Số lần đọc/download: 1345 / 60
Cập nhật: 2015-09-11 13:30:25 +0700
Chương 16
C
húng tôi làm bàn thờ của Lynn trên bàn chị, quay mặt về phía cụm hoa mộc lan, loại sẽ vẫn xanh tươi suốt mùa đông. Bác làm cho tôi một cái hộp bằng gỗ rất đẹp trong đó tôi đặt cây bút chì bị gặm một đầu của chị, một lọn tóc của chị mà mẹ đã cắt ra, những mẩu móng chân móng tay của chị, và những vật thiêng liêng khác tương tự. Bác còn chèn thêm vào trong hộp một tấm kính có thể tháo ra được để tôi nhét một tấm ảnh của chị xuống bên dưới. Tôi bắt đầu nấu cơm hàng ngày cho cả nhà thay cho mẹ, và cứ mỗi bữa tôi lại chừa ra một chén cơm thật thơm và nóng dành cho Lynn. Tôi cũng đổ đầy nước vào cái ly ưa thích của chị. Đôi lúc tôi còn đem tới cho chị cả sữa và bánh kẹo. Những lúc khác khi tôi cảm giác chị muốn có không khí trong lành, tôi lại mở rộng cánh cửa sổ phía trên bàn của chị.
Mẹ và ba bắt đầu giống như người mất hồn. Hai người ăn nhưng có vẻ chẳng thấy ngon. Ba mẹ ngủ nhưng chẳng bao giờ ngủ say – tôi thường nghe thấy ba mẹ thức dậy vào lúc nửa đêm. Ban ngày chúng tôi nói chuyện với nhau nhưng chẳng hề thấy hứng thú. Thỉnh thoảng tôi lại cảm thấy thậm chí ba mẹ rất thất vọng vì tôi không phải là Lynn. Những lúc khác hai người cứ nói mãi những câu “Lẽ ra chúng ta”; “Lẽ ra chúng ta cho con nó ăn gan từ khi nó còn nhỏ hơn kìa”; “Lẽ ra chúng ta nên đưa nó tới bác sĩ ở Chicago”; “Lẽ ra chúng ta cố mua một căn nhà sớm hơn.”
Cứ mỗi ngày mẹ lại cho cả nhà ăn cơm với thịt giăm bông đóng hộp và hoặc cơm với cá mòi vào bữa tối. Chén đĩa chất thành từng đống. Có vẻ như chúng tôi sẽ mất ngôi nhà bởi vì ba mẹ vẫn còn nợ khoản tiền thuốc của Lynn và mẹ không còn làm việc nhiều giờ như trước. Tôi cho rằng mẹ cảm thấy chẳng còn lý do gì để làm việc cực nhọc nữa.
Tôi phát chán ngấy món cá mòi và thịt giăm bông đóng hộp đến nỗi tôi bắt đầu nấu bữa tối cho cả nhà. Năm buổi tối đầu tiên tôi làm món ăn ưa thích của tôi: món mì ăn với bánh cá luộc trộn khoai tây và hành tươi. Buổi tối thứ sáu tới buổi thứ mười tôi làm món ưa thích thứ hai của mình: bánh pizza. Mì và pizza đã chấm dứt vốn liếng tiết mục của tôi rồi. Cứ mỗi đêm sau bữa ăn tối tôi lại rửa chén đĩa và lau chùi thành bếp bằng một miếng xốp mới mà ba mua cho tôi. Tôi làm tất cả những việc này để mẹ khỏi phải điên đầu với cái nhà bếp dơ dáy khủng khiếp.
Mẹ vốn đã ốm nhom, vẫn còn khóc lóc suốt và sụt cân. Ba cũng ngày càng ốm, và giờ đây da ông trở nên xanh xao vàng vọt. Tôi cần phải giúp ba mẹ mập lên. Tôi mượn một cuốn sách nấu ăn của bà Kanagawa và cứ mỗi tối lại làm những món ăn khác nhau.
