Số lần đọc/download: 0 / 14
Cập nhật: 2020-10-15 22:03:49 +0700
Chương 16: Hồ Sơ - Tiếp
T
ôi rùng mình dù đang mặc một chiếc áo len dày. Tay tôi như đóng băng. Các ngón chân sưng tấy. Tôi đi tìm ký ức của chúng tôi, tìm cha tôi, nhưng đối diện với tên cha lặp đi lặp lại trên các trang của hồ sơ nhập tịch, tôi có cảm giác đang săn đuổi một cá nhân chẳng có gì chung với người là cha đẻ của tôi. Tôi thử hình dung trong đầu những nơi mà cha đã từng sống, có những nơi hoàn toàn không hoặc chỉ hơi gợi chút gì đó cho tôi, tôi đọc hết các phiếu ghi chép và tên họ của những người không còn nữa, tôi muốn giữ lại những cái bóng đang biến đi, cái quá khứ bị tháo vụn ấy. Tôi cố kéo sợi len về phía tôi, những mũi len bị tháo tung như trong một chiếc khăn đan vụng, và tôi chẳng còn gì nữa cả. Tôi mò mẫm, tôi đọc lại từng từ, thử tìm ở đấy một ý nghĩa bị giấu bên trong, sự thật, một sự thật, trong những bản khai hành chính đó. Sự thật: Aletheia. A là tiền tố phủ định, còn Letheia có nghĩa là lãng quên. Sự thật là điều vượt qua sự lãng quên. Sự thật trốn trong những trang giấy bị đóng dấu này, những tài liệu công khai, những bản báo cáo đó? Bằng cách săm soi những dòng chữ, những câu văn ở dạng khẳng định, tôi sẽ có thể hiểu được cha tôi, người mà tôi biết quá sơ sài?
Hết trang này đến trang kia. Và bỗng nhiên, như người ta chợt gặp một hình bóng giống với người thân đã qua đời, tim tôi ngừng đập: Tôi thấy lại nét chữ của cha tôi. Những chữ cái to nghuệch ngoạc, vừa tròn vừa nhọn. Chữ ký mà tôi từng bắt chước trong sổ liên lạc. Tôi không thấy chúng nữa từ khi cha tôi bị tai biến: Liệt bán thân, cha chỉ còn viết bằng tay trái. Từ đó trở đi nét chữ của cha trở nên ngập ngừng. Thật khác.
Ðây là danh sách những địa chỉ mà cha từng ở.
Fort-Bayard, 1942 – 1945
Hà Nội, Bắc Việt Nam, 1945 – 1954
214-19-15, đường Nguyễn Hữu Cảnh, Sài Gòn, 1954 – 1961
169, phố Saint-Jacques, quận 5, Paris, từ 6-12-1961 đến tháng 6 năm 1962
59, đại lộ Jourdan, từ tháng 6 năm 1962 đến tháng 10 năm 1965
91, đại lộ Denfert-Rochereau, từ tháng 10 năm 1965 đến tháng 10 năm 1966
7, phố Champollion, tới tháng 10 năm 1971
182, đại lộ Rouget-de-Lisle, thành phố Vitry-sur-Seine, từ tháng 10 năm 1971 đến tháng 1 năm 1973
Nơi ở hiện nay: 9, khu nhà Bois-le-Roi, thành phố Les Ulis
Quá khứ của cha tôi được tóm tắt trong vài nơi chốn. Về cuộc đời của cha, cho tới lúc này tôi chỉ biết vài tình tiết rời rạc: Ông sinh ở Trung Quốc, Fort-Bayard, mà cái tên khiến chúng tôi phì cười. Một thời gian dài, chúng tôi nhầm nó với Fort-Boyard, hòn đảo trong chương trình vô tuyến có lão Fouras và anh lùn Passe-Partout mà chúng tôi luôn xem cùng nhau: những người dự thi phải vượt qua nhiều thử thách trong đó có trò đặt tay vào một hộp chứa đầy gián và rắn. Cha tôi không sợ côn trùng. Lúc còn bé, cha đã sống trong rừng rậm, cha kể cho chúng tôi như thế, và ăn châu chấu nướng, kiến, gián. Cả sâu nữa: loại ngon nhất là sâu đất to, màu trắng, làm tổ trong một loại vỏ cây, mà người ta đem tẩm với nước mắm trước khi chiên. Tôi hình dung giai đoạn “rừng rậm” này nằm đâu đó trong khoảng thời gian mà cha gọi là “Hà Nội, Bắc Việt Nam, 1945 – 1954”, khi cha từ 3 đến 12 tuổi. Tất cả tuổi thơ của cha.
