Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tản Mạn Cuối Lời Kết
. Lúc nửa đêm
Nửa đêm, bệnh viện chỉ còn ánh điện mờ mờ trong phòng bác sĩ trực ca. Vết thương đã dịu hơn mọi ngày nhưng chẳng hiểu tại sao Thăng không ngủ được, cứ nhắm mắt vào là thấy Hữu và những người đồng đội nối hàng nhau hành quân về cánh đồng. Thăng nghĩ chắc mình bị quá khứ ám ảnh., Thăng khẽ tự ngồi dậy men ra chỗ cửa sổ ngồi. Đêm càng tĩnh lặng Thăng càng thấy mình bé nhỏ, nó chả khác gì hạt bụi, hạt cát bên triền sông, khe suối. Thế mà một thời Thăng cứ vung tay chém gió thay mặt cho cấp này cấp kia bắt mọi người phải một phép nghe theo. Lúc ấy Thăng chỉ thấy mình to lớn, chói loà. Những ý kiến trái ngược Thăng thường cho là tàn dư ma quái, nó chả khác gì những con đom đóm hoang dại nhập nhòe ở khắp bụi bờ ngoài kia. Bây giờ ngồi đây, trước ô cửa này nhìn ra ngoài cánh đồng, đêm mênh mông thế, cánh đồng rộng lớn thế, những con đom đóm cứ rờn tít lên cao rồi lại tự sa xuống mặt cánh đồng rồi đậu nhập nhòe quanh các bờ bụi, có con to như những cái bóng đèn cứ rập rờn quanh khu mộ nhà Hữu. Đêm đêm trên cánh đồng những con đom đóm vẫn nhập nhòe tỏa sáng như thế. Nhìn những con đom đóm nhập nhoè, Thăng lại hình dung ra những cái chai đèn và bó roi cật nứa vẫn để cạnh án thờ phía dưới bức tượng Hữu. Cái chai đèn tự nói với Thăng chính cái ánh sáng nhập nhòe Thăng từng cho là ma quái ấy đã tỏa sáng tâm hồn Hữu, Hữu đã biết soi vào đốm sáng nhỏ nhoi ấy để tìm con đường đến với ban mai, để Hữu dám sống, dám chết và dám tái sinh ra sự sống trong hoàn cảnh phải chết!... Điều kỳ diệu và bất diệt đó là thằng cu Nghị, là cái bệnh viện của Dần bây giờ. Chính nhờ có cái bệnh viện này mà cái Trầm đứa con gái duy nhất của Thăng cũng được tái sinh... Điều đó chứng tỏ sức tỏa sáng từ những con đom đóm mới là mãnh liệt, nó không giống như bó đuốc sáng rực giữa con đường nhưng nó có sức chiếu dọi để con người ta nhìn rõ những đường tơ mạng nhện giăng mắc khắp ngõ ngách làm cản trở bước chân người đến ban mai!... Nguồn sáng trong đôi mắt Hữu đã tích tụ từ những đốm sáng ấy để đi, để đến, để chết! Chính vì vậy khi chết rồi tâm hồn Hữu đã góp thêm lửa vào con đom đóm để nó thêm lấp lánh và mãi mãi kỳ diệu trong tâm hồn mỗi con người. Cái bệnh viện của Dần ngày hôm nay đang nói lên điều ấy. Sau cuộc chiến biết bao nhiêu lộn xộn, lòng người lập lờ đen trắng, sẵn sàng giẫm lên nhau vì những quyền lợi của riêng mình. Nếu như tâm hồn Dần không tích tụ được những điều giản dị thiêng liêng từng ánh lên trong cái chai đèn đom đóm chắc Dần cũng chụp giật được một vị trí để yên thân ở một cái bệnh viện nào đó rồi với khả năng lại có bằng sắc chuyên môn cao Dần cũng sẽ to dần lên hoặc tiêu lụi đi giữa đám người bon chen ấy. Dần đã thoát ra được, thoát ra từ tinh thần độc lập của mình và cái tinh thần ấy từng được âm thầm bén lên, cháy lên từ cái