Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
rích NTBKCB, tiếp theo:
Thế đấy, nhưng nghe ai bàn tán đến việc này, Đoàn Quốc cũng không thanh minh, mặc ai hiểu thế nào cũng được. Được phép xuất ngoại, ông ta càng tính toán tương lai. Cũng chính trong thời gian đó, ông ta được bạn bè cũ ở nước ngoài báo cho biết số tác phẩm cũ của ông được tái bản ở Mỹ, lại có người hứa can thiệp để nhà xuất bản ấy trả tiền bản quyền cho ông ta. Hàng chục nghìn đô la đâu phải dễ kiếm với người đã ngoài sáu mươi như ông ta. Rồi đến lượt "Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại" gửi thư chúc mừng ông ta sắp được "tự do", hứa hẹn sẽ đón tiếp ông ta như một hội viên danh dự.
- Té ra, người ta vẫn còn nhớ đến mình như ngày nào! - Đoàn Quốc tự nhủ - Thế mà lâu nay, chính ta lại quên lãng ta. Trong đêm tối mặt trời vẫn tồn tại!
Chính vì tự thấy mình vẫn "tồn tại" với tư cách một nhà văn mà Đoàn Quốc đã nhận lời và báo tin cho nhiều đồng nghiệp cũ đến nhà Kiều Trang, dự buổi họp mặt với các đồng nghiệp cũ. Vốn không thích ồn ào, ông ta lặng thinh khi cuộc họp chính thức hôm ấy bắt đầu, nhưng cũng từ đấy, trong đầu ông nẩy sinh ra bao dự tính khiến ông trằn trọc, nôn nao như đang thai nghén một tập truyện dài. Đúng ra Đoàn Quốc rạo rực với tập truyện "Dấu chân cát xóa" của ông ta viết từ năm 1972 đến 1974 và bản thảo đã được chữa xong ngày 16 tháng 5 năm 1975 - nửa tháng sau ngày thành phố được giải phóng. Tập bản thảo dấu trên trần nhà được lôi xuống. Ông ta chong đèn đọc mấy đêm liền, trân trọng như đọc tác phẩm của một văn hào!
Tháng ngày lùi xa tít tắp như cuối trời sa mạc. Tìm lại những dấu chân mình đã bị cát xóa. Bỗng thấy bầu trời "Springfield" - cánh đồng mùa xuân ấy - gần gũi trong xanh mà Chương - nhân vật trong truyện của ông ta - đã trở lại. Nơi ấy, những năm tháng sau khi giải ngũ, Chương đã sang du học và tốt nghiệp Ph.D. Nơi ấy Martha đã đến với Chương như một quà tặng của tự do. "Tôi sẽ dùng xe buýt đi dọc theo xa lộ qua các tiểu bang New Mexico, Arizona, Nevada và nhất định tôi sẽ đến Los Angeles qua Thung lũng Tử thần (Chương nhấn mạnh). Yes, Death Valley, I said" con lừa nhỏ của chàng Tappan.
Chàng Tappan đi qua thung lũng Tử thần dưới ánh nắng chói lòa trên sa mạc cát bỏng. Những tia nắng đã thực sự biến thành những mũi kim xiên thấu da thịt. Nhớ lúc Tappan chịu cơn bão táp giết người về đêm, chết ngất trên lưng lừa. Thế mà Tappan cũng lên được đỉnh núi tuyết và sống bốn mùa êm ả trên đó. Thế rồi, giờ của định mệnh đã điểm. Tappan đã cứu được con lừa Janet qua khỏi cơn bão tuyết, đưa nó từ đỉnh núi băng giá xuống thung lũng mượt xanh. Con lừa được ăn cỏ và sống, còn chủ nó đã chết vì kiệt sức.
"Mình là con lừa Janet hay là chàng Tappan?" Đoàn Quốc băn khoăn tự hỏi. "Mình sẽ vượt qua thung lũng của sự chết - cái đất nước khốn khổ này. Mình đến được đó là đủ rồi. Rồi ra sao thì ra, miễn là thoát được cơn bão khốn kiếp này. Là con lừa Janet may mắn hay chàng Tappan xấu số cũng được."