Tuổi thơ của cha như thế nào? Cái câu “Hà Nội, Bắc Việt Nam, 1945 – 1954” không nói lên điều gì. Sau Hiệp định Genève, đất nước bị chia làm đôi: Một triệu người dân miền Bắc đã di cư vào Nam, trong số họ có gia đình của cha. Sau đó cha sống thời niên thiếu ở Sài Gòn và tốt nghiệp trung học ở đó. Rồi cha sang Pháp năm 1961. Hành trình ra nước ngoài của cha đã diễn ra như thế nào? Cha đã để gì trong va-li của mình? Cha của cha, mẹ của cha và các chị em gái của cha đã dặn dò gì cha? Cha có khóc vào ngày ra đi? Lúc đó cha không biết sẽ gặp lại gia đình vào hoàn cảnh nào và lúc nào? Hẳn là cha cũng mặc một chiếc áo len do mẹ của cha đan, chiếc áo mà tất cả người Việt tha hương đều nhét vào hành lý của mình: Mẹ của cha đã sợ vô cùng khí hậu lạnh giá của nước Pháp xa xôi. Nước Pháp! Cuối cùng cha cũng đặt chân đến vào ngày 6 tháng Mười hai năm 1961. Tôi tưởng tượng cha đang xa dần cái đốm màu xanh lá và xanh dương của đất nước cha, chuyến bay dài, cha thiu thiu nửa ngủ nửa thức, bị tỉnh dậy nhiều lần, và đây, nước Pháp tới gần, cha nghiêng đầu nhìn qua cửa sổ máy bay, cha hoảng hốt khi thấy những tòa nhà cao tầng nhìn từ trên xuống, máy bay hạ cánh, cha bước ra, sân bay Orly – lúc đó sân bay Roissy còn chưa tồn tại – thật là mênh mông trong mắt cha. Cha sững sờ trước đám đông, toàn người Pháp. Cái lạnh cắt da cắt thịt túm lấy cha ngay lúc rời máy bay, cha chưa bao giờ có cảm giác đó, hơi nước bốc ra từ miệng khi cha nói, đôi tay đóng băng phải nhét vào túi áo để hâm nóng lại.
Các cuộc điều tra không được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Trong tài liệu, cha tôi luôn được gọi là “người ngoại quốc này”. Trong một bản báo cáo năm 1963, tôi hay rằng tháng nào cha cũng nhận 500 quan Pháp do ông nội tôi gửi sang.
Một ghi chép của sở Nội vụ cũng cho biết rằng cha tôi “đã điền đơn xin nhập tịch vào tháng Giêng năm 1969”. Vào năm 1969? Cha luôn khẳng định là cha muốn quay về Việt Nam sau khi học xong. Sau đó cha đã gặp mẹ ở Pháp, và hai người cưới nhau. Nếu không xảy ra biến cố 30 tháng Tư năm 1975 thì cha mẹ đã về nước rồi. Tất cả gia đình bên cha còn ở đó. Mẹ của cha, các chị em của cha. Thế thì tại sao cha lại muốn nhập quốc tịch Pháp ngay từ năm 1969? Cha có bàn với ông bà nội tôi? Và tại sao cha lại điền cái đơn xin kia và sau đó không theo đuổi tới tận cùng?
Một báo cáo khác từ cảnh sát đang đợi tôi đọc. Có thể tôi sẽ biết thêm ít nhiều về chuyện này. Giai đoạn đó, cha sống ở phố Champollion, con phố nhỏ có rạp chiếu phim mà cha đã kể cho tôi, mắt sáng lấp lánh, khi tôi đến Paris để học đại học: Cha ở trong căn hộ ngay trên nóc rạp, cha làm công việc xếp chỗ trong rạp và được xem không mất tiền tất cả các phim chiếu ở đó. “Một đoạn đời tuyệt đẹp”, cha nhắc đi nhắc lại với tôi.
