We have to continue to learn. We have to be open. And we have to be ready to release our knowledge in order to come to a higher understanding of reality.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Phạm Vân ANh
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1701 / 48
Cập nhật: 2016-01-26 07:37:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
uối cùng thầy Tám thú y cũng được thả tự do.
Đó là thời gian Hai Vương đổ tiền xây ngôi nhà đúc hai tầng trội nhất khu trại bò, nằm ở khoảng giữa nhà Năm Thiên và Ba Bá, đồng thời đưa Tư Đản, một phụ nữ mới khoảng ngoài ba chục tuổi về, nói là vợ nhưng không có ăn hỏi, cưới xin. Vương tuyên bố oang oang mình lo nhà cửa để chuẩn bị về hưu.
Một hôm, Út đến trạm thú y mua thuốc phòng bệnh cho bò, lúc đang dựng chiếc xe Sác cổ lỗ ở ngoài sân chợt thấy thầy Tám trong văn phòng bước ra. Hai thầy trò ngờ ngợ nhìn nhau. Thầy vận chiếc sơ mi trắng cổ cứng đã cũ, và chiếc quần ốc pho màu ghi, chân đi đôi dép da đế dày, tóc bạc trắng, mặt phù, da tái, vết sẹo dài từ trán xuống gò má do Út chém hồi nào có vẻ hằn nổi hơn trước. Út vừa mừng vừa sợ. Trong nó có cả nỗi phân vân muốn tránh mặt thầy. Chính anh nó đã dẫn thầy tới cảnh tù tội oan nghiệt hơn chục năm trời. Thời gian thầy đi vắng, chỉ một lần duy nhất nó rẽ qua nhà thầy...
- Út hả? - Thầy Tám bước lại gần, mặt vẫn dè dặt trong mặc cảm sợ bị chối từ sự quen biết.
Út ngơ ngác rời chiếc xe Sác, nắm chặt hai bàn tay thô nhám, đen xạm của thầy, đôi bàn tay nó còn nhớ ngày nào trắng trẻo thon thả như tay đàn bà.
- Thầy về hồi nào?
- Mới về hai tuần nay. - Thầy Tám nói. - Thầy tới đây xin việc. Người ta nhận rồi. Có rảnh ghé nhà thầy chơi đi.
Út vào trạm mua thuốc rồi quay ra chở thầy về hướng Ngã Năm Chuồng Chó, trở lại dãy phố quen thuộc đã lâu lắm nó không có dịp đi qua. Hơn chục năm, dãy phố chỉ cũ đi bởi thời gian, mưa, nắng, chứ chưa có nét thay đổi lớn nào khiến Út vẫn dễ nhận ra nơi một thời nó từng ăn ở. Nó không đậu xe trước cửa ngôi nhà hai tầng cũ của thầy mà đi quá lên con hẻm gần đó. Nó nhớ lần tìm vợ con thầy trong hẻm, còn nhà thầy do chính anh hắn chiếm ở cùng với một phụ nữ trẻ, không phải Tư Đản, người được coi là vợ bây giờ.
- Đi đâu vậy? - Ngồi ở yên sau, thầy Tám ngạc nhiên vội vỗ nhẹ lưng Út. - Quên nhà rồi hả?
- Con tưởng... - Út vội thắng xe.
- Vẫn nhà cũ mà.
Thầy Tám tụt khỏi xe, đưa Út trở lại ngôi nhà cũ thật. Trước tấm cửa sắt kéo đang đóng kín, Út ngần ngại. Nó ngờ rằng thầy có sự lầm lộn. Nhìn tấm lưng hơi còng từ phía sau khi thầy đang với bàn tay nhấn núm chuông điện ở hông cửa, nó băn khoăn: không lẽ những năm tù tội đã biến thầy thành lẩn thẩn. Nó lo sẽ đụng mặt chính Hai Vương.
Ra mở cửa vẫn là người phụ nữ năm nào, bây giờ, đã khoảng ba nhăm, ba sáu, những nét son phấn trên mặt đã bạc nhược, thần sắc u buồn. Chị ta kéo một bên cánh cửa vừa đủ tầm người đi vào rồi đứng tránh, hai mắt nhìn thằng Út lom lom. Rõ ràng chị ta không nhận ra nó, kẻ đã đến nhà hỏi thăm thầy Tám hơn chục năm trước.
- Đây là thằng Út, em của Hai Vương, có thời gian theo tôi làm đệ tử.
- À... - Người phụ nữ liền cau có.- Anh còn dính dáng tới nó làm gì?
Thầy Tám đẩy hẳn cánh cửa xẹp về một bên. Phòng khách sáng sủa hẳn với những đồ đạc toàn mô-đen đời mới. Bộ sa-lông đóng cầu kỳ bằng gỗ cẩm lai, bàn lót kính choáng lộng, chiếc tủ ngang bằng gỗ gõ bày đầy những đồ thủy tinh pha lê đắt tiền, chiếc ra-đi-ô cát-xét loại 100 watt hiệu Sony còn mới tinh, chiếc quạt đứng hiệu Sanyo, một tủ kính bán hàng mỹ phẩm, một chiếc xe cúp đời 84, tuy nhiên, tất cả đều phủ đầy một lớp bụi, như thể đã quá lâu không ai đụng tới.
Người phụ nữ dùng khăn lau bụi ở mặt bàn và mấy chiếc ghê rồi lẳng lặng bỏ ra ngoài phố.
- Cô đi đâu vậy? - Thầy Tám vừa cùng Út ngồi vừa hỏi với theo.
- Đi kêu nước. - Người phụ nữ nói.
- Ồ, cảm ơn. - Thầy Tám khẽ cười, ngắm nghĩa kỹ thằng Út. Nó không còn là thằng bé non nớt khi chia tay thầy, mới mười bảy tuổi. Bây giờ nó đã hai mươi tám, ngoài nét mặt lì lì dài dại, ít thay đổi, thân thể nó đã cao lớn, săn chắc ra dáng một gã đàn ông thứ thiệt. - Nhà có gì mới không?
- Vẫn... - Út nói một cách tiết kiệm.- Vẫn nuôi bò.
Mắt thầy Tám đầy vẻ châm biếm:
- Vẫn bị gọi là thằng Khùng?
Út hơi dim mắt như một cách xác nhận.
Thầy Tám chua chát lắc đầu:
- Để sau này, việc trạm ổn định, người ta tín nhiệm, tôi lại kéo chú theo tôi. - Thầy bỏ cách xưng hô «mày tao» trước đây để tỏ ra tôn trọng thằng đệ tử đã thành người lớn- Chú hoàn toàn có thể trở thành người thú y giởi. Chú bị thiệt thòi do thiếu kiến thức, nhưng bù lại, chú có những nhận biết và khả năng truyền cảm kỳ lạ với loài vật. Chú cứ theo tôi. Có bao nhiêu vốn nghề, tôi sẽ truyền cho chú hết, nếu như trời còn cho tôi sống đủ thời gian cần thiết. Không tình cờ gặp chú ở trạm, sau khi ổn định công việc tôi cũng sẽ tìm chú để nói chuyện này.
Út cảm động nhìn thầy. Từ lâu, nó không có thứ cảm xúc như vậy. Trong các kiếp thằng khùng, bao nhiêu giác cảm của một con người bình thường đã chết trong nó.
- Những năm ở trại cải tạo, tôi nghĩ về rất nhiều điều, nhiều chuyện... - Giọng thầy Tám xa xăm. - Nghĩ về những người từng sống bên cuộc đời mình, về vợ, về con, về cả những người đàn bà một thời mình lăng nhăng... nhưng không hiểu sao, tôi vẫn cứ nghĩa về chú nhiều hơn cả... Dù muốn xóa đi, quên đi... Chú... một thằng khùng đã có cái gì đó bắt tôi phải ghi nhớ nhiều đến thế? Nhưng không xóa được, không quên được, kể từ lần chú còn là thằng nhóc mười hai tuổi dám giơ mã tấu chém để đời trên mặt tôi vết sẹo, cho đến những năm sau thầy trò rong ruổi trong nghề. Một thằng khùng mà không khùng... Cứ lúc nào sám hối về những lầm lỗi trong đời, hay ao ước làm lại cuộc đời từ đầu, chú lại hiện lên. Tôi cứ như người mắc nợ chú...
Người phụ nữ trở vào bưng theo khay nhôm trên có hai ly cà phê nóng, một bình trà và bao thuốc Jet mở sẵn có khoảng bốn năm điếu.
- Cô ngồi chơi luôn đi. - Thầy Tám nói với người phụ nữ.
- Anh cứ tự nhiên. Em bận chút việc. - Chị ta không để mắt thêm một lần nào nữa tới Út, khinh khỉnh bỏ vào nhà trong.
Út kín đáo liếc theo. Nó áy náy, không lẽ người này chính là người đã từng ăn ở với anh Hai nó, từng đuổi con vợ thầy Tám ra khỏi nhà? Không lẽ thầy Tám hoàn toàn không biết chút nào?
Như đọc được suy nghĩ của Út, thầy Tám chậm nói tiếp:
- Cô Lan này chính là người từng sống như vợ chồng hơn chục năm qua với anh Hai chú. Cách đây ba năm, vào dịp gần Tết, lẽ ra là vợ tôi đi thăm nuôi thì lại là cô ta, không quản đường xa với cái rét khủng khiếp, đi xe lửa ra miền Bắc thăm tôi ở trại cải tạo mãi rừng núi Vĩnh Phú. Lúc gặp gỡ, trò chuyện, tôi mới biết vợ và các con tôi đã vượt biên. Tôi được nghe cô ta kể, chính cô ta và Hai Vương đã chiếm ngôi nhà của tôi khiến vợ và các con tôi phải chui rúc trong con hẻm. Những năm về sau, do chán chường cảnh sống với anh già vô học, quyền uy ngày một lộ rõ như con hổ giấy mà cô ta, vợ một sĩ quan chế độ cũ chết trận trong những ngày đầu giải phóng, hoang mang hốt hoảng đã cạn nghĩ, bám lấy ông ta để làm chỗ nương tựa, mặt khác, do hối hận về việc để vợ con tôi rơi vào cảnh cơ cực, cô ta lén giúp đỡ vợ con tôi ít nhiều về kinh tế. Cô ta cũng giúp một phần vàng để vợ con tôi vượt biên. Bởi thế, trước khi đi, vợ tôi thổ lộ điều băn khoăn duy nhất là số phận của tôi ở trại cải tạo mà nhiều năm qua, chạy vạy đủ mọi cửa... Khi lòng kiên nhận đã kiệt quệ, bả buộc phải bỏ đất nước ra đi, cô ta tự nhận sẽ thay bả lo tiếp việc thăm nuôi...
Thầy Tám im lặng hồi lâu để nhâm nhi cà phê và hút thuốc:
- Khi tôi được tha về, ngôi nhà ọp ẹp trong hẻm đã có người khác ở. Nhưng nhà này chỉ còn mình cô Lan. Hóa ra cô ta cũng vừa chia tay người anh chú. - Thầy Tám kể tiếp. - Những năm sau này, những vị công thần (!) ít học và vô dụng ngày càng như những miếng thịt thừa cần phải sớm cắt bỏ trong các cơ chế, cơ quan Nhà nước nếu như ai đó muốn cứu vãn sự suy sụp xã hội. Một trong những cục thịt thừa đó là Hai Vương. Người vợ mà hơn chục năm qua bị gã bỏ rơi ở một tỉnh núi rừng miền Bắc xa xôi, trước khi đâm đơn ly hôn đã cùng các con viết thư tố cáo gã với hàng trăm thứ tội tham ô, hủ hóa, dựa vào quyền chức bức hại người tốt. Rồi hơn chục năm qua, những "thành tích" tương tự vẫn ngang nhiên tái diễn. Cô Lan phát hiện ra hắn dan díu thêm với mấy người đàn bà khác. Thế là việc gì phải đến đã đến. Trong một lần bắt quả tang hắn với cô vợ trẻ của một người giữ xe trước cổng cơ quan hắn, cô Lan đã cấm cửa không cho hắn về nhà. Tất nhiên, vào hoàn cảnh khác, người ra đi phải là cô Lan. Nhưng do giờ đây hắn đang chỉ còn là con âm binh đã hết phép của thầy phù thủy bởi những vụ bê bối và đang đứng trước ngưỡng cửa của tòa án, hắn ngậm ngùi chào thua. Tôi về vào lúc chuyện xảy ra chừng ba tháng. Cô Lan mời tôi về nhà ở...
Út lần hồi nhớ lại những đổi khác không bình thường của Hai Vương. Kể từ khi thất bại thảm hại cuộc cách mạng "heo cá", mấy năm liền gã biến khỏi trại bò, dăm ba tháng mới ngồi xe hơi đảo qua nhà một lần làm le, giờ bỗng nhiên về nhà thường xuyên lo đo đất, thiết kế rồi đổ vật liệu xây dựng làm nhà với thái độ Hối hả nhưng không có gì phấn chấn. Tưởng gã dọn chỗ để ăn ở thêm với một người đàn bà nữa, hóa ra, nghe thầy Tám nói. Út mới biết sau chặng đường dài lên voi, gã chuẩn bị nơi hạ cánh an toàn để xuống chó, đúng như lời Ba Bá thường nói mát những lúc vắng mặt gã. Thế là nhà có hai người được gọi là làm nên danh vọng, lần lượt mèo lại hoàn mèo. Hai năm trước, Năm Thiên ở Công ty Dịch vụ Xuất nhập khẩu Tổng hợp Quận, tổ chức buôn lậu hàng Thái Lan từ đường Cam-pu-chia về, đổ bể, vỡ nợ hàng chục tỷ đồng suýt nữa nằm nhà đá. Nhờ vụ án liên quan đến mấy vị chóp bu ở quận và thành phố mà Năm chỉ hưởng án treo rồi cho nghỉ việc về nhà nuôi bò.
- Khi tôi còn ở trại cải tạo, vợ và các con tôi từ Mỹ có làm đơn gửi về xin bảo lãnh cho tôi qua Mỹ. Vào lúc không hy vọng gì được thả tự do thì qua Mỹ là con đường giải thoát duy nhất, nhưng về rồi, tôi quyết định không đi nữa. Thầy Tám nói: Tuổi tôi, không còn sức để làm lại cũng như làm thêm cái gì cho mình và vợ con, mà sang để ăn bám, tôi không muốn. Ở Việt Nam, một mình cô độc chắc chắn chẳng sung sướng, nhưng những gì khổ nhất có đến với tôi, cũng không thể hơn những ngày ở trại cải tạo. Tôi già rồi, quỹ thời gian không còn đủ cho tôi đánh đổi những thói quen gắn bó sâu nặng với đời sống ở đây lấy sự hội nhận vào đời sống Mỹ, dù là giữa cộng đồng người Việt lưu vong. Tôi đã thư sang cho vợ con ý định ở lại Tôi hi vọng một ngày gần vợ con tôi có điều kiện sẽ về nước thăm như nhiều Việt kiều khác, lúc đó, sự xa cách sẽ không còn biền biệt.
Người phụ nữ từ trong nhà đi ra với cái túi xách đen. Chị ta đã thay đồ bộ bằng áo sơ-mi sọc nâu và quần tây, mặt mũi trang điểm kỹ, trông trẻ và sắc sảo hẳn:
- Em đi đằng này.
Đợi chị ta dắt xe ra khỏi nhà, thầy Tám nói:
Những năm vừa rồi, mỗi người dù sướng hay khổ cũng đều trải qua cơn mộng du trong cuộc trở về với chính mình. Cô Lan này cũng vậy. Cô ta đã nhận ra những sai lầm do ấu trĩ và nông cạn khi tin vào sức mạnh thích nghi của giống cái. Nhưng ở tuổi cô ta, mới ngoài ba chục, hoàn toàn có thể làm lại từ đầu. Có một người đàn ông tốt vẫn theo đuổi cô ta hơn chục năm nay. Cô ta định lấy người đó. Như vậy, ngôi nhà này còn một mình tôi. Tôi muốn chú đến ở với tôi... Còn sống ngày nào trong trại bò của gia đình, chú còn là thằng khùng. Tôi có thể đọc lòng dạ của cha chú và những thằng anh chú như đọc bàn tay mình.
Út buộc miệng:
- Ba con chết rồi.
- Vậy hả? Mặt hầy Tám không ngạc nhiên, cũng không tỏ ra buồn rầu: Rồi một ngày gần, tôi sẽ đến thắp nhang trên mộ ổng. Cha chú là một kẻ tội lỗi đáng thương. Giá sống thêm, ông cũng chỉ khổ thêm thôi. Cầu trời phù hộ cho ông được yên lành ở cõi âm.
Thầy Tám giữ Út lại ăn trưa, nhưng nó cương quyết trở về. Nó đã đi quá thời gian hợp lý của việc lấy thuốc cho bò. Ba Bá luôn để ý sát sao từng giờ, từng phút công việc của nó. Từ ngày nắm lại trại bò, như để trả thù kẻ mà trong thời gian đi tù định hăm he nắm quyền, gã đã vắt Út đến kiệt sức và thường xuyên cư xử hung bạo, đánh đấm để Út quên hẳng những ngày một tay nó vực nổi trại bò qua cơn hoạn nạn.Mặt khác, Út cũng mong trở về sớm để nói cho Hai Vương và Ba Bá ý định theo thầy Tám. Chỉ ở bên thầy Tám, nó mới có đời sống của con người.
Út phóng chiếc xe Sác tới hết ga với cảm hứng của cuộc tự giải phóng. Con đường từ Ngã Năm Chuồng Chó về chợ Hạnh Thông Tây rồi rẽ về hướng ngã tư Xóm Mới như dường không người, rộng thênh thang. Từ lâu, từ khi Ba Bá trở về, mọi hào hứng của nó với đàn bò bỗng nhiên bị trôi tuột.Nó đang như một người giàu có được bằng mồ hôi nước mắt tích lũy từ bao năm bỗng nhiên bị lột sạch, trở thành tay trắng.Mà nó đâu có ý thức chiếm hữu gì. Thương đàn bò, nó chỉ muốn chúng có đời sống tốt, sinh sôi phát triển, mọi kết quả tốt đẹp từ đàn bò sẽ thành dòng máu nóng nuôi sống nó. Nó không coi lợi nhuận như giá trị hàng hóa của từng con bò là tất cả. Nhưng đối với cả Hai Vương, Ba Bá, Năm Thiên, dường như việc nó làm được cái việc người khác không làm được hay không có điều kiện làm, là một tội tày trời, một tham vọng vô lối, một âm mưu thoát đoạt. Và nó nhận ra ngay mình đang bị trả thù, điều mà lẽ ra họ phải giành cho nhau. Vì Vương và Thiên mà Bá phải bỏ nhà vượt biên, rơi vào cảnh tù tội. Rồi vì sự trở về nắm lại quyền cai quản trại bò của Bá mà Vương và Thiên, cóc chết ba năm quay đầu về núi, trở nên thất thế. Ấy vậy mà, Út không hiểu nổi tại sao, nó, một kẻ vô hại. không đụng chạm tới ai, không là nguyên do tai họa hay thiệt hại cho ai, thậm chí những của cải nó làm ra còn ích lợi cho họ: trả hết các món nợ do cuộc "cách mạng" của Vương và Thiên, rồi tiền, quà cho Sáu Là thăm nuôi Bá suốt bảy năm nằm tù ở Bến Tre. Đàn bò hiện tới hơn bốn chục con vẫn từ vốn gốc nó gây dựng suốt mấy năm trời. Sống đến vậy, làm đến vậy, có gì nó bỗng hóa thành kẻ thù của các anh? Họ liên kết với nhau, vô hiệu hóa nó, đày nó từ người bao quát công việc xuống thân phận đầu sai, chỉ đâu làm đó, làm như con vật, vừa làm vừa nghe chửi mắng, vừa bị đánh đập. Họ vẫn tiếp tục gọi nó là thằng Khùng. Một thằng khùng bị chửi nhiều, đánh nhiều không phải cái gì quá đáng.Nó vô cảm nên cần liều thuốc mạnh hơn người thường. Nó lờ mờ cảm thấy các anh nó đã biết thừa nó không hề bị khùng, nhưng sự tỉnh táo của nó có mối đe dọa vô hình nào đó đối với họ, nên họ quyết hành hạ, làm nhục để nó phải trờ nên khùng thật. Trong nó le lói nỗi bất bình, mung lung, luẩn quẩn. Một sự bất bình không đủ sức bật ra hành động nào cụ thể. Như con cá quen quanh quẩn trong ao hồ tù đọng, nó không bao giờ có nổi ý nghĩ về một đời sống khác bên ngoài trại bò. Sự trở về của thầy Tám đã khơi thành dòng chảy cho nỗi bất bình tạo nên hướng giải thoát. Nó thèm nhớ lại những ngày theo thầy Tám đi nay đây mai đó...
Lao từ ngoài cổng vào trong sân, Út gặp ngay Ba Bá và Vương đang đứng ngắm ngôi nhà xây đã gần xong, với hình dáng cấu trúc quả là bề thế, hiện đại, vượt hơn hẳn hai ngôi nhà của Bá và Thiên. Thoáng thấy Út về, Bá rời ngay Vương, bước lại. Đang dựng xe ở đầu chuồng bò, nhìn dáng đi hùng hổ của Bá, Út đoán ngay chuyện gì sẽ xảy ra. Nó ý tứ lảng vào trong chuồng bò. Nó không muốn những người thợ xây ở bên kia vườn chứng kiến cảnh nó bị quát mắng sỉ nhục, có thể còn bị đánh.
- Đứng lại. Bá hằm mặt bước nhanh theo Út, dí chiếc đồng hồ đeo tay sát tận mắt Út: Mày thử đọc coi mấy giờ? Đọc đi...
Liếc thấy đồng hồ đang chỉ mười hai giờ ba mươi lăm, Út nín lặng.
- Mày không đọc lên, tao đánh thấy mẹ bây giờ. Bá hừm giọng: Có đọc không. Đi lấy thuốc mà nhông cả buổi vậy hả? Mày đọc không?
Út vẫn một mực làm thinh.
Ục! Ục! Hự! Hự! Hự! Út bị lãnh liền những cú đấm đá vào ngực và bụng.
Những con bò đang nhai tóp tép bên máng ăn ngẩng cả về phía nó với ánh mắt u buồn, thương cảm
Hự! Hự! Hự!
Út đã quen nhận đòn. Những cú đánh đích thực là đòn thù, mỗi lần dộng vào người đều làm nó có cảm giác tức nghẹn, lộng óc, muốn ói mật xanh mật vàng. Nó không sao mở được miệng để diễn đạt lời thanh minh vào lúc bị dồn ép chứ không phải nó bướng bỉnh muốn đối đầu. Nó biết chắc trận đòn dài hay ngắn không phải do lỗi nặng hay nhẹ mà theo cơn giận của Bá nhiều hay ít. Có khi Bá giận nó về trễ chỉ là cái cớ để trút cơn tức tối vì Vương đang làm ngôi nhà to đẹp hơn của gã.
- Trưa nay nhịn cơm nghe mày. Bá nện cú đấm cuối cùng vào bụng Út khiến nó đứng hết nổi. Giống như cây chuối bị đồn gốc, nó nhủn gối đổ vật xuống nền xi-măng đầy nước tiểu bò: Tao không bao giờ muốn bỏ đói mày, nhưng ăn miếng cơm của tao thì phải làm ra làm, không làm thì khỏi ăn, rõ chưa.
Út nặng nhọc đứng dậy vừa đúng lúc Hai Vương bước vào.
- Làm sao? Vương hỏi trống không. Lại bị đánh hả? Mày thử nhìn chuồng bò coi. Phân rác, nước tiểu tùm lum... Việc dọn là của mày, sao không về sớm?
Út lùi lại dựa lưng vào cột chuồng để đứng vững rồi nói:
- Tôi sẽ theo thầy Tám.
- Tám nào? Vương tò mò. Bộ nhớ trong đầu gã không hề ghi nhận ai có tên đó.
Ba Bá sững mặt:
- Tám thú ý hả?
Út nhắc lại:
- Tôi sẽ theo ổng.
Hai Vương đã nhớ ra, trợn trừng mắt:
- Hắn về khi nào? Ai cho phép thả hắn?
Út nói:
- Ổng mới về.
Vương và Bá cùng ý tứ nhìn nhau.
- Hóa ra vì thế mày về trễ. Bá thở hắt: Sao mày không nói ngay từ đầu. Nhưng tao nói trước, sống để bụng, chết mang đi, tao cấm mày theo thằng ấy. Nó là kẻ thù của nhà này. Mộ chị Tư mày còn nằm trong vườn kia.
Út ngạc nhiên nhìn Bá. Hơn ai hết trong nhà, Bá là người biết thừa chỉ vì gã và ông già ép làm bé thầy Tám mà Tư Tiên tự sát, chứ thầy Tám hoàn toàn không biết, cũng không hề đặt điều kiện lấy Tư. Không lẽ thời gian nhiều năm đã khiến gã quên sự thật? Hay gã cố ý bóp méo? Hay do trốn tránh trách nhiệm lâu ngày, gã tin luôn rằng mình vô tội?
- Mày không được đi đâu hết. Hai Vương bỗng dịu giọng: Hóa ra nhà này, sau khi cha mất, còn đủ mặt các anh không nuôi được mày khiến mày phải bỏ đi? Mày muốn để bà con lối xóm chửi như vậy hả? Vương bước đến sát mặt Út: Không đi đâu hết. Tám là thằng tội phạm, tao chưa nói đến việc vì nó con Tư bị chết oan, mà chỉ riêng chuyện gia đình ta là một gia đình gia thế, truyền thống cách mạng, không một tì vết đen tối nào, còn hắn một phần tử vào tù ra tội, một cựu sĩ quan ngụy, còn lâu mới đủ tư cách một công dân xã hội chủ nghĩa, thì việc mày bỏ nhà theo hắn cũng không khác gì bôi một vết nhơ lên danh dự gia đình, không khác gì mày bỏ chánh theo tà. Để tao kiểm tra lại xem hắn được thả thật hay hắn trốn khỏi trại cải tạo. Giữa thời điểm đang nhiều phức tạp về chính trị, thả những người như hắn là chuyện không thể xảy ra. Mày gặp hắn ở đâu?
Út thận trọng nói:
- Ở nhà thầy.
Vương bán tín bán nghi:
- Nhà nào?
- Nhà cũ
- Nhà trong hẻm?
- Nhà phố. Út nói. Lòng nó nhẹ nhõm khi thấy rõ sự bối rối ở Vương.
Bá ngạc nhiên nhìn Vương:
- Anh nói vợ con hắn vượt biên rồi kia mà?
Vương bứt rứt ra mặt:
- Không lẽ chúng nó trở thành Việt kiều yêu nước trở về được Nhà nước trả lại nhà? Thế thì loạn. Chính tôi đã báo cáo với cả Công an lẫn Nội chính về việc trước khi vượt biên, thằng bác sĩ con lớn nhà thằng Tám mời bạn bè đi nhậu ở nhà hàng, tuyên bố: Chúng ta sẽ về giải phóng đất nước bằng đô-la. Nếu trả lại nhà cho chúng nó thì xương máu của bao nhiêu thế hệ cách mạng thành rác rưởi hết. Có đúng vợ con hắn trở về không?
Út lắc đầu:
- Không. Im một lúc, nó nói thêm: Thầy được trả nhà.
Mặt Hai Vương tái mét. Những nếp ngăn yểm thế quanh quầng mắt gã nhăn nhúm một cách thảm hại:
- Không thể có chuyện ấy.
Bá nhếch miệng châm biếm:
- Hay con vợ bé của anh đá anh đi để đón hắn về?
Vương lúng túng:
- Tôi đã quên con điếm ấy rồi. Bỗng gã đùng đùng phẫn nộ. Chân dung gã sống động như vùng lại thời có chức có quyền: nếu đó là sự thật, nhất định do đút lót hắn được thả, cũng do đút lót hắn được trả lại nhà. Xã hội nát như tương... Tôi sẽ quật ngược vụ này bằng được.
- Nhưng ai đã đút lót? Ba Bá hỏi xỏ.
- Vợ con hắn từ Mỹ chứ còn ai. Vương vẫn đùng đùng xúc động: Mấy thằng Việt kiều bây giờ chỉ cần gởi về nước vài trăm đô-la "từ thiện" là có trong tay chùm chìa khóa mở hết mọi cánh cửa. Gã vung tay chém gió: Chuyện khác tao không biết, chứ riêng chuyện thằng Tám, tao phải theo đến cùng, nếu không, không còn gì là chuyên chính vô sản trên đất nước này nữa. Vương thô bạo chộp hai vai Út: Còn mày. Thằng Khùng. Tao nói trước, mày dính vào nó là mày vạ lây đấy. Tao cấm... rõ chưa.
Ba Bá lầm bầm nói với Út, giọng nhân nhượng:
- Đi ăn cơm rồi dọn chuồng. Trước khi bỏ đi, gã nói thêm: Đây là lần cuối cùng tao nghe mày nói đến thằng Tám đấy.
Rồi như không biết đến sự có mặt lẫn nối bất bình thảm hại của Vương, Bá cắm đầu đi về hướng nhà gã, khiến Vương lẽo đẽo bám theo.
- Chú giúp tôi đi. Giọng Vương mềm nhũng: Nếu vật liệu không trượt giá quá, tôi không dám phiền chú.
- Tôi đã nói với anh rồi. Bá quay phắt lại: Anh làm quá túi tiền anh ráng chịu. Tiền đúng là không phải của riêng tôi, nhưng phải tích lũy để quay vòng, anh muốn mượn phải chịu trả lời tám phần trăm. Thế là nhẹ quá rồi.
- Bây giờ chú đòi lấy máu, tôi cũng chịu... Vương hậm hực: Nhưng vấn đề là ở chỗ tình nghĩa....
- Nếu có tình nghĩa, tôi đã không phải ở trại cải tạo bảy năm trời. Thế nào, có chịu không? Ngày mai tôi chi việc khác là hết đó.
Dứt lời, Ba Bá bỏ đi.
Hai Vương lại tất tả bám theo.
Út lảo đảo lần lại phía nhà kho gieo mình xuống chiếc ghế hôi hám. Nó muốn nghỉ một lát cho xuôi cơn đau tức bởi trận đòn. Nhưng vừa chạm lưng xuống mặt bố mòn trũng lớp nhớp của chiếc ghế, hình ảnh thầy Tám tiếp tục bị tù tội hiện lên, làm nó bật ngay dậy. Dù không được theo thầy cũng phải báo cho thầy mọi chuyện để đối phó.
Sợ trong nhà có người biết, Út chạy tắt con đường mòn cuối dãy chuồng bò, qua khu hồ cạn, di tích thê thảm của cuộc cách mạng "heo cá", len qua những cây điều hoang về phía bãi rác. Nó thoáng mừng khi thấy chiếc xe vận tải chờ rác đang quay đầu, nâng ben từ con đường đất đỏ, vừa lùi vừa trút hàng tấn rác xuống bãi. Giữa trưa nắng chói chang, mấy chục bà già, con nít dân ngoài phố và quanh khu trại bò cùng châu lại đống rác mới, móc bới lựa những thứ có thể nhặt bán được cho các lò ve chai, kiếm sống.
Út nghĩ đến chuyện đi nhờ ra Ngã Năm Chuồng Chó khi xe chạy về nội thành. Chỉ cách đó mới có thể gặp thầy Tám nhanh nhất. Nó quên hoàn toàn trận đòn tiếp theo sẽ xảy ra, và chuồng bò vẫn chưa hề được cọ rửa.
Chiếc xe rác cồng kềnh chuyển bánh trở ra đường. Út cũng tới kịp. Nó vừa ấp úng ngỏ lời, người lái xe đã hất hàm ra hiệu người phụ lái mở cửa cho nó lên.
- Mày có vẻ là thằng khùng hả? Lúc ngồi vào ca bin, người lái xe mới để ý kỹ mặt Út vè lên tiếng: Tao hối vì để cho mày lên xe. Nhỡ mày biến luôn là tao bị nhà mày chửi oan.
Út lắc đầu:
- Tôi không khùng.
Người lái xe không tin hẳn nhưng cũng không đuổi nó xuống.
Út nghĩ tới thầy Tám. Thầy nó sẽ đi đâu khi nghe tin? Nó bỗng nảy ra ý nghĩ đi luôn với thầy. Muốn đi đâu thì đi... Sẵn sàng sống chết cùng thầy. Nó cồn cào hy vọng.
Lúc chiếc xe từ con đường đất đỏ quẹo qua hố, Út sững sờ đến rủn hết gân cơ.
Đứng giữa đường, cùng án ngang với chiếc xe Hon-đa 67 đen nhánh chính là Ba Bá. Gã như một hung thần từ dưới đất chui lên, giơ tay vẫy chiếc xe dừng lại.
Phần Hồn Phần Hồn - Nguyễn Mạnh Tuấn Phần Hồn