Tôi biết giá trị của thành công: cống hiến, làm việc chăm chỉ, và sự hy sinh không cần bù đắp cho những việc bạn muốn nó xảy ra.

Frank Lloyd Wright

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Gặp Từ Bra-Ti-Sla-Va...
RA-TI-SLA-VA rộn ràng khác mọi ngày, những buổi chiều cuối tuần vào mùa đông. Bến xe buýt ở Sê-néc cách trung tâm hơn hai mươi ki-lô-mét, lố nhố người đeo súng săn, vai khoác hai ba con gà gô, con mòng cổ dài. Biết đấy là chiều chủ nhật, thứ bảy - những ngày nghỉ trong tuần và thế là đã bắt đầu mùa đông, cũng bắt đầu mùa săn ở những cánh rừng ngoại ô.
Những thành phố cổ châu Âu, dù hôm nay đương nhộn nhịp những bước hiện đại, nhưng người ta vẫn thích giữ cho được kiểu cách xưa mà chỉ ở đấy mới có. Một góc phố, một ngõ hẻm, những lề lối nền nếp mà mang hình ảnh một lịch sử, một quãng nào đó của nền văn minh Địa Trung Hải vốn phát triển sớm và liên tục - mỗi dân tộc ở quãng đất nước ấy trên trái đất, triền sông, con đường, bến nước, cách sinh sống của con người, gắn bó một vẻ riêng.
Những cái khác nhau của mỗi thành phố.
Đứng ở cổng thành Bren-đen-bua, nhìn sang góc Béc-lin bên kia - phần đất các nước Anh Pháp Mỹ chiếm đóng. Thấy mờ mờ một cảnh trớ trêu. Hai bên thành phố rầm rộ trong tốc độ công nghiệp đến chóng mặt, bỗng chợt hẫng đi. Đây ngày trước là quãng đường liền. Không thể tưởng được sự chia cắt nham nhở đến thế - lạ lùng đến nỗi cảm như thấy đấy mà là hư không.
Ở Bra-ti-sla-va, khác hẳn. Sông Đa-nuýp đương mùa kiệt, quãng ấy nước chảy nghiêng xiết gờ đá. Cây cầu lớn bắc qua sông, trên đỉnh một nhịp có một quán cà phê treo vắt vẻo, lơ lửng. Ngồi trong phòng ấm, nhấm tách cà phê pha rượu mạnh Bô-rô-vích-ka, nhìn ra cánh cửa sổ mở thấp xuống ngang chân, thấy nước Áo ngay trước mặt.
Không biết đấy là khói sóng hay làn sương cuồn cuộn trên rừng bạch dương về phía nước Áo. Một đoàn tàu đương qua cầu. Đường xe lửa từ Bra-ti-sla-va sang Áo, năm mươi ki-lô-mét đã vào thủ đô Viên. Mỗi ngày, tám chuyến đi về giữa hai thành phố bờ sông Đa-nuýp.
Không chút nào cảm thấy đây địa đầu hai đất nước khác nhau - như mấy người nhà báo ngồi ở Hoa Thịnh Đốn, ở Pa-ri hàng ngày ra rả nói mò về những “bức màn sắt”, “bức tường” ở nơi địa đầu này. Chính nghĩa cứ tự nhiên như những con tàu hàng ngày chở khách Bra-ti-sla-va đi Viên, như những chiếc ô tô du lịch, nóc xe chật ba lô, tăng bạt, gậy trượt tuyết - người châu Âu đi Tiệp Khắc chơi mùa đông, ô tô nối hàng cạnh những cột mốc, biển chỉ đường, cây đèn vàng đèn xanh, ba-ra lằn đỏ lằn trắng trên con đường tiêu chuẩn châu Âu từ Áo sang Tiệp sáu làn ô tô chạy một lượt. Ven đường có bãi cho xe nghỉ dọc đường, những cái “mô-ten” êm ấm như những tổ chim xinh xinh trong cây. Người du lịch các nước vào Tiệp Khắc không biết dừng chân. Đến đây lại háo hức đi nữa.
Vâng, từ Bra-ti-sla-va, bên Slô-va-ki sang Áo, đi đường kia, ai cùng đi đường ấy gần nhất. Đoàn tàu và những chiếc xe du lịch gia đình mải miết qua. Tôi tựa cửa sổ quán cà phê trên nhịp cầu sông Đa-nuýp nhìn ra. Mỗi toa tàu xanh rờn như một cành thông tuyết đem vào Nô-en. Những chiếc ô tô du lịch lại nhộn nhịp nối đuôi vào lòng cầu...
Một vẻ riêng đáng yêu của Bra-ti-sla-va.
Từ cửa rừng ở Sê-nec vào giữa thành phố, lại khác nữa. Đường phố đã mọc lên những rừng thông Nô-en mà từng đoàn xe tải còn đương đưa thêm vào. Ở khe cửa mỗi nhà, đã dựng sẵn. Trước nhà hát thành phố, một cây thông lớn mà trông cành cắt mới biết cây vừa cắm. Người ta đem về màu xanh cây giữa mùa đông trắng xóa. Có phải Nô-en là cuộc tiễn đưa nỗi nhớ màu xanh và hình như mong ước và đợi chờ bao giờ cũng làm cho tấm lòng thiết tha hơn.
Tôi không được biết mùa nào khác ở đây hơn là những buổi tối êm đềm vào mùa này mà tôi tưởng ra thế cũng nên. Nhất là vào những hoàng hôn, ánh tuyết non lẫn với bóng chiều lóng lánh như nhảy múa. Tưởng như suốt trên mặt đất lúc này đâu cũng một màu vàng tuyền như thế. Một chiếc lá phong còn sót lại, bảng lảng bay.
Muc-ka, bạn tôi bảo:
- Anh thấy chiều mùa đông của Bra-ti-sla-va chúng tôi thế nào?
- Tôi chưa thấy ở đâu thú vị như thế.
- Thành phố chúng tôi có những thói quen lâu đời, thói quen thưởng thức những buổi chiều vàng cho đến khi tối hẳn.
- Hay lắm.
- Bra-ti-sla-va xưa nay được tiếng nhiều quán rượu - nhiều hầm rượu rất cổ thì đúng hơn. Những bợm rượu, sâu rượu, người uống và ngẫm nghĩ thường ưa ngồi nhấm nháp ở chỗ tôi tối. Bởi vậy, những cái quán trong hầm của Bra-ti-sla-va đã được nhiều người biết đến. Hai bên sông Đa-nuýp quãng này, bên Đức, bên Áo hay bên Hung, từ bây giờ, người các nước ấy kéo đến không biết biên giới là đâu nữa. Tối thứ bảy, chủ nhật ở đây thường đông hẳn lên là vì thế. Ngồi trong những hầm rượu âm u trong lòng đất bên tường thành bờ sông mà nhìn ra cửa sổ thấy được hoàng hôn như ánh trăng.
Rồi Muc-ka mỉm cười:
- Chúng ta sẽ tới một nơi ấy.
Quán rượu cũ kỹ này có cái tên ngộ nghĩnh: Ông cố đạo. Cái tên cợt nhả, chẳng biết ai đã nghĩ ra để trêu ghẹo hay vì một câu chuyện chọc tức. Ông cố đạo vào hầm uống rượu vụng rồi thành chuyện hay đã có ông cố đạo chơi bời mở quán trong hầm này - không ai biết. Tôi hiểu thêm cái thú tiếu lâm rất hóm của người Slô-vắc. Bởi đây cũng chẳng gần một nhà thờ nào.
Hầm rượu... Ông cố đạo ở bờ sông Đa-nuýp. Có thể dòng sông mùa cạn đương chảy dưới cửa sổ mà người ngồi trong hầm không trông thấy, nhưng từ mặt nước hắt lên ánh nắng và ánh tuyết mỏng mảnh, khiến những vòng cửa kính tròn càng vàng rợn hơn.
Bậc đá đen ngoắt ngoéo, như lối xuống móng tường hang hốc những tòa lâu đài, những nhà thờ ở Ô-đét-xa, ở Ki-ép từ thế kỷ trước. Trên góc khuất, một ngọn đèn treo rủ, tù mù một cách cố ý. Người đi xuống không nhìn rõ mặt nhau. Ánh hoàng hôn hắt vào, chỉ thấy bóng người nhấp nhô lên bậc xuống bậc. Đến một đường thuốn dài, lườn gạch uốn đợt đợt ngay trên đầu, như đi trong bụng cá - phòng chính của quán rượu.
Mỗi bàn thắp một ngọn nến. Khách ngồi trên những mẩu gỗ ngất ngưởng. Cũng không biết đấy là ánh nến chập chờn hay đấy hãy còn là bóng chiều ngoài kia rớt vào.
Khách đều là những người đứng tuổi. Những người đàn bà nạ dòng mà kiểu tóc hợp với khuôn mặt bắt đầu võ vàng là mái tóc ngắn cúp xuống hai mang tai. Những người đàn ông ngồi cứ để nguyên chiếc mũ dạ đội hơi lệch nghiêng. Tẩu thuốc chốc lại lập lòe trên những cốc rượu vang bày ràn rạn. Hầu như thói quen lúc mới xuống hầm ai cũng ngồi uống và trầm ngâm thế không biết đến tận lúc nào mới bén chuyện qua lại, quán bắt đầu ấm và rì rào.
Nếu biết được gốc gác những khách đến đây, người ta có thể còn ngạc nhiên hơn (hoặc vẫn thấy cũng là bình thường, tùy theo suy nghĩ mỗi người). Tôi mới biết xưa nay người châu Âu cũng hay chuyển dịch nơi làm ăn sinh sống nhiều. Thế ra nghĩ về châu Âu định cư là nhầm. Mà không phải người châu Âu chỉ tha hương sang Bắc Mỹ, Nam Mỹ hay châu Đại Dương, mà người châu Âu còn lang thang quanh quẩn trên các triền sông, các cánh đồng khắp châu Âu. Vì nghèo khó. Vì các triều đại loạn lạc. Từ bao giờ không biết. Các dân tộc vùng giữa châu Âu càng lưu lạc nhiều. Phía bắc Rumani, cả vùng Cờ-lu, toàn người Đức, người Hung. Nước Ba Lan, nước Tiệp Khắc, nước Đức, nước Áo... đã mấy lần bị các cuộc chiến tranh xóa tên trên bản đồ. Người ta phải ra đi, như chim đàn, chỗ nào tránh được tai nạn rét, chỗ nào kiếm ra cái sống, ở đâu có ấm no thì tụ lại. Đã mấy đời rồi, không rõ gốc gác ở đâu.
Bra-ti-sla-va trên sông Đa-nuýp của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc, giáp nước Áo và Tây Đức, đã là một nơi đô hội khá đậm màu sắc tứ chiếng như thế. Người Sec ở Nam Tư, người Ru, người Áo, người Đức, cả người Pháp, người Ý đã lâu đời đến ở thành phố này.
Cùng bàn chúng tôi, một người đàn ông Ru và một người đàn bà Áo. Chen vai sau lưng, mấy người Tây Ban Nha. Chị Mi-lô-sla-va làm y tá. Anh chàng Ru, nghề kế toán. Mấy người Tây Ban Nha, công nhân nhà máy bánh mì. Những người và những nghề nghiệp quen thuộc, lúc nào cũng có thế gặp trên đường. Người ta có cái thích vui tụ họp ở quán. Mọi người ưa uống vang hoặc vang pha rượu mạnh Bô-rô-vích-ka, một thứ nước quả trên núi Ta-tra, có mùi thuốc như lá cô-ca.
Chiều vẫn còn bảng lảng trong bóng sương mờ vàng ố ngoài kia. Trên đồi, đài kỉ niệm quân giải phóng Tiệp Khắc và hồng quân Liên Xô đã sáng điện, như một bó đuốc lên lưng trời.
Mảnh trăng non mọc phía trời nước Áo.
Tôi hỏi Ly-ních người Áo, công nhân nhà máy thủy tinh.
- Quê anh ở vùng nào bên nước Áo?
- Cách đây năm mươi ki-lô-mét, ở ngoại ô Viên thôi mà.
- Sang ở Bra-ti-sla-va lâu chưa?
- Bố mẹ tôi đến đây từ khi tôi được bảy tuổi. Năm nay tôi sáu mươi, tôi về hưu tháng sau.
- Có thể được nghỉ ngơi, anh trở về nước Áo?
Anh cười:
- Chỉ cách có một dòng nước. Tôi vẫn về chơi bên ấy luôn. Nhưng Bra-ti-sla-va đã là quê mình rồi.
Anh chàng Ni-cô-lai, người Sec gốc ở Ma-xê-đoan:
- Nếu về Ben-grat, cũng phải đi làm mới có bánh ăn. Thế thì ở Bra-ti-sla-va mình quen thuộc hơn nhiều.
Anh bạn Tây Ban Nha công nhân bánh mỳ nói:
- Thường những người Tây Ban Nha nghèo hay di cư đi quanh Địa Trung Hải hoặc sang Nam Mỹ. Nhưng bố mẹ tôi lại tìm đến sông Đa-nuýp và theo dòng đi ngược lên đây. Không hiểu tại sao?
Gần đấy, mặt bàn óng ánh chai vang và rượu vốt-ka Ba Lan. Có bốn người gốc Pháp. Cũng dễ nhận được vì những bộ ria rậm cong ngoắt, như ria ông Mô-pat-xăng. Họ làm nghề phiên dịch. Những nét mặt thờ ơ nghe một người kể chuyện hè vừa rồi đi xe lửa về chơi nước Pháp. Sao tôi thường có cảm tưởng những người phiên dịch nhà nghề ở đâu cũng có những nét không-cần-đời và một dáng lạnh lùng giống nhau. Người kể chuyện vừa đi chơi nước Pháp về tự giới thiệu tên là Vích-to Khô-va-niêc rồi đưa cho tôi xem một cuốn tiểu luận chính trị mới phát hành ở Pa-ri, tác giả là tổng thống Gút-sta Đet-tanh. Ông tổng thống nước Pháp bàn về chủ nghĩa Mác. Ông nói như đùa, ông nói chủ nghĩa tư bản đương vào vòng đua với Chủ nghĩa Cộng sản. Ông kể ra có đến hàng mấy chục cách ganh đua làm giàu của các công ty liên hợp trên thế giới. Và ông quả quyết ông sẽ được cuộc. Kể ra, cứ cái việc chúng tôi xem quyển sách của ông tổng thống nước Pháp nói lý lẽ về Chủ nghĩa Cộng sản ở trong hầm rượu... Ông cố đạo thành Bra-ti-sla-va xã hội chủ nghĩa cũng đã là quang cảnh đáng tiếu lâm lắm rồi. Mấy bạn Pháp ấy có thể quê cũ ở cảng Mạc-xây.
Những người quanh tôi đều là công dân Bra-ti-sla-va. Rồi đây, đời con đời cháu họ vẫn là người thành phố này - đất lành chim đậu. Nhưng vẻ riêng của họ vẫn có cách khác thường. Mà chỗ gặp nhau ở cái quán hầm rượu… Ông cố đạo trên bờ sông trông sang nước Áo này cũng là một nét vui, nét bâng khuâng của cái khác thường ấy. Họ chẳng có thói quen lang bạt không biên giới của người Di-gan. Họ cũng không bao giờ khắc khoải nhớ đất quê mơ hồ như những người Do Thái trôi dạt. Nhưng mà ở địa đầu một thành phố biên giới vẫn cứ là một cái gì khơi gợi.
Tôi nhớ năm trước trên sông Mê Kông ở Viêng Chăn trông sang huyện lỵ Xi-xiêng-mai tỉnh Nọng Khai. Các bạn bảo một dãy chi chít nhà bên mép nước ấy toàn nhà bà con Việt kiều. Những người Việt sang Thái Lan làm ăn đã từ mấy đời. Các bạn kể trong phố ấy có nhiều nhà sàn lửng và nhà bè có cửa sổ mở trông ra sông, đấy là những quán hàng mà Việt kiều hay ra đấy tụ hội. Một dòng sông, nửa bên này đất Thái, nửa dòng bên kia cũng chưa phải quê mình, nhưng cái biên giới không ai bao giờ trông thấy được cụ thể có đánh dấu thế nào vào cuộc đời một người không ở nơi mình được sinh ra. Cái đó thực khác mà lại rất bình thường đối với một con người lưu lạc - thứ tình cảm nơi sông hồ. Hay đấy cũng chỉ là những nghĩ ngợi miên man của chính mình đã có khi dừng chân những nơi ấy mà thôi.
Ngoài cửa sổ thành phố trên đồi, đường lát đá từng bậc lên. Chiếc đầu tàu điện cũ. Nhà. Lò sưởi. Mái ngói. Tất cả đều cổ xưa. Trung tâm Bra-ti-sla-va cổ mà thật mới, đẹp hơn nhiều thành phố hiện đại khác ở dáng dấp ấy. Mùa đông lặng lẽ tới, tuyết sa lần lần, mà những rừng thông xanh đen vẫn kiên trì. Con sông và thành phố, nghìn năm dòng sông Đa-nuýp vẫn qua giữa thành phố có vịt trời bơi đầy mặt nước, có những con chim mỏ trắng phau trong sương mù hiện ra cho trẻ con tung bánh mì, chim xúm lại cướp mồi ở giữa trời. Trời âm thầm như áp Tết ta. Các làng trong rừng thông và cánh đồng ngoại thành, cả đất nước mơ màng trong làn tuyết mới trắng tinh.
Quán càng khuya càng bộn lên, người chen chúc kín lòng hầm. Các bàn cứ rôm rả bốc chuyện. Những câu chuyện râm ran, người ta hay nói chuyện ngày trước và ở nơi khác. Những người có tuổi đều có một ngày xưa ám ảnh, ngày xưa buồn ngày xưa vui. Ngày xưa ở Bu-ca-rét có cửa hàng bán món ăn toàn các thứ cá, có hàng chỉ bán cho khách đàn bà, không biết bây giờ thế nào... Ngày xưa táo ở Viên to và ngọt, tiếng đồn sang tận Pa-ri, bây giờ táo Viên tạp giống rồi. Ngày xưa, ngày xưa...
Đên nửa đêm, mọi người đều ra nhảy và hát ngay ở các lối đi đầu bàn. Tiếng Đức, tiếng Slô-vac, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ý..., những bài hát dân ca xôn xao lên. Các thứ tiếng chen nhau trong lòng hầm lung linh ánh nến. Cũng chẳng ai nghe tiếng ai hát.
Một vẻ không cắt nghĩa được của những con người quê gốc ở xa đến ở đây. Cuộc sống Bra-ti-sla-va bây giờ dễ chịu, chẳng ai còn muốn rời đây đi đâu. Mỗi ngày tám chuyến tàu qua lại nước Áo và thông thống đường ô tô, lúc nào cũng đi được và người ta vẫn về quê chơi. Những người bình thường, mỗi người mỗi công việc, chỗ nào có yên ổn, người ta ở, người ta đến và đấy là quê. Bra-ti-sla-va quê mình, dù là người Pháp, người Tây Ban Nha. Nhưng mà cái bâng khuâng mà người ta cứ thích đến mua vui ở nơi địa đầu sông nước - như ở hầm rượu... Ông cố đạo trông sang nước Áo đêm nay.
Tôi hỏi Muc-ka:
- Anh cũng là người gốc Hung?
Muc-ka cười. Lúc ấy, một người đến làm quen với chúng tôi. Đấy là cô Di-gan có nước da ngăm ngăm, miệng và mắt cười đẹp tuyệt. Mỗi buổi sáng vội đi đâu chúng tôi thường xuống ăn ở “bit-trô” [1], nơi cô ấy đứng bán.
Muc-ka nói:
- Cô bạn chúng ta cũng ở Sê-néc.
Nhà Muc-ka ở thị trấn vệ tinh Sê-néc. Tôi biết ở Sê-néc phần nhiều là người gốc Hung. Bây giờ lại biết có cả người Di-gan. Muc-ka vẫn chưa trả lời câu tôi hỏi.
o O o
Tàu hỏa đưa tôi trở lại Pra-ha trưa hôm ấy. Tôi lại nghĩ hay là những điều tôi tưởng ra về những người công dân Slô-va-ky gốc Pháp, gốc Tây Ban Nha, gốc Hung... chỉ là những mơ màng của tôi. Trong đời tôi vì tình cờ mà có những ràng buộc tình cảm, những kỉ niệm ảm đạm thời ấy, với đất nước này.
Đến nước Tiệp Khắc, đôi khi tôi bồi hồi trở lại nguồn cơn những cái nghĩ, cái nhớ về những xa xưa hiu hắt một quãng đời người. Nhà giày Ba-ta ở nước Tiệp Khắc và cái “ông chủ Tây Tiệp” của tôi ngày trước. Ông Tây Tiệp! Ông Tây Tiệp và cái người đi làm cho nhà giày Ba-ta ở tít mù tận Hà Nội ngày xưa - vâng, lại chuyện ngày xưa, ngày xưa anh ta chỉ trông thấy những hòm đựng giầy dỡ ra, những đôi giày, các thứ giày mà ngỡ như cả nước Tiệp Khắc tận đẩu tận đâu chỉ có những ông chủ Tây Tiệp và một mùi da bò, da cừu, mùi than đá, mùi cao su hăng hắc như thế. Tôi vẫn phảng phất cái cảm tưởng ngẩn ngơ và thương tâm ấy.
Hôm trước tôi đã vào nhà máy Ba-ta cũ ở Pác-ti-da-na. Pác-ti-da-na trên đường tôi tới thành phố Ban-ka Bi-tri-ca hôm ấy. Không phải chỉ có một nhà máy giày da mà đây là một trong những thành phố kỹ nghệ giày da của Tiệp Khắc. Miền Mô-ra-vi có những thành phố giày da, nhà máy làm giày và các nhà máy phục vụ sản xuất. Tất cả các khu phố, nhà ở, chợ búa, các cửa hàng, nhà hát, nơi vui chơi công cộng, mọi sinh hoạt đều chỉ có công nhân và gia đình - thành phố người thợ giày.
Ở cửa vào câu lạc bộ, một đám công nhân xúm xít xem những tập ảnh giới thiệu các khu nghỉ đông trên núi Ta-tra biên giới Tiệp - Ba Lan, vùng nghỉ Si-nai-a bên Rumani trong dãy Cac-pat, ở U-krai-na... Những người thợ nghỉ đông đương chọn nơi đi chơi trượt tuyết.
Nhà máy giày da ở Pác-ti-da-na, của tư sản Ba-ta chỉ mới xây dựng thêm năm 1940. Nhà máy hồi ấy, ngày nay đã trở thành cơ ngơi đồ sộ, một thành phố nhà máy.
Pác-ti-da-na nghĩa là du kích, thành phố du kích. Tên mới của thành phố mãi mãi gợi lại lịch sử và truyền thống thành phố công nhân chống phát xít. Trong suốt cuộc chiến tranh, có tới trên ba nghìn công nhân đã trở thành chiến sĩ du kích. 142 công nhân nhà máy đã hi sinh, tên được khắc trên tảng đá lớn dựng trước cổng. Năm 1945, thành phố giải phóng, những công nhân đã bỏ đi, những người bị đầy các nơi, các chiến sĩ du kích công nhân, tất cả trở về xây dựng lại nhà máy.
Thành phố giày da ở Zlin - bây giờ là thành phố Klê-măng Gốt-van. Dưới này, nhà máy Ba-chô-va-ni được đổi tên kỉ niệm ngày giải phóng 29 tháng Tám cùng với tên thành phố mới, thành phố của những người du kích.
Thời trước, nhà máy ở Pác-ti-da-na hơn ba nghìn công nhân, hàng năm sản xuất 4 triệu giày dép.
Năm 1950, nhà máy mở rộng đợt đầu, công nhân trực tiếp đứng máy đã lên tới 17 nghìn, làm ra 35 triệu đôi giày một năm.
Rồi nhà máy dựng được một nhà máy công cụ sản xuất ra máy và sáu nhà máy ở Pác-ti-da-na cùng hoạt động.
Sản xuất phát triển, cuộc sống công nhân thay đổi. Khu tập thể công nhân trở thành nhà ở cả thành phố, thành phố công nhân. Nhà máy có nhà nghỉ trong suối nước nóng ở chân núi. Lại có một sân bay cho máy bay thể thao. Hàng năm, công nhân đi nghỉ xa, đi Bun, đi Ru, đi Nam Tư...
Trường đại học giày da trên thành phố Klê-măng Gốt-van đặt ở đây một số khoa. Công nhân tốt nghiệp đại học trở về nhà máy. Chẳng phải Tiệp Khắc chỉ giỏi máy công cụ, có pha-lê, có bia Pin-sen hay nhất thế giới... nghề giày da độc đáo Tiệp Khắc cũng nổi tiếng thế giới.
Tôi từ nhà máy giày da ở Pác-ti-da-na ra đi. Sáng sớm, người lên thành phố núi Ban-ka Bi-tri-ca miền giữa Slô-va-ki như đi trảy hội. Chúng tôi ăn cơm ở quán dọc đường. Chưa thấy ở đâu những hàng quán bình thường mà đáng nhớ như hàng quán dọc đường ở Tiệp Khắc. Tôi và anh, nỗi nhớ của mỗi chúng ta theo kỉ niệm của mình.
Quán ăn ấy, quán Chân đèo. Đúng, chân đèo ngay trước cửa. Chúng tôi uống những chai bia Pin-sen cổ vàng loại ngon nhất Tiệp Khắc. Quán ăn Chân đèo cũng có tủ nhạc của Ba Lan. Tiếng hát Đa-li-đa trầm trầm, ngao ngán, ngậm ngùi.
Ma quỉ làm sao, tôi được nghe ở cái quán Chân đèo không bao giờ còn trở lại này một bài hát cổ lỗ, không thích mà cứ nhớ. Chỉ vì nỗi đau không bao giờ nén được hay vì tuổi đời đã đến độ hay vẩn vơ với kỉ niệm. Tôi lại nghe bài hát Đêm Trung Hoa ấy - bài hát trong một phim Nhật thời phát xít Nhật chiếm Trung Quốc. Bài hát tả nỗi buồn của người lính Nhật đi chiếm đóng nước người. Bài hát rầu rĩ ấy, hơn mười năm trước, tôi đã nghe đĩa ở một tủ nhạc Ba Lan như thế này tại một quán hàng trên bè sông Mê Kông ở Phnôm Pênh, hôm nay làm sao mà lại gặp nó một ngày sương và tuyết bâng khuâng như thế này ở Tiệp Khắc. Tôi cứ nghĩ như mình có cái vui gặp gỡ và ôn lại - mặc dầu đấy là cuộc gặp lại tuổi hai mươi tôi không bao giờ còn muốn thấy hình ảnh trở lại nữa.
Tuyết phơi phới xuống mỗi lúc một dầy hơn. Các trái đồi bên đường in nét từng nhà màu xanh màu đỏ trong bóng chiều. Nhưng bạn Múc-ka cùng đi cho tôi biết không phải những xóm mạc ấy xưa nay vẫn ở đấy. Làng này đã bị phát xít Đức đốt trụi - cũng thời bài hát Đêm Trung Hoa của tên lính phát xít Nhật giày xéo đất Trung Quốc. Mái nhà và khói bếp chỉ mới lại được thấy như thế từ khi giải phóng.
Thành phố Ban-ka Bi-tri-ca có gió núi từ thung lũng lùa ra cuồn cuộn trên sông Hron. Trong căn phòng khách sạn yên tĩnh, tôi xem cuốn phim giới thiệu những thành phố dọc sông Hron đáng yêu. Cuộc đời con người, mái nhà và dòng sông từ thuở nào và mãi mãi bên nhau.
Từ Slô-va-ki lên Mô-ra-vi, đoàn tàu đương vào một khoảng trời mưa nhẹ nhẹ và bóng chiều ấm hơn. Tuyết lại xuống già hơn lúc nãy.
Vừng trăng mỏng mảnh treo ngoài cửa sổ con tàu từ chặp tối.
Trên ga nhỏ sáng trắng ánh điện, một đám người tíu tít bên tàu. Thoạt trông cũng biết phần nhiều là những người đi chơi tuyết trên núi. Vào dạo này, khắp nước Tiệp, bến xe buýt, người đi trên đường, xe đạp cuốc, ô tô riêng, chỗ nào cũng những người gọn gàng tương tự: ba lô trên lưng cài gậy trượt tuyết. Bộ quần áo thể thao xanh công nhân kẻ sọc trắng. Các chị đội mũ len chỏm có hoa xanh vắt vẻo. Ngỡ chỉ có mùa hạ người ta mới ưa thảnh thơi ngoài trời, nhưng hình như tiếng gọi mùa đông lại mang một vẻ quyến rũ riêng.
Thế là ngăn của tôi trong toa xe một mình từ Bra-ti-sla-va đến đây thêm một người. Bạn ấy đã đứng tuổi, trạc tuổi tôi. Nhưng thật là buồn và đáng cười, mỗi lúc thoáng trông vào chiếc gương treo trên vách bàn rửa mặt cuối phòng, cái dáng ốm o nhợt nhạt của tôi càng chỉ làm tôn thêm nước da đỏ săn trên nét mặt trầm ngâm của ông bạn mới, đĩnh đạc, hàm vuông bạnh cương quyết, người lực lưỡng to ngang mà người Đức, người Áo hay người Tiệp tương tự nhau một dáng dấp. Khách vừa lên xếp ba lô vào đầu giường, gài gậy trượt tuyết trong ngăn để va-li rồi quay sang, tự giới thiệu:
- Ru-đom Gat-pa-rich, giám đốc nhà máy 29 tháng Tám ở Pác-ti-da-na.
Tôi nắm chặt tay đồng chí ấy:
- A đồng chí Ru-đom...
- Vâng, Ru-đom...
- Tôi đã làm quen với đồng chí rồi
- Tôi chưa được đến Hà Nội lần nào!
- Không, ở nhà máy 29 tháng Tám người ta bảo tôi đồng chí giám đốc Ru- đom Gat-pa-rich đi nghỉ đông. Thế nào mà lại được gặp nhau ở đây...
- À ra thế.
Tàu qua những cánh rừng thưa suốt đêm. Buổi sáng, trông ra lại thấy tuyết vẫn tần ngần xuống. Cánh tuyết mong manh vương lại cành cây, kết thành những miếng mạng nhện trắng. Trong làng xa, tuyết rơi xếp ngấn quanh mái nhà. Cuộc sống mùa đông đương vun lại trong những căn phòng ấm áp mà người đi đường thèm dừng chân ghé vào và muốn được lây vui, khi trông thấy trên cửa sổ viền những chậu cây xanh và tấm màn đăng-ten trắng.
Chúng tôi nhận nhau là những người cùng nghề và đã có khi cùng có một ông chủ Ba-ta, “ông Tây Tiệp”.
- Ngày ấy, trên thế giới hầu như chưa ai biết Việt Nam đất nước tôi ở đâu, thế mà ở Hà Nội tôi biết nước Tiệp Khắc có thành phố thợ giày ở Zlin.
- Bây giờ tên của chủ tịch đầu tiên Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc được đặt cho thành phố công nhân ấy của chúng tôi. Zlin bây giờ là thành phố Klê-măng Gốt-van. Rồi đoàn tàu này sẽ đi qua thành phố Zlin của anh ngày xưa.
Tôi cười:
- Ngày xưa và trong mơ màng...
- Lúc ấy anh làm gì cho nhà Ba-ta ở Hà Nội?
- Tôi đứng bán giầy.
- Còn tôi lúc ấy là công nhân làm đế giày. Năm 1937, rồi khi có chiến tranh, thợ cả thành phố lập thành những đơn vị chiến đấu ở nước Tiệp và cả trên nhiều mặt trận ở châu Âu. Tôi ở lại hoạt động du kích trong thành phố.
Tàu đi dọc bờ sông Đa-nuýp rồi vào Mô-ra-vi đương tơi tả tuyết rơi. Từ đây tới Nô-en, tuyết dần dần ủ nước Tiệp vào trong tuyết, người ta đợi như thế.
- Giai cấp công nhân Tiệp Khắc dũng cảm đương đầu với phát xít Đức. Đó là sự việc lịch sử, chứng tích lịch sử. Những ngày ấy, tất cả bọn giàu có đã chạy ra nước ngoài. Chúng nó bỏ đi từ lúc thực dân Anh và Pháp khiếp nhược đã đánh lừa chúng tôi để phát xít Đức có cơ hội chiếm nước Áo, nước Tiệp.
Giai cấp tư sản Tiệp Khắc đã bỏ rơi Tổ quốc Tiệp Khắc.
- Chắc trong số ấy có lão chủ nhà giày Ba-ta của chúng ta.
- Tất nhiên có lão ta. Cả nhà vua giày Ba-ta đã chạy sang Ca-na-da.
- Ngót bốn mươi năm rồi.
- Con cháu lão ta vẫn kinh doanh và giữ tên giày Ba-ta. Nhưng không thể lẫn lộn nghĩa được với giày Tiệp Khắc. Bây giờ cả thế giới đi giày Tiệp Khắc. Anh có để ý không, trong vòng mười năm nay, giày đen mũi nhọn chuyển sang giày gan gà mũi vuông, đó là những mốt chúng tôi tung ra. Mốt giày Tiệp Khắc được mọi người đi giày trên trái đất này hoan nghênh. Tất nhiên, bọn Ba-ta ở Ca-na-da không thể mượn tiếng nước Tiệp mà làm giả giày Tiệp Khắc. Bởi lẽ dễ hiểu: thợ Tiệp Khắc làm ra giày đẹp chứ chúng nó làm sao đóng nổi, dù chỉ là một cái đinh đế giày!
Rồi anh bạn tôi cười to, lý thú và hào hứng quá.
Chặp tối hôm ấy, đoàn tàu qua thành phố Klê-măng Gốt-van xứ Mô-ra-vi thơ mộng.
Ngoài kia, bắt đầu cả mùa đông nước Tiệp Khắc đương lướt qua. Mặt hồ lấp lánh như những ánh sao rơi trên mặt đất. Tiệp Khắc không có biển, thế mà vùng Bô-hêm có hơn bảy nghìn đầm nước nuôi cá chép và lươn, quá nửa đầm hồ ấy là vùng nước nhân tạo. Hồ và những cánh rừng của bàn tay con người làm nên đã thay đổi cả thời tiết một vùng giữa châu Âu.
Thành phố Klê-măng Gốt-van đương sửa soạn tiệc đêm Nô-en mỗi nhà. Những cành thông theo phong tục Nô-en vẫn được từng đoàn xe nối nhau đưa vào thành phố. Nhưng người Tiệp phong lưu bây giờ lại mới có phong tục mới. Nhà nào cũng muốn bữa cỗ nửa đêm Nô-en nhà mình có món cá chép vảy vàng rán theo món ăn Pra-ha. Những hồ nước mới đào đã sinh ra phong tục đẹp ấy.
Chúng tôi cứ tự nhiên cùng đứng tần ngần nhìn ra ngoài khung cửa. Thành phố đã lên đèn. Tuyết và ánh sáng lạ lùng trắng xanh qua cửa sổ khoang tàu. Con tàu đi trong tuyết và ánh sáng lặng im, tưởng không thật mà thật. Zlin ngày xưa. Zlin ngày xưa... Cái thành phố Zlin thợ giày ngày xưa trong tưởng tượng của tôi bây giờ là đây. Zlin trong tưởng tượng của tôi và Klê-măng Gốt-van thật bây giờ - thành phố thủ đô giày thế giới, thành phố của công nhân giày da nước Tiệp Khắc là đây.
Tưởng tượng và ước mơ, tưởng tượng và ước mơ... Thật thì anh thợ học việc Ru-đom làm đế giày năm 1937 bây giờ là giám đốc nhà máy... Thật thì tôi đương cùng Ru-đom đương đứng kề vai nhau trên con tàu vào thành phố Klê-măng Gốt-van - thành phố Zlin của thợ giày Ba-ta mà cái thuở đi kiếm ăn ở Hà Nội năm ấy, tôi tưởng tượng đến như một giấc mơ xanh biếc, một cái gì xa xôi.
Thật thì tôi đương nghĩ lại
“Ngày lại ngày...
“Tôi vùi đầu ngồi chọn giày trong kho. Tòa nhà nào, bên trong cánh cửa nào cũng toàn những giày xếp chất ngất lên áp trần nhà. Giày ôi là giày, mùi cao su, mùi hộp giấy của các loại giày cao su, giày vải, giày đế kếp, giày nhựa giả cao su, giày da, giày giả da, giày than đá giả da, dầu lửa giả da, các thứ giày ấy đương dìm người ta chết ngạt trong những nhà kho dài như con đường hầm tức hơi kín bưng từ bên phố Hàng Khay đâm sang phố Ca-rô. Những người cu-li nằm ngủ lén trong đống giày chẳng khác những người chết đói trên đống rác thật. Giày ôi là giày, thế nhưng ở giữa lù lù những núi giày, cái hơi sơn, hơi da, hơi thuốc kỳ quái và những con số, những chữ lạ lùng, tôi lại nhìn ra trong bóng mờ mờ ngập đầu, hiện hình những đất nước và sông núi lạ lùng, tôi thấy thành phố Zlin tấp nập thợ đóng những đôi giầy to phải đến ba bốn người trèo lên mũi giầy mới khoan được một lỗ kim để xỏ dây khâu, kỳ quái như trong truyện Du ký Guy-li-ve, thành phố Zlin bên nước Tiệp Khắc xa vời có nhiều khoảng trời xanh và nhiều cột ống khói phun ra cả những đôi giày.
“Những ý nghĩ và ao ước vừa kỳ quặc vừa đau khổ, những chuyện thế giới đại đồng rất say sưa thường kể hồi trước, bấy giờ chúng tôi lại ngồi kể lại với nhau trong cái kho giày tối om” [2]
Bây giờ tôi đương qua Zlin, thành phố ánh sáng của giai cấp công nhân Tiệp Khắc rộn ràng chờ đêm Nô-en. Tôi trông thấy ở một công viên, chiếc xe tăng số 25 được đặt trên cột đá. Chiếc xe tăng của đoàn chiến xa quân giải phóng đã tấn công giải phóng Zlin.
Nửa đêm ấy, lại đến một ga nhỏ nào, tôi chia tay với Ru-đom. Ru-đom, vừa gặp mà như đã anh em từ bao giờ. Nhớ lại, lúc ấy bối rối, vội vã. Cuộc chia tay thân thiết nào dường như cũng vội. Mà chỉ đến khi nhớ lại người ta mới càng nhớ thêm ra và cứ tiếc những điều sao lúc ấy lại quên.
[1] Quán ăn đứng và khách phục vụ lấy.
[2] Tự truyện của Tô Hoài - NXB Văn học 1978.
Ký Ức Phiên Lãng Ký Ức Phiên Lãng - Tô Hoài Ký Ức Phiên Lãng