Hầu hết những thành quả quan trọng trên đời đều được tạo ra bởi những người dù chẳng còn chút hy vọng nào nhưng vẫn kiên trì theo đuổi điều mình mong ước.

Dale Carnegie

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: admin
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
hi bóng tối buông xuống ngày hôm ấy, pháo bắt đầu nổ, thoạt đầu lẻ tẻ nhưng sau đó đồng loạt khắp nơi. Con đường yên tĩnh bỗng vang lên những tiếng nổ đùng đùng của pháo lớn làm rung chuyển mặt đất. Có quá nhiều âm thanh dồn dập đến nỗi người ta không biết nó đến từ hướng nào. Sự ồn ào giống như tiếng vó của hàng ngàn con ngựa phi, một làn sóng dâng lên gầm thét chát chúa.
Sau bữa ăn tối, mọi người trong nhà họ Cao tụ tập trong đại sảnh. Mọi người đều mặc quần áo mới. Ðàn ông đứng bên tay trái của tòa đại sảnh, và đàn bà đứng mé tay phải. Ðèn trong đại sảnh thắp sáng như ban ngày, nhưng hai cánh cửa lớn vẫn còn mở toang. Trước nhà từ đường là một cái bàn thờ hình chữ nhật, phủ môt tấm khăn nhung đỏ. Trong một cái chậu lớn trước bàn thờ, một vài chục cục than chất như núi, một ngọn lửa bừng cháy nóng hổi. Vài cành hoa xèo xèo sôi nổi trong ngọn lửa, tuôn ra một thứ khói cay sè. Nhiều cành nữa rải rác trên tấm thảm lớn màu vàng đậm, phủ khắp sàn nhà. Một cái gối lớn để quỳ cũng được đặt trước cái chậu than đang cháy; cái gối được phủ vải nhung đỏ.
Một cặp nến và một lò hương đứng sát mép bàn thờ. Dọc theo cạnh bàn tại hai đầu bàn là nhiều tách uống rượu; chỉ một vài người lớn tuổi trong gia đình biết rõ bao nhiêu cái tách. Bởi vì Cao Ðại lão gia quá già nên không thể tự mình làm cái nghi lễ mệt mỏi này, con của ông là Khắc Minh được trao phó nhiệm vụ ấy.
Mặc áo choàng dài và áo chẽn tay áo rộng, Khắc Minh và người em Khắc An thong thả rót đầy rượu màu trắng thượng hạng vào những cái tách, rồi thắp hương và cắm vào bình hương. Rồi Khắc Minh đi vào phòng trong và mời Cao Ðại lão gia ra để khai mạc nghi lễ.
Một sự im lặng trang nghiêm bao trùm khắp đại sảnh khi ông già bước ra. Khắc Minh ra lệnh đốt pháo. Một gia nhân chạy vội ra cổng nội môn đã mở rộng và la to, "Ðôt pháo!" Một loạt tiếng nổ tung lên, lay động không khí chung quanh.
Rồi những người đàn bà rời khỏi đại sảnh bằng cửa hông, và đàn ông sắp hàng quay lưng lại bàn thờ. Nhìn ra cửa chính, Cao Ðại lão gia quỳ xuống và khấu đầu trước Thiên Ðịa. Ba người con trai của Ðại lão gia cũng quỳ xuống một hàng và khấu đầu. Giác Tân đi ra ngoài mang theo một cây hương đã đốt sẵn vào bếp, tượng trưng cho Táo quân đã trở về sau chuyến lên Thiên Ðình hàng năm để báo cáo cho Thượng Ðế về cái gia đình này. Bây giờ Giác Tân quay trở vào đại sảnh, đúng lúc để cùng với hai người em và ba người em họ sắp hàng khấu đầu trước Thiên Ðịa. Lễ nghi xong, tất cả đàn ông đứng lên và quay về bàn thờ. Ðàn bà con gái đang đứng thập thò tại cửa hông, cũng vội vã quay trở vào đại sảnh.
Theo đúng tập tục, Cao Ðại lão gia là người đầu tiên khấu đầu trước bàn thờ tổ tiên, và sau đó rời khỏi đại sảnh. Những người khác tuân theo thứ tự sau đây: Bà Châu, các chú thím của Giác Tuệ, rồi tới Trần Di Thái. Tất cả đều từ từ khấu đầu trong nửa giờ. Kế đến lượt các con trai thuộc thế hệ Giác Tân - tất cả chín người. Nghi lễ này chỉ làm mỗi năm một lần và những người trẻ tuổi rất là vụng về. Tất cả phải quỳ gối, khấu đầu ba lần, đứng dậy, rồi lập lại nghi thức hai lần nữa. Nhưng chín người trẻ tuổi này không hoà hợp hành động với nhau được. Mấy đứa trẻ như Giác Xuân và Giác Thanh thì quá chậm chạp. Trước khi chúng khấu đầu lần thứ nhất xong, thì những người khác đã đứng dậy rồi. Khi Giác Xuân và Giác Thanh đứng dậy thì người khác đã quỳ xuống cho lần thứ hai rồi. Nhiều người đứng ngoài chép miệng không vừa ý. Bà Vương, mẹ của hai đứa trẻ, cứ thúc giục chúng mau lẹ lên. Giữa những tiếng cười, chín cái đầu trẻ vội vàng cho xong để chấm đứt. Chúng có thể làm nhanh hơn thế hệ già rất nhiều.
Thụy Giao dẫn bốn người con gái tới chiếc ghế quỳ phủ vải nhung - Thục Anh, Thục Hoa, và Thục Phần. Cử chỉ của những người con gái này tuy chậm hơn, nhưng ăn khớp với nhau hơn là những người con trai. Ngay Thục Phần tuy mới có bảy tuổi mà đã rất duyên dáng. Rồi Thụy Giao dẫn Hoàn Trân, đứa con trai của nàng tiến lên, để tỏ lòng tôn kính.
Gia nhân cất tấm vải nhung phủ cái gối quỳ đi, và Khắc Minh vào phòng bên cạnh mời Cao Ðại lão gia xuất hiện lần nữa. Sau khi Ðại lão gia bước ra, tất cả đàn ông đàn bà thuộc thế hệ Khắc Minh quỳ thành một vòng tròn quanh ông già và khấu đầu. Sau đó là các cháu trai và gái. Ðại lão gia mỉm cười nhận lòng tôn kính của con cháu, rồi lui về phòng riêng.
Một không khí hào hứng bao trùm đại sảnh sau khi Ðại lão gia đi ra. Ðàn ông và đàn bà thuộc thế hệ già làm thành một nửa vòng tròn trên tấm thảm nhung và khấu đầu lẫn nhau. Thế hệ các cháu khấu đầu cha mẹ, rồi khấu đầu trước các chú thím. Cuối cùng bà Châu đề nghị mọi người tụ lại thành một vòng tròn lớn, vui đùa và chỉ nói đến những việc may mắn. Rồi những người còn trẻ bỏ chạy ra ngoài đi chơi, nhưng Giác Tân và vợ ngồi lại với thế hệ già để nhận lòng tôn kính của gia nhân.
Giác Dân và Giác Tuệ bước ra khỏi đại sảnh bằng cửa hông, và hấp tấp trở về phòng riêng để tránh sự cung kính của gia nhân. Nhưng hai người cũng bị trông thấy khi đi ngang qua nhà bà Châu. Thoạt đầu Hoàng Má Má rất trịnh trọng và thành tâm cầu chúc hai người được an khang. Cảm động hai chàng tuổi trẻ chắp hai tay lại và vái chào bà già. Ba ba già khác cũng bắt chước như thế.
Cuối cùng tới Minh Phương. Mặt nàng thoáng bôi một chút phấn, và màu đen của mái tóc thực là óng ả. Trên chiếc áo độn bông của nàng, nàng mặc một chiếc áo chẽn ngắn mới may bằng vải tốt viền mép. Sau khi tỏ lòng tôn kính với Giác Dân, nàng quay lại Giác Tuệ và mỉm cười. Nàng cúi xuống, khẽ cúi chào và gọi tên chàng, "Tam thiếu gia." Giác Tuệ sung sướng đáp lễ lại nàng.
Trong lúc hai người công khai mỉm cười với nhau, Giác Tuệ quên hết quá khứ, và cuộc đời này dường như là một chốn hạnh phúc đẹp đẽ. Dĩ nhiên là chàng cảm thấy như thế, bởi vì khắp nơi trong dinh cơ nhà họ Cao đều vang lên tiếng vui cười. Còn cái thế giới mênh mông bên ngoài những bức tường cao của dinh cơ này, Giác Tuệ không nghĩ tới. Chàng còn quên cả đứa trẻ ăn mày mà chàng gặp tối hôm trước.
Một gia nhân bước xuống bậc thềm đại sảnh và la to, "Hãy đốt pháo!" Một giọng khác tiếp vận lệnh của tên gia nhân đầu tiên. Từ hoa viên bên ngoài giữa nội môn và ngoại môn, từng tràng pháo nổ tung và bay vút lên. Pháo này nổ sau pháo kia, từng loạt bảy tám lần liên tiếp. Pháo đốt hôm nay là quà tặng của bà Trương, mẹ của Ngọc Cầm. Cao Ðại lão gia ngồi trên ghế đặt ở lối đi vào đại sảnh. Ngồi giữa các con dâu, Ðại lão gia nhìn quanh và bày tỏ lời bình phẩm quan trọng cho cuộc trình diễn đầu năm.
Giác Tuệ và các người em họ nhỏ tuổi bước lại đại sảnh trong hoa viên, tại đó mọi người có thể nhìn rõ hơn. Mấy đứa trẻ đã mua được một ít pháo và chờ đợi được đốt lên.
Khi cuộc đốt pháo chấm dứt, những người lớn tuổi trong đại sảnh ra về. Giác Tân và ba người chú ngồi kiệu về nhà để tiếp các thân hữu tới chúc Tết. Giác Tuệ đứng ngoài đại sảnh, xem các người em họ nhỏ tuổi đốt pháo.
Trong phòng của Cao Ðại lão gia, Bà Châu, bà Trương, và bà Vương đã bắt đầu chơi mà chược. Trần Di Thái chát bự phấn vừa thay chiếc xiêm hồng, ngồi bên cạnh Ðại lão gia, để giúp lão già chơi mà chược. Các bà già giúp việc và nô tỳ đứng quanh cạnh chủ để đổ thêm nước vào ống điếu và hầu trà.
Thụy Giao, Thục Anh, Thục Hoa và bà Thẩm chơi mà chược trong phòng của Giác Tân. Vì là chủ nhà, nàng nhường cho Giác Dân, nhưng chàng từ chối, và chỉ bằng lòng đứng sau lưng Thụy Giao để xem nàng chơi. Rồi chàng bỏ ra ngoài.
Thay vì quay trở về phòng riêng, Giác Dân nhập bọn với Giác Tuệ và các người em họ còn nhỏ bên ngoài đại sảnh. Giác Tuệ khởi sự đốt loại pháo đặc biệt của các em họ. Một trái lửa bắn vọt lên mái nhà, rồi biến mất trên không như pháo tịt ngòi. Giác Dân bước lại Giác Tuệ và khẽ nói:
"Chúng mình lại thăm Ngọc Cầm đi."
Giác Tuệ gật đầu và hai anh em bỏ đi, không đếm xỉa tới lời cầu khẩn của mấy người em họ còn nhỏ, xin hai người ở lại chờ đốt hết pháo đã.
Trên những cái đà của tiền môn, những cây đèn lồng vẫn còn thắp sáng với ánh lửa đỏ lung linh trong không khí lạnh. Người gác cửa già, ngồi trong chiếc ghế bành đang nói chuyện với một phu khiêng kiệu ngồi trên một băng ghế đối diện, vội trịnh trọng đứng dậy khi hai anh em bước ngang qua.
Bước qua bậc cổng, hai anh em trông thấy một khuôn mặt tối tăm bên cạnh con sư tử đá bên tay phải. Trong ánh sáng lờ mờ của cây đèn lồng, hai anh em không nhận ra được đó là tên gia nhân cũ tên là Cao Thanh. Hai người bước vội ra đường.
Cao Thanh hầu hạ trong nhà họ Cao hơn mười năm. Rồi hắn nghiện thuốc phiện và ăn cắp vài bức tranh của Cao Ðại lão gia đem bán. Khi người ta khám phá ra vụ trộm, hắn bị tù một thời gian. Khi hết hạn tù, hắn lang thang nơi này nơi kia làm nghề ăn xin. Nhưng vào mỗi ngày lễ quan trọng, như ngày Tết, hắn thường trở lại nhà chủ cũ để xin món tiền thưởng mà gia nhân được ban thưởng vào dịp lễ. Quá xấu hổ vì quần áo rách rưới của mình nên không dám bước vào bên trong, hắn chỉ chờ bên ngoài cổng chính cho đến khi gặp được một gia nhân nào đã từng làm việc chung với hắn, nhờ tìm người để bày tỏ lời cầu xin của hắn. Vì lời cầu xin của hắn bao giờ cũng khiêm tốn ít ỏi, và vào lúc chủ cũ đang vui vẻ, hắn thường đạt được ước muốn. Thời gian trôi qua, số tiền cho hắn đã trở thành một tập tục.
Hôm nay, hắn nhận được số tiền nhỏ như thường lệ. Nhưng lần này hắn không ra về ngay. Trái lại hắn nấp sau một con sư tử đá, tưởng tượng đến cái không khí tưng bừng đang diễn ra trong khu dinh cơ mà hắn từng biết rất rõ.
Khi hai anh em Giác Dân và Giác Tuệ bước ra, hắn nhận biết hai người. Hắn đặc biệt nhớ Giác Tuệ rất rõ, bởi vì Tam thiếu gia trước kia thường nằm trên giường hắn, nghe hắn kể chuyện dưới ánh sáng của ngọn đèn thuốc phiện. Hắn muốn bước ra nói chuyện với hai anh em một cách thân thiết. Nhưng rồi hắn thấy quần áo quá rách rưới, và nhớ lại nỗi tủi nhục của hắn, hắn lùi lại và ngồi nấp sau con sư tử đá để tránh không bị trông thấy.
Mãi khi hai anh em đi xa rồi hắn mới đứng dậy và nhìn theo, đôi mắt mờ nước mắt của hắn nhìn theo cho đến lúc hai người ra khỏi tầm mắt. Hắn đứng giữa đường, không màng gì đến cơn gió buốt giá không thương xót thổi qua quần áo mỏng rách rưới phủ trên tấm thân còm cõi của hắn. Một nỗi cơ đơn hắn chưa từng thấy đang gậm nhấm tim hắn, và hắn lơ đãng bước đi, một tay cầm món tiền chủ cũ cho, tay kia ôm lấy ngực.
Trong lúc đó, Giác Dân và Giác Tuệ vẫn bước đi, hồ hởi và vui vẻ, bước lên những xác pháo. Hai người bước đi trên những đường phố yên tĩnh, đi qua những cửa tiệm vẫn còn đốt những cây nến lớn, cho đến lúc tới nhà Ngọc Cầm. Tâm trí hai người là những việc vui mừng, và họ không hề nghĩ tới tên đầy tớ khốn đốn Cao Thanh.
Nhà họ Trương có một bề ngoài lạnh lẽo. Một chiếc đèn dầu cô đơn treo trên cái đà của cổng, bộc lộ sự trơ trụi của cổng.
Tuy không lớn lắm, nhưng khu dinh cơ này có ba gia đình ở chung. Chủ nhân của hai gia đình là những goá phụ, và chỉ có vài đàn ông lớn tuổi trong toàn thể cái dinh cơ này, do đó cuộc sống ở đây rất yên tĩnh. Ngay ngày Tết như hôm nay cũng chỉ náo nhiệt hơn ngày thường đôi chút.
Và gia đình nhà họ Trương là gia đình yên tĩnh nhất, bởi vì chỉ có một mẹ và một con gái. Ngọc Cầm cũng có một bà nội nữa, nhưng bà ta sống trong một tu viện của chùa và rất ít khi về nhà. Gia đình có hai người đầy tớ, một đàn ông và một đàn bà, đã hầu hạ gia đình trên mười năm.
Khi hai người bước vào hoa viên phía đông là nơi ở của nhà họ Trương, tên đầy tớ bước ra chào. Ðứng bên ngoài cửa sổ của bà Trương, hai người gọi, "Cô Cô!" và nghe thấy tiếng trả lời của bà. Rồi hai người bước vào và quỳ gối trước mặt bà và nói, "Lòng tôn kính của các cháu cho Cô Cô vào ngày Tết." Mặc dù bà phản đối sự lễ phép ấy là "không cần thiết", nhưng đã quá trễ để ngăn chặn hai người. Ngọc Cầm cũng bước vào, và hai anh em chắp tay và cúi đầu chào nàng theo đúng nghi thức. Bà Trương mời hai anh em vào phòng khách gia đình, trong khi chị Lý, người giúp việc đi pha trà.
Bà Trương cho biết Giác Tân và chú Khắc Minh cũng đã đến chúc Tết bà, và đã ra về từ sớm. Hai người nói chuyện với bà Trương một lúc và mời bà đến ở chơi nhà họ Cao trong dịp Tết. Nhà họ Cao chính là căn nhà thời thơ ấu của bà. Bà Trương cho biết trước hết bà phải dẫn Ngọc Cầm đến chúc Tết bà nội trong tu viện, và bà sẽ đến nhà họ Cao vào ngày mùng hai. Bà chỉ có thể ở lại vài ngày thôi, bởi vì bà yêu thích sự yên tĩnh, nhưng sẽ để Ngọc Cầm ở lại thêm vài ngày. Ðiều này làm hai anh em rất vui thích. Ngọc Cầm mời hai anh em tới phòng nàng một lát.
Hai người rất đỗi ngạc nhiên thấy một người con gái khác trong phòng, một người con gái mảnh mai, mặc áo chẽn bằng sa tanh trên một chiếc áo choàng bằng lụa xanh, đang ngồi cạnh giường đọc sách bên ngọn đèn dầu. Người con gái ngẩng lên khi nghe tiếng bước chân, rồi buông sách xuống và đứng lên.
Hai anh em nhìn người con gái đăm đăm, không nói nên lời.
Ngọc Cầm ngạc nhiên hỏi, "Hai anh không nhận ra cô ấy ư?"
Người con gái mỉm cười với hai người, một nụ cười buồn bã làm sâu thêm nếp nhăn trên trán, môt đường nhăn làm nàng đẹp hơn, và cũng làm tăng thêm vẻ buồn bã.
Giác Tuệ nhăn nhó trả lời, "Dĩ nhiên là nhận được Lệ Mai chứ." Người con gái này đã để lại một ấn tượng vĩnh viễn cho hai anh em. Thời gian trôi qua rất nhanh, thế mà nàng ở đây trước mặt hai người, vẫn đẹp và buồn như bao giờ, vẫn còn mảnh mai với cùng một mớ tóc dài và đôi mắt trong suốt. Bây giờ chỉ có nếp nhăn trên trán là sâu hơn trước, mái tóc dài của nàng cuốn lên thành búi như một người đàn bà, và mặt nàng chỉ phớt nhẹ một làn phấn. Hai anh em không ngờ gặp nàng tại đây.
"Các anh khỏe chứ? Ðã lâu lắm rồi!" Mặc dù lời nói của nàng bình thường, nhưng Lệ Mai phải cố gắng lắm mới nói lên được.
"Tụi tôi đều khỏe cả. Còn Lệ Mai thì sao?" Giác Dân nồng nhiệt trả lời. Chàng cố tươi cười.
"Tôi vẫn vậy. Ngoại trừ vài năm gần đây tôi trở nên dễ xúc động. Tôi rất dễ xúc động; tôi không biết tại sao." Lệ Mai nhíu mày. Nàng vẫn còn là một cá tính khó chịu. Nàng nói thêm, "Tôi bao giờ cũng ở về phía buồn bã."
Giác Tuệ lên tiếng, "Hoàn cảnh có thể làm thay đổi, nhưng cô không khác xưa mấy."
Ngọc Cầm xen vào, "Tại sao mọi người không ngồi xuống. Cứ đứng như thế để làm gì? Chỉ vì không gặp nhau hai năm mà có cần phải khách sáo không?"
Mọi người đều ngồi xuống; Ngọc Cầm ngồi cạnh Lệ Mai trên giường.
Lệ Mai nói, "Tôi thường nghĩ đến các anh sau khi chúng ta xa nhau. Mấy năm gần đây là một cơn ác mộng đối với tôi. Hà, bây giờ xong cả rồi, và tôi chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng." Rồi nàng vội nói chữa lại, "Không, tôi chưa tỉnh mộng. Ai biết khi nào tôi thức dậy? Tôi chẳng có gì để hối tiếc cả. Tôi chỉ buồn tiếc tôi đã ngăn cản hạnh phúc của người khác."
Ngọc Cầm vỗ vai Lệ Mai và nói, "Lệ Mai ơi, chị không cần phải bi quan thế. Chị vẫn còn trẻ. Ai có thể nói trước tương lai sẽ đem lại gì? Hạnh phúc sẽ đến với chị. Không cần phải u sầu như vậy! Chúng ta đang bước vào một thời đại mới. Thời đại này có thể đem lại hạnh phúc cho chị." Ngọc Cầm tươi cười nói thêm vài lời nhỏ vào tai Lệ Mai.
Mặt Lệ Mai đỏ hồng lên, và hàng lông mày của nàng dãn ra. Một nét sáng rỡ hiện lên trên mặt nàng. Nhìn Ngọc Cầm, nàng vuốt lại một lọn tóc. Nhưng nét mặt nàng lại trở nên u ám, và nàng nói với Ngọc Cầm với một nụ cười buồn bã:
"Tôi nghĩ lời Tam ca nói có nhiều ý nghĩa - Hoàn cảnh có thể làm thay đổi. Hoàn cảnh của chúng ta khác nhau. Tôi không thể giống các anh. Tôi không theo kịp thời đại thay đổi. Tất cả đời tôi chỉ là một trò chơi của Số Phận. Tôi không bao giờ được phép tự quyết định một việc gì. Tôi có hy vọng gì cho hạnh phúc chứ?" Nắm chặt tay Ngọc Cầm, Lệ Mai nghẹo đầu về một phía và nhìn nàng một cách thán phục. "Tôi chắc chắn ao ước được như em. Em có sự can đảm và sức mạnh. Em không bao giờ để người khác xô đẩy em."
Ngọc Cầm rất vui thích trước sự thán phục của Lệ Mai, nhưng cảm giác thoả mãn của nàng cũng bồng bềnh như một cơn gió thoáng qua. Nàng chỉ còn một nụ cười buồn bã mà những người còn gái phải dùng khi đương đầu với một vấn đề không giải quyết được. Tuy được khen ngợi là "can đảm và mạnh mẽ", bây giờ Ngọc Cầm không còn lựa chọn nào khác hơn là quay về với một nụ cười như thế.
Giác Tuệ nóng nẩy xen vào, "Hoàn cảnh đương nhiên là quan trọng, nhưng chúng ta không thay đổi được hoàn cảnh hay sao? Hoàn cảnh là do người tạo ra, và con người phải liên tục tranh đấu để chống lại hoàn cảnh. Chỉ có chiến thắng hoàn cảnh chúng ta mới chiến thắng được hạnh phúc." Chàng còn nhiều điều nữa để nói, nhưng chàng không nói.
Lệ Mai gợi ra rất nhiều xúc cảm trong lòng Giác Dân - buồn bã, thoả mãn, bạo động, thương hại, và sợ hãi. Không phải chỉ riêng cho Lệ Mai, mà còn cho chính chàng nữa. Tuy nhiên nhìn vẻ mặt cương quyết của Ngọc Cầm, chàng lấy lại được bình tĩnh. Chàng còn tìm được lời an ủi Lệ Mai:
"Trong mấy năm qua, cô đã gặp rất nhiều chuyện không vui, vì thế cô bi quan. Nhưng trong mấy năm sắp tới, nhiều việc sẽ thay đổi và cô cũng thay đổi nữa. Thực ra hoàn cảnh của Ngọc Cầm cũng không tốt đẹp hơn hoàn cảnh của cô, ngoại trừ cô đã lấy chồng rồi - hay nói cô có một cơn ác mộng nhiều hơn Ngọc Cầm. Cũng cùng một thế giới, sự khác nhau là cô nhìn khía cạnh đen tối trong khi Ngọc Cầm nhìn khía cạnh sáng sủa. Ðó là lý do tại sao cô dễ bị đau lòng, trong khi không gì có thể làm Ngọc Cầm ngã lòng."
Giác Tuệ nói, "Lệ Mai ơi, tại sao không đọc một vài cuốn sách mới nữa? Ngọc Cầm có sách mới đấy." Chàng nghĩ sách vở có thể giải quyết được mọi vấn đề.
Lệ Mai mỉm cười buồn bã. Nàng không trả lời ngay, nhưng nhìn mọi người với đôi mắt trong sáng. Không ai đoán được cái gì trong tâm trí nàng. Bỗng nhiên nàng quay lại nhìn ngọn lửa của cây đèn và thở dài. Nàng bắt đầu nói, rồi ngập ngừng và do dự cắn môi. Cuối cùng nàng nói, "Mọi người đều có ý tốt, nhưng vô dụng thôi. Ðọc sách mới thì có lợi ích gì?" Nàng ngưng lại, rồi nói tiếp, "Tất cả không còn cứu vãn được nữa rồi. Dù thời đại thay đổi thế nào, hoàn cảnh của tôi sẽ không bao giờ thay đổi."
Giác Dân không còn gì để nói. Chàng biết rằng Lệ Mai đúng - tất cả không còn cứu vãn được nữa; Lệ Mai đã lấy chồng, và Ðại ca bây giờ đã có Ðại tẩu rồi. Không một thay đổi nào của thời đại có thể đem hai người trở lại với nhau được nữa. Hơn nữa các bà mẹ của hai người đã trở thành kẻ thù của nhau.
Ngay Giác Tuệ cũng bắt đầu nhìn nhận rằng giải pháp cho nhiều vấn đề không có trong sách vở.
Mọi người ngồi im, cố gắng nghĩ ra một lời nhận xét thích hợp. Cuối cùng chính Lệ Mai là người phá tan sự im lặng.
"Tôi mới đọc một vài bài trong tờ tạp chí Tân Thanh Niên của Ngọc Cầm. Dĩ nhiên có nhiều điều trong tờ tạp chí tôi không hiểu, nhưng có nhiều thứ tôi hiểu. Ðây là những bài báo hay. Tôi biết thế vì tôi đã đau khổ. Nhưng đọc những bài báo ấy chỉ làm tôi thấy khó chịu. Họ nói về một thế giới khác, một thế giới không có liên hệ gì với tôi. Mặc dù tôi thán phục thế giới ấy, tôi biết tôi không bao giờ với tới được. Tôi cảm thấy như một kẻ ăn mày đứng bên ngoài tường hoa viên của một nhà phú hộ và nghe thấy tiếng cười bên trong, hoặc ngửi thấy mùi thơm của thịt nấu nướng khi tôi đi ngang qua một tiệm ăn. Thực là hoàn toàn tuyệt vọng!"
Nếp nhăn trên trán Lệ Mai hằn sâu. Nàng rút ở ngực ra một khăn tay và ho vào khăn vài lần, rồi mỉm cười thương tiếc. "Tôi gần đây ho nhiều lắm. Ban đêm tôi không ngủ được. Tim tôi làm tôi đau đớn."
Ngọc Cầm năn nỉ, "Lệ Mai ơi, hãy quên quá khứ đi." Nàng gần như muốn khóc. "Tại sao tự hành hạ mình? Chị nên săn sóc sức khỏe nhiều hơn nữa. Trái tim chúng tôi cũng đau đớn khi thấy chị như thế này."
Lệ Mai mỉm cười nhìn Ngọc Cầm và gật đầu biết ơn, nhưng giọng của nàng vẫn buồn bã.
"Em biết hoàn cảnh của tôi mà. Tôi không thể nào quên được quá khứ. Nó dường như khắc sâu vào tim tôi. Em không biết những ngày đã qua tôi sống thế nào. Nhà tôi cũng rất giống nhà em, ngoại trừ ngoài mẹ tôi ra tôi còn một người em trai nữa. Nó đang bận học thi vào trường; mẹ tôi thì hoặc là chơi mà chược hoặc là đi thăm bạn bè. Tôi ở nhà một mình. Tôi ngồi đọc thơ, mà không có một người nào tôi có thể kể về mối ưu tư của tôi.
"Tôi trông thấy hoa tàn và khóc. Trăng tàn cũng làm tôi thương cảm. Mọi thứ đều gợi nhớ những ký ức đau khổ. Tôi đã rời bỏ nhà chồng một năm rồi và trở về sống với mẹ tôi. Có một cây bên ngoài cửa sổ tôi trồng ngày tôi đi lấy chồng. Lúc ấy cây đã có hoa, nhưng ngày tôi trở về, cành cây đã trơ trụi. Tôi thường nghĩ cái cây ấy tượng trưng cho tôi. Cách đây mấy đêm có một trận bão, và tôi nằm trong giường, không thể ngủ được. Tiếng mưa rơi không ngừng trên mái ngói và cửa sổ. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi nghĩ đến mấy câu thơ:
Gió mưa gọi quá khứ về tim
Mơ hồ như một giấc mơ xưa.
"Em có thể tưởng tượng tôi cảm nghĩ thế nào! Ngày mai, ngày mai - mọi người đều có ngày mai, nhưng tôi sẽ có một ngày mai như thế nào? Tôi chỉ có ngày hôm qua. Những gì của ngày hôm qua là những chuyện thương tâm, nhưng đó là tất cả những gì tôi có để an ủi tôi."
Bỗng nhiên giọng của Lệ Mai thay đổi, và nàng hỏi hai anh em Giác Dân, "Ðại ca thế nào? Có khỏe không?"
Hai anh em rất cảm động, lắng nghe nàng nói, và sự thay đổi thái độ đột ngột này làm hai người ngạc nhiên. Cuối cùng Giác Tuệ, ngươi nhanh trí hơn giữa hai anh em, cố gắng trả lời ngắn ngủi.
"Không tệ lắm. Ðai ca nói anh ấy trông thấy Lệ Mai hôm nọ."
Chỉ mình Lệ Mai mới hiểu được ý nghĩa này. Ngọc Cầm và Giác Dân trợn mắt nhìn Giác Tuệ.
"Ðúng vậy, chúng tôi đã gặp nhau. Tôi nhận ra anh ngay lúc vừa trông thấy. Anh trông hơi già hơn. Có lẽ anh giận tôi đã tránh né anh. Tôi muốn nói chuyện với anh lắm chứ, nhưng tôi sợ sẽ khuấy động những kỷ niệm cũ. Cả anh và tôi cũng sẽ bị đau khổ. Hơn nữa, lúc ấy mẹ tôi có ở đó. Anh tới đây một lúc rồi. Tôi nghe thấy giọng nói của anh, nhưng tôi sợ nhìn anh qua khe cửa. Mãi khi anh ra về rồi tôi mới dám liếc nhìn vội khi anh bước đi."
Giác Tuệ nói, "Tôi chắc anh ấy không tức giận đâu."
Ngọc Cầm khuyên can, "Ðừng nói thêm về chuyện này nữa. Tôi sợ chị cảm thấy cô đơn vào ngày Tết nên mời chị đến đây. Tôi không ngờ chỉ làm chị nhớ về quá khứ. Lỗi của tôi đã dẫn hai anh em Giác Dân vào thăm chị."
Dần dần nỗi buồn của Lệ Mai lắng dịu. Dù lông mày của nàng vẫn còn cau lại, nhưng mặt nàng tươi tỉnh hơn, và nàng mỉm cười. "Không sao đâu. Vất bỏ những chuyện này khỏi tâm trí tôi là điều tốt cho tôi. Ở nhà tôi chẳng có ai nói chuyện. Ngoài ra, tôi thích nói về ngày xưa."
Rồi nàng hỏi anh em Giác Dân nhiều câu thăm hỏi về Ðại ca và Ðại tẩu của hai người.
Dòng Thác Cuốn Dòng Thác Cuốn - Nguyễn Vạn Lý Dòng Thác Cuốn