Số lần đọc/download: 8932 / 159
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Chương 16 -
B
ị ảnh hưởng bởi những gam màu rực rỡ vùng nhiệt đới của Gauguin, bị ảnh hưởng bởi những lời mô tả say đắm của anh Philippe, nên Pierre tìm hiểu kỹ về xứ Bắc Kỳ trước khi lên tàu sang thuộc địa. Nói chung đó là những tưởng tượng của một người Pháp chính quốc nghĩ về một đóa hoa thuộc địa chan chứa mơ mộng và lãng mạn. Một tờ báo viết rằng: "Đông Dương là một huyền thoại, với những cánh rừng nguyên thủy bí hiểm, với những đồng lầy trồng lúa mênh mông, với những chiếc thuyền tam bản có buồm cánh dơi, với vịnh Hạ Long đẹp mê hồn. Nó là một vùng đất đặc biệt trong những giấc mơ châu Á của người Pháp. Vùng đất này nước Pháp chiếm được hơi chút muộn mằn, khác với vùng đất đông phương Ả rập, khác với Trung Quốc, khác với Nhật Bản. Vùng đất ấy là một viên ngọc. Nó nằm ở vị trí hàng đầu của đế chế Pháp".
Pierre không có tâm thức của một nhà thuộc địa. Anh bước chân xuống tàu không nghĩ đến những lợi lộc. Tâm thức của anh là tâm thức của một người tìm kiếm. Anh đi tìm cái đẹp của nắng, của gió. Anh đi tìm cái đẹp ở thế giới nguyên thủy hoang sơ. Cho nên, Ở trên tàu một tháng ròng, anh chỉ chúi đầu vào đọc hồi ký của những người đi trước, đọc những tài liệu, đọc báo, đọc văn, đọc tất cả những gì dính líu tới Đông Dương. Đêm xuống, anh lại lạc vào những giấc mơ về những vùng đất anh chưa bao giờ đặt chân tới...
Pierre tưởng tượng tới những cánh rừng già cao vút, bát ngát mà thâm u, bí hiểm. Trên đầu những cây cao, thả xuống những nhành hoa phong lan muôn màu, muôn sắc. Chúng rắc phấn, chúng phun hương, làm cho khí trời ám hương, ám phấn. Khí trời loãng trở nên đặc quánh vật chất, cho ta một cảm giác ngày ngậy, ngất ngây. Pierre tưởng tượng tới một cảm giác lúc nhúc; lúc nhúc đàn voi trong rừng chuối, lúc nhúc đàn nai bên bờ suối và lúc nhúc cả bao loài thú kỳ lạ. Trong giấc mơ của Pierre có cả những con báo đen rình rập trên cây, rồi cả những con họa mi lích rích tiếng hót thâu đêm, in khảm tiếng hót của chúng vào những đêm dài nhiệt đới. Pierre còn tưởng tượng ra cả những thác, những ghềnh, còn anh ta thì ngồi trên con thuyền độc mộc để vượt thác, để bì bõm vun vút bơi trên những dòng sông hung dữ. Pierre hiểu, có những giấc mơ ấy, tức là tiềm thức mách bảo trước với anh rằng, anh sẽ là nhà thám hiểm, và những hiểm nguy đang chờ đợi rình rập anh trên các nẻo đường.
Khác hẳn với những bạn đồng ngũ, đồng hành, Pierre tự trách mình: sự khác biệt ấy của anh có thể là một lỗi lầm chăng. Anh tự thú với bản thân: "Tôi là một nhà thám hiểm bất đắc dĩ, cũng là nhà đo đạc, nhà họa sĩ bất đắc dĩ. Sau này, tôi sẽ còn là một thứ nhà "bất đắc dĩ" nào nữa thì chưa biết được. Chỉ biết rằng tôi đâu có phải là người thợ đang xây dựng cái đại công trình bành trướng của nước Pháp. Tôi đâu có niềm tin chinh phục, niềm tin thuộc địa. Tôi chỉ là kẻ xung phong đầu quân do một động cơ hết sức vụ lợi”. Nói cho thật chính xác, Pierre sang Đông Dương còn vì một lý do khác: anh sợ thất nghiệp. Là một họa sĩ không có tiếng tăm gì, lại mới ra trường, đi tìm việc kiếm sống ở nước Pháp, nơi đầy rẫy những họa sĩ vô danh, đâu có phải dễ. Pierre sợ phải sung vào đội quân thất nghiệp lúc nào cũng nhan nhản ở Paris.
Khi anh đến phòng đăng ký đầu quân sang Đông Dương, người ta hỏi:
- Tên là gì?
- Pierre Messmer.
- Nghề nghiệp chuyên môn?
- Họa sĩ.
- Còn gì nữa không?
- Họa đồ.
- Có ai là họ hàng thân thuộc Ở đó?
- Có anh trai, Philippe Messmer, hiện bắt đầu mở đồn điền ở xứ Bắc Kỳ.
- Vì lý do gì xin nhập ngũ?
- Vì chưa có việc làm.
- Vậy là tốt. Sang bên đó, anh sẽ có nhiều cơ hội tiến thân. Tuy nhiên cần phải nói trước với anh: Đông Dương là viên ngọc của chúng ta, nhưng trước mắt nhiều khó khăn, gian khổ. Chỉ miễn là anh có niềm tin vào nước Pháp, biết giữ danh dự cho nước Pháp, anh sẽ có một tương lai.
Pierre đi học lớp đo đạc bản đồ, vì anh đã có dự định từ trước. Anh quen một sĩ quan làm công tác bản đồ trong quân đội. Anh ta nói rằng hiện nay bên ấy đang thực hiện chương trình lập bản đồ địa hình toàn cõi Đông Dương. Trước mắt, việc đó giao cho quân đội. Vậy nên người ta biên chế Pierre vào "Đội khảo sát rừng". Chính ra tên của cơ quan đó là "Phòng địa hình quân sự". Nó chính là tiền thân của cơ quan Địa lý Đông Dương.
* * *
Thật không ngờ Pierre bị rơi vào một bộ phận lãng mạn nhất, nhưng đồng thời cũng là bộ phận bạc bẽo nhất, gian khổ nhất và cũng bị người đời lãng quên nhiều nhất. Vì Pierre có chút học vấn, lại biết nghề, nên sau khi học quân sự cơ bản sáu tháng, rồi sát hạch tay nghề, họ phong cho anh hàm chuẩn úy. Như vậy là có chiếu cố đối với người làm nghề gian khổ, dễ bị sốt rét rừng. Gọi là chức chuẩn úy cho oai, chứ thực ra anh chỉ làm nhiệm vụ vác mia, đọc số trong máy ngắm, leo trèo hết ngọn đồi này sang ngọn núi khác, rồi ghi chép những số đó vào cuốn sổ. Thỉnh thoảng, Pierre mới phụ trách máy ngắm. Còn người chính phụ trách máy ngắm là thiếu úy Bonard. Thiếu úy sang Đông Dương đã ba năm, đã thành lính cựu. Anh ta có khá nhiều kinh nghiệm để thích ứng với cái xứ sở đầy hấp dẫn đồng thời quỷ quái này. Bonard bảo Pierre:
- Xứ Bắc Kỳ có sáu tháng thiên đường và sáu tháng địa ngục. Sáu tháng thiên đường bắt đầu từ tháng mười cho đến tháng ba năm sau. Sáu tháng địa ngục kẻo đài từ tháng tư đến hết tháng chín. Địa ngục là mùa nóng nực. Một cái nóng khủng khiếp. Nhiệt độ cao và độ ẩm cũng cao. Không gian hầm hập như cái nhà tắm hơi nóng. Suất ngày, mồ hôi vã ra. Người châu âu đến đây hay chết vào mùa này. Bây giờ đang tháng hai. Cậu chuẩn bị tinh thần đi. Tháng tới sẽ vào mùa địa ngục.
Lúc hai người đang nói chuyện là lúc đoàn khảo sát đang làm việc trên đất Hòa Bình. Không biết anh chàng này có phải là ma cũ dọa ma mới không, chứ nghe cái giọng nghiêm nghị của anh ta thì kinh khủng thật. Bonard bảo rằng:
- Có ba điểm cần luôn chú ý. Thứ nhất: Phải giữ cái đầu. Đầu luôn luôn phải đội chiếc mũ thuộc địa. Đó là chiếc mũ trắng rộng vành trứ danh bằng li-e. Có nó, ta mới chống được cảm nắng. Chính mắt tớ đã trông thấy một gã trung úy bị say nắng. Hắn đang ngồi trên lưng ngựa, thế mà đột nhiên gã bỗng gục xuống, ngã từ trên lưng ngựa xuống đất, bọt mép sùi ra, chết đứ đừ tức khắc. Thứ hai: Không bao giờ ăn uống linh tinh. Dù khát đến mấy cũng không uống nước suối. Ở miền nhiệt đới vi trùng thương hàn, dịch tả, và nhất là kiết lỵ có mặt ở khắp mọi nơi. Người da trắng mắc bệnh kiết lỵ rất khó cứu chữa. Thứ ba: Ngủ phải mắc màn. Nếu không sẽ mắc sốt rét. Nếu sốt rét ác tính, coi như gửi xác ở đất này.
Pierre tròn mắt sợ hãi, anh như truất từng lời nói của người lính cựu. Mấy hôm ấy, đoàn khảo sát đang đo đạc vùng ven sông Đà. Đồn điền của Philippe ở gần vùng này, song Pierre chưa tiện dịp tới thăm.
Thực ra, đoàn khảo sát này là một đoàn hỗn hợp. Thành phần gồm: tổ đo đạc có Pierre, Bonard; bác sĩ Roger - nhà nghiên cứu sốt rét; nhà dân tộc học René de Fromentin, chuyên gia về Mường - Việt. Đoàn trưởng là viên trung úy Louis. Ngoài ra, còn phải kể tới năm người bản xứ làm công việc lao động, khuân vác, hai con ngựa thồ và một chiếc xe trâu.
Nhà dân tộc học René trạc bốn mươi, nhỏ thó, cận thị với chiếc kính mắt dày cộp. ông René mới gặp thấy khó hiểu, khó gần. Pierre cứ tưởng đó là một con người kênh kiệu, chán ngắt, hóa ra không phải. Lúc đầu, khi mới quen, ông ta lúng túng. Ông là loại người không biết cách làm quen để hòa nhập ngay với kẻ khác. Nhưng khi đã quen rồi, ông René rất cởi mở. Và khi quen đã lâu, thì sự cởi mở ấy lại đi đến chỗ quá tự nhiên; thậm chí ông bác sĩ còn nhận xét là ngài René nói hơi nhiều. Quả thực, ông René hay nói, nhưng không phải nói để cho người ta sợ như thiếu úy Bonard đã làm. Cách ông René nói là cách để cho những anh lính thuộc địa mới toanh như Pierre được yên tâm. Cuối cùng, Pierre lại thấy yêu quý, thậm chí có thể nói, thấy mê cái con người gầy gò đó.
Ngài René de Frometin sang Đông Dương đã được bảy năm. Một thời gian khá dài đối với một người bình thường, nhưng đối với nhà học giả thì vẫn chưa đủ, bởi vì theo ông nói, còn nhiều thứ để ông phải học quá. Trong quãng thời gian ấy, ngoài làm việc, ông còn học nói được thành thạo hai ngôn ngữ Việt và Mường. Thậm chí ông còn đọc được cả chữ Trung Hoa, một thứ chữ mà Pierre thấy bí ẩn và rắc rối, cứ như thứ chữ vẽ bùa. Pierre hỏi René:
- Người ta sang Đông Dương để làm giàu. Còn ông, không kinh doanh sao có thể giàu có.
- Tôi cũng giàu thêm lên nhiều chứ. Tôi tự làm giàu cho kho tàng kiến thức cá nhân. Chúng ta vẫn lớn tiếng nói với thế giới rằng: chúng ta sang xứ Bắc Kỳ này là để khai hóa cho người An Nam còn chìm trong bóng tối. Đấy là ý kiến của các nhà thuộc địa. Còn tôi, tôi không đi khai hóa, tôi sang đây để học làm giàu cho riêng mình. Ý kiến này có vẻ vị kỷ đấy, nhưng với tôi nó thích hợp.
- Ông học được điều gì?
- Học được tính khiêm nhường, lễ độ, học được sự cam chịu.
- Cam chịu mà cũng phải học ư?
Cuộc trò chuyện giữa Pierre và René diễn ra trong một đêm không trăng, chỉ có rất nhiều ngôi sao sáng nhấp nháy trên bầu trời trong veo, cao vút. Họ ngồi ngoài rìa một khu rừng, trên một đồi cỏ, tại xứ Mường ven sông Đà. Muôn vàn con sâu bọ, có thứ cánh cứng có thứ cánh mềm; muôn vàn con ếch nhái: ếch ộp, ễnh ương, cháu chuộc, nhái xanh, nhái bén; rồi muôn vàn con dế. dế trũi, dế cánh, dế mèn; thậm chí cả muôn vàn con giun đất; loài giun cũng có cách phát ra tiếng nói riêng: chúng đào bới cựa quậy, xáo trộn, tạo ra những tiếng xào xạc lá cỏ, bởi vì đất chuyển động thì cỏ chuyển động mà lá rung rinh. Cộng thêm vào những tiếng động đêm đen đó là những tiếng phần phật đập gió của muôn vàn con dơi và tiếng vù vù của những con bọ bay. Đêm hiền dịu cho phép muôn loài được lên tiếng, cho phép mọi sinh linh được bình đẳng cất tiếng nói của mình, để cuối cùng tạo nên bản đại hợp xướng phồn thực, âm thầm. Bản đại hợp xướng ẩn ngầm đó, Pierre đã bất chợt bắt gặp và cảm nhận được trong đêm rừng nhiệt đới. Cái đêm đen kịt, tưởng như chẳng có gì trong đó, thực ra chứa đựng rất nhiều thứ. Pierre chợt có cảm nghĩ khác thường: chính cái đêm đen ấy, chính sự phồn thực bí nhiệm và tưởng như tầm thường ấy có một sức mạnh ghê gớm mà ta không lường hết được. ông René, lập lòe điếu thuốc trên môi. ông không trả lời, bình luận ý nghĩ ấy của chàng trai. Pierre gặng hỏi lại câu hỏi từ lúc nãy:
- Sao lại nói học sự cam chịu?
Nhà dân tộc học như một thầy phù thủy, ông đã đoán được những ý nghĩ của chàng trai:
- Thì anh đã hiểu rồi đấy. Đêm đen đã giảng dạy cho anh. Chúng ta phải biết cái thân phận nhỏ bé của mình. Sự cam chịu như chiếc áo khoác tàng hình che đậy cái bên trong tiềm tàng bùng nổ dữ dội.
Cả hai người lại im lặng. Ôi! Cái phương Đông đầy bí ẩn mà sao chúng ta cứ coi thường. Gió rừng hiu hiu thổi. Muôn thứ hương đột nhiên trỗi đậy. Khứu giác của con người vốn đã bị cùn nhụt đi vì cuộc sống tiện nghi ít phải dùng đến nó. Hay là bởi phương Tây giá lạnh làm teo tóp thứ giác quan nguyên thủy đó chăng. Do đó sự cảm nhận tinh tế mùi hương không có điều kiện để phát triển. Người ta bảo ở xứ nhiệt đới, sự lúc nhúc, sự phồn thực nằm nhiều trong không khí. Đêm nay, khứu giác vốn bị teo tóp của Pierre, đã bao năm ít dùng đến, hình như bỗng dưng thức giấc. Một thứ hương ngọt ngào chợt bay qua. Hương thức dậy mới đầu lãng đãng, e ấp như cô gái mới dậy thì, sau đó nó dào dạt, rồi tới chỗ cuồng nhiệt. Thậm chí có lúc hương trở nên ngọt ngào, nức nở... Rồi thì bỗng nhiên, nó lại tan đi rất nhanh. Cứ tưởng như trong mơ và hương ấy chưa hề xuất hiện. Bởi vì bây giờ tất cả lại như không, không khí vẫn trong trẻo song nó đã quay trở về cái vị trung gian nhạt nhẽo. Nhà dân tộc học giải thích:
- Mùa xuân ở đây có vô vàn loài hoa. Rừng nhiệt đới rất nhiều hoa phong lan. Có khu rừng nguyên sinh, cây vươn lên rất cao; và ở tất cả các cây cao ấy, ngọn nào cũng có phong lan. Ngoài loài phong lan ký sinh sặc sỡ và rực rỡ đó, rừng còn biết bao thảo mộc có tên và không tên khác. Có những cây hoa li ti chỉ bằng đầu que diêm, có những cây hoa xòe như bàn tay; có thứ lại là những chùm uốn rủ. Mùa xuân ở đây hầu như toàn bộ cây rừng trổ hoa chẳng sớm thì muộn. Chúng tạo thành hội hoa tưng bừng chỗ trắng, chỗ nâu, chỗ đỏ rực, chỗ vàng chóe, chỗ sặc sỡ, chỗ tưng bừng. Gió thổi tung phấn hoa lên trời. Phấn hoa trộn vào không khí để lan tỏa, để mời gọi bướm ong côn trùng đến tạo ra mùa sinh nở, mùa giao hoan phồn thực ngọt ngào vĩ đại. Các sinh vật ở đây đều sinh sôi rất mạnh là thế đó. Cũng có thể thứ phấn hương ấy còn có tác động mạnh đến con người mà ta chưa biết đến chăng. Anh có để ý đến cách tung hương của hoa rừng lúc nãy không? Nó giống một vũ điệu giao hoan. Vũ điệu tình yêu của con đực và con cái. Mới đầu là múa vờn, nhẹ nhàng và ve vuốt. Rồi đến nhịp nhàng êm dịu, cái háo hức cứ tăng dần cho tới khi đạt tới đỉnh điểm cuồng nhiệt và chiếm đoạt. Nhận và cho tất cả, để rồi cuối cùng no nê và tĩnh lặng...
Điếu thuốc lá trên môi René de Frometin lập lòe. Cuối cùng, ông thì thầm vào tai Pierre:
- Ở xứ phương Đông, còn nhiều điều bí ẩn mà ta chưa biết hết. Ta đi khai hóa cho họ, nhưng ta đã hiểu gì về họ. Trông cái bề ngoài cam chịu nhẫn nhịn ấy, nhưng ở bên trong nó còn ẩn giấu những gì ta đâu có biết. Ở rừng có lắm cơn giông tố thật bất ngờ.
Sau đó, hai người im lặng rất lâu. René và Pierre không nói để cảm nhận, để nghe hương của đất cựa mình, trỗi dậy, tràn ra. Cái thứ hương lạ lùng ấy - nhà dân tộc học bảo - hiếm khi ta cảm nhận được lắm. Hai người cứ ngồi rình đến quá nửa đêm, căng tai căng mũi ra mà cũng không gặp được nó. Cái đêm gặp gỡ trứ danh ấy với nhà dân tộc học René đã cho Pierre biết thêm một điều: đất cũng có hương. Pierre biết rằng trong đất có tỉ tỉ ức ức những con sâu bọ, côn trùng, giun dế, đất là quê hương, nơi trú ngư của chúng. Ở đó, chúng đào bới xáo trộn, chúng tranh giành chiếm đoạt. Tất cả vì sự tồn vong.
Hương đất ra sao? Có phải nó hăng hắc ngai ngái? Có phải nó ngọt ngào ngầy ngậy? Có phải nó là mùi của lá chết, cỏ nát. Có phải nó là mùi dịu dàng hấp dẫn, như lời ru của mẹ, mời gọi ta hai tay buông xuôi, trở về vĩnh hằng, vuốt ve làm mắt ta nhắm lại cam chịu số phận cát bụi. Tiếp cận với đất có khi ta thở phào, có khi rưng rức. Tay bốc nắm đất, có người đưa đất lên miệng mà hôn, mà ăn, có người úp mặt vào đất mà nức nở... Rồi có người bằng lòng trở về với đất, và cũng có người thì tung đất lên trời rồi bỗng như mọc cánh bay cao... Đó là sự tiếp xúc cận kề đối mặt với đất. Và có lẽ chỉ đến phút đỉnh điểm ấy con người mới tìm ra hương đất.
Bên trên là những cảm nghĩ mơ hồ của Pierre về đất. Còn sau đây là những suy nghĩ của ông René về đất. Chúng hệ thống và duy lý hơn:
- Ở xứ sở này, chỗ nào, nhà nào cũng thờ thần đất. Đất cũng có hồn, đó là Hồn Đất. Nó là tổng hợp của những hồn người, hồn ma, hồn cây cỏ, ao hồ, cả hồn đá nữa. Chúng ta thường chê dân bản xứ là vô đạo, thực ra họ là những kẻ phiếm thần giáo. Họ tôn sùng sự bí ẩn, thiêng liêng của tất cả Thiên Nhiên. Mới đầu, tôi cũng như anh đều cho họ là những kẻ tà giáo. Nhưng điều cay đắng mà tôi nhận ra: đó tức là người dân ở xứ này biết hòa vào thiên nhiên. Họ tự nhiên hơn chúng ta. Vậy thì đúng sai ra sao? Ta đi khai hóa cho họ tức là ta muốn họ biến thành ta. Nhưng chúng ta đã ăn thức ăn của họ, đã uống nước trong suối nguồn của họ, đã ngủ với đàn bà của họ. Ta đã thống trị họ. Ta đã làm cho họ khóc trong lúc chúng ta cười. Vậy thì ai sẽ thành ai. Hãy coi chừng đấy. Sẽ có ngày nào đấy, hồn đất quyết sẽ trả thù. Hồn đất của họ nhiễm vào từng chúng ta, dần dần từng tí một mà chúng ta chẳng hề hay biết. Lúc đó, tâm hồn ta sẽ từ trắng biến thành vàng. Họ cam chịu ư? Họ hèn hạ ư? Hãy coi chừng! Để rồi xem, hồn đất sẽ trả thù.
- Ôi! Sao lại nói thù hận Ở đây? Chúng ta là người đi bảo hộ che chở cho họ cơ mà.
Nhà dân tộc học như người say, ông bỗng đứng phắt dậy, cười sặc cười sụa, cười đến chảy nước mắt, cười đến văng cả chiếc kính cận thị ra bãi cỏ, khiến Pierre phải bò lồm cồm, mò mẫn trong bóng tối tìm kính cho ông. Còn René, ông như kẻ mù lòa, quờ quạng hai tay trước mặt. ông vẫn cười:
- Tôi là kẻ cận thị, đúng! Tôi là kẻ quáng gà, thậm chí kẻ mù lòa...
o O o
Pierre rất sợ hổ. Người ta đồn rằng ở xứ sở này hổ nhiều như rươi. Đi qua đồi cỏ tranh, những người thổ dân khuân vác được gọi là cu li bảo mỗi người phải lấy hai thanh nứa cọ xát vào nhau, rồi đập vào nhau để đuổi hổ. Tất cả đều phải nghe theo. Vậy là, mười người với mười bộ gõ tạo ra những tiếng kèn kẹt ghê người, và những tiếng lách cách rộn ràng núi rừng. Núi dội âm thanh trở lại làm cho tiếng lách cách càng thêm ồn ĩ. Tiếng lách cách chẳng nhịp nhàng, chúng là những tạp âm lộn xộn, thứ âm nhạc ghê ghê của loài ma rừng. Những đàn chim đầu đỏ, ức và bụng cũng đỏ, chỉ có cánh là vàng và xám, thỉnh thoảng lại vút lên từ những rừng tre, tạo thành những đám mây chim màu hồng chập chờn bay trên những quả đồi trọc.
Đến chặng nghỉ cũng chẳng được yên. Tiếng lách cách im đi, thay thế vào đó người ta kể chuyện hổ. Những con hổ trắng, hổ xám thành tinh báo oán. Chúng chẳng sợ gì, dám tấn công cả người da trắng. Vậy là cái không khí rờn rợn, bí hiểm cứ bám lấy Pierre cho tới lúc lại lên đường. Lúc này, trung úy chỉ huy tổ chức đoàn người cẩn thận hơn. Đi đầu là mấy con ngựa thồ, tiếp đến là đoàn cu li, theo sau là thiếu úy Bonard, chuẩn úy Pierre cầm súng, rồi tiếp nữa là bác sĩ và ngài tiến sĩ René, đoạn hậu là trung úy trưởng đoàn cùng chiếc xe trâu. Bây giờ, chỉ còn ông tiến sĩ René, ngài bác sĩ và những người ghi hàng gõ thanh nứa. Lúc này tiếng gõ nghe chừng rộn ràng hơn. Thiếu úy Bonard vẫn vui chuyện:
- Khi vào rừng, tất nhất ta nên đi cùng một người bản xứ.
- Đi cùng một người da trắng không được sao? - Pierre hỏi.
- Không được? Tốt nhất vẫn là người bản xứ.
- Tại sao vậy?
- Tại vì hổ thích ăn thịt người bản xứ hơn.
- Tại sao hổ lại thích ăn người bản xứ? - Pierre cố hỏi cho rõ.
Bonard chưa kịp trả lời, nhà dân tộc học René hình như cũng hứng thú liền xen vào câu chuyện:
- Có phải vì người da trắng là giống người làm việc trí óc, thịt không ngon. Còn người bản xứ là giống người làm việc cơ bắp nên thịt ngon hơn. Dĩ nhiên hổ là giống sành ăn phải vồ người bản xứ trước tiên.
- Đúng vậy! - Bonard gật đầu tỏ vẻ khoái trá.
Nhà dân tộc học bỗng cười to ha hả, cười đến chảy nước mắt, cười đến văng cả kính giống như lần trước. ông lại biến thành kẻ mù toa. Khi bỏ kính ra, đôi mắt ông lờ đờ, lồi ra như hai con ốc nhồi. ông lại giơ hai tay ra phía trước quờ quạng dò dẫm như người mù, miệng kêu lên:
- Anh Pierre? Giúp tôi với.
Cả đoàn cười vang. Tiếng lách cách ngưng lại. Họ quên mất cả sợ hổ. Cả đoàn dừng lại, chờ Pierre vào đám cỏ tranh, tìm kính cho ông René.
o O o
Sớm hôm sau, đoàn người lên đường đến một tọa độ mới. Nhiệm vụ mấy người lính là phải vẽ xong bản đồ địa hình khu vực này. Đáng lẽ phải làm xong từ mấy tháng trước, song viên công sứ báo về nói tình hình chính trị ở khu vực này vẫn chưa ổn lắm nên đoàn khảo sát không đến được. Còn bây giờ, ở đây đã hoàn toàn yên tĩnh nên công việc phải tiến hành thật nhanh. Chỉ còn khoảng hơn ngày đường nữa là đến được nơi đã định.
Lúc sương tan, người dẫn đường bắt đầu mở lối. Phải mở rộng thêm con đường mòn cho xe trâu đi vào. Con đường đất, vì mưa to, trở nên nhão nhoét. Lúc này trời nắng, đất khô đi chỉ còn để lại những vết chân trâu. Hai bên đường là những đồi lau, đồi sim nơi mọc đầy những cây hoa ngũ sắc màu đỏ, vàng, tím. Pierre trông thấy cả một quả đồi hoa ngũ sắc như một mâm hoa lùm lùm rất đẹp.
Những người trong đoàn đều đã dạn dày rừng núi, cho nên trang bị của họ rất gọn gàng. Phần lớn họ đội mũ lá rộng vành, chân đi đất. Cả đến nhà dân tộc học René cũng mặc quần dài buộc túm cổ chân và đi chân không. Họ chịu khổ rất giỏi, có thể ăn bất cứ thức gì ăn được, có thể ăn uống như thổ dân; có thể ngủ bất cứ nơi nào ngủ được, có lúc ngó quanh bếp lửa nhà sàn, có lúc đốt đống lửa rừng lên và cắm lều trại chung quanh.
Chỉ riêng Pierre, anh chàng mỏ trắng, là vất vả thôi. Hành lý thì cồng kềnh, trên đầu thì chiếc mũ sắt nặng trịch, dưới chân thì đôi ghệt da cứng quèo (có lẽ bằng da trâu). Do vậy nên mới đi được hai hôm, Pierre đã khập khiễng. ông René bảo:
- Bỏ mũ sắt đi, kiếm chiếc mũ lá đội cho nhẹ. Nhất là đôi chân, phải tập dần dần sao cho cuối cùng gan bàn chân thành chai, có thể bỏ giày ra đi đất được như chúng tôi Hãy tập như sau: Mới đầu có thể đi đôi tất len không giày Đi một hai hôm tất rách thì xé áo, xé quần lấy vải mà buộc lại. Đi chừng một vài tuần sẽ quen. Nên nhớ, ở xứ Bắc Kỳ này phải tập chịu khổ, sự tiện nghi quá đỗi sẽ giết chết anh, chí ít nó cũng vô hiệu hóa anh. Nếu không chịu đựng được, anh sẽ là kẻ vô dụng, suất ngày rên la. Cuối cùng, anh sẽ chết, hoặc xin quay về Pháp.
Pierre đâu có thể chịu thua dễ thế. Anh bỏ giày, đi bằng đôi tất. Quả nhiên, lúc đầu, thấy dễ chịu thật. Nhưng đi được nửa buổi đôi chân của Pierre nóng như lửa, bỏng rát. Anh chống gậy cắn răng mà đi. Trung úy trưởng đoàn thương tình, bỏ hàng Ở lưng ngựa thồ vào xe trâu, để ngựa cho anh cưỡi. Giống ngựa này là giống ngựa nhỏ, chỉ cao bằng con la bé, khi Pierre cưỡi hai chân anh gần sát đất. Vả lại, anh vừa nặng vừa cao lêu nghêu, con ngựa mang anh khó hơn thồ hàng rất nhiều. Con ngựa không quen, tỏ ra bất mãn với thứ hàng lạ trên lưng. Nó hục hặc, hí lên rồi lắc mạnh. Con ngựa phản ứng bằng cách chạy nhắng lên, nó muốn hất anh xuống đất. Hất mãi không được, nó đứng yên, ì ra, đánh roi vào đít cũng không chịu đi, chỉ hí vang. Cuối cùng, Pierre đành đi bộ. ông René chặt hai cành cây có chức làm hai cái nạng. ông an ủi:
- Hãy chịu khó. Tối nghỉ, ngâm chân bằng nước nóng, chỉ mai kia là quen thôi.
Quả nhiên, hôm sau rồi đến hôm sau nữa, chân anh dần dần thích ứng.
Có bận, đoàn mệt nghỉ lại bên đường, bỗng gặp một đoàn người chiêng trống tưng bừng, tiền hô hậu ủng, đi tới. Thấy có lọng che, Pierre nghệ chắc một ông quan bản xứ vi hành qua. Dè đâu lại là đoàn vi hành của ông công sứ người Pháp. ông này sang Bắc Kỳ chắc đã lâu nên học được sự khoa trương của các ông quan An Nam. Quan công sứ vi hành bằng võng. Chiếc võng đan bằng sợi tơ tằm nhuộm đỏ, treo trên một cây gỗ sơn màu cánh gián. Quan vắt vẻo ngồi trên võng, trên đầu là cái mui trông như chiếc thuyền nhỏ úp ngược. Mui đan bằng tre rồi trát bằng thứ vữa nhẹ, phủ sơn mài bóng loáng, màu đỏ. Đám rước ngài công sứ người Tây có chiêng, trống, cờ, quạt dẫn đầu. Võng đi giữa. Cuối cùng là hai tiểu đội lính bảo vệ bồng súng đi ắc ê. Lính bảo vệ mặc quần áo trắng toát, đầu đội mũ có ngù đỏ. Đoàn vi hành thật nhiều màu sắc, trông ngộ nghĩnh rất vui mắt. Nó sặc sỡ như một con chim rừng lạ lẫm. Cái võng điều mui đỏ như một bông hoa chói lọi mọc trong núi. Bông hoa ấy chung quanh là màu trắng, màu vàng, màu xanh. Nó nửa Tây nửa an-na-mít. Nhà dân tộc học nhìn đám rước diễu qua, cười khục khục trong cổ họng. ông bảo Pierre:
- Anh coi chừng. Sống ở đây vài năm, con người dễ bắt chước con công, suất ngày khoe múa mà không biết chán.
Ngài công sứ gặp đoàn khảo sát, liền ra lệnh hạ cáng. Louis viên trung úy trưởng đoàn đứng nghiêm cứng đơ chào ngài công sứ theo kiểu nhà binh. Quan công sứ úy lạo:
- Các ông đi từ tỉnh, đến được vùng này là rất tốt. Rất tốt? Có nghĩa là ánh sáng văn minh đã đến được xó rừng này. Các ông tận mắt nhìn thấy đấy. Tôi đã du hành bằng võng trong rừng, Ở đây đã rất an toàn. Chúc các ông mã đáo thành công.
Đoàn người tiếp tục hành trình, trong tâm lý vô cùng hào hứng. Đám rước ngài công sứ tuy có sắc thái vênh vang pha chút hài hước - Cả đoàn cứ cười giòn và bàn tán mãi, vì ở nước Pháp họ chưa hề bao giờ gặp một đám rước tương tự - Tuy nhiên nó lại có tác dụng rất lớn trong việc xua tan những nghi hoặc và phấp phỏng của mọi người. Đám rước ấy toát lên sự an toàn, và sự chiến thắng của người Pháp là hoàn toàn và thật sự. Những thoáng nghi hoặc cuối cùng cũng bay đi hết, khi đoàn người cảm thấy khu rừng nhiệt đới như bỗng cất lên tiếng hát.
Ở rừng nhiệt đới thường rất im ắng. Có lúc sự im lặng cứ như chết khiến người ta sởn tóc gáy. Song đôi khi, tiếng động bỗng nở rộ. Tiếng động bất thình lình nổi dậy, cứ như thể có một nhạc trưởng vô hình nào chỉ huy. Không phải tiếng động mà là một dàn nhạc rừng, có lớp lang hẳn hoi. Pierre mường tượng khi cái gậy chỉ huy giơ lên là tiếng suốt rừng tạo thành một cái nền âm thanh rì rào. Bắt đầu là tiếng con bách thanh líu lo. Rồi tiếp đến bầy khỉ bị kích động, một con cất tiếng kêu kéo theo một đàn kêu, một đàn kêu gọi toàn thể khỉ trong rừng có lẽ đến vài ngàn con cất tiếng khẹc khẹc Ở khắp bốn phía. Thế là hàng vạn con chim nấp trong những vòm lá rậm rạp đều cất tiếng hát. Rừng hát hay rừng động. Tiếng ca hát hay rừng báo hiệu một thế lực mạnh mẽ vô hình nào đó xuất hiện…
Pierre không biết, nhưng thực bụng anh rất thích thú. Rừng nhiệt đới đã mê hoặc người họa sĩ. Anh vẽ ký họa rất nhiều. Cứ đến mỗi đợt nghỉ anh lại hí hoáy vẽ. Đôi mắt anh như chiếc máy ảnh. Dọc đường đi, nó ghi lại bao nhiêu cảnh, bao nhiêu màu sắc. Anh nghĩ: Chả thế mà Gauguin đã bỏ cả châu âu tiện nghi để đến Tahiti. Những bữa tiệc màu sắc luôn thiên biến vạn hóa trước mắt anh. Anh cho rằng viên công sứ cũng là người cảm nhận màu sắc như anh. Đứng ở góc nhìn của người châu âu, người ta thấy đám rước ngài công sứ là lòe loẹt, thiếu tinh tế, vênh vang, hài hước. Nhưng ở góc độ người họa sĩ, màu sắc đám rước thật đẹp. Núi rừng đang bằng phẳng một màu xanh lá cây, đột nhiên xuất hiện màu trắng của đám lính, màu vàng, tím của những lá cờ, lọng che. Rồi màu đỏ của cái võng điều xuất hiện làm núi rừng ấm hẳn lên. Đây không phải màu đỏ chót chói chang mà là màu đỏ của thứ sơn đã được pha nâu làm dịu đi. Pierre hiểu viên công sứ hơn các người bạn của mình.
Rừng vẫn hát. Pierre cho rằng đó là lời chào mừng của rừng đón tiếp đoàn. Nhưng mấy người cu li khuân vác lại có vẻ sợ với những đôi mắt lấm lét. Họ lại cho rằng có một âm hồn nào đó vừa mới ngang qua khu rừng. Và rừng cất tiếng hát là để chào đón âm hồn bí mật đó, chứ không phải chào đón đoàn khảo sát. Đám người Pháp độ lượng mỉm cười vì những ý nghĩ quá ư thơ ngây của những con người khốn khổ này. Họ nghèo khó quá, sự nghèo khó đã dìm họ vào đêm dài mê muội. Họ bị đắm chìm trong bóng tối đến nỗi ở chỗ nào họ cũng thấy bóng dáng những thần linh, ma quỷ. Bất cứ điều gì khác thường, đối với họ, đều là dấu hiệu xuất hiện của một thế lực siêu nhiên.
Pierre lại càng cảm thấy thương cho họ khi đoàn khảo sát gặp một chiếc nhà mồ. Đó là một chiếc lều nhỏ làm theo kiểu nhà sàn. Chung quanh lều ở bốn góc cắm bốn cành tre. Trên đầu các cành tre, treo những dải giấy đỏ, vàng thõng xuống. Trên các tờ giấy, vẽ những chữ ngoằn ngoèo không ai đọc nổi. Đó là những đạo bùa trấn yểm. Trên cái sàn nứa ngang mặt người đặt một bát hương với những nén nhang cháy dở. Người cu li già nói bằng tiếng địa phương, giảng giải cho nhà dân tộc học:
- Mồ này rất thiêng. Dân trong vùng gọi là nhà mồ của quỷ không đầu. Có ba người quân của cụ Đốc ngữ bị quan Tây chặt đầu tại đây. Quan Tây mang đầu họ lên tỉnh. Dân Mường đem chôn ba cái xác không đầu tại quả đồi này. Nhân dân trong vùng bảo miếu này là miếu thiêng. Hằng đêm, vẫn thấy ba cái hồn ma trắng toát, không đầu bay trên đỉnh đồi rồi múa lượn. Ai vào rừng, qua đây không chịu lễ bái thường bị các ngài bắt mất hồn vía.
Nghe ông René dịch lại, Pierre càng thấy thương cho những người dân hiền lành chất phác này. Lòng hiu hiu buồn, Pierre cầm cặp vẽ lững thững một mình leo lên đỉnh đồi. Anh định ghi chép lại cảnh đám rước ngài công sứ René gọi to:
- Cậu lên đỉnh đồi làm gì?
Người cu li nói:
- Đừng lên! Người ta bảo ma cụt đầu thường hiện trên đó.
Pierre quay lại bảo:
- Đừng lo cho tôi.
René nhún vai. Còn Pierre, anh thản nhiên đứng trên đỉnh đồi, ngắm cảnh vật phơi ra trước mặt. Ở đây, nhìn thấy cả những cánh đồng, một con sông như dải lụa trắng ngoằn ngoèo trải trên màu xanh của lúa. Pierre ngồi xuống, anh không vẽ lại đám rước, mà vội vã phác họa cái cảnh yên bình trước mặt. René bắc tay làm toa gọi lên:
- Thôi, đủ rồi, xuống đi.
Còn Pierre, anh vẫn đứng nguyên. Tại sao không xuống, anh cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng lúc đó Pierre thấy rất thoải mái khi đứng ở trên cao. Có cái gì đó làm lòng anh bức bối. Ở trên cao, anh thấy mình được giải tỏa, được sổ lồng. Rồi không biết có cái gì thúc đẩy trong lòng, không biết có cái gì bỗng làm anh phấn hứng vô cùng, để rồi anh làm một động tác, mà những lúc bình thường anh sẽ tự chế giễu mình là lố lăng. Anh bỏ chiếc mũ lá trên đầu ra cầm tay, sau đó quay vòng tròn chiếc mũ lá trên không mà cất tiếng hét vang:
- Hơ hơ hơ!... Hơ hơ hơ!...
Cứ như thể một conquistador tìm được đất mới. Cử như thể một nhà phiêu lưu tìm thấy một kho vàng. Ai dạy anh làm động tác ấy. Hay động tác ấy là động tác kiểu mẫu của tất cả những người thuộc địa, những người đi chinh phục đất mới. Đó là động tác nằm lòng năm sẵn trong vô thức mà các nhà chinh phục chẳng cần học cũng biết, cũng phát ra vì chợt cảm thấy mình ở trên đỉnh cao.
- Hơ hơ hơ!
Mọi người đều mỉm cười thông cảm khi thấy Pierre biểu lộ niềm kiêu hãnh. Anh đang phấn chấn, hào hứng như vậy, bỗng nhiên nghe thấy một tiếng động nhỏ. Một cái gì quật vào gió thì phải. Có thể là tiếng vỗ cánh của một con chim. Có thể là tiếng gió thổi vào lá. Một tiếng phật nhẹ. Pierre chưa kịp ý thức được điều gì đã xảy ra, thì bỗng cảm thấy nhói một cái. Anh quay nhìn về phía nhói, trông thấy ngay một mũi tên cắm vào cánh tay trái. Mũi tên ngọt lịm làm cho anh chẳng cảm thấy đau đớn. Anh bình tĩnh rút mũi tên ra, nhìn theo hướng tên, bỗng trông thấy một bóng người mặc quần áo chăm. Anh giơ súng bóp cò. Nhưng hình như khẩu súng lục không chịu tuân theo sự điều khiển của anh nữa. Viên đạn bổng lên trời Và Pierre chợt thấy đầu óc quay cuồng. Anh loạng choạng bước được vài bước, sau đó ngã gục xuống đất.
Trung úy Louis, thiếu úy Bonard và những người khác hô hoán: "Bắt lấy nó! Bắt lấy nói". Pierre chỉ nghe thấy đạn nổ liên hồi, và chân chạy tinh rịch. Cuối cùng, kẻ bắn nỏ cũng bị trúng đạn và bị bắt. Pierre nằm quay trên đất. ông bác sĩ Petit nhanh nhẹn tiêm thuốc cấp cứu Pierre nghe loáng thoáng: "Mũi tên độc", rồi cả những tiếng báng súng đập vào đầu tên bắn lén.
- Mày là ai?
- Tao ghét chúng mày.
- Mày sẽ bị chặt đầu.
- Chết tao cũng không sợ. Tao sẽ là ma. Tao sẽ trả thù.
Một cái thây không đầu thứ tư được chôn ở quả đồi này. Chiếc đầu lâu ròng ròng máu được nhất trong chiếc lồng gà, treo lủng lẳng bên con ngựa đưa về tỉnh.
Như vậy, tình hình chính trị vẫn chưa ổn. Đoàn khảo sát buộc phải quay về tỉnh. Chiếc đầu lâu được cắm vào cây cộc tre bêu giữa chợ. Còn Pierre được đưa vào nhà thương.