Vào ngày thứ bốn mươi chín sau khi Lynn qua đời, tôi mở toang tất cả các cửa sổ trong cái buồng nhỏ, cho dù ngoài trời đang mưa. Tôi nhắm mắt lại và cố cảm nhận linh hồn của Lynn. Đột nhiên có một chiếc lá rơi ra từ cây hoa mộc lan và bay theo gió tới ngay trước mắt của tôi. Tôi tin chiếc lá đó là một dấu hiệu của Lynn.
Lúc chị mới qua đời, tôi thấy hối tiếc về tất cả những toa thuốc tôi đã bắt chị uống khiến chị khổ sở. Nhưng giờ đây tôi không còn thấy hối tiếc nhiều nữa. Lynn đã muốn sống. Tôi nghĩ rằng chị sẵn sàng chịu đựng nếu chị vẫn còn được nếm những món ăn của mình, nếu chị vẫn được trò chuyện về biển, và thậm chí chị vẫn được cãi nhau với đứa em gái điên khùng của chị!
Tôi vẫn khóc hoài. Nhưng rồi tôi phải ngưng lại. Bản tính của tôi là mỗi lần tôi ước một điều gì đó quan trọng, tôi cố không bao giờ ước những điều không thể xảy ra. Có thể tôi đã ước có được mười sáu cây bút chì màu thay vì là tám, nhưng ngay cả khi còn nhỏ, tôi cũng không bao giờ ước có được một ngàn cây bút chì màu, bởi vì tôi biết một ngàn cây chì khác nhau là không thể có trên đời. Vì vậy vào ngày thứ bốn mươi chín đó tôi đã không ước gì Lynn sống lại, bởi vì tôi biết chị đã đi mất rồi. Tôi lo rằng linh hồn của chị đang nhìn tôi mỗi lần tôi khóc, chị sẽ buồn ghê lắm và có thể chị sẽ không thể rời thế giới này được theo hướng của chị. Vì vậy mặc dù tôi mong muốn chị vẫn dõi theo tôi, tôi ước rằng chị sẽ quên tôi đi và không bao giờ thấy tôi khóc nữa và không bao giờ phải lo lắng về tôi nữa, ngay cả như lúc này đây tôi chỉ có một mình.
Tôi cố gắng học chăm ở trường, bởi vì đó là một trong những điều ước cuối cùng của Lynn. Việc này thật là chán. Tôi hy vọng Lynn đừng dõi theo tôi, nhưng để phòng trường hợp chị vẫn đang nhìn, tôi bỏ ra cả đống thời gian để làm bài tập của mình. Lần đầu tiên tôi được điểm A trong một bài kiểm tra Toán, ba mẹ rất ngạc nhiên và hãnh diện. Ba mẹ tìm một cái khung và treo bài kiểm tra đó trong phòng ngủ của mình. Cái điểm A đó thật sự đã mang lại một chút sinh khí vào trong ánh mắt của họ. Thật là lạ khi thấy ba mẹ lại khích động tới cỡ đó trước một điểm A, bởi vì Lynn đã đạt được cả hàng tỉ tỉ cái như vậy rồi.
Thỉnh thoảng, dù tôi cố gắng tới đâu chăng nữa, tôi vẫn chỉ được một điểm C. Chuyện đó rất hay xảy ra. Nhưng khi tôi chăm học, tôi có được những thứ hạng tốt hơn. Điều này khiến tôi ngạc nhiên. Tôi đoán rằng vì Lynn quá thông minh và để có những thứ hạng giỏi đối với chị rất dễ nên toi chưa bao giờ để ý tới chị học chăm cỡ nào. Tôi cho rằng được điểm A là một điều gì đó tự nhiên tới với mình, chớ không phải là điều gì đó tự mình làm được. Nhưng sau khi Lynn qua đời tôi bỏ ra cả khối thời gian để nghĩ ngợi về chị, tôi nhớ ra rằng tôi thường hay thấy chị ngồi bên bàn học của mình và gặm cây bút chì trong lúc làm bài tập cả hàng giờ liền.