Martha! Martha. Bên kia bờ sông có tiếng vọng lại "Martha! Martha". Con sông tâm tưởng. Chương lúc đó đang ngồi ngửa mặt nhắm mắt lười biếng trên chuyến xe buýt liên tiểu bang - Con sông xuân tràn đầy chảy lênh láng, màu nước biêng biếc như tóc mềm (tóc Martha) gặp gió xõa trên bờ vai. Chương biến thành gió, luồn tay vào mái tóc đó, bàn tay vô hình mơn man êm dịu… Springfield - cánh đồng mùa xuân - thủ phủ của Illinois thật hữu tình và có tính cách tiền định.
Đến Springfield để trả món nợ tình… Thời gian, không gian giờ đây là của hai người. Chương nghiêng đầu sát tới nói thầm bên tai Martha:
- The closer I get, the better you look.
Chàng có một cử chỉ "nhào đại", muốn hôn lên miệng Martha…
- A… a… a… a…
Chương tìm lại hương vị thơm đắng của cà phê trên môi Martha, một bàn tay Chương xoa lên bờ vai rồi vòm ngực tròn trịa của nàng
- Về nhà đã Chương, Martha van vỉ.
Chương lắc đầu giữ chặt lấy nàng, không đáp. Martha cảm thấy những ánh sao lóe sáng rụng lả tả… rụng lả tả trên khắp vùng da thịt…
…..
Đoàn Quốc tiếp tục đọc hơn trên hai trăm trang bản thảo. Như trở về chốn cũ. Anh gặp lại người xưa. Ngỡ ngàng như quen thuộc, gần gũi mà xa xôi. "Dòng sông tâm tưởng. Martha, Martha!" Tiếng vọng từ bên kia dòng sông, hay từ bên kia đại dương, của quá khứ nhạt nhòa đứt đoạn.
Ngoài đường đã bắt đầu tiếng xe chạy. Tiếng xích lô máy nổ lẻ loi, vang động. Đoàn Quốc nghe cột sống lưng tê cứng, nhưng không thấy buồn ngủ. Châm bình trà mới, đốt một nén hương đuổi muỗi. Bẩy năm rồi đã ngủ triền miên để thức trọn đêm nay. Để thấy lại bầu trời. Cánh đồng mùa xuân và Martha, thung lũng tử thần và anh chàng Tappan tội nghiệp.
Gần sáng, Đoàn Quốc nẩy ý định viết tiếp "Dấu chân cát xóa". Chương trở về nước làm giáo sư kiêm nhà văn. Lúc giải phóng Sàigòn, hắn ta bị kẹt lại đi học tập cải tạo. Bẩy năm qua chẳng là tấn bi kịch của cuộc đời được tiếp nối đó sao? Mặt trời đã lặn, nhưng mặt trời không tắt hẳn. Nó sẽ mọc lại vào bình minh hôm sau. Tappan đã vượt qua Thung lũng Tử thần nóng bỏng, chết chóc để lên tận đỉnh non cao bốn mùa êm ả. Dẫu là đêm, nhưng mặt trời vẫn tồn tại…"Đường lên mặt trời" - Đoàn Quốc đã chọn để làm tựa đề cho chương tiếp của "Dấu chân cát xóa".
