When you reread a classic you do not see more in the book than you did before; you see more in you than was there before.

Clifton Fadiman

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Phạm Tùng Vĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4280 / 83
Cập nhật: 2020-04-26 15:08:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
ố tôi đã nói vói tôi: “Hãy làm cho họ nói ra!”. Tôi đã làm theo lời khuyên của ông. Sáng hôm sau, tôi vừa cạo râu vừa nghĩ xem mình đã gặt hái được những gì từ việc đó.
Edith De Haviland đã đặc biệt không ngại phiền hà để nói chuyện với tôi. Tôi đã có một cuộc trò chuyện với Clemency và đã dự như người đi xem hát những chuyện ba hoa động trời của Magda. Sophia đã nói với tôi, đương nhiên. Vú đã tự nguyện nói ra với tôi những điều thầm kín. Toàn bộ những chuyện đó có cho tôi biết điều gì không? Ai đó đã nói ra một từ, một câu có thể vạch đường cho tôi? Có ai đã để lộ tính khoe khoang khác thường của tên sát nhân mà bố tôi đã lưu ý tôi không? Tôi chưa cảm giác được điều đó.
Một người duy nhất tỏ ra không muốn nói chuyện với tôi một chút nào và về bất kỳ cái gì, đó là Philip. Tôi thấy điều này thật kỳ cục. Ông ấy phải biết là tôi có ý định lấy con gái ông chứ. Mặc dù như thế, ông xử sự như thể tôi không có ở trong nhà vậy, có thể vì sự có mặt của tôi đã làm ông khó chịu. Edith De Haviland đã cố biện giải điều đó bằng cách bảo tôi rằng ông ta thật “khó hiểu”. Bà đã để tôi đoán rằng Philip đã làm cho bà phải lo lắng. Tại sao?
Tôi nghĩ về ông. Người đàn ông này đã từng là một người con không may. Vì ghen tị với anh mình, ông đã nhún mình xuống và ngày ngày sống trong đám sách, cùng với quá khứ. Tính thờ ơ lạnh nhạt của ông có thể che giấu rất kín đáo các dục vọng bất ngờ. Về mặt tài chính, ông không kiếm chác được gì trong cái chết của cha ông, nhưng điều nhận xét này không có mấy giá trị, Philip rõ ràng không thuộc loại người có thể giết người vì vấn đề tiền bạc. Nhưng, do các động cơ khác, do thuần túy tâm lý, những người thế này có thể phải xem xét. Philip đã về sống trong ngôi nhà của cha. Về sau, trong thời kỳ máy bay Đức liên tục oanh tạc Luân Đôn trong Thế chiến II, Roger cũng trở về ở đây cùng với ông ta và ngày ngày Philip buộc lòng phải ghi nhận rằng ông già Aristide biểu lộ một sự ưu ái đối với người con cả. Có thể giả định rằng vì thế mà ông ta đi tới chỗ nghĩ rằng nỗi dằn vặt âm ỉ hàng ngày mà ông phải chịu đựng chỉ chấm dứt cùng với sự biến mất của cha ông... Và nếu ông già đột nhiên chết do cái chết bất đắc kỳ tử thì mọi ngờ vực trước hết sẽ đổ lên đầu Roger là kẻ có những ưu phiền về tiền bạc và đang ở bên bờ của sự phá sản? Hoàn toàn không biết về cuộc nói chuyện cuối cùng của Roger với cha mình, Philip chẳng phải đã tự mình nói ra rằng Roger lập tức xuất hiện như thủ phạm duy nhất có khả năng hoặc như thủ phạm đích xác? Suy luận liều lĩnh nhưng có thể thề rằng Philip hoàn toàn đúng đắn?
Tôi buột ra một lời rủa, chẳng là tôi vừa mới tự làm đứt cằm vì một nhát dao cạo râu.
Tôi muốn đi đến chỗ quái quỷ nào vậy? Đến chỗ chứng minh rằng cha của Sophia là một tên giết người ư? Suy luận mới hay làm sao! Nhưng đâu phải là kết luận mà Sophia chờ đợi ở tôi! Trừ phi...
