Giá trị thật của một người không phải ở chỗ cách anh ta xử sự lúc đang thoải mái và hưởng thụ, mà là ở chỗ lúc anh ta đối mặt với những khó khăn và thử thách.

Martin Luther King Jr.

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
ấy người đội tu sửa quần áo lao động lỗ chỗ vôi cát vừa đến. Tổ này làm ở phố trên xong, xuống tìm trưởng ban đại biểu. Tháng trước phố gọi chữa một quãng lối vào lấy vệ sinh các hố hai ngăn cửa sau gạch bị nát. Những xô xi–măng được bỏ xuống từ cái xe ba bánh đỗ đầu đường.
Một người nhòm vào nhà.
– Ông trưởng ban ơi, chúng tôi đến chữa đường phố ta. Đồng chí...
Bài bước ra, thì thào:
– Lúc khác nhé... Ông vừa...
Người công nhân nhìn vào thấy bác Tặng nhợt nhạt, ngồi thõng hai chân.
Ở bãi Giữa về từ nãy, bác Tặng chỉ lặng yên, chốc lại lẩm bẩm một mình:
– Không còn gì cả, không...
Ngồi quanh bác, có Bài và mấy người dân phòng, cùng lặng im.
Mọi người vẫn đội mũ sắt. Bây giờ ai cũng mũ sắt cả ngày như thế đi làm, có khi ra đầu đường mua quả cà chua, mớ rau cải. Báo động lắt nhắt ngày đêm, cứ bỏ ra lại đội vào, chi bằng đội luôn.
Mặt bác Tặng bợt trắng, hai bọng mắt trũng xuống. Bác thở dài, nhìn đâu, như không thấy xung quanh. Ai hỏi cũng thủng thẳng nói một câu: không, không còn gì.
Bài gọi khẽ:
– Đồng chí Tặng!
Bác Tặng như không nghe tiếng.
– Đồng chí cần nghỉ ngơi vài hôm.
Bác Tặng ngơ ngác:
– Sao kia?
– Về chỗ sơ tán nghỉ.
– Tôi vẫn khỏe.
Bài nói:
– Có nghỉ ngơi, có chiến đấu, thế mới lâu dài được. Đồng chí nên nghe tôi.
Bài ra cửa, nhấc xe đạp, phóng đi.
Ra ngã năm, gặp ngay xích lô bác Vạn về.
Bài gọi:
– Bác Vạn, bác Vạn, có công tác đặc biệt.
– Công tác gì?
– Về sơ tán.
– Bà xã nhà tớ cứ việc bình yên ở trong ấy với lũ nhóc. Ngoài này việc bộn đầu, chưa về được.
– Không, có công tác gấp về chỗ sơ tán.
– Cái gì thế?
– Tình hình bác Tặng căng lắm. Ở đây quỵ mất. Phải đưa bác về sơ tán. Biết hai bà cháu cô Nhiên chết cả dưới bãi Giữa chưa?
– Biết rồi.
Xích lô bác Vạn đỗ phịch ngoài hè. Mấy hôm nay, tình hình ác liệt, vất vả thế mà trông bác Vạn như càng hùng dũng lên. Bộ ria ngạnh trê, thức đêm tợn, đen kịt, lủa tủa dài hoắt. Khu đội mới phát mũ sắt cho cả tổ xích lô tải thương. Vành mũ sắt khum khum, sơn xanh lá cây bóng nhẫy. Khuôn mặt râu ria tối ngòm ngước lên, dữ dội. Nhưng những câu nghêu ngao pha trò của bác lại làm vẻ hắc thời chiến hóa ra hiền lành, - bác ghếch xe lên đầu phố, trẻ con lễ phép đến chào rồi cứ tự nhiên, mỗi đứa vuốt ria bác một cái, bác cũng để yên.
Bác Vạn bô bô:
– Nào bác Tặng, ta đi thôi.
Bác Tặng ngẩng lên, hỏi:
– Đi đâu?
– Cứ lên đây cái đã.
Bác Tặng tự thấy tỉnh táo. Bác vẫn nhớ lúc ấy, máy bay còn gầm rú trên đầu. Có người chạy qua, kêu to:
– Nó ném bom bãi Giữa rồi.
Bác Tặng giật mình, tức khắc thấy trợn trong người. Bác Tặng trèo lên khỏi hố cá nhân, quay đầu lại bảo Bài: “Tôi xuống xem thế nào...” rồi cứ thế chạy. Các công an trật tự thấy người hớt hải qua, không biết thế nào, nhưng cũng không cản. Đã gặp nhiều trường hợp chạy về nhà đương bị bom, không thể giữ lại được.
