm hôm ấy, chàng cũng thấy có nó và chàng nhận thấy rằng chính thứ tình yêu đó đã hoà hợp chàng với Katiusa làm một.
Ôi! Giá mà tất cả câu chuyện ngừng lại ở những tình cảm đêm hôm ấy? "Phải! - Giờ đây, ngồi bên cửa sổ trong phòng bồi thẩm, chàng nghĩ, - tất cả những chuyện ghê gớm nầy đã nảy ra từ sau cái đêm lễ Phục sinh đó!".