chai đèn những năm tháng chia ngọt xẻ bùi với Hữu! Họ cùng sinh ra trong nhọc nhằn, lớn lên từ nhọc nhằn gian khổ, hy sinh nên họ đã sống, sống đoàng hoàng cuộc sống của con người. Cái bệnh viện của Dần tự chứng minh điều đó. Cơ nghiệp của Dần hôm nay là hình thù từng nhen nhóm trong trái tim khát vọng của Hữu, từng luôn đối lập với Thăng từ ngay trong những ngày nóng bỏng của cuộc chiến. Ngồi đây, ngay dưới cái bệnh viện này nhìn ra cánh đồng kia Thăng càng thấy sự lấp lánh diệu kỳ trong những cái chai đèn đom đóm đã thắp sáng tuổi thơ và làm nên một tâm hồn nhân hậu, lì lợm như đá tảng của Hữu. Tại sao bây giờ Thăng mới nhận ra điều này? Thăng thút thít khóc một mình. Cái vết thương bọn lâm tặc phang vào chỗ gióng chân lại nhói lên. Thăng khẽ bo lấy và đôi bàn tay mềm mại như có phép thánh của bà má lúc xử lí vết thương cho Thăng lại hiện ra. Thăng càng hiểu nếu như không có má thì Thăng sẽ trở thành một thằng què, ngay trong thời bình!... Cám ơn sự lưu lạc của Hữu đã đưa má về đây cùng với Dần làm lớn to thêm cái uy tín của bệnh viện, là cái núi cho đám người nghèo tựa vào khi trời có phong ba bão táp, làm lành lại hình hài và mở ra trong tâm hồn Thăng những chân trời tươi đẹp. Thăng nghĩ đến cái Trầm, ngày mai nó cũng thành bác sĩ, nó sẽ là đồng nghiệp của má, của Dần và nếu trời cho nó với thằng Nghị thành đôi lứa, Thăng sẽ bán cả cánh rừng của mình để được đóng góp vào việc mở mang cái bệnh viện này. Ngày ấy sẽ thành hiện thực và Thăng hình dung ra con đường thằng Nghị đang về. Ngày mai nó sẽ có hai mảnh bằng đại học. Một bằng Nông nghiệp, một bằng của trường viết văn Nguyễn Du. Đương nhiên nó sẽ thạo nghề trồng lúa, những cánh đồng sẽ là người mẹ ôm ấp nuôi dưỡng, tạo thế để nó trồng cấy sinh sôi thêm những mùa màng và nuôi dưỡng tâm hồn nó viết lên những trang văn, những trang văn của làng quê có gió nắng đồng làng và mùi thơm rơm rạ... Những trang văn ấy sẽ xòe thành bóng mát che nắng, che mưa và luôn lấp lánh như ánh lân tinh kỳ diệu tỏa ra từ con đom đóm ngàn ngàn đêm sáng giữa đồng làng soi tỏ những mơ ước, khát vọng cho những dân thường trên con đường đến ban mai. Nó là mầm sống bất diệt của Hữu đã được Dần bảo vệ, giữ gìn qua mọi hoàn cảnh, nó sẽ làm được mọi việc. Bởi trong tâm thức nó luôn lấp lánh ánh lân tinh từ cái chai đèn của bố Hữu đã soi tỏa tâm lòng mẹ Dần để sinh nở và nuôi lớn nó đến giờ!... Nghĩ vậy Thăng cũng không còn băn khoăn việc nó đi tìm hài cốt những người thân của bà má đưa về khu mộ của gia đình nữa. Thăng nhận ra đó là việc phải làm. Bà má đã cứu sống và cưu mang Hữu, đưa Hữu về đây, bây giờ chính bàn tay má lại đang làm lành vết thương của Thăng do bọn lâm tặc gây ra. Là con người từng chịu áp lực của chiến tuyến chiến tranh nhưng má đã giữ được tấm lòng của người thầy thuốc, người mẹ Việt. Và bây giờ má ra đây với Dần vẫn bằng tấm lòng của một thầy thuốc