Bác Tặng xuống thẳng bãi Giữa đương vàng khè bụi cát và khói cháy nhà.
Bác vào xóm, đến nhà Nhiên. Không thấy xóm, không thấy nhà đâu. Những lũy tre đã chìm nghỉm xuống dòng nước. Hàng cây cau táp lửa, hoe đỏ như bó đuốc cháy dở. Những hố bom lỗ chỗ miệng phễu, đất còn đương rơi rào rào. Tan hoang, trống trơ, không còn một cây chuối, một bờ rào.
Bác Tặng tìm quanh, không thể nhìn ra nhà Nhiên. Nhưng trong mười mấy người chết đương được dân phòng khiêng ra đầu xóm, bác Tặng đã trông thấy bà cháu Nhiên, hai cái xác lấm như vùi. Bác Tặng theo đến chỗ bãi cỏ đặt xác, những chiếu phủ đã để sẵn đấy. Một ô tô tải thương, tải xác người lên giữa cầu Long Biên không bóng người, đỗ tại chỗ chẽ cầu nhánh xuống bãi.
Bác Tặng thẫn thờ bước ra theo bờ cát bên mép nước.
– Đồng chí Tặng đi đâu?
Bài vẫn chạy theo bác Tặng từ lúc nào. Bài nắm cánh tay bác Tặng. Bác Tặng nói:
– Tôi đến chỗ cháu Việt.
– Bác đi tìm anh Bảng hả?
– Tôi đi tìm cả Việt, cả Bảng. Các con ơi! Nó giết mất bốn người nhà ta rồi, Bảng ơi!
Đôi mắt bác úa héo bỗng sáng rực, thảng thốt. Bài khoác cánh tay dìu bác đi.
– Đưa tôi đi đâu?
– Tôi là người đã vượt Trường Sơn thì đi đâu cũng được. Bác nhận ra tôi rồi chứ, Bài thương binh chiến trường về trưởng ban bảo vệ đây. Bác đi với tôi.
Bác Tặng lặng lẽ theo tay Bài kéo về nhà trên phố.
Bác vẫn thấy mình nhớ đủ mọi điều. Nhưng anh Bài đã bảo thế, bác đi. Bác cầm cái mũ sắt vừa để xuống giường rồi bác nhấc túi treo ở tường trong, như mọi khi.
Nhưng vừa ngồi xuống xích lô lọt thỏm vào cái thùng xe, người bỗng rũ ra, sụm xuống. Hai tay không nhấc lên nổi, tưởng không còn bao giờ đứng dậy được.
Như lo bác Tặng mệt quá, lử đi hay thế nào, cứ vừa đạp, chốc bác Vạn lại cúi xuống hỏi:
– Cụ Tặng thấy gì không?
– Tôi biết rồi.
– Những thằng bọ chó chỉ vo ve, mùi mẽ gì, phải không cụ? Thế nào, đã thấy người kha khá chưa?
– Tôi có sao đâu. Ông bảo vệ ra lệnh thì mình chấp hành thôi.
– Thế a? Cụ nghĩ phải. Bây giờ, bao nhiêu cái buồn, cứ đem công việc lấp bằng tất. Hôm nay tuyển quân đấy.
Bác Tặng cười, nhệch nhạc như gượng:
– Mình chẳng buồn đâu.
– Phải, phải.
Bác Vạn cười khớ khớ, lại đạp dấn. Bác đoán mà đúng. Hôm nay, thành phố tuyển quân.
Đoàn ô tô Thống Nhất đã phủ kín rơm lại buộc vào cành tre cành ruối như chui bụi cây ra lừng lững giữa đường, bên trong vang nhộn cả cái xe hát.
– Mày giã ông, ông ra quân, xem rồi ai được ai...
Bác Tặng nói:
– Sắp đến quán bia, ông Vạn có làm một vại thì xuống. Tôi vẫn nhớ đấy chứ.
– Ái chà, chạy bom mà bia kề miệng thế này thì muôn năm lắm nhỉ.
Vừa hôm trước chỉ có quán bia mậu dịch, giờ chỗ cửa chùa đã thêm cái ghế và chiếc hòm vuông của bác cắt tóc. Trong tam quan, quầy bánh mì, hai thúng trứng vịt trắng lôm lốp.
Đường tấp nập hơn lúc trưa. Trong cót quầy, ngụy trang mấy cành cúc tần, quán bia cũng như bụi cây, hai cô mậu dịch ngồi trong. Thùng bia lổng chổng - những thùng sáu mươi lít đã cạn vứt chồng đống bên gốc muỗm.