Có đấy! Khi yêu cầu tôi đến “Ba Đầu Hồi”, nàng đã có một ý kiến trong đầu. Chẳng phải là nàng đã nuôi dưỡng những điều ngờ vực tương tự như những điều của tôi? Nếu tôi không lầm thì những điều đó liệu có giải thích được thái độ ấy của nàng không? Khi có những điều nghi ngờ như thế trong đầu, thì nàng chắc sẽ không bao giờ đồng ý kết hôn với tôi vì sợ rằng đến một ngày nào đó tính đúng đắn của chúng sẽ được chứng minh. Nhưng, Sophia là một cô gái bé nhỏ có tâm hồn ngay thẳng và dũng cảm, nàng muốn biết rõ sự thật dù nó là thế nào vẫn tốt hơn, trong tâm trạng lưỡng lự này, giữa chúng tôi đã dựng lên một rào chắn không thể vượt qua. “Hãy chứng minh cho em rằng sự việc ghê tởm mà em nghĩ đến là không đúng... và nếu nó đúng, thì hãy chứng minh cho em rằng nó đúng, để cho khi biết sự thật bi đát ấy, em sẽ nhìn thẳng vào nó!”. Chẳng phải nàng đã nói với tôi như thế sao?
Chẳng phải là cả bà Edith De Haviland cũng không tin vào khả năng phạm tội của Philip đó sao?
Còn Clemency? Khi tôi hỏi bà rằng bà có nghi ngờ ai không, thì đôi mắt bà chẳng phải là đã có một vẻ hết sức lạ lùng, trong khi bà trả lời tôi: “Tất cả những gì người ta có thể nói ra đó là Brenda và Laurence là những kẻ khả nghi nhất”.
Toàn bộ gia đình đều mong rằng Brenda và Laurence phải là thủ phạm. Nhưng lại không thật sự tin vào khả năng phạm tội của họ.
Vả lại như thế không có nghĩa là họ không phải là thủ phạm.
Laurence có thể là kẻ giết người duy nhất chăng? Có lẽ đó là lời giải lý tưởng...
Sửa soạn xong, tôi xuống thang gác, quyết định làm một cuộc nói chuyện với Laurence Brown.
Mới chỉ uống xong chén trà thứ hai, tôi đã nhận thấy rằng ngôi nhà này đã bắt đầu tác động đến tôi như tất cả những người ở đây. Cả tôi nữa, cái mà tôi tìm bây giờ, đó không còn là giải pháp đúng cho bài toán mà là cách giải như thế nào.
Sau bữa lót dạ, tôi đi lên tầng hai. Sophia đã bảo tôi rằng tôi có thể tìm thấy Laurence ở phòng học cùng với Eustace và Josephine. Trước cửa căn hộ của Brenda, tôi do dự. Tôi nên bấm chuông hay vào thang? Cuối cùng, tôi quyết định coi ngôi nhà như một thể hoàn chỉnh không phân biệt giữa các khu khác nhau. Tôi đẩy cửa. Hành lang vắng tanh. Không nơi nào có dấu hiệu có người. Bên trái tôi, cửa phòng khách đóng. Các cửa bên phải ngược lại đều mở vào một phòng ngủ mà tôi biết trước đây đã là phòng của Aristide Leonidès, và một phòng tắm mà cảnh sát đã phải dừng lại ở đó khá lâu vì ở đó có xếp thành hàng nhiều lọ insuline và ésérine.
Tôi lẻn vào phòng tắm. Phòng này có những thiết bị sang trọng với nhiều máy chạy điện khác nhau đã tạo niềm tự hào cho kẻ khó tính nhất trong các hầu phòng. Tôi mở tủ hốc tường lớn sơn trắng lồng khít vào một trong các vách ngăn. Tủ đựng cả một hiệu thuốc: hai cốc đong, một chén rửa mắt, các ống rỏ giọt và mấy lọ có dán nhãn trên tầng giá thứ nhất; dự trữ insuline trên tầng giá thứ hai, cùng với hai bơm tiêm dưới da và một lọ sát trùng, và trên tầng giá thứ ba, một lọ thuốc ngủ - “một hoặc hai thìa, buổi chiều, theo đơn”. Và đây trên tầng giá cuối người ta xếp ésérine. Mọi thứ đều rất trật tự. Hiển nhiên ai cũng có thể tìm thấy ngay tức thì trong cái tủ tường ấy những gì cần để chữa bệnh... hoặc là để giết người... Không ai trông thấy tôi vào, tôi có thể hoàn toàn bình tĩnh mà đánh tráo một lọ này sang một lọ khác rồi rút lui mà không ai biết tôi đã vào phòng tắm. Điều nhận xét này không giúp cho tôi biết thêm gì cả, nhưng nó làm cho tôi hiểu rõ hơn rằng nhiệm vụ của cảnh sát điều tra về cái chết của cụ Leonidès là khó khăn biết bao.
Người ta chỉ có thể đi tới cách giải quyết bằng cách lấy được từ thủ phạm những yếu tố có thể cho phép gỡ dần mối bòng bong này.
“Không nên để cho chúng được nghỉ ngơi - Taverner đã bảo tôi - Lúc nào cũng phải cưỡi lên lưng chúng và để cho chúng tin rằng chúng ta đi đúng hướng! Hãy khuấy động! Sớm muộn tên sát nhân sẽ cảm thấy không được yên ổn, hắn sẽ tự cho rằng hắn nhất thiết phải làm cái gì đó... và hắn sẽ phạm phải điều hớ hênh trong hành động hoặc lời nói làm cho hắn bị sa lưới!”.
Có thể Taverner có lý, nhưng cho đến lúc này, thủ phạm vẫn chưa chịu nhúc nhích.
Tôi rời phòng tắm. Hành lang vẫn vắng ngắt. Tôi đi theo hành lang, phía bên trái đi qua trước phòng ăn, cửa đã đóng và phía bên phải đi qua trước phòng ngủ và phòng tắm của Brenda. Trong gian cuối ấy có một cô hầu phòng đang làm việc. Từ một gian khác ở bên ngoài phòng ăn, tôi nghe thấy tiếng bà Edith De Haviland đang nói điện thoại với người bán cá quen thuộc. Một chiếc cầu thang hình xoắn ốc đi lên tầng trên, ở tầng này, tôi biết, có phòng ngủ của Edith, phòng khách của bà, hai phòng tắm nữa và phòng của Laurence, ở cuối hành lang xuống mấy bậc thì đến một gian lớn; đó là khu nhà phụ nằm ở đằng sau ngôi nhà trong đó có phòng học.
Đến trước cửa tôi dừng lại, lắng tai nghe: Laurence Brown đang lên lớp cho hai học trò một bài giảng về chế độ Đốc chính.
Sau một lúc, tôi ngạc nhiên phát hiện ra rằng Laurence Brown là một giáo viên giỏi. Điều này có lẽ không làm tôi quá bất ngờ. Aristide Leonidès biết chọn mặt gửi vàng. Laurence trông không ra vẻ gì cả, nhưng anh ta thuộc loại thầy giáo có biệt tài khơi dậy trí tưởng tượng của học sinh và biết gây hứng thú cho họ. Bài thuyết trình của anh thật lưu loát và sinh động, gợi lại một cách thật xúc động về các vĩ nhân của thời đại: Barras phong lưu đài các, Fouche tài ba sắc sảo và chàng thiếu úy pháo binh thấp bé gày còm chẳng phải ai khác ngoài Bonaparte.
Laurence kết thúc bài giảng, đặt ra mấy câu hỏi cho Eustace và Josephine. Cô bé đáp, giọng nói tôi thấy có vẻ như bị ngạt mũi, thầy giáo không rút ra từ đó được bao nhiêu, ngược lại, trong lời đáp của mình, Eustace tỏ ra thông minh và có lẽ cậu được trời phú cho một giác quan lịch sử mà cậu thừa kế được từ cha.
