Số lần đọc/download: 138 / 19
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:38 +0700
XIII - Kho Tàng
R
ồi Tâm được ông Bẩy Rỗ đưa đi các nơi để xem những chỗ làm ăn.
Lần đầu, Tâm được đứng ra phía ngoài cổng thì lấy làm khoan khoái lắm. Tâm ngắm đường xá, núi non mãi không biết chán. Tâm theo ông Bẩy đi. Đường thì cong queo, lên dốc, xuống dốc. Có lúc phải trèo qua những tảng đá lớn. Tâm nhận thấy ông Bẩy tuy đã già, nhưng còn khỏe lắm. Ông không tỏ ra sự mệt nhọc bao giờ; trái lại, mỗi lần Tâm thấy hoa mắt, ù tai mà thở, thì ông vẫn thoăn thoắt nhanh nhẹn, vịn hòn đá nọ, rẽ cành cây kia, rồi chui rúc vào những chỗ cheo leo, nguy hiểm.
Thỉnh thoảng qua những lối đi khó, ông phải chìa tay dắt Tâm đi. Thấy Tâm hổn hển thở, ông cười nói:
— Con còn ít tuổi yếu đuối quá, chưa đủ sức để học nghề thày, trông thấy con vất vả, thày thương quá.
Cố làm bộ vui vẻ, Tâm đáp:
— Thưa thày, con tưởng một hai lần trèo thế này rồi chân con nó quen đi, con sẽ không thấy mỏi mệt nữa.
Ông Bẩy gật đầu:
— Phải, con nên bền gan, hễ chóng chán thì làm gì cũng hỏng.
— Mà làm nghề của thày càng nên bền gan, phải bạo dạn và quen sự nhọc nhằn.
Ông Bẩy cười:
— Thôi, con đừng nói nhiều, vì thày thấy con vừa nói vừa thở. Đã mệt mà hay nói thì càng mệt thêm. Hay là thày đứng lại cho con nghỉ một chút.
Tâm đứng dừng lại, quay mình nhìn xuống. Cánh đồng như bàn cờ. Làng mạc chỉ là đống lá xanh rì đặt trên chiếc thảm hoa lý. Đường xá thì còng quèo, như con rắn dài màu son, nằm phơi nắng.
Tâm cố nhận mà không thấy nhà ông Bẩy đâu, bèn hỏi. Ông Bẩy đáp:
— Đứng phía này mà con hỏi nhà ta à? Nhà ta có ở trong những xóm này đâu. Nó về phía góc kia, lấp tảng đá này, không trông thấy.
Tâm sực nghĩ ra, hối hận rằng không cố nhận đường đi để dễ nhớ. Tâm hỏi. Ông Bẩy cười:
— Thế thì con hớ quá. Nếu làm đường riêng như vậy, thì ai không tìm thấy. Thày chỉ cốt kín đáo.
— Từ đây đến chỗ thày định đưa con đến, gần hay xa?
— Sắp đến nơi rồi, trèo qua một dốc nữa thì tới.
Tâm nóng ruột muốn xem ngay nơi ấy bèn nói với ông Bẩy đi.
Lần đi sau, không nhọc nhằn lắm. Độ chừng nửa giờ, thì Tâm tới trước một tảng đá.
Ông Bẩy đứng lại, nói:
— Đến nơi rồi.
Đoạn ông dang hai tay ra để thở, và bảo Tâm:
— Con nhìn xuống chân núi mà xem, có thấy rợn không.
— Bẩm không.
— Thế thì tốt. Nhiều người lên trên cao, không dám nhìn xuống, thế thì nhát quá.
Rồi ông trỏ tảng đá, hỏi Tâm:
— Con quanh đây, rồi tìm cho thày một cái gì mà con lấy làm lạ.
Tâm nghe lời ông Bẩy, cố nhận xét từng tý, song không có cái gì đáng chú ý cả. Tâm càng ngạc nhiên, đến gần ông Bẩy, nói:
— Bẩm thày, con thấy như thường.
Ông Bẩy cười:
— Phải, chính người lớn cũng không tìm thấy nữa là con. Sở dĩ thày làm ăn được bình yên lâu dài, cũng là nhờ chỗ này. Nhiều lần, thày bị bắt bớ, song thày không sợ gì cả, thày cứ lẩn lút ở đây, là yên thân.
— Nhưng sao thày còn ở làng? Con tưởng thày nên ở đây luôn có hơn không?
— Thế con có biết thày là ai không?
Tâm nhìn ông Bẩy Rỗ:
— Chủ đảng Rổ Bẫy!
Ông Bẩy tròng trọc nhìn Tâm, sợ hãi quá, tái mặt lại.
Lặng người một lát, ông hỏi:
— Sao con biết? Người lớn cũng không rõ thày là ai kia mà. Tâm đáp:
— Cái đó, thày không nên hỏi con. Xin thày mừng rằng nếu con biết tên thày và nghề thày, thì là con có thể nối nghiệp được thày.
Ông Bẩy vui vẻ cười, đáp:
— Nhưng con nên biết rằng thày có thanh gươm sắc lắm. Hễ con lộ ra cho ai biết, thì con đừng nhận thày là cha nữa, nghe không?
Tâm run sợ, nhìn ông Bẩy. Tự nhiên Tâm thấy trên mặt ông, có những nét dữ tợn, gian ác lạ thường, mà lúc khác Tâm không để ý. Tâm nói:
— Thày dạy con nghề, rồi chắc con giỏi hơn thày, chứ không chịu chỉ bằng thày mà thôi.
Ông Bẩy lại nhìn Tâm, thở dài, nghĩ ngợi. Một lát ông đáp:
— Thày thấy con có chí, thì thày yêu lắm. Không dạy con nghề của thày, thày tiếc lắm. Nhưng kiếm ăn nghề này nó nguy hiểm lắm. Vô ý một tý là chết. Người làng ta và các người làng cạnh, ai ai cũng đều sợ thày, cho nên hễ động hơi có tin tức gì, là người ta báo trước cho thày biết ngay. Vì vậy thày không bị bắt bao giờ.
— Bẩm thày, thày có bao đày tớ?
— Độ năm sáu chục.
— Người làng ta cả.
— Không. Làng nào cũng có người theo thày. Rồi thày cho con biết mặt một vài người chân tay của thày mà thôi.
— Bẩm thày, con xem ra thày chỉ đủ tiêu, chứ không giàu.
— Mỗi bận lấy của người ta, thì thày cho mọi người. Thày là chủ, được phần nhất. Thường thày để ở đây.
Tâm ngạc nhiên. Ông Bẩy mỉm cười, gật:
— Đây là chỗ thày để của và trốn tránh trong khi nguy hiểm.
— Sao thày không ở luôn đây, có đỡ lo lắng không?
— Nhưng ở đây thì lấy gì mà ăn. Vì xa làng xóm, chợ búa. Vả đây là nơi kín đáo, thày muốn chỉ ít người biết mà đến thôi. Bây giờ thày cho con biết trước đây là cái hang, vậy con tìm cho thày cái cửa vào.
Tâm lại đi xung quanh, nhìn nhận, xem xét từng tý, mà vẫn không thấy gì cả. Lúc tới chỗ ông Bẩy đứng khi nãy, thì Tâm không thấy ông đâu nữa.
Tâm giật mình run sợ. Bụng bảo dạ, Tâm cho ông Bẩy là con ma, hay là ông thần, biết hiện ra người và biết biến đi mất. Tâm đứng thần người ra, nghĩ ngợi hồi lâu, rồi gọi:
— Thày đâu?
Chẳng thấy tiếng trả lời. Tâm lại gọi:
— Thày đâu?
Rồi tự nhiên, Tâm nghĩ đến nỗi mình, ở vào nơi xa lạ, cheo veo sườn non, xung quanh rặt những thứ nguy hiểm cả, thì bỗng òa lên muốn khóc.
Nhưng may quá, ông Bẩy đã đứng ở sau lưng Tâm từ bao giờ. Tâm mừng rỡ, ông Bẩy nói:
— Không thấy thày sao con không tìm, không gọi.
Tâm nhanh trí gượng bạo dạn, đáp:
— Con tìm chắc không tài nào thấy được, mà gọi thì chắc gì thày nghe tiếng mà thưa.
— Thế thì con biết suy xét. Thôi, đi về.
Tâm ngớ người, hỏi:
— Thày không cho con xem gì à?
Ông Bẩy nghiêm sắc mặt, lắc đầu:
— Bao giờ con học lành nghề, thì thày cho con biết ở trong này thày có những gì.
Tâm buồn quá, hỏi:
— Thế thì thày đã bắt con làm một việc rất vô ích, là theo thày đến đây mà không được học thêm một tý gì.
— Con học thêm được cái trèo núi. Con biết thày có cái kho tàng ở đây.
— Đây là kho tàng, à thày?
Thấy Tâm tròn xoe mắt lên hỏi câu ấy, ông Bẩy bật cười, gật:
— Con muốn xem à?
— Vâng.
Ông Bẩy làm hiệu cho Tâm theo.