Nguyên tác: The Rose And The Ring
Số lần đọc/download: 642 / 4
Cập nhật: 2017-03-28 19:32:29 +0700
Chương 14 - Chuyện Gì Xảy Ra Với Giglio?
C
ái ý nghĩ phải lấy một mụ già gớm guốc như Gruffanuff làm hoàng tử Giglio hoảng sợ đến nỗi chàng hộc tốc chạy về phòng lấy vài bộ quần áo, thoát khỏi sự chú ý của lính canh rồi đón một cỗ xe trạm, chạy đi bất cứ đâu cũng được miễn là không phải gặp mụ già nữa. Hoàng tử hành động rất nhanh, không để phí một phút nào vào chuyện sửa soạn hành lí nên đón được chuyến xe sớm nhất. Khi người ta phát hiện ra vụ nhầm lẫn với hoàng tử Bulbo, Glumboso độc ác đã cắt ngay một tốp ngự lâm quân tìm đến phòng chàng với cái lệnh bắt chàng giải đến pháp trường và cái đầu chàng sẽ chỉ còn ngay ngắn trên cổ trước giờ Ngọ thì cỗ xe chở chàng đã ra khỏi địa phận nước Paflagonia vào lúc 2 giờ và tôi chắc rằng tin tức về vụ bắt bớ hoàng tử Giglio đi không nhanh bằng chàng cho nên nhiều người ở Paflagonia vẫn bày tỏ lòng kính trọng Giglio với tư cách là hoàng tử của cố hoàng đế Savio. Một hoàng tử với tất cả những thói xấu của mình vẫn còn tốt hơn vua đang trị vì, một kẻ tiếm ngôi, một ông vua lười biếng, lơ là triều chính, chỉ ham mê tửu sắc lại rất hung bạo. Mối quan tâm chính của ông vua này chỉ là: hội hè, yến tiệc, vũ hội hóa trang và những cuộc săn bắn v.v... là những thứ mà giờ đây ngài sẽ chú ý hơn gấp bội trong trường hợp con gái yêu của ngài kết hôn với hoàng tử Bulbo. Vì thế chúng ta cứ nên tin rằng ngài cũng chẳng có thời gian quan tâm đến chuyện đứa con trai của anh ruột ngài đã trốn thoát đoạn đầu đài giờ đây lang bạt nơi nào không rõ.
***
Hôm đó là một ngày trời trở rét căm căm, tuyết phủ dày trên mặt đường và Giglio với cái tên giả là Mr Giles sung sướng khi có một chỗ ngồi thoải mái trên cỗ xe trạm hai chỗ. Chàng ngồi giữa người đánh xe và một quý ông. Ở trạm dừng đầu tiên khi ra khỏi kinh đô Bloombodinga họ phải thay ngựa. Khi mọi việc đã xong xuôi có một người đàn bà bình dân đeo một cái túi to dưới nách hỏi xin đi nhờ. Trong xe không còn chỗ trống, người thiếu phụ bèn nói rằng mình muốn được ngồi trên nóc xe; nghe thấy thế người hành khách đi chung với Giglio (một kẻ lòng dạ hẹp hòi, tôi nghĩ thế) bèn thò đầu ra ngoài cửa xe nói vống lên: “Trời như thế này mà ngồi ở trên ấy thì thú vị lắm đấy! Chúc người đẹp có một chuyến đi dễ chịu.” Người đàn bà ho rất dữ và Giglio cảm thấy tội nghiệp thay cho chị ta. Chàng nói với xà ích: “Tôi thà nhường chỗ cho người này còn hơn là nghe chị ta ho rát cổ trong gió lạnh như thế.” Nghe vậy người bạn đồng hành tiểu nhân của chàng chen vào: “Ông sẽ làm cho cô ta ấm, tôi cam đoan thế nếu bao tay là cái mà cô ta cần.” Giglio không nói không rằng kéo mũi ông khách này, thụi một quả vào mang tai và đấm vào mắt một quả nữa, đưa ra lời cảnh cáo hùng hồn với kẻ nhiễu sự này là đừng bao giờ gọi chàng là cái bao tay!!!
Sau đó chàng nhảy lên ngồi trên nóc xe, tìm một chỗ ngồi thoải mái trong ổ rơm dằn trên đó. Ông khách thô lỗ đó cũng xuống xe ở trạm tiếp theo thế là Giglio lại ngồi vào cái chỗ của chàng và bắt chuyện với người bạn đồng hành mới. Đó là một người phụ nữ tính tình vui vẻ, dễ chịu lại rất ý nhị. Họ cùng đi với nhau cho đến tận đêm khuya. Người phụ nữ chia sẻ với Giglio tất cả những thứ mà chị đem theo trong chiếc túi to. Có vẻ như nó chứa tất cả những món ăn ngon lành nhất. Giglio khát ư - có ngay một chai bia và một cái li bạc. Chàng đói bụng ư - chị đưa ra một con gà béo mập mát lạnh, vài lát thịt heo muối cùng bánh mì nóng hổi và một miếng bánh putđinh nhân đào ngon tuyệt, sau cùng lại có cả một li brandy nữa chứ. Trong suốt chặng đường đi, người đàn bà kì lạ trông rất tầm thường này nói với chàng đủ mọi đề tài trong đó chàng biểu lộ một mức độ nông cạn cũng ngang bằng với những hiểu biết uyên bác của chị. Nhiều phen Giglio phải đỏ mặt xấu hổ về sự ngu dốt của mình trong khi thiếu phụ chỉ nói: “Gig thân mến - ồ Mr Giles thân mến, ngài còn rất trẻ, còn cả một quãng đời phía trước. Ngài chẳng có gì phải làm ngoài việc tu dưỡng bản thân. Ai biết được có một ngày nào đó ngài phải dùng đến những kiến thức của mình. Khi... khi ngài có thể được cần đến nơi quê nhà với tư cách là một...”.
“Lạy chúa tôi, vậy ra bà cũng biết về tôi?”
“Tôi cũng được biết một vài việc nho nhỏ. Tôi đã tham dự lễ đặt tên thánh của một vài người và đã bị cấm cửa ở một số nhà khác. Tôi đã chứng kiến một số người đâm ra hư hỏng vì được số phận quá ưu đãi, còn một số người khác tôi hi vọng lại nên người trong khi bị cuộc đời ngược đãi. Tôi khuyên ngài hãy lưu lại thành phố nơi chiếc xe này sẽ dừng lại đêm nay. Hãy ở lại đấy học hỏi cho thật tốt và hãy nhớ đến người bạn cũ mà ngài đã đối xử rất tốt.”
“Là ai vậy thưa bà?”
“Chính là bà tiên Blackstick”, thiếu phụ nói rồi bay qua cửa sổ. Khi Giglio hỏi người xà ích xem thiếu phụ đi đâu, người này ngớ người ra.
“Quý bà nào? Chẳng có quý bà nào trên xe này ngoài một bà lão đã xuống xe ở trạm trước.”
Giglio nghĩ có lẽ chàng mơ ngủ. Nhưng cái túi mà Blackstick cho chàng vẫn còn ở trong lòng chàng. Giglio xuống khi xe vào thành phố và cùng với cái túi chàng tìm đến một quán trọ.
Người ta dẫn chàng đến một phòng ngủ tồi tàn. Sáng hôm sau Giglio thức dậy, ngỡ mình đang nằm trong cung điện bèn kêu ầm lên, “John, Charles, Thomas! Mang chocolate lên cho ta - áo choàng đâu - dép lê đâu?” Chẳng thấy có ai lên tiếng thế là chàng phải đi ra ngoài đầu cầu thang kêu to gọi người hầu mang nước lên.
Chỉ có bà chủ quán.
“Làm cái gì mà la lối om sòm vậy anh bạn trẻ?”
“Ở đây không có nước nóng, không thấy bọn đầy tớ đâu, đôi ủng của tôi cũng chẳng thấy có ai chải.”
“Hề hề! Thế thì cứ việc tự mình làm lấy. Bọn sinh viên các người cũng phách lối quá đáng lắm. Ta chưa thấy có ai xấc láo như vậy.”
“Tôi sẽ đi khỏi đây ngay lập tức.” Giglio cáu tiết nói.
“Càng sớm càng tốt anh bạn trẻ ạ. Trả tiền đi rồi biến. Phòng trọ ở đây cần những người tử tế không cần những kẻ phách lối như mi.”
“Bà nên làm chủ quán trọ dành cho lũ gấu. Tốt nhất, bà hãy sơn lại biển hiệu đi.”
Bà chủ quán vừa bỏ đi vừa lẩm bẩm chửi rủa. Giglio quay lại phòng mình, vật đầu tiên mà chàng trông thấy là cái túi của bà tiên để trên bàn, dường như có cái gì động đậy trong đó. “Mình hi vọng là có bữa ăn sáng, vì mình chẳng còn được bao nhiêu tiền.” Nhưng mở cái túi ra, bạn nghĩ chàng thấy cái gì nào: Một bàn chải đánh giày và một lọ xi hiệu Warren[6]. Trên cái lọ có dòng chữ “Giày của các chàng trai nghèo cũng phải đen bóng: Hãy dùng tôi, đóng nút lại và trả về chỗ cũ.”
Giglio mỉm cười, đánh xi đôi giày cho đến lúc có thể soi gương được rồi bỏ bàn chải và lọ xi vào trong túi. Khi đã hoàn thành xong mọi việc, cái túi lại nảy lên một lần nữa, chàng đi đến bên cạnh, mở ra:
1. Có một cái khăn trải bàn và khăn ăn.
2. Một lọ đường đựng đầy những miếng đường ngon nhất.
4, 6, 8, 10. Hai cái phóng sét, hai cái muỗng pha trà, hai con dao, hai cái cặp gắp đường, một con dao cắt bơ tất cả đều có khắc chữ G.
11, 12, 13. Ly trà, đĩa và khăn lót ly.
14. Một bình đựng đầy kem ngon tuyệt
15. Một hộp đựng trà xanh và trà đen
16. Một bình trà lớn và nước sôi
17. Một cái chảo có ba quả trứng ốpla rất ngon
18. Một lát bơ Epping hảo hạng
19. Một ổ bánh mì nâu
Nếu như thế mà vẫn chưa đủ cho một bữa điểm tâm của anh chàng này thì tôi cũng muốn biết có ai cần thêm một thứ gì nữa không? Sau khi ăn uống no nê, Giglio cho tất cả vào trong túi và đi ra ngoài tìm một chỗ ở trọ mới. Tôi quên không nói cho bạn biết là thành phố này nổi tiếng với nhiều trường đại học và nó có tên là Bosforo.[7]
Giglio chọn một khu nhà hiện đại ở đối diện với trường học, trả tiền trọ và quay về chỗ ở mới với một cái rương, cái túi du lịch và chúng ta có thể biết chắc là chàng không quên cái túi kia. Khi mở cái rương mà hôm trước chàng đã chất vào đấy toàn những quần áo đẹp thì thấy nó đựng đầy sách vở. Trên trang đầu của cuốn sách đầu tiên chàng mở ra có dòng chữ: “Quần áo cho cái lưng, sách vở cho cái đầu. Hãy đọc sách và ghi nhớ những gì đã đọc.” Trong cái túi kì diệu kia chàng tìm thấy quần áo và mũ dành cho sinh viên cùng tất cả đồ dùng học tập: vở, một lọ mực, bút và một cuốn từ điển Johnson mà chàng rất cần vì chàng đánh vần còn kém lắm.
Thế là chàng ngồi vào bàn học và học hành rất siêng năng trong suốt một năm và cũng trong một năm đó chàng trở thành tấm gương cho tất cả sinh viên ở trường đại học Bosforo noi theo. Chàng không bao giờ tham gia vào bất cứ trò quậy phá hay nghịch ngợm nào. Được thầy yêu, bạn mến lại đỗ đầu trong tất cả các kì thi, Giglio được bạn bè ca tụng nồng nhiệt: “Hoan hô Giles, Giles là thanh niên ưu tú - là niềm tự hào của tất cả chúng ta. Hoan hô Giles!” Phải, trong suốt một năm ấy Giglio đã giật được bao nhiêu huy chương, phần thưởng và danh hiệu cho trường mình.
Một hôm sau kỳ thi, trong lúc chàng đang ngồi uống cà phê với hai người bạn thì có một chuyện xảy ra. À nhưng mà tôi đã nói với bạn là vào mỗi tối thứ bảy chàng lại tìm thấy trong túi một món tiền đủ trả tiền ăn học, ngoài ra lại có một ghinê tiêu vặt chưa nhỉ? Chắc tôi quên rồi. Nhưng nhờ món tiền đó mà chàng có cơ hội được đọc tờ Niên giám Bosforo và chuyện mà tôi nói ở trên là chàng đọc được bài báo này: MỘT CÂU CHUYỆN LÃNG MẠN.
“Một trong những cuộc phiêu lưu kì thú nhất mà chúng tôi nghe được đã xảy ra ở nước láng giềng Crim Tartary và là câu chuyện gây hứng thú nhất.
“Cách đây đã lâu khi vị tân hoàng đế Crim Tartary, Padella đem quân đến cướp ngôi báu của cố hoàng đế Cavolfiore, ông chỉ thấy một cung điện hoang tàn. Đại bại sau trận Blunderbusco, quan quân đã kéo nhau bỏ chạy hết. Cả công chúa độc nhất của vua Cavolfiore là Rosalba lúc ấy chỉ là một đứa trẻ cũng không thấy có mặt trong hoàng cung vào lúc hoàng đế Padella kéo quân đến. Có lời đồn là cô bé bị lạc trong rừng (bị những người hầu cận bỏ rơi vào phút chót) và ở đó cô đã bị bầy sư tử ăn thịt. Ít lâu sau người ta đánh bẫy được cặp sư tử cuối cùng và mang chúng nhốt vào ngục Tower[8] sau khi chúng đã giết vài trăm mạng người.
“Hoàng đế Padella, người có trái tim nhân từ nhất trên đời đã âu sầu một thời gian vì tai nạn đã xảy ra cho công chúa bé nhỏ, vô tội, bởi vì hoàng đế vốn nổi tiếng với tấm lòng bác ái chắc chắn sẽ chăm lo và dành cho cô bé mồ côi một địa vị xứng đáng trong triều đình của mình. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho biết cô bé đã chết. Người ta tìm thấy một mảnh áo và một chiếc giày trong rừng vào ngày hoàng đế Crim Tartary dũng mãnh đã giết hai con sư tử con bằng chính mũi giáo của mình. Những vật còn lại của cô bé đáng thương này được hầu tước Spinachi, viên đại thần trong triều vua Cavolfiore tìm thấy và mang về nhà cất giữ. Hầu tước đã từ quan vì bất đồng chính kiến với ông vua mới, lui về ở ẩn trong một khu rừng và sống bằng nghề đốn củi. Khu rừng này nằm trong vùng giáp giới với nước Crim Tartary.
“Thứ ba tuần trước, hầu tước Spinachi và một số nhà quý tộc đã thành lập một triều đình mới với khẩu hiệu: “Chúa đã cứu sống Rosalba, nữ hoàng đầu tiên của xứ Crim Tartary.” Xung quanh cô gái này có cả một huyền thoại về một “nhan sắc siêu phàm.” Câu chuyện về nàng có vẻ rất thật, chắc chắn cũng là một câu chuyện lãng mạn nhất.
“Nhân vật tự xưng là Rosalba kể rằng 15 năm về trước nàng được một người đàn bà đưa vào rừng trên một cỗ xe do rồng kéo (điều này chắc chắn là không thể xảy ra), rằng sau đó nàng bị bỏ lại trong khu vườn thượng uyển ở Blombodinga, nơi công chúa Angelica mới đây đã kết hôn với hoàng thái tử Crim Tartary - đang chơi đùa. Chủ nhân của cung điện với tấm lòng từ ái đã nhận đứa bé lạc loài này vào trong cung. Không ai biết ai là cha mẹ cô bé trong bộ đồ rách rưới ấy và từ đấy cô được nuôi dạy như một thị nữ theo hầu công chúa Angelica dưới cái tên Betsinda.
“Gần đây cô không làm hài lòng chủ, bị đuổi khỏi cung và mang theo bên mình một chiếc áo choàng cũ nát cùng với một chiếc giày mà cô đã mang trên người vào lần đầu tiên xuất hiện trong cung. Theo lời người phụ nữ này thì cô đã rời Blombodinga gần một năm về trước và kể từ đó sống trong nhà hầu tước Spinachi. Buổi sáng hôm cô ra đi, hoàng tử Giglio cháu ruột của hoàng đế Paflagonia, một ông hoàng trẻ tuổi, có lời đồn rằng cũng không được thông minh chăm chỉ cho lắm - cũng rời khỏi Blombodinga và không ai nghe thấy tin tức gì về chàng nữa.”
“Thật là một câu chuyện thú vị!” Hai bạn thân của Giglio là Smith và Jones vừa đọc vừa trầm trồ.
“Hả? Cái gì thế này?” Giglio vẫn chúi mũi đọc tiếp mục khác:
TIN NHANH: Chúng tôi vừa nhận được tin rằng quân đội dưới sự chỉ huy của hầu tước Spinachi đã bị đánh tan dưới tay Tổng tư lệnh. Bá tước Hogginarmo và người tự xưng là công chúa đã bị cầm tù tại kinh đô.
BẢN TIN TRƯỜNG ĐẠI HỌC: Ngày hôm qua, sinh viên xuất sắc của trường ta, Mr Giles đã đọc một bài diễn văn bằng tiếng La tinh và đã được ngài hiệu trưởng danh dự của trường Đại học Bosforo, tiến sĩ Prugnaro đánh giá rất cao cùng với một phần thưởng cao quý nhất của trường - Huân chương Chiếc Muỗng Gỗ.”
“Thôi đừng quan tâm đến chuyện này.” Giles nói với vẻ bồn chồn, lo lắng: “Về nhà tôi đi, Smith hào hoa phong nhã và Jones quả cảm. Các bạn là bạn học của tôi, cùng chia sẻ với tôi những thành tích học tập. Hôm nay tôi sẽ nói cho các bạn một điều có thể làm tâm hồn trung hậu của các bạn phải chấn động mạnh.”
“Vậy thì nói đi, anh bạn!” Chàng Smith bản tính đam mê, kêu lên.
“Nói ngay đi.” Jones cũng hào hứng tiếp lời.
Với một vẻ cao quý mà tôi không thể miêu tả hết được, Giglio nhìn lại các bạn một lần nữa nhưng không có vẻ oai nghiêm mà là ánh nhìn thân thiện. Chàng nói:
“Jones và Smith, các bạn đều là bạn tốt của tôi cho nên tôi cũng không cần phải giấu diếm nữa. Tôi vốn không phải là một anh sinh viên quèn Giles, tôi là hậu duệ của hoàng tộc.”
Attavis edite Regibus[9]. Tôi biết rồi, cậu... Jones kêu lên. Anh ta đang định gọi bạn mình là con gà trống huênh hoang thì ánh mắt của một đấng quân vương đã làm anh ta kinh hãi.
“Các bạn ạ, tôi chính là Giglio”, hoàng tử điềm đạm nói. “Là hoàng thái tử ở Paflagonia. Đứng lên đi Smith, không ai quỳ gối ở nơi công cộng như thế. Jones, bạn là người có một trái tim đôn hậu. Phải, khi tôi chỉ còn là một đứa trẻ, ông chú bất nghĩa của tôi đã cướp ngôi báu mà phụ vương để lại cho tôi. Ông chủ tâm để tôi ăn chơi lêu lổng, biến tôi thành một thanh niên nông cạn, lông bông không màng gì đến quyền lợi chính đáng của mình như anh chàng Hamlet bất hạnh, hoàng tử xứ Đan Mạch. Nếu có bao giờ tôi có bất cứ ý nghĩ gì về thân phận mình, ông chú lập tức xoa dịu tôi với lời hứa sẽ sửa sai, trả lại địa vị cho tôi. Rồi tôi sẽ cưới cô em họ, công chúa Angelica và hai chúng tôi sẽ trị vì Paflagonia. Những lời đó hoàn toàn giả dối cũng như trái tim của Angelica - như mái tóc, màu má hồng và mấy cái răng giả của cô ấy. Trong khi đó thì cô ta giành ánh mắt ngưỡng mộ cho anh bạn Bulbo, hoàng thái tử ngu ngốc của xứ sở Crim Tartary. Nhận ra điều đó cũng là lúc ánh mắt tôi hướng về Betsinda hay Rosalba như tên thật của nàng. Phải các bạn ạ, tôi đã phát hiện ở nàng một vẻ đẹp toàn bích, thuần khiết của một thiếu nữ đoan trang, thanh khiết, một nàng tiên mà trái tim tôi hằng ao ước...”.
(Tôi không thuật lại đoạn tâm tình này dù nó rất hay nhưng mà dài quá, vả lại đó là lời kể dành cho Jones và Smith hai người chưa biết chuyện gì, còn các bạn của tôi đã rõ mọi chuyện rồi nên tôi xin được bỏ qua).
Hoàng tử và hai người bạn vội vã trở về phòng trọ của chàng trong tâm trạng háo hức với những biến cố sắp xảy ra. Các chàng sinh viên quay ra ngưỡng mộ người bạn có danh phận cao quý của mình và trong tâm trạng say sưa ấy họ cùng chạy về nơi hoàng tử miệt mài đèn sách suốt một năm qua.
Trên bàn học của chàng là cái túi nọ, nó đã phình to đến mức chàng không thể không lưu ý đến ngay. Chàng lại gần, mở ra. Bạn nghĩ là có cái gì trong đó?
Một thanh gươm báu, chuôi bằng vàng để trong một cái vỏ bằng nhung đỏ trên có thêu hàng chữ: “Mãi mãi vì Rosalba.”
Giglio rút gươm ra khỏi bao, thanh gươm dài, tỏa ánh hào quang làm sáng rực căn phòng. Chàng kêu lớn: “Mãi mãi vì Rosalba!” Smith và Jones cũng hô theo, lần này bày tỏ lòng kính trọng và nghiêng mình trước hoàng tử.
Chợt chiếc rương của hoàng tử mở toang và một con ngựa nhảy ra, tiếp đó là một chiếc vương miện có cắm 3 cọng lông chim đà điểu, một chiếc mũ trụ bằng thép sáng loáng, áo chẽn, một cặp đinh thúc ngựa và cuối cùng là một chiếc áo giáp đi thành bộ với các món đồ kể trên.
Sách để trên giá biến đi đâu hết. Chỗ mà trước đó để những quyển đại từ điển bây giờ các bạn của hoàng tử tìm thấy hai đôi giày nhà binh có dán mác “Trung úy Smith” và “Phó hiệp sĩ Jones” vừa như in với chân hai người. Cạnh hai đôi giày là hai cái mũ trụ, áo giáp lót ngực và lưng gươm... mọi thứ cứ như trong tiểu thuyết của Mr. G.P.R. James vậy. Buổi tối hôm ấy ba chàng hiệp sĩ xuất hiện ở cổng trường Bosforo nhưng cả những người gác cổng lẫn các giám thị đều không nhận ra họ chính là ba chàng sinh viên trong trường.
Họ thuê ngựa ở chuồng ngựa của quán trọ, không kịp thắng yên cương cho đến khi đến thành phố tiếp giáp với nước Crim Tartary. Ở đây trong lúc lũ ngựa nghỉ lấy sức còn các hiệp sĩ thì cũng đã ngót dạ, họ dừng lại nghỉ ngơi ở một quán trọ. Tôi có thể dành ra cả một chương để kể lại những chuyện xảy ra ở đây nếu tôi cũng giống như một số nhà văn khác, nhưng tôi lại thích nén các sự kiện lại, làm như vậy bạn cũng tiết kiệm được vài đồng. Phải, nói tóm lại, ba chàng trai ngồi trên ban công một quán trọ ăn bánh mì với bơ và uống bia. Trong lúc họ đang nhâm nhi thì tiếng kèn và trống nổi lên mỗi lúc một gần và khu vực chợ búa chợt đông nghẹt những người lính. Hoàng tử nheo mắt nhìn, nhận ra những lá cờ Paflagonia. Phải, trong vùng trời Paflagonia đang tung bay những lá cờ Paflagonia.
Đội quân hướng về phía quán trọ và khi họ lại gần, Giglio giơ tay chỉ vào người thủ lĩnh, kêu lên: “Tôi đang thấy ai thế kia? Phải! Không! Đúng mà! Có lẽ nào! Ồ đúng rồi, đó là bạn tôi, một người lính lão thành, đại úy Hedzoff! Này ông bạn Hedzoff! Còn nhớ hoàng tử của ông, anh bạn Giglio của ông không? Người lính trung thành, chúng mình từng là bạn tốt cơ mà! A ha ha viên chỉ huy, trí nhớ ông không phản bội tôi chứ, chúng ta có nhiều lần đánh côn với nhau đúng không?”
“Tôi không quên đâu hoàng tử, chúng ta đã nhiều lần so kiếm” Hedzoff đáp.
“Nói cho tôi biết, cuộc hành quân này là như thế nào?” Hoàng tử từ trên ban công hỏi vọng xuống, “quân đội Paflagonia hành quân đi đâu vậy?”
“Thưa hoàng tử, chúng tôi là đồng minh của vua Padella hùng mạnh.”
“Đó là tên tiếm ngôi, ông bạn Hedzoff hào hiệp ạ. Đó là tên bạo chúa và là kẻ cướp ngôi, Hedzoff trung hậu của tôi.” Hoàng tử nói, giọng không khỏi có ý phê phán.
“Một người lính chỉ biết chấp hành mệnh lệnh, nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ đức vua Padella và cũng là (than ôi tôi buộc phải nói ra) bắt giữ ngài nếu tình cờ tôi gặp.”
“Trước hết hãy bắt con thỏ của ông đã.” Hoàng tử kêu lên.
“Nhân danh tấm thân quý báu của Giglio, hoàng tử xứ Paflagonia.” Hedzoff nói tiếp với một xúc cảm trào dâng. “Thưa hoàng tử hãy bỏ thanh kiếm của ngài xuống. Nhìn đây, ba mươi ngàn người chúng tôi là một!”
“Bỏ thanh gươm của ta xuống! Hoàng tử Giglio mà lại bỏ gươm xuống!” Hoàng tử kêu lên, bước lên phía trước. Và một cách ngẫu hứng hoàng tử làm một bài diễn thuyết tuyệt vời mà không một bài diễn văn nào có thể sánh ngang. Đó là một luận văn súc tích đầy sức lôi cuốn (trong đó, kể từ lúc này, chàng đã có một vẻ uy phong xứng đáng với địa vị tôn quý của mình). Bài diễn thuyết kéo dài 3 ngày 3 đêm mà không một ai cảm thấy mệt mỏi hoặc nhận ra sự khác nhau giữa ngày và đêm. Những người lính biểu lộ niềm vui sướng tràn trề khi một lần sau 9 giờ diễn thuyết liên tục, hoàng tử dừng lại, mút nước trong một quả cam do Jones lấy từ trong túi ra đưa cho chàng. Hoàng tử giải thích, bằng cái cách mà chúng ta không cố gắng truyền đạt lại, toàn bộ diễn biến của những sự kiện xảy ra trước đó. Cuối bài diễn văn với một cử chỉ tuyệt vời, thật đúng lúc, đại úy Hedzoff tung chiếc mũ lên trời kêu lên: “Đức vua Giglio vạn tuế, vạn tuế!”
Bạn thấy đấy lợi ích của việc học đại học là thế đấy.
Cả một rừng người đồng thanh hô theo, kết quả cũng tốt đẹp như những gì Giglio gặt hái được trong trường đại học!
Khi sự kích động đã lắng xuống, bia được rót ra cho toàn quân nhưng vị minh chủ của họ thì lại không đụng đến một giọt. Đến lúc ấy với một chút băn khoăn Hedzoff báo cáo với hoàng tử là đoàn quân của ông chỉ là đội binh đi tiền trạm của quân đội Paflagonia có nhiệm vụ yểm trợ cho vua Padella, còn đại quân của hoàng thái tử Bulbo thì đi tập hậu phía sau.
“Chúng ta hãy đợi ở đây, ông bạn quý ạ, để trở giáo đánh cho hoàng thái tử Bulbo không còn một mảnh giáp. Sau đó sẽ làm cho cha hắn phải rụt đầu lại.”
1.Tên một hãng làm xi đánh giày nổi tiếng ở London. Thuở nhỏ một nhà văn Anh nổi tiếng khác Charles Dickens từng làm việc ở đây.
2.Ý nói đến thành phố Oxford ở Anh.
3.Tower vốn là một lâu đài cổ ở London, xưa là Cung vua sau biến thành nhà tù giam các tù chính trị. Hiện là Viện bào tàng lịch sử.
4.Tiếng Latin có nghĩa là “Do các bậc vua chúa sinh ra”. Đó là câu đầu tiên trong bài tụng ca thứ nhất của Horace một nhà thơ La Mã thời cổ đại (65-8 trước công nguyên).