Số lần đọc/download: 1233 / 34
Cập nhật: 2017-08-25 12:57:34 +0700
Chương 15: Gadjo
“H
ôm nay trời đẹp quá đi mất,” Bjarne Møller kêu lên trong lúc lướt vào văn phòng của Harry và Halvorsen buổi sáng hôm sau.
“Ừm, ông thì biết rõ rồi, phải không. Ông có cửa sổ mà,” Harry nói, vẫn không ngước lên khỏi cốc cà phê của mình. “Và một cái ghế mới,” anh nói thêm khi Møller thả mình vào cái ghế sắp hỏng của Halvorsen khiến nó ré lên như bị đau.
“Chào buổi sáng tốt lành,” Møller nói. “Có chuyện khó chịu hả?”
Harry nhún vai. “Tôi đã xấp xỉ bốn mươi rồi nên bắt đầu thích cằn nhằn, thế thôi. Có gì sai không?”
“Không hề. Mà này, tôi rất thích thấy anh mặc vest.”
Harry nhấc ve áo lên như thể đến giờ mới phát hiện ra bộ vest đen.
“Hôm qua có một cuộc họp các trưởng đơn vị,” Møller nói. “Anh muốn nghe vắn tắt hay dài dòng?”
Harry dùng một chiếc bút chì để khuấy cà phê. “Chúng ta phải dừng điều tra vụ Ellen. Phải không?”
“Vụ đó đã khép lại từ lâu lắm rồi mà, Harry. Và Trưởng Phòng Giám định Pháp y bảo rằng anh đang làm phiền họ khi bắt họ phải kiểm tra lại mọi chứng cứ cũ.”
“Hôm qua chúng tôi đã tìm được một nhân chứng mới có…”
“Lúc nào chẳng có nhân chứng mới, Harry. Chỉ là họ không muốn thêm bất cứ ai nữa.”
“Nhưng…”
“Chúng tôi đã quyết định vụ đó coi như xong, Harry. Xin lỗi cậu.”
Ra đến cửa, Møller quay lại. “Đi dạo ngoài trời nắng một chút đi. Có lẽ đây sẽ là ngày ấm cuối cùng trong một thời gian nữa đấy.”
○○○
“Nghe đồn là trời nắng,” Harry nói khi anh bước vào Nhà Đau đớn và thấy Beate. “Báo để cô biết.”
“Tắt đèn đi,” cô nói. “Để tôi chỉ cho anh xem cái này.”
Lúc nói trên điện thoại cô đã tỏ ra khá phấn khích nhưng không nói rõ tại sao. Cô cầm lấy điều khiển từ xa. “Tôi không phát hiện ra điều gì trên cuộn băng của cái ngày chiếc thùng được đặt mua, nhưng anh hãy ngó thử cuộn băng vào ngày xảy ra vụ cướp mà xem.”
Harry nhìn thấy siêu thị 7-Eleven trên màn hình. Anh thấy cái thùng rác màu xanh bên ngoài cửa sổ, những chiếc bánh kem bên trong cửa hàng, phía sau đầu và cái khe mông của thằng nhóc anh hỏi chuyện hôm trước. Nó đang tính tiền cho một cô gái mua sữa, tạp chí Cosmopolitan và bao cao su.
“Thời gian ghi lại là 15 giờ 5 phút, vậy là mười lăm phút trước vụ cướp. Giờ thì xem nhé.”
Cô gái xách đồ của mình đi ra, hàng người tiến lên phía trước, và một người đàn ông mặc bộ đồ bảo hộ lao động màu đen và đội mũ lưỡi trai có vành che tai kéo sụp xuống chỉ vào thứ gì đó trên quầy. Hắn cúi xuống để tránh bị thấy mặt. Tay hắn xách một cái túi hành lý màu đen đã gấp lại.
“Cái chết tiệt gì thế này,” Harry thì thào.
“Đó chính là Kẻ Hành quyết,” Beate nói.
“Cô chắc chứ? Có nhiều người mặc đồ bảo hộ lao động màu đen lắm, mà tên cướp thì đâu có đội mũ lưỡi trai.”
“Khi hắn đi ra khỏi quầy thu ngân thì anh sẽ thấy hắn đi đôi giày giống hệt với đôi trong cuốn băng kia. Và chú ý cái chỗ phồng lên ở bên trái người hắn nhé. Đó là khẩu AG3 đấy.”
“Hắn đã buộc nó vào người. Nhưng hắn vào cửa hàng này làm gì?”
“Hắn đợi xe tải bọc thép đến và hắn cần một điểm quan sát mà không bị chú ý. Hắn đã thăm dò khu vực này và biết rằng xe tải chở tiền sẽ tới vào khoảng 15 giờ 15 đến 15 giờ 20. Trong lúc đó, hắn không thể đội mũ len trùm đầu đi lại loăng quăng và tuyên bố ý định của hắn được, nên hắn sử dụng cái mũ lưỡi trai che gần kín khuôn mặt. Khi hắn tới quầy thu ngân, nếu nhìn kỹ anh có thể thấy một quầng sáng hình chữ nhật nhỏ xíu nhấp nháy trên đó. Đó là ánh sáng bị phản xạ trên kính. Mi đang đeo kính phải không, Kẻ hành quyết khốn kiếp kia.” Beate nói nhỏ nhưng rất nhanh, với vẻ tức giận mà Harry chưa từng thấy ở cô. “Rõ ràng là hắn đã biết về cái máy quay ở siêu thị 7-Eleven. Hắn không hề để lộ mặt chút nào. Nhìn hắn kiểm soát các góc độ kìa! Công nhận là hắn rất giỏi.”
Thằng nhóc đứng sau quầy thu ngân đưa cho hắn một chiếc bánh kem và cầm đồng mười krone hắn vừa đặt lên quầy.
“Đây rồi.”
“Chính xác,” Beate nói. “Hắn không đeo găng tay. Nhưng có vẻ như hắn cũng chưa hề đụng tới bất cứ thứ gì trong siêu thị. Và anh có thể thấy quầng sáng hình chữ nhật mà tôi vừa bảo kia kìa.”
Harry không nói gì.
Gã đàn ông rời khỏi siêu thị trong lúc người cuối cùng được tính tiền.
“Ừm. Chúng ta sẽ lại phải bắt đầu tìm kiếm nhân chứng,” Harry nói rồi đứng dậy.
“Tôi không lạc quan lắm đâu,” Beate nói, vẫn nhìn chằm chằm vào màn hình. “Nên nhớ chỉ có một nhân chứng báo là đã nhìn thấy Kẻ Hành quyết chạy trốn vào giờ cao điểm chiều thứ Sáu. Nơi ẩn náu tốt nhất của tên cướp là giữa đám đông.”
“OK, nhưng vậy thì cô có đề xuất gì khác không?”
“Cứ ngồi xuống đi nếu không anh sẽ để lỡ đoạn cao trào này đấy.”
Tẽn tò, Harry nhìn Beate một cái rồi lại nhìn vào màn hình. Thằng nhóc đứng sau quầy đã hướng về phía máy quay, tay đang ngoáy mũi. “Cao trào của một người lại là…” Harry làu bàu.
“Nhìn vào cái thùng bên ngoài cửa sổ ấy.”
Ô cửa sổ phản chiếu ánh nắng, nhưng họ vẫn nhìn thấy gã đàn ông mặc bộ đồ bảo hộ màu đen. Hắn đang đứng trên vỉa hè quãng giữa cái thùng và một cái xe đang đỗ. Hắn quay lưng về phía máy quay và đặt một tay lên mép thùng. Có vẻ như hắn vừa ăn cái bánh kem vừa quan sát ngân hàng. Cái túi hành lý hắn mang đã được đặt xuống mặt đường nhựa.
“Đó là trạm quan sát của hắn,” Beate nói. “Hắn đặt mua cái thùng và cho để ở chính xác chỗ đó. Đơn giản đến tài tình. Hắn vừa có thể quan sát được chiếc xe tải chở tiền lại vừa tránh được máy quay an ninh. Và chú ý cách hắn đứng nhé. Thứ nhất, một nửa số khách qua đường thậm chí sẽ không thể nhìn thấy hắn vì cái thùng che khuất, còn những người nhìn được thì sẽ chỉ thấy một người đàn ông mặc bộ đồ bảo hộ lao động và đội mũ lưỡi trai đứng cạnh một cái thùng rác: có thể là thợ xây, nhân viên dọn dẹp nhà cửa hay thu gom rác thôi. Nói tóm lại, chẳng để lại ấn tượng gì trong đầu họ cả. Thảo nào mà chúng ta chẳng kiếm được nhân chứng.”
“Hắn để lại vài cái dấu vân tay to tướng đẹp đẽ trên cái thùng kìa,” Harry nói. “Tiếc là trời lại mưa dầm dề suốt cả tuần qua.”
“Nhưng cái bánh kem…”
“Hắn nuốt trôi cả dấu vấn tay rồi còn gì,” Harry thở dài.
“… làm hắn khát. Xem đoạn này đi.”
Gã đàn ông cúi xuống, kéo khóa túi hành lý và lôi ra một cái túi bóng màu trắng. Rồi hắn lấy ra một cái chai.
“Coca-Cola,” Beate thì thào. “Tôi đã dừng hình và phóng to lên trước khi anh đến. Đó là một chai Coca có nút bần.”
Gã đàn ông tay giữ cổ chai tay kéo nút bần. Rồi hắn ngửa đầu ra sau, giơ cái chai lên cao và dốc xuống. Họ thấy chỉ còn chút nước sót lại đang chảy xuống, nhưng cái mũ lưỡi trai che mất cái miệng đang há ra và khuôn mặt của hắn. Sau đó, hắn đặt cái chai vào túi bóng, thắt nút lại và đang toan nhét cái túi bóng vào túi hành lý thì hắn chợt dừng lại.
“Nhìn xem. Hắn đang nghĩ,” Beate thì thào, rồi nói bằng một giọng nhỏ, đều đều: “Số tiền đó cần chỗ đựng rộng chừng nào? Số tiền đó cần chỗ đựng rộng chừng nào?”
Kép chính chăm chú nhìn cái túi hành lý, rồi lại nhìn cái thùng. Rồi hắn quyết định. Và hắn quăng vèo cái túi bóng đựng cái chai bên trong bay thành vòng cung lên không trung rồi rơi thẳng vào trong cái thùng hở.
“Cú ném ba điểm!” Harry reo lên.
“Đám đông phát cuồng!” Beate cũng ré theo.
○○○
“Mẹ kiếp!” Harry chửi thề.
“Ôi không,” Beate rên rỉ và đập đầu vào bánh lái vì thất vọng.
“Lẽ ra chúng phải còn ở đây chứ,” Harry nói. “Đợi đã!”
Anh mở tung cửa xe ngay trước mặt một người đi xe đạp khiến người này phải ngoặt gấp, rồi chạy băng qua đường tới siêu thị 7-Eleven và xông thẳng tới quầy thu ngân.
“Họ dọn cái thùng đi lúc nào?” anh hỏi thằng nhóc đang định gói hai khúc xúc xích Big Bite cho hai cô nàng mông bự.
“Vì Chúa, đợi đến lượt mình đi nào,” thằng nhóc nói mà không buồn ngước lên.
Một trong hai cô nàng làu bàu phẫn nộ khi Harry nhoài tới, chặn không cho thằng nhóc với tới chai tương cà, và túm lấy ngực cái áo sơ mi màu xanh của nó.
“Chào, lại là tôi đây,” Harry nói. “Giờ thì hãy nghe cho kỹ, kẻo khúc xúc xích này sẽ tọng thẳng…”
Vẻ mặt kinh hoàng của thằng nhóc buộc Harry trấn tỉnh lại. Anh buông tay và chỉ ra cửa sổ lúc này đã có thể nhìn sang ngân hàng Nordea phía bên kia đường nhờ chỗ trống toang hoác mà cái thùng để lại. “Người ta chuyển cái thùng đi lúc nào? Nói mau!”
Thằng nhóc nuốt khan rồi tròn mắt nhìn Harry. “Vừa nãy.”
“Vừa nãy là khi nào?”
“Hai phút trước.” Mắt thằng nhóc đã đờ đẫn ra.
“Tới đâu?”
“Làm sao tôi biết được? Tôi chả biết gì về thùng với thiếc cả.”
“Chẳng.”
“Gì cơ?”
Nhưng Harry đã đi mất.
○○○
Harry áp cái điện thoại di động đó của Beate lên tai.
“Ban Quản lý Rác thải Oslo phải không? Tôi là thanh tra Harry Hole bên Sở Cảnh sát. Các anh đem đổ thùng rác ở đâu nhỉ? Phải, những cái thùng rác cá nhân ấy. Metodica à. Được rồi. Phố Verkseier Furulands ở chỗ nào trong khu Alnabru? Cảm ơn. Gì cơ? Hoặc là ở Grønmo ư? Làm sao tôi biết là nơi nào…?”
“Kìa!” Beate nói. “Đường đang tắc.”
Ô tô nối đuôi nhau thành một bức tường có vẻ không thể xuyên qua về phía ngã ba ở trước quán Kafé Lorry trên phố Hegdehaugsveien.
“Lẽ ra chúng ta phải đi theo ngả Uranienborgveien,” Harry nói. “Hoặc là Kirkeveien.”
“Đáng tiếc là không phải anh lái xe,” Beate nói, điều khiển cho bánh trước bên phải leo lên vỉa hè, bấm còi liên tiếp và tăng tốc. Người đi bộ vội dạt hết sang bên.
“A lô,” Harry nói vào điện thoại. “Anh vừa đi thu một cái thùng rác màu xanh trên phố Bogstadveien gần ngã tư giao cắt với phố Industrigata. Giờ anh đang chở nó đi đâu? Phải. Tôi sẽ đợi.”
“Thử qua bên Alnabru xem sao,” Beate nói và lại ngoặt xuống phố ngay trước mũi một cái xe điện. Bánh xe rê trên đường ray thép cho đến khi bám được vào mặt đường nhựa. Harry cảm thấy một thoáng ký ức ảo giác.
Họ chạy tới phố Pilestredet thì người bên Ban Quản lý Rác thải Oslo gọi lại để báo rằng họ không liên lạc được với điện thoại di động của người lái xe, nhưng cái thùng có lẽ là đang được chở tới Alnabru.
“Được rồi,” Harry nói. “Anh có thể gọi cho bên Metodica và yêu cầu họ không đổ cái thùng vào lò thiêu rác trước khi chúng tôi… Văn phòng các anh đóng cửa trong khoảng từ 11 rưỡi tới 12 giờ ư? Cẩn thận! Không, tôi đang nói với lái xe. Không, là lái xe của tôi.”
Trong đường hầm Ibsen, Harry gọi về Sở Cảnh sát và đề nghị họ cử một xe tuần tra tới Metodica, nhưng cái xe gần nhất cũng còn cách đó mất mười lăm phút.
“Mẹ kiếp!” Harry ném cái điện thoại qua vai và đập mạnh lên bảng điều khiển.
Tới chỗ bùng binh giữa phố Byporten và quảng trường, Beate lách vào khoảng trống giữa một cái xe buýt đỏ và cái xe tải Chevy, vạch vôi trắng chạy thẳng giữa thân xe. Khi cô phóng xuống ngã tư được nâng cao hơn so với mặt đường, được coi là “thiết bị điều tiết giao thông”, với vận tốc 110 km/h và thực hiện một cú rê khéo léo khiến những cái lốp rít lên, rồi ngoặt qua khúc quanh chữ chi trên mé gần vịnh của Ga Trung tâm Oslo, thì Harry nhận ra rằng vẫn chưa mất hết hy vọng.
“Gã khùng khốn kiếp nào dạy cô lái xe vậy?” anh hỏi, tay bám chặt ghế trong lúc chiếc xe ngoăn ngoắt luồn lách giữa những dòng xe trên xa lộ ba làn dẫn tới đường hầm Ekeberg.
“Tự học,” Beate đáp.
Tới giữa đường hầm Valerenga, một cái xe tải lớn, xấu xí, đang nhả khói dầu diesel lù lù hiện ra trước xe họ. Nó lết vào làn đường bên phải; sau xe, được cố định bằng hai cái cẩu sắt màu vàng, là cái thùng rác màu xanh in dòng chữ Ban Quản lý Rác thải Olso.
“Thế chứ!” Harry kêu lên.
Beate phóng lên ngoặt vào trước đầu xe tải, đi chậm lại và bật xi nhan phải. Harry hạ cửa kính xuống, thò một tay ra giơ thẻ lên, tay kia vẫy chiếc xe tải tấp vào lề đường.
Người lái xe không phản đối Harry ngó vào cái thùng rác, nhưng thắc mắc là sao họ không đợi đến lúc tới bãi Metodica mà đổ rác ra xem.
“Tôi không muốn cái chai đó bị nghiền nát!” Harry nói to để át tiếng ồn của xe cộ đang chạy qua phía sau chiếc xe tải.
“Tôi chỉ nghĩ cho bộ vest đẹp đẽ của anh thôi,” người lái xe nói, nhưng Harry đã nhảy phắt vào cái thùng rồi. Lát sau, những tiếng rầm rầm vang ra từ trong thùng, người lái xe và Beate nghe thấy Harry văng tục. Rồi một hồi sục sạo nữa. Và cuối cùng một tiếng “Đây rồi!” vang lên trước khi Harry ló ra phía trên cái thùng, tay giơ cao cái túi bóng màu trắng như chiến lợi phẩm.
“Đưa tới cho Weber ngay lập tức và bảo ông ấy đây là việc khẩn,” Harry nói trong lúc Beate nổ máy. “Bảo tôi gửi lời chào.”
“Nói thế có giúp được gì không?”
Harry gãi gãi đầu. “Không. Cứ bảo việc khẩn là được.”
Cô bật cười. Không to, không chân thành, nhưng Harry có nhận thấy tiếng cười.
“Lúc nào anh cũng nhiệt tình thế này à?” cô hỏi.
“Tôi á? Thế còn cô thì sao? Chẳng phải cô đã sẵn sàng đưa chúng ta về chầu ông vải sớm chỉ vì cái chứng cứ này sao?”
Beate mỉm cười, nhưng không đáp lại. Chỉnh lại gương trước khi quay trở lại đường.
Harry liếc nhìn đồng hồ. “Mẹ kiếp!”
“Muộn họp à?”
“Cô có nghĩ là đưa tôi tới nhà thờ Majorstuen được không?”
“Được. Đó là lý do anh mặc vest đen hả?”
“Ừ. Một… người bạn.”
“Thế thì tốt hơn hết là anh cố mà gột sạch vết bẩn trên vai trước đi đã.”
Harry nghển đầu lên. “Tại cái thùng xe rác đấy mà,” anh nói, dùng tay phủi.
“Đã hết chưa?”
Beate đưa cho anh một cái khăn tay. “Nhổ tí nước bọt ra đây. Bạn thân à?”
“Không. À, ừ… có lẽ là chỉ trong một thời gian thôi. Nhưng mà đám tang thì phải tới chứ, phải không?”
“Anh vẫn hay tới dự đám tang à?”
“Cô thì không ư?”
“Tôi chỉ tới duy nhất một đám tang trong đời.”
Họ im lặng lái đi.
“Cha cô hả?” Cô gật đầu.
Họ đi qua giao lộ ở Sinsen. Ở Muselunden, một bãi cỏ rộng bên dưới phố Haraldsheimen, một người đàn ông và hai thằng bé đang thả một con diều lên trời. Cả ba đều đứng nhìn lên bầu trời xanh và Harry thấy người đàn ông đưa sợi dây cho thằng bé cao hơn.
“Chúng ta vẫn chưa bắt được thủ phạm,” cô nói.
“Chưa,” Harry nói. “Vẫn chưa.”
○○○
“Chúa ban cho rồi Chúa lại lấy về,” linh mục nói, nhìn xuống những hàng ghế trống và người đàn ông cao lừng lững tóc húi cua vừa mới rón rén bước vào, tìm một chỗ ở tít phía cuối. Ông ta đợi cho tiếng nức nở thương tâm vang vọng rồi lắng xuống bên dưới vòm trần. “Nhưng đôi khi, dường như Người chỉ lấy về.”
Vị linh mục nhấn mạnh từ “lấy” và cái tiếng đó được khuếch âm, vang tới tận chỗ Harry. Tiếng nức nở lại to lên. Harry quan sát. Anh cứ nghĩ rằng Anna, người sống hướng ngoại và sôi nổi như vậy, hẳn phải có nhiều bạn bè. Nhưng anh chỉ đếm được có tám người, sáu ngồi hàng ghế đầu và hai người ở từ phía sau. Tám. Ờ, thế thì sẽ có bao nhiêu người tới dự đám tang của anh? Tám người có lẽ cũng chẳng phải quá tệ.
Tiếng nức nở phát ra từ hàng ghế đầu nơi Harry có thể thấy ba cái đầu quấn khăn rực rỡ và ba cái đầu trần của đàn ông. Hai người còn lại là người đàn ông đang ngồi mạn trái và người phụ nữ ngồi ở giữa. Anh nhận ra cái mái tóc xù như quả cầu của Astrid Monsen.
Những phím đàn organ kẽo kẹt, rồi âm nhạc cử hành. Một bản thánh ca. Ân điển của Chúa. Harry nhắm mắt lại và cảm thấy mệt rã rời. Tiếng đàn organ trầm bổng, những nốt cao nghe như tiếng nước chảy từ trần nhà xuống. Những giọng yếu ớt hát lời cầu xin sự tha thứ và khoan dung. Anh khao khát được ngâm mình trong thứ gì đó có thể làm anh ấm lên và che giấu cho anh. Chúa sẽ phán xử người sống và người chết. Sự trả thù của Chúa. Chúa như Kẻ báo thù. Những nốt trầm của tiếng đàn khiến những cái ghế dài bằng gỗ không có người ngồi khẽ rung lên. Tay cầm kiếm, tay cầm cân, trừng phạt và công lý. Hoặc là không trừng phạt và không có công lý. Harry mở mắt ra.
Bốn người đàn ông khiêng quan tài đi. Harry nhận ra Sĩ quan Ola Li đi sau hai người đàn ông da ngăm ngăm mặc bộ vest Armani, sơ mi trắng mở cúc cổ. Người thứ tư cao đến mức khiến cho cỗ quan tài nghiêng đi. Bộ vest lùng thùng trên thân hình gầy gò, nhưng ông ta là người duy nhất trong số bốn người khiêng có vẻ không oằn xuống vì quan tài. Harry đặc biệt bị thu hút bởi khuôn mặt của người đàn ông đó. Khuôn mặt hẹp, đẹp dáng, cặp mắt nâu to và buồn bã nằm trong hai hốc mắt sâu. Mái tóc đen được buộc lại thành một bím dài, để lộ vầng trán cao và bóng. Viền quanh cái miệng hình tim nhạy cảm là một bộ râu dài, được chăm sóc cẩn thận. Trông như thể Chúa Jesus vừa bước xuống từ bàn thờ sau lưng linh mục. Còn một điều khác nữa: có rất ít khuôn mặt mà người ta có thể nhận xét thế này, nhưng khuôn mặt ấy đang tỏa sáng. Khi bốn người đàn ông bước qua lối đi giữa lễ đường tới gần Harry, anh cố gắng nhìn xem cái gì đã làm nên thứ hào quang đó. Đau khổ chăng? Không phải là mãn nguyện. Thiện tâm? Hay ác tâm chăng?
Ánh mắt hai người giao nhau trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi đoàn người đi qua. Theo sau là Astrid Monsen mắt nhìn xuống, mặt người đàn ông trung niên trông có vẻ như làm nghề kế toán và ba người phụ nữ, hai già một trẻ, mặc những chiếc váy sặc sỡ. Họ nức nở khóc than, đảo mắt và vặn tay giữa sự im lặng của những người đi cùng.
Harry đứng lên trong lúc đám rước lèo tèo đi ra khỏi nhà thờ.
“Đám người Di gan này hay thật, phải không Hole?”
Câu nói vang vọng khắp nhà thờ. Harry quay lại. Là Ivarsson, mặc vest đen và đeo cà vạt, đang mỉm cười. “Hồi nhỏ, nhà tôi có một người làm vườn là dân Di gan. Ursari, anh biết không, họ chu du cùng với những con gấu biết nhảy múa. Anh ta tên là Josef. Suốt ngày nhạt nhẽo và đùa cợt. Nhưng lúc chết thì, anh thấy đấy… Những người này còn căng thẳng trước cái chết hơn cả chúng ta. Họ sợ chết khiếp mule - linh hồn của người chết. Họ tin rằng chúng sẽ quay về. Josef thường tìm tới chỗ một người phụ nữ có thể đuổi được chúng đi. Hình như chỉ có phụ nữ mới có thể làm được việc đó. Đi thôi nào.”
Ivarsson khẽ chạm vào cánh tay Harry. Harry phải nghiến chặt răng để cưỡng lại thôi thúc hẩy bàn tay đó ra. Họ đi xuống bậc thềm nhà thờ. Tiếng ồn ngoài phố Kirkeveien át cả tiếng chuông. Một chiếc Cadillac màu đen cửa sau đã mở sẵn đợi đám tang ở phố Schønings.
“Họ đưa quan tài tới đài hóa thân Vestre,” Ivarsson nói. “Hỏa táng, đó là phong tục của đạo Hindu mà họ mang theo từ Ấn Độ. Ở Anh, họ thiêu cả cái nhà lưu động của người chết, nhưng họ không được phép nhốt góa phụ ở bên trong nữa.” Ông ta bật cười. “Họ được phép lấy các vật dụng cá nhân. Josef kể cho tôi nghe về gia đình Di gan của một tay chuyên gia thuốc nổ ở Hungary. Họ để thuốc nổ vào trong quan tài và làm nổ tung cả đài hóa thân.”
Harry lôi một bao thuốc lá Camel ra.
“Tôi biết tại sao anh lại tới đây, Hole ạ,” Ivarsson nói mà không hề giảm bớt độ tươi của nụ cười. “Anh muốn xem có tóm được cơ hội nào để nói chuyện với gã đó không chứ gì?” Ivarsson hất đầu ra hiệu về phía đám rước và người đàn ông cao, gầy sải bước chậm rãi trong khi ba người còn lại phải cố gắng bắt kịp.
“Hắn có phải là cái kẻ tên Raskol không?” Harry hỏi, nhét một điếu thuốc vào giữa hai môi.
Ivarsson gật đầu. “Hắn là chú của cô ta.”
“Thế còn những người kia?”
“Chắc là bạn bè.”
“Còn gia đình?”
“Họ không công nhận người chết này.”
“Vậy ư?”
“Đó là theo lời của Raskol. Dân Di gan nói dối như cuội, nhưng những gì hắn nói thì khớp với những câu chuyện về cách nghĩ của dân Di gan mà Josef từng kể.”
“Đó là gì?”
“Danh dự gia đình là tất cả. Vì thế cô ta mới bị đuổi đi. Theo lời Raskol thì cô ta từng được gả cho một gã Di gan nói tiếng Hy Lạp sống ở Tây Ban Nha khi mới mười bốn tuổi, nhưng trước lúc động phòng, cô ta đã trốn đi cùng một tay gadjo.”
“Gadjo ư?
“Một kẻ không phải người Di gan. Một thủy thủ người Đan Mạch. Điều tồi tệ nhất mà một người Di gan có thể làm. Làm ô nhục cả gia đình.”
“Ừm.” Điếu thuốc chưa châm lửa cứ nhấp nhỉnh trong miệng Harry trong lúc anh nói. “Theo tôi hiểu thì ông đã biết khá rõ về tay Raskol này?”
Ivarsson xua đi làn khói tưởng tượng. “Tôi và hắn cũng thỉnh thoảng trò chuyện. Gọi là những cuộc tranh cãi ngắn thì đúng hơn. Những cuộc trò chuyện đáng kể sẽ diễn ra sau khi chúng ta thực hiện đúng thỏa thuận của mình, nói cách khác là sau khi hắn đã được tham dự đám tang này.”
“Vậy tức là cho tới nay hắn vẫn chưa nói gì?”
“Chưa có bất cứ thông tin gì quan trọng đối với cuộc điều tra cả. Nhưng nghe giọng điệu thì có vẻ khả quan.”
“Khả quan đến mức tôi thấy là cảnh sát đang giúp khênh người thân của hắn đi mai táng hả?”
“Linh mục đã hỏi là Li hoặc tôi có thể tham gia khiêng quan tài cho đủ người không. Có sao đâu, đằng nào thì chúng tôi cũng phải ở đây để canh chừng hắn mà. Và chúng tôi sẽ tiếp tục canh chừng hắn ấy mà.”
Harry nheo mắt trước ánh nắng thu chói chang.
Ivarsson quay về phía anh. “Để tôi nói rõ chuyện này nhé, Hole. Không ai được phép nói chuyện với Raskol tới khi nào chúng tôi đã xong việc với hắn. Không một ai. Tôi đã phải mất ba năm để thương lượng với cái gã biết hết mọi chuyện này. Và giờ thì tôi đã thành công. Không ai được phép làm hỏng chuyện. Anh hiểu ý tôi chứ?”
“Nói cho tôi biết, Ivarsson, vì lúc này chúng ta đang trò chuyện tay đôi với nhau,” Harry nói, búng một mẩu sợi thuốc lá dính trên miệng. “Vụ này đã trở thành một cuộc cạnh tranh giữa ông và tôi rồi sao?”
Ivarsson ngẩng mặt về phía mặt trời và cười khùng khục. “Cậu có biết tôi sẽ làm gì nếu tôi là cậu không?” ông ta nói, mắt nhắm lại.
“Làm gì?” Harry hỏi lại khi sự im lặng đã trở nên không thể chịu đựng nổi.
“Tôi sẽ gửi bộ vest của mình tới cửa hiệu giặt khô. Trông cậu như vừa chui lên từ bãi rác vậy.” Ông ta đưa hai ngón tay lên trán. “Chúc một ngày tốt lành.”
Harry đứng một mình trên bậc thềm hút thuốc trong lúc nhìn theo cỗ quan tài màu trắng đi nhấp nhô trên vỉa hè.
○○○
Halvorsen quay ngoắt trên ghế khi Harry bước vào.
“May quá, anh về đây rồi. Tôi có tin tốt cho anh đây. Tôi… chết tiệt, hôi quá!”
Halvorsen bịt mũi lại và nói bằng cái giọng dự báo thời tiết cho tàu thuyền: “Quần áo của anh bị làm sao thế?”
“Trượt chân ngã vào thùng rác. Tin gì thế?”
“À… phải rồi, tôi nghĩ là tấm ảnh đó có lẽ là chụp trong một khu nghỉ mát ở Sørland, vì vậy tôi đã email nó cho tất cả các đồn cảnh sát ở Aust Agder. Và, trúng phóc, một cảnh sát ở Risør đã gọi lại để báo rằng anh ta biết rất rõ về bãi biển đó. Nhưng anh có biết sao không?”
“Ờ, thật ra là không.”
“Không phải nó ở Sørland mà là ở Larkollen!”
Halvorsen nhìn Harry, toét miệng cười khấp khởi rồi nói thêm, khi thấy Harry không phản ứng đúng ý anh ta. “Ở Østfold. Ngoại ô Moss.”
“Tôi biết Larkollen ở đâu mà, Halvorsen.”
“Ừ, nhưng tay cảnh sát đó ở…”
“Những người ở Sørland cũng đi nghỉ mát mà. Cậu đã gọi tới Larkollen chưa?”
Halvorsen đảo mắt tỏ vẻ chán chường. “Có, đương nhiên rồi. Tôi đã gọi tới khu cắm trại và hai chỗ mà người ta cho thuê nhà gỗ. Và chỉ có hai cửa hàng tạp hóa thôi.”
“Có gặp may chút nào không?”
“Có,” Halvorsen lại toét miệng cười. “Tôi đã fax tấm ảnh tới và một trong hai chủ cửa hàng tạp hóa biết cô ấy. Họ đã từng có một trong số những căn nhà gỗ đẹp nhất vùng. Thỉnh thoảng anh ta vẫn chở hàng lên đó.”
“Và người phụ nữ tên gì?”
“Vigdis Albu?”
“Albu? Hay Elbow?”
“Đúng. Chỉ có hai người tên như thế ở Na Uy. Một sinh năm 1909. Người kia thì bốn mươi ba tuổi và ở số 12 phố Bjørnetrakket, khu Slemdal, cùng với Arne Albu. Và úm ba la, đây là số điện thoại bàn của chị ta, thưa sếp.”
“Đừng có gọi tôi là sếp,” Harry nói, chộp lấy cái điện thoại để bàn.
Halvorsen rên lên. “Sao thế? Anh đang khó ở à?”
“Ừ, nhưng không phải vì thế. Møller mới là sếp. Không phải tôi, rõ chưa?”
Halvorsen định nói gì đó thì Harry giơ một bàn tay lên đầy vẻ hách dịch: “Bà Albu phải không?”
○○○
Ai đó đã cần rất nhiều thời gian, tiền bạc và diện tích để xây ngôi nhà của gia đình Albu. Và cả nhiều khiếu thẩm mỹ nữa. Hoặc là như Harry thấy: rất nhiều khiếu thẩm mỹ rõ tệ. Trông như thể gã kiến trúc sư - nếu quả là có - đã cố gắng kết hợp kiểu nhà gỗ truyền thống của người Na Uy với phong cách nhà đồn điền ở miền Nam Mỹ và điểm thêm chút hạnh phúc ngoại ô màu hồng. Chân của Harry lún xuống khi bước vào lối lái xe rải sỏi chạy qua một khu vườn có những bụi cây cảnh được xén tỉa và một bức tượng hươu nhỏ bằng đồng đang uống nước từ cái đài phun. Trên nóc ga ra ô tô có một tấm biển bằng đồng hình bầu dục khắc phù hiệu lá cờ xanh bên trong là một tam giác vàng chồng lên một tam giác đen.
Tiếng chó sủa dữ dội vọng ra từ sau nhà. Harry bước lên những bậc thềm rộng giữa những cây cột, bấm chuông, và suýt nữa đã nghĩ rằng sẽ có một bà vú da đen đeo tạp dề trắng nào đó ra mở cửa.
“Xin chào!” bà ta líu lo gần như cùng lúc cánh cửa bật mở. Vigdis Albu là hình ảnh ngoài đời của một người phụ nữ trong những thước phim quảng cáo về tập thể hình mà thỉnh thoảng Harry vẫn thấy trên ti vi. Cô ta cũng có nụ cười trắng lóa, mái tóc được tẩy trắng kiểu Barbie và một thân hình thượng lưu rắn chắc bó gọn trong chiếc quần chạy ôm sát và chiếc áo kiệm vải. Cô ta đã nâng ngực nữa, nhưng ít ra cô ta cũng còn khôn ngoan để không độn căng quá mức.
“Tôi là Harry…”
“Mời vào!” Cô ta mỉm cười mà chỉ lộ ra một chút nếp nhăn xung quanh cặp mắt to, xanh biếc, được kẻ vẽ tinh tế.
Harry bước vào tiền sảnh rộng rãi để đầy những bức tượng chú lùn khắc gỗ xấu xí, mập ú cao tới ngang hông anh.
“Tôi đang giặt giũ chút,” Vigdis Albu giải thích. Cô ta nở một nụ cười trắng lóa và thận trọng đưa ngón tay trỏ lên gạt mồ hôi để không làm lem mascara.
“Thế thì tốt hơn hết là tôi nên tháo giày ra,” Harry nói và đúng lúc đó nhớ ra tất của mình có lỗ thủng ngay ở đầu ngón cái bên phải.
“Lạy Chúa, đừng làm thế, tôi không phải lau nhà đâu. Chúng tôi thuê người làm việc đó,” cô bật cười. “Nhưng tôi thích tự tay giặt quần áo của mình. Phải có giới hạn cho việc để người lạ vào đến đâu trong nhà mình, anh có nghĩ thế không?”
“Quá đúng,” Harry lúng búng. Anh phải bước nhanh mới theo kịp cô ta lên bậc cấp. Họ đi qua một gian bếp đẹp long lanh và vào phòng khách. Một sân hiên rộng rãi nằm phía ngoài hai ô cửa kính trượt. Trên bức tường chính có một cấu trúc lớn ốp gạch mộc, một kiểu pha trộn giữa kiến trúc của Tòa Thị chính Oslo và một đài tưởng niệm.
“Cái đó là do Per Hummel thiết kế nhân dịp sinh nhật lần thứ bốn mươi của Arne,” Vigdis nói. “Per là một người bạn của chúng tôi.”
“Vâng, đúng là Per đã thiết kế một cái… cái lò sưởi ở đằng kia.”
“Tôi chắc là anh biết kiến trúc sư Per Hummel, phải không? Anh biết đấy, nhà nguyện mới ở Holmenkollen.”
“Tôi e là không,” Harry đáp và đưa tấm ảnh cho cô ta. “Phiền bà xem cái này một chút được không?”
Anh quan sát vẻ kinh ngạc lan ra trên mặt cô ta.
“Đây là tấm ảnh mà Arne chụp ở Larkollen năm ngoái mà. Làm sao anh có nó?”
Harry chờ xem liệu cô ta có giữ được vẻ mặt bối rối thành thật đó cho đến lúc anh trả lời không. Cô ta đã giữ được.
“Chúng tôi tìm thấy nó trong giày của một người phụ nữ tên là Anna Bethsen,” anh nói. Harry nhận thấy phản ứng dây chuyền trong những ý nghĩ, suy luận và cảm xúc lướt qua khuôn mặt của Vigdis Albu, giống như một bộ phim truyền hình tua nhanh vậy. Đầu tiên là ngạc nhiên, tiếp đến là thắc mắc và sau đó là khó hiểu. Rồi tới một trực giác, thoạt đầu bị phủ định bởi tiếng cười hoài nghi, nhưng rồi nó vẫn còn lại và dần dần trở thành một sự vỡ lẽ. Và cuối cùng là vẻ mặt khép kín với dòng phụ đề: Phải có giới hạn cho việc để người lạ vào đến đâu trong nhà mình, anh có nghĩ thế không?
Harry nghịch bao thuốc lá mà anh vừa lôi ra. Một cái gạt tàn thủy tinh lớn được đặt trang trọng ngay giữa bàn uống nước. “Bà có biết Anna Bethsen không, bà Albu?”
“Đương nhiên là không. Tôi phải biết sao?”
“Tôi không biết nữa,” Harry nói thành thật. “Cô ấy chết rồi. Tôi phải thắc mắc là một tấm ảnh riêng tư như thế sao lại ở trong giày của cô ấy. Bà có biết gì không?”
Vigdis Albu cố gắng nở một nụ cười nhẫn nại, nhưng miệng cô ta không chịu nghe theo. Cô ta đành bằng lòng với một cái lắc đầu mạnh mẽ.
Harry chờ đợi, vẫn không nhúc nhích, vẻ thoải mái. Cũng như đôi giày của anh lún xuống lớp đá cuội, anh cảm thấy cơ thể mình đang lún xuống cái ghế xô pha màu trắng. Kinh nghiệm mách bảo anh rằng sự im lặng là phương pháp hiệu quả nhất khiến người ta phải nói. Khi hai người xa lạ ngồi đối diện nhau, sự im lặng có vai trò như một cái máy hút chân không, lôi tuột lời lẽ ra khỏi miệng. Họ ngồi như thế trong mười giây tưởng như vô tận.
Vigdis Albu nuốt khan: “Có lẽ người lau dọn đã nhìn thấy nó nằm ở đâu đó và nhặt lấy mang đi. Và đưa nó cho cái cô… có phải tên cô ta là Anna không nhỉ?”
“Ừm. Tôi hút thuốc bà không phiền chứ, bà Albu?”
“Trong nhà tôi không được hút thuốc. Cả chồng tôi và tôi đều không…” Cô ta đưa một bàn tay lên bím tóc rất nhanh. “Alexander, đứa nhỏ nhất của chúng tôi, mắc bệnh hen.”
“Tôi rất tiếc khi nghe bà nói vậy. Ông nhà sử dụng thời gian của mình thế nào?”
Cô ta há hốc miệng nhìn anh khiến đôi mắt xanh đã to càng thêm trố.
“Ý tôi là công việc của ông ấy?” Harry lại nhét bao thuốc vào túi áo.
“Anh ấy là nhà đầu tư. Anh ấy đã bán công ty khoảng ba năm trước.”
“Công ty nào?”
“Albu AS. Nhập khẩu khăn tắm và thảm nhà tắm cho khách sạn và các cơ quan.”
“Hẳn là phải nhiều khăn tắm lắm. Lại cả thảm nhà tắm nữa.”
“Chúng tôi làm đại lý cho toàn bộ khu vực Scandinavia này.”
“Chúc mừng bà. Lá cờ trên nóc ga ra có phải là cờ của tòa lãnh sự không?”
Vigdis Albu đã lấy lại bình tĩnh và cởi cái bờm tóc ra. Harry chợt nhận thấy là cô ta đã làm phẫu thuật thẩm mỹ cho khuôn mặt của mình. Có gì đó không ăn khớp ở các tỷ lệ trên khuôn mặt. Tức là, chúng quá cân xứng; khuôn mặt của cô ta cân xứng như nhân tạo vậy.
“St Lucia. Chồng tôi làm lãnh sự Na Uy ở đó mười một năm. Chúng tôi có một nhà máy may thảm nhà tắm. Chúng tôi cũng có một căn nhà nhỏ ở đó. Anh đã tới…?”
“Chưa.”
“Một hòn đảo mê hồn, tuyệt vời, ngọt ngào. Một số cư dân lâu đời vẫn còn nói tiếng Pháp. Tôi phải nói là thứ tiếng Pháp không thể nào hiểu nổi, nhưng họ đáng yêu đến mức khó tin.”
“Người Pháp ở Mỹ.”
“Gì cơ?”
“Tôi đã từng đọc về họ. Bà có nghĩ là chồng bà có thể biết làm sao tấm ảnh này lại xuất hiện trong tư trang của người đã chết không?”
“Tôi không thể hình dung nổi là làm sao. Tại sao anh ấy lại phải biết?”
“Ừm.” Harry mỉm cười. “Có lẽ giải thích tại sao người ta có một tấm ảnh người lạ trong giày của mình cũng khó như vậy.” Anh đứng dậy. “Tôi có thể tìm ông ấy ở đâu, thưa bà Albu?”
Khi Harry ghi số điện thoại bàn và địa chỉ văn phòng của Arne Albu, anh vô tình nhìn xuống cái ghế xô pha vừa ngồi.
“E hèm…” Anh nói khi thấy Vigdis Albu nhìn theo ánh mắt của anh. “Tôi bị trượt chân ngã vào một cái thùng đựng đồ phế thải. Đương nhiên là tôi sẽ…”
“Không sao,” cô ta ngắt lời anh. “Đằng nào thì sang tuần sau tôi cũng sẽ cho lớp bọc này đi giặt khô mà.”
Trên bậc thềm ngoài nhà, Vigdi hỏi liệu anh có thể đổi ý mà đợi đến năm giờ rồi hãy gọi cho chồng cô ta không.
“Tới lúc đó là anh ấy sẽ về nhà và không còn bận bịu lắm.”
Harry không trả lời và chăm chú nhìn khóe miệng cô ta cứ nhếch lên lại hạ xuống.
“Lúc đó chúng tôi có thể… xem xem liệu chúng tôi có thể giải quyết việc này cho anh không.”
“Cảm ơn bà, bà thật tử tế, nhưng tôi đi xe tới đây và đang để ngoài đường, vì vậy tôi sẽ lái xe tới chỗ làm của ông ấy để xem có tìm thấy ông ấy ở đó không.”
“Vậy cũng được,” cô ta nói, mỉm cười vẻ bất chấp.
Tiếng chó sủa theo Harry đằng đẵng trong lúc anh lái xe đi xuôi xuống đường. Tới cổng, anh quay lại. Vigdis Albu vẫn đứng trên bậc thềm trước ngôi nhà kiểu đồn điền màu hồng. Cô ta cúi đầu xuống và ánh nắng chiếu lên mái tóc cùng bộ đồ thể thao bóng lộn. Từ xa, trông cô ta giống như một con hươu bằng đồng thau nhỏ xíu.
○○○
Harry không tìm nổi một chỗ đỗ xe hợp pháp hay Arne Albu tại địa chỉ ở tòa nhà Vika Atrium. Chỉ có một nhân viên lễ tân cho anh biết rằng Albu đã thuê một văn phòng cùng với ba nhà đầu tư khác, và rằng anh ta đang ăn trưa với một “công ty môi giới”.
Khi ra khỏi tòa nhà đó, Harry tìm thấy một phiếu phạt đỗ xe sai chỗ gài dưới cần gạt nước. Anh bèn mang theo cả nó lẫn nỗi bực dọc tới SS Louise, hóa ra không phải một tàu thủy chạy bằng hơi nước mà là một nhà hàng ở Aker Brygge. Không giống như quán Schrøder, ở đây người ta phục vụ đồ ăn xịn cho những vị khách có tiền làm ở các văn phòng trên con phố mà có thể gọi một cách hào phóng là phố Wall của Olo. Harry chưa từng cảm thấy hoàn toàn thoải mái ở Aker Brygge, nhưng có lẽ đó là vì anh sinh ra và lớn lên ở Oslo chứ không phải khách du lịch. Anh trao đổi vài câu với một bồi bàn, anh ta chỉ về phía một cái bàn gần cửa sổ.
“Thưa các quý ông, xin lỗi đã làm phiền,” Harry nói.
“À, đây rồi,” một trong ba người ngồi tại bàn kêu lên, hất nhẹ tóc mái ra sau. “Phục vụ, anh có nghĩ là chai vang này đang ở nhiệt độ phòng không?”
“Tôi sẽ nghĩ nó là rượu vang đỏ Na Uy được chắt vào cái chai nhãn hiệu Clos des Papes,” Harry đáp.
Sửng sốt, gã Tóc mái nhìn Harry đang mặc bộ vest đen từ đầu tới chân.
“Tôi đùa đấy.” Harry mỉm cười. “Tôi là cảnh sát.”
Vẻ ngạc nhiên lúc này chuyển sang hoảng hốt.
“Không phải là cảnh sát môi trường đâu.”
Vẻ nhẹ nhõm chuyển tiếp thành dò hỏi. Harry nghe thấy tiếng cười như con nít và hít một hơi. Anh đã nghĩ trước cách tiến hành việc này, nhưng lại chẳng hề biết nó sẽ diễn biến ra sao. “Ông Arne Albu?”
“Tôi đây,” người đang cười lên tiếng. Anh ta người mảnh khảnh, tóc đen, ngắn và xoăn với nhiều nếp nhăn quanh mắt do cười, cho Harry biết anh ta đã cười rất nhiều và già hơn so với cái tuổi ba mươi lăm mà anh đoán lúc đầu. “Xin lỗi vì đã hiểu lầm,” anh ta nói tiếp, giọng vẫn rớt lại tiếng cười. “Tôi giúp được gì cho anh, thưa ngài cảnh sát?”
Harry quan sát anh ta, cố hình dung nhanh về con người này trước khi tiếp tục. Giọng nói thuộc loại vang. Cái nhìn không nao núng. Cổ áo trắng tinh sau cái cà vạt thắt vừa vặn. Việc anh ta không dừng lại sau khi nói “Tôi đây,” mà còn nói thêm lời xin lỗi và câu “Tôi giúp được gì cho anh, thưa ngài cảnh sát?”, với một chút nhấn nhá hơi mỉa mai ở cái từ “ngài cảnh sát” cho thấy Arne Albu hoặc là rất tự tin hoặc là đã tập đến nhuần nhuyễn cách gây ấn tượng như vậy.
Harry tập trung. Không phải vào điều anh định nói, mà vào cách phản ứng của Albu.
“Có đấy, ông Albu. Ông biết Anna Bethsen chứ?”
Albu nhìn Harry với cặp mắt xanh y hệt cô vợ và, sau một lát ngẫm nghĩ, trả lời to, rõ ràng. “Không.”
Mặt Albu cũng kín bưng như cái câu mà anh ta vừa thốt ra. Không phải Harry nghĩ rằng anh ta sẽ để lộ ra mặt. Từ lâu anh đã không còn tin vào chuyện hoang đường rằng những người có nghề nghiệp khiến họ phải đối mặt với những lời dối trá hằng ngày sẽ học được cách phát hiện ra chúng. Một cảnh sát từng tuyên bố trong một vụ án rằng kinh nghiệm lâu năm cho anh ta biết khi nào thì bị cáo đang nói dối. Stale Aune, một lần nữa lại là công cụ cho bên bị, đã trả lời rằng nhiều nghiên cứu chứng tỏ không có nhóm chuyên nghiệp nào giỏi phát hiện nói dối hơn nhóm người làm nghề khác; một lao công cũng giỏi hoặc tệ như nhà tâm lý hoặc cảnh sát mà thôi. Nhóm người duy nhất đạt điểm trên trung bình trong nghiên cứu so sánh đó là nhóm mật vụ. Mà Harry thì không phải là mật vụ. Anh chỉ là một anh chàng ở khu Oppsal đang bị áp lực về thời gian, tâm trạng tồi tệ và ngay lúc này đây đang đưa ra những phán xét ngớ ngẩn. Đối đầu với một người đàn ông trong hoàn cảnh có thể sẽ khiến anh ta bẽ mặt trước sự hiện diện của những người khác mà không hề có căn cứ nào để nghi ngờ, thì khó mà thu được kết quả và không thể gọi là chơi đẹp được. Bởi vậy, Harry biết anh không nên làm cái việc mà anh đang làm.
“Ông có biết ai đã có thể đưa cho cô ấy tấm ảnh này không?”
Cả ba người đàn ông cùng xem tấm ảnh mà Harry đặt lên bàn.
“Chẳng có manh mối nào cả,” Albu nói. “Vợ tôi? Hay có lẽ là lũ trẻ chăng?”
“Ừm.” Harry nhìn xem đồng tử mắt anh ta có gì thay đổi không và để ý những dấu hiệu cho thấy mạch đập đang tăng lên như là đổ mồ hôi hay đỏ mặt.
“Tôi chẳng biết chuyện này là vì cái gì, ngài cảnh sát ạ, nhưng vì anh đã cất công tới tìm tôi, tôi đồ rằng nó không phải là một chuyện vặt vãnh. Có lẽ chúng ta có thể thảo luận riêng sau khi cuộc gặp của tôi với các quý ngài đến từ Handelsbanken đây kết thúc. Nếu anh muốn đợi, tôi có thể nhờ phục vụ sắp xếp cho anh một bàn ở khu dành cho người hút thuốc.”
Harry không rõ Albu cười giễu hay cười gượng. Thậm chí có phải đang cười không.
“Tôi không có thời gian,” Harry đáp. “Vì vậy nếu chúng ta có thể ngồi xuống…”
“Tôi e là tôi cũng không có thời gian,” Albu ngắt lời bằng một giọng bình tĩnh nhưng dứt khoát. “Đây là giờ làm việc của tôi, vì vậy chúng ta sẽ phải nói chuyện vào chiều nay. Nếu anh vẫn cho rằng tôi có thể giúp được gì thì sẽ là như vậy.”
Harry nuốt khan. Anh bất lực và nhận thấy là Albu biết điều đó.
“Vậy thì nói chuyện sau,” Harry nói và nghe thấy rõ câu nói của mình nghe thật thảm hại.
“Cảm ơn, ngài cảnh sát.” Albu nghiêng đầu, mỉm cười. “Và có lẽ anh đã nói đúng về loại rượu đó.” Anh ta quay sang mấy người Handelsbanken. “Stein, anh đang nói gì về Opticom nhỉ?”
Harry cầm tấm ảnh lên và phải chịu đựng nụ cười hầu như không thèm che đậy của gã môi giới để tóc mái trước khi rời khỏi đó.
Ra tới ngoài rìa bến cảng, Harry châm một điếu thuốc, nhưng nó chẳng có vị gì cả và anh làu bàu ném đi. Mặt trời lóe lên trên một ô cửa sổ ở pháo đài Akershus và biển tĩnh lặng đến mức dường như có một lớp băng mỏng trong suốt phía trên. Tại sao anh lại làm việc này? Tại sao lại phải liều chết hạ nhục một người đàn ông mà anh không hề quen biết? Để rồi bị người ta lót tay mà dắt ra khỏi đó.
Anh quay về phía mặt trời, nhắm mắt lại và tự hỏi liệu hôm nay anh có nên làm gì đó khôn ngoan cho khác đi không. Như là bỏ qua toàn bộ vụ này chẳng hạn. Dường như chẳng điều gì có ý nghĩa cả; tất cả chỉ là một trạng thái hỗn mang rối loạn thường thấy. Tiếng chuông ở Tòa Thị chính bắt đầu rung lên.
Harry không biết rằng lời tiên đoán của Møller quả nhiên sẽ đúng. Đó là ngày ấm áp cuối cùng trong năm.