Bác Tặng uống một ngụm, mặt tần ngần, hai dòng nước mắt bỗng rỏ xuống cốc bia.
Bác Vạn nhìn, ái ngại:
– Tôi thấy cũng chẳng nên quá nghĩ.
Bác Tặng nói:
– Mới hôm nào, đi qua đây, tôi mua bi đông bia về cho thằng Tuyển. Bây giờ cầm cốc bia mà thương.
Bác Vạn định nói, lại thôi. Nếu nói, bác Vạn cũng khóc mất. Cảnh sân bệnh viện Xanh Pôn sáng sớm hôm đó.
Bác Tặng trầm ngâm:
– Bác Vạn ạ, tôi mà buồn thì tôi chết từ lâu rồi. Tôi không buồn.
Một tiếng nổ với làn khói trắng tên lửa từ đầu bụi tre ngoằn lên. Một chấm đen sì khói rơi xụp xuống.
Cả cánh đồng và đường cái nhộn lên.
– Thằng không người lái rơi rồi.
Bác Tặng nói:
– Đấy, có buồn cũng không đủ thì giờ.
Hai người ra trả cốc rồi đi.
Đã thấy xa xa cái cầu xi măng cạnh gốc cây muỗm vào làng Nha.
Cánh đồng cao gặt xong rồi đương làm mùa, loang lổ, mỗi miếng một khác nhau. Khoảng ruộng huệ đã cắt để tối đưa vào thành phố, hoa huệ xếp bên bờ như những ôm rạ. Những xứ đồng sâu, bắt đầu khoanh vùng trồng khoai tây, khoai lên xanh nõn. Đầm nước mùa cạn, tỏa mùi thơm thoảng của lá và cẳng sen già. Luống đậu hà lan xanh phấn, ruộng cà chua hồng quả tròn chín đỏ phơn phớt cạnh thửa ruộng mới cày vỡ, má đất lật nghiêng còn nhẵn bóng. Luống cày và những cánh đồng màu, mùi ngây ngất của đất mới, hoa quả và mầm cây bao quanh làng.
Sương nhẹ đọng trong chân tre dần dần mờ loang, chẳng mấy lúc cánh đồng và làng mạc đã đọng sương và lặng im.
Xích lô bác Vạn rời đường nhựa xuống dốc đá vào làng, chen giữa hai hàng phi lao, mảng sương tạt qua, vướng lại, khe lá phi lao lâm tâm càng xanh sẫm.
Tiếng máy bay hốt nhiên ào đến. Bác Vạn nghênh tai lên nghe rồi tặc lưỡi: “Có tài thánh mày cũng không trông thấy ông”, rồi lại lạch xạch đạp. Dưới đồng tấp nập người bắt đầu đi làm đêm và người đi trong làn sương dâng, tiếng máy bay vùng vằng khắp trời. Rồi bom trút đỏ ối xuống. Ai cũng ngỡ bom rơi đúng chỗ mình. Bác Vạn núp xe vào gốc phi lao. Bom gần quá, nổ đành đành. Gió bom tạt rát mặt, hất cái xe và hai người vập vào cây.
Bác Vạn nghển đầu, hỏi:
– Nó ném chỗ ô tô ra đa rồi, phải không?
Bác Tặng nói nhỏ:
– Tên lửa chỗ ấy. Hôm nọ trời hửng tôi nhìn rõ mũi tên lửa ngóc lên.
Lại một đợt bom vào vòm sương. Hai người ngồi bên gốc cây, kéo mũ sắt xuống úp lên mặt.
Nghe oàng một tiếng trên đầu, bác Vạn reo to:
– Rơi rồi. Kia kìa.
Trên cao, một đám lửa bùng đỏ rờn. Tiếng gầm rú bỗng chìm đi đâu. Cánh đồng, màn sương và cục lửa rùng rợn, im phăng phắc.
Bác Vạn đứng dậy:
– Bác lên xe nào, lên. Nó phải tên lửa ta rồi. Đấy, đã nghe tiếng gọi nhau đi bắt dù.
Tiếng người ơi ới thật. Rồi tiếng trống, tiếng kẻng, rung cả khoảng không mù mịt. Đằng kia, tiếng tù và rúc. Những tiếng la dồn về phía cục lửa cháy lơ lửng.
Xe bác Vạn đã vào tới đầu làng, qua cạnh những hố bom hơi nóng khét lẹt. Nhiều người chạy ra, hỏi: “Có gì ngoài ấy? Có gì ngoài ấy không?”. Rồi gậy, câu liêm chạy đi. Chưa trông thấy dù trắng, dù đỏ rơi đâu - mà sương nhiều thế này cũng không thấy được. Nhưng cứ đoán máy bay cháy, tất có giặc lái nhảy dù. Mấy đứa trẻ nhanh thế, đã luồn ở đâu về, ôm lôi thôi những bọc nhiễu sáng óng ánh. Nhiều bà đứng trong bờ giếng đất, kêu: “Giời ôi, lũ quỷ rước cái phải gió này về làm gì. Nó mà nhét thuốc độc, lựu đạn trong ấy thì chúng bay chết mất ngáp. Có vứt đi không”.
Người đổ ra đồng càng đông. Tiếng tù và, tiếng trống ngũ liên thúc liên miên. Tiếng tù và sôi lên trong bóng tối nhập nhoạng.
Người ra đồng nhiều thế, nhưng trong sân nhà cụ Ngạn vẫn đỏ những cái đèn chai và lố nhố người. Xe bác Vạn vào tận cổng ngăn.
Nghe tiếng lạch cạch, nhiều người ồ ra, hét: “Đây rồi! Đây rồi!” Nhưng những tiếng rộ lên: không phải, không phải. Cụ Ngạn giơ hai tay bắt tay cả bác Tặng, bác Vạn.
– Rõ mắt hoáng. Chúng nó tưởng được thằng giặc lái gô lên xe cải tiến kéo về. Mời hai cụ vào nhà. Sao về tối thế? Ngoài ấy thế nào? Vất vả quá.
Trong sân tối nhá nhem, mấy chị quẩy đến từng gánh, mới trông tưởng gông cỏ, nhưng lại là những gánh giẻ. Bóng đèn tù mù ánh lên đống giẻ rách to như đống rạ.
Làng này ít ruộng, nên thạo nhiều nghề phụ. Những nghề rèn, nghề dệt sồi lâu đời. Bây giờ, xe đạp, xe cải tiến, hiệu may, cắt tóc, thầy cô giáo cấp 1 lương theo điểm, trẻ trong làng đi học tổ sản xuất trả tiền giấy bút. Những nghề phụ linh tinh, mà ra tiền. Xe thồ cải tiến nhà nào cũng có một cái để đầu hồi. Xe cải tiến như người thêm chân thêm tay, không chỉ việc đồng, mà được việc cả các nghề phụ: lò rèn, lò gạch, dệt sồi, làm đậu phụ, trồng hương nhu, nuôi ong, thêu ren xuất khẩu, mấy năm nay, thêm việc đi mua giẻ rách và quần áo cũ. Quân đội thu mua làm cái lau nòng súng.
Giẻ rách giặt sạch, chọn ra cái đen, cái trắng, cái nâu, lấy ván đè đá nén từng kiện. Hậu cần về bắc cân lên, mọi quí đều bán vượt hợp đồng, năm nào cũng được tiền thưởng của trạm thu mua.
Đống giẻ sạch được buộc dây chuối khô thành từng kiện tròn như khúc gỗ, xếp một góc sân. Bốn bà khuân hàng lên mã cân, đến tạ ấy sau cùng, đã cao ngang giọt tranh.
Một bà nói:
– May quá, nhờ ông xích lô chở nốt cho mấy kiện.
– Phải đấy.
Bác Vạn hỏi to:
– Phải là thế nào?
– Tối nay giao hàng cho trạm, hàng quân đội không bỡn đâu. Thế mà ông “hợp” điều tiệt xe đi mua mạ, mua cần giống rồi.
Bác Vạn mở mũ sắt, quen tay quạt vào mặt rồi đủng đỉnh:
– Tôi về công tác, kết hợp thăm bà xã, không còn sức lai nổi một đống tổ bố kia đâu.
Cụ Ngạn bảo hai người:
– Mặc kệ họ. Mời hai cụ vào đây làm một chén cho ấm. Thằng mắt cùi nhãn! Ta đút đầu nó vào bẫy đấy, các cụ ạ.
– Cụ bảo sao ạ?
– Tên lửa giả, tên lửa cây chuối ấy mà. Thằng không người lái mấy hôm nay xèn xẹt xuống chụp ảnh. Quả nhiên rồi bố nó dẫn xác đến. Thế là tong đời.
– Bí mật quân sự mà cụ biết rõ thế?
– Bí mật với địch chứ ai bí mật được với ta. Cả làng này đi đắp ụ làm bệ rồi lại đẵn bao nhiêu cây chuối, bóc bẹ trắng lôm lốp làm giả tên lửa.
– Rồi chỗ khác phóng tên lửa thật lên.
– Thế, thế!
Bác Tặng thở khượt một cái: à ra vậy! Rồi bác hỏi:
– Cháu nó đi chơi với các anh rồi hẳn, thưa cụ?
– Nháo lên từ lúc máy bay rơi. Trẻ con chỉ thích theo người lớn bắt giặc lái để xin cái phao xanh đỏ, cái lưỡi câu.
Hai người đã ngồi vào trước bếp lò rèn, bác Vạn còn vướng mấy bà đương co kéo nằn nèo đi hộ một chuyến. Mâm cơm đương ăn dở, chỉ có bát dưa cải muối và cái chén. Cụ Ngạn bày thêm hai chén, xách vò rượu ra, mỏ nút lá chuối.
– Cháu ngoan lắm. Kéo cưa với anh Còi, Còi đi học lại ra ao rũ giẻ với mẹ Còi. Chịu làm đấy.
Tiếng ồn ào rầm rầm đầu làng. Người chạy qua xóm kêu choang choác: bắt được thằng nhảy dù còn sống nguyên, đã khiêng về đầu cầu nông giang rồi.
Thế là nháo cả ra. Cụ Ngạn đặt vò xuống, nói bực tức một cách thú vị: “Lại phải ra xem sao nào. Bữa ăn cũng không xong!” Bước ra, cụ cẩn thận khép cái liếp, quát vu vơ: “Cấm đứa nào đi mà còn để đèn lửa ở nhà. Nó trở lại thì chết sặc gạch đấy”.
Mấy bà vừa bíu bác Vạn nhờ chở hàng cũng bỏ ra ngoài ấy cả. Bác Vạn đã quên đùa dai “tôi còn về với bà xã”, đã phốc lên xe. Cái xích lô kêu xộc xộc không đủ cho người ta thèm tránh, bác phải quát ếp! ếp! rống lên.
Ánh điện thành phố đằng xa hắt lên, sáng mờ. Đôi chốc, đèn pin loáng vào với tiếng ồn ồn, bên kia cầu.
Đồng chí xã đội, nói chõ vào cái loa sắt:
– Thưa đồng bào, a lô... a lô... Một giặc lái nhảy dù rơi xuống ruộng huệ xứ đồng Cõi. Không biết nó sái chân, nó gãy chân hay nó sợ rúm khoeo không đi được, chúng tôi đã khiêng nó về đây. Yêu cầu đồng bào hoan hô!
Tiếng hò hét, tiếng vỗ tay rồm rộp.
– Bây giờ yêu cầu giải tán để chúng tôi đem giặc lái lên huyện.
Người vẫn nhao nhao:
– Cho xem cái mặt nó một tý.
– Đề nghị xã đội...
Luồng ánh đèn pin soi vào. Vòng người đứng trong reo à à, càng làm bên ngoài xôn xao.
– Chẳng thấy gì cả.
– Cái mặt nó phôm phốp ra đấy thôi.
– Đâu đâu...
– Việc gì phải đâu đâu. Mặt nó phôm phốp trắng như cái bẹn bà ấy mà. Cứ vén quần lên mà xem cũng thế.
– Phải gió cái nhà này!
Cụ Ngạn nói với bác Tặng một câu gì rồi hai người ra trèo lên xe xích lô. Bác Vạn hô to:
– Ếp! Ếp! A lo... A lo... Xe cứu thương đến! Cứu thương!
Bác Vạn lắc loạn cái nắp chuông kính côông... kính côông... Người lập tức giãn hai bên. Bác Vạn đạp mấy cái, xe đã băng qua cầu tới thẳng chỗ xã đội trưởng.
Tiếng cụ Ngạn quát giữa đám đông chen chúc:
– Xã đội này, để cái thằng tàu bay ấy lên xích lô đi cho nhanh. Chứ nó mà ngồi xe cải tiến như thằng hôm nọ thì khỏe hẳn hoi đấy mà lên đến huyện nó cũng ngất mẹ nó đi rồi, mình lại bị phê bình. Huống hồ thằng này bị sái cẳng, có phải không.
– Vâng ạ, vâng ạ.
Cụ Ngạn quay lại hỏi bác Vạn:
– Cụ xế lô bằng lòng chứ?
Bác Vạn ngồi trên yên xe, giơ hai tay:
– Các cụ yên trí.
– Lên đến huyện đội có năm ki-lô-mét.
– Đạp đến sáng, tôi cũng cân. Chỉ yêu cầu một việc.
– Việc thế nào?
– Bấm một phát cho tớ nhìn cái mặt nó.
Ánh pin lóe lên. Mọi người lại cười rầm rầm.
Thằng giặc, đương nhắm mắt, tự dưng mở thao láo. Bộ quần áo bay đã bị dân quân lột ra - theo đúng bài động tác bắt giặc lái. Cái mũ lưỡi trai đỏ, in chữ Guam 72, một người vừa ném vào đống dù, quần áo bay và dây dợ bùng nhùng bên cạnh.
Cả người và mọi thứ ấy được bốc lên xích lô.
Cái xe qua giữa đám người hò hét, cười nói nhao nhao, cứ giãn ra lại xô vào. Xã đội trưởng ngất ngưởng ngồi trên đống dù và áo bay, tay giơ khẩu súng trường, tay giữ cái thừng, hai chân doạng ra cho tù binh ngồi dưới tựa lưng vào thùng xe.
Một bà cười hí hí:
– Làng nước xem kìa, xã đội làng ta vênh chưa, mấy đời được cưỡi đầu cưỡi cổ đế quốc thế kia.
Tiếng cười lại ồn, giữa những tiếng hét tiếng chuông kính côông: Giãn! Giãn! Ếp! A lô! A lô! Xe tù binh, xe...
Bác Vạn hét vào đám đông bên cầu:
– Đồng chí Tặng nói hộ bà xã nhà em là em bận công tác khẩn nhé.
Rồi lại nói cười tưng bừng:
– Thằng này nặng bằng ba thùng bia, đúng trăm tám ký. Nghe ngữ chân đạp tôi biết. Khớ khớ khớ...
Chuỗi cười của bác Vạn ra tận giữa cánh đồng.
Ba bốn người trong ban xã đội không ai kịp về lấy mượn xe đạp, cứ thế chạy đuổi theo xích lô.
Một chốc, đầu làng chỉ còn sương mờ.
Cụ Ngạn và bác Tặng về đến ngõ, thấy phía xa lại đỏ một quầng lửa. Những tràng đạn nối nhau tuôn lửa lên, một lát mới nghe tiếng nổ.
Cụ nói:
– Lại chỗ cầu Giẽ. Đây còn nghe tiếng tàu hỏa nửa đêm qua cầu Giẽ mà. Cái cầu Giẽ này cũng như mả bố nó, hôm nào nó cũng phải đến bom vài trận, nó về mới yên được. Người ta bảo cầu Giẽ nện máy bay cũng như cầu Hàm Rồng trong Thanh cụ biết rồi chứ?
– Vâng ạ.
– Bây giờ lại sắp đến giờ nó giọt vào Hà Nội đây. Gầm gào suốt đêm. Ngoài ấy tinh thần lắm, phải không cụ? Chỗ phố cụ có thiệt hại mất mát gì không?
Bác Tặng lặng im.
– Mời cụ ta về. Mẻ rượu này tôi mới cất, hay lẵm. Ồi, một bữa mà ba lần nhấp nhổm, thế có bực không?
Sân nhà đã quang người. Những kiện giẻ rách được khuân đi từ lúc nào. Không biết các bà đã làm cách nào.
Cụ Ngạn mở cửa liếp. Còi với Nam ngồi cạnh bễ, đã lại hí húi nướng khoai.
Nam gọi to:
– Ông!
Rồi chạy lại, ôm áo ông, khóc oà. Nó khóc vì nhớ ông quá, lại thấy ông.
Mắt ông thì nhòe đi. Mới từ ban trưa, đã biết bao đau đớn dồn lại, giờ bỗng nhiên nghe tiếng nói và nước mắt đứa trẻ thơ ông đau quặn trong ngực.
Nhưng, bác Tặng quay mặt đi, cười gượng: khói bếp cay cay là. - Than không có khói mà. - Có lẽ tôi chưa quen, cụ ạ.
Rồi bắc Tặng hỏi ngay Nam sang chuyện khác:
– Cháu biết bác Vạn gái sơ tán nhà ai không?
– Ông đến bảo như lúc nãy bác Vạn nói ấy à?
– Cháu cũng xem thấy thằng giặc lái lúc ấy hả?
Nam cười:
– Thế thì bác Vạn gái biết rồi.
– Sao cháu biết?
– Bác Vạn cũng đứng xem đấy.
Cụ Ngạn ồi ồi nói:
– Thôi, dẹp. Nướng khoai à? Ừ, nướng nốt đi. Bảo mẹ mày lấy cho ông bốn quả trứng.
Bác Tặng cười:
– Gì mà nhiều thế, cụ!
– Ăn mừng, ăn mừng. Mời cụ nhấp thử. Từ thuở còn trẻ tới giờ, tôi chỉ uống cái tôi nấu thôi. Không có thì nhịn, tôi sợ mùi rượu chợ. Nói lỗi phép cụ, đi cỗ bàn nhà ai tôi cũng phải mang rượu nhà đi.
