Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Chương 13
C
hùa bị giặc khám xét. Thầy tôi bị giặc bắt giam. Sư bác trốn ra vùng du kích rồi lại liều mạng trở về chùa cứu chữa cho thầy tôi. Dạo ấy chùa Sọ thật tiêu điều, hãi hùng. Người ta cứ bảo ngôi chùa là nơi tĩnh mịch, ai vào đấy là trốn được cuộc đời. Thì ra, trong thời loạn, bão tố không trừ nơi nào cả. Bão tố, bạo quyền ngang nhiên xông xáo cả nơi Phật đường. Ôi! Ngôi chùa quê hiền lành bé nhỏ của tôi! Thương biết bao.
Tuy nhiên những ngày ấy với tôi thật là bổ ích. Tôi vào chùa là do ngẫu nhiên. Do vậy, có thể nói tôi là một nhà sư bất đắc dĩ. Duyên trời đã dẫn tôi đến với đạo Phật, cho nên tôi nhập đạo mà chưa có ý thức. Chỉ đến lúc ấy, ở bên cạnh chăm sóc cho thầy, tôi mới hiểu được cái thâm sâu uyên áo của Phật. Thầy tôi không bỏ lỡ cơ hội để truyền lại cho tôi cảm hứng cao thượng của con người đi trên đường Đạo. Đến lúc ấy tôi mới biết sư tổ Vô Chấp, cuộc đời thầy tôi, cuộc đời sư huynh Khoan Độ. Tôi mới hiểu thế gian này mới lắm truân chuyên, vốn vô thường. Tôi càng biết về số phận những bậc tiền bối, tôi càng thấy yêu ngôi chùa của mình hơn. Khi biết rõ hành trình đến đạo của thầy Vô Úy, tôi càng yêu và kính trọng thầy mình hơn. Qua những câu chuyện, tôi biết ngoài sư huynh Khoan Độ, tôi còn một đại sư huynh. Vị đó là một động vật. Vị sư huynh đó còn ở nơi rừng thẳm, hay đã hóa thân rồi, ai mà biết được. Vì tâm từ, đức Phật đã cảm hóa được con voi dữ say rượu. Đó là chuyện thời xưa. Còn thời nay, thầy của tôi cũng có thể cảm động được loài vật hung dữ. Chuyện tưởng như huyền thoại, nhưng mà là có thật. Tôi đã vào chùa, nhưng trong thâm tâm, tôi cứ cho rằng lòng từ bi ở cõi đời, ngày nay hầu như bị cạn kiệt. Bây giờ tôi biết sự hoài nghi đó không đúng. Thế ra, với tôi những ngày tu hành vẫn chưa đủ để xóa đi những cay đắng thù hận của mình.
Đối với tôi, một tâm hồn non nớt, hình ảnh người cha bị cắt cổ trong ngôi miếu giữa đồng thật quá sức ám ảnh. Hình ảnh ấy đeo bám, hằn sâu trong óc tôi mãi đến nỗi mấy năm ở chùa rồi, nó vẫn chưa chịu phôi phai. Đến nỗi nó tạo ra một tinh thần hoài nghi. Tôi luôn cảnh giác hoài nghi sự thánh thiện ở con người. Khi chị em tôi đến chùa, con mắt của thầy Hải nhìn chị Nguyệt, là tôi hiểu ngay tình cảm của thầy. Sự hoài nghi làm người ta rất bén nhạy. Con mắt của sư bác Khoan Độ nhìn chị Nguyệt cũng rất lạ. Điều này tôi cũng nhận thấy. Đừng tưởng là tôi ngây dại. Tôi đã đem điều hoài nghi này hỏi thẳng thầy tôi. Sư phụ bảo:
- Thầy còn lo lắng gấp mười con. Sự thanh sạch của ngôi chùa là phải tuyệt đối. Người đã tu hành, dù một ý niệm không đúng dấy lên trong óc cũng không được phép. Nếu không chịu được giới luật thì trở lại đời thường. Không ai ép buộc tu hành. Nhưng đã đi tu thì sư phải ra sư.
Cho đến khi sư phụ tôi kể lạ câu chuyện về đời sư Khoan Độ, thì tôi mới vỡ lẽ. Hóa ra chị vợ ăn mày của bác xưa kia, là chị Khoai rất giống với chị Nguyệt tôi. Theo như bác Độ nói: “Giống như hai giọt nước”. Cuộc đời bi thảm của chị Khoai. Rồi hai kiếp người xấu số ấy gặp nhau. Nỗi đau khổ sự biết ơn nhau đã tạo thành một mối tình lớn, đã làm cho sư Khoan Độ đã đi tu rồi vẫn không thể quên được hình bóng xưa. Cho nên, khi trông thấy chị Nguyệt tôi, sư bác bỗng bàng hoàng nhớ lại chuyện xưa. Tuy nhiên, cảm giác ấy chỉ xảy ra lúc ban đầu thôi.
Nghe sư cụ giải thích như vậy, mới đầu tôi còn ngờ ngợ. Về sau, lại được nghe câu chuyện về ngón tay út của sư Độ thì sự hoài nghi của tôi mới hoàn toàn tiêu tan. Như tôi đã kể, bàn tay trái của sư Độ bj cụt ngón út. Sư phụ tôi nói:
- Y thuật là một bể học rộng mênh mang. Những điều mà bà cụ nội và cụ thân sinh dạy cho ta chỉ là một góc nhỏ xíu trong bể học. Y thuật của ta không giỏi về ngoại thương. Khi tên cướp Thuồng Luồng mang Khoan Độ đến am của ta, Độ bị thương rất nặng. Một vết đâm giữa ngực. Ta đem hết sở trường ra chữa cho Độ mà vết thương cũng chẳng lành. Ta nghe theo lời Độ vào rừng lấy lá đắp cũng không kết quả. Cuộc chữa trị kéo dài, sinh mạng Độ thì như ngọn đèn leo lét có thể tắt bất cứ lúc nào. Sư huynh con héo hon, chỉ còn da bọc xương. Ta vẫn kiên trì chữa trị. Vừa chữa vừa đọc kinh hàng ngày. Chính lúc cận kề cái chết như vậy, Khoan Độ như chợt bừng tỉnh. Độ xin ta giảng giải cho mình về những điều Phật dạy. Ta nghĩ: Con người sắp chết là con người khao khát chân lý nhất. Giờ phút sắp hóa thân chuyển sang thế giới khác là giờ phút con người cần sự hướng dẫn nhất. Trước khi bước qua cửa tử con người cần phải chuẩn bị một hành trang chu đáo như con người sắp sửa một chuyến đi xa. Con người cần được sám hối, cần được tha thứ những chuyện đã qua để thanh thản bước sang một chặng đường mới.
Giữa ta và sư huynh Khoan Độ của con lúc ấy là như thế này. Ta nói sư huynh con nghe. Hoặc sư giao cảm không diễn ra bằng lời nói, mà bằng sự tiếp xúc. Ta nắm chặt tay Khoan Độ. Ta im lặng, nhưng tâm từ bi của đức Phật chuyển qua bàn tay ta đến trái tim Khoan Độ để xoa dịu nỗi đau. Nghĩa là ta nói bằng Tâm và Độ cũng nghe bằng Tâm.
Bằng cách ấy, không ngờ ít lâu sau vết thương thuyên giảm tuy chưa khỏi hẳn. Cơ thể trong quá trình ốm đau gầy rộc đi. Đó là quá trình tiêu hủy. Cùng với sự tiêu hủy ấy, bao nhiêu cái độc địa tích tụ trong cơ thể từ xưa đến nay cũng tan chảy theo ra ngoài. Cuối cùng, con người như được thanh lọc, được mát mẻ trở lại. Như thể con người được tái sinh. Bản thân Khoan Độ cũng kinh ngạc về sự sống này. Bởi vì khi Độ bảo ta vào rừng hái lá, tức là Độ đã dùng tới phương thuốc bí truyền của cha mình. Khi dùng phương thuốc mà không có tác dụng thì vết thương không thể chữa được nữa. Vậy thì vết thương này khỏi không phải do thuốc chữa khỏi. Sư huynh Khoan Độ của con bỗng chốc hóa thành một người khác hẳn. Độ nhất quyết xin quy y. Khoan Độ trở thành một phật tử sùng tín ta chưa từng thấy. Nói như người xưa, sư huynh của con là “kẻ đồ tể buông dao trở thành Bồ tát”. Lúc ấy sư huynh con còn yếu lắm. Hầu như chẳng còn sức lực làm một việc gì. Cứ vận động chân tay là thở dốc. Một bận Khoan Độ nói với ta:
- Thưa thầy. Thân xác của con nhờ có phép lạ của Phật nên còn sống. Con có duyên mới gặp được thầy. Con muốn sám hối những việc đã làm. Con xin có lời nguyền sẽ suốt đời đem tấm thân này để bảo vệ Phật pháp. Để chứng cho lời nguyền đó, con xin đốt một ngón tay để cúng Phật.
Nghe vậy, ta không tán thành. Khoan Độ vô cùng ốm yếu. Làm vậy, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Khoan Độ liền khóc và nói rằng:
- Con đã nghĩ ký. Con phát nguyện xin đốt ngón tay cũng Phật. Dù có chết cũng không thể vì thế mà bỏ.
Cuối cùng, ta vô cùng xúc động trước lòng thành của Khoan Độ và phải bằng lòng. Ta vào rừng hái hoa, kiếm quả dại làm đồ tế trai. Rồi phải dạy sư huynh con bài kinh sám hối và biết các nghi lễ. Sáng sớm hôm ấy ta thắp hương đăng tiến hành lễ Phật, tụng kinh, gõ mõ. Sau khi tụng niệm, ta giúp Khoan Độ buộc giẻ vào ngón tay út bàn tay trái, tẩm dầu, rồi dìu Độ ngồi dựa lưng vào cột, trước điện thờ Phật. Sau khi châm lửa, sư huynh con nhắm mắt, và nhất tâm niệm Phật. Ta tụng kinh gõ mõ để gia hộ cho Khoan Độ. Thiêu một ngón tay cúng phật đâu phải chuyện dễ dàng. Ngay cả các vị tu hành đã nhiều tuổi, họ có định lực kiên cường cũng khó làm việc này. Sư huynh con mới đầu cảm thầy đau nhức khủng khiếp. Chỉ một ngón tay cháy, nhưng cứ như toàn thân đang bốc lửa. Cái đau nhức như những mũi khoan xuyên vào tim, vào óc. Khoan Độ vẫn nhât tâm tụng niệm. Rồi dần dần sự an nhiên trở lại với Độ. Cái đau đớn mỗi lúc một giảm đi như có phép lạ, để cuối cùng là sự nhẹ nhõm thanh thản. Ta nhìn Khoan Độ, lòng vô cùng khâm phục khi ngọn lửa tắt.
Một điều kỳ lạ nữa xảy ra. Lúc trước ta phải dìu Khoan Độ mới đi được. Còn lúc này, sư huynh con bỗng tự mình đứng lên đượ, rồi một mình ra trước điện lễ Phật. Hình như bao tật bệnh đã tiêu tan hết. Ngọn lửa ngón tay đã thiêu đi nốt những mệt mỏi, đau đớn cuối cùng rong người sư huynh con. – thầy tôi kể xong, kết luận –một người đã dám làm như vậy, đã quyết tâm nguyện suốt đời bảo vệ Phật pháp như vậy, ta hoàn toàn tin ở Khoan Độ.
Tôi cũng vậy. Sau câu chuyện ấy, tôi cũng hoàn toàn tin ở sư huynh. Và tôi cũng như xấu hổ vì sự hoài nghi của mình. Bởi vì một người chỉ nhìn thấy một người giống vợ mình mà đã dấy lên trong lòng sự thương xót người xưa phải là một người chân tình, trọng nghĩa.
Tuy nhiên, dù sao đi chăng nữa, sư phụ tôi cũng kén rể, cũng phải cưới chồng cho chị Nguyệt tôi. Sư phụ nhất quyết không cho chị tôi cắt tóc quy y. Phải chăng người nhìn thấy ở chị còn nhiều nghiệp chướng nên cần phải trả nợ xong với đời mới có thể giải thoát. Hay là do bởi chị Nguyệt tôi quá đẹp. Người đàn bà đẹp mà đi tu thì thật phí phạm. Người đàn bà là một vật quý hiếm. Tạo hóa sinh ra người đàn bà đẹp để dâng hiến tô điểm cho cuộc sống trần gian. Cớ sao lại giấu nó đi. Cớ sao một bong hoa lại phải đi ở ẩn. Hơn nữa, người đàn bà đẹp đi tu có thể gây họa cho chùa.
Và điều kỳ lạ hơn nữa là người thầy chọn cho chị tôi không phải một Phật tử thuần thành mà lại là một người luôn phản biện Phật giáo. Người đó là thầy giáo Hải.
Thầy giáo Hải hay đến chùa. Sư phụ tôi tiếp thầy trân trọng. Lần gặp nào sư phụ cũng mang trà ướp hoa ngâu, hoa sói, những thứ trà sư phụ tôi quý nhất, mà thầy giáo Hải cũng khen là ngon nhất. Và lần gặp nào, tôi cũng bắt buộc phải làm tiểu đồng hầu trà, để quạt lò để sai vặt. Cũng có thể sư phụ bắt tôi hầu trà để tôi được nghe chuyện, để được mở rộng kiến văn.
Thầy giáo Hải đến chùa, tôi chắc là để có dịp nhìn mặt chị Nguyệt tôi, nhưng cũng có lẽ là để được đàm đạo với sư phụ thôi. Gọi là đàm đạo, nhưng thực ra một người hỏi một người trả lời. Người hỏi là thầy giáo, đóng vai phản biện, đóng vai một người ngoại đạo hỏi một bậc cao tăng. Thầy giáo Hải là người Tây học, đọc sách nhiều. Những vấn đề thầy hỏi do đó rất bất ngờ và thâm sâu. Trả lời cho minh bạch cũng là chuyện khó.
Ví dụ có bận thầy Hải hỏi:
- Bạch sư cụ. Thiên Chúa giáo nói đến Thiên đàng. Phật giáo nói đến Niết bàn, miền cực lạc. Phải chăng các tôn giáo đều khuyên con người ta ráng tu hành ở kiếp này, rồi chờ cho đến sau khi chết, ta mới được hưởng thành quả của sự tu hành. Nghĩa là đi tìm một thế giới lý tưởng hão huyền mà chả ai biết rõ nó thế nào. Nghĩa là đi tìm một thế giới bánh vẽ chỉ có trong tưởng tượng.
Đúng như trong câu hỏi của thầy giáo tôi, có ai đã sống ở Niết bàn bao giờ mà có thể mô tả, giải thích cho nó rõ rang. Sư phụ tôi cũng không ngoại lệ. Cho nên người phải ngồi trầm ngâm, mấy lần nhấp chén trà. Cứ tưởng sư phụ tôi bí, phải khất câu trả lời. Nhưng không ngờ, sau một phút trầm ngâm, sư phụ tôi chậm rãi nói. Sư phụ không trả lời bằng lý thuyết mà bằng một câu chuyện:
- Ngày xưa, ở nước Nhật, có một chàng võ sĩ samurai. Anh ta là người đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Lưỡi gươm của chàng samurai đã đâm chết nhiều kẻ thù lừng lẫy. Võ sĩ nổi tiếng và oai phong đến nỗi kẻ dân thường đứng trước mặt đầu không dám ngẩng nhìn và chân tay run rẩy. Khi đã lên tới tận đỉnh vinh quang, võ sĩ bỗng cảm thấy vinh quang cũng không lấp đầy được chỗ trống trong tâm hồn mình. Chàng võ sĩ luôn cảm thấy cô đơn. Bèn quay ra đọc sách. Đọc rất nhiều sách, cuối cùng đọc sang đạo Phật. Có rất nhiều điều không hiểu, chàng võ sĩ liền tìm đến một thiền sư nổi tiếng. Chàng võ sĩ lớn tiếng hỏi:
- Kính thưa đại trưởng lão. Tôi đã đọc nhiều sách Phật. Thế mà đến nay tôi vẫn không hiểu Địa ngục là gì, Niết bàn là gì. Sách giảng vô cùng rắc rối.
Chàng võ sĩ đinh ninh tin rằng mình là một võ sĩ uy danh chấn động; vị sư già còn cõi kia được một võ sĩ công huân đến hỏi; chắc chắn đó là niềm vinh hạnh hiếm có; vậy tất nhiên ông già phải trả lời cặn kẽ và cung kính. Nhưng trái lại với sự suy đoán của chàng samurai, và cũng trái lại với thái độ sợ hãi vốn có của một người khi gặp võ sĩ, vị sư già trước mặt an vẫn điềm tĩnh bình thường. Không những thế, ông già còn lớn tiếng mắng chàng võ sĩ lừng danh bằng những lời lẽ khinh miệt mà chàng chưa bao giờ nghe:
- Hỡi kẻ võ biền lỗ mãng kia. Nhà ngươi là một kẻ suốt cả đời chỉ biết chém giết. Ngươi làm sao hiểu nổi những lời cao siêu về Đạo. Về đi! Hãy về đi! Ta nói chỉ phí lời. Đừng làm mất thời giờ của lão nạp.
Là võ sĩ nổi tiếng, anh ta coi thường sống chết, anh ta rất trọng danh dự, coi danh dự là điều cao nhất. Cho nên khi bị lăng nhục, anh ta điên cuồng nổi giận. Võ sĩ bèn rút kiếm, hét vang trời:
- Hỡi lão già hỗn xược. Người sẽ chết dưới lưỡi kiếm của ta vì những lời láo lếu.
Vị sư già liền chắp tay trước ngực, điềm nhiên nói:
- A di đà Phật. Xin thí chủ bình tĩnh. Chính lúc này thí chủ đang ở trong Địa ngục.
Chàng võ sĩ nghe vậy liền sững lại. Chỉ một thoáng suy nghĩ, chàng võ sĩ thông minh bỗng hiểu ngay thiền sư phỉ báng mình vậy chẳng qua là để giảng giải một cách sinh động thế nào là Địa ngục. Cách giảng giải thật đúng. Chàng võ sĩ kinh ngạc, vội tra gươm vào vỏ. Cơn cuồng nộ trong chàng vụt tan biến lập tức. Ông cúi mình cảm tạ lão thiền sư một cách rất cung kính:
- Bạch thầy. Chỉ một lời nói giản dị của thầy, con đã hoàn toàn đốn ngộ.
Vị sư già nghe vậy, một lần nữa lại chắp tay trước ngực và điềm nhiên nói:
- Lành thay! Lành thay! Chính lúc này, thí chủ đang ở cõi Niết bàn.
Câu chuyện thật thú vị, sinh động. Hóa ra Niết bàn và Địa ngục nằm ngay trong cuộc đời này. Một hành động từ bi, một giây chánh niệm, lập tức Niết bàn mở ra với ta. Còn trái lại, một phút giây sau. Ta lại sa hỏa ngục.
Thầy giáo Hải bảo sư cụ Vô Úy chính là một vị Bồ tát. Chị em tôi được cụ nhận một người làm con nuôi, một người là học trò,điều ấy là một hạnh ngộ. Làm con, làm học trò thì phải hiểu về cha mình, thầy mình. Có như vậy, lòng yêu kính càng thêm sâu sắc.
Tuy thầy giáo trọng sư cụ Vô Úy như vậy, nhưng điều ấy vẫn không ngăn được những câu hỏi, những thắc mắc của thầy. Chú tiểu đồng nhỏ là tôi vẫn thường được nghe những cuộc tham vấn giữa thầy giáo và sư phụ tôi. Những cuộc trò chuyện nhỏ nhẹ thôi, nhưng theo tôi nghĩ, thật phức tạp, tế nhị.không giống như cách nói trong các kinh, lục Phật giáo, ở đó, Phật pháp là một chân lý hiển nhiên, và ngôn ngữ chỉ là một sự gợi ý. ở đó, người ta nói nhiều bằng vô ngôn, lời viết ra chỉ là điểm gợi ý, một điểm kích thích để sự giác ngộ đột nhiên bùng nổ. Còn ở những cuộc nói chuyện này thì lại khác. Thầy Hải dùng ngôn ngữ lý sự, thứ ngôn ngữ đời thường của thời hiện đại, cứ tưởng như dễ dàng, mà lại vô cùng khó khăn.
Thầy giáo tôi hỏi:
- Bạch hòa thượng, con người có linh hồn không?
- Thầy giáo dùng chữ của Thiên Chúa giáo rồi. Tôi đã đọc nhiều kinh Phật. Song chưa bao giờ, tôi thấy đức Phật dùng chữ ấy.
- Bạch hòa thượng, theo con hiểu thì Phật giáo là một tôn giáo vô thần. Phật giáo không cho rằng có một vị thần tối cao nào quyết định số phận con người. Không có thần linh nào khen thưởng hoặc trừng phạt con người. Tất cả đều do nhân quả. Nhân thiện, thì quả thiện. Nhân không lành, thì quả không lành.
