No man can be called friendless who has God and the companionship of good books.

Elizabeth Barrett Browning

 
 
 
 
 
Tác giả: Marcel Bigeard
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1688 / 23
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Cuộc Rút Lui Khó Khăn Về Sông Đà
ệnh cho những người ở Gia Hội đi về phía sông Đà, tôi nói với họ: “Đi càng nhanh càng tốt. Các anh sẽ bắt liên lạc với trung đội của tôi đang chiếm giữ đèo Khau Phạ”. Đơn vị Gia Hội được cứu thoát mà không phải chiến đấu. 10 giờ. 11 giờ. Giữa trưa. Chúng tôi vẫn chờ đợi những chiếc Morane. Điện của tướng Linarès: Bất khả thi, các máy bay không thể lên được vì khí tượng xấu. 13 giờ. Sau khi chôn cất và tưởng niệm các tử sĩ, tiểu đoàn bắt đầu cuộc hành quân dài rút lui. Phải leo lên những ngọn núi và kéo đài đội ngũ theo hàng một trên con đường mòn nhỏ hẹp ấy.
Đi đầu là đại đội của Wilde, theo sau là sở chỉ huy của tôi và Trapp. Đi tập hậu là Leroy và Magnillat. Hai chiếc B.26 đã lên được và bay lượn bên trên Tú Lệ cho mãi đến 16 giờ 30 nhưng khí tượng vẫn bế tắc. Họ tiếc rẻ chia tay với chúng tôi. Tôi hành tiến về đèo Khau Phạ. Các thương binh được cuốn tròn vào trong những chiếc dù rồi được khiêng bằng một chiếc đòn dài, do các đồng ngũ luân phiên nhau khiêng trên vai.
17 giờ. Tôi lên tới giữa đoạn đèo ở độ cao một nghìn ba trăm mét. Một màn mưa bụi làm cho con đường mòn trơn trượt. Thật là nhọc nhằn? Mọi người đã không kịp thở từ năm hôm nay và kêu ca chuyện mệt mỏi. Tourret và tôi, mỗi người đeo trên lưng một máy vô tuyến 300 nặng mười lăm kilô. Tôi tự hỏi, Tourret đang mồ hôi đầm đìa, lấy ở đâu ra cái sức mạnh ấy, vì chúng tôi biết điều này: thân hình anh ấy chỉ nặng có sáu mươi kilô.
Leroy và Magnillat chạm trán dữ dội với các đơn vị lớn quân Việt vốn đã bám theo họ và đang tìm cách tràn lên. Bị hai khẩu đại liên của quân Việt bắn chéo cánh sẻ, tình thế trở lên hỗn loạn. Polo gọi Bruno: Tệ hại. Tôi có ba mươi người gục ngã. Bernard gọi Bruno: Tôi bị chia cắt với Polo. Bị tổn thất nghiêm trọng. Bruno gọi Polo và Bernard. Lao thẳng lên đỉnh đèo. Phá huỷ thứ gì quá nặng. Điều chủ yếu là tới được đỉnh cao với quân số tối đa.
Thực là khổ cực! Linh mục Jeandel tốt bụng ở bên cạnh tôi, không đi được nữa. Ông ấy muốn chờ các thương binh. Sau này ông ấy sẽ trở về sau khi bị bắt giữ trong hai năm. Polo và Bernard tiếp tục trận đánh kiềm chế, có trời biết ra sao.
Đến nửa đêm, những phân đội cuối cùng của Bernard tới được đỉnh đèo. Mệt nhoài, chúng tôi thử điểm lại tình hình. Ngủ, ngủ nhưng như vậy tức là chấm hết. Chúng tôi thiếu mất chừng tám mươi người vừa tử sĩ, thương binh và mất tích. Trước mắt, quân Việt không thể làm được bất kỳ điều gì. Chúng tôi chiếm giữ đoạn đèo này mà họ chỉ có thể tràn qua sau khi đã lấy lại hơi sức và tổ chức một cuộc hành quân đường dài.
Tôi ra lệnh: 3 giờ sáng, xuất phát về hướng Mường Chấn, ở cách đây chừng mười hai tiếng đồng hồ đi bộ. Đi đầu là Polo và Bernard, họ vừa chịu những tổn thất nghiêm trọng, tiếp sau là Hervé. Francis sẽ cầm giữ đỉnh đèo cho đến 6 giờ sáng để cho đại bộ phận đơn vị đồng ngũ có thời gian vượt lên trước. Tourret sẽ chỉ huy bộ phận đi đầu và bắt đầu từ 9 giờ phải lần lượt bố trí các đại đội mai phục ở những địa điểm thuận lợi. Các đại đội này sẽ chỉ rút đi khi đơn vị cuối cùng đã đi qua. Riêng cá nhân tôi, tôi sẽ ở bộ phận tập hậu cùng với Francis.
Tôi buộc phải bắt cái cậu Tourret tốt bụng này đứng nghiêm bởi lẽ cậu ta cho rằng vị trí của cậu ta phải là ở bộ phận tập hậu. Nhưng tôi giữ ý định là tôi phải có mặt ở nơi mà cuộc chiến sẽ nổ ra. Không tài nào chợp mắt đi được. Quần áo, thân thể ướt đẫm, lạnh thấu xương, người tôi run lên. Trời lạnh trong cái đêm đen tối và lạnh giá ở độ cao một ngàn hai trăm mét này.
3 giờ sáng. Lẳng lặng, các đơn vị chuyển mình như những bóng đen. Tôi còn lại một mình với Francis, bình thản điềm tĩnh. Tôi biết là Thượng đế đã tiếp sức cho cậu ấy. 6 giờ. Như đã dự kiến, chúng tôi rời bỏ đỉnh đèo và chạy xuống dốc theo hướng tây càng nhanh càng tốt. Các đồng ngũ của tôi hẳn đã ở xa và quân Việt đợi trời sáng rõ để phản ứng. Cho mãi đến 8 giờ, mọi việc trôi chẩy theo đúng nghĩa của từ đó. Nhưng rồi quân Việt bắt đầu quấy rối trung đội đi sau cùng của tôi, đầu tiên một cách lẻ tẻ bằng những phân đội nhỏ. Đến 9 giờ, chuyện này trở nên nghiêm trọng.
Tôi mai phục đại đội ở một địa điểm thuận lợi. Quân Việt cách ba trăm mét, hai trăm mét, rồi năm mươi mét. Nổ súng thoả chí và rút lui khẩn trương. Mọi người được báo trước là các thương binh tử sĩ sẽ không thể được thu dung. Đó là con bài áp dụng cho tất cả chúng tôi.
Sáu kilômét đi thêm về phía tây, Hervé đợi chúng tôi cùng với đại đội của cậu ta được bố trí mai phục một cách đáng khen. Cậu ấy để cho Francis đi qua, giờ đây đã yên ổn. Tôi ở lại với Hervé. Chúng tôi đợi quân Việt, chẳng mấy lúc họ hiện ra và lại tiếp tục đối đầu. Rút lui khẩn trương.
Tám kilômét đi xa hơn, Bernard, nấp kín trong bụi rậm, đợi cho Hervé đi qua khỏi để gánh vác lấy phần việc của mình. Lại một lần nữa, tôi ở lại với đại đội hậu vệ và chúng tôi lại đọ súng với các phân đội đi đầu của quân Việt. Và cứ như vậy cho mãi đến Mường Chấn, ở đó bộ phận đi đầu của tiểu đoàn tới được lúc 13 giờ.
Đến 15 giờ, cùng với các phân đội cuối cùng, tôi về tới khu đồn.
- Hoan hô, Tourret. Các ổ mai phục của cậu được bố trí rất hay.
- Cám ơn, thưa thiếu tá, nhưng tôi những muốn được ở cùng một chỗ với thiếu tá.
Mọi người mệt lử. Chúng tôi đã phá huỷ các khẩu súng cối, ba phần tư các đài thông tin. Một số anh em đi chân đất, những đôi bốt nhẩy dù của họ tỏ ra quá nặng nề. Chúng tôi đã mất thêm chừng vài chục người trong ngày hôm đó... Đây là đại đội lính chiến. Tôi cần phải cứu thoát họ, đưa họ về Hà Nội. Đồn này không thể giữ được. Đây thực sự là một cái bẫy chuột đối mặt với một trận cường tập, trong đó chúng tôi sẽ bị khống chế ở khắp mọi nơi.
Thượng sĩ Peyrol, đồn trưởng, có trong tay khoảng bốn chục dân binh. Một người cao, mảnh khảnh, đôi mắt trong sáng, anh biết rõ những gì mà chúng tôi vừa phải gánh chịu và đã cung ứng cho chúng tôi toàn bộ lương thực, thực phẩm, đạn dược dự trữ của anh. Những bữa ăn nóng được nấu cho năm trăm năm mươi lính dù của tôi, lúc này nằm gục ở bất kỳ một mảnh bóng râm nào có được ở trong khu đồn.
Không quân đã báo hiệu có hoạt động tăng cường của quân Việt trên những điểm cao khống chế chúng tôi. Không còn nghi ngờ gì, họ sẽ nghiền nát chúng tôi đêm nay trong cái bẫy chuột này. Tướng Linarès, một lần nữa lại bay trên đầu chúng tôi:
- Bruno, anh sẽ làm gì đây?
- Tôi chưa rõ, thưa tướng quân. Nhưng tôi sẽ giải quyết được. - Và tôi kết thúc bằng câu: - Xin gửi ngài những cái hôn may mắn.
Tôi cần phải suy nghĩ bất chấp nỗi mệt mỏi đang chế ngự con người tôi. Ngủ, không nghĩ ngợi gì nữa.... Liệu có phải một giấc mơ không đây? Không. Sư đoàn 312 quân Việt với mười chín người, rõ ràng là đang ở đây. 17 giờ. Cuộc họp toàn bộ êkíp của tôi, cùng với thượng sĩ Peyrol. Như mọi lúc, chúng tôi đều mày râu nhẵn nhụi. Quy tắc ở tiểu đoàn chúng tôi là có chết cũng phải chết trong tư thế như vậy.
Đây là các mệnh lệnh của tôi - Xuất phát lúc 19 giờ trong đêm tối theo trật tự Bernard - Francis - Polo - Hervé. Chúng tôi đi không vội vã nhằm tới được đồn Ý Tòng ở cách mười bốn tiếng đồng hồ đi bộ.
- Các anh còn hai tiếng đồng hồ để xoá bỏ nỗi mệt nhọc và lấy lại sức lực cho đám trai tráng của các anh. Việc di chuyển sẽ tiến hành không một tiếng động, không được trò chuyện. Bernard bố trí đi đầu một trung đội lính thuộc địa. Trong trường hợp gặp phải quân Việt, họ sẽ nói là họ đi chiếm giữ lối ra phía tây của khu lòng chảo (ở đơn vị Bernard và Francis, quân số hai mươi lăm phần trăm là người địa phương).
- Peyrol, tôi yêu cầu ở anh một nhiệm vụ phải hi sinh: ở lại trong đồn của anh càng lâu càng tốt sau khi chúng tôi xuất phát. Làm ầm ỹ, tạo ra cảm tưởng là tiểu đoàn hãy còn ở đấy. Trong trường hợp quân Việt tấn công, điều này tất yếu xẩy ra, các anh cứ nhẩy vào rừng và tìm cách ra được bờ sông Đà.
- Bernard - Hervé - Polo - Francis, không có ý kiến gì chứ?
- Không, Bruno.
- Peyrol thế nào?
- Sẽ làm như vậy, thưa thiếu tá.
19 giờ. Đoàn quân ma khởi động. Liệu chúng tôi có rơi vào thảm họa không? Tôi nói nhỏ vào máy vô tuyến: Bruno gọi tất cả: Nếu mọi việc trôi chẩy, thì đừng trả lời. Bernard gọi Bruno (bằng một giọng thì thầm rất nhỏ): Chúng tôi đi xuyên qua những toán quân Việt. Chúng tưởng chúng tôi là một đơn vị của chúng. Phải, không thể tin được. Năm trăm năm mươi con người của tôi đi như vậy xuyên qua giữa đám quân Việt đang bao vây khu đồn... “Ai dám đánh thì đánh thắng”. Có ai đó đã nói như vậy.
Mường Chấn lùi xa dần... Bruno gọi Bernard. Đẩy nhanh tốc độ. Hành quân cấp tốc nếu có thể. Bernard gọi Bruno: Rõ. Và bước đi kéo dài ra. 22 giờ. 23 giờ. 7 giờ sáng. 8 giờ. 9 giờ.... Đã mười bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi hành tiến như những người máy. Một chiếc B.26 bay trên đầu chúng tôi và báo tin: “Mường Chấn bị phá huỷ. Đơn vị trong đồn đã rút vào rừng”. Lạy Trời! Xin Trời phù hộ cho người thượng sĩ anh hùng ấy thoát nạn.
14 giờ, còn vài kilômét nữa thì tới khu đồn. Ở đoạn đèo cuối cùng này chúng tôi gặp được một tiểu đoàn dù người thuộc địa được tướng Linarès phái tới chi viện cho chúng tôi. Tiểu đoàn trưởng và cơ quan tham mưu của họ, vẻ mặt thư giãn thoải mái. Họ vừa ăn điểm tâm xong. Không thiếu bất cứ thứ gì, quầy ăn dã chiến, rượu vang, khăn giải bàn. Tôi bảo họ: “Cẩn thận. Các anh cần làm ăn nghiêm túc. Trước khi trời tối, họ sẽ ngồi trên lưng các anh đấy”.
Mệt mỏi đến choáng váng, cuối cùng là Ý Tòng. Mười lăm thương binh của chúng tôi đã hành quân với một đầu đạn nằm trong cánh tay hay cẳng chân. Một vài người phải bó bột. Cần phải lấy lại hơi sức. Giờ đây được che chở vòng ngoài bởi một tiểu đoàn còn nguyên vẹn, trước tiên là chúng tôi đã được cứu thoát nhưng vẫn còn lại việc phải đi tới được Tạ Bú, cách đây năm tiếng đồng hồ đi bộ.
20 giờ. Tiểu đoàn quân thuộc địa bảo vệ vòng ngoài cho chúng tôi bị tấn công và không bám được trận địa. Có tổn thất to lớn. Cái quầy ăn đẹp đẽ của họ biến mất vĩnh viễn. Dứt khoát là tất cả không thoát được. Đứng dậy! Tiến lên! Theo trật tự như vậy và trong im lặng. Như một cỗ máy chính xác, đoàn quân lại khởi động.
Hai giờ sáng. Tạ Bú. Đoàn thuyền độc mộc đang chờ chúng tôi. Porcher, tay trung úy nặng đến chín mươi kilô của tôi, do sợ hãi đã phá mọi kỷ lục, và là người đầu tiên qua sông. Nhưng thử hỏi, có ai trong chúng ta lại không sợ hãi trong tình cảnh đó.
Tôi là người cuối cùng lên thuyền. Giờ đây có những lực lượng lớn trấn giữ bờ phía tây con sông. Mọi việc đã được dự kiến. Tiếp đón nồng nhiệt, những bữa ăn nóng. Chúng tôi được cứu thoát. Nhưng mọi người đã vượt quá giới hạn của cái bất khả thi. Trong trạng thái mơ mơ màng màng, đoàn quân nằm gục xuống... ngủ, ngủ.
Gilles chỉ huy tất cả số tiểu đoàn được cử đi tăng viện. Sở chỉ huy của ông đặt tại sân bay Nà Sản. Linarès và Ducournau ở bên ông ấy. Một chiếc Morane đưa tôi tới chỗ họ. Một xe Jeep chờ tôi. Tôi vất vả trèo lên xe nhưng không tài nào bước xuống được. Người ta đỡ cho tôi đứng xuống... Linarès hỏi tôi nhưng tôi không cất nổi tiếng để trả lời. Vết sưng tấy bên háng phải làm tôi đau đớn và tôi không thể chịu được nữa nên đã ngất đi. Một vài mũi tiêm và sau đó Linarès mỉm cười hỏi tôi:
- Thế nào, Bruno, những nụ hôn tốt lành ấy, anh tưởng tướng quân của anh là một cô gái làng chơi chăng?
Hoan hô Linarès! Một vị tướng thực thụ, tôi yêu ông biết bao. Nhân từ, sáng suốt, cảm thông nỗi đau khổ của mọi người.
Hôm nay là 23 tháng mười. Kể từ ngày 16, làm thế nào mà chúng tôi đã duy trì được một cường độ như vậy? Nhẩy dù xuống Tú Lệ, các công việc, cuộc tấn công của quân Việt, cuộc rút lui chết người với bốn mươi hai tiếng đồng hồ hành quân. Đuổi theo sau một cách quyết liệt là quân đối phương đông hơn chúng tôi gấp mười lần về số quân. Một tuần lễ không ngủ hay hầu như không ngủ, ngoài một tiếng đồng hồ dừng chân, lúc đó người ta ngã vật ra trong một chiếc hố.
Hà Nội đã nói: “Bọn họ hỏng hết rồi” Và tất cả bộ tư lệnh đạo quân viễn chinh đã nín thở để theo dõi nỗi cực khổ dai dẳng của chúng tôi. Kinh nghiệm của tôi về cái xứ sở này, cuộc sống trải qua từ mười lăm năm nay với những thiếu thốn, gian khổ của nó, vốn hiểu biết về quân Việt đã giúp cho tôi có những quyết định cần phải có vào thời điểm then chốt nhất. Và cái tiểu đoàn tuyệt vời của tôi, được rèn luyện thật quyết liệt từ một năm nay và do một êkíp sĩ quan như vậy chỉ huy đã làm tốt phần còn lại.
Cái tên Bigeard cùng một lúc bùng nổ trên tất cả các tờ nhật báo: “Cuộc rút lui khỏi Tú Lệ”, “Họ từ địa ngục trở về”, “Trang sử thi bi thảm”. Jules Roy, một nhà văn tài năng và lỗi lạc, tôi có dịp gặp được ở Hà Nội sau này đã cho đăng một bài nổi tiếng trong tờ Tạp chí của Paris, tháng tư 1953 với nhan đề “Cuộc rút lui của một ngàn con người”. Tôi trích ra đây một vài đoạn:
“Quân Việt minh không bắn và lúc đó Bigeard hiểu ra vì sao bọn họ để yên cho đơn vị đồn trú tiếp đón vui vẻ đại đội của Gia Hội. Bọn họ muốn có một trận đại thắng. Nhưng Bigeard không hề nói gì, kể cả với Tourret. Anh là người chỉ huy và giữ kín những lo lắng cho riêng mình.
“Liệu anh ta có hơi bực bội trong thời điểm đó không? Liệu anh ta có quát to để giữ được im lặng trong lúc bước chân của số người ở Gia Hội làm cho sỏi đá lăn xuống dốc phát ra tiếng động? Rất có thể là không. Đó không phải là tính cách của anh ấy. Trên khuôn mặt trơ lì của Bigeard, cần phải nắm bắt được cái tia sáng ngắn ngủi loé lên trong đôi mắt anh, tia sáng của những niềm vui và những nỗi buồn đau khổ. Ngoài tia sáng đó, mọi thứ khác đều bất động. Đó không phải là vì anh ấy không có cảm xúc gì mà là vì anh ấy biết cách chỉ huy.
“… Trong những ý kiến của Bigeard, có một câu nói thường hay lặp lại. “Các anh nhìn chúng tôi với cái gậy giữ thăng bằng đặt trên hai vai ư?...” Đây là dấu hiệu nhục nhã của thời kỳ bị giam giữ và những công việc mà người ta thực hiện khi bị bắt làm tù binh của Việt minh. Bigeard bị ám ảnh bởi cái hình ảnh này. Anh đã cố tìm cách thuyết phục tôi tin rằng khi dẫn dắt tiểu đoàn của mình tiến về sông Đà, anh chỉ có nghe theo một nỗi sợ hãi. Nhưng mà nếu thế, trái ngược với một mệnh lệnh, vì sao anh đã chờ đợi những người của đồn Gia Hội? Vì sao buổi sáng ngày 20 tháng mười, anh vẫn còn cứ chờ đợi những chiếc máy bay Morane có nhiệm vụ chuyển số thương binh đi. Đỉnh cao nhân cách của con người này chính là ở chỗ đó. Anh không bỏ mặc bất kỳ một ai. Anh không nghĩ cho cá nhân mình trước tiên mà là nghĩ tới những người khác. Ở trong con người anh, mọi việc bắt đầu từ cái đó và tiếp diễn theo cái đó. Nếu như anh đã đợi đến tận 13 giờ rồi mới rút đi, đó không phải là vì anh đã giành được một chiến thắng trong đêm. Dù cho anh đã kìm chân quân đối phương trước các khẩu đại liên của mình, dù cho anh không nhận được sự chi viện của chiếc máy bay B.26 đã xuyên được qua màn sương mù che kín các quả đồi, thì anh vẫn cứ đợi. Và khi anh tin chắc là những chiếc Morane sẽ không tới hạ cánh ở Tú Lệ, anh chỉ để lại sau lưng mình những người chết, trên những ngọn núi khói lửa, sau khi đã tổ chức ở từng đại đội lễ bồng súng chào họ theo nghi thức quân sự. Anh hạ lệnh cho từng trung đội cuốn tròn các thương binh lại trong những chiếc dù và khiêng đi, chỉ mãi tới lúc đó, anh mới chỉ huy đơn vị rút đi.
“Cha tuyên uý đã ở Iại trong cuộc vượt đèo, trong đêm 20 rạng ngày 21 tháng mười, trong lúc đó Bigeard giúp cho các thương binh nhắm mắt. Posuerunt me custodem... Người vệ sĩ không nao núng, đó là Bigeard, và chính anh là người bao giờ cũng có mặt ở vị trí nóng bỏng nhất, đi tập hậu, cùng với đại đội phải chống đỡ thường trực sức tấn công của quân Việt, trong lúc đó Tourret điều độ cuộc hành quân và bố trí các đội xung kích bảo vệ trên các quả đồi.
“Trong văn phòng của anh, phía trên lò sưởi, có một lá cờ nửa đen, nửa đỏ với dòng chữ thêu kim tuyến vốn là câu châm ngôn của tiểu đoàn dù số 6, kể từ ngày thành lập “Ai dám đánh thì đánh thắng!” Người ta bảo rằng đó là câu của Bigeard. Người ta lại còn có thể tin rằng khẩu hiệu đó được sáng tác vì nhu cầu của sự nghiệp. Nhưng mà không. Đối với Bigeard, câu khẩu hiệu ngắn gọn, có phần nào sáo rỗng đó trở nên thật đơn giản nhưng quyết liệt, sắc sảo và lạnh lùng như một lưỡi dao găm”.
Lời Thú Nhận Muộn Mằn Lời Thú Nhận Muộn Mằn - Marcel Bigeard Lời Thú Nhận Muộn Mằn