Số lần đọc/download: 164 / 25
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:43 +0700
Chương 17
B
ọn biệt kích bị bắt hết sau một tuần gây động loạn. Trong các lớp học, bàn, ghế, bảng, bao chắt chiu mới có, đã thành củi sưởi, củi nấu ăn. Mới chỉ có mấy ngày mà cỏ gianh đã đâm mầm tua tủa ở chân tường.
Thiêm đứng ở ngoài hiên. Ánh ngày nghiêng nghiêng đang tắt dần trên những chóp núi quen thân. Mười lăm năm, thời gian đủ để núi non, cảnh vật in trong đáy mắt. Giờ, thế là sắp chẳng còn được nhìn ngắm. Rồi sẽ là xa mãi từ màu sắc, hương vị đến âm thanh ngôn ngữ của xứ sở này. Ở xứ này, sự sống về cơ bản là chưa vong thân. Ở xứ này, gió xuân hây hẩy mùi men rượu, gió hè nồng đậm hương trà, gió thu mang mùi cây lá thơm và mùa đông gió chở mùi tuyết băng.
Xứ này giầu chất thơ, nên vừa mộng mơ vừa hào sảng. Ở đây, lúc nào Thiêm cũng bị lôi cuốn vào những ảo giác tráng lệ và lớn lao. Những cái bắt đầu thường là những cái vĩ đại. Ở đây, anh tiếp nối một cách tự nhiên di sản tinh thần của dòng họ. Anh mong ước trở nên người có ích, một tên tuổi trong thời đại hiệp sĩ, thời đại anh hùng.
Nhưng bây giờ thế là đã đứt đoạn tất cả rồi. Thiêm đã thoát khỏi lưỡi dao của tử thần. Ông nội nói anh chỉ rơi vào hãm địa thôi, anh vẫn vinh thăng và thọ tới tuổi ngoài tám mươi, tức là mệnh anh chưa tận? Cũng có thể là do chút ánh sáng trí tuệ còn le lói ở Tếnh. Và nhất là hố pẩu đã đến đúng lúc. Ở vị trí độc tôn một giá trị tinh thần, tiếng nói của ông già có tác dụng quyết định. Vả chăng, dẫu là thế nào thì người La Pan Tẩn, cả kẻ xấu xa nhất, cũng nhận ra giữa anh và Quốc Thanh là một khoảng cách rộng.
Chắp tay trước Thiêm, ông già đầu tộc, nghẹn ứ:
- Đừng chấp nhé, thầy Thiêm. Thầy là người khai sáng cho dân tôi. Có con không dạy được, tôi mắc tội với thầy.
Lẳng lặng, Thiêm quàng quai ba lô lên vai. Mười lăm năm qua, vẫn là cái ba lô ấy trong đựng hai bộ quần áo khâu tay, một cái khăn quàng sợi, hai bộ lót, một cái áo bông xanh được cấp phát cùng với chiếc chăn mỏng và tấm màn đơn. Trên vai Thiêm còn cái túi vải đựng sách, nhưng rỗng không vì sách đã tặng cả cho học trò.
Hố pẩu giữ tay Thiêm, rưng rưng:
- Thầy đi đâu bây giờ?
Hai mắt mưng mưng, Thiêm nhìn ông già:
- Hố pẩu có nhớ hôm tôi mới về đây, tôi nói: tôi sẽ đi khỏi nơi này, nếu như… Giờ, là lúc rồi. Giờ trong óc tôi không còn có cái kế hoạch xây dựng toà lâu đài nào nữa.
- Thầy nói dối. Tôi biết lòng thầy vẫn luyến nhớ.
- Có thể. Nhưng mà không khác được.
Ông già ôm mặt, ngửa lên trời, nức nở:
- Đù a. Tim gan tôi tan nát hết rồi!
Thiêm cắn môi, dịu giọng:
- Hố pẩu à! Tôi không đi không được. Ông Đổng viết giấy bắt tôi về. Ông ấy sẽ chửi tôi. Mọi người có thể sẽ trách cứ, mắng mỏ tôi, sẽ hiểu sai lệch tôi. Không sao! Tôi muốn nói mấy câu cuối cùng với hố pẩu: Một dân tộc cũng như một con người, phải có văn hoá, phải được học hành. Cũng cần phải nghiêm khắc với bản thân, không được tự nuông nịnh mình.
- Thầy ơi! – Ông già cao giọng, nấc từng hồi. Những cái thầy làm ra không chỉ quý vì nó vừa có hình sắc vừa có tinh tướng, lại vừa có tình. Thầy là thanh âm trên trời cao, là sắc đẹp trong dung nhan, là hình ảnh trong gương soi, là ánh trăng dưới đáy nước. Thầy là tiên, là thánh, là cuốn sách không cạn lời. Thầy đi, giờ bộ tộc tôi biết cậy nhờ ai!
Thiêm đi qua bãi đá.
Quay lại nhìn ngôi trường, nhìn xuống thôn Bản Ngò, rồi đặt chân theo đường dốc. Qua miếu Quan âm, nơi ngày nào Seo Mùa dong con ngựa bạch đã đóng trúc trên nạng thồ đến trao cho anh để anh đem ra chợ bán lấy tiền về xây dựng trường, đóng bàn ghế. Thiêm dừng lại như tìm kiếm cái gì, như tự hỏi lời Seo Mùa còn vẳng đâu đây? Rồi vừa đi vừa ngơ ngẩn nhìn cảnh vật hai bên đường. Như tự hỏi: Sao ta chỉ có một mình? Chẳng lẽ trước nay ta chỉ có một mình? Như tự hỏi: đâu là chỗ ngã vập mặt đánh văng chiếc vành xe ra xa? Chỗ nào có cây chi khẩu pấu cho quả ngọt. Đoạn nào vừa lê vừa kéo chiếc vành xe? Ngày ấy, đã bao năm qua mà trông như mới là hôm qua!
Nghe lao xao như tiếng đàn chim trời bay ngang qua đỉnh núi đi tránh rét buổi sáng thần tiên nào, Thiêm quay đầu lại, ngước mắt. Trên cái giông đá đầu thôn Bãi Đá, tạc vào nền trời tang tảng sáng, bức phù điêu mấy chục con người nhấp nhô tay giơ cao vẫy vẫy:
- Mổng cà! Chi tu sa! Đi nhé! Đừng đứt lòng. Thầy Thiêm ơi, mãi mãi La Pan Tẩn nhớ thương người.
Ôi, khúc hoà âm luyến láy đứt ruột kẻ ở người đi!
Thiêm về phòng giáo dục huyện. Một tuần liền, huyện đội công an và ông Trần Đổng đay đi đay lại câu khảo vấn: “Vì sao bọn khởi loạn lại thả anh, trong khi chúng lùng bắt ráo riết đồng chí Quốc Thanh và cô giáo Thúy?” Bản kiểm điểm có sao nói vậy viết đi viết lại bẩy lần của Thiêm được bí thư Đường Xuân Ân, Ân đã lên chức, xem qua và nhận xét như sau: “Ngoan cố lắm! Bản chất giai cấp không thay đổi. Trả về Ty giáo dục!”
Thiêm về Ty giáo dục, ở trong danh sách giáo viên dôi dư. Ba tháng sau, bộ đội tỉnh dẹp xong cuộc phiến loạn ở La Pan Tẩn, biên bản quy tội Thiêm cũng hoàn thành. Ông Quốc Thanh, ông Trần Đổng, cô giáo Thúy nhất loạt khai: Thiêm nếu không là kẻ tiếp tay thì cũng là người phải nghi vấn trong vụ phản loạn này.
Cuối năm ấy ở Ty giáo dục có lãnh đạo mới. May mắn ông trưởng ty này quen biết bố Thiêm. Ông bảo Thiêm: “Đâu thì cũng vậy. Nhưng đi vẫn là hơn. Chú sẽ giúp cháu chuyển công tác!” Thiêm về thành phố Hà Nội, giữ chân đánh trống trường liên tục từ đó, gần như cả chục năm trời liền.