Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Ba - Chương 1
i trời ơi! Thằng Chính! Lê Chính! Tao tưởng không bao giờ còn nhìn thấy mày nữa. Sao, vẫn sống à?
— Sống chứ! Ông nên nhớ: thằng đế quốc năm lần xử tôi...
— Thôi thôi, chưa phải lúc tổng kết. Đi với tao ngay. Giờ mày ở đâu? Vượt ngục Hỏa Lò đêm Nhật đảo chính rồi lên chiến khu Vần, giành chính quyền ở Yên Bái! Khá lắm! Xứ ủy đang muốn gặp mày đấy. Đi! Nhanh lên!
Một cái choàng vai. Một lực đẩy, một lực hút vô hình và rất mạnh. Lòng Chính lâng lâng.
— Chào Chính — Bí thư Xứ ủy cười rất trẻ — Ông còn đỏ da thắm thịt lắm. Đi Lào Cai nhé. Xứ đã báo cáo với Trung ương... Thời gian gấp lắm rồi.
Thời gian gấp lắm rồi, “Tranh thủ được thời gian là tranh thủ được tất cả". Ai đã nói câu đó nhỉ? Vậy mà mình vẫn nằm đây là thế nào!
Chính choàng dậy. Nhưng Chính lại rập mặt xuống cái sạp vầu. Rét quá! Đầu như bị những cái đai thép xiết chặt. Cơn sốt đến với Chính từ lúc anh còn đang trên mình ngựa đến Bản Lầu, vùng đất của ông thổ ty Lục Đình Hoàng. Anh đã chống trả lại cơn sốt rét bằng nghị lực của chính mình, để tiếp tục công việc họp hành, thuyết phục, đấu tranh, bàn bạc. Ôi! Những cuộc gặp gỡ với ông Hoàng, với thủ lĩnh Man di khai sáng một tổ chức cướp bóc quy mô, với châu úy Vàng Đình tráng... lúc nào cũng phải tỉnh táo để phán đoán, để kịp thời ứng phó với những bất ngờ. Hiểu biết là sức mạnh. Nhưng Chính đã có được những hiểu biết gì về cái đối tượng mà anh đang phải thuyết phục, giáo dục, vận động đâu. Một tháng làm chủ tịch ủy ban nhân dân lâm thời năm ngoái rồi bị bọn Lộc đảo chính, chưa cho anh đủ thời gian. Vấn đề là thời gian! Mà bây giờ thì rõ ràng là thời gian chỉ còn rất ít. Phải nhanh! Đánh xong thắng Quốc dân Đảng còn gấp rút chuẩn bị kháng chiến. Tháng 10 năm 1946 rồi.
Nửa tỉnh nửa mơ, Chính lại tung chăn, ngồi dậy. Nhưng lần này thì như bị một nhát búa đánh trúng đầu, anh ật ngửa xuống sạp, mặt mũi tối sầm. Anh nghe văng vẳng tiếng một người con gái gọi tên rồi chìm xuống, chìm mãi xuống một cái vực sâu đen thẳm.
— A! Cậu Chính! Thật không ngờ gặp cậu ở đây. Trời, sao cậu lại thân tàn ma dại thế này? — Tiếng ai vừa to vừa vang thế. A! Quan phụ mẫu! Quan phụ mẫu huyện Tùng Thiện có bộ râu sư tử cúi xuống với hai con mắt hùm hụp: “Cậu Chính ơi! Sao cậu dại thế! Cậu có phải là bọn dân ngu khu đen đâu! Bố cậu là giáo học. Cậu là quái kiệt trong học sinh lypro! Thế mà lại bỏ đi theo Cộng sản. Chà chà, còn ba ngày nữa thì thi mà lại bỏ đi vô sản hóa! Tôi hỏi, cậu được gì trong cái vô sản hóa này nào? Ừ, thì tôi cũng đồng ý là làm cách mạng. Nhưng cậu xem, dân trí thì dốt nát, ngu hèn, chỉ tranh nhau miếng thịt, miếng xôi. Võ khí thì có dăm ba khẩu súng lục.
Lần này thì Chính dồn sức, đứng vùng dậy và hét thật to:
— Mi lầm rồi. Lương cao bổng hậu của thằng Tây bố thí cho đã làm mi mù rồi. Chúng tao, những người vô sản, những chiến sĩ cách mạng...
Tiếng Chính ngân vọng rồi ngắt quãng. Chao ôi! Chính đang chết hay đang sống? Không! Chính phải sống, phải trở thành một chiến sĩ vô sản thực thụ. Hồng Gai, Uông Bí, những tầng mỏ lúc nhúc những phu thợ, những sinh vật tả tơi, những cánh tay gầy guộc, những ống chân sâu quảng, những thúng than đầy trên những cái đầu lở loét, trụi hết cả tóc. "Sáng ngày vác cuốc trèo non. Tối về mới biết mình còn sống đây". Hồng Gai, Uống Bí dịch tả chỉ mười ngày mà ba ngàn phu chết.
— Thôi, thôi, chưa phải lúc tổng kết đời mình đâu Chính ơi! Đi với tao đã Chính!
Đồng chí thượng cấp nào nói vậy? Đi! Đi tới những vùng đất còn chưa có ánh sáng Cách mạng! Đi! Để tranh đấu, để giải phóng cho giai cấp, cho dân tộc. Đi! Đi tới những vùng chưa có dấu chân người chiến sĩ cách mạng. Đi từ chưa biết đến sự thông hiểu, lấy tri thức và tình cảm cách mạng đã hun đúc trong hơn chục năm hoạt động làm cơ sở cho hành động và triết học để xử lý mọi công việc được đoàn thể giao phó.
Chao ôi! Những điều chưa biết tới còn nhiều lắm! Ở Bản Lâu, cụ phó châu Lục Đình Hoàng mặc áo gấm, ngự trên tấm da hổ, trước mặt là cái hỏa lò, hai bên là hai cô gái đẹp như trong tranh tố nữ đứng hầu. Còn đâu nữa hình ảnh cụ phó châu thất thế, ốm o, run rẩy hôm gặp Chính ở Mường Cang trong khi con cháu dòng họ xin vào gặp để giãi bày, kiện tụng thì quỳ la liệt ở ngoài hiên. Ông cụ tiếp Chính như tiếp một sứ thần. Cái tủ chè của cụ đầy những bình, lọ, chai, những là cao trăn toàn tính, óc khỉ ngâm mật ong, rắn chín loại, tắc kè và chuột bao tử ngâm rượu, cụ mở ra, trịnh trọng rót từng cốc mời Chính. Ông cụ là một thái cực so với Hoàng Văn Chao, Nông Vĩnh Yêng, La Văn Đờ. Ông cụ xin giao phó cả nhân tài, vật lực vùng đất này cho Chính phủ Trung ương. Chỉ xin cách mạng đe nẹt ông Châu Nông Vĩnh Yêng, đừng cho ông ta cậy thế đè ép dân Nhắng quê cụ. Và thiết tha xin Chính ra tay dẹp bọn cướp Man di khai sáng đang lũng đoạn vùng này, nhất là giải thoát khỏi tay chúng hai người cháu, một trai, một gái trong dòng họ Lục của cụ.
Man di khai sáng, Chính đã gặp cái ổ cướp nổi tiếng vùng biên giới này. Thật kỳ lạ! Gửi lá thư khuyên giải cho họ hôm trước thì hôm sau Chính nhận được thư phúc đáp, kẻ viết thư tự xưng là kẻ sỹ muốn được kết giao với người anh hùng. "Xin ngài chớ đi!". Cụ phó châu sợ hãi can ngăn. Nhưng Chính đã tự thân đi vào cái động Mán xa tít đó. Cả cái động Mán mang danh là kẻ cướp đó đã nghênh tiếp Chính trọng vọng như thượng khách. Và Trương Căm, thủ lĩnh mới vượt ngục Quốc dân Đảng về đã rập đầu lễ lạy Chính, xin được giãi bày vài điều tâm tư. Chao ôi! Man di khai sáng là nỗi phẫn uất cùng cực không lối thoát của làng Dao này. "Dân Dao chúng con bẩm thày chánh là dân chúng con đã chết đậu gần hết rồi. Nhà nào còn người sống thì đã bỏ đi cả. Thuế năm nay thày chánh đừng bổ nữa...". Đơn xin còn đây rõ rành nét chữ năm nào.
— Kính thưa quan anh, đệ viết tâm thư mời hội kiến, chẳng ngờ quan anh tự thân tới. Thật là chẳng còn văn kỳ thanh, thật là rõ mặt người anh hùng làm bạt vía quan Châu họ Hoàng, họ La, họ Nông đây rồi. Đệ tôi từ ngày khởi nghiệp, vẫn hằng mong muốn được nương mình dưới cây cao bóng cả, nay xin được làm đệ tử dưới trướng quan anh.
Trương Căm đã chắp tay thành kính ngồi nghe Chính giảng giải về cách mạng. Rồi cả cái động Dao bừng bừng bốc lửa, nghi ngút khói hương làm lễ kết nghĩa tâm giao với Chính, tôn Chính làm đại ca, nhờ quỷ thần làm chứng giám, hẹn với trời đất bỏ nghề lục khấu, đi theo cách mạng, đánh Quốc dân Đảng.
Trả lại hai người cháu của họ Hoàng, Chính lại đi đến vùng đất của châu úy Vàng Đình Tráng. Ông châu úy này phảng phất một chủ soái của nghĩa quân nông dân. Tiếp Chính khi ông vừa đi cày về, vậy mà chỉ loáng sau hai chục trai H'Mông trang bị toàn súng Nhật đã tề chỉnh hàng ngũ ngoài sân.
— Ngài đặc phái viên ạ! Họ Vàng tôi to chứ họ La nó chỉ bằng hạt kê thôi. Nó làm thám tử cho thằng Nhật, thằng Tàu, thằng Mỹ. Nó còn làm khổ dân H'Mông tôi.
Chính lại gặp cái làng H'Mông xanh chót vót trên núi Liên Sơn của lý trưởng Hàn Sảo Long và khi Chính xuống núi, cả làng đã đứng ở mỏm núi vẫy chào, với lời dặn dò vọng vang vách đá: "Chi tu sa! Đừng quên nhé!". Chưa đầy nửa tháng trời, Chính đã qua bao vùng đất mới, gặp gỡ bao sinh hoạt kỳ lạ, giao cảm với bao tâm sự khác thường.
Chính đã quen với những sự kiện bất ngờ. Trong mọi tình huống, anh vẫn giữ được sự mực thước của trí tuệ. Chính trị đòi hỏi một sự hiểu biết sâu xa và tinh vi. Chính trị còn là sự tế nhị. Chính ôn hòa nhưng kiên quyết. Chính chủ động sáng suốt nhưng linh hoạt, dịu dàng.
— Anh Chính! Anh tỉnh rồi...
Cái bờm tóc bồng rủ xuống chấm vào cặp mày, người phụ nữ khẽ reo. Mấp máy đôi môi khô nẻ, mắt Chính he hé. “Thế là làng Nhuần đã thành căn cứ. Trung ương đã cho thêm cán bộ lên...". Ý nghĩ đầu tiên sáng bừng trong óc Chính.
— Anh! Anh ăn cháo rồi em tiêm thuốc cho anh nhé. Khổ quá, anh sốt nóng lắm. Anh mê man suốt hai ngày hôm nay. Em kê ghế lên giường cho anh gác chân để đỡ mỏi nhé.
Châu đang nấu nước tiêm ở cái bếp ngay cạnh chân giường Chính nằm. Cái áo con gái Tày màu chàm đen, vạt dài, cài khuy nách. Cái khăn vuông đen. Trông Châu là lạ. Không giống những ngày ở Hà Nội cũng không giống những ngày vượt rừng lên đây với những câu chuyện dọc đường. "Anh Chính à, dạo làng em đấu tranh đòi địa chủ tăng công gặt: bốn gánh lấy bảy đon, có một anh ở Tỉnh ủy về giải thích: Địa chủ bóc lột giá trị thặng dư của nông dân nên ta phải đấu tranh. Anh Chính à, giá trị thặng dư là gì, hả anh?". Hình như lúc ấy, Đắc đọc lại bài thơ “Tây tiến ca" cắt ngang câu chuyện, anh chưa kịp trả lời Châu. Bao giờ có lớp phải để Châu đi học.
Chính đặt cánh tay lên một cái chăn dạ gấp nhỏ. Mũi kim đâm ngọt vào tĩnh mạch. Người Chính bừng bừng, tê tê.
— Châu học tiêm từ bao giờ thế?
— Em học từ hồi còn ở làng Sủi quê em. Làng em phong kiến lắm. Con gái đố có được đi khỏi lũy tre. Ngày nào cũng ra đồng từ tinh mơ cho đến tối chẫm. Thày em cấm cho đi đâu. Em cùng mấy chị nữa bàn nhau xin đi học lớp y tá — đỡ đẻ ở tỉnh để dễ hoạt động, nghe vậy thày em mới bằng lòng.
Thuốc đang vào cơ thể và những chuyện Châu kể cũng đang nhập vào Chính cái hình ảnh một nữ cán bộ hoạt động ở một làng quê Việt Nam! Ôi! Cái làng Sải bùn lầy nước đọng của châu. Châu đi liên lạc. Châu giả người đi cất rượu, từ Nho Quan về, dưới đáy thùng giả là báo chí lấy ở hiệu sách Nam Đồng thi xã. Làng Sải cũng kỷ niệm một ngày 1 tháng 8, ngày chống chiến tranh đế quốc và tổ chức Tuần lễ 3 L *.
— Phong trào hồi đó sôi nổi lắm, anh ạ. Vừa phổ biến chủ trương đòi hoãn thuế xong là ông lão Tịch phấn khởi quá, vác cái mõ đi rao khắp làng: Mõ này là mõ nhà nghèo... Cốc cốc cốc... Ai là người làm thuê cuốc mướn. Ai là người không tiền nộp sưu nộp thuế... Thì hãy mau mau tối nay ra điếm bàn việc đòi hoãn thuế…
Tiếng mõ cốc cốc vang ròn. Tiếng mõ bay ra khắp vùng đồng chiêm trũng. Vừa đồng trắng nước trong đấy mà đã khô rang, kẽ nẻ nghiêng bàn chân đút lọt ngay được. Tháng ba vào kỳ lúa trỗ, nắng hạn, gió tây thổi ù ù, lúa nghẹn không vào mẩy được. Trong khi ấy, thuế chính tăng hai đồng rưỡi, phụ thu thêm sáu hào là ba đồng mốt. Lại còn xuất sưu bốn đồng. Tiền đâu mà đóng bây giờ! Châu nêu vấn đề. Cả làng hưởng ứng. Châu viết đơn, cả làng ký, ký vòng thúng cho nó không tìm được người ký đầu. Rồi tinh mơ hôm sau cả làng, cả xã kéo lên phủ, giáp mặt với tri phủ, đòi khất thuế đến vụ sau, đòi các chức dịch không được đánh trói, hành thúc dân đinh.
Châu từ những phong trào quần chúng như thế mà hình thành. Châu cũng từ cái gia đình có một ông bố và bà mẹ tháo vát, mưu trí mà hình thành.
— Anh ạ, thuế nhà em tất cả là những mười đồng. Mười đồng là chín chục thúng thóc. Không đủ tiền nộp, thầy em bị trương tuần trói, điệu ra đình. Nhà cửa thì bị tịch biên bán đấu giá. Bọn lý dịch đến. U em cứ ung dung ngồi têm trầu, rót nước mời cả bọn, rồi nhẩn nha: "Các quan về đây tịch biên nhà con. Nhưng con thách đứa nào đến đây mua được nhà này đấy ạ".
Nghiêng đầu trên cái gối vải, Chính khe khẽ cười:
— Bà cụ gan nhỉ?
— Chúng chửi u em. U em cãi lý. Thế mà chúng chịu đấy! U em tính thì hiền hậu mà đối đáp với bọn chức dịch thì đáo để, khôn ngoan có một. Em họp chi bộ ở trong buồng, u em ngồi gác. Có động thì cụ ném cái gậy, chửi: "Cha tiên nhân cái con chó này". Một lần chánh tổng ập vào. Gầm giường có cái thúng để tài liệu. U em vội lấy cái bình tích nước đổ ra mặt nền, rồi la: "Đĩ con, sao để em đái ra nhà thế này". Nói đoạn bê luôn cái ghế ra sân cho cụ chánh ngồi. Cụ chánh này cũng gớm, hết tuần nước mới khề khà dè chừng bắt bóng u em. — "Này bà Hai Tốn, người ta nói nhà bà nuôi cộng sản đấy, bà cứ liệu liệu". Thế là u em làm ầm ĩ lên: "Giê su ma lạy Chúa! Nhà tôi hiền như đất. Họ vu vạ nhà tôi, quan trên sáng như đèn giời mà lại đi nghe họ à!".
Châu dung dị, chân chất vẻ đẹp của một thanh nữ nông thôn.
Tuần hương lại tỏa khói nghi ngút. Ngước nhìn cái bàn thờ mờ mờ tỏ tỏ hình khối chiếc bát hương, lọ hoa, chồng bánh gù, chén rượu, hình ba vị thánh Tam Thanh tai to mặt lớn, phương phi, mỗi vị một vẻ một tài, ông cụ Tẩn Mè Thòn thỉnh hồi chuông cuối cùng. Rồi ông cụ đứng dậy, xoa xoa hai bàn tay, nét mặt thật đầm ấm, khoan hòa.
Cởi bỏ cái áo thầy cúng vàng chóe thêu hình rồng màu xanh, rời khỏi bàn thờ, bộ sách cúng, cây gậy tầm xích, ông cụ Tẩn Mè Thòn đầu tộc họ Tẩn làng Nhuần, thầy cúng bậc cao thủ 12 đèn, lập tức lại đã trở thành một ông lão người Dao hiền lành, chất phác. Sáng nay, sau khi cúng giải hạn trừ ma cho cán bộ Chính xong, ông cụ xách con dao ra rừng, chặt cây vầu, kéo về sân nhà, đo rồi róc, chẻ, buộc, nhoáng cái, đã dựng xong một chiếc cổng nhỏ trước nhà, bên trái buộc một túm lá xanh, dấu hiệu cấm người lạ vào nhà.
— Kìa, cán bộ Khả!
Xong việc, định quay vào nhà, ông cụ liền cất tiếng chào, vì vừa thấy một người dong dỏng cao, tóc gọng kính, răng vổ, đeo cái xa cốt bạt, đang bước tới.
Người tên Khả, tóm tém môi, toét miệng:
— Cháu vào nhà được không, thưa miền củ *?
— Vào được Cán bộ là người nhà mà.
Khả qua cổng, vào nhà, thấy Chính còn đang ngủ, móc sa cốt, lấy gương soi, chải lại tóc.
Khả mới được điều động lên làm thư ký văn thư giúp Ban cán sự tỉnh. Anh chàng xấu trai, nhưng tính tình vui nhộn, lại hay điệu bộ, kiểu cách. Quần tít -xuy-len, áo vét ca rô cài khuy cạnh đã sờn, phu-la len ba màu cũ kỹ, lờm xờm lông, tuy thế trông anh lúc nào cũng tề chỉnh.
Thấy ông cụ đầu tộc đặt một củ rừng to bằng củ khoai lên cái bàn gỗ thái, Khả lót tờ báo lên cái ghế mây, kéo hai ống quần còn nếp như mới là, gượng nhẹ ngồi xuống bên cạnh.
— Miền củ ạ. Hôm qua con sang xóm Trì, định về sớm mà không về được. Có đám cưới mà! Chết, lợn mà mổ như mổ gà. Ăn uống cả ngày. Vừa ăn vừa nghe các cô phù dâu hát. Rồi bị chuốc rượu. Ôi chà, chuốc bằng thìa, chối chẳng xong, thế là cứ nhắm mắt ực một hơi. Cha mẹ ơi, say! Say thấy ông bà ông vải.
— Hà hà... — Ông cụ Thòn cười, ngừng tay thái, nâng ống điếu thuốc lào — Cán bộ Khả hút thuốc đi.
Khả xòe tay xua xua, môi lại tóm tém:
— Cám ơn miền củ! Con không ăn thuốc lào. Cụ có thuốc lá cuốn cho con một điếu! Có ạ? Hạnh phúc quá. Tháng trước, nhà con, cô ấy mở cửa hàng giải khát ở Vũ Yến, gửi cho một tút cô-táp. Con cho anh Đắc với cậu Nhật Bản Tôyama, cái cậu hay chơi với chó ấy, mỗi người ba bao. Còn bốn bao đốt veo cái hết. Chà, thuốc lá người ta gọi là cỏ tương tư mà. Nghề bàn giấy như con, không có nó đố có ra chữ. Ôi, hụ hụ... ái dà, cái anh thuốc lá Dao nặng gớm. À, nhưng mà đậm. Được được... Cụ để cho con một ít nhé. Con trả tiền. Cụ không lấy ạ? Thế thì phiền quá nhỉ!
Khả nhét một cái "sừng bò" thuốc lá vào xa cốt, hai con mắt nhỏ cười tít:
— Miền củ ạ, cái anh thuốc lá này thật là một thứ thuốc thử nghiệm sức khỏe con người tốt lắm. Ấy, cứ ươn mình một cái là y như rằng nó đắng ngắt. À, miền củ. Xem bệnh tình của anh Chính thế nào?
— Cũng đỡ đỡ một tí rồi!
— Cháu nghi là anh ấy lao tâm lao lực quá. Miền củ này, miền củ biết anh ấy là gì không? To lắm đấy. Số một đấy. Anh ấy mà quỵ thì gay cho Lào Cai ta lắm đấy, miền củ ạ.
Dừng tay thái củ thuốc, ông già ngẩng lên, hai con mắt khép nhỏ đăm chiêu:
— Ba tháng mùa đông cỏ héo, nước đông, vận khí biến hóa không thường. Khí hậu sinh vạn vật, lại hại vạn vật. Bởi vậy, nên ăn uống có điều độ, cán bộ Khả à.
Khả trợn mắt:
— Cụ nói chí lý quá! Con cũng nghĩ vậy. Con chủ trương là mùa này phải ngủ sớm, dậy muộn...
— Anh Chính có thể gặp phong. Phong là đầu mối gây trăm bệnh. Ngoài ra, anh Chính còn bị hao tổn dương khí quá. Nhìn lâu thường tổn khí, ngồi lâu thường tồn thịt. Đứng lâu thường tổn xương. Đi nhiều thường tổn gân. Thế đấy, cán bộ Khả ạ.
Khả gật đầu:
— Như anh Chính sau đây là phải bồi dưỡng cật lực mới lại sức... Con có bàn với chị Châu là mua một con chó...
Chưa dứt câu, thấy ông cụ đầu tộc đã sa sầm nét mặt, Khả vội lắp bắp:
— Nhất cử lưỡng tiện mà miền củ. Một là có thịt ăn. Hai là ta diệt bớt chó, để giữ bí mật. Miền củ ơi? Sắp tới làng ta là nơi hội quân mà.
Buông con dao đang thái, ông cụ quay mặt đi, đổi mặt lạnh lùng:
— Ăn thịt chó không vào làng tôi được. Không vào làng Dao được.
— Dạ, như thế thì...
— Nguồn gốc người Dao tôi là Bàn Đại Hộ. Bàn Đại Hộ là long khuyển. Long khuyển có công giết giặc ngoại xâm Cao Vương. Vì vậy Bình Vương mới gả con gái cho, rồi hai vợ chồng vào làm ăn ở núi Côi Kê, đất vua phong.
— Chà!
— Về sau hai vợ chồng Bàn Đại Hộ sinh được sáu trai, sáu gái. Bàn Đại Hộ chết. Vua phong Đại Hộ là Bàn Vương. Bàn Vương là thủy tổ của người Dao. Lại ban luật lệ cho phép mười hai họ con cháu Bàn Vương vĩnh viễn ở núi rừng, sống bằng đao canh hỏa chủng, ruộng cứ cách mặt nước ba thốn trở lên là thuộc người Dao, người Dao không phải đi lính, không phải đóng thuế.
— Tuyệt! Tuyệt quá! — Khả đứng phắt dậy, hào hứng — Thế thì con xin giới thiều với miền củ: cậu Tôyama, hàng binh người Nhật, có biệt tài rất chóng làm quen với khuyển, rất quý khuyển và có tài dậy khuyển nữa. Anh ấy sắp mở lớp huấn luyện bộ đội ta đánh vận động chiến đấy, miền củ ạ.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe