Nguyên tác: Miền Hoang Tưởng
Số lần đọc/download: 0 / 33
Cập nhật: 2023-09-04 21:35:40 +0700
Chương 13
“Ốm to rồi! Ốm to rồi! Chết mất thôi!
Hễ tôi nhắm mắt là con chim ma quái đậu trên vai Chúa vừa nói, vừa hát như muốn đưa ra một lời tiên tri định mệnh. Hễ tôi mở mắt ra, là con chim lại trở về bức tranh với con mắt cười trêu tinh quái. Con chim ma quái, cái loa phát ngôn của Chúa trong tranh như đang thi hành một chiến dịch nhằm thuần phục tôi, tiêu diệt ý muốn tự do của tôi, bắt tôi phải hoàn toàn theo Chúa. Bây giờ, hình như Chúa trong tranh nghiêm nghị hơn, Người không bước ra khỏi tranh, chẳng nói với tôi nửa lời, nhưng con mắt cứ ốp lấy tôi. Mắt của Chúa hệt như những con mắt bí ẩn ở ga, trên bãi bia, ngoài đời.
Tôi luôn thèm sự có mặt của Minh, bởi vì chỉ khi Minh có mặt ở nhà, bức tranh mới mất vẻ ma quái. Người chủ bức tranh không biết những tác động thầm kín của bức tranh đối với tôi. Anh hồn nhiên đối vối những sáng tạo của mình. Anh công bố một điều mà anh cho là rất lạ lùng:
- Một người sắp mua bức tranh “Chúa chơi chim” của tôi. Anh biết người đó là ai không? Đố đấy. Anh thử nghĩ có kỳ dị không. Chính ông anh rể của anh, chính ông Trần đã bỏ ra trăm bạc để mua bức tranh. Một chính ủy mà lại đi mua một bức tranh về Chúa!
Tôi cười. Riêng tôi thì hiểu. Tôi hiểu bằng linh giác. Theo tôi, có lẽ anh Trần thích mua vì anh thích đôi mắt Chúa. Có thể anh thích cả con chim đội ánh hào quang kia nữa. Tôi nghĩ thế nhưng tôi lý giải cho Minh theo kiểu khác:
- Ông anh rể tôi là người sành mầu sắc. Có thể anh ấy thích sự hòa hợp về màu sắc trong đó.
Minh lắc đầu. Anh lấy giấy báo bọc bức tranh lại. Tôi hỏi:
- Cậu mang đi ngay sao?
- Minh đang túng. Mới lại, cần giúp anh Hưng tí chút.
Mảnh báo che gần kín hết bức tranh, chỉ còn để hở đầu con chim đội hào quang. Con mắt Chúa, tuy đã bị gói lại nhưng vẫn hiện ra trước mặt tôi trên nền báo. Mắt Chúa nghiêm khắc và hậm hực như đang thầm nói: “Anh đừng tưởng đã thoát khỏi tay ta. Hãy nhớ lấy: ta ở khắp mọi nôi, ta có sức mạnh vô biên. Anh không thể trốn chạy vòng vây ta?”
Còn tôi, tôi cóc cần lời đe dọa của Chúa trong tranh. Khi bức tranh bị đưa ra khỏi nhà, tôi huýt sáo ăn mừng.
Điều rất lại là niềm vui của tôi chẳng được bao lâu. Bỗng dưng tôi lại thấy mệt rã rời. Và nỗi khắc khoải lại đến với tôi.
Tôi cầm đàn và dạo khúc Trương Chi. Lâu lắm tôi mới lại cầm đàn. Từ khi bị con chim quấy phá, tôi bỏ mặc chiếc ghi ta nằm mốc meo ở xó nhà. Hôm nay tiếng đàn lại vang lên để gọi con đò nát về bồng bềnh trong chén trà xanh. Tim tôi phập phồng đập mạnh. Bản nhạc của tôi nhộn nhịp nức nở. Những âm thanh trào ra như muốn tìm cái kết thúc cuối cùng. Đoạn kết Trương Chi sẽ là thế nào đây? Lòng tôi nhoi nhói. Tự cảm thấy day dứt, thấy mình bất lực, bất tài. Cái kết thúc chưa thấy đến với khúc Trương Chi. Phải chăng đó là cội nguồn của nỗi phấp phỏng trong tôi.
Chiều thành phố.
Tiếng xe điện leng keng như tiếng cười con trẻ. Mùa thu về chiều như tím lại. Những cảm giác về mầu chiều đã lâu lắm tôi mới nhận được. Tiếng ghi ta truyền qua ngón tay xuyên vào tim tôi …
Khắc khoải! Khắc khoải!
Cái gì sẽ đến với tôi đây? Một cái gì khủng khiếp? Một kết thúc tàn nhẫn như cái tinh thần tiên tri trong cuốn sách của Ngọ chăng? Một cái gì sẽ rất buồn và rất đẹp chăng?