chỉ có một điều giúp đỡ và cứu sống đồng loại. Là kẻ sống sót sau cuộc chiến tại sao bây giờ Thăng mới vỡ ra điều này! Thăng lặng nhìn ra cánh đồng, những con đom đóm vẫn nhập nhòe sáng khắp các bụi bờ, những con đom đóm ấy đã tỏa sáng tâm hồn và làm nên khát vọng của Hữu. Ấy thế mà một thời Thăng vẫn cho nó chỉ là ma quái tàn dư. Thăng từng vận động hết sức tỏa của cái bó đuốc lí tưởng Thăng ấp ủ để xua đuổi những tàn dư đó. Thế mà nó vẫn lấp lánh sáng!... Mà chính nhờ nó Thăng mới nhìn rõ được mình. Thăng ôm mặt khóc và nhận thấy những lời Hữu từng đanh thép với Thăng trong những ngày khói lửa trên chiến tuyến là có thật. " Tư duy như thế nếu là kẻ sống sót sau cuộc chiến không những anh cũng chỉ là giặc, mà anh còn kéo theo một thế hệ làm giặc nữa, đám giặc ấy còn tàn nhẫn hơn đám giặc đang lố nhố trước ta bây giờ!... " Đúng sau cuộc chiến Thăng đã từng góp phần làm giặc gây thêm nhiều tang tích cho những cánh đồng đã được những người ngã xuống trong cuộc chiến giành giật về cho mẹ! Thăng lại ôm mặt khóc. Ngoài cánh đồng những con đom đóm vẫn nhập nhòe bay lên. Trong phòng trực bà má và cô y tá vẫn thức, dường như má nghe được từng nhịp thở của mỗi con bệnh đang điều trị ở cái bệnh viện này và cả tiếng đập trong trái tim Thăng nữa! Đời làm thầy thuốc má đã chữa lành bao vết thương cho con người nhưng đã mấy ai biết được vết thương trong lòng má ngoài vợ chồng con cái Hữu! Thăng vò đầu đau đớn, cái cột sóng trên dòng sông Máu năm xưa lại duềnh lên cuốn Hữu trôi đi và câu chuyện má kể lúc vớt Hữu từ cái bè rác nơi bến sông đưa về xóm Núi Khuất! Hữu ở đấy và cái vuông đất chỗ Hữu yên nằm lại chính là bàn tay má nâng niu đặt Hữu xuống rồi lại đưa Hữu về đây. Đời Hữu mãi mãi gắn bó với cánh đồng. Cánh đồng! Dù ở trong kia, ngoài này, đêm đêm vẫn lấp lánh sáng lên ánh sáng kì diệu của những con đom đóm!... Chính ánh sáng nhỏ nhoi này đã thắp sáng lại đời Thăng và nó mãi mãi là đốm sáng lấp lánh của cánh đồng để con cái nhìn vào đó mà đi về với ban mai. Nghĩ vậy, Thăng không còn bị cái bó đuốc rực sáng ám ảnh trong đầu mình nữa. Thăng vịn tay vào song cửa và nghĩ phải làm một bản kiểm điểm thật nghiêm túc trước cánh đồng Mẹ và linh hồn Hữu!
2. Dưới cánh đồng
Người làng Thông đứng vòng trong, vòng ngoài quanh khu mộ nhà Hữu. Sau lời điếu trọng thể của Thăng, bà má và Dần nhẹ nhàng đặt hài cốt của các thân nhân xuống đất cánh đồng. Giữa nghi ngút nhang khói người ta nhìn thấy hiện lên hình ảnh hai cha con người lính giải phóng cùng cúi xuống nâng ba người lính ngụy đứng dậy. Ba người lính ấy cùng gù dưới chân họ, không biết tại sao những làn hương cứ loang ra lan rộng khắp mặt cánh đồng. Thăng bàng hoàng đứng lặng, chợt bên tai Thăng vẳng câu hỏi khô cằn:
- Những người thân của bà lang có ba đứa là lính ngụy sao cũng đặt cùng khu mộ với đồng chí Hữu! ễng thiếu tá chính trị viên tính chi chuyện này?
