The act of love . . . is a confession. Selfishness screams aloud, vanity shows off, or else true generosity reveals itself.

Albert Camus

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1282 / 9
Cập nhật: 2017-05-20 08:35:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hiếu Học
ối với cuộc sống con người, nhu cầu cần thiết căn bản nhất là thực phẩm nuôi dưỡng cơ thể, quần áo để che thân thể và nơi chốn trú ngụ. Dù cho những người thời tiền cổ, xa xưa có đời sống mộc mạc cách mấy cũng không ai có thể nhịn ăn hoặc không có chốn dung thân hay vài mảnh da thú che đậy cơ thể cho ấm áp vào những thời kỳ rét mướt. Theo với dòng thời gian, cuộc sống con người càng ngày càng phát triển thì nhu cầu của cuộc sống lại cũng đồng thời tăng dần với sự hiểu biết. Sự thăng tiến về tâm não là một đặc tính duy nhất của con người mà không loài động vật nào có thể có được dẫu rằng động vật nào cũng có bộ óc. Các loại động vật khác nếu có phát triển về bộ óc chăng thì cũng chỉ tạo thành được một thói quen kinh nghiệm cho hợp với hoàn cảnh đòi hỏi để bảo vệ sự sinh tồn và truyền giống theo định luật đào thải tự nhiên. Đối với con người thì lại khác hẳn, họ dùng bộ óc, suy nghĩ để thực hiện những tiện nghi cho cuộc sống.
Khi những sự thiết yếu căn bản của đời sống đã tạm đầy đủ, nhu cầu kiến thức nơi con người trở nên cần thiết. Ở tầm mức này, tâm trí con người khao khát kiến thức không thua gì cơ thể khi đói cần thực phẩm; chả thế mà các cụ học Nho cũng đã phải than rằng: "một ngày không đọc sách, soi gương thấy tự xấu hổ" ư! Hơn nữa, kinh nghiệm bản thân ai cũng nhận thấy "Có đi mới đến, có học mới hay." Đồng thời chính sự khao khát hiểu biết đã giúp con người mỗi ngày một khôn ngoan hơn, tiến bộ hơn không những chỉ về kiến thức mà còn cải tổ lối sống, cách cư xử sao cho hợp lý và hợp tình hơn.
Sự khao khát hiểu biết được gọi là hiếu học. Dĩ nhiên, đối với người đã hiếu học không phải cứ tới trường mới học được mà trường đời lại là chốn thực sự cho người muốn học trau dồi kiến thức cùng thực hành những điều mình đã hấp thụ. Hơn nữa, sự học hỏi không bao giờ có giới hạn cũng như không có tuổi tác nào có thể được gọi là hạn định cho sự hiếu học của một người. "Ông bảy mươi" mà còn nên "học ông bảy mốt" mặc dầu "Thất thập cổ lai hy" thì sự khát khao kiến thức nơi con người phải là một điều trọng yếu không thể không có.
Tiền nhân tự ngàn xưa đã nhận thấy nhu cầu thiết thực của kiến thức nên đã khuyến khích con em hiếu học bởi có học mới biết, mới không thua kém người khác nhất là những người đồng lứa. Đối với các ngài, "Thua thày một vạn không bằng thua bạn một ly." Thêm vào đó, dân Việt chuyên về nông nghiệp, đa số nghèo khổ lại cần người lo về cày cấy nên ít người được cơ hội ăn học; vì thế sự học hành để sau này ra giúp nhân quần xã hội được coi rất trọng. Ông cha ta lại có quan niệm về danh khá cao nên chẳng những người có cơ hội ăn học ra làm việc giúp nhân quần được danh thơm cho chính mình mà họ hàng gia tộc cũng có tiếng thơm lây: "Một người làm quan, cả họ được nhờ." Vì nghèo nên những nhu yếu của cuộc sống cũng bị giới hạn; tuy thế, danh dự còn được coi trọng hơn chính sự giàu có vật chất: "Tốt danh hơn lành áo." Lẽ đương nhiên, danh dự của một người có được nhờ sự hiểu biết, nhờ sự học hỏi từ đó làm căn bản hiểu biết sống sao cho tốt lành hơn; thế nên từ kinh nghiệm cuộc sống, người xưa đưa lời khuyên nhủ: "Hay học thì sang, hay làm thì có." Và còn hơn thế nữa: "Làm đầy tớ người khôn hơn làm thầy đứa dại; " bởi có học mới nên khôn.
Sự học hỏi không chỉ giới hạn nơi môi trường học đường; học đường là môi trường khai quang trí tuệ con người, tập cho con người lề lối suy nghĩ hợp lý, hợp tình, chuẩn bị cho con người vốn liếng, hành trang đối diện với thực tế phức tạp trong tương lai. Vì thế người có cơ hội cắp sách đến trường để được học hỏi tới một mức độ nào đó thường được gọi là người có học. Quan niệm "có học" thay đổi tùy theo thời gian, không gian, và kiến thức phổ thông của quần chúng. Người có học được coi là khôn ngoan nhờ biết nhiều kiến thức "Gió năm non thổi lòn hang dế, tiếng anh học trò mưu kế để đâu." Sự học hành ảnh hưởng không những đa số quần chúng mà còn ảnh hưởng tới cả vấn đề hôn nhân "Quyết lòng chờ đợi trò thi, dầu ba mươi tuổi lỡ thì cũng ưng." Thế nên đôi khi học trò trở thành đối tượng cho người khác phái kén chọn trong vấn đề hôn nhân. Do đó câu "Ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm" mang ẩn ý riêng: dèm pha người khác để mình tiến tới. Chả thế mà: "Hẩm duyên lấy phải chồng đần, có trăm mẫu ruộng bán dần mà ăn." Chồng đần có thể mang ý nghĩa người không hiếu học bởi "Dốt đến đâu học lâu cũng biết."
Sự khuyến học được cổ võ vì thời nào cũng vậy, "Cha muốn cho con hay, thày muốn cho trò khá." Sự khuyến học thường được diễn tả qua những tâm tình nối kết với đối tượng thực tiễn nhất: "Học thày chẳng tày học bạn," hoặc "Nhà nghèo hay chữ thì hơn, giàu mà hay chữ như son thếp vàng," hay "Khuyên chàng đọc sánh ngâm thơ, dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu." Người Việt rất trọng luân lý, cương thường; ông cha ta cũng đã dùng ngay tâm lý này để khuyến học: "Dốc một lòng lấy chồng hay chữ, để ra vào kinh sử mà nghe." Đồng thời cũng không từ sự nhạo báng những người có cái nhìn thiển cận về sự học: "Dốc một lòng lấy chồng dốt nát, để ra vào rửa bát nấu cơm." Đối với người Việt, quan niệm người chồng là cột trụ gia đình, có bổn phận lo lắng, đùm bọc, che chở vợ con, là người cho vợ con nương tựa cùng kiếm kế sinh nhai nuôi sống gia đình mà bị đặt vào phận sự "rửa bát nấu cơm," có nghĩa ăn bám vợ hoặc "thờ bà" thì không còn sự nhục nhã nào bằng; đến ngay như "Con rể ở nhà bố vợ như chó rúc gầm chạn," thì đàn ông quanh quẩn xó bếp còn bị khinh khi gấp mấy lần. Vì vậy, càng là phái nam, càng phải lo học; và không những sự học cần sự cố gắng của một người mà lại cũng cần sự giúp đỡ khuyến khích của người khác: "Hai tay bưng quả bánh bò, giấu cha giấu mẹ cho trò đi thi." Đối với người đi học, "Có công mài sắt có ngày nên kim" vì có học mới biết, mới hay bởi "Chuông có gõ mới kêu, đèn có khêu mới rạng;" chẳng những thế, cha mẹ lại cần tích cực khuyến khích sự học của con cái, ngay cả bằng cách đối xử với thày giáo: "Muốn sang thì bác cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu mến thày."
Giữa đám dân giả chuyên chăm với việc cấy cày đồng ruộng hiếm hoặc không bao giờ có cơ hội giao thiệp trong những môi trường rộng lớn hơn bình thường, chỉ quanh quẩn nơi xóm làng, sự ăn trên ngồi trốc phải được dành cho những người làm việc làng xã. Dĩ nhiên, ai cũng muốn được mọi người kính trọng và biết tới mà những người được biết tới nhiều nhất phải là những người làm việc, có liên hệ tới nhiều người. Vì thế, nơi chốn đình làng từ chỗ ngồi cho tới miếng ăn đều được gán cho giá trị cao hơn nơi cuộc sống thường ngày, "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp." Điều hiển nhiên ai cũng quý danh thực, danh tiếng do chính cuộc sống mình tạo nên chứ không phải giả tạo. Hơn nữa, không phải cứ chịu khó làm sao cho có tiền mà mọi người kính trọng hoặc có danh dự bởi danh dự đôi khi còn được coi là "sang". Do đó chẳng ai ưa những người "Trưởng giả học làm sang" vì "sang" do thái độ lối sống chứ không phải vì giàu có. Xét như thế, người có học, tư tưởng thánh hiền, những điều khôn ngoan ảnh hưởng tư cách, lối sống của họ trở nên "sang" bởi đó có tư cách khác người thường nếu không muốn nói là vượt hẳn hơn người thường. Kinh nghiệm sống cho biết "Miệng nhà giàu nói đâu ra đấy," bởi "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền;" hoặc hơn nữa, "Nén bạc đâm toạc tờ giấy." Tuy nhiên nếu muốn được "Một lời nói một gói vàng" thì phải là người có học. Nhận thức được sự giàu có tiền của không thể nào thay thế được sự giàu có kiến thức, học hành, ông cha ta nhấn mạnh giá trị của sự học: "Một kho vàng không bằng một nang chữ". Hơn nữa học cũng là một lối đầu tư cuộc đời bằng vốn liếng kiến thức, "Giấy trắng mực đen làm quen thiên hạ." Vì vậy sự hiếu học là điều mà mọi người nên cố gắng bởi "Thần nào hưởng của nấy." Sự học không những giúp thêm kiến thức cho mình mà còn cho cả cuộc sống của mình nữa. Để khuyến khích những ai nản chí bởi tự ty mặc cảm do dốt nát, người xưa khuyên: "Dốt đến đâu học lâu cũng biết," hoặc "Học hay, cày biết," và "Ăn vóc, học hay." Vì thế ai cũng nên học nhất là giới trẻ: "Rừng nhu biển thánh khôn dò, nhỏ mà không học lớn mò sao ra."
Cuộc đời cũng lắm cảnh trớ trêu. Riêng xét về việc học hành, "Học tài thi phận" đã khiến biết bao người nản chí, dở khóc dở cười "Lỡ quan, lỡ lính, lỡ làng, lỡ bề dân giả, lỡ hàng công danh." Chữ công danh mang nghĩa thi cử đỗ đạt. Tuy nhiên, sự thất bại ảnh hưởng tùy người, tùy tâm tính vì bất cứ chuyện gì cũng cần có ý chí. Người nào kém ý chí tất nhiên luôn luôn lỡ làng bởi "Có chí thì nên," cũng như "Lửa thử vàng, gian nan thử đức." Ý chí giữ một vai trò quan trọng trong cuộc đời một người, "Trời nào có phụ ai đâu, hay làm thời giầu, có chí thì nên." Hơn nữa, người có ý chí lại thường biết tính xa, lo toan để xắp xếp cho những công việc mình cần phải hoàn thành bởi "Một ngày liệu ở giờ dần, một đời liệu ở chữ cần mà ra." Lẽ tự nhiên, "Người đời ai khỏi gian nan, gian nan có thuở thanh nhàn có khi," nên "Có chí làm quan, có gan làm giàu," hoặc "Trồng cây có ngày ăn quả."
Mặc dầu tiền nhân dân Việt tin rằng mỗi người có số phận riêng; Trời ban cho ai may mắn thì người ấy được và người nào đã chẳng may bị số phận lầm than thì có cố gắng cách mấy cũng suốt đời nghèo hèn "Làm giàu có số, ăn cỗ có phần." Hơn nữa, thói đời, chẳng may gặp thời kỳ vận số lận đận thì chẳng ai biết đến mà khi ăn nên làm ra lại lắm kẻ mưu toan nhờ cậy "Lúc khó thì chẳng ai nhìn, đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em." Thế nên ông cha ta khuyến khích mọi người "Đã trót thì trét," đã có ý chí, đôi khi "Phóng lao đành theo lao" để lập thân; quản ngại chi vất vả, gian nan nhỏ nhặt, "Thân lươn chẳng quản lấm bùn." Vấn đề còn lại chỉ là chăm chuyên cần mẫn học hành vì "Văn ôn, võ luyện" để rồi nhờ cố gắng vượt những khó khăn trong cuộc sống thời còn hàn vi như những thử thách ý chí, tương lai chắc chắn sẽ được tươi sáng, "Làm trai có chí lập thân, rồi ra gặp hội phong vân có ngày."
Hương Hoa Dân Việt Hương Hoa Dân Việt - Lã Mộng Thường Hương Hoa Dân Việt