Tiếp đó có một tiếng động do các ghế bị đẩy buộc tôi phải vội vã rút lui. Khi cửa mở ra trước mặt Eustace và Josephine thì tôi đã ở trên bậc cao nhất của cầu thang rồi, và đang bước xuống. Josephine nhanh miệng chào tôi và đi qua. Eustace trông thấy tôi không khỏi kinh ngạc và lễ phép hỏi tôi có muốn điều gì không. Tôi trả lời một cách lúng túng rằng tôi muốn xem lớp học.
- Em cho rằng anh đã trông thấy nó rồi! - Eustace trả lời tôi - Lớp học này không có cái gì thú vị cả! Ngày trước đây là “nhà trẻ”, còn có những đồ chơi của em.
Nó mở cánh cửa cho tôi và tôi đi vào. Laurence Brown đứng cạnh bàn của mình ngẩng đầu lên khi nhận ra tôi. Anh đỏ mặt và lẩm bẩm mấy lời không nghe rõ đáp lại lời chào của tôi và vội vàng đi ra.
- Anh đã làm cho thầy sợ đấy! - Eustace bảo tôi - Không nên làm thầy quá sợ để đến nỗi phải trốn tránh!
- Một con người đáng yêu? - Tôi hỏi.
- Không có gì để nói! Tất nhiên là một người nhút nhát.
- Nhưng mà là một nhà giáo giỏi?
- Không ai có thể nói ngược lại. Thầy hay đáo để. Thầy biết cả đống chuyện, thầy có thể mở ra cho ta thấy mọi loại điều lý thú. Em không biết rằng Henri VIII lại làm ra được những bài thơ tặng Anne de Boleyn dĩ nhiên... không tồi hơn nhiều người khác.
Trong nhiều phút chúng tôi nói chuyện về các đề tài như hải quân thời trước, những nguyên nhân chính trị của các cuộc thập tự chinh, đời sống ở thời Trung Đại, cuối cùng đến lệnh cấm cử hành lễ Nô-en, lệnh cấm này do Cromwell ban hành và là điều mà chú bé Eustace thấy bỉ ổi và không thể chấp nhận được. Cuộc nói chuyện làm tôi phát hiện ra một chú Eustace có đầu óc diệu kỳ và rất thông minh. Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng tại sao cậu bé lúc nào cũng có tính tình khá ủ ê rầu rĩ. Bệnh tật của chú không chỉ là một thách thức đau đớn đối với chú mà nó cũng tước mất của chú niềm vui đúng vào lúc chú phát hiện những điều thú vị trong cuộc đời.
- Vào ngày khai trường, em phải thuộc về một đội bóng và em có thể được dự các trận tranh giải vô địch bóng đá. Thay vì điều đó, em phải ở lại nơi này... và em phải ở cùng lớp với Josephine! Một con nhóc mười hai tuổi! Anh có nhận thấy thế không?
- Có, nhưng lớp học các em khác nhau cơ mà!
- Tất nhiên là khác rồi. Nó không học môn toán cũng không học môn tiếng La Tinh. Nhưng chia giáo viên của mình cùng với một đứa con gái thì thật là tệ hại!
Chú thấy bị tổn thương lòng kiêu hãnh con trai của mình. Đề phòng mọi bất trắc, tôi liền đưa ra nhận xét rằng Josephine có vẻ là một em bé gái rất thông minh đối với lứa tuổi của nó.
- Anh thấy thế ư? Vậy thì em thấy khác. Nó thật ngu ngốc! Những chuyện láo toét về các thám tử đã làm nó trở nên điên rồ hoàn toàn. Nó lục lọi khắp nơi, nó ghi nguệch ngoạc trong cuốn sổ con của nó những chuyện ngu ngốc và nó khoe là đã khám phá ra vô số chuyện. Đúng là một con ngốc! Chấm hết!
Sau một phút lặng yên chú bé nói thêm:
- Vả lại, con gái thì không thể thành thám tử. Em đã bảo nó rồi và em thấy mẹ có lý do để gửi nó đi Thụy Sĩ. Nó sẽ sang bên ấy càng sớm càng tốt.
- Nó sẽ không quên trả thù em chứ?
Chú bé bật ra một tiếng cười gằn khinh thường:
- Một con bé ở tuổi ấy ư? Anh không phải lo! Đó vẫn là một sự bắt đầu. Bởi vì muốn chịu đựng được ở đây thì phải thật vững vàng. Mẹ thì đi đi lại lại như con thoi giữa ngôi nhà này và Luân Đôn là nơi bà quấy rầy các nhà viết kịch đáng thương để bắt họ phải viết cho bà những vai diễn rồi bà dùng thời gian vào làm những chuyện chẳng bao giờ nên trò trống gì cả. Cha thì lại giam mình cùng với đống sách cũ của ông và không muốn hiểu anh, cả khi anh nói chuyện với ông. Thế mà em lại phải làm con của các vị cha mẹ như thế đấy! Hơn thế nữa, bác Roger thì quá phóng túng đến nỗi làm người ta phải rùng mình, bác gái Clemency thì ai làm sao cũng mặc, có lẽ hơi điên điên gàn gàn, còn bà Edith, không phải là xấu nhưng đã quá già! Mọi chuyện đã được cải thiện đôi chút với việc trở về của Sophia, nhưng có những lúc chị ấy cũng không tốt lắm. Tóm lại là cả một gia đình kỳ quặc! Anh không đồng ý với ý kiến này à? Anh có thấy bà em - nghĩa là vợ kế ông nội em - có thật đúng là hơi già để là chị cả của em không? Nếu anh không thấy như thế thì em cho anh là một đồ đại ngốc!
Tôi thông cảm với nó! Ở vào tuổi Eustace tôi cũng có một năng lực cảm giác cực nhạy. Ý nghĩ mà tôi có thể không “như mọi người” ấy làm tôi toát mồ hôi lạnh.
- Về việc ấy - Tôi nói - cậu không thích ông nội cậu à?
Eustace nhăn trán:
- Ông nội phản lại xã hội.
- Một từ to tát! Cậu nói thế nghĩa là thế nào?
- Ông nội chỉ nghĩ đến lợi nhuận, đến quyền lợi. Laurence tuyên bố rằng đó là một sai lầm. Ông nội là một kẻ đại ích kỷ. Những người như thế phải biến đi.
- Những gì ông đã làm đều tốt.
- Tốt ư? Em không muốn ông phải dửng dưng, nhưng ở vào tuổi ấy, người ta không thể thực sự hưởng thụ lạc thú cuộc sống được nữa!
- Cậu tin chắc thế chứ?
- Dù thế nào đi nữa, ông nội đã đến lúc phải ra đi rồi. Ông ấy...
Eustace bỗng ngừng nói vì thầy giáo của nó trở lại căn phòng. Laurence Brown bắt đầu di chuyển một vài cuốn sách ở trên bàn, nhưng tôi có cảm giác rằng anh ta liếc nhìn tôi qua khóe mắt. Anh ta xem giờ ở đồng hồ đeo tay.
- Eustace - Anh ta nói - Em có muốn quay lại đây vào đúng mười một giờ không? Mấy ngày qua, chúng ta đã mất quá nhiều thời gian rồi.
- Thưa thầy được ạ.
Eustace vừa rời phòng học vừa huýt sáo. Laurence tiếp tục việc sắp xếp vô tích sự của mình, vừa làm vừa nhìn trộm tôi. Thỉnh thoảng anh ta lại liếm môi. Tôi chắc rằng anh ta quay lại chỉ muốn nói chuyện với tôi. Cuối cùng thì trò vớ vẩn ấy cũng ngừng, anh ta quyết định tiến hành đàm thoại bằng một câu hỏi mà tôi ít ngờ tới:
- Thế... họ đang ở đâu?
- Ai cơ?
- Cảnh sát?
Tôi nhìn anh ta. Anh có một chiếc mũi nhỏ và nhọn làm tôi nghĩ tới một con chuột nhắt. Một con chuột nhắt bị mắc bẫy thì đúng hơn.
- Họ không trả tiền cho tôi vì những điều bí mật của họ - Tôi nói.
- A?... Tôi tưởng cha ông là một quan chức cao cấp trong ngành cảnh sát?
- Đúng thế, nhưng ông cụ tôi không có thói quen loan truyền những tin tức cần phải giữ bí mật.
Tôi đã chú ý nói điều đó bằng giọng trịnh trọng mà hả hê trong lòng.
- Đến nỗi ông không biết rằng...
Anh ta nói thiếu từ. Bỏ không nói hết câu ấy, anh ta nói một hơi:
- Họ có chú ý tới một cuộc bắt bớ không?
- Trong chừng mực tôi biết thì không có. Nhưng như tôi vừa nói với anh, tôi không biết.
Tôi nghĩ tới lời nói của thanh tra Taverner: “Ta cứ ló mặt ra! Sớm hay muộn kẻ sát nhân sẽ cảm thấy mất bình tĩnh!”. Rõ ràng, Laurence Brown đã cảm thấy mất bình tĩnh.
- Ông không thể biết đó là cái gì đâu! - Anh ta lại nói - Sự căng thẳng thần kinh... Họ đi, họ đến, họ lại đi, họ đặt các câu hỏi... Các câu hỏi dường như là chẳng liên quan gì tới vụ này...
Anh ta ngừng nói. Tôi im lặng chờ đợi. Anh ta muốn nói? Mong rằng anh sẽ nói.
- Hôm trước, ông ở đó, ông thanh tra đã đưa ra một điều ám chỉ kinh khủng về bà Leonidès và về bản thân tôi... Một điều ám chỉ thật kinh khủng! Nhưng trả lời thế nào? Tôi cảm thấy bị tước khí giới, bị bất lực. Làm sao ngăn cấm được người ta nghĩ đến điều này, điều nọ? Làm sao chứng minh cho họ thấy rằng họ lầm? Và điều đó đơn giản chỉ vì bà ấy trẻ hơn chồng bà rất nhiều!... Ông biết không, tôi còn cảm giác rằng ở đây có... một âm mưu, một sự đồng mưu!
- Một sự đồng mưu? Quả là quan trọng đấy!
- Tôi chưa bao giờ có thiện cảm với gia đình ông Leonidès. Họ luôn luôn đối xử với tôi như kẻ thấp hèn, tôi luôn có cảm giác là họ khinh tôi...
Tay anh ta run lên.
- Thế đấy, bởi vì họ có tiền mà! Đối với họ thì tôi là cái gì? Một gia sư nhỏ mọn chẳng là cái gì cả và một người từ chối cầm súng vì trái với lương tâm... đáng khinh ư? Tôi có các lý do của mình. Vì chúng đáng được chấp nhận!.
Tôi vẫn im lặng. Anh ta tiếp tục nói, sôi nổi:
- Nhưng tại sao tôi lại không sợ cơ chứ? Sợ vì thua kém người ta về nhiệm vụ? Sợ có lúc sẽ phải bóp cò một khẩu súng vì bất lực mà buộc phải làm động tác cần thiết đó? Làm sao tin chắc rằng đó đúng là một tên Quốc xã mà ta phải giết chết? Mong sao không phải sát hại một gã trai trung thực, một nông dân chưa bao giờ làm chính trị và hắn ở đó chỉ vì người ta đã động viên hắn đi bảo vệ đất nước? Thần thánh hóa chiến tranh, tôi không tin đâu! Ông hiểu không? Tôi không tin điều ấy đâu! Chiến tranh là xấu xa.
Tôi vẫn giữ im lặng. Tôi thấy bày tỏ một ý kiến nào đó là thừa. Brown đang tranh luận với chính anh ta và việc làm đó đã tiết lộ cho tôi thấy nhiều điều về con người thật của anh ta.
- Mọi người đều chế nhạo tôi. Tôi vốn có tài nhịn nhục. Đó không phải là tôi thực sự thiếu dũng cảm. Nhưng, tôi không gặp may. Một hôm tôi vào một ngôi nhà đang bốc cháy để cứu một phụ nữ mà người ta vừa mới bảo tôi rằng chị ta còn ở bên trong. Ngay lập tức tôi bị lạc trong đám khói rồi ngất xỉu. Lính cứu hỏa phải rất vất vả mới tìm lại được tôi và tôi đã nghe thấy một người trong họ nói: “Tại sao thằng ngốc này lại muốn làm công việc của chúng ta?”. Dù tôi nói thế nào, mọi người cũng chống lại tôi! Kẻ giết ông Leonidès đã sắp đặt để cho tôi bị ngờ vực và đó là tai vạ đến với tôi mà hắn đã mong muốn.
- Còn bà Leonidès? - Tôi hỏi.
Anh ta đỏ mặt.
- Bà ấy ư? - Anh ta kêu to - Đó là một thiên thần! Một thiên thần! Bà ấy cực kỳ dịu dàng, cực kỳ âu yếm đối với ông chồng già của bà. Nếu nghĩ rằng bà ấy đã có thể đầu độc ông ấy thì thật lố bịch. Lố bịch! Nhưng viên thanh tra ngu xuẩn ấy lại không nhận thấy thế.
- Anh muốn thế nào? Ông ấy đã gặp biết bao ông chồng già đã bị tống sang bên kia thế giới bởi các cô vợ trẻ đẹp đó sao!
Laurence Brown nhún vai bỏ đi đến khu để sách chiếm cả một góc phải và lục lọi điên cuồng các cuốn sách ở trên các giá. Tôi xét thấy tôi không thể khai thác thêm được gì nữa ở anh ta nên tôi lặng lẽ rút ra ngoài. Tôi đi theo hành lang và đến một cái cửa mở bên tay trái. Josephine đi ra đâm ngay vào tôi. Sự xuất hiện của nó làm tôi nghĩ tới hình ảnh ma quái trong các màn kịch câm ngày trước. Tay và mặt nó phủ đầy bụi và một mạng nhện vẫn còn mắc vào tai phải của nó.
- Em từ đâu chui ra thế Josephine?
Tôi liếc nhìn qua một cái cửa hé mở. Tôi nhận thấy có hai bậc thang dẫn đến một gian phòng rộng giống như một tầng trên cùng gần như chỉ chứa các bồn nước lớn.
- Em đã đến phòng để các bể nước.
- Em làm gì trong đó?
Nó trả lời tôi với vẻ cực kỳ trịnh trọng:
- Làm công việc của nhà thám tử.
- Vậy em hy vọng tìm thấy cái gì ở đấy?
Josephine làm ra vẻ chưa nghe thấy:
- Em cần đi tắm - Nó nói.
- Vậy thì, theo anh, đó là cần thiết!
Josephine đi vào một trong các phòng tắm. Đến cửa nó quay đầu lại nói:
- Em thấy có lẽ vụ án mạng thứ hai sắp xảy ra đến nơi rồi. Anh không có ý kiến ấy à?
- Án mạng thứ hai nào vậy?
- Này! Án mạng thứ hai! Trong các sách, sau một thời gian nhất định, thế nào cũng có một vụ án mạng thứ hai. Nạn nhân, chính là kẻ đã biết điều gì đó nên người ta phải giết đi để bịt miệng.
- Em đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám quá rồi đấy, Josephine. Cuộc sống không phải như thế... nên anh có thể đảm bảo với em rằng nếu trong nhà này có ai đó biết điều gì đó thì người ấy cũng chẳng định nói ra đâu.
Lời đáp của Josephine đến tai tôi giữa tiếng ồn của dòng nước chảy từ vòi:
- Đôi khi lại là một điều mà nạn nhân cũng không biết rằng mình đã biết đâu!
Tôi vừa lánh xa để Josephine tắm rửa, vừa cố tìm hiểu ý của câu nói khó hiểu này. Đến tầng dưới, tôi đi qua cửa dẫn đến cầu thang thì thấy Brenda từ phòng khách đi ra gặp tôi. Bà đặt tay lên cánh tay tôi và vừa nhìn vào mắt tôi vừa hỏi:
- Bây giờ thế nào?
Đó là một câu hỏi dưới dạng khác, ngắn gọn vài từ cũng giống câu Laurence Brown đã đặt ra cho tôi mấy phút trước đây. Tôi lắc đầu:
- Không có gì mới cả.
Bà ta buông một tiếng thở dài:
- Tôi sợ lắm!
Tôi dễ dàng tin bà vì chính tôi đã bắt đầu không còn cảm thấy dễ chịu trong ngôi nhà kỳ lạ này, nơi mà mọi người đều tỏ ra thù địch với bà ta. Tôi muốn làm bà yên lòng. Nhưng phải nói gì với bà đây? Bà có thể tin cậy vào ai? Tin vào Laurence Brown ư? Anh ta có thể làm gì được? Tôi muốn an ủi bà, muốn đến giúp bà. Nhưng bản thân tôi có thể làm được gì? Vả chăng tôi còn cảm thấy hết sức lúng túng với một cảm giác mơ hồ về khả năng phạm tội. Tôi nghĩ tới Sophia, nghĩ tới giọng khinh bỉ của nàng khi nàng bảo tôi: “Em biết! Bà ta đã xỏ mũi anh!”. Cả đến Sophia nữa, cô cũng không muốn để tôi làm trạng sư biện hộ cho Brenda. Đơn độc, bị nghi ngờ, Brenda phải tự bảo vệ mình. Bà nói tiếp:
- Cuộc điều tra diễn ra ngày mai. Điều gì sẽ xảy ra?
Về vấn đề này, tôi có thể an ủi bà:
- Không có gì cả đâu. Bà đừng lo! Người ta sẽ hoãn việc đó theo yêu cầu của chính cảnh sát. Trái lại, điều cần phải dự kiến đó là báo chí sẽ làm ầm ĩ lên. Đến lúc này, chưa có một nhà báo nào đưa tin là cái chết của ông Leonidès có thể không phải là cái chết tự nhiên. Gia đình Leonidès có nhiều mối quan hệ, nhưng cuộc điều tra hoãn lại thì các phóng viên sẽ vui thích.
Vui thích! Từ này diễn tả đúng ý nghĩ của tôi. Nhưng tại sao tôi lại không tìm ra một từ khác?
- Việc đó sẽ... ghê tởm phải không?
- Bà Brenda ạ, ở vào địa vị của bà, tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc phỏng vấn nào... Và lâu nay ai làm nhiệm vụ tư vấn cho bà?
Trước vẻ sợ hãi của bà, tôi thấy một lần nữa tôi đã lại chọn sai các từ.
- À không - Tôi chữa lại - Không phải là tôi nghĩ đến một luật sư! Điều tôi nghĩ là bà nên triệu đến một luật gia, một người bà ủy nhiệm để bảo vệ các quyền lợi của bà, chỉ dẫn cho bà về mặt thủ tục, vạch ra những gì bà phải nói và phải làm... cũng như những gì bà không nên nói và không nên làm.
Tôi nói thêm:
- Bà rất đơn độc, bà biết không, bà Brenda ạ?
Bàn tay bà ta bóp cánh tay tôi hơi mạnh hơn.
- Vâng, anh Charles, tôi hiểu... Anh giúp ích cho tôi... Xin cảm ơn, anh Charles, cảm ơn!
Tôi đi xuống cầu thang, rất hài lòng về mình. Bên dưới, tôi nhận thấy Sophia đứng gần cửa ra vào.
- Người ta đã phôn cho anh từ Luân Đôn, Charles! - Cô nói với tôi bằng giọng gọn lỏn - Bố anh muốn gặp anh.
- Ở Cục Cảnh sát?
- Vâng.
- Không biết ông cụ muốn gì ở anh. Người ta không nói gì à?
Sophia lắc đầu. Nỗi lo lắng hiện lên trong mắt nàng. Tôi kéo nàng sát vào tôi.
- Đừng lo, em yêu! - Tôi nói - Anh sẽ không vắng mặt lâu đâu!
Ngôi Nhà Cổ Quái Ngôi Nhà Cổ Quái - Agatha Christie Ngôi Nhà Cổ Quái