Thăng tròn mắt nhìn thì nhận ra đó là ông bí thư đảng ủy xã. Thăng lóng ngóng chưa biết cắt nghĩa việc này thế nào cho có ngành ngọn thì giọng thằng Nghị rạch ròi:
- Bác Nguyên còn chưa tỏ hết việc nhà cháu rồi. Bác nhớ đây là khu mộ nhà cháu. Bố cháu đi đánh Mỹ, lúc lâm nguy trận mạc nội cháu cưu mang. Bố cháu nhận Nội là má và cũng được nội coi như con đẻ thật. Giờ nội cháu tìm thấy mẹ con cháu và đưa bố cháu ra ngoài này. Cả nhà được đoàn tụ. Dương thế nào thì âm phải thế. Gia đình cháu phải đón những người thân của nội cháu ra đây là lẽ thường tình. Bố cháu là con của nội, đương nhiên các chú ấy phải là em, bố cháu nằm đâu các chú ấy phải gần đấy. Còn tội tình! Trần thế cũng đã rạch ròi. Con người sinh ra từ đất, chết lại về với đất cả! Cánh đồng quê ta bao dung mà!...
Nghị ngừng lời khẽ kéo vạt áo lau mặt. Ông Nguyên đảo mắt nhìn. Giọng ông ấp úng!
- Là, là bác chợt nghĩ thế chứ... - ễng quay lại nắm tay Thăng, giọng ôn hòa - Tôi, tôi buột miệng làm chạm đến chỗ yên tĩnh của đồng chí Hữu!...
Ông đừng nghĩ ngợi...
- Tôi có việc phải về không ở lại chia chén rượu nhạt được với toàn gia.
Ông nắm chặt tay Thăng rồi lặng lẽ rút ra khỏi đám đông. Thăng vẫn tần ngần nhìn theo. Dần chép miệng bảo:
- Ngôi mộ của chồng má bà con trong ấy chỉ ngụp xuống lòng sông chỗ bến Hận Thù giặc ném ổng xuống vốc lên nắm phù sa! Tôi đặt thêm chai nước má hằng cất giữ vào tiểu sành vậy là ổng đã về đây rồi. Còn ba chú khi đưa hài cốt lên xe bà con trong ấy đều rút khăn lau mắt và cầu cho nó được siêu thoát. Gió nắng đồng nội sẽ xóa đi tội lỗi của chúng nó những ngày còn ở trần thế để linh hồn chúng nó được hòa vào sắc xanh của cánh đồng cùng reo lên bài ca thanh bình của con cháu nay mai...
Chị đưa ba nén nhang cho Thăng. Thăng lặng lẽ thắp ba nén nhang và vái ba lễ trước khu mộ. Trong mắt Thăng tự nhiên lại lấp lánh sáng lên ánh lân tinh từ cái chai đèn đom đóm. Ánh sáng ấy bắt vào nắng trời buổi sáng từ trên đỉnh núi Châm tỏa xuống cánh đồng loang loáng, trong vầng sáng ấy người ta nhìn thấy dáng hình Hữu hiện ra ngời ngợi.
3. Hồi âm
Câu chuyện về Hữu và những người thân nhân được kể lại trong những trang tiểu thuyết “Phía chân trời" của nhà văn trẻ Thành Nghị như huyền thoại, cổ tích nhưng lại có lai lịch, địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Nhiều người như bị hồn cốt câu chuyện nhập vào ám ảnh. Thế là họ lần mò theo cái địa chỉ câu chuyện về đến tận làng Thông. Đến nơi ai cũng ngỡ ngàng khi gặp một hiện thực lại rất giống những hư cấu trong trang tiểu thuyết. Có người lại gặp may được bà má chữa cho khỏi những bệnh mãn tính mà bấy nay phải sống chung lại không mất mấy tiền bạc, khi chia tay má và mọi người ở bệnh viện cứ ngửa tay khóc nức nở!... Trong đám người tìm về ấy có một ông béo nục, da dẻ đỏ như gấc chín. Ông dừng xe ngay chỗ cái biển đề: Bệnh viện Dân thường. Lúc ấy bóng chiều đã buông qua bên kia núi Ái, sương nhòa tím phủ xuống cánh đồng. Bước ra khỏi xe, ông vuốt tay ngược trán nhìn ra cánh đồng, tự nhiên ông ngã khuỵu xuống. Đám người trong xe túa ra, họ vực ông dậy và nhanh chóng đưa ông vào phòng cấp cứu. Sau những giờ hồi hộp chờ đợi, cánh cửa phòng cấp cứu cũng mở ra, đám người sấn đến vây quanh. Giọng bác sĩ dịu lành:
- Mọi người bình tâm, bệnh nhân qua được nguy hiểm rồi. Ai là thân nhân vào phòng trực làm thủ tục nhập viện...
