In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1914 / 61
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
rời ơi! Tôi mới biết cái lạnh ở đây là cái lạnh gì. Quần áo ướt, chăn võng ướt và tâm hồn lạnh cứng. Tôi liệm tâm hồn và thể xác tôi vào cõi băng giá mênh mông.
Con đường này không những là con đường đau ốm bệnh tật đói khát nhọc nhằn mà còn là con đường dày vò, khổ ải, tinh thần rẽ phân, ly tán. Nó chưa xóa được những giọt nước mắt chia ly của tập kết giờ nó gây ra những vĩnh biệt ác độc hơn.
Người với người là đồng loại cũng như thú vật với thú vật là đồng loại.
Người cùng một dân tộc là đồng bào. Người cùng đảng phái là đồng chí.
Nhưng khi người nắm được quyền bính trong tay thì người quên mọi điều cao cả, người quay trở lại ăn thịt đồng loại, đồng bào và đồng chí của người. Chữ “người” này có lẽ phải viết hoa.
Tôi giật mình thức dậy không biết do mùi cơm khét hay do chiếc võng bị lắc. Có lẽ cả hai.
- Mơ tiên dữ hả mậy?
Tôi mở mắt và nhận ra Cao, anh bạn nhạc sĩ trong đoàn Văn Công phục vụ đường dây tôi gặp hôm trước.
- Mày đã vô đây rồi à? – Tôi hỏi.
- Hai ba ngày rồi.
- Đi đường nào, sao tao không thấy?
- Tao cũng không biết đường nào, người ta biểu đi thì đi, biểu đứng thì đứng, biểu hát thì hát, biểu đừng hát thì giữ miệng câm. Biết cái gì là cái gì đâu!
- Hát xướng gì ở đây chưa?
- Không dám hát. – Cao nhìn tôi rồi tiếp – ướt hết hả?
- Nhúng trong nước, khô sao được..
- Để tao về lấy quần áo khô cho thay, mặc đồ ướt cảm chết.
- Biết chừng nào giao liên cho đi mà cho mượn!
- Còn lâu! Cứ tin tao đi! Tụi nó nhét nút bịt kín rồi, đường đâu mà đi! – Nói vậy rồi Cao quay đi nhanh.
Chập sau trở lại với quần áo trên tay và… một ông bạn.
- Mày biết thằng nào đây không?
Tôi nhìn thằng người kia một thoáng mới nhớ ra.
- Mày cũng đi nữa à? – Tôi gắt yêu.
- Cả hai vợ chồng! Thế mới độc đáo!
Anh chàng kia là dược sĩ. Anh ta làm ở Quân y viện Cần Thơ hồi kháng chiến chống Pháp. Tôi và Cao thỉnh thoảng ghé qua được nó bê cho một chai nhau ngâm mật ong để tẩm bổ hoặc khi có cấy Phì-la-tốp (là nhau khô, rạch da, cấy vào, nghe nói tăng “sức bật” dữ lắm nhưng tôi ớn quá không cấy lần nào. Ông nhà văn Sơn Nam có viết một bài tuyên truyền cho môn thuốc này tựa là “Rủ nhau đi cấy” đăng ở báo Kháng Địch khu 9) thì cho hay để đến cấy.
Tên nó là Vân, nhưng tên khai sanh của nó là Quách Tích Hích. Bọn tôi gọi nó là Chệt lai, bi phê bình mất đoàn kết Hoa Việt, vì nó là cháu bác Mao lẫn bác Hồ.
Cao bảo:
- Thôi dẹp ba cái chòi trại của mày, quảy tất cả lại đằng lều họ Quách, ta liên hoan đồng hương một bữa!
Cao vừa nói vừa quơ quào mọi thứ đồ đạc và lôi tôi đi mau mau.
Vừa đi, Cao nói:
- Mày có tưởng tượng rằng nó “vào” rồi lại trở ra cõng vợ nó vào luôn không?
- Trời đất! – Tôi kêu lên và quay lại nhìn Vân.
- Tao không có sáng tác đâu! – Cao tiếp – Nó đi trước mày mà. Rồi trở ra Hà Nội rước vợ vào đấy. Không tin mày lại đằng đó coi có bà Phụng hay không.