Tuy vậy, cụ Ngạn vẫn chưa yên tâm, cụ vẫn bảo cháu đưa đến nhà bác Vạn gái ở. Rồi về ngay, bác Vạn gái biết rồi thật.
Ở nhà đã luộc xong trứng. Hai ông ngồi bên bễ lửa. Một trời sao rờ rỡ, long lanh ngoài khe liếp. Đêm mùa đông trong vắt, ánh rợn sắc, càng khô buốt.
– Ta làm gọn rồi nằm ngủ ngay đây ấm chẳng khác lồng ấp của các cố ngày xưa. Mời cụ nhấp. Nó lại sắp đến quấy mình bây giờ.
Ngay lúc ấy, từ cuối cánh đồng, một phát tên lửa đỏ lừ thuốn lên vòm trời rung rinh cả dàn sao. Tiếng máy bay rền rĩ, lạnh lùng, ghê rợn - lại như mọi đêm.
Các xóm cứ sốt ruột cho Hà Nội - mặc dầu mới ban chiều máy bay vừa ném bom ngay làng mình, mọi người lại kéo ra đầu ngõ nhìn về thành phố. Tiếng máy bay đương dấn tới, mỗi lúc một rõ, vang động cả bốn phía. Rồi, trong chớp mắt, suốt chân trời, một vệt lửa nổi kéo dài. Tiếng bom rơi đùng đùng suốt bên này sang bên kia.
Cụ Ngạn nói:
– Nó ném về phía này.
– Phía nào ạ?
– Có khi là Hồ Tây. Gần lắm. Gió bom thổi qua mặt ta đây này. Ở đây, trông lửa bom, ngửi gió bom, đoán đúng cả. Cái đêm nó ném Khâm Thiên, chúng tôi bảo đích ga Hàng Cỏ. Khâm Thiên hay ga Hàng Cỏ thì cùng một đống ấy thôi.
Cái gió bom quái ác rởn da gà, hầm hập trải dài qua đồng. Đợt máy bay nữa tới, lại thấy lửa rắc, lại gió nóng tạt vào mặt cùng tiếng bom giựt dưới chân, lửa bom viền suốt chân trời. Xót xa quá nó ném thế kia thì còn gì.
Tưởng như cả thành phố đương nghiêng trong bóng tối. Một tiếng nổ bùng giữa trời.
– Cháy rồi! Cháy! B.52 cháy to lắm!
Lại chân chạy, tiếng tù và, tiếng trống ngũ liên. Đêm quanh thành phố rộn rực lên.
– Sắp sẵn chưa?
– Gì chứ cái thừng thì đây rồi.
Một người ngáp.
– Ôi giời, cái giống giặc lái rơi lắm thế. Đêm nào cũng như đi bắt ếch mưa rào thế này.
– Cơ chừng đêm nay ác liệt nhất, phải suốt sáng cũng nên.
Lại hai tiếng nổ lớn. Giữa trời hai đám cháy bùng. Cháy to cháy cao thế kia, lại B.52, mấy cái, mấy cái rồi... Mọi người xôn xao.
Những tiếng reo cứ cờn lên. Ở các đầu làng, dân quân lại đã tập trung từng tổ. Cái đèn chai như con đom đóm được giơ lên, lắc lư soi kiểm lại xem đủ câu liêm chưa - câu liêm để ngoặc xuống, ngộ nó rơi vướng bụi tre và những tay thước, gậy bảy, dao dài, mỗi người quấn quanh bụng một cuộn thừng...
Các tổ dân quân đã xuống đồng.
Cụ Ngạn ngủ ngay trên mặt chõng đã rút bốn chân thành cái giường liền đất. Cụ đắp cả áo bành tô màu cứt ngựa trùm lên người. Có tiếng nổ to quá, cụ nhỏm lên hỏi: “Nó rơi đấy à?”. Rồi lại ngáy pho pho.
Ông cháu bác Tặng ngồi đấy. Ông tựa lưng vào cột vách. Ông không tài nào chợp đi được. Cháu thì, cứ chầu hẫu, mắt nhắm hai tay ôm đầu gối ông.
Bác Tặng đẩy cho gộc củi tre khít vào nhau. Nam ngả người vào gối ông. Lửa bếp thoi thóp, cái lạnh ngoài khe liếp dần dà thấm vào lưng. Chốc chốc, những làn chớp bom đằng xa lại giựt lên, thấy ngoài vườn sáng xanh, nom rõ quả bòng to bằng cái nồi trắng phếch bên bờ ao. Ngoài thành phố lại báo động.
Bác Tặng định bước ra. Nam lim dim mắt, chợt thức, Nam níu ông lại:
– Ông ở đây với cháu. Ông mang bìa vào, cháu với ông dán hộp. Ông bảo mậu dịch giục làm nhanh cho kịp hộp đựng mứt Tết mà.
– Đã trả hộp một đợt rồi, mới lấy bìa mới.
– Mà ở đây còn cái thích.
– Thích gì nữa?
– Đi bắt giặc lái.
– Chết thôi!
– Thằng nào cũng có cái cần rút ra đóng vào, sợi cước, phao xanh đỏ, lưỡi câu bằng bạc, hay lắm.
– Cháu không được đi, nhỡ ra thì khốn.
– Thế ông phải ở đây với cháu.
Ông Tặng giảng giải như với người lớn:
– Ngày mai trên ủy ban hẹn đến lượt giao bìa phiếu 1973. Không thể chậm trễ, năm nay thương nghiệp bán hàng tháng giêng sớm cho nhà sơ tán. Việc quan trọng thế.
– Ông bảo chú Bảng làm có được không?
– Chú Bảng đi trực chiến.
– Cô Nhiên làm cho có được không?
Miệng trẻ con nói cứ ngon lành. Bác Tặng bàng hoàng chợt nghĩ như không phải Nhiên đã chết. Bác ngồi xuống, lặng đi một lúc.
Nam lại hỏi:
– Cô Nhiên không làm được hả?
Bác Tặng cúi xuống, nói nho nhỏ:
– Cô Nhiên cháu chết rồi.
– Làm sao cô Nhiên chết, hả ông?
Bác Tặng nhìn cháu. Cổ bác nghẹn lại. Bác không thể chịu được những câu Nam nhắc lại nhà vắng... Cô Nhiên... cô... chết... Bác cúi, tỳ nhẹ một bên má hóp trũng lên đầu cháu. Tóc Nam ướt nước mắt ông mà Nam không biết. Bây giờ nhiều người chết bom. Nhưng Nam cũng không dám hỏi ông.
– Ừ, mai cháu về với ông.
Nam hỏi lại: “Thế hả ông?” rồi thiu thiu ngủ ngay giữa câu nói ríu rít.
Ngoài khe liếp, từng lúc, lửa đạn cao pháo tuôn lên, ánh lại, như chớp bể mưa nguồn chân trời mùa hạ. Một lúc có tiếng bom hay tiếng tên lửa nổ, cụ Ngạn vẫn nhắm mắt, hỏi: “Nó rơi đâu thế, hả mày?” Bác Tặng ngồi tựa lưng, chập chờn thế cho đến sáng.
Tiếng gà nối nhau gáy râm ran. Trời sáng, một ngày trong làng bắt đầu. Tiếng xe cải tiến lạch xạch trên đường gạch. Trong bếp, tiếng vo gạo, tay vỗ vành rá phạch phạch. Một tiếng nổ oàng ngay trên ngọn tre. Cả cánh đồng đỏ rực. Thành phố xa mờ trong những quầng lửa.
Người vừa chạy vừa kêu, tiếng kéo dài trên bờ rào cúc tần ra đến đầu xóm.
– Ối giời, nó đánh suốt đêm à!
Trống ngũ liên, tù và, tiếng kẻng sôi lên. Những tổ dân quân tung dậy, lại lao ra, chạy tràn trên cánh đồng sương đục đỏ chớp lửa.
Cụ Ngạn ngồi lên, hỏi:
– Chúng nó lại đi bắt giặc lái, hả cụ?
Cụ Ngạn múc một gáo nước trắng đã sôi, đổ vào bát chiết yêu đựng lá chè đã vò kỹ như bã nâu. Làm thế, luộc cho tái chè. Bác Tặng đã bày sẵn hai bát đàn trước mặt.
Mỗi buổi sáng, vào khi cuối đêm sang ngày, trời đất thường có một lúc yên tĩnh lạ thường. Con chích chòe ngủ dưới bụi cây bòng nhảy ra, cất tiếng hót trong trẻo. Tiếng cá đớp trong khung bèo cái giữa ao. Heo may vờn lên, thầm thì qua mặt đầm cạn rau cần mới cấy và những khóm khoai nước vừa lên lá. Trời lại mưa dây mưa dợ từ lúc nào. Bụi mưa không ướt áo, người đi đường chợt nhớ Tết sắp đến.
Những Ngõ Phố Những Ngõ Phố - Tô Hoài Những Ngõ Phố