- Vâng, vâng cám ơn bác sĩ.
Người đàn bà đeo cái túi đen bước theo bác sĩ. Bà tần ngần lấy ra quyển sổ y bạ đặt trước mặt bác sĩ không nói, không rằng nhưng thái độ của bà để người trực phòng hiểu. Chồng bà là cán bộ cấp cao. Dường như người bác sĩ trực cũng chả quan tâm việc này, bởi nơi đây không có khái niệm ấy. Làm xong thủ tục bác sĩ điềm đạm bảo:
- Gia đình cần nghỉ lại, có phòng riêng, tất nhiên không thể đầy đủ bằng khách sạn có sao...
- Vâng, cám ơn bác sĩ, cho tôi hai phòng...
Người đàn bà hiểu được câu nói của bác sĩ. Họ lặng lẽ lấy đồ đạc đi theo. Trời cũng bắt đầu tối, gió sông Lô dìu dịu thổi đẩy bầu trời quê lên tít những vì sao. Ngoài cánh đồng những con đom đóm cũng bắt đầu nhòe sáng vẽ ra phong cảnh đêm đồng quê vừa yên ả vừa thơ mộng. Trong phòng khách mọi người cũng say dần vào giấc ngủ, chỉ riêng người đàn bà thì cứ thấp thỏm, mơ màng. Một phần vì lạ lẫm giữa cảnh quê hoang dã, cái bệnh viện giữa chốn đìu hiu này làm sao đảm bảo cho ông an toàn. Ngữ ông mà phải nằm đây là bất đắc dĩ, tội lắm! Một phần bà phải băn khoăn vì những ngôn từ vừa giao dịch với người bác sĩ trực, bà sợ họ giận. Bà khẽ rén ngồi dậy vịn tay vào song cửa. Thấy ánh đèn ở phòng cấp cứu sáng lại có tiếng người thủ thỉ, có lúc bà nghe rõ cả tiếng ông. Bà rén chân men đến gần, câu chuyện trong phòng lọt ra ngoài mồn một:
- Tùng lần về quê là vì đọc được cuốn tiểu thuyết, nghĩ tiểu thuyết là chuyện họ bịa ra, nhưng nhân vật Hữu lại giống như bộ phim cứ gợi ra trước mắt Tùng cái nong rách và mấy đứa (Hữu, Dần, Tùng, Phú ngày xưa) đang chụm đầu quanh cái chai đèn đom đóm nghe Hữu giảng bài toán khó. Kí ức làm Tùng quên phố phường, chán ngán phố phường và cứ thẩn thơ nhớ quê nhà! Nhớ các bạn. Thế là hồn vía như có ma rủ Tùng về đây. Một phần để thăm quê, đi xa cũng ngót bốn mươi năm rồi, một phần cũng để giải tỏa những điều Tùng phân vân, nghi ngờ về những con người trong cuốn tiểu thuyết. Ai rày về đây tất cả lại là sự thật! Mà sự thật ấy lại chính là Dần... - Giọng Tùng ngơ ngác
- Tùng đừng thấy lạ, thế hệ chúng ta đều là tiểu thuyết cả. Chuyện ở trong tiểu thuyết cũng là chuyện ngoài đời, có chuyện ở ngoài đời thì mới có tiểu thuyết. Nhân vật của nhà văn là in từ ngoài đời vào tiểu thuyết thôi mà. Nhưng Tùng đừng nghĩ Dần là nhân vật trong tiểu thuyết, Dần vẫn là cô gái ngày xưa cùng học trong cái nong rách với Tùng. Còn cái cơ nghiệp này là của Hữu đấy, nó được sinh ra từ ánh lân tinh của cái chai đèn đom đóm. Bọn mình đã nhìn vào đấy để làm đích đến, lối về.
- Thế bây giờ Dần làm giám đốc bệnh viện này?
- Giám đốc là cho hợp lệ giấy tờ thủ tục thôi, chứ thực tế là mấy má con chung sức làm một việc vì dân thường thôi!
- Má nào?
- Người nuôi giấu Hữu và mang lại sự thật cho mẹ con Dần. Hoàn cảnh má kẹt lắm, từ ngày tìm thấy mẹ con Dần má mới được thanh thản. Dần đón má ra đây ở. Má là bác sĩ đông y từ thời Mỹ Ngụy cơ. Có má bệnh viện phối hợp được đông tây y thuận lợi cho người nghèo nhiều hơn. Chuyện về má dài lắm Tùng cứ đọc lại cuốn tiểu thuyết sẽ biết rõ hơn. Còn bây giờ thì nằm im, Dần đo lại huyết áp xem.
Miệng nói, tay làm, Dần đặt cái ống nghe lên mạch cánh tay rồi quấn máy đo huyết áp. Việc xong Dần bảo:
- Huyết áp Tùng cao, có lẽ bị choáng, bây giờ ổn rồi nhưng rất cần sự yên tĩnh...
- Cứ để mình nghỉ ở đây.
- Được thôi...
- Để anh ở đây sao được? - Vợ Tùng đẩy cửa bước vào, giọng khô khốc.
- Tùy chị.
- Giọng Dần thản nhiên và nhẹ nhàng đứng dậy. Căn phòng bệnh chỉ còn lại vợ chồng Tùng. Giọng vợ Tùng vẫn khô khốc:
- Mình phải về bệnh viện thành phố chứ. Bệnh tình của mình ở đây đảm bảo sao được. Vả bệnh viện tư nhân thì có chế độ gì để ưu tiên cho mình...
- Thế bao nhiêu người dân thường ở đây họ có ưu tiên gì!
- Nhưng họ là dân...
- Thôi mình để tôi yên, bác sĩ bảo tôi rất cần sự yên tĩnh! Bao nhiêu năm rồi tôi có được phút nào yên tĩnh đâu.
Tùng thở dài. Trời cũng bắt đầu sáng ra. Các y bác sĩ thay ca vào các phòng bệnh. Tấm lòng của các y bác sĩ đầu buổi sáng tự nói lên chân thực hai chữ "Lương y như từ mẫu". Có lẽ không chỉ Tùng và cả vợ Tùng cũng tự nhận ra điều này. Từ trên đỉnh núi Châm những tia mặt trời rực rỡ cũng bắt đầu tỏa xuống, sóng lúa đồng làng dìu dặt vỗ về. Phía cổng vào bệnh viện người người nối nhau trái quả, hương hoa đi về ngôi nhà phía tả ngạn cái bệnh viện. Tùng ngơ ngác nhìn rồi tần ngần bước ra cửa. Gặp cô y tá, Tùng hỏi:
- Người mang lễ vật đến bệnh viện à?
- Không phải đâu, hôm nay ngày rằm bà con đến thắp hương tưởng nhớ chú Hữu chồng của cô Dần đấy!...
Nói rồi cô y tá cúi đầu đi thẳng. Tùng nhìn theo và như có ai gọi cứ thế Tùng đi về phía ấy. Vợ Tùng cũng rảo bước theo. Tùng bám đám người bước vào ngôi nhà, Dần đang cùng bà má tóc bạc phơ đang cúi đầu đáp lễ mọi người trước án thờ. Tùng đứng lặng khi thấy bức tượng Hữu dưới bàn thờ gia tiên đặt ngay cạnh những cái chai đèn đom đóm và bó roi cật nứa hắt ánh sáng lấp lánh xuống ba cái bát nhang đặt thẳng hàng gần đấy. Tùng đứng lặng, nước mắt tự nhiên cứ rớt ra chảy ròng ròng. Giữa khói nhang trong mắt Tùng lại thấy ánh lên đốm sáng từ cái chai đèn đom đóm. Dưới đốm sáng ấy Tùng đọc được những dòng chữ: "Hữu nó sống gần dân thường, chết cũng gần dân thường, lẽ đơn giản đó dân thường thờ cúng nó!...
Tùng giật mình định quỳ xuống vái nhưng không hiểu tại sao chân tay Tùng cứ cứng đờ, bên tai Tùng vẳng lên tiếng người: Mi là ma, ma sao lại cúng vái người!.. "
Tóc gáy Tùng dựng ngược, Tùng vội quay đầu lách khỏi đám đông cắm cổ đi một mạch về chỗ chiếc xe. Người lái xe còn ngỡ ngàng, Tùng đã giục:
- Nổ máy, cứ thẳng phía ma quỷ mà về.
Chiếc xe rồ máy lao vút đi. Sau lưng Tùng những dòng người vẫn nườm nượp nghi lễ đi vào ngôi nhà phía tả cái bệnh viện. Trước cửa cái bệnh viện là cánh đồng- Cánh đồng ngan ngát hoa cỏ. Chỗ ấy Hữu sinh ra và yên nằm giữa bao bọc vòng tay của thôn quê, của những tấm lòng đôn hậu. Nước mắt Tùng vẫn ròng ròng chảy! Chiếc xe vun vút tăng tốc độ. Tùng nhận ra phía chiếc xe đang về là cái hộp nguy nga cao ngất trời, ở trong cái hộp ấy có đầy đủ cao lương mỹ vị được lôi về từ các chốn sơn cùng ngõ hẻm! Nó là máu của đất, của trời Tùng cướp được! Những thứ đó bấy nay Tùng vẫn nghĩ là của Tùng, chỉ Tùng mới có! Nhưng trời lại trêu ngươi Tùng, ngay cạnh những thứ ấy lại là gian buồng có thằng con quýí tử của Tùng nghiện ngập suốt ngày phải xích chân nhốt ở đó! Khát vọng và nỗi đau làm Tùng choáng váng, Tùng soài tay lên thành ghế xe thở dài. Chiếc xe vẫn lao vun vút, giữa loang loáng phường phố trong mắt Tùng lại hiện lên đốm sáng lấp lánh từ cái chai đèn đom đóm. Cái đốm sáng lấp lánh ấy như nói với Tùng: "Hãy dũng cảm viết một bản kiểm điểm thật nghiêm túc về đời mình, làm được việc này khi về phía bên kia linh hồn mới được siêu thoát và biết đâu cái bản kiểm điểm ấy lại có phép bay khắp nhân gian, lại tụ về và hiện ra giữa đời một cuốn tiểu thuyết mới còn hấp dẫn hơn cuốn tiểu thuyết của nhà văn trẻ Thành Nghị mà ông đã được đọc! Còn thằng con nghiện, nó chính là hậu quả sinh ra từ những điều ông sẽ viết trong bản kiểm điểm, ông phải bình tâm lại và đưa nó về chỗ bệnh viện của Dần. Bùn đất cánh đồng và vòng tay sông núi quê hương nâng niu, xoa dịu nó sẽ nảy mầm tươi tốt lại!... "
Tùng rùng người không biết mình mơ hay tỉnh nhưng tiếng người thì vẫn vẳng lên mồn một! Tùng nhắm mắt lại, trong đầu lại ánh lên đốm sáng lấp lánh từ cái chai đèn đom đóm. Nhìn đốm sáng lấp lánh ấy Tùng lờ mờ hình dung được lối về!
Thành Tuyên, 10 năm 2008
Đồng Làng Đom Đóm Đồng Làng Đom Đóm - Trịnh Thanh Phong Đồng Làng Đom Đóm