Khi mùa hè tới, tôi bước qua tuổi mười hai. Vào ngày sinh nhật tôi, ba chở tôi và Silly tới thăm mộ Lynn. Chúng tôi quét dọn sạch sẽ ngôi mộ và cắm vài bông hoa. Rồi hai đứa tôi nhảy múa theo kiểu những thổ dân Shironda. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng tập luyện để chuẩn bị biểu diễn cho Lynn coi. Silly là Wanda Shironda, còn tôi là Rhonda Shironda. Chúng tôi thuộc lòng lời của nhiều bài hát, và cả hai đã nghĩ ra những bước nhảy đặc biệt dành riêng cho buổi hôm nay. Ba nhìn chúng tôi trình diễn với vẻ mặt hãnh diện. “Hit the road, Jack,” “Where the Boys Are,” “Will You Love Me Tomorrow?” và “Twisting the Night Away.” Thậm chí ông có cất tiếng cười một chút. Tiếng cười ít ỏi đó đã thay đổi ông. Ba có vẻ ngạc nhiên là mình vẫn còn cười được.
Khi chúng tôi trở về nhà, ba bước vào phòng ngủ của tôi và chỉ đứng nhìn chiếc giường của Lynn. Rồi ông nói: “Ba đoán con và Sammy cần nhiều chỗ hơn trong phòng này. Sao không lại phụ ba một tay coi?.” Mắt ba rướm lệ trong lúc ông và tôi khiêng tấm nệm và tấm lò xo của Lynn ra khỏi phòng. Thế nhưng chúng tôi không liệng nó đi. Chúng tôi gọi điện cho bác Katsuhisa để nhờ ổng cất giữ chiếc giường của chị trong cái gác mái của ổng.
Khi bác tới đem chiếc giường đi, tôi nghe ông nói với ba rằng ông Lyndon sẽ không tăng lương cho công nhân năm nay. Tôi nói: “Sao mình không đi đập xe của ổng lần nữa?.” Bác và ba nhìn tôi, rồi hai người nhìn nhau, rồi lại nhìn tôi lần nữa.
Khi bác Katsuhisa đi khỏi, ba biểu tôi leo lên xe. Mẹ đang ngồi trong phòng khác với Sam.
Sam hỏi: “Còn con thì sao?”
“Chỉ có Katie thôi.” Ba trả lời.
Chúng tôi leo lên xe đi rất lâu. Cuối cùng, ba rẽ vào một con đường tư rất dài, con đường mà toi đã có lần đi qua cùng ba. Tòa dinh thự của ông Lyndon hiện lên từ đằng xa. Tôi thấy tim thắt lại. Tôi nghĩ rằng ba chuẩn bị đập một chiếc xe khác.
Tôi nói: “Ba! Con xin lỗi đã nói ba đi đập xe của ổng lần nữa.”
Ông trả lời: “Chúng ta sẽ xin lỗi về những gì ba đã làm với chiếc xe của ông Lyndon.”
Đối với tôi điều đó nghe cũng tệ hại không kém. “Xin lỗi sao! Nhưng ổng đâu biết là ba làm! Ba! Ổng đâu biết gì đâu. Ba không cần phải xin lỗi ổng.” Ba nhìn tôi như thể ông rất thất vọng vì tôi đã nói như vậy. Tôi không quan tâm. Tôi chỉ muốn bảo vệ ba mình. “Ba ơi, ba sẽ bị rắc rối đó!”
Ông đậu xe gần phía trước tòa dinh thự. Khi tôi bước ra khỏi xe, căn nhà nhìn to lớn như một tòa lâu đài. Nó thật bự và đẹp, nó khiến tôi há hốc miệng kinh ngạc. Có vẻ như tới một ngàn người sống trong căn nhà này cũng được.
Tôi nói: “Mọi người đều nói ông Lyndon rất keo kiệt.”
“Ba cũng có nghe vậy.”
Ba gõ mạnh cánh cửa lớn. Đó là cánh cửa đẹp nhất mà tôi từng thấy. Những đóa hoa hồng và những cành nho được khắc trên mặt gỗ dày. Một người hầu gái mở cửa ra. Cô ta bận một bộ trang phục giống như những người hầu gái mà tôi đã coi trên ti-vi. Cô ta rất đẹp. Da cô có màu giống như chiếc mũ tơ tằm mà mẹ đã may tặng tôi vào ngày sinh nhật của tôi.
“Chào chị!.” Tôi nói, khá ngạc nhiên.
“Xin chào!.” Cô ta nói, cũng ngạc nhiên không kém.
Ba nói: “Tôi là người đã làm hư chiếc xe của ông Lyndon. Tôi tới để xin lỗi.”
Cô người hầu lưỡng lự. “Xin ông đợi ở đây.” Cô ta đóng cánh cửa đẹp đẽ ấy lại.
“Ba, ba đâu có làm hư nó đâu.”
Ba không trả lời lại. Chúng tôi đứng không nhìn nhau và nhìn vào cánh cửa. Cánh cửa lại mở ra. “Mời vào,” cô người hầu nói.
Cô ta dẫn chúng tôi vào một căn phòng và chỉ cho chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế bọc plastic. Trần nhà cao gấp hai lần trần nhà của chúng tôi, sơn màu xanh da trời, có vẽ hình những đám mây và các thiên thần.
Ông Lyndon bước vào. Ba tôi và tôi đứng dậy. Ông Lyndon người to lớn, có vẻ rất khỏe hồi còn trẻ. Nhưng giờ ổng già rồi. Cằm ổng chìa ra, và gương mặt đầy nếp nhăn, tựa như một cánh đồng khô nẻ vì hạn hán. Hai con chó màu xám vào theo ông Lyndon. Chúng chỉ gầm gừ nhưng không rời xa ổng. Chúng ngồi xổm xuống khi ông ta ngồi xuống. Chúng tôi cũng ngồi xuống. Ông Lyndon nhìn thẳng vào tôi! Làm như ổng không nhận ra ba đang có mặt trong phòng. Ổng ra dấu về phía một cái chén đựng kẹo đặt trên bàn.
“Thích gì cứ lấy, cô bé.”
Tôi lấy một viên kẹo chanh, mặc dù tôi không thích nó. Tôi nói: “Cám ơn.”
“Lấy thêm đi!” Ổng nói lớn.
Tôi lấy thêm hai cái.
“Nào, ăn đi!”
Tôi bỏ cả ba viên vào miệng. Nó có vẻ làm ông Lyndon hài lòng, giờ ổng quay sang ba chờ đợi.
“Tôi là người đã phá hư xe của ông,” ba nói. “Tôi muốn xin lỗi. Hôm đó con gái tôi qua đời, tôi không còn tự chủ được.”
“Anh là một trong những công nhân phân loại giới tính của tôi phải không, anh …”
Tôi thấy câu hỏi đó khiến ba khó chịu, nhưng tôi không biết tại sao. “Tôi là một trong những công nhân phân loại giới tính,” ba nói. “Tôi là Masao Takeshima.”
“Tôi rất tiếc về đứa con gái của anh. Một công nhân khác của tôi cũng đã từng bị mất đứa con trai, nhưng anh ta không phá xe của tôi. Anh sẽ không quay lại làm việc trong trại ấp trứng của tôi nữa.”
Tôi tự hỏi không biết người công nhân mà ổng nhắc tới có phải bác tôi hay không.
Nếu ba có bị bất ngờ, ông cũng không biểu lộ ra ngoài. Ba nói: “Tôi sẽ bồi thường cho ông.”
Ông Lyndon đứng lên. “Dĩ nhiên là phải vậy. Anh sẽ nói chuyện với luật sư của tôi.”
Tôi chuẩn bị đứng dậy nhưng vẫn còn ngồi trên ghế bởi vì ba cũng vậy. Mặt sau hai đùi tôi đã ướt nhẹp mồ hôi vì ngồi trên cái ghế bọc plastic. Mấy viên kẹo chanh làm tôi khát nước. Rồi khi ba đứng lên, tôi cũng đứng lên theo. Tôi thấy ba không hề bị ông Lyndon trấn áp. Và đó là bài học tôi học được, rằng cho dù mình có sai, rất sai, nhưng nếu mình xin lỗi thì mình vẫn giữ được tư cách đàng hoàng. “Xin chào, ông Lyndon,” ba nói. Chúng tôi bước ra ngoài.
Khi chúng tôi leo lên xe, tôi thấy cô người hầu lén nhìn ra ngoài cửa sổ trước. Cô ta khẽ vẫy tay, và tôi khẽ vẫy lại. Trước khi rồ máy xe, ba nói: “Ba không bao giờ muốn con sợ xin lỗi.”
Tôi nói: “Ba, ba bị mất việc rồi!”
“Ba vẫn còn cái trại ấp trứng khác,” ông trả lời. Ông suy nghĩ một lát. “Ba nghe nói có một cái trại ấp trứng sắp khai trương ở bang Missouri. Nếu đã đến lúc phải đi, thì đây chính là lúc đi.”
Missouri! Chúng tôi không nói chuyện nữa. Tôi thấy ba hơi chấn động một tí về vụ bị đuổi việc, nhưng đồng thời ông không tỏ ra hối tiếc việc xin lỗi.
Cuối cùng ba lại nhận một công việc ở một trong số ít những trại ấp trứng không do ông Lyndon làm chủ. Không may là ba phải lái xe đi xa hơn. Nhưng ba không bao giờ phàn nàn. Tôi nghĩ vào mùa hè năm đó, khi ba dời cái giường của Lynn, và khi ông tới xin lỗi ông Lyndon, ba đã nhận ra rằng chúng tôi phải chọn lựa: Hoặc chúng tôi sẽ vĩnh viễn trở thành một gia đình không hạnh phúc, hoặc không.
Vào cuối mùa hè, mẹ của Silly tổ chức một buổi họp công đoàn tại nhà bà. Đáng ngạc nhiên là ba mẹ lại cho tôi tới đó để phụ giúp. Bà Kilgore lái xe tới đón tôi. Silly và tôi làm đồ ăn cho mọi người. Bọn tôi cắt cà rốt và cần tây và làm hành nhúng kem chua và món xúp trộn Lipton. Khoảng một trăm người tới dự. Trong nhà không đủ chỗ cho họ, vì vậy buổi họp được tổ chức ngoài trời và bữa ăn thì dùng ở trong nhà.
Khi cuộc họp diễn ra được khoảng một nửa thời gian, tôi sửng sốt khi thấy ba mẹ tới. Vậy chắc là ba mẹ đã để Sam lại với bà Kanagawa. Ba mẹ hầu như chẳng nói cho tôi biết. Hai người chỉ ngồi im lắng nghe những người lên phát biểu cuối cùng.
Ba mẹ ra về trước tôi. Tôi phân vân không biết mình có tưởng tượng ra là ba mẹ đã ở đây không. Khi tôi về nhà sau đó, mẹ không nói gì về công đoàn. Bà đang chùi bụi bàn thờ của Lynn, mặc dù ngày thứ bốn mươi chín đã trôi qua và Lynn đã đi khỏi thế giới này rồi. Mẹ không nhìn lên trong lúc chùi bụi. Bà hỏi: “Có chuyện gì với đứa bé mặc áo đầm xanh vậy con?”
“Cái đứa không có tóc hả mẹ?”
“Ừ.” Mẹ khẽ mở cánh cửa sổ.
“Bà Kilgore nói nó bị ung thư.” Mẹ tôi không trả lời.
“Mẹ?”
“Gì con?”
“Công đoàn muốn công nhân nhà máy được hưởng ba ngày nghỉ có lương đối với những trường hợp đau buồn, ví dụ như một thành viên trong gia đình qua đời.”
Mẹ bĩu môi và nhìn tôi với vẻ mặt cay đắng. Mẹ nói: “Việc đó hơi trễ rồi.”
Mẹ không nói gì thêm. Nhưng trong buổi bỏ phiếu của công đoàn được tổ chức vào tuần sau, công đoàn đã thắng với một lá phiếu. Đó là điều ngạc nhiên, bởi vì mọi người đã nghĩ rằng mình sẽ thua một lá phiếu. Mẹ có vẻ hài lòng khi công đoàn thắng, thành ra tôi biết bà đã bỏ phiếu ra sao. Tôi không cho là một bài phát biểu nào đó mà mẹ nghe đã khiến mẹ bỏ phiếu cho công đoàn.
Trước khi Lynn qua đời, mẹ đã làm tất cả mọi điều cho gia đình của mình, nhưng mẹ không làm gì nhiều để giúp cho những gia đình khác. Tôi nghĩ đó là do sự kết hợp giữa cái chết của Lynn và việc trông thấy đứa bé mặc bộ đầm xanh đã làm thay đổi lá phiếu của mẹ. Việc đó đã hơi trễ đối với mẹ, nhưng nếu mẹ bỏ phiếu tán thành, bà biết nó sẽ không quá trễ cho nỗi đau của những gia đình tiếp theo.
Tại trung tâm giải trí địa phương Silly và tôi trình diễn màn vũ Shirondas trong chương trình biểu diễn tài năng hằng năm được tổ chức vào mùa thu. Chúng tôi xếp hạng mười hai trên hai mươi, lẽ dĩ nhiên tôi nghĩ đó là cả một thiếu công bằng khủng khiếp. Cứ mỗi tuần chúng tôi lại tập dượt cho buổi trình diễn sang năm. Mỗi tối tôi lại nấu ăn cho cả nhà, và mỗi buổi học ở trường tôi được nhiều điểm B hơn và thỉnh thoảng có cả điểm A. Đôi khi, ý nghĩ về Lynn và việc chị thông minh vô cùng khiến chúng tôi thấy tự hào và thậm chí hạnh phúc, thay vì thấy đau buồn. Đôi lúc, nhìn một bức ảnh của chị lại giúp chúng tôi tràn ngập những kỷ niệm vui thay vì chỉ có những kỷ niệm buồn. Chúng tôi vẫn đang trả nợ tiền thuốc, nhưng cũng đã có nhiều tiến triển.
Khi kỳ nghỉ lễ tới gần, căn nhà trở nên buồn bã. Cứ mỗi khi thấy buồn, tôi lại bắt đầu tự hỏi tại sao việc tôi được điểm A, điểm B, hay điểm C lại là chuyện quan trọng. Ba thấy tội nghiệp tôi và hỏi tôi có muốn đi nghỉ hè hay không.
“Ừ há!”, tôi nói. “Ý con nói là, dạ, dạ, dạ!”
“Con có muốn tới du lịch khu Đầm lầy Okefenokee không?”
“Còn California thì sao ba? Đó là nơi chị Lynn muốn tới.”
“Sao con nghĩ vậy?”
“Bởi vì đó là nơi có miền biển chị rất thích. Đó là nơi chị muốn tới ở khi lớn lên.”
Ba nói ba sẽ suy nghĩ về điều này.
Sau lễ Giáng Sinh, ông tuyên bố rằng ông sẽ dẫn cả nhà tới California nghỉ.
Trước khi đi, ba và tôi ghé qua mộ của chị. Mẹ không đi theo vì bà không chịu đựng nổi.
Ba chỉ xin nghỉ việc có hai ngày khi Lynn qua đời. Chúng tôi đang cố hồi phục lại sau chuyện đó. Ba phải mua thức ăn cho tôi và Sam, cho nên ông không thể dùng hết thì giờ của mình để khóc than. Tôi biết điều này nghe như vô tình, nhưng không phải vậy. Ba cần phải nghĩ về hai đứa con ông vẫn còn sống, bởi vì bổn phận của ông là phải nghĩ tới người sống trước người chết sau.
Nếu ông ngừng làm việc trong ba ngày, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ không được ăn cá một buổi tối hoặc không thể trả tiền lãi thế chấp cho căn nhà mà chúng tôi coi là của Lynn.
Đứng trước mộ, ba lau cho tấm bia của Lynn và đặt xuống một bó hoa màu trắng. Ông nói:”Ba nhớ cái lúc mà một đứa nhỏ mười hai tuổi đã có thể bỏ nhà ra đi để sống một cuộc sống đàng hoàng. Lẽ ra ba phải làm như vậy khi ba còn là một đứa nhỏ. Suýt nữa thì ba đã làm được điều đó.” Tôi biết ba không thể nhớ được cái thời gian đó, ông chỉ nghĩ là ông có thể nhớ, bởi vì ông đã có lần kể tôi nghe hồi ông mười hai tuổi ra sao, ông và bác Katsuhisa phải bỏ học ở Nhật Bản trở về California để giúp gia đình làm công việc nông trại như thế nào. Cho nên ông chỉ nghĩ rằng mọi chuyện đã có thể xảy ra khác đi, nếu như ông đã khởi đầu cuộc sống khác bây giờ.
Giờ đây ba nói nếu như ông ra đi vào lúc mười hai tuổi thì có lẽ ông đã sống ở California thay vì tới Iowa với gia đình mình. Bởi vì có nhiều người Nhật sống ở California hơn ở Iowa, khi ông và mẹ mở một cửa hàng rau quả, nó đã có thể buôn bán phát đạt. Rồi có lẽ hai người đã có thể kiếm được nhiều tiền hơn, rồi khi có Lynn, có lẽ chị đã khỏe mạnh hơn. Điều này, dĩ nhiên là không thể được, bởi vì ba đã gặp mẹ ở Iowa chứ không phải ở California. Nếu ông ở California, ba đã không gặp mẹ và Lynn đã không ra đời. Nhưng tôi không nói ra điều này. Tôi không nói ra bất cứ điều gì vì tôi có thể thấy được là ba chỉ muốn tưởng tượng cái gì đã có thể xảy ra, nếu nó có thể xảy ra.
Chính là trong chuyến đi thăm mộ Lynn, ba nói cho tôi biết Lynn muốn tôi giữ cuốn nhật ký của chị. Sau đó, khi chúng tôi về nhà, tôi ngồi trong căn phòng ngủ cũ và bé nhỏ của mình đọc nó liền một mạch. Mấy cái cửa sổ đã đóng lại, nhưng tôi vẫn kéo chiếc áo len của mình sát người, tôi rất thích căn nhà này, nhưng về đêm nó không được kín gió.
Tôi luôn nghĩ rằng chữ viết tay của Lynn lúc nào cũng đều và đẹp, thậm chí còn có thể nói là đường bệ. Trong nhật ký của chị tôi thấy thỉnh thoảng chị viết cẩu thả hơn mọi lúc. Như những khi chị thấy hứng thú về Gregg, cách viết của chị trở nên vội vã và đối với chị, khá là cẩu thả. Tôi là người duy nhất chị nhắc tới từng ngày một, ngay cả khi chị viết những điều đại loại như, hôm nay Katie có một điểm C khác. Chữ viết của chị bị run tay ở những trang cuối, đặc biệt là trang cuối cùng. Đây là những dòng cuối cùng chị ghi vào nhật ký:
“Nhật ký thương mến,
Tôi để lại cho ba mẹ số tiền trong tài khoản ngân hàng của tôi, 5 đô-la 47 xu.
Để lại cho Sammy hai tờ 1 đô-la giấu trong ngăn kéo phía trên bên trái. Tôi để lại thêm cho nó tất cả đồ chơi của tôi và thanh kẹo trong ngăn kéo phía dưới bên phải.
Để lại cho Katie cuốn nhật ký này, cuốn từ điển của tôi, và cả cuốn từ điển bách khoa mà nó sẽ dùng tốt hơn tôi.
Ký tên,
Lynn Akiko Takeshima”
Chị viết những câu này bốn ngày trước khi qua đời. Bốn ngày trước khi chị mất, tôi vẫn còn hy vọng là chị sẽ khỏe trở lại. Ba mẹ nói sở dĩ không đưa cho tôi cuốn nhật ký khi Lynn qua đời vì sợ nó sẽ làm tôi thêm buồn. Quả là lạ khi nghe ba mẹ nói như vậy, bởi vì tôi nghĩ chính tôi đã chăm sóc cho ba mẹ sau khi Lynn qua đời. Nhưng hình như ba mẹ nghĩ rằng họ đã chăm sóc cho tôi.
Chữ viết tay của tôi vẫn cẩu thả như mọi lúc. Tôi không quan tâm bởi vì ngày nào đó, khi tôi vào đại học, tôi sẽ dùng một cái máy đánh chữ.
Chúng tôi lái xe tới bang California vào cuối tháng. Khi tới nơi, ngày 31 tháng mười hai, ngoài trời hai mươi chín độ rưỡi, những cơn gió ở Santa Ana quất vào mấy bức tường ọp ẹp của khách sạn chúng tôi ở. Một con dế kêu rích rích trong phòng tắm cả buổi tối. Ban ngày lũ quạ cứ kêu quang quác mỗi khi chúng tôi bước lên xe. Lynn luôn luôn nghĩ rằng dế và ngay cả quạ đều là điềm may mắn. Đôi lúc tôi tưởng như mình nghe thấy tiếng của Lynn rất rõ. Mấy con dế kêu “Rích! Rích!” nhưng tôi nghe là “Kira-kira!” Lũ quạ kêu “Quạ! Quạ!”, nhưng tôi lại nghe “Kira-kira!” Tiếng gió thổi “Vù!Vù!” nhưng tôi vẫn nghe là “Kira-kira!” Lynn đã dạy cho tôi nhìn thế giới theo cách đó, coi nó như một nơi đầy ánh sáng, như một nơi mà tiếng kêu của dế hay quạ và tiếng gió thổi là những việc bình thường xảy ra hằng ngày nhưng đồng thời là những điều kỳ diệu.
Tôi ước gì Lynn còn sống và tới đây để ngắm biển cùng chúng tôi! Khi chúng tôi bước tới bờ biển Thái Bình Dương, nước mắt của tôi lại ứa ra đầy mắt và cái chết của chị tôi dường như gần đâu đây. Tôi không nghĩ rằng có bất cứ ai hiểu được bằng tôi rằng chị đã mong muốn biết chừng nào được đi bộ dọc theo làn nước giống như gia đình tôi đã làm vào cái ngày đầu năm đó. Tôi giấu những giọt nước mắt của mình không cho ba mẹ thấy. Nhưng mặt biển bắt đầu làm tôi thấy hạnh phúc trở lại. Ở nơi đây từ mặt biển – đặc biệt là từ mặt biển – tôi có thể nghe thấy giọng nói của chị mình trong tiếng những làn sóng vỗ:“Kira-kira! Kira-kira!”