Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2020-10-23 04:17:18 +0700
Chương 15
Sau khi công ty khai trương, việc đầu tiên Lục Thư làm là đón Nhất Ức Lục lên thành phố. Cô đón em thì đương nhiên cũng đón luôn cả ông bố lên thành phố C. Khi ấy công ty mới đang làm ăn nên kinh tế của Lục Thư có hạn, cô phải thuê một căn nhà rộng hơn 40m2 ở gần Độc Tú Cư để hai bố con ở. Cô còn đến một trường tiểu học cạnh đó, xin cho Nhất Ức Lục vào học ghép lớp hai. Nhưng ngay buổi học đầu tiên, Nhất Ức Lục mang cặp sách đi khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt vẫn chưa quay về khiến cho Lục Thư rất lo, cô phải gọi điện cho Đào để anh cử người đi tìm. Mãi đến tận nửa đêm, cảnh sát mới đưa cậu ta về đến nhà. Lục Thư hỏi đi đâu, Nhất Ức Lục thản nhiên nói cậu ta đi chơi! Đi chơi ở đâu? Cậu ta nói đi đến một nơi vắng vẻ, có cây cối, có sông ngòi. Viên cảnh sát nói anh ta tìm thấy em cô ở công viên. Lúc công viên đóng cửa, mọi người đi về hết thì mới phát hiện ra em cô, anh liền đưa về đồn. Lục Thư cũng không nỡ trách mắng, cô sợ em mình giận dỗi đòi về quê không ở với chị nữa, nên chỉ nhanh tay dọn cơm cho em ăn, rồi cho nó đi ngủ.
Hôm sau, sự việc vẫn lặp lại giống như hôm trước, ban ngày Nhất Ức Lục chạy đi chơi biệt tăm, nhưng tối đến cũng biết quay về nhà ăn cơm rồi đi ngủ. Lục Thư nghĩ hay là đầu óc Nhất Ức Lục bị tổn thương do bố đánh, cô liền đưa em đến bệnh viện để kiểm tra toàn bộ. Kết quả là sức khỏe cậu ta rất tốt, chẳng có bệnh tật gì hết. Nhất Ức Lục còn rất thông minh, chỉ cần học được chữ nào đó là lập tức nhớ rất kỹ, không phải dạy tới lần thứ hai, cho nên không cần phải ôn luyện, đỡ được việc phải làm bài tập ở nhà. Cái ống tiêu “có nhiều lỗ, thổi thì kêu” mặc dầu không có ai dạy, nhưng Nhất Ức Lục cũng biết thổi tiếng bổng tiếng trầm nghe rất hay, tuy chẳng ai biết đó là khúc nhạc gì, nhưng ít nhất cũng chứng minh đầu óc của em cô không đến nỗi bị tổn thương, mà vẫn hoàn toàn bình thường. Nhưng em cô vẫn cứ buổi sáng ra đi, buổi tối mới về nhà, chứ không chịu đi học. Lục Thư sợ em mình mê chơi điện tử nên đành nhờ Đào phái người mặc thường phục ngầm theo dõi em mình xem nó đi đâu, làm những gì. Đào đồng ý, anh cho người ngầm đi theo em cô suốt một ngày. Buổi tối người này quay về báo cáo thì nội dung đúng như lời Lục Thư đã nói với chủ nhiệm Lưu:
- Lang thang khắp nơi trên đồng, nói chuyện với chim, với cá, với hoa lá!
Lục Thư không thể hiểu vì sao Nhất Ức Lục lại không thích đi học. Khi ấy, ông già bé nhỏ còn chưa trở thành nhà Quốc học nổi tiếng, chưa phải đi các nơi để giảng dạy cho sinh viên. Một hôm, Lục Thư mời ông đến Độc Tú Cư, nghiêm túc hỏi ông về tình trạng của em mình. Ông già vừa uống trà vừa đợi Nhất Ức Lục về để nhìn mặt. Mãi cho đến tận tối, Nhất Ức Lục mới đi chơi về.
Ông già vừa nhìn thấy Nhất Ức Lục liền dằn chén trà xuống bàn đánh “cạch” một tiếng, rồi nói với Lục Thư:
- Đứa bé này bẩm sinh đã kì lạ, không phải là vật nhốt trong lồng. Tôi khuyên em mấy chữ: mặc cho nó đi!
64
Ông bố Lục Thư sống hai tháng ở thành phố thì một mực đòi trở về quê. Ông nói ông ở thành phố không quen, ra phố thì ầm ĩ, ở nhà thì bức bối. Lại gặp lúc ở quê đang xây đập chứa nước Tam Hiệp, Nhà nước đã xây nhà tái định cư trên đồi để di dời dân đến đó cư trú. Nếu bố Lục Thư không về sẽ không được phân nhà mới, mà ông về quê đương nhiên phải đem theo Nhất Ức Lục theo. Chính vì thế, Nhất Ức Lục chỉ ở với chị hơn hai tháng trên thành phố rồi lại quê cùng bố.
Sau khi Nhất Ức Lục về quê, cứ cách một hai tháng Lục Thư lại về thăm em một lần, cô thấy Nhất Ức Lục chỉ ghi tên ở trường còn nó vẫn ngày ngày rong chơi khắp nơi, không đi học cũng không phá quấy. Nghĩ đến câu ông già bé nhỏ nói Lục Thư cũng đành mặc cho nó đi chơi. Về công việc làm ăn thì sau hơn hai năm, Lục Thư không những trả hết nợ mà còn ăn nên làm ra, công ty hữu hạn cổ phần văn hóa giải trí Độc Tú Cư ngày càng hưng thịnh! Lục Thư vừa có Đào bên cạnh, vừa có tiền trong túi, cô chỉ bận tâm lo nghĩ cho Nhất Ức Lục thôi. Nhưng cứ một hai tháng, cô lại phải chạy đi chạy về thì mệt vô cùng! Dân quê cô từ khi định cư ở trên đồi thì phần lớn không làm ruộng mà chỉ trồng vườn cây ăn trái, hoặc mở một cửa hàng buôn bán nho nhỏ. Bố Lục Thư cũng không ra đồng làm ruộng nữa, hàng ngày ông chỉ ngồi trên đồi ngắm phong cảnh, thư giãn đầu óc. Ông cũng biết nếu Nhất Ức Lục không ở với ông thì số lần Lục Thư về thăm nhà sẽ không nhiều như hiện nay nữa, thế là ông giữ riết Nhất Ức Lục bên mình. Việc này khiến Lục Thư lo lắng không yên.
Hiểu được tâm tư của cô, Đào bảo Lục Thư:
- Sao em không thử nghĩ xem, mẹ em mất đã mười mấy năm trời, bố em chẳng còn ai bên cạnh, ngoài em trai em. Cho dù không thích nó nhưng ông vẫn muốn nó ở bên cạnh mình, đó là lẽ thường tình của con người ta! Bố em năm nay mới ngoài năm mươi, vẫn còn khả năng sinh hoạt vợ chồng! Em chỉ lo chuyện chăn gối của chúng mình mà không nghĩ gì đến bố em, thì thật chẳng hay chút nào! Bây giờ trừ phi chúng ta tìm vợ mới cho bố em thì bố em mới chịu buông thằng bé ra, nếu không nó sẽ chẳng đi đâu được, chỉ còn nước đợi đến khi ông cụ mất mà thôi! Nhưng chúng ta chẳng bao giờ lại muốn ông cụ mất sớm, thế nên em đừng nôn nóng, nôn nóng cũng chẳng giải quyết được việc gì. Điều quan trọng là ta phải nhanh chóng tìm bạn đời cho bố em, cũng là tìm cho em một bà mẹ kế.
Lục Thư nghe xong chợt hiểu ra, cô liền về quê nghe ngóng khắp nơi để tìm một người phụ nữ đơn chiếc thích hợp với bố mình. Nhưng đối tượng như vậy rất khó tìm: không được quá già mà cũng không thể quá trẻ, phải vào quãng từ bốn mươi đến năm mươi; không có con cái, vì nếu người ấy có con riêng thì bố cô sẽ nghĩ thà ở với Nhất Ức Lục còn hơn. Còn một vấn đề quan trọng hơn nữa là, dân di dời đều muốn vào thành phố, nhất là những góa phụ đơn chiếc; bà góa nào cũng chỉ muốn lấy chồng thành phố chứ chẳng ai lại ngu ngốc lấy chồng chốn núi đồi hoang vu. Dù lên phố huyện làm người giúp việc còn hơn là làm vợ một ông già cô quả ở trên đỉnh đồi. Bởi vậy, mấy lần Lục Thư đi tìm đều công cốc quay về!
Đào thấy Lục Thư lần nào trở về mặt mày cũng đều ủ ê, nghe cô kể về những khó khăn trong việc tìm vợ cho cha, anh liền nói:
- Anh có cách rồi. Anh thử đến trại cải tạo xem trong số các nữ phạm nhân sắp được tha có người nào thích hợp không nhé. Anh nghĩ thế nào cũng có, chỉ cần đối xử tốt với người ta một chút là được. Nhưng tìm được rồi, em đừng nói cho bố em biết thân phận của người đó nhé, anh sợ ông cụ nhất thời không đồng ý.
Thoạt nghe Đào nói, Lục Thư cũng có chút do dự. Tìm một nữ phạm nhân đã ngồi tù làm mẹ kế, Lục Thư thấy chướng quá. Nhưng Đào ra sức thuyết phục:
- Em đừng coi thường những người phụ nữ đó. Cũng giống như việc em từng làm tiểu thư; họ cũng có nỗi khổ riêng, nào có ai sinh ra đã là kẻ xấu đâu! Cho dù rất yêu em, nhưng anh không thể không nhắc em “đừng có quên đau sau khi đã khỏi nhọt!”.
Lục Thư không cần nghe gì nữa, chỉ cần anh nói anh yêu cô là đã đủ lắm rồi.
65
Thực ra, Đào đã có ý nghĩ đó từ lâu và đã lên kế hoạch từ trước, chỉ còn đợi Lục Thư bằng lòng nữa là xong. Sau đó hai hôm, anh bảo Lục Thư cùng anh đến trại giam nữ ở ngoại thành. Có người quen thật dễ làm việc, giám thị trại giam thấy hai người đến, vội ra đón họ vào văn phòng. Sau mấy lời hỏi thăm, người giám thị rút một túi hồ sơ trong ngăn kéo, nói với Đào và Lục Thư:
- Trước hết tôi sẽ giới thiệu qua về tình hình của người phụ nữ mà tôi tìm giúp cho anh chị. Hai người thử xem có thích hợp hay không, nếu thấy không thích hợp thì tôi lại tìm người khác. Người nữ phạm nhân này tên là Hoàng Tiểu Mai, năm nay 43 tuổi. Ban đầu chị ta lấy một người họ Hán và sinh được hai con, đứa đầu lên bảy còn đứa thứ hai mới được hai tuổi. Đứa lớn mắc bệnh nặng phải chạy chữa tốn kém. Hai vợ chồng họ chỉ là nông dân bình thường lấy đâu ra tiền mà chữa bệnh cho con? Khi đó Nhà nước đang tuyên truyền chính sách sinh đẻ có kế hoạch, nếu phụ nữ đã có con mà chịu thắt ống dẫn trứng sẽ được hai trăm tệ, vì hai trăm tệ này mà Hoàng Tiểu Mai đã đi thắt ống dẫn trứng! Nhưng hai trăm tệ đó cũng không chữa được bệnh cho con, đứa con đầu của họ đã chết! Họa vô đơn chí, đương lúc đau đớn vì con chết thì đứa con thứ hai của họ lại bị một tên buôn người lừa bắt đi, nghe nói là nó bị đưa đi bán tận vùng Sơn Tây, Hà Bắc, như vậy thì làm sao mà tìm lại được? Lúc ấy, Hoàng Tiểu Mai đã thắt ống dẫn trứng rồi làm sao sinh con được nữa, rồi chồng chị vì muốn kiếm thêm mụn con mà ngày ngày gây chuyện với chị, ầm ĩ đến mức phải ra tòa li dị. Sau khi li hôn Hoàng Tiểu Mai không biết đi đâu, về nhà mẹ đẻ thì không có nơi để ở, cũng chẳng có ruộng vườn để cày cấy, chị đành lên phố huyện tìm việc làm. Nhưng phố huyện cũng chẳng có việc để chị làm. Sau đó thì... phải xem ý kiến của anh chị thế nào.
Nói đến đây, giám thị hắng giọng mấy cái rồi nói tiếp “Sau đó chị ta bị một tên ma cô ép làm bướm đêm một thời gian”.
Giám thị tưởng Lục Thư không hiểu bướm đêm nghĩa là gì, nên anh giải thích với Lục Thư. “Bướm đêm là loại gái mại dâm đứng bắt khách ở bên đường. Anh chị đừng khinh ghét chị ấy vì chuyện này nhé. Đâu được vài hôm thì chị ấy bị công an bắt, tạm giam mười lăm ngày. Có một quản giáo ở trại rất ưng chị. Sau khi chị ta được tha thì anh này đưa chị về ở cùng. Anh chàng quản giáo này có một đứa con riêng mười tuổi, tính tình ngang bướng, nó đã không gọi chị là mẹ lại còn sai bảo, đánh đập chị như người ở! Một hôm, chị dắt thằng bé ra ngoại ô thị trấn để hái rau dại. Lúc đó trời bỗng mưa rất to, đường đất trơn trượt khó đi, Tiểu Mai và đứa bé đều bị trượt chân ngã xuống sông, chuyện sau đó như thế nào thì rất khó nói. Chỉ biết chị về nhà một mình còn thằng nhỏ thì đã bị chết đuối! Chị nói chị đã cố hết sức để cứu thằng nhỏ nhưng không được vì chị không biết bơi. Tuy nhiên, vì thường ngày quan hệ giữa chị và nó không tốt nên bố đứa trẻ đã tố cáo chị cố ý mưu hại con anh ta. Tòa án phán xử như thế nào đây? Nếu bảo chị đẩy thằng bé xuống sông, cố ý mưu sát thì làm gì có nhân chứng, còn nếu nói do không cẩn thận cả hai cùng ngã xuống sông, thì dù chị có cố gắng cứu đứa bé thì cũng không có ai chứng kiến. Tòa sợ áp lực từ bên nguyên nên đã xử chị vào tội “vô ý làm chết người”, kết án mười năm tù. Thật lòng mà nói, trong thời gian ngồi tù chị đã cải tạo rất tốt. Đợt trước ở đây có trận lụt lớn, trong khi các phạm nhân khác đều di chuyển đi chỗ khác, thì chị đã xả thân cứu người khác trong cơn nguy hiểm, cấp trên đã biểu dương chị, chuyện này còn được đăng trên báo cơ đấy. Hiện nay, chị đã cải tạo được hơn sáu năm, lao động rất giỏi giang chăm chỉ, gương mẫu trong việc giữ gìn kỷ luật, cấp trên cho rằng việc trả tự do cho chị cũng không nguy hại gì đối với xã hội; nên chúng tôi đã thông báo với chị ấy là chị sẽ được tha trước thời hạn. Chúng tôi đã gặp riêng chị động viên nói chuyện, nhưng chị ấy không muốn trở về với xã hội, vì ở bên ngoài chị không còn ai nương tựa, chị ấy muốn được ở lại trại. Anh Đào chắc biết Nhà nước ta hiện vẫn chưa có chính sách đó! Nếu anh chị thấy thích hợp thì tìm một nơi tử tế để chị ta gửi thân; nếu không thì ta sẽ trao đổi sau.
Đào liếc nhìn Lục Thư thấy cô không có ý kiến gì, anh liền nói với giám thị trại giam:
- Nếu vậy, anh cho chúng tôi gặp mặt chị ấy trước đã!
Giám thị gật đầu đáp:
- Tốt rồi! Anh chị nghe tôi kể mà không có ý kiến gì là tốt rồi, vậy xin mời hai người theo tôi đến phòng thẩm vấn ở phía bên kia. Anh Đào sẽ vào đó cùng tôi, còn chị Lục thì vào phòng bên cạnh quan sát. Anh Đào, anh thấy thế nào?
Đào bảo Lục Thư:
- Cứ như thế nhé, trại trưởng là người rất chu đáo! Cô cứ ở phòng bên theo dõi, không nên vừa tới đã gặp mặt chị ta ngay. Nếu cô thấy không vừa ý thì cũng không làm chị ta khó xử.
Giám thị dẫn Đào và Lục Thư đến phòng thẩm vấn, rồi để Lục Thư ngồi ở phòng bên. Anh bảo Lục Thư:
- Chị ngồi ở đây nhé, từ cái cửa kính này chị có thể xem và nghe chúng tôi nói chuyện. Còn chúng tôi thì sẽ không nhìn thấy và cũng không nghe thấy chị nói gì đâu. Thực ra chúng tôi cũng không có gì phải hỏi Hoàng Tiểu Mai cả, nếu chị thấy được thì cứ gõ hai tiếng vào tấm cửa kính, còn nếu không thì là một tiếng! Tôi sẽ theo ám hiệu của chị mà xử lý, nếu được tôi sẽ nói với chị ta vài lời, còn nếu không được thì tôi sẽ không hỏi gì nữa mà đưa chị ta về trại luôn. Chị thấy như thế có được không?
Lục Thư rối rít cảm ơn anh:
- Cảm ơn, cảm ơn anh! Thật làm phiền anh quá, rõ là không phải chút nào!
- Chị đừng khách sáo, phiền phức gì đâu. Việc anh Đào nhờ, tôi nhất định phải hoàn thành. Hơn nữa, đây cũng là một việc tốt! Không ít phạm nhân nữ sinh ra đã chịu khổ. Không biết chị có tin số mệnh của con người hay không nhưng tôi thì tôi tin! Có người số sướng thì có người số khổ, cuộc đời là thế mà!
Trong căn phòng trống không, không bày biện gì đáng kể ngoài một cái bàn và hai cái ghế, trên mặt tường có một khung cửa lớn mà khi nhìn lại hóa ra là một tấm gương to. Lục Thư ngồi xuống, cô vừa căng thẳng, lại vừa tò mò. Nhìn qua cửa kính Lục Thư có thể thấy rất rõ mọi vật ở phòng bên. Thoạt đầu, Lục Thư nhìn thấy Đào và giám thị cùng ngồi trước bàn thẩm vấn trò chuyện vui vẻ. Ít phút sau, một anh công an trại giam dẫn một phụ nữ mặc bộ quần áo tù đi vào phòng. Lục Thư ngắm kỹ chị ta, ấn tượng ban đầu rất tốt! Chị này người tầm thước, mày thanh mắt nhỏ, gương mặt hồng hào, thân thể khỏe mạnh, xem ra có vẻ trẻ hơn tuổi nhiều, chắc hồi trẻ chị là người có nhan sắc, nếu không thì người quản giáo đã chẳng mê chị mà đưa chị về nhà. Nếu chị ấy chịu ở với bố mình thì bố mình quả là người có phúc! Nghĩ tới cảnh thê lương và khốn khổ hôm mình mới chân ướt chân ráo vào thành phố lạ lẫm, vô định giữa đường phố giống như lời giám thị nói, có người số sướng, có người số khổ, nếu hôm ấy chẳng may mình gặp phải một tên lừa đảo, bị hắn uy hiếp, ép buộc thì chưa biết chừng mình đã trở thành gái đứng đường cũng nên. Nghĩ tới đây Lục Thư nảy sinh niềm cảm thông, bất giác cô gõ hai tiếng lên cửa kính.
Vừa nghe thấy hai tiếng gõ của Lục Thư, Đào và Giám thị liền bảo Hoàng Tiểu Mai ngồi xuống. Tiểu Mai lí nhí một tiếng “Cảm ơn!” rồi rón rén ngồi xuống mép ghế. Giám thị giả bộ lật xem hồ sơ của cô, nhân đó Đào đi sang phòng bên này:
- Sao quyết định nhanh thế? Em nên xem xét kỹ, nếu không sau này lại hối hận, lúc ấy thì chuyện sẽ chẳng ra làm sao cả!
Nhưng khi thấy Lục Thư rơm rớm nước mắt thì anh không gặng hỏi nữa, chỉ nói “Thôi, để anh trở lại phòng đó, nói cho chị ta rõ”. Dứt lời, anh quay lại căn phòng vừa rời khỏi.
Giám thị thấy Đào bước vào nhìn anh khẽ gật đầu thì biết Lục Thư đã đồng ý, liền hỏi Hoàng Tiểu Mai:
- Sao vậy? Đội trưởng của các chị phản ảnh chị có điều gì đó không yên tâm. Có chuyện gì thế? Được tha trước thời hạn là chuyện tốt mà, người khác muốn cũng chả được! Chị hay thật đấy, được về sớm mà lại thở vắn than dài. Hay là có chuyện buồn gì à?
Hoàng Tiểu Mai cúi đầu, im lặng. Thấy giám thị hỏi, chị mới khẽ trả lời:
- Thưa giám thị, em xin cám ơn lòng tốt của lãnh đạo và sự quan tâm, giáo dục trong nhiều năm nay của Đảng và Chính phủ! Chỉ là vì hoàn cảnh của em không giống mọi người. Khi được tha, mọi người đều vui vẻ trở về nhà, đoàn tụ cùng người thân. Còn em thì không có nơi để về, hơn nữa em ở đây cũng đã quen rồi, em thấy đây mới chính là nhà của mình nên em xin cán bộ cho em được ở lại. Em biết làm nhiều việc lắm, cán bộ cứ yên tâm.
- Có ai không yên tâm về chị đâu? Chính vì yên tâm nên chúng tôi mới sớm thả chị đó! Còn việc chị sẽ về đâu sau khi ra khỏi trại, lãnh đạo đã nghĩ đến việc đó giúp chị rồi! Chúng tôi sẽ tìm cho chị một nơi thích hợp để chị sống vui vẻ. Chị còn trẻ mà, mới chỉ khoảng bốn mươi thôi, chưa biết chừng, tôi còn được mời uống rượu mừng của chị nữa đấy!
Dứt lời, giám thị cười lớn, Hoàng Tiểu Mai cũng ngượng ngùng cúi đầu e thẹn mỉm cười. Lục Thư thấy Hoàng Tiểu Mai cười trông càng hiền lành đáng mến, cô chỉ mong nhanh nhanh chóng chóng được trò chuyện với chị; khi thấy Đào vẫn ngồi yên vị không nói gì, cô vội gõ thêm hai tiếng vào cửa kính để nhắc anh. Đào hiểu ngay ám hiệu của Lục Thư, anh biết sau này anh sẽ phải gọi là “dì” hoặc “bác gái” với người nữ phạm nhân đang ngồi trước mặt này. Riêng anh, anh cũng cảm thấy có thiện cảm với chị ta nên liền lịch sự nhìn Hoàng Tiểu Mai, từ tốn giới thiệu:
- Chào chị! Tôi họ Đào, chị cứ gọi tôi là Đào cảnh sát. Tôi muốn hỏi chị một câu, sau khi ra khỏi đây chị muốn ở thành phố hay ở nông thôn?
Hoàng Tiểu Mai xưa nay chưa từng thấy một sĩ quan cảnh sát điển trai nào lại cung kính, lễ độ với mình như vậy, nên chị cũng đứng lên chào anh rồi bẽn lẽn nói:
- Tôi thật lòng muốn được ở lại đây. Nếu lãnh đạo không đồng ý thì tôi đâu dám kén chọn, tôi sẽ nghe theo sự sắp xếp, bố trí của lãnh đạo.
Đào nói tiếp:
- Chị thấy đấy, giám thị đã phải suy nghĩ rất nhiều về chuyện tìm cho chị một nơi để đi về sau khi chị ra khỏi nơi này! Hôm nay, giám thị và tôi mời chị tới đây chúng tôi không coi chị là phạm nhân, mà xem chị như một người bình thường để cùng trò chuyện. Nếu chúng tôi bố trí cho chị ở một nơi rất tốt tại nông thôn để yên ổn làm ăn thì ý chị thế nào? Vì thế chúng tôi mới hỏi chị muốn ở thành phố hay về nông thôn? Chị đừng e dè gì cả, cứ nói thẳng với chúng tôi.
Hiểu được ẩn ý muốn chị về nông thôn trong câu, Hoàng Tiểu Mai lập tức nói:
- Thật lòng mà nói thì tôi vẫn thấy ở nông thôn tốt hơn. Tôi vốn lớn lên ở nông thôn, có những việc ở thành phố tôi không hiểu. Chính vì tôi lên thành phố nên mới gặp phải những chuyện như vậy, nếu không thì đâu có xảy ra cơ sự gì!
- Tốt! - Đào nói. - Vậy đợi đến hôm chị ra tù, tôi sẽ tới đây đón chị. Nghe giám thị nói từ nay đến khi xong mọi thủ tục, thì khoảng chừng một tháng nữa là chị có thể ra tù. Trong thời gian này chị cứ an tâm cải tạo nốt, nhưng cũng cần chú ý giữ gìn sức khỏe đấy nhé!
66
Sau khi trở về nhà, Lục Thư không còn vẻ sầu muộn nữa, niềm vui khiến gương mặt cô sáng ngời. Hơn cả phạm nhân mong ngóng ngày phóng thích, cô nóng lòng muốn được nói chuyện với Hoàng Tiểu Mai.
Đào nói:
- Em không cần sốt ruột. Anh đã nghĩ được một cách khiến bố em tự nguyện đưa em trai em đến ở với chúng ta rồi. Nếu chúng ta chủ động giới thiệu Hoàng Tiểu Mai với cụ thì không chừng cụ sẽ nghi ngờ. Cụ có thể sẽ nghĩ, thì ra chúng nó cứ nói mãi về việc này chẳng phải vì muốn bố được vui vẻ hạnh phúc mà là muốn mang thằng em đi! Thêm nữa có thể bố em đồng ý kết hôn với Hoàng Tiểu Mai nhưng không chịu để thằng bé đi với chúng ta. Nếu như vậy thì mọi công sức đổ xuống sông xuống bể cả! Ông già nghiên cứu Quốc học của em có nói một câu rất ấn tượng với anh. Ông ấy bảo Hàn Phi Tử có nói “Việc thành là do biết giữ bí mật, việc hỏng là do tiết lộ ra ngoài”, cho nên em không được khua chiêng gõ trống nói hết mọi chuyện với Hoàng Tiểu Mai! Lúc đầu em còn phản đối chuyện này, thế mà sao bây giờ lại đồng ý nhanh thế? Làm chuyện gì cũng phải thận trọng chứ, em đừng nóng vội quá. Trong việc này em cũng đừng nên nhúng tay vào! Em mà nhúng tay vào thì trong lúc xúc động mạnh, không biết em còn có thể nói những gì với Hoàng Tiểu Mai khiến chị ta rối tinh rối mù lên! Em cứ nghĩ mà xem, Hoàng Tiểu Mai ở trong trại giam ngần ấy năm trời, chỉ quen cách nói chuyện ở trong trại giam, chứ làm sao mà quen được với cách nói năng như em. Nếu bây giờ, chỉ trong ít phút mà em kể hết sự thật rồi đưa ra yêu cầu của em thì sẽ làm cho chị ấy hoảng sợ, thậm chí còn cho rằng em lợi dụng để làm việc không tốt. Đã bị lừa một lần rồi nên chị ấy không dám làm điều gì bất chính đâu, chị ấy chỉ quen làm theo lệnh của lãnh đạo thôi. Trước tiên, anh sẽ nói chuyện theo kiểu như trong trại giam, ra lệnh chị ấy phải làm như thế này thế khác. Chỉ có cách ấy mới có thể se duyên cho bố em và Tiểu Mai thôi, có như vậy ông cụ mới muốn đẩy thằng bé đi càng xa càng tốt!
Lục Thư ôm cổ Đào, hôn lấy hôn để, khen ngợi:
- Anh tài thật đấy! Giỏi quá đi mất! Tối nay em sẽ phục vụ anh thật tốt!
Anh vội né người tránh cô:
- Được rồi, được rồi! Lần nào em cũng làm anh mệt nhoài cả người. Đợi khi nào làm xong việc này, rảnh rỗi anh sẽ đến để tận hưởng sự phục vụ của em.
67
Ngày hôm sau Đào lái xe về quê Lục Thư, sau hai hôm anh trở lại, nói với cô - Tốt rồi, em cứ đợi điện thoại của bố bảo em về đón em trai đi nhé!
Hôm Hoàng Tiểu Mai ra tù, cảnh sát Đào đích thân đón chị về quê của Lục Thư. Tranh thủ mấy tiếng đồng hồ ngồi cùng trên xe, anh kể một phần kế hoạch se duyên cho Tiểu Mai nghe để chị biết nên làm thế nào, mà cũng là làm quen với nhau để chị thấy mọi người trong nhà đều rất tốt bụng. Điều này sẽ khiến chị yên tâm và phối hợp khéo léo với anh hơn. Chưa đầy một tuần sau đó, Lục Thư nhận được điện thoại của bố, ông nói ông đã tìm được đối tượng kết hôn và yêu cầu Lục Thư về đón em lên thành phố, Lục Thư giả vờ nói:
- Bố lấy vợ là chuyện vui của cả nhà, con sẽ về để uống rượu mừng, nhưng em con ở cùng với bố và dì thì chẳng phải sẽ càng vui vẻ sao? Mà em nó được dì chăm nom thì con ở đây càng yên tâm!
Giọng bố cô gắt lên trong điện thoại:
- Vui vẻ cái nỗi gì! Nó cứ chạy nhông nhông suốt từ sáng đến tối khiến bố rất bực mình. Nó không ở cùng, bố càng thoải mái hơn! Thôi, con mau về nhà đi, mau về nhà đi! Con muốn yên tâm thì để nó ở bên con là tốt nhất! Mau về đón nó đi, để bố được yên thân!
Thì ra Đào đã đến trụ sở công an ở quê Lục Thư để nhờ bạn bè bố trí một “cái bẫy”; mấy cậu công an ở đó cứ cười sằng sặc, họ sốt sắng tham gia kế hoạch để tác thành cho một việc tốt đẹp.
Khi ấy, bố Lục Thư rất lấy làm lạ vì thấy ngày nào cũng có các anh công an đến nhà hỏi han này nọ, lãnh đạo công an huyện cũng chạy đến thăm hỏi cứ như ông là một vị lão thành cách mạng nghỉ hưu không bằng. Mà lạ một cái là anh nào cũng nói giống nhau: “Ông đã nhiều tuổi rồi mà không có người ở bên cạnh chăm sóc, thật đáng thương. Ở nhà thì cứ thui thủi một mình, không ai trò chuyện; ra ngõ thì nhà cửa chẳng ai trông coi. Mùa hạ không có ai quạt mát, mùa đông không có người ủ chăn; ngủ một mình đến chăn cũng lạnh, cuộc đời sao mà buồn thế?”. Bố Lục Thư thấy mọi người quan tâm đến mình như vậy thì cũng thầm tủi cho thân phận lẻ bóng của mình. Nghĩ lại ông thấy bao nhiêu năm qua mình sống trong cảnh chiếu đơn chăn lạnh quả thực là khốn khổ; vợ mất đã hơn mười năm nay, lời trăn trối của bà ấy là cho con gái đi học cũng đã thực hiện xong, chẳng còn điều gì không phải với bà ấy cả! Lục Thư mỗi tháng biếu một nghìn tệ, chẳng những tha hồ ăn tiêu xả láng mà dù có đổi ra tiền xu ném xuống Trường Giang từ sáng đến tối cũng không hết. Còn nếu có người tâm tình bên cạnh thì có khi chả đủ mà tiêu.
“Mẹ nó chứ! Sao mà mình khờ khạo thế cơ chứ! Sao lại không nghĩ ra nhỉ? Tự dưng phải chịu khổ bao năm. Khẩu hiệu của đồn công an sao mà đúng thế: Vì nghĩa quên thân vì dân phục vụ! Mấy chú công an quả là chu đáo quá!” - Ông già nghĩ.
Lãnh đạo công an huyện ra chỉ thị tìm cho ông già một người bạn đời, yêu cầu cấp dưới phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Đàn ông góa vợ, đàn bà góa chồng sống độc thân mười mấy năm không nghĩ đến chuyện tục huyền tái giá thì thôi, nhưng hễ nghĩ đến rồi thì chẳng khác gì đê vỡ, nước ào ào dâng lên, không gì ngăn nổi! Mấy cậu công an đã khơi dậy ý định tục huyền của bố Lục Thư, khiến cho ông già suốt ngày ngồi đứng không yên. Nhưng bố Lục Thư cũng vấp phải khó khăn giống như cô, đó là tìm đâu ra một quả phụ thích hợp để lấy? Mấy anh công an cũng than thở về việc khó lòng hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên đã giao cho, lúc nào đến nhà ông cũng thất thểu, khổ sở. Nhưng sau đó ít ngày, họ lại vui mừng chạy đến nói:
- Được rồi, được rồi! Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được cho bố già đấy! Bên bờ sông có một chị quả phụ sống một mình, là một trong số những hộ dân phải di dời nhưng chị ta cứ bám lấy bờ sông không chịu chuyển đi, gây cản trở cho việc xây dựng đập chứa nước Tam Hiệp. Hôm nào chúng tôi sẽ đưa chị ấy đến đây để hai người gặp mặt, chị ấy mà thấy gia đình có điều kiện, bác lại vẫn còn tráng kiện, nhà lại neo người thì thể nào cũng sẽ bằng lòng chuyển đến đây thôi. Bác hãy giúp sức cho việc xây dựng đập chứa nước Tam Hiệp nhé!
Ngày hôm đó, bố Lục Thư thay quần áo mới, chải đầu rửa mặt sạch sẽ. Ông thân sinh của Lục Thư và Nhất Ức Lục tuy lâu nay làm ruộng vất vả, nhưng chỉ cần sửa soạn đôi chút thì còn oai hơn cả mấy ông cán bộ hưu trí trên thành phố ấy chứ.
Buổi sáng hôm ấy, bố Lục Thư quả nhiên thấy có anh công an đưa một người phụ nữ trung niên đến, ông vội vàng ra đón vào nhà. Ai ngờ khi vừa nhìn thấy Hoàng Tiểu Mai, ông tưởng chừng như được nhìn thấy tiên nữ giáng trần, như bị trúng tiếng sét ái tình, cái phần đàn ông bên dưới của ông lâu nay vốn vẫn vô tri vô giác bỗng nhiên trỗi dậy. Ông luống cuống không biết phải tiếp đãi như thế nào cho phải, tay ông run đến nỗi ấm chén va vào nhau loảng xoảng, rơi vỡ mấy cái liền. Anh công an thấy vậy cười thầm trong bụng, biết rằng cá đã cắn câu, bèn cố ý dẫn Hoàng Tiểu Mai đi xem khắp nhà rồi nói:
- Chị thấy chưa? Tivi, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng thứ gì cũng có, những thứ này đều là đồ gia dụng cao cấp của người thành phố đấy. Chị ở đây thì cơm nước, giặt giũ đều rất tiện.
Bố Lục Thư vội nói:
- Không cần, không cần, những việc đó không cần cô phải động tay! Tôi làm được tất! Mấy thứ này đều do con gái tôi ở thành phố sợ tôi vất vả nên mua cho đấy! Có mấy cái máy này thì giặt giũ hay nấu nướng đều rất nhanh mà không tốn sức, nhưng mấy việc đó không cần cô nhúng tay vào đâu!
“Nàng tiên” chỉ ngoan ngoãn theo anh công an đi xem một vòng quanh nhà, nhưng không nói gì hết. Bố Lục Thư thì chẳng khác gì chú chó tơ cứ lót tót đi sau “nàng tiên” mà thèm rỏ dãi! Còn anh chàng công an đưa “nàng tiên” xem nhoáng nhoáng một lát rồi cả hai lại đi ngay. Tối đó, bố Lục Thư hết trở dậy lại nằm xuống, suốt đêm trằn trọc không thể nào chợp mắt nổi!
Hôm sau anh công an lại đến, tỏ ra rất khó nghĩ, nói:
- Chị ấy cũng vừa lòng bác đấy, nhưng hiềm nỗi nhà bác còn có một cậu con trai, không hiểu chị ấy nghe ai nói mà biết con trai bác ghét đi học, cứ rong chơi suốt ngày. Chị ấy sợ sau đây về ở với bác sẽ khó bảo ban, dạy dỗ nó. Chị ấy sống một mình quen rồi, nên cứ nghĩ đến ở với cha con bác thì lại thêm gánh nặng. Nếu bác đưa con trai đến sống ở nơi khác thì chắc hỉ sự sẽ thực hiện được ngay.
Bố Lục Thư vội đáp:
- Được, được, được! Chị nó ở thành phố cũng đang muốn đưa nó lên. Tôi sẽ gọi điện bảo chị nó về đón ngay đây.
Hôm Lục Thư về nhà đón Nhất Ức Lục, cũng là hôm bố cô thành thân với Hoàng Tiểu Mai.
Tất cả mọi nơi từ trong nhà ra đến tận ngõ đều được quét dọn sạch sẽ, treo đèn, kết hoa, chỗ nào cũng dán chữ song hỷ đỏ rực! Còn Nhất Ức Lục thì bỏ đi chơi mất tăm mất tích! Hoàng Tiểu Mai chỉ trang điểm nhẹ nên trông chị trẻ ra rất nhiều, so với mấy bà trung niên ở quê có thể nói nhan sắc chị vào loại xuất chúng. Lục Thư vừa nhìn thấy Hoàng Tiểu Mai, đã gục đầu vào vai chị òa khóc. Mọi người đều nghĩ cô vui quá nên khóc, nên ai nấy đều để mặc cho hai người chuyện trò tâm sự với nhau. Hoàng Tiểu Mai thấy “con gái” vừa xinh đẹp, lại vừa thân thiết với chị, nên rất xúc động, trong lòng dâng trào niềm sướng vui chưa từng có, hai người ôm nhau vừa khóc, vừa cười!