Trên đây là một phần chương IV-NTBKCB. Nhân vật chính của chương này là giáo sư - nhà văn Đoàn Quốc. Trong số năm tên chúng tôi bị gọi là "Những tên Biệt kích cầm bút", Đoàn Quốc là người được diễn tả đời tư với những lời tương đối sạch sẽ, tử tế nhất. Không chỉ những giới thiệu đàng hoàng mà thôi dường như hai anh cớm cộng Nam Thi - Minh Kiên còn có vẻ thán phục và đề cao Biệt kích Đoàn Quốc. Kể từ 1954 - trước đó bỏ, ta chỉ tính sổ bụi đời từ năm 1954 - đến năm nay 1996 là 42 mùa thu lá bay ông Đoàn Quốc dậy học, viết văn, in sách, đi tù ở Sàigòn nói riêng và trong nước nói chung, rồi ra hải ngoại, định cư ở Houston, Texas, hai ông bà được mời đi khắp nơi gặp lại bạn hữu v.v… Suốt 42 mùa thu đó ông Đoàn Quốc không bị một lời chỉ trích, chê bai, kể cả xuyên tạc, vu khống, ghen tị, bới lông tìm vết, móc lò bậy bạ. Ngay cả đến đại tá công an Việt cộng khi viết về người tù Đoàn Quốc cũng viết với những lời lịch sự như ta vừa thấy. Trong khi ấy, thì bốn tên văn nghệ sĩ Khuất Duy, Dương Hùng, Trần Ngọc Thự, Hoàng Hải cùng được xe bông công an thành Hồ đến tận nhà rước đi trong một đêm với ông Đoàn Quốc bị diễn tả như những tên lưu manh, láu cá, đá cá lăn dưa hết sức tồi tệ. Khốn nạn nhất là anh cu Hoàng Hải. Anh này không những bị chửi về đời tư bê bối mà thôi, bọn bắt giam và viết về anh còn lôi cả ông ngoại anh vào những trang NTBKCB.
Tác phẩm Dấu Chân Cát Xóa của Doãn Quốc Sĩ đã được ấn hành ở hải ngoại. Tháng Năm 1995 anh chị Doãn Quốc Sĩ đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Trong sáu niên tù đầy lần thứ hai tôi ở chung phòng với Trí Siêu Lê Mạnh Thát năm năm, chung phòng với Doãn Quốc Sĩ hai năm. Không một lần nào chúng tôi hẹn nhau, dù chỉ là hẹn đùa cho dzui: "Chúng ta sẽ gặp nhau ở Mỹ…". Dzậy mà… định mệnh an bài… Nàm thao em piết….!
Tôi không hay đọc tác phẩm của người viết cùng thời. Trước năm 1975, tôi chỉ đọc những quyển "Tình cao thượng, Mối tình mầu hoa đào, Hòa bình, nghĩ gì, làm gì?" của Nguyễn Mạnh Côn, Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng. Những ngày u buồn trống rỗng, đen tối khủng khiếp sau Ba Mươi tháng Tư 75 quẩn quanh trong căn nhà nhỏ, không có việc gì làm, không biết đi đâu, tôi lấy sách cũ ra đọc. Vớ được quyển "Sầu Mây" của Doãn Quốc Sĩ trong tủ sách, tôi nằm đọc "Sầu Mây".
Năm 1981, anh Sĩ từ trại cải tạo Gia Trung Pleiku-Kontum trở về. Tôi gặp lại anh ở nhà anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Tôi nói với anh:
- Trong "Sầu Mây" cái đoạn nhân vật chính, anh chàng gì đó, sang Mỹ du học, làm tình với em đầm Mỹ, anh tả: "Lúc ấy chàng cảm thấy như nước tình yêu chan hòa trên mặt các lãnh tụ của cả hai miền Nam Bắc…" Tôi thấy hơi quá đáng. Hai nữa, theo tôi nghĩ, thằng đàn ông nào đến giây phút ấy còn bị ám ảnh về chuyện chính trị thì đó là tên khổ sở nhất đời.
Nhà mô phạm tả chuyện đàn ông, đàn bà làm tình rạo rực, rộn rịp mê ly đâu có kém gì những nhà văn nữ. Bằng chứng như ta đã thấy. Công an Việt cộng khi trích "Dấu chân cát xóa" đã bỏ qua những đoạn có tư tưởng chính trị để trích đoạn nhân vật Chương trở lại Springfield, Illinois, với đầm Mỹ Martha. Anh Con Trai Bà Cả Đọi xin chiếu lại hầu quý vị đoạn phim này:
Martha! Martha. Bên kia bờ sông có tiếng vọng lại "Martha! Martha". Con sông tâm tưởng. Chương lúc đó đang ngồi ngửa mặt nhắm mắt lười biếng trên chuyến xe buýt liên tiểu bang - Con sông xuân tràn đầy chảy lênh láng, màu nước biên biếc như tóc mềm (tóc Martha) gặp gió xõa trên bờ vai. Chương biến thành gió, luồn tay vào mái tóc đó, bàn tay vô hình mơn man êm dịu… Springfield - cánh đồng mùa xuân - thủ phủ của Illinois thật hữu tình và có tính cách tiền định. Đến Springfield để trả món nợ tình… Thời gian, không gian giờ đây là của hai người. Chương nghiêng đầu sát tới nói thầm bên tai Martha:
- The closer I get, the better you look.
Chàng có một cữ chỉ "nhào đại", muốn hôn lên miệng Martha…
- A… a...a… a…
Chương tìm lại hương vị thơm đắng của cà phê trên môi Martha, một bàn tay Chương xoa lên bờ vai rồi vòm ngực tròn trịa của nàng
- Về nhà đã Chương, Martha van vỉ.
Chương lắc đầu giữ chặt lấy nàng, không đáp. Martha cảm thấy những ánh sao lóe sáng rụng lả tả… rụng lả tả trên khắp vùng da thịt…
Năm 1970 Nhật báo Sống của anh Chu Tử đang ở giữa thời kỳ phồn vinh nhất trong cuộc sống ngắn ngủi của nó. Năm ấy ngoài truyện võ hiệp Kim Dung như các báo khác, Sống đăng truyện dài nơi trang trong của Nguyễn Thụy Long, Hoàng Ly, Anh Hợp, Hoàng Hải Thủy. Báo Sống bán được có tiền, anh Chu Tử tăng cường hai cây bút nặng ký: Nguyễn Mạnh Côn và Bùi Giáng.
Anh Côn viết loạt bài không hẳn là khảo luận, không ra luận thuyết mà cũng không phải là tiểu thuyết, dưới cái tên long trọng là "Tuyên ngôn của Tình Yêu và Ánh Sáng". Anh Bùi Giáng viết tiểu thuyết võ hiệp. Anh Chu Tử có cái hay là khi anh đã nhờ ai viết cho báo anh thì người đó hoàn toàn tự do muốn viết gì thì viết, anh không bao giờ can thiệp vào việc viết của anh em. Thi sĩ Lá Hoa Cồn, người có câu thơ bất hủ tả trong một đêm mà "… Cồn lê lên miệng đến ba bốn lần" - Một hai lần chắc còn ngắc ngoải được, một đêm mà đến ba bốn lần chắc chết - người từng dịch "Antoine et Cléopatre" ra "Sương Tì Hải", viết tiểu thuyết võ hiệp không giống ai, anh dùng rất nhiều tiếng "tồn liên, liên tồn" trong truyện. Kể cả bọn tôi, bọn thợ viết, đọc truyện anh đăng trên báo Sống cũng chịu không biết anh tả chuyện gì, nhân vật nói với nhau lời gì, ân oán ra sao.
Tôi có dịp gần anh Nguyễn Mạnh Côn khá nhiều. Trong số những người trẻ từng gần anh Côn như Nguyễn Đình Toàn, Trần Dạ Từ, Duyên Anh chỉ có tôi là người cùng đăng lính Cô Ba với anh Côn. Tôi dám nói chắc mà không sợ mấy ổng kiện là những ông văn nghệ sĩ lớn như các ông Nguyễn Mạnh Côn, Bùi Giáng, Chu Tử, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, kể cả hai ông thi sĩ mần thơ Tình Yêu vi vút nhất là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng… đều là những ông đàn ông ít biết về đàn bà nhất và biết ít đàn bà nhất.. Xin nói rõ: biết ít đàn bà nhất. Ông nào cũng vừa mới mười chín, đôi mươi là có vợ hiền, suốt đời cơm nhà, quà vợ. Dzậy mà kể cũng lạ và cũng hay: các ông vẫn viết về tình yêu và đàn bà loạn cào cào.
Tôi chịu khó đọc những bài "Tuyên ngôn vềTình Yêu và Ánh Sáng" của anh Côn đăng trên báo Sống. Một sáng tôi gặp anh đến tòa báo, tôi bảo anh:
- Ông ơi…Ông làm ơn viết "Tình Yêu Ánh sáng" cẩn thận giùm con một tí…
Đa số người viết thích thú khi gặp người đọc mình - khen càng tốt, chê, chỉ trích cũng được. Miễn là có đọc mình - chê đúng thì nghe, bậy bạ bỏ qua - Anh Côn tỏ ra hào hứng nghe tôi phê bình những gì anh viết. Muốn phê phán văn anh ngoài việc đọc anh người phê còn phải có công lực kha khá. Trong bài Nguyễn Xuân Hoàng phỏng vấn anh Côn đăng trong Nhật báo Công Luận - khoảng năm 1968-69 - anh Côn có nói: "Trong số những người trẻ tôi vẫn mến và cho là viết được, tôi không ngờ Hoàng Hải Thủy lại là người đọc tôi kỹ nhất…"
Khi nghe tôi nói câu trên về "Tình Yêu và Ánh Sáng" tại xe cà phê-nước ngọt trên vỉa hè trước cửa tòa soạn báo Sống - Nhà in Tường Anh đường Gia Long - Anh Côn hỏi tôi:
- Chuyện gì thế?
- Ông đưa ra mấy cái đền gì đó ở Ấn Độ có cả mấy trăm bức tượng nam nữ mần tình đủ kiểu, ông kết luận: "Tại dân Ấn biết cách làm tình nên họ thông minh!" Ông viết thế là thế nào? Tại vì họ biết làm tình nhiều kiểu cho khoái lạc nên họ thông minh hay vì họ thông minh nên họ biết cách làm tình? Ông viết như thế bọn trẻ nó đọc ông, nó sẽ thấy muốn thông minh nó phải làm tình thật nhiều, làm đủ kiểu. Làm tình như thế nó sẽ trở thành thằng điếm đực chứ không thể trở thành người thông minh.
Anh cười:
- Được rồi. Ông nói thế tôi cũng biết thế. Tôi không nhớ tôi có viết đúng như ông nói hay tôi viết khác. Tôi về đọc lại rồi sẽ nói chuyện với ông….
Tôi định nói: "Cả đời anh chỉ biết có mỗi một người đàn bà thôi mà anh cứ viết bừa tăng tít về đàn bà…" nhưng sợ câu đó quá hỗn, tôi nói một câu nhẹ hơn:
- Anh chẳng biết đ.. là cái gì mà anh cứ viết loạn cào cào về đ…
Sáng nay, một buổi sáng hai mươi sáu mùa lá rụng sau buổi sáng năm 1970 tôi gặp anh Côn ở trước cửa tòa soạn báo Sống, ngồi viết ở Rừng Phong lòng vòng Hoa Thịnh Đốn, tôi thấy hiện lên trong tôi ánh mắt sau làn kính cận và miệng cười vui của anh Nguyễn Mạnh Côn. Rồi tôi thấy hiện lên hình ảnh của anh trong Nhà Giam Số 4 Phan đăng Lưu năm 1977: buổi sáng chủ nhật, khoảng 10 giờ, cai tù mở cửa phòng cho tù nhân ra sân ngồi phơi nắng chừng nửa tiếng. Từ sà-lim nhìn ra qua ô cửa gió tôi thấy anh Côn ngồi bên lối đi, anh bận bộ đồ ngủ nâu. Đó là hình ảnh cuối cùng của anh trong ký ức tôi. Vài ngày sau anh Côn bị đưa lên trại cải tạo Xuyên Mộc và anh chết ở đó.
Những Tên Biệt Kích Cầm Bút Những Tên Biệt Kích Cầm Bút - Hoàng Hải Thủy Những Tên Biệt Kích Cầm Bút