- A di đà Phật! Đúng vậy. Những tà niệm luôn luôn khởi trong ta. Thắng chính bản thân ta là việc khó. Làm sao để vô niệm, đó là công phu của người hành đạo.
- Bạch thầy, đúng là con chưa nghe đạo Phật nói linh hồn bao giờ. Các học giả nói rằng đức Phật lảng tránh không nói những chuyện đó. Nhưng trong sâu thẳm Phật giáo không tin có linh hồn. Và như vậy nảy sinh một mâu thuẫn. Nếu không có linh hồn con người tái sinh như thế nào? Sao lại có thuyết luân hồi?
Sư phụ tôi lim dim đôi mắt:
- Nói thực với thầy giáo, tôi chưa bao giờ bàn luận đến những chuyện như thế này. Tôi chỉ được nghe rằng đức Phật bảo những chuyện như vậy, nếu ta sa vào, ta sẽ như người lạc lối trong rừng rậm, trong sa mạc, sẽ chẳng bao giờ tìm được lối ra. Chúng chỉ tạo ra những cuộc tranh biện nảy lửa không bao giờ dứt. Để rồi sinh ra bực bội, có khi thành hận thù. Con đường Phật giáo là con đường dẫn đến yên tĩnh tâm hồn, dẫn đến minh triết. Con đường ấy là hành đạo chứ không tìm ra được bằng tranh cãi xa vời.
Trong cuộc thảo luận hôm ấy, thầy giáo Hải của tôi không lúc nào ngừng một giọng nói say sưa. Cho đến lúc tranh biện xong mà thầy vẫn nói. Có lẽ lúc ấy thầy tâm sự, hay là thầy tự tranh biện với bản thân mình.
- Bạch hòa thượng, con không nhìn cuộc đời một cách bi quan. Bản thân con lại rất trân trọng Phật giáo. Nhưng khuynh hướng xa lánh trần thế không phù hợp với con. Con thú thật, những gì đang xảy ra ở đất nước ta, làm con thật đau đớn, thật não lòng. Thờ ơ được không? Và người Phật tử có thờ ơ không? Cái ý nghĩ Phật giáo là bi quan cứ lởn vởn trong đầu óc con, song con tự nhủ: hãy nhìn ra thế giới mà xem, nước Tàu nước Miến Điện rồi Thái Lan, Nhật Bản và cả dân ta nữa… một phần ba thế giới đi theo Phật giáo. Vậy, một tôn giáo bi quan liệu có đủ sức thu hút nhân loại thế không? Rồi còn biết bao nhiêu người thông minh tài trí nữa chứ. Họ cũng là những Phật tử. Như thế nghĩa là, ở đây còn rất nhiều điều tinh tế mà con chưa đủ sức khám phá. Con chưa hiểu hết, vậy thì con đâu có đủ thẩm quyền để đoán định những điều phức tạp, tế nhị có khi vô ngôn, ẩn tàng, mà bộ óc thô thiển của con người khi động chạm vào chỉ làm rối tung lên mà thôi… hay là tại con thiếu một đức tin. Mà đã là tôn giáo thì để hiểu nó, con người cần có đức tin, con người cần hiểu nó qua trái tim. ở đời, có những tiền đề mà người ta phải công nhận.
Đấy, thầy giáo Hải của tôi phát biểu thật chẳng mạch lạch chút nào. Một mớ câu hỏi, đối thoại, độc thoại. Công nhận. Phủ nhận. Nghi hoặc. Cả khiêm nhường lẫn kiêu ngạo. Sư cụ, thầy tôi nghe nhưng mặt không biến đổi. Tay cụ, trong lúc nói chuyện, không ngừng lần tràng hạt. Đợi cho thầy giáo Hải nói xong, cụ rót bát nước vối, mời khách uống xong, sư cụ mới cất giọng nhẹ nhàng:
- Thầy Hải ạ, trên đường đời, nhiều người cũng đã suy nghĩ như thế. Nhờ những ưu tư, con người đi tìm đường để thức tỉnh. Hòa thượng Vô Chấp, thầy của tôi bảo rằng: ‘Đức Thế Tôn, lúc còn tại thế, không hề muốn giải thích tất cả mọi điều trên thế gian này. Người chỉ dạy cho các đệ tử những điều mà họ có thể hiểu và làm theo được, để con người tìm được đường giải thoát. Thầy tôi bảo: có lần đức Phật cầm