Báo cáo của cảnh sát
Ðiều tra viên: Armand Thierry
Gửi ngài tổng cảnh sát trưởng
Mục đích: thông tin về ông Bùi Anh Dũng
Cuộc điều tra được thực hiện tại chỗ ở số 7, phố Champollion, quận 5 Paris, cho thấy điều sau: Ông Bùi đã sống ở tầng 1 bên trái trong một phòng mà ông thuê của ban giám đốc rạp chiếu phim Les Noctambules cũng ở địa chỉ trên. Ông Bùi sống chung với một phụ nữ có tên M, làm nghề y tá, và một con trai nhỏ. Bản thân ông Bùi là bác sĩ và làm việc tại bệnh viện Cochin. Ðương sự tiếp ít bạn và có vẻ có tinh thần rất tốt. Dường như không tham dự vào các hoạt động chính trị. Có uy tín cao với láng giềng và chưa bao giờ khiến cơ quan chúng tôi phải chú ý.
Bà M? Một con trai?
Hẳn là một nhầm lẫn. Hồ sơ của cha đầy rẫy nhầm lẫn. Một trang có nhắc đến “em trai” của cha, trong khi cha là con trai duy nhất trong nhà: Hóa ra là em gái cha, một nhầm lẫn quá sức. Tôi lại lật từng trang của hồ sơ nhập tịch, và đến mục “Con còn sống, hợp pháp hoặc máu mủ, thành niên hoặc vị thành niên, được sinh ra từ hôn nhân hiện nay hoặc trước đó”, tất cả đều bị gạch bỏ. Tôi mở xem phần kết hôn của cha mẹ tôi: Mục “Con đẻ được công nhận” cũng bị gạch nốt.
Bà M và con trai. Nhầm kinh hoàng! Như tất cả những nhầm lẫn mà Isabelle và tôi từng nhận thấy, trong các báo cáo của cục Tình báo và các hồ sơ nhập tịch khác. Tất cả những mật thám vô danh mà chúng tôi bắt gặp trong các nguồn lưu trữ: Những nhân vật phụ trong các câu chuyện của chúng tôi, những cái bóng đi theo các nhân vật chính để điều tra về láng giềng, tư cách, đạo đức và quan điểm chính trị của họ, đôi khi lui tới các buổi họp dân cư một tòa nhà, tán chuyện với các gác cổng, hàng xóm, ông chủ quầy bán thuốc lá lẻ, bà chủ cửa hàng bánh mì, để thử tạo dựng lại những cuộc đời thông qua những điều ngồi lê đôi mách lỏng lẻo đó. Các thám tử tư giả hiệu, ghi chép chỗ này một lời phát biểu “phản quốc”, chỗ kia một thái độ đáng ngờ, những điều tra viên đáng lo ngại mà trong thời phát xít Ðức chiếm đóng từng vây dồn dân Pháp “xấu” tức dân gốc Do Thái. Những điều tra viên của tiểu thuyết. Nhưng đây có phải là tiểu thuyết đâu.
Buổi tối hôm ấy, tôi kể lại cho em gái tôi chuyện mà tôi mới khám phá trong ngày. Chúng tôi cùng phá lên cười. Chúng tôi cùng đồng ý với nhau là không cần phải nói với mẹ tôi về chuyện này. Tuy nhiên tôi cũng google cái tên M đó. Tôi tìm thấy nó trên facebook. Tôi gửi một tin nhắn để xem bà M này có phải đã từng quen cha tôi. Không, bà ấy lấy làm tiếc, lúc đó, bà ấy mới lên 9, hẳn là tôi đã nhầm với ai khác. Ngoài ra bà ấy chưa bao giờ nghe thấy phố Champollion, cũng như khu Latin, bà ấy học đại học ở Dijon, không quen sinh viên y khoa nào, tiếc quá, bà ấy kết luận với một smiley, quen bác sĩ thật là tiện lợi.