Chiều sậm lại, mầu tím đã chuyển sang nhờ đèn. Tôi ngồi dựa lưng vào tường, nhìn sắc mầu chuyển nhanh từng khắc. Ngón tay tôi chạm vào dây trầm. Một giọng trầm bỗng vang lên trong óc.
“Ốm to! Ốm to rồi …
Con chim ma quái lại gửi tiếng qua không gian về ám ảnh ta. Nhưng tôi không sợ nữa. Dù sao cũng không còn sự hiện diện vật chất của nó trong phòng. Tiếng lảnh lót của nó không còn nữa. Tôi mỉm cười nghe tiếng nó mờ mờ tỏ tỏ. Con sẻ lông xù ngủ trên bàn tay cô bé nghèo trên bức tranh treo ở giữa nhà bỗng giật mình, nó kêu chiêm chiếp. Tiếng kêu thân thương của nó vùi dần tôi vào giấc ngủ.
“Có ai có nhà không?
Tiếng hỏi làm tôi giật mình tỉnh giấc. Ai gọi? Phải chăng con chim ma quái lại bay về, đậu trên cành cây trước cửa sổ, để định hăm dọa, ám ảnh tôi? Ta không trả lời đâu, ta sẽ im lặng. Và con chim thô bỉ đội ánh hào quang kia sẽ hết cách hòng kích dộng ta. Ta không thèm trả lời đâu. Thôi, buông ta ra. Hỡi ông Chúa trong tranh, tôi với ông nào có hận thù gì?
“Có ai có nhà không?
Tôi nhìn ra cửa ổ. Cánh cửa có phép lạ từ từ mở toang. Một màn sương đục, trắng như sữa loãng, che kín khung cửa sổ. Một khuôn mặt hiền hậu nhòe nhòa hiện trong màn sương.
“Kìa! Ra là ông? Có phải ông là Chúa hiền lành đã khoác tấm áo sương mù đến an ủi ta khi ta bán máu? Ông là vị thiên thần giấu mặt, một con người chẳng muốn hiện rõ trước mặt ta. Tại sao ông giấu mặt? Phải chăng đây là thủ đoạn mưu mô của một kẻ độc ác nào đã chăng bẫy để chờ ta. Ôi lòng ta đen tối vì nghi ngờ. Ta đang bồn chồn khắc khoải khi nghĩ đến ngày mai. Nào! Hỡi thiên thần trắng! Hỡi thiên thần khoác áo sương giấu mặt! Hãy trả lời ta đi. Hãy đem cái năng lực thân linh mà hé cho ta biết cái gì sắp xẩy ra. Hừ, ông im lặng. Mà tước tiên xin hãy trả lời ta tại sao ông giấu mặt?
Cái bóng trắng nhòe nhòa ấy buồn rầu đáp:
“Vì ta là đồng nghĩa với thương xót. Vì ta là đối nghĩa với hận thù. Kẻ yếu chỉ có lòng thương, ta là kẻ yếu. Hãy thông cảm cho ta và thầm hiểu cho ta vì sao ta giấu mặt.
“Vậy ông là sứ giả của ai! Của Chúa cơ đốc hay của Phật. Thế gian đã quên mất tình thương rồi. Cả Chúa trong tranh cũng quên.
Bóng trắng không trả lời, chỉ im lặng cúi đầu. Tôi thì thầm tâm sự:
“Ngày xưa, bên Bắc quốc, ông Di lặc đi tu, đắc đạo rồi, người bỗng béo quay ra, cái bụng phệ, cái rốn lồi, đôi má phính, môi nở nụ cười thoải mái. Toàn thân ông Di lặc là một tiếng cười. Ông thành Phật và để lại cho đời một nụ cười hoan hỉ. Thế còn ông? Ông để lại cho đời một màn sương trắng ư? Trông ông như sương mù và ông nói đến lòng thương xót. Thôi, ta hiểu rồi. Biểu tượng của ông là giọt nước mắt, hãy để lại cho đời một cái gì hiệu lực ý nghĩa hơn. À, ta hiểu rồi. Có lẽ ông muốn để lại cho đời những giấc mơ sương. Hôm ta bán máu, ông làm quen với ta, ta cứ băn khoăn, hôm nay ta mới rõ…
……
- Có ai có nhà không?
Tiếng gọi cửa, một lần nữa, lại vẳng lên. Tiếng gọi làm cái bóng sương mù trắng chợt tan biến mất. Một bóng người trần thế ở khuôn cửa chợt hiện ra rõ ráng. Tôi kêu lên: “Hưng!”
Hưng bước vào, trông anh như bé nhỏ hẳn lại. Đôi vai gầy so so, cái lưng gù gù, cái đầu cúi cúi. Anh ngồi thỏm vào chiếc ghế bành.
Tôi đã biếu Hưng trăm rưỡi, và hình như Minh cũng giúp anh một trăm. Tôi nghe nói Hưng đã làm xong chiếc gác xép. Anh tằn tiện thu góp, nhặt nhạnh từ lâu, nên làm gác xép xong cũng còn thừa ít tiền thuốc thang cho vợ. Làm xong gác, đáng lẽ Hưng phải vui tại sao anh vẫn trầm ngâm như vậy? Hưng thu mình trong chiếc ghế bành, hút liền mấy điếu thuốc lào. Tôi hiểu rằng Hưng sắp nói chuyện với tôi nên tôi không hỏi. Anh ngồi rất lâu ngắm những bức tranh của Minh, mãi mới lên tiếng:
- Có lẽ việc sửa nhà, làm gác xép, làm đồ đạc mới của mình chẳng qua cũng chỉ là động tác để che lấp đi những lỗ trống trong đời. Thay đổi không gian? Con người lúc nào cũng mơ ước được đi đến một tâm trạng mới mẻ. Nhưng khi làm xong, lại thấy rơi tõm ngay vào cái chán ngắt. Phải chăng mình vẫn chỉ vá víu?… Bây giờ, mình lại vẫn lang thang. Chỉ được một điều an ủi, từ khi có cái gác, bà vợ mình dịu hẳn bệnh điên. Suốt ngày, bà ấy ngồi trên gác, khâu khâu, vá vá có lẽ ít nhìn thấy đông người, bệnh bà ấy giảm đi trông thấy. Anh bác sĩ quen nói rằng bà ấy sắp khỏi.
Tôi gật đầu:
- Thế là đáng mừng
- Bà ấy khỏi, tôi lại mắc bệnh
- Bệnh gì?
- Lại bệnh cũ. Không hiểu sao, nằm lì ở nhà, tôi cứ thấy bồn chồn, khi leo lên gác, nhìn thấy vợ, là lòng mình cứ nhoi nhói. Cậu biết không, vợ mình cứ đăm đăm nhìn mình, có lẽ tại thằng con chết trận nó rất giống bố. Lúc nào lòng mình cũng như lửa đốt. Lúc nào cũng cảm thấy như mình đang cần làm một việc gì đấy, nhưng mình chịu không xác định nổi việc đó là việc gì. Nhiều lúc, mình đã lầm tưởng sự nóng ruột đó là nhu cầu đóng một cái giường, làm một cái tủ, xây dựng một gác lửng, nhưng khi xong việc mình mới hiểu mình đã ngộ nhận. Có lẽ mình cũng là kẻ… kẻ điên…
- …
Minh đẩy cửa bước vào, tay xách can bia. Anh giở túi sách, lấy ra bọc lạc nóng hổi và vui vẻ mời chúng tôi:
- Nào, ta liên hoan: mừng cho anh Hưng vừa làm xong gác xép, mừng cho tôi vì vừa bán được bức tranh “Chúa chơi chim”; tiếp thêm nữa, còn mừng cho tôi vì sắp vẽ xong một trăm bức “Tranh mùa thu”.
Minh rót bia ra các cốc, sau đó mắt anh rực hân hoan và anh nhắc lại câu nói cửa miệng khi anh nói về những sáng tác mới của mình:
- Cái này vui!
Hưng tròn mắt
- Một trăm bức? Thời giờ đâu mà anh vẽ khỏe thế?
- Vẽ bất cứ lúc nào … Nào, xin mời các bạn liên hoan bia, đồng thời hưởng luôn cuộc liên hoan màu sắc của tôi.
Minh đặt những tờ giấy trắng làm nền, và trải trên đó những bức tranh sơn dầu vẽ trên bìa nổi … Một cô gái áo vàng đang vuốt ve những bông hoa đen… Một người đàn bà khỏa thân mầu hồng pha chì đang giơ tay cho con chim đậu… Một người hoang dã đang ngồi trong động đá xám… Một bức tĩnh vật trừu tượng gồm những mảnh hầu như chiếc lọ, như quyển sách, như hòn gạch, như pho tượng, như bông hoa …, mầu sắc bức tranh trầm hòa êm dịu, trông rất đẹp và cũng rất thực. Minh giảng giải:
- Đấy là “Mùa thu êm dịu”. Một bức tranh tổng hợp của tôi trong giai đoạn này. Vẽ xong, tôi thấy nỗi bực bội trong người bỗng tan ra. Bức tranh gợi cho tôi sự thương nhớ, mầu sắc dịu không hận thù, không nổi giận. Sự thương nhớ trong tôi cứ tấm tức làm bút pháp của tôi mềm mại lại. Một danh họa mới nhận tôi làm học trò, đặt cho cái tên “Về nguồn”. Có lẽ sau xê ri mùa thu, tôi sẽ vẽ trăm bức tranh “Gửi cho con”. Các bạn biết không, sau khi vẽ xong bức “Về nguồn”, tôi chợt nhớ đến con tôi quá chừng. Và lạ chưa! Ngay ngày hôm sau, con tôi đến chơi. Con bé mười ba tuổi ấy đã bẽn lẽn tặng ba nó một đôi dép. Con gái tôi tặng quà cho tôi; còn tôi cho nó được những gì? Tôi cho con tôi… chẳng đáng là bao. Tiền bạc ư, của cải ư, tôi có gì cũng có thể cho con được tất. Nhưng ngoài những thứ đó, tôi còn muốn để lại cho con tôi những bức tranh. Một trăm bức tranh tặng con gái! Ôi chao! Cứ nghĩ đến chuyện được làm những việc như thế, lòng tôi bỗng rộn ràng vui sướng. Tranh gửi cho con! Chà, bao nhiêu là ý hay …
Hưng gật gù:
- Anh là người sung sướng nhất đời. Trong lúc chúng tôi khắc khoải thế này, anh là người vô tư nhất.
- Khắc khoải ư? Lúc này ai chẳng cảm thấy lòng mình phập phồng suy nghĩ. Tôi khác các anh ở chỗ tôi vùi những khắc khoải của mình vào những bức tranh. Tôi không có những ý nghĩ tiên quyết khi cầm bút vẽ, nhưng có điều chắc chắn là tất cả cuộc đời tôi đều được phơi ra bằng màu sắc. Tự nhiên thôi.
Tôi nhắm mắt ngồi nghe cuộc đối thoại giữa hai người bạn. Tiếng nói như xa, như gần. Mệt! Mệt! Mệt! Cái lạnh lẽo bò lan trên bàn chân tôi, trên bàn tay tôi. Tôi không uống bia, tôi không ăn lạc, tôi chẳng thấy thích ăn uống, mồm tôi nhạt nhẽo. Song tôi hoàn toàn dễ chịu khi có tiếng nói của những người bạn vang bên tai. Tôi như thức. Và tiếng thì thào của Hưng:
- Này Minh! Sao trông mặt cậu Tư bệch đi?
- Ừ! Có lẽ hắn ốm.
- Thằng cha mắc bệnh thật rồi
- Cậu Ngọ bảo Tư là thằng gàn.
Tiếng thì thào bỗng nhỏ hẳn đi:
- Có lẽ nó ốm to!
- Mê sảng …
- Thần kinh …
Tôi chìm dần hẳn vào giấc ngủ. Bên tai tôi là tiếng ghi ta nhỏ giọt, và tiếng hát phấp phỏng của Trương Chi trên một dòng sông hoang ngát …
Tôi ngủ rất lâu. Hết cả đêm hôm ấy, sang đến chiều hôm sau mới tỉnh. Giấc ngủ của tôi đầy xáo động. Suốt giấc mơ đêm ấy, Ngà đến với tôi. Em tôi gầy gò, đứng cách tôi chục bước, dáng tha thủi. Tôi hỏi:
“Ngà đấy ư? Kìa, sao em không nói? Em im lặng như pho tượng dá.
Tôi bước lên. Ngà lùi lại, xua tay trước mặt. Tôi lại nói:
“Em định đuổi anh sao?
Lắc đầu.
“Tại sao em lạnh lẽo thế? Ta đứng cách xa em còn thấy lạnh.
Tôi chợt nhớ: cách đây ít lâu có tin đồn nói rằng Mai hóa điên. Anh ta trở lại bệnh như xưa, khi chúng tôi còn trong bộ đội: bệnh khóc. Hết khóc anh ta lại đập phá. Tôi giật mình, hỏi to:
“Hay là có chuyện gì xẩy ra?… Hay là hắn giết em?… Kìa nói đi, nói đi! Ôi chao! Lại ghê tởm đến thế sao? Em nói đi! Nói đi! Mai đã giết em phải không?
Bóng Ngà vẫn cúi đầu khóc. Tôi tiến lên, cái bóng lại lùi. Tôi van vỉ.
“Anh xin em, hãy trả lời anh. Em là người, hay là hồn ma? Không! Anh không tin rằng em đã chết. Hồi chúng ta yêu nhau, em ở đội chăn nuôi, anh tìm em ban đêm, em trêu anh, khoác chiếc áo choàng trắng giả làm hồn ma. Anh còn nhớ như in chuyện đó, em hồn nhiên, tinh nghịch… chứ có héo hon như bây giờ đâu …
Tôi nói đến đây thì bóng con vượn đen hiện ra. Con vượn dùng đôi tay dài đánh đu trong không gian kỳ dị. Vừa đánh đu, vừa hú. Quái lạ! Tiếng hú mọi khi là tiếng khóc, hôm nay lại là tiếng cười. Con vượn cười sằng sặc. Lần đầu tiên con vượn cười. Cái cười điên dại. Ngà sợ hãi, hai tay ôm lấy mặt để khỏi nhìn con vật. Em tôi bật khóc lên thành tiếng. Những giọt nước mắt thánh thót, mưa nước mắt, mưa sương. Màn sương nước mắt xóa nhòa bóng con vượn đen và bóng Ngà. Tôi kêu lên, gọi với theo.
“Đừng đi! Em ơi! Ngà ơi!
Chỉ còn lại màn sương trắng. Tôi chợt thấy lạnh toát, tê dại toàn thân. Tôi run lên và tỉnh giấc. Giấc mơ còn nhiều chi tiết ma quái, lộn xộn, tôi chẳng nhớ hết. Nhưng còn cảm giác lạnh lẽo và tê dại thì vẫn dư đọng, nó chậm rãi bò lan trong khắp chân tôi.
Tôi gọi Minh, anh đi đâu vắng. Ở giữa phòng là cái giá vẽ trùm vải trắng. Sáng nay Minh vừa nói vừa mới vẽ một bức tranh còn dang dở. Tôi tò mò lật vải lên xem!
Đám ma! Đúng là một đám ma
Tôi ngồi dựa lưng vào tường, ngắm bức tranh nói về cái chết.
Đám ma cử hành trên một nền trời đỏ tím. Màu máu bầm. Cái quan tài đen khổng lồ tỏa sáng lung linh do một lũ quỉ không đầu khiêng. Quỉ da trắng, quỉ da vàng, quỉ da đen, quỉ da đỏ, quỉ da nâu. Những con quỉ không đầu nhưng biết khóc. Tiếng khóc phun ra từ những cổ họng cụt. Những tiếng nức nở ồ ồ, kèm theo những dòng máu phun mưa quanh quan tài.
Người theo sau đám ma đông như kiến cỏ. Những con người đủ hạng, đủ dân tộc. Người Mễ Tây Cơ cầm đàn ghi đánh những bài nhạc vui chảy nước mắt. Người Italia cầm thánh giá hát vang điệu cầu hồn nhà thờ. Tiếng đàn oóc trầm ngân dài một âm điệu của Bach. Những anh cao bồi Mỹ cưỡi ngựa, tay ngả mũ rộng vành, cúi đầu. Dẫn đầu đoàn cao bồi Mỹ là tượng thần tự do. Những vị sư Tầu đầu trọc nhẵn bóng, béo phị, mắt sáng quắc, lẩm bẩm đọc kinh tay lần chuỗi tràng hạt hổ phách. Những đạo sĩ Bà la môn Ấn Độ cởi trần, như những bộ xương di động, vừa đi vừa lầm rầm những lời bí ẩn. Người Nam Việt Nam quấn khăn rằn, đánh đàn ghita phím lõm hát những lời ca vọng cổ nẫu ruột. Cô gái Bắc Việt nâu sồng thui thủi với tiếng đàn bầu nôn nao phiền muộn. Người Pháp đeo băng tang, mặc complê, sơ mi trắng, ca vát đen, vẻ buồn mức độ và kiểu cách. Đoàn người giơ tay lên trời, dáng đau đớn quằn quại, họ vừa khóc vừa hùng hồn dọc những bài thơ bi tráng. Người châu Phi xích xiềng, chân bước đi loảng xoảng.
Theo sau cùng là một đám đông đi không thành hàng ngũ. Họ vừa đi vừa xì xào to nhỏ. Tôi lắng tai nghe. Những mẩu chuyện lọt vào tai. Tiếng ông cố đạo:
“Hãy đau buồn đi! Hãy khóc đi! Đây là nỗi đau lớn nhất của thế gian.
Tiếng một ông sư:
“A di đà phật. Người đã thoát phàm. Chúng sinh từ nay tìm đâu cho thấy bóng đức Đại từ đại bi.
Những tiếng thoảng thoảng:
“Chao ôi! Người đã chết rồi.
“Lũ chúng sinh biết tin vào đâu?
Tôi nhíu mày: Thượng đế chết ư? Thượng đế nào? Chúa của người da trắng? Hay Ma-hô-mét của người Ả rập? Hay Thích ca mầu ni của người da vàng? Có tiếng thét của một đám người cuồng loạn từ xa chạy tới. Đoàn người không đầu say sưa hát một bài ca ma quái.
Chúa chết cả rồi!
Chúa chết cả rồi!
Chúa xưa chúa nay!
Chúa Đông chúa Tây
Chúa Nam chúa Bắc
Chúa hiền chúa ác
Cũng đều chết sạch
Chúa chết cả rồi
Ta cười ta hát
Sau tiếng hát là tiếng dao kiếm vang lên chan chát và tiếng nổ ầm ầm trên nền trời xám xịt. Tiếng nức nở tiếng khóc tiếng vang xin của một đám đông như một hòa tấu ma quỉ vang lên từ một miền âm ti lạnh lẽo. Tôi rởn tóc gáy, nhắm mắt bịt tai lại. Khi mở mắt ra đàng trước tôi thấy một màn sương màu đỏ chói.
Tôi rụng rời hét to.
“Mưa máu!
Vô vàn thây người nằm trên những vũng máu màu đỏ. Tôi xỉu đi ngất lặng.
Nhưng bên tai tôi bỗng vẳng lên tiếng ai an ủi.
“Tỉnh lại con ơi. Chúa chết ư? Chớ lo. Con người sẽ có những thượng đế mới.
Tôi lẩm bẩm: “Thôi ta van, ta van các người. Hãy tha ta. Hãy buông ta ra. Ta ngấy lắm rồi. Ta kinh hãi lắm rồi”. Tôi đã cạn nước mắt để có thể khóc trong cơn thoát phàm kì dị ấy. Có lẽ tôi đã nằm sóng soài bất tỉnh và sùi bọt mép ra như kẻ mắc chứng bệnh động kinh.
Ốm to rồi! Ốm to rồi!
Tôi ốm cái đầu lâu nóng hổi trong tay. Tôi tự hỏi: sức ta đã kiệt chăng?
Đầu óc ta đã hoảng loạn rồi chăng? Ta đã lâm vào chứng điên rồ? Đám ma Chúa hay là chính đám ma ta?
Tôi lảo đảo bước ra khỏi nhà Minh. Căn nhà ma ám. Tôi lẩm bẩm tự thoại: “Chết ư? Không, ta cần sống, lòng ta vẫn rộn ràng phấp phỏng. Ta vẫn chờ đợi đám ma ư? Không. Đó chỉ là điềm báo một cái gì mới mẻ sẽ đến với ta. Nhất định sẽ thế. Cái mới mẻ có thể rất quằn quại đau đớn, những chắc chắn cũng rất hấp dẫn dịu dàng. Có thể ta sẽ khóc, cũng có thể sẽ cười. Chao ôi! Tim ta nhức nhói, óc ta rôi bời. Ta như muốn vỡ ra vì mong chờ. Cái gi đó ư ơi! Hãy đến đi! Đến đi!”
Tôi đi trên đường phố mưa. Gió lạnh, nhưng đầu tôi vẫn nóng bỏng. Ốm to ư? Cóc cần! Có phải máu ta đã sẻ ra nhiều đến nỗi sức ta kiệt quệ? Đâu có phải ta rất hiểu sức ta. Ta còn cường tráng lắm. Mấy trăm phân khối máu đâu có nghĩa gì.
Sức ta còn rất mạnh. Bỗng dưng một ý nghĩ ngông cuồng: Tôi chợt muốn thử sức mình. Giá có một người đàn bà … tôi sẽ phung phí sức lực của mình trong một tuần… hai tuần… vài ba tuần. Chắc chắn là tôi chịu đựng được. Tôi cười thầm vì ý nghĩ quái lạ ấy. Vì chắc chắn chẳng có người đàn bà nào đến với tôi lúc này. Nhưng còn có những cách thử sức khác. Ví dụ đánh nhau. Ừ, mình có thể đánh nhau lúc này, nhưng đánh ai? Sao lại đánh? Cách thử sức côn đồ ấy liền bị gạt phăng đi tức khắc.
À, tôi nghĩ ra rồi, có một cách thử sức rất hợp với tôi. Một cách thử sức cân não căng thẳng. Tôi sẽ đến nhà anh Trần, người chính ủy đã dẫn dắt đời tôi. Chắc chắn sẽ có một cuộc đối thoại sôi nổi gay cấn. Ha ha. Ở đây tôi còn gặp một đối thủ khác: bức tranh “Chúa chơi chim”. Chắc chắn ông chúa ấy đang rất mong gặp tôi để hành hạ tôi, để thu phục tôi.
Trái với những đoán định của tôi. Anh Trần khi gặp tôi rất vui vẻ, đon đả.
- Bây giờ cậu mới đến. Anh chị mong cậu từ mấy hôm nay.
Tôi lạ lùng nhận xét:
- Có điều gì mà anh vui thế?
- Có gì đâu. Chẳng là… cháu Lê lại được đi Liên Xô.
Tôi ngạc nhiên:
- Cháu vào bộ đội cơ mà?
- Đúng. Nhưng bộ đội họ chọn hàng ngàn đứa mới có vài đứa như nó: khỏe mạnh, có văn hóa lớp mười và lí lịch thì … khỏi phải nói!
Mắt anh Trần ánh lên một nụ cười đắc chí. Tôi liền trêu anh:
- Chắc trong lí lịch cháu Lê sẽ quên ghi tôi là cậu nó. Bởi vì đọc đến đoạn “Nguyễn Văn Tư, cậu ruột, vô nghề nghiệp, thôi việc ở nông trường, sống lang thang không hộ khẩu Hà Nội, phó thường dân, không nhà cửa, chuyên ngủ ga với bọn lưu manh…” thì chắc chắn họ phải xét lại không cho cháu đi.
Anh Trần nhíu ngay đôi mày rậm, còn chị Trần tôi khôn ngoan hơn, chị bóc quả cam mời chúng tôi ăn rồi dàn hòa.
- Thôi em và anh ăn đi. Cháu nó đi học ai chả vui. Chắc chắn là cậu Tư rất mừng cho vợ chồng mình. Em ăn miếng này, ngọt lắm. Chị tôi nhìn tôi, đôi mắt van nài, tôi thấy thương chị. Lúc mới bước vào, tôi bực bội với thái độ của anh Trần. Tôi muốn trêu tức anh vì thái độ của anh như muốn thách đố. Anh đắc chí vì nghĩ rằng đã thắng. nhưng lúc này ngồi đối diện với anh chị, chợt lòng tôi lạnh tanh, chán ngắt. Tôi nghĩ đến cháu Lê… thì ra thằng bé này nói năng có vẻ nghĩa khí, tự trọng và vô tư, nhưng thực ra chỉ là cách ngụy trang. Chẳng lẽ cháu tôi đã có những đường ban lắc léo, và những động tác giả nhà nghề đến thế hay sao? Không có lẽ! Có thể đây lại là cách xoay chuyển tình thế mới của anh Trần. Khi cháu Lê vào bộ đội có thể anh Trần đã đến gặp những sĩ quan cao cấp, những bạn bè hồi hoạt động bí mật để vận động cho Lê được hưởng những hoàn cảnh như ý anh, nghĩa là được đi học nước ngoài. Dù sao cháu Lê cũng là con anh Trần, tất nhiên nó phải được di truyền những tính cách của bố nó. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, tôi thật gàn dở. Tại sao tôi lại cứ nghĩ rằng cháu Lê nên đi bộ đội? Số phận của nó dù muốn hay không, vẫn là những bước thang dẫn đến nhà lầu. Tại sao tôi cứ muốn nó hòa cùng số phận dân chúng. Giã từ êm ấm đâu phải chuyện dễ. Những kẻ giã từ những may mắn ở đời. Để chung khối với những nỗi buồn tủi ở đời, chỉ là những giống người hoang tưởng. Công bằng ư? Ai ai cũng biết nói lên chữ đó, nhưng tin vào miệng đời, người ta sẽ đến nhà điên.
Tôi ngồi câm lặng, anh Trần cũng lặng im. Anh hút thuốc không tranh cãi với tôi. Có thể anh còn chút lương tri. Có lẽ những ý nghĩ thầm kín của tôi đã phần nào len lỏi được vào óc anh. Cũng có lẽ anh xấu hổ, anh không dám đắc chí, vênh vênh thô thiển như khi tôi mới đặt chân vào nhà… Ôi! Cái đẹp giã dối!… Ôi! Người đàn bà bán mình, sau đêm dài truy hoan, chợt nhìn tấm thân lõa lồ của mình trong phấn son phai lạt, trong giường xô chiếu lệch… Tôi nhắm mắt lại, không dám nghĩ, cũng chẳng dám nhìn mặt ai nữa.
Tôi vẫn câm lặng đi đến chiếc đàn. Trong óc tôi chợt lóe lên khúc giã từ của Trương Chi, khi anh bơi thuyền trong chén trà xanh. Tôi ngồi xuống và những âm thanh huyền diệu chợt thoát ra như một giấc mơ ngậm ngùi.
… …
Giã từ em! Làn khói trà thơm… Sương mù trên sông…
Mị Nương ơi! Cánh hoa trắng ngần của ta ơi!
Sao mắt người nhòe nhòa giọt khóc? Nàng buồn ư? Ta tin vào nước mắt.
Giã từ em! Một chén trà xanh… Sương mù lung linh…
Ta giã từ cả con sông bạc… Và những màn sương đêm mà ta quen thuộc.
Ta chẳng tiếc, khi ta nhìn giọt khóc, trong như sương ngọc trên khóe mắt Mị Nương.
Người biết khóc, trái tim chư mất.
Giã từ em! Làn khói trà thơm… Sương mù trên sông…
Ta để lại cho em một gia tài to lớn nhất.
Đó là tiếng hát. Đó là hồn ta, máu ta, thịt xương ta.
Giã từ em! Làn khói trà thơm…
… …
Có tiếng gì rủ rỉ bên tai tôi. Tôi lơ đãng nhì vào không gian… Đó là tiếng con chim thần linh đội mũ hào quang từ bức tranh bay ra. Chim vừa bay vừa thổn thức.
Tôi ngạc nhiên:
“Kìa chim Sơn Ca! Sao ngươi cũng khóc?
“Chứ sao! Tôi cũng biết khóc, cảm ơn anh! Cảm ơn cả khúc giã từ của anh. Chào anh! Tôi sắp đi đây.
“Ngươi đi đâu!
“Chủ nhà sắp đem bức tranh tặng một người cao cấp và người cao cấp ấy sẽ tặng chúng tôi cho một người nước ngoài.
“Thế ra Chúa và chim sắp đi xa.
Chúa nghiêm nghị nhìn tôi. Trên bức tranh, mắt Chúa bỗng long lanh tức giận:
“Đêm qua, anh mơ thấy Chúa qua đời? Anh đừng vội mừng.
“Tôi có mừng đâu… Điều đó chỉ giúp tôi thêm hiểu biết. Chúa còn hay Chúa đi, đời tôi vẫn thế.
“Chúa đi, lại có Chúa khác đến… Loài người yếu đuối, thiếu Chúa sao được. Chúa sẽ hiện hình trong nhiều dạng vẻ mới. Đời đời các anh cũng chỉ là những con chiên nhỏ bé… đáng thương, cần phải có người chăn dắt.
Tôi cúi đầu, lặng nghe những lời nói tiên tri.
Ốm to rồi! Ốm to rồi!
Tôi giơ tay ôm cái đầu lâu nóng bỏng của mình. Sao mà thấy thương thân. Tôi nhắm mắt lại, và vẫn nghe thấy tiếng Chúa quát mắng con chim thần linh:
“Sao ngươi lại khóc? Ngươi đã bước chệch khỏi nẻo đường ta chỉ.
“Lạy Chúa! Xin Chúa gia ân cho con được khỏe.
“Hãy quên tiếng khóc. Đường ma ám đừng theo. Hãy nở nụ cười trên môi và theo chân ta. Nếu con quên lời ta dạy bảo, ta sẽ tước bỏ mũ hòa quang và lại buộc chân con bằng sợi dây xích sắt.
Con chim bé nhỏ nức nở… nức nở… Chim ơi! Ta thương cho ngươi! Ừ! Mà cả ngươi nữa, dù ngươi đội mũ hào quang, ta cũng vần tha thứ cho ngươi, bởi vì… ta đã hiểu.
Hai tay ôm cái đầu lâu nóng bỏng. Tôi đến quán Râu Xồm. Chủ quán mời mọc thô lỗ nhưng ân cần:
- Nhạc sĩ ốm hay sao? Mặc mẹ đời! Chúng tôi đang nhắc đến ông.
Thiêng thật! Mời vào tiệc rượu. Hôm nay cắm câu. Vớ được chú cá quả to, đem nấu ám. Rượu muôn năm! Cá ám muôn năm!
Ngọ đã có mặt ở đấy. Cả vợ anh, cô sinh viên diu dàng và tốt bụng. Nghe đâu Lan đã chuyển ngành không bán ốc ếch nữa, mà bán hoa quả. Tôi hỏi:
- Cô không đem hoa quả đến tiệc rượu ư?
- Có chứ! Tôi còn để phần anh một trái cam và mấy quả hồng xiêm.
Tôi cảm ơn, rồi phỏng vấn:
- Nghe nói gánh hoa quả dạo này phát tài?
- Rất lãi! Đủ miệng ăn, lại còn chút dành dụm.
- Dành dụm?
Chủ quán rót một ly rượu, chúc mừng cô sinh viên. Ngọ gạt đi:
- Đừng cho cô ấy uống nhiều cái thứ nước ấy.
- Sao? Anh chê rượu tôi?
Ngọ nói nhỏ vào tai Râu Xồm:
- Cô ấy có mang.
Râu Xồm kinh ngạc:
- Ngọ! Anh mà sắp có con ư?
- Tôi thích có con, vợ tôi cũng thích.
- Nó sẽ ở đâu?
- Ở ga.
- Ở đâu?
- Ở bên lề đường. Không sao! Bố mẹ nó sẽ là mái che cho đời nó.
Ngọ quắc mắt uống một cốc rượu đầy. Rồi anh lặng lẽ ngẫm nghĩ, sau đó nắm tay Râu Xồm nói nhỏ nhẻ.
- Cậu lo cho chúng mình. Cảm ơn. Nhưng ngày mai chúng mình sẽ rời Hà Nội. Cậu có tin không? Chúng mình sẽ lên rừng. Chắc ở đó đủ tre gỗ cho vợ chồng mình làm một túp lều che cho con mình ở. Lên rừng! Bây giờ thì mình hiểu thành phố không phải là phần gia tài mà tổ tiên để lại cho đứa con như mình.
Thế ra bữa tiệc này cũng là một bữa tiệc giã từ. Tôi cầm cây đàn ghi ta lên và nẩy nhạc khe khẽ. Tôi hát bằng những âm thanh bồn chồn:
Mị Nương ơi! Cánh hoa trắng ngần của ta ơi!
…
Giã từ em! Làn khói trà thơm … Sương mù trên sông …
…
Nàng khóc ư? Ta tin vào nước mắt.
…
Người biết khóc, trái tim không mất.
…
Ta để lại cho em gia tài to lớn nhất: tiếng hát
…
Giã từ em! Một chén trà xanh… Sương mù lung linh…