Chúng tôi tới gần lều thì Quách kêu:
- Phụng ơi, Phụng, có người quen tới nè!
Một người đàn bà từ trong chiếc lều “kín cổng cao tường” ló mặt ra hỏi:
- Ai đó?
- Không nhìn ra ai hả chị?
Phụng chớp chớp mắt giây lâu rồi kêu lên:
- Anh Xuân Vũ hả?
- Chớ còn gì nữa! – Vân nói – Nó đi lạc đường em ạ!
Cả ba cùng vào lều, một cái lều khác hắn lều Trường Sơn. Nó có vách che bốn bên nhưng cũng đều bằng ni-lông. Tuy bằng ni-lông vẫn còn hơn trống rỗng trống lơ như lều của bọn này, nằm trong lều mà tưởng nằm giữa trời.
Tôi buông đại đồ đạc gạo thóc ba-lô xuống đất. Cao bảo:
- Đi thay quần áo đi cái đã!
- Nó có sốt không? – Vân hỏi- Có sốt tao cho uống thuốc ngay cắt cử cái một.
Tôi như người té dưới sông vừa được vớt lên. Tôi xách bộ đồ quân sự của Cao ra rừng thay rồi vào nhanh. Tôi ngó quanh quất cái lều rồi nói:
- Bộ muốn trụ hình ở đây luôn sao mà làm nhà kỹ vậy.
- Ở đây có hai tuần lễ rồi! Đường kẹt nặng. Đơn vị đi trước mình bi phục kích. Nghe nói ông trung đoàn phó hay tham mưu trưởng gì đó bị bắt.
- Tao có nghe máy bay loa! – Tôi cứ nhìn ngó chiếc lều hoài – ấm quá!
- Nó có kinh nghiệm lần vô trước nên kỳ này nó cải tiến cái lều bảnh quá mày thấy chưa? Có vách hẳn hoi. Mưa gió đâu có tạt. Ngủ như trong nhà.
Tôi chưa từng biết ai khỏe mạnh, siêng năng, tĩ mỉ và cưng vợ như cái thằng dược sĩ này. Hồi ở trong Nam, nó có chiếc ghe tam bản nhỏ có hai tấm rèm dựng lên xếp xuống. Đó là cả cái giang san của nó. Nó không khi nào ăn cơm cơ quan. Bao giờ cũng ăn riêng hai vợ chồng hoặc trên nhà dân hoặc dưới ghe. Cơm kháng chiến đạm bạc nhưng rất tươm tất. Thỉnh thoảng đi ngang qua Y viện của nó ở Vườn Cò, bọn tôi thường tắp lại ghe của nó để ăn cơm. Không có gì, ăn cũng ngon nhờ nước mắm tỏi ớt, củ cải muối hoặc tương nếp do chị Phụng sáng tạo. Ăn xong nấu trà uống, nói dóc một hồi cho tiêu cơm rồi đi.
Mỗi khi cơ quan di chuyển, nó ở trần trùi trụi vác hết thùng đồ này tới thùng đồ khác chèo ghe chất đầy đồ đạc của Viện tới địa điểm mới rồi trở lại rước vợ. Không bao giờ nó để vợ chèo một phút. Con hai đứa, đứa gởi về ngoại nuôi, đứa giao cho nội giữ. Hai vợ chồng đi kháng chiến một cách thong dong và hồn nhiên.
Bây giờ gặp lại nhau ở giữa rừng núi này quả là hạnh ngộ. Tôi nói với chị Phụng về tình trạng gạo của tôi. Chị Phụng đưa sáng kiến ngay:
- Lỡ xuống nước rồi, anh có phơi cũng không ăn được trừ khi anh nấu liền nó mới không hôi. Chỉ có một cách là ngâm luôn rồi xay bột.
- Nhưng lấy gì mà xay?
Đang bàn việc xay gạo bỗng Cao kêu lên:
- Ông Hoàng Cò đâu rồi?
- Tụt hậu hồi ở nửa đường!
- Rồi sao? Không ai vớt ông hết à?
- Tao đang đi bỗng quay lại thì không thấy ảnh nữa. Mấy người đi phía sau bươn lên nói là ảnh tuột biệt đằng sau. Trời mưa tầm tã. Tao đâu có sức mà trở lại tìm, còn nếu ngồi lại chờ thì sợ lạc đường ma dắt vô bụi cho ăn đất sét bỏ mạng!
- Mày không báo cáo với giao liên à? – Cao gặn hỏi.
- Báo làm mẹ gì. Chân thằng nào thằng ấy đi. Nó có dư chân cho mình đâu mà báo cáo.
- Hoàng Cò là ai? – Vân hỏi. Tên gì lạ hoắc vậy.
- Hoàng Việt đó! Tụi tao nói “cò” cũng như “diệc,” kêu bằng Hoàng Cò nghe vui hơn...
Vân kêu lên:
- Hoàng Việt hả? Trời đất! Ổng ốm yếu vậy mà cũng lội vô đây à?
- Ốm cũng đi. Xa bà xã đã hai chục năm rồi đó mày.
Vân đưa tay vẹt tấm vách ni lông ngó trời rồi nói:
- Bây giờ còn sớm, để tao đi rước thằng chả coi. Bỏ “chả” dọc đường cọp tha uổng cái “Lá Xanh” chớ tụi bây!
- Lá xanh ăn nhằm gì, Đại hòa tấu Giao hưởng kia đấy!
- Thôi, tụi bây ở nhà lo cơm nước, tao đi chút coi.
- Cứ đi theo dấu bùn nát nhừ là gặp ổng thôi. Bây giờ ổng giỏi lắm là đã lên tới đỉnh dốc. Mày mang ba-lô dùm cho ổng thì ổng bay nhẹ thôi.
Vân nai nịt gọn gàng, lưng đeo súng lục đi nhanh như chạy.
Tôi và Cao đứa đi “túm” nước về ngâm gạo, đứa đi tìm củi nấu cơm. Trong khi chị Phụng soạn thức ăn. Cao lo nấu cơm còn tôi bỏ gạo vào bọc ni lông nước buộc túm lại và để vào một hốc đá, một kiểu ngâm gạo mới phát minh.
Tôi bỗng nhớ lại tất cả cái sinh hoạt kháng chiến của chúng tôi. Vô tình hôm nay là buổi họp của những cựu học sinh đi kháng chiến cùng một lúc.
Tôi buột miệng hỏi:
- Chị có cho thằng “kỹ sư súc vật” hay trước khi đi không chị?
(Lối xưng hô của chúng tôi hơi kỳ cục, gọi chồng thì bằng thằng mà gọi vợ lại bằng chị)
Chị Phụng nói:
- Trước khi đi anh Vân có cho ảnh biết, để ảnh tiếp thu “tài sản” của chúng tôi.
- Coi bộ cái “nghề chăn bò” của nó không khá lắm. Có lần nó mời tôi sang uống sữa trâu của sở nó, ý nó muốn tôi viết bài tuyên truyền sữa trâu ngon và bổ hơn sữa bò Hòa Lan.
- Sao tôi không thấy bài đó trên báo?
- Tôi có viết đâu mà chị thấy được. Nó pha cho tôi một cốc tôi hớp một hớp ngậm hồi lâu mới trợn trắng lên mà nuốt. Tanh bỏ mẹ. Vì tình bạn, nếu không tôi phun ra ngay!
Chị Phụng nói:
- Ảnh có đem cho anh Vân một bình để nhờ anh Vân phân chất.
- Ông dược sĩ phân chất thấy chất gì trong đó?
- Tôi không nghe kết quả, nhưng chắc không khả quan lắm nên ảnh im luôn.
- Hắn đi tập kết bỏ vợ ba con ở lại. Vào lứa tuổi tôi ai cũng vợ con đùm đề, chỉ mình tôi là còn độc thân. Khi ra Hà Nội, gặp tôi, hắn mới tỏ ra ân hận chị ạ!
- Ảnh sang tôi chơi lần nào ảnh cũng than. Ảnh nói với anh Vân một câu, tới bây giờ tôi còn nhớ: “Muốn mau thống nhất bắt vợ con mấy thằng trung ương đem vứt vô Sàigòn hết cả thì có kết quả ngay!” Anh Vân hỏi tại sao vậy, ảnh nói: “Có thế thì chúng nó mới điên tiết lên! Chứ còn để chúng bữa nào cũng ăn ngon rồi vợ sẵn bên đó, còn “thống” cái giống gì kia chứ. Muối xát lòng ai nấy xót. Phải không? ”
Tôi hỏi:
- Không biết nó có xin về nước không?
- Vợ ảnh ra được rồi.
- Trời đất! Làm sao mà ra?
- Ảnh có đưa mấy đứa nhỏ và chị ấy sang thăm vợ chồng tôi. Chị thuật lại chuyện đi gian nan lắm. Trước nhất phải lén đi lên Cao Miên, ở Cao Miên đi làm thuê làm mướn hai ba năm rồi mua giấy căn cước sao đó, lẹo tẹo ớn lắm mới đi từ Cao Miên ra Hà Nội.
Cao nói:
- Bây giờ thì nó cũng hết cần thống nhất rồi. Vì nó đã “thống nhất với vợ nó” rồi. – Cao tiếp- Nè, ông bác sĩ Cư nhà mình ra Hà Nội rồi đâu biệt tăm chị Phụng?
- Ông Trung, ông Thành, ông Nghiệp còn lặn mất tiêu, ông Cư ăn nhằm gì! Ông Thành thì đi học Liên Xô, ông Trung thì làm bác sĩ ở tỉnh nào đó, còn ông Nghiệp thì làm Ủy viên trung ương đảng Xã hội, anh không biết à?
- Có biết chớ! Tôi có gặp ổng xếp hàng đi ăn cơm ở hợp tác xã sau lưng Mậu dịch Quốc doanh ăn số 1 ở Tràng Tiền.
Chị Phụng lắc đầu khe khẽ:
- Mấy ông lớn trong mình ra ngoài này lu mờ quá!
- Lu mờ gì. Tiêu tùng hết ráo. – Tôi xen vào – Hồi kháng chiến, ông Nghiệp từ Bắc vô Nam với chức Tổng Thanh tra Quân y Toàn quốc, oai như trời, đi đâu tiền hô hậu ủng rầm rầm. Ổng mở lớp đào tạo y tá sáu tháng ở tại nhà tôi chớ đâu. Tôi ghét nghề thầy thuốc nên không học.
- Anh Vân đã từng làm ở quân y hồi các ông Bờ ông Thầm cưa tay chân thương binh bằng cưa thợ mộc. Công của ảnh đóng góp cho nghề biết bao nhiêu, thế mà ra Bắc cũng chỉ lãnh chức Phó. Ảnh chán ảnh mới ghi tên xung phong về xứ. Ảnh nói về trong mình kháng chiến như hồi trước vậy mà vui hơn. Ra Bắc bon chen ganh tị ti tiện qua. Cục muối chia hai, cục đường nuốt hết. Biết vầy ai có mong kháng chiến thành công làm gì để đi tập kết ly hương.
Kể đến đây, chị Phụng lại hỏi tôi:.
- Anh Hoàng Lưu bệnh sao mà chết ác vậy anh?
- Nó đau gan lâu rồi. Vì ở riêng và bị chảy máu nội tạng không ai hay.
- Ảnh có con chưa?
- Lúc tập kết thì vợ có thai.
- Vậy mà cũng đi!
- Hai năm về mà chị! Không nhớ mình giơ hai ngón tay lên để từ giã đồng bào ở bến Chắc Băng à?
- Trong lúc tụi Tây ngồi trên mui tàu há mồm thì xòe hai tay và giơ cả hai cẳng. Nghĩa là hai chục năm!- Cao tiếp – Tụi đế quốc nói ẩu vậy mà hổng chừng đúng đó! Mười năm rồi! Mười năm nữa là tiêu tùng hết ráo! Mại dô!
Tôi thở dài:
- Tội nghiệp chị Kim Minh vợ thằng Hoàng Lưu! Có lẽ bây giờ chị cũng chưa biết chồng chết. Chậc! Gia đình nó có một mình nó. Lúc bà già nó vô cưới vợ cho nó, tôi có gặp bả. Đám cưới nó ở Phú Hữu, tôi có dự.
Ba người im lặng một hồi như để cho dĩ vãng tươi đẹp hiện lên rõ hơn.
Bỗng chị Phụng nói:
- Còn anh, tính sao?
- Tính sao gì, chị?
- Ai cũng vợ con cả rồi. Anh từ Nam ra Bắc, từ Bắc về Nam vẫn cứ chân không hoài à?
- Ngán ngẩm lắm chị ơi?
- Người ta còn đợi anh kia kìa!
Tôi quay sang chuyện khác. Tôi hỏi Cao:
- Sao mày biết tao vô đây mà tìm, hay mày chỉ đi hờ cơ rồi gặp tao?
- Mấy cha quân sự đi lậu mách cho tao. Họ quen mặt tụi tao quá mà. Ông Trữ, ông Mật và ông Quý đóng quân ở vùng Thọ Xuân Bái Thượng chớ đâu. Các chả nói có gặp mày nằm ở trạm ngoài. Tao chắc thế nào mày cũng vô đây. Hễ có đoàn vô thì tao rảo đi kiếm.
- Vậy hả? Mấy chả đâu hết rồi?
- Cũng lẩn quẩn đâu đây thôi.
- Các chả đi lậu đó nghe!
- Nhiều thằng được gọi tên đập bệnh để ở lại, mấy chả đi lậu là sao?
- Mấy chả bị phân công xuống Bác Kế!
- Thế à? – Cao nhảy dựng lên – Cái gì quái gỡ vậy?
- Mấy chả không xuống đó mà đi thẳng. Trạm có xét giấy sơ sơ… ăn thua gì. Chẳng thằng nào vuốt nhớt được mấy chả hết.
Chị Phụng trở lại chuyện lúc nãy:
- Anh Cao chờ đón anh ở trạm này rất có ý nghĩa đấy.
- Thì để nói chuyện khào chơi cho đỡ buồn. Ngoài ra nó còn nhờ tôi đem thư và hình về cho… con nó ở Cần Thơ
- Hình cho con chứ không cho chị Tuyết Hoa à?
Cao nháy tôi. Tôi nhanh miệng đáp:
- Hồi chưa có con thì nhớ vợ. Có con rồi thì nhớ con. Cho con cũng là cho vợ chứ gì, chị!
- Anh Cao có con chín mười tuổi rồi, còn anh, anh không lo cha già con muộn hay sao?
- Đã muộn rồi, cho muộn luôn.
- Ai nói như anh vậy. Phải vớt vát lại chứ. Ông già bà già mong có cháu bồng. Bộ anh bị dính gốc rau muống rồi hay sao?
- Tôi tuốt bỏ hết cả không có dính rau dính cà gì hết. Đi là đi, nhẹ như không!
- Nếu có người ta chờ anh thì sao?
- Ai mà chờ tôi?
- Vậy mà có mới lạ chứ!
Lúc nãy khi chị vừa gợi ý thì tôi đã ngửi thấy vấn đề nên đánh trống lảng ngay, bây giờ tôi nói thẳng:
- Chuyện đó hãy quên đi cho rồi chi ạ!
- Anh có quên thật không kia chớ!
- Chị có nhắc thì tôi mới nhớ! Nếu không tôi đã quên, quên lâu rồi.
- Anh quên nhưng người ta không quên.
Tôi biết là chị muốn nối tôi và Nguyệt lại với nhau. Chắc là Cao gặp chi ở đây đã thuật lại đầu đuôi sự phản ứng cửa tôi ở trạm ngoài. Hắn nhờ chị tiếp tay. Nguyệt cũng là người cùng cơ quan Y viện của chị. Lúc đó tôi theo bộ đội tìm đề tài “trong máu lửa” nên bị thương. Vào y viện mổ lấy đạn. Nguyệt và tôi quen nhau vào dịp đó. Chị là xếp của Nguyệt. Chị đã tạo cơ hội cho chúng tôi gặp nhau. Ra Bắc khi nghe chúng tôi tan vỡ, chị có rầy Nguyệt, nhưng lúc đó vấn đề lập trường giai cấp và tự ái cá nhân là tối thượng. Tôi chẳng chịu xuống nước năn ni còn Nguyệt thì tự ti về thành phần bóc lột. Do đó chân ai nấy bước.
- Bây giờ nó ăn năn rồi anh ạ, anh cũng nên thấy sự tiến bộ của nó chứ.
Cao vọt miệng:
- Tóm lại là nó còn yêu mày! Nó muốn gặp mày để nói cho mày nghe mọi chuyện. Mày không nên quá khắt khe!
Trời tối mịt hồi nào không hay. Mải mê ôn lại chuyện cũ mà quên cả bước đi của thời gian.
- Chắc anh Vân đã tìm được anh Hoàng Việt rồi – Vừa nói, chị Phụng vừa khoác tấm ni lông nhìn ra rồi lấy đèn pin xẹt ra ngoài.
Thì đúng y như thần linh độ mạng. Có tiếng kêu to:
- Tụi mày ơi! Hoàng Việt đây này!
Chị Phụng đưa đèn cho Cao. Chúng tôi chạy ra. Trong vệt sáng xanh lét tôi thấy một cây cột bùn đang di động về phía chúng tôi.
- Tôi kêu lên “Anh Bảy” – rồi chạy nhào tới ôm lấy Hoàng Việt.
Vân nói:
- Tao thối chí muốn trở về rồi, may sao tao còn ráng đi thêm một chặng nữa…
Cái lều trở nên nhộn nhịp rối rít tiếng người nhưng không chật chội.
Hoàng Việt ngồi phệt xuống đất, hai chân duỗi thẳng. Vân bảo như ra lệnh:
- Nhúng khăn ướt lau sơ thay quần áo, rồi cho ảnh lên võng nằm đắp chăn nghỉ trước đã. Không cho ăn gì bây giờ cả. Không ai hỏi han gì. Để cho ảnh ngủ một giấc. Thức dậy sẽ tính tới. – Vân vừa nói xong thì chị Phụng cũng vừa đưa bộ quần áo khô cho Hoàng Việt.
Hoàng Việt ra ngoài thay rồi trở vào. Vân trỏ chiếc võng của chị Phụng vừa mắc xong:
- Anh lên võng ngủ đì. Bất cần đời nghe!
Hoàng Việt ngã đánh vật lên võng, chỉ nói một câu:
- Tao đã định ngủ lại giữa đường rồi tụi mày ạ!- rồi lịm luôn...
- Mấy thằng giao liên ác thiệt! – Cao buột miệng nói – Bỏ con người ta như thế à?
Tôi nói:
- Chớ mày bảo nó làm gì bây giờ? Có nó dắt tới nơi là quí lắm đó.
- Ở đâu cũng thế hay sao?
- Khác thế nào được. Ác là cái thằng nào tổ chức con đường này này! Đến nỗi anh Sáu còn bật ngửa ra. Chính ảnh cũng không ngờ đường đi lại tệ hại như thế này mà.
- Ủa, con nhỏ gì đi với mày ở trạm ngoài đâu rồi?
- Ông Mặt Sắt cho theo đoàn của ổng rồi.
- Sao không thấy đi chung với tụi tao?
- Có thể họ đi con đường nào khác mày không biết. Tao nghe nói có nhiều đường lắm!
- Đường nào tao không biết chứ con đường tụi tao đi diễn thì chết vô số kể..
- Ai chết? Khách à?
- Lính công binh chứ khách gì!
- Đánh chát gì với ai mà chết?
- Đánh núi, đánh cây nên núi đánh cây đánh lại. Một bãi chôn đặc những mả.
- Mày có hỏi thử dân Nam Kỳ mình có nằm ở đó không?
- Toàn dân mình chớ dân nào nữa. Ra đi bằng tàu, mở đường về bằng mìn. Ra tàu Liên Xô, về cỡi mìn cũng Liên Xô. Ra an toàn, về tan xác. – Cao nói giọng chua chát – Bọn Nam Kỳ mình tưới nước mắt ngập bến tập kết, bây giờ rắc máu xương mở đường về trên mỗi tấc đất Trường Sơn. Đi trước về sau! Vinh quang quá cỡ! Đi cũng vinh quang mà ở cũng vinh quang! Địt mẹ vinh quang một phát đi!
Tôi biết Cao trong mười năm kháng chiến. Vợ con Cao toàn sống nhờ bên nhà vợ. Áo rách, xuồng nát, chèo gãy mà đời vẫn như bay. Chưa bao giờ phàn nàn về nỗi nghèo đói.
- Thôi mày ơi! Mày có muốn về thì trốn về, chớ cằn nhằn mẹ gì! – Tôi nói.
Vân bật lên:
- Ừ đó, về với tụi tao đi! Cái thằng Xuân Vũ luôn luôn là vô kỷ luật. Nổi tiếng Hà Nội. Nhưng sự vô kỷ luật của nó hình như đúng cả. Đấy, ý kiến của nó hay lắm. Hễ mày đồng ý, tao lo trang bị cho. Thế là đi luôn với tụi tao!
- Trang bị gì? Tôi hỏi.
- Thuốc men, đao búa. Tao có sẵn cả. Nếu cần thì mầy lấy hết trang bị của vợ tao. Vợ tao với tao “hùn vốn” xài chung. “Cùng chia sớt khi cùng đói lòng, từng miếng khô từng vắt cơm” [1] mà mậy.
Tôi nói:
- Nó đi công tác trên đường này thì trang bị cũng đủ hết cả, phải không Cao?
- Ngoài tăng võng ra thì thêm một gói thuốc gồm có quinine, thuốc đỏ, thuốc rắn và một hộp muối ruốc chớ có cái gì quí giá đâu!
- Tụi tao cũng chỉ có thế, thêm một con dao trành bằm chớ có gì khác!
Vân nói:
- Vậy là đủ rồi. Ngoài ra tao còn mười “em ngái” thồ cả tủ thuốc đi theo tao kia. Bảo đảm cho tụi bây không chết vì sốt rét dọc đường.
- Đó là một ưu tiên “rỉ đại” duy nhất đúng rồi, còn đòi gì nữa?
Vân tiếp:
- Không tin tao kêu các em lại đây trình diện cho chúng mày xem. Tao về trong đó làm xếp phòng dược của quân y Nam Kỳ quốc mà ta.
- Ủa, leo lên được chức trưởng rồi hả?
- Vô Nam khói lửa, Bắc kỳ nó đùn cho mình, nên nó mới phong cho mình chức trưởng, chứ nếu còn ở ngoài đó thì ôm cái phó cối muôn năm, đâu có leo lên nổi.
- Nói vậy sẵn “ổ” trong đó rồi hả? Về cái là “đẻ” phải không?
- Tao lo đủ hết các thứ rồi. Hễ về là… đẻ – Vân vừa nói vừa liếc vợ – Hả bà?
Phụng nói:
- Bỏ hai đứa nhỏ ngoài Hà Nội em phát rầu đây nè!
- Thì chúng nó ở với cậu nó chớ ai mà bà rầu. Lớn lên đứa đi Liên Xô đứa đi Đông Đức như con anh Hai Hùng anh Ba Khiêm vậy. Tụi nó về làm thủ tướng bộ trưởng, con mình làm bậy phó phòng vệ sinh trưởng ban ủ phân xanh thôi!
Tôi hỏi:
- Mấy đứa ở trong Nam lớn đại hết rồi hả chị Phụng?
- Đứa mười bốn đứa mười sáu! Con gái lớn, con trai thứ ba.
- Nhờ cậy được cả rồi! À mà ngoéo tay làm suôi với thằng Cao đi!
Cao không vui, nhưng cố gượng:
- Con trai tao còn nhỏ hơn.
- Thì kết bạn với con trai của thằng Vân.
- Anh không lo cho anh đi! Về riết để người ta cưới hết con gái ở trỏng – Chị Phụng nói – Hay là còn tơ vương Hà Nội? Anh mà khỏi, tôi thua luôn!
Bữa cơm ăn dưới đất nhưng trong lều kín, ngon miệng vô cùng. Vân chơi sang treo ngược chiếc đèn pin. Ánh sáng vòng tròn chụp xuống vừa đủ soi sáng mâm cơm.
- Không món gì có xương đâu mà sợ – Vân nói – Ăn khô ăn hạn tạm bữa nay đi, sáng mai vợ tao nấu canh cho mà húp!
- Còn ba cái gạo ngâm kia thì làm sao?
- Mày lo ba cái vụ sáng tác đi, tao xay cho mà coi!
- Trên mười ký gạo đó nghe mày! Trạm ngoài cho mỗi thằng lãnh mười sáu kí lô một phát.
- Ấy chết! Vậy vạch ba-lô của Hoàng Việt ra coi có gạo không. Hay là ổng vứt rồi.
- Không dám vứt đâu! Ảnh bảo là không biết chừng nào mới tới kho gạo, phải ăn tiết kiệm! Vậy hồi cậu ngang trạm đó, nó phát bao nhiêu?
- Mười hai ký.
- Mà nó có dặn ăn nhín không?
- Không dặn cúng phải nhín.
- Gạo không có cho lính, nhưng chúng nó dư cho lợn..
- Hả?
- Bác Mao bảo quản lý ba năm đem chặt đầu. Quản kho ở Trường Sơn ba tuần đem treo cổ. Tôi nói – Tụi bây không biết gì hết đâu. Tao đã từng đi ăn cướp gạo kia đấy.
- Ăn cướp ở đâu?
- Cách đây chừng vài trạm. Bộ đội bị cúp gạo kéo đến kho bắt trói quản kho, khai kho cho lính lấy tha hồ.Tụi mày biết không, chúng nó lấy gạo nuôi lợn và đổi chác các thứ với đồng bào thiểu số.
- Có chuyện đó nữa à?
- Ôi thôi chỗ nào có cơ quan chỗ đó có tham ô. Mày không nhớ vụ Cao Xà Lá à?
- Cái tụi ghê gớm thật.
- Tụi nào mà chẳng ghê gớm! Hễ có quyền chức trong tay là ghê gớm cả. Ghê gớm nhất là cái bọn tham ô mà chẳng ai dám nói năng gì, chẳng ai dám kiểm soát, cái bọn ăn xương uống máu cửa dân mà lúc nào cũng bô bô cái miệng: của dân, vì dân, do dân.
Vân bỗng ngoặt ngang hỏi Cao và chị Phụng:
- Ở nhà nãy giờ mày và vợ tao có nói cái vụ con Nguyệt chưa?
- Em nói rồi! – Chị Phụng đáp.
Không đợi ai thêm câu nào, tôi cười:
- Thôi được, gặp thì gặp nhưng tao không hứa gì trước cả.
Cao cười. Vân và chị Phụng cũng cười. Cao nói:
- Hội nghị Giơ-ne giải quyết vấn đề chính ở ngoài hành lang với bộ râu của Mandes France mal rasée mày hiểu không?
- Tao không hiểu gì cả? Nhưng mày cứ kèo nèo hoài, biết đâu…
- … lại chẳng tốt cho mày! – Vân tiếp.
- Ừ, anh đi gặp nó đi. Con nhỏ đó dữ và khó tính lắm… Hồi nó ở chung Y viện với tôi, mấy cô phơi quần áo cùng một sào với nó rồi hốt vô chung, nó lấy của nó ra sông giặt lại và phơi riêng đó. Nó mà còn yêu anh và xuống nước như vậy là chuyện không hèn.
Để Hoàng Việt ngủ trong lều của vợ chồng Vân, tôi đi theo Cao. Cao cầm cái đèn pin của Vân rọi đường cho tôi đi Chị Phụng vén màn nói với theo:
- Ông mai ráng ăn cho được cái đầu heo nghe!
- Đầu heo rừng chắc gặm rách mép!
--------------------------------
1 Một câu trong bài hát “Niềm Thương Mến” của Xuân Vũ và Phan Vân, giải nhất Cửu Long 1950 trong Kháng chiến Nam Bộ.
Mạng Người Lá Rụng Mạng Người Lá Rụng - Xuân Vũ Mạng Người Lá Rụng