Thất bại ư? Tôi chưa bao giờ gặp phải. Với tôi, chúng chỉ là những bước lùi tạm thời.

Dottie Walters

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
Ở đầu làng, cành lá cây bách đen cháy đi vì sương giá đã ngả sang mầu đỏ thẫm. Đứng dưới cây, tì vào cái thuổng, là một người đàn ông mặt xám, nhợt như thần chết. Mi hỏi hắn ta làng này tên là gì. Hắn nhìn mi, con mắt sắc, không trả lời. Mi quay lại bảo nàng rằng gã này là một tên đào trộm mồ mả. Nàng không thể nhịn được cười, khi hai người đã vượt qua hắn, nàng ghé vào tai mi rằng hắn ta chắc đã bị nhiễm độc thủy ngân rồi. Mi nói hắn đã ở quá lâu trong đường hầm một ngôi mộ mà hắn đang ăn trộm và tên đồng đảng với hắn đã chết. Mình hắn sống sót.
Mi bảo rằng ông hắn cả đời làm cái việc ấy, ông của ông hắn cũng thế. Khi ông cha đã dấn vào cái loại sinh nhai này thì người ta khó mà có được bàn tay sạch sẽ. Nhưng cái này không giống như hút thuốc phiện, hút thuốc phiện cuối cùng là phá tán cơ nghiệp và làm bại hoại gia đình. Những kẻ ăn cướp mồ mả lấy được nhiều lợi lộc lớn lắm mà chẳng cần có vốn liếng đặc biệt gì. Họ chỉ cần táo tợn nhảy vào công việc ấy. Khi người ta đã phạm vào nó một lần, người là liền bập vào nó đời này qua đời khác. Nói với nàng như thế, mi làm cho nàng vui. Nàng cầm lấy tay mi, nàng sẵn sàng đi theo mi khắp nơi.
Mi nói vào thời ông của ông cái gã vừa rồi, Hoàng đế Càn Long có làm một chuyến tuần du. Trong đám quan lại địa phương, ai mà không muốn nịnh Hoàng đế? Trăm phương nghìn kế nếu không là để chọn ra những đàn bà con gái đẹp nhất trong vùng thì là để thu nhặt kho báu của các triều đại đã qua. Bố của ông của ông hắn chỉ có một ít đất cằn làm của thừa kế. Ngày mùa, ông ta trồng trọt còn trong mùa nông nhàn, ông ta đi khắp các xóm làng, thị trấn, đòn gánh trên vai, rao bán các tượng xinh xinh ông ta làm bằng cách nấu vài cân đường trộn lẫn với mọi màu sắc. Ông ta đã kiếm được lãi to nhờ tạo ra những cái còi cho trẻ con và những nhân vật như Trư Bát Giới, con lợn nổi tiếng cõng một cô gái trên lưng. Tên của ông của ông hắn là Lý Tam, Lý thứ ba. Người này cà giỡn quanh năm ngày tháng chẳng có mảy may ý định học cách chế tạo những cái tượng xinh xinh bằng đường mà lại bắt đầu mơ màng cũng được cõng một cô gái ở trên lưng. Khi hắn thấy một người đàn bà, hắn bắt chuyện và mọi người làng gọi hắn là thằng vô tích sự. Một hôm, một người chữa rắn cắn đi đến làng. Mang một ống tre, một que cời bếp lò, một cái móc sắt, một túi vải trên lưng đầy rắn, len lỏi giữa các nấm mộ. Lý Tam, thấy hay hay đã đi theo và thành người giúp việc. Người chữa rắn cắn này cho hắn một hạt đậu chống rắn cắn giống như một cục phân đen, dặn hắn hãy ngậm ở trong mồm. Cái của này, ngọt lừ, chắc làm cho giọng hắn thanh ra. Sau mười lăm ngày Lý đã phát hiện ra sự bịp. Bắt rắn là cái bề ngoài, cướp mồ trộm mả mới là việc thật. Do người nuôi rắn cũng đang cần trợ thủ, Lý Tam bèn bắt đầu sự nghiệp như thế.
Khi Lý trở về làng, hắn đội trên đầu cái mũ vỏ dưa có những múi bằng lụa đen và đỉnh mũ đính một cục ngọc. Dĩ nhiên đây là một cái mũ cũ mua rẻ ở cửa hàng cầm đồ của Trần Rỗ Hoa tại thị trấn Ô Y, là nói cái phố cổ thời chưa bị loạn đảng Thái Bình Thiên Quốc đốt cháy. Hắn nom thật oai vệ, có vẻ "phát phúc" như dân làng nói. Một số người thậm chí còn qua cả ngưỡng cửa nhà hắn để cầu thân với bố hắn. Cuối cùng hắn đã cưới một người góa trẻ, chẳng hiểu là chị ta quyến rũ hắn trước hay hắn tìm chị ta. Dẫu sao người ta nói Lý Tam thường lui tới Hỉ Xuân Đường, nhà mùa xuân vui vẻ với ngọn đèn đỏ treo cửa ở cái phố bên dưới của thị trấn Ô Y, ở đấy hắn chi những nén bạc óng ánh. Dĩ nhiên, hắn không thể nói rằng các nén này ở trong các ngôi mộ một thời gian dài đã bị vôi và thạch tín ăn. May sao hắn đã cọ chúng vào gót giầy rất nhiều.
Ngôi mộ này ở trên một gò đá, cách đồi Lạc Phượng hai dặm về phía đông. Sau cơn mưa thày hắn phát hiện ra một dòng nước chảy thẳng vào một cái lỗ. Càng chọc, dò bằng gậy, cái lỗ càng rộng ra. Từ đầu buổi chiều đến sẩm tối hắn đào, cho tới khi một người có thể lách vào và dĩ nhiên hắn phải vào đầu tiên. Hắn đã bò, bò và thình lình hắn ngất đi. Cuối cùng, lần mò trong bùn, hắn đã thấy nào vò nào bình mà hắn đã thẳng tay đập vỡ. Hắn cũng phát hiện ra một tấm gương đồng mà hắn lấy ra từ các tấm ván một chiếc áo quan mục, mềm như bã đậu phụ. Tấm gương này vẫn còn đen bóng, chưa có một vết gỉ xanh nào; đó là một cái gương lý tưởng cho bọn con gái! "Bảo đảm của Lý Tam đây, hắn nói, nếu tôi nói dối nửa lời, tôi chỉ là con của giống chó!" Không may, thầy hắn lấy tấm gương, chỉ để cho hắn một cái túi bạc. Được lần mạo hiểm này dạy cho, hắn nhận ra rằng hắn có thể tự bay bổng bằng chính đôi cánh hắn.
Mi bèn đi đến miếu thờ tổ tiên họ Lý, Lý thị tông từ ở giữa làng. Trên lanh tô của cái cửa trùng tu, một hòn đá sứt mẻ, khắc những hạc, hươu, tùng, mai. Mi mở cánh cửa lớn hé sẵn. Lập tức một tiếng nói từ đáy thời gian đến hỏi mi: "Anh làm gì?" Mi nói đến xem qua một ít. Một cụ già thấp bé từ trong một gian phòng được hành lang che khuất đi ra. Rõ ràng trông coi miếu thờ tổ tiên cũng là một việc vặt vẻ vang.
"Người lạ không được la cà ở đây", ông già vừa nói vừa đẩy mi. Mi nói mi cũng họ Lý, mi là con cháu của cái thị tộc này, lang thang từ lâu ở ngoài và nay trở về thăm quê hương bản quán. Ông lão nhíu đôi lông mày bạc trắng, quan sát mi từ đầu đến chân. Mi hỏi ông lão liệu có biết trước đây đã lâu ở làng này có một người ăn trộm các nấm mộ không. Những vết nhăn trên mặt ông lão càng sâu hoắm, một nét khiến cho người ta đau đớn. Hồi tưởng nói chung chẳng bao giờ mà không đau khổ. Mi không biết liệu ông lão đang lục tìm trong ký ức hay cố nhận dạng mi. Dẫu sao mi cảm thấy ngượng nghịu phải tiếp tục nhìn chăm chú vào bộ mặt già nua đang biến dạng này. Ông lão lầm rầm một lúc lâu, không dám tin vào đứa con cháu đi giầy du lịch chứ không phải giầy gai. Cuối cùng ông lão ấp úng nói: "Chưa phải là đã chết ư?" "Nhưng ai chết chứ? Luôn chỉ là người già chết chứ đâu phải con trẻ".
Khi mi bảo ông lão rằng cháu chắt nhà họ Lý đã làm giàu ở nước ngoài, ông lão há hốc mồm ra, rồi để mi đi qua, cúi xuống chào mi và đưa mi đến trước ban thờ tổ tiên, như một người quản gia già. Ông lão đi những chiếc giầy đen, tay cầm chìa khóa. Ông lão nói đến cái thời từ đường chưa bị biến thành trường học rồi nói ông đã lại làm tiếp tục chức năng của mình vì trường tiểu học đã lại dọn đi.
Ông lão chỉ cho mi một tấm hoành phi nước sơn đã rạn, giống như một di vật khảo cổ nhưng chữ viết theo lối chính quy, khải thư. "Tông sáng tổ ngời", mấy cái chữ chưa bị mờ đi chút nào. Dưới bài vị là một cái móc sắt,đương nhiền dùng để treo tộc phả, có điều lúc bình thường người ta không đem phô nó ra vì bảo tồn nó là công việc của trưởng họ.
Mi bảo ông lão rằng đó là một cuộn giấy theo chiều dọc, biểu bằng lụa vàng. "Đúng, đúng", ông nói. Cuộn ấy đã bị đốt trong cải cách ruộng đất và chia ruộng đất, nhưng sau đó người ta đã lén lút làm lại nó và giữ ở trong nhà kho. Vào lúc có phong trào "làm rõ nguồn gốc giai cấp", người ta đã bật các thanh ván sàn nhà và nó đã bị phát hiện rồi bị đốt một lần nữa. Cái cuộn người ta nắm hiện na đã được ba anh em nhà họ Lý tái tạo theo trí nhớ và được bố của Mao Nhi, ông giáo làng đây phục hồi. Mao Nhi có một đứa con gái lên tám nhưng anh ta còn muốn một đứa con trai. "Không phải là bây giờ sinh đẻ bị kiểm soát sao?" "Không những phải nộp tiền phạt và nếu người ta có một đứa con thứ hai, mà thêm nữa, người ta không cho anh cả hộ khẩu thường trú". Mi gật đầu nói thêm rằng mi muốn xem cuộn tộc phả kia. "Chắc chắn là anh có ở trong đó, chắc chắn mà, ông lão nhắc lại, tất cả những ai họ Lý trong cái làng này đều nằm ở trong cuốn giấy ấy". Ông lão cũng nói rằng chỉ có ba họ người ngoài đều là những người đã lấy con gái của họ Lý; nếu không thế thì xin nghỉ đừng có ở trong làng. Những người họ ngoài sẽ cứ mãi là người họ ngoài và nói chung, đàn bà không thể vào được cuộn giấy ấy.
Mi nói rằng mi hiểu cái đó, rằng đại hoàng đế nhà Đường, Lý Thế Dân cũng họ Lý trước khi trở thành hoàng đế, nhưng những người họ Lý làng này không bao giờ lại đi nhận mình là họ của hoàng đế. Tuy thế, nhiều người tổ tiên của họ Lý đã từng là tướng quân hay tư mã chứ không phải chỉ có những người ăn trộm mồ mả thôi đâu.
Ra cửa miếu, mi bị những đứa trẻ vây quanh mi không biết chúng từ đâu đến, ngày một đông. Mi giơ máy ảnh lên, cả bọn bèn chạy. Chúng theo mi khắp noi. Mi bảo chúng là những con sâu dính vào mông nhưng chúng vẫn theo, cười ngô nghê. Chỉ một đứa đứng ra nói máy ảnh của mi không có phim, mi có thể mở ra mà xem. Đó là một thằng con trai bé nhỏ thông minh, thanh mảnh, nhanh như con cắt.
- Này, có cái gì hay để xem ở đây không? Mi hỏi nó.
- Sân khấu.
- Sân khấu nào?
Chúng bèn chạy vào trong một ngõ nhỏ. Mi theo chúng. Ở góc một ngôi nhà, trên một phiến đá cất lên ở đầu ngõ có khắc các chữ: Đáng là đá Thái Sơn. Mi sẽ không bao giờ hiểu nghĩa chính xác của lời ghi này, bây giờ cũng chẳng ai có thể giải thích rõ ràng cho mi. Tóm lại, tất cả các cái đó gắn với các kỷ niệm ấu thơ của mi. Trong cái phố nhỏ trống vắng, chỉ có thể để một người duy nhất gánh thùng nước đi lọt, mi còn nghe thấy tiếng vỗ khô khốc của bàn chân mi trên các tấm đan bằng đá xanh, trên đó các vệt nước khô đi dưới nắng.
Mi ra khỏi phố và thình lình rẽ vào một sân phơi phủ rơm. Trong không khí, phảng phát mùi thơm dìu dịu, ngọt ngào của rơm rạ mới cắt. Ở đầu sân phơi quả nhiên có một sân khấu nhà hát lâu đời làm toàn bằng gỗ. Sân khấu cao ngang thân người. Những bó rơm đã buộc chất đống ở đấy. Bầy khỉ con trèo lên bằng cách leo một cái cột rồi buông xuống sân phơi, xô đẩy nhau trong các bó rơm. Trên cái sân khấu trống tuềnh toàng, bốn cây cột đỡ lấy cái mái rộng bốn góc cong lên. Dưới mái, vài xà ngang trước kia chắc là dùng để treo các cờ hiệu, đây mắc đèn cũng như dây dợ của các màn nhào lộn.
Các xà ngang và dọc đều được sơn nhưng sơn then đã rạn.
Ở đây đã diễn kịch, đã cho rụng những cái đầu, đã hội nghị, đã kỷ niệm các sự kiện lớn. Nhiều người đã quì mọp, cũng có người đã khấu đầu lạy, vào mùa thu hoạch người ta chất rơm rạ vào đây, trẻ con thi nhau leo lên trèo xuống. Trong những đứa họ Lý ngày xưa leo lên tụt xuống đống rơm, một số đã già lão, một số đã chết và người ta không biết rõ nữa những ai có ở trong tộc phả. Cái phả hệ tái dựng theo trí nhớ có khớp đúng với bản gốc không? Cuối cùng cũng chẳng có khác nhau gì to tát giữa người có trong gia phả và người không. Nếu không đi biệt tăm biệt tích thì chắc đã phải làm đất làm cát để sinh nhai, còn lại cho họ chỉ là những đứa trẻ và rơm rạ.
Đối diện sân khấu, một ngôi miếu đã được xây lại trên nền đổ nát của cái cũ, bảnh chọe với các mầu rực rỡ. Trên cổng chính đỏ chói vẽ hai ông hộ pháp, một xanh một đỏ, vung kiếm và rìu, mắt như quả chuông đồng. Trên các bức tường vôi trắng viết mấy chữ bằng bút lông: Miếu Hoa Quang trùng tu nhờ công đức liệt kê trong danh sách đây: Mỗ trăm nguyên, Mỗ trăm hai mươi nguyên, Mỗ trăm hai mươi nhăm nguyên, Mỗ năm mươi nguyên, Mỗ sáu mươi nguyên, Mỗ hai trăm nguyên... rồi cuối cùng lạc khỏan: Do các đại biêủ của người già, người trung niên và thanh niên ở Linh Nham, Hòn đá Hồn công bô.
Mi bước vào. Trong miếu, ở chân pho tượng Hoa Quang đại đế, một dẫy các bà già, tất cả đều móm đang hoặc đứng hoặc quỳ trước hương án thắp nến hương. Hoa Quang đại đế có một khuôn mặt tròn bóng nhoáng, mặt rộng má vuông, đây là hình ảnh cảu hạnh phúc mà các cuộn khói hương đang làm cho thêm từ bi nhân hậu. Trên cái bàn hẹp dài kê ở trước mặt ngài có đặt bút lông, nghiên đá y như trên bàn giấy một viên quan chức dân sự. Trước các bàn lễ vật, trên đó có để giá nến, bát hương, treo một miếng vải đỏ với dòng chữ thêu bằng lụa nhiều mẩu: Hộ quốc, bang dân, giữ nước giúp dân. Trên các chướng rèm, tàn tán, một hoành phi mang dòng chữ đen: Hiển thánh và ở rìa, một hàng chữ nhỏ: Sĩ tử và dân làng Linh Nham, Hòn đá Hồn dâng cúng, người ta không biết cái cổ vật này có chính xác từ bao giờ.
Thế là mi nhận ra nơi này là Linh Nham, Hòn đá Hồn. Vậy nghĩ tất phải có những nơi đến mang tên linh, hồn nữa, nó chứng minh mi đã không lầm khi cất chân tới đây để đi Linh Sơn, Núi Hồn. Mi hỏi các bà già, các bà móm mém trả lời mi với những tiếng huyết gió xi xi xi xi. Chẳng một ai chỉ rõ cho mi được đường đến Linh Sơn.
- Ở cạnh làng này ạ, đúng không?
- Đúng, đúng... phải đấy...
- Có phải không xa làng này không?
- Đúng, đúng, phải đấy...
- Phải rẻ, đúng không?
- Đúng, đúng, phải đấy...
- Hãy còn hai dặm nữa?
- Phải đấy, đúng, đúng...
- Năm dặm à?
- Đúng, đúng, phải đấy...
- Năm hay bảy dặm?
- Năm hay bảy hay bảy hay năm...
Có một cây cầu đá không? Không có cầu đá à? Người ta theo sông đến đó chứ? Hay theo đường? Đi đường thì xa hơn phải không? Đi như thế xa hơn nhưng rõ ràng hơn phải không? Nếu rõ ràng hơn, thì người ta tìm thấy ngay đấy nhỉ? Cái quan trọng là thật tâm ư? Thật tâm thì linh nghiệm, linh nghiệm thì tới Linh Sơn 1. Linh nghiệm hay không, tất cả dựa hoàn toàn vào may rủi. Những ai hạnh phúc thì không cần đi tìm, đúng không? Người ta có thể đi đế sắt cũng không tìm thấy nó bằng tình cờ lại vồ vào nó đâu! Cái Núi Hồn này chẳng phải là một tảng đá bướng bỉnh sao? Nếu nói như thế không tốt thì phải nói như thế nào? Cái đó tùy hoàn toàn ở mi, mi nhìn nàng như thế nào thì nàng ra thế nấy, mi nghĩ nàng là mỹ nhân thì nàng là mỹ nhân, trong lòng mang cái tà ác thì sẽ chỉ là ma quỷ.
--------------------------------
Có chơi chữ ở đây. Tiếng Trung Quốc, Linh nham, Hòn núi đá hồn và Linh nghiệm, chính xác, đọc như nhau, lingyan.
1
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn