Thành công có nghĩa là thoát khỏi những nếp nghĩ cũ kỹ và chọn cho mình một hướng đi độc lập.

Keith DeGreen

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 15601 / 216
Cập nhật: 2015-03-16 10:22:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
uốt năm ngày tìm kiếm Minh khắp nơi không thấy. Chiều nay Loan buồn bả tới quán Kim Sơn để tìm bọn lỏi tì đánh giầy, đàn em của Dương húc. Loan để ý trong bọn đánh giầy chẳng thấy có một thằng lỏi nào cụt một chân hết.
Ngần ngại một lát, Loan đánh bạo hỏi một thằng đánh giầy:
- Này, mày có biết thằng Tý què không?
Thằng bé nheo mắt nhìn Loan, rồi nhìn quanh trước khi hỏi Loan:
- Hỏi chi vậy?
Loan nói dối đại:
- Tao là anh của Tý què cần gặp nó có chuyện.
Thằng bé ngoắc cái đầu:
- Tý què đâu có anh, đừng xạo?
- Anh bà con!
- Tý què cũng không có anh bà con.
Thấy nói dối không được, Loan đành thú thật:
- Tao mới ở trong Chí Hòa ra, tao với Dương húc là bạn, mày biết Dương húc chớ?
Thấy nói đến Dương húc, thằng bé có vẻ e dè:
- Anh là bạn của anh Duơng?
- Phải, tao muốn gặp thằng Tý què gấp, có tin Dương húc nhắn nó!
Ở góc đường có một thằng khá lớn mặc quần sà lỏn đứng lảng vảng. Thằng bé đánh giầy đưa mắt canh chừng hoài:
- Khó gặp lắm anh, em trước kia cũng là em của anh Duơng, từ ngày anh Dương bị bắt em khổ lắm anh ạ!
- Còn tụi nó!
- Cũng vậy nữa!
- Mày cứ chỉ chỗ thằng Tý què đi rồi tao tính!
Thằng bé nhìn Loan:
- Nếu anh cứ ăn bận theo điệu này thì khó mà gặp nổi Tý què.
Loan nhìn lại quần áo mình, quả thật bê bối, chân lại lê lẹp kẹp đôi dép cao xu gần đứt quai. Thàng bé bày vẽ tiếp:
- Anh ăn bận cho thiệt bảnh bao, đi giầy đàng hoàng rồi vào nhà hàng Đô Thành ngồi uống nước. Tý què đánh giầy ở nơi đó, anh sẽ kêu nó lại đánh giầy rồi muốn nói chuyện gì thì nói.
Loan đâm lo lắng:
- Tại sao lại khó như vậy?
- Thằng Tý què là một cây kiếm tiền anh à, nó xin đánh giầy không ai nỡ từ chối hết có khi lại còn thương hại cho nhiều tiền nữa kia. Bọn đầu nậu trông chừng nó lắm. Chúng sọ bọn đầu nậu khác dụ mất.
Loan vỡ lẽ, bộ quần áo và đôi giầy cho bảnh, đối với Loan lúc này quả là một điều khó khăn. Thằng mặc quần sà lỏn thấy Loan nói chuyện quá lâu với thằng đánh giầy thì lảng vảng tới gần. Thằng nhỏ bấn lên:
- Anh đi không nguy bây giờ.
Loan hiểu ý bỏ đi ngay. Loan nghe thằng đánh giầy trả lời thằng kia:
- Dạ, thằng đó muốn đánh giầy anh à, nhưng nó chưa thạo nghề nên hỏi em.
Tiếng thằng kia hăm he:
- Mày mà lộn xộn mày chết.
Suốt hai ngày trời, Loan lo lắng về bộ quần áo và đôi giầy. Nó không thể mượn được ai, không xoay đâu ra. Nhiều lần Loan đi qua nhà hàng Đô Thành, nó có nhìn thấy Tý què, nhưng xung quanh Tý què lúc nào cũng có máy thằng bé bằng trạc tuổi nó. Loan không làm cách nào gặp riêng được Tý què.
Tới ngày hẹn đón Xuân, Loan tới trước cửa công an từ chín giờ sáng. Loan có gặp một xe bít bùng giải tù được trả tự do vào trong vòng thành. Khi xe đi qua, Loan thấy một người con gái giơ tay ngoắc lia lịa ở cửa xe. Đúng la Xuân đang vẫy Loan. Không nhìn rõ, nhưng Loan đoán chắc là nàng.
Nghĩ lại hôm được trả tự do, Loan biết còn lâu Xuân mới được ra, ít ra là ba giờ chiều, số tiền trong túi Loan suốt một tuần lễ dè xẻn từng đồng nay chỉ còn lại hơn một trăm đồng. Một trăm đồng cho hai đứa liệu sống được bao lâu nữa. Loan không muốn nằm đường nằm chợ lại giắt theo một người con gái. Không biết Xuân có đồng nào không, nếu có chắc Xuân không phải nhờ vả đến Loan.
Buổi trưa Loan ra quán cơm gần đó ăn qua loa một đỉa cơm thịt kho bảy đồng rồi ra quán cà phê ngồi chờ. Mãi tới bốn giờ chiều Xuân mới được thả ra. Vừa trông thấy Loan, Xuân reo lên, chạy tới:
- A, anh, chờ em lâu không?
- Từ chín giờ sáng.
Xuân nắm lấy tay Loan cảm động:
- Em cứ nghĩ anh không đến chứ, anh hứa cho qua...
Đám người được trả tự do từ trong cửa túa ra, gặp người quen đi đón mừng rối rít. Một mụ đàn bà đi qua mặt hai người, Xuân gật đầu chào:
- Bác về mạnh giỏi!
Người đàn bà buồn bã nhìn Xuân, hỏi:
- Chồng mày đây hả?
Xuân liếc nhìn Loan rồi gật đầu đại:
- Dạ, chồng cháu đó, tội nghiệp ảnh chờ cháu suốt từ sáng đến giờ. Anh bảnh trai không bác?
Người đàn bà cười:
- Bảnh lắm, chúc các cháu hạnh phúc, cố gắng làm ăn đi để khỏi phải tù tội nữa.
Nói xong người đàn bà cúi đầu đi. Xuân nhìn Loan thật tình tứ:
- Em nói láo anh đừng giận nghen, bác đó là người tốt lắm, bác thuơng em như con vậy đó. Bác bán vé số quá giá bị bắt, tù hết hai tháng...
Loan vẫn lầm lì, một lát nó mới lên tiếng:
- Cô ăn uống gì chưa?
Xuân lườm Loan:
- Nữa, anh vẫn còn gọi em bằng cô vậy nữa.
Loan ấp úng:
- Chứ còn gọi bằng gì nữa.
Rồi Loan lảng sang chuyện khác, chỉ cái giỏ Xuân xách ở tay hỏi:
- Quần áo hả?
Xuân nhìn Loan nhí nhảnh.
- Tiền đó!
Loan huýt sáo miệng một tiếng lớn.
- Xạo nữa!
Vẫn vẻ mặt tươi cười, Xuân nói:
- Rồi anh coi!
Có lẻ lâu lắm Xuân mới có một ngày vui như hôm nay. Mái tóc uốn quăn của nàng đã dài chấm ngang vai, nhưng được chải xuông xẻ, khuôn mặt nàng thanh tú, chưa mất hẳn dáng dấp trẻ con. Nhìn Xuân Loan thấy tội nghiệp cho đời con gái cùa nàng. Loan bạo dạn nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Xuân giắt đi:
- Em nên vào quán ăn đở cái gì lót dạ đã, rồi đi đâu mình tính sau...
Mặt Xuân tươi rói:
- Có vậy chứ, nắm tay em có ai cắn cấu gì đâu mà né hoài, anh cù lần hết sức, gặp những thằng khác cỡ anh nó bốc hốt bằng thích.
Loan nhìn sangXuân:
- Đừng nói bậy!
Vẻ mặt Loan lúc dó trông nghiêm nghị làm Xuân cũng thấy ớn. Theo Loan vào quán, Xuân ngồi đối diện. Loan hỏi:
- Em ăn gì?
Đôi mắt tròn của Xuân nhìn Loan đăm đăm:
- Em không đói!
- Không đói cũng phải ăn để còn giữ sức.
Xuân cảm động vì lời nói đó, nàng gật đầu:
- Tùy anh đó.
Loan gọi hầu bàn:
- Có gì ăn không?
- Chỉ còn bánh mì hột gà!
Loan nhìn Xuân hỏi:
- Em ăn nhé!
- Sao cũng được hết, em mừng muốn chết đây nè!
Loan gọi thêm hai ly cà phê đá.
Trong khi ăn, Xuân nói huyên thuyên:
- Hồi ở trỏng em cứ tưởg tượng khi ra tù mà không có ai đón thì buồn muốn chết được. Tủi thân lắm anh, trong khi những người khác thì kẻ đưa người đón. Còn mình thui thủi...
Nàng nhìn Loan:
- May quá có anh!
Đôi mắt nàng long lanh. Loan nhìn lại nàng:
- Sao em lại chọn anh?
- Không biết nữa...Ờ...ờ có lẽ thấy anh đẹp trai, đôi mắt anh đẹp như mắt con gái, chọn mặt gởi vàng chớ bộ, con này đâu có ngu.
Loan vui lây cái vui của Xuân. Mới nửa giờ trước hai người còn xa lạ, bây giờ Loan có cảm tưởng nó và Xuân đã quen nhau, thân thiết nhau tự hồi nào. Chờ cho Xuân ăn xong, Loan mới hỏi:
- Bây giờ em tính sao, mình đi đâu?
Xuân reo lên như trẻ con:
- Mình đi coi hát bóng, chu choa em thèm coi hát cả mấy tháng nay rồi, coi hát xong mình ra ăn nữa, xong rồi mình thuê phòng ngủ tạm...
Loan ngần ngại, nó biết số tiền trong túi mình chẳng còn bao nhiêu, Xuân lại có vẻ đòi hỏi quá đáng. Xuân mở to hai mắt nghiêng ngó nhìn Loan, khuôn mặt thật dễ thương như mặt một con chó nhật bản. Loan bỗng thấy thương Xuân, thuơng người con gái sớm lạc bước giang hồ. Loan ngần ngại mãi mới nói được:
- Anh chỉ còn đủ tiền đi xem bát bóng, còn cái vụ kia...
Xuân bỗng mỉm cười, nàng đưa bàn tay nhỏ nhắn sang nắm lấy tay Loan:
- Em có tiền mà, cả ngàn lận...
Loan đam đam nhìn Xuân, nhìn nụ cười còn giữ nguyên trên môi nàng:
- Tiền ở đâu mà nhiều quá vậy?
Xuân chỉ vào túi áo bà ba, rồi chỉ xuống cải bọc ở dưới đất:
- Tiền đó, thiếu giống!
Loan định đưa tay xuống nắm cái bọc. Xuân cản lại:
- Ý không được nghe!
Loan đành thôi, nó nhìn Xuân với ánh mắt vui vẻ:
- Anh đâu có ngờ em nhiều tiền quá vậy, nhưng bây giờ hãy để anh trả tiền những thứ này nghe.
Xuân ngồi thu hai tay vào trước ngực, gật đầu, đôi mắt không dời Loan, cô bé có vẻ ưng Loan rồi. Trả tiền xong, Loan kéo Xuân đi. Cô bé không cho Loan mó vào phần dưới của cái bọc, nàng giơ một ngón tay trỏ lên giao hẹn:
- Anh chỉ được quyền sách đi thôi, cấm không được sờ mó gì vào đây hết. Cứ đi nghe, khi nào "con này" biểu anh đứng lại thì đứng nghe, biểu mở bọc thì mở nghe.
Loan vui vẻ cười vang, suốt từ ngày ra tù đến bây giờ, lần này là lần đầu tiên Loan cười lớn như vậy:
- Xin tuân lệnh!
Đang đi bỗng nhiên Xuân dừng lại:
- Anh!
- Gì đó?
- Mừng quá nên em quên mất chưa hỏi tên ann?
Loan nhìn Xuân tủm tỉm:
- Tên Loan, người ta thường gọi là Loan mắt nhung.
Vừa nghe đến câu đó, Xuân cười ré lên:
- Loan, tên gì kỳ cục quá vậy?
- Tên người chứ tên gì, rõ thật lẩm cẩm.
Hai người thong dong đi, tới một quầy thuốc lá, Xuân ra hiệu cho Loan đứng lại:
- Chờ em chút nhé!
Loan đứng hơi xa nên không nghe rõ Xuân nói gì với người đàn bà bán thuốc, một lát sau Loan nghe tiếng nói của người đàn bà lớn hơn:
- Không rẻ đâu cô ơi, mua thì mua chứ tôi ngán mua phải thuốc mốc lắm!
Tiếng Xuân hơi gắt:
- Mốc sao được, thuốc mới tinh vừa lấy trong hãng ra chớ bộ, bà không mua tôi mang đi chổ khác bán, thiếu gì...
Loan nhìn xuống cái gói để ở dưới chân mình. Nó nhắc thử lên rồi dộng nhẹ xuống đất. Đúng là thuốc hút thật. Loan phân vân, không biết cô bé này đào đâu ra mà lắm thuốc thế. Hay là nàng ăn cắp... Loan nhíu mày suy nghĩ không lẽ ăn cắp mau thế, nàng vừa mới ra tù tức thì.
Bỗng nhiên Loan nghe tiếng Xuân la lên:
- Bẹp hết của người ta bây giờ, ông nội, lại đây coi.
Loan không biết làm sao đành xách bọc bước tới.
Người đàn bà liếc nhìn Loan rồi nói với Xuân:
- Cô lấy ra đi, để coi lại chút xíu...
Xuân trề môi:
- Bán đồ lậu cho bà kiểu này thì lính đến túm cả đám, thiệt bực mình hết sức vậy đó.
Nàng quay sang Loan:
- Nào anh lấy lên cho người ta coi, coi bộ anh ngu ngơ như mới rớt từ trên trời xuống, lẹ lên!
Thấy Xuân hối thúc mình, Loan cũng đâm cuống, nó đoán chừng trong vụ này phải có chi gian dối đây. Nhưng đã chót vào tròng rồi nên Loan đành phải làm theo lệnh của Xuân. Bỗng nhiên Loan thấy hồi hộp, hai tay nó luống cuống mãi mới mở được bọc. Loan cằn nhằn:
- Khỉ quá sao không nói trước!
Xuân vẫn tỉnh khô, gài một câu ác ôn:
- Nói trước chi vậy, anh thiệt như thỏ đế.
Nàng cười thật tươi, nhìn Loan tình tứ:
- Em muốn có tiền mua tặng anh cái cái này.
Loan bực mình gắt lên:
- Tôi không thèm!... Biết vậy thì...
- Biết vậy thì sao nào? Bỏ con này hả, vợ chồng bộ chút xíu vậy mà bỏ nhau sao.
Nàng nhìn sang người đàn bà đang lập cập đếm thuốc, những gói thuốc Ruby mới tinh:
- Chồng tôi nhát lắm bà à, ảnh hăm bỏ tôi hoài à, nhưng tôi nhất định không bỏ ảnh vì thương ảnh quá trời.
Người đàn bà có vẽ thương hại Loan, bà nhìn cái dáng dáo dác của Loan nên thông cảm:
- Thôi xong rồi, tôi trả tiền đây.
Xuân cầm tiền cười rinh rích có vẻ khoái trí. Nàng kéo Loan đi:
- Đi, thỏ dế!
Loan thở phào thoát nợ, đi được một quãng Loan đứng lại. Nó đã suy nghĩ kỹ, nhìn Xuân Loan thấy ghét kinh khủng:
- Xong rồi, bây giờ chúng ta chia tay nhau ở đây!
Xuân cười rộ lên:
- Sao lại chia tay?
- Câm họng ngay, tôi không phải thứ người cho cô giỡn mặt!
Đang cười, Xuân ngừng bặt, nàng quan sát người bạn mới, vẻ mặt Loan hầm hầm đầy tức khí. Trông khuôn mặt đó Xuân đâm sợ. Nàng không còn đủ can đảm đùa cợt nữa.
- Anh!
- Không anh em gì nữa hết, tôi đi đây!
Nói xong Loan quay lưng đi. Xuân vội vàng víu lấy tay Loan:
- Kìa anh, bộ nỗi nóng thiệt về chuyện đó đấy à?
Loan vung mạnh tay ra, mặt nó đỏ lên, bướng bỉnh:
- Tôi đã nói rồi, hết, hết thật, tôi đã làm...
Xuân thấy người con trai mới hồi nãy còn nhút nhát, phút chốc đã thay đổi đột ngột. Loan không hiền lành như nàng tưởng, Loan tàn nhẫn và cứng rắn. Đôi mắt Xuân nhìn người bạn trai thật tha thiết:
- Anh để em nói đã, em đùa...
- Hứ đùa, tôi đâu có phải là hạng người để cô đùa cô hiểu chứ, tôi tù tội thật đấy nhưng không phải hạng điếm đàng lưu manh, tôi không bao giờ muốn đồng lõa ăn cắp, giúp cô chuyện vừa qua là quá lắm rồi đó...
Khi Loan nói đến câu điếm đàng, Xuân xụ mặt xuống, nàng nới lỏng tay, lặng người, nước mắt nàng bỗng nhiên như muốn trào ra:
- Anh khinh tôi quá lắm!
Loan nhìn đi chỗ khác.
- Tôi khinh những kẻ nào đáng khinh.
- Anh tàn nhẩn!
Loan cười nhạt, chính nụ cười đó đã làm cho Xuân không còn chịu đựng được nữa. Nàng trở nên đáo để:
- Tôi cấm anh khinh tôi!
Tiếng nói của Xuân hơi lớn làm Loan thấy chột dạ, đường phố lúc này đang nhiều người qua lại. Loan sợ Xuân chu chéo lên thì mất mặt hết cả. Loan càng bực mình nhưng vẫn phải cố dịu giọng lại:
- Làm gì mà ồn lên vậy, không sợ người ta cười cho à!
Xuân đáo để hơn:
- Tôi không sợ gì hết, mặc kệ người ta, tôi làm đến nghề điếm là mạt hạng rồi tôi còn sợ ai cười nữa.
Loan tức anh ách, nhưng không biết làm cách nào để khớp miệng cô gái đáo để này lại. Một vài người qua đường hình như đã để ý đến hai người. Nếu Xuân cứ túm lấy mà chu chéo lên ở đây thì chỉ còn nước độn thổ. Loan loay hoay với vấn đề khổ tâm đó. Cuối cùng Loan đành hòa hoãn, vẻ mặt dịu lại, nói đưa đẩy để Xuân bình tĩnh trở lại.
- Cô nói là đùa, sao lại đùa kiểu đó ai mà không ớn.
Quả nhiên sau lời nói đó Xuân có vẻ dịu cơn nóng, nhưng vẫn còn hơi xẵng:
- Tôi muốn giải thích nhưng anh không nghe, tôi đùa thật đó, ạnh lại lên mặt khi rẻ tôi.
Loan đành im lặng, nỏ nghĩ rằng thà im lặng để cho Xuân nói thả ga còn hơn, rồi mình sẽ tìm cách kiếm đường tách cái của nợ này ra sau. Loan thật khổ tâm hết cỡ, nó hối hận sao nhận lời đưa đón Xuân làm gì cho thêm rắc rối. Loan tự trách mình cứ cái tính quân tử tầu đó có ngày đến gặp tai nạn nữa thôi.
Xuân thấy Loan đã bắt đầu chịu lép vé nên cô bé được thể hành hạ lại Loan:
- Anh tưởng tôi đi ăn hắp ăn trộm những gói thuốc đó hả, làm điếm thì dễ chớ ăn trộm đâu có dễ anh!
Loan dáo dác nhìn xem có ai để ý đến mình không, thấy có người đi gần lại Loan nhắc chừng:
- Khổ lắm tôi đã nói cô nói khẽ chứ!
Xuân làm già:
- Kệ người ta, ai bảo anh khinh tôi.
Loan lép vế ra mặt:
- Ấy là tôi nhắc chừng vậy thôi, ngộ lỡ lính đi qua họ nghe thấy cái gì mà ăn cắp ăn trộm thì nguy cho mình.
Xuân cười khảy:
- Khỏi có ngán đi, anh đừng mang lính ra mà hăm tôi, anh ghét tôi thì đi thưa coi nào.
Càng lúc Xuân càng trở nên đáo để, Loan đành phải xuống đến nước cùng:
- Đó lại gài tiếng ác cho nhau rồi, tôi đâu có làm chuyện đó, tụi mình dầu sao cũng là... anh em với nhau.
Xuân đỏng đảnh:
- Hứ, sao anh biểu là hết anh hết em rồi mà!
- Thì lúc nãy tôi nóng nên nói vậy.
Lần này Xuân cười thành tiếng.
- Bây giờ hết nóng chưa?
Loan cũng đành đau khổ gật đầu:
- Thì hết nóng rồi mới nói chuyện với nhau được như vầy chớ.
- A, anh chịu nghe tôi nói chuyện rồi chớ, được thế thì tôi nói.
Xuân trở lại bình tĩnh, nàng nhìn Loan vui vẻ:
- Hồi nãy tôi đùa anh đó, tôi đâu có ăn cắp, vả lại làm bộ vậy để con mẹ mua thuốc khỏi kỳ kèo mất công. Anh tưởng tôi ăn cắp thật hả?
- Thế thuốc ở đâu mà nhiều quá vậy?
- Mồ hôi nước mắt chớ ở đâu, anh biết không, em khiêng nước mướn để lấy thuốc cả tháng trời nay ở trong khám mới được ngần ấy thuốc. Em phòng thân, ngộ lỡ ra khỏi khám chưa kiếm được tiền thì có tiền bán thuốc này sài đỡ ít ngày.
Loan để ý thấy Xuân đã trở lại cách xưng hô anh anh em em như cũ. Loan trở lại vui vẻ, nó kẻo tay Xuân đi:
- Chó con, vậy mà làm người ta hết hồn, bận sau mà còn chọc cái điệu đó nữa là thằng này bỏ luôn cho coi, lúc đó có khóc lóc cũng mặc xác.
Xuân nheo mắt, hứ một tiếng.
- Cứ làm như người ta ham lắm...
Tới đầu đường Xuân hỏi:
- Từ hôm ra tù đến giờ anh ở đâu?
Loan chỉ vỉa hè:
- Ở những chỗ giống như chỗ này!
Xuân cười ré lên:
- Vậy hả, sướng quá nhỉ, thôi hôm nay bỏ chỗ đó đi nghe, em bao anh một đêm, bao hoài cho tới lúc nào hết tiền.
- Bao gì?
- Bao ngủ ở chỗ có giường nệm quạt máy, chịu hôn?
- Mình thuê nhà ngủ?
Xuân gật đầu, nàng nhìn bộ quần áo nhem nhuốc của Loan:
- Đầu tiên phải đi mua một bộ quần áo đàng hoàng cho anh đã, coi anh như mới móc ở dưới đất lên.
Loan ngượng ngùng:
- Thì anh ngủ vỉa hè cả tuần nay không dơ sao được. Xuân ngó trước ngó sau rồi vẫy đại một chiếc xe taxi.
Nàng đẩy Loan vào trước, sau khi đóng cửa xe Xuân nói với người tài xế:
- Ông cho tụi tôi lên Sàigòn.
Suốt từ ngày giang hồ tới giờ chưa lần nào Loan được một bữa sung sướng như hôm nay. Nhưng nó vẫn thấy áy náy vì đang tiêu tiền của Xuân. Loan mở tấm cửa kính xe hơi cho gió lùa vào mát lồng lộng.
Loan Mắt Nhung Loan Mắt Nhung - Nguyễn Thụy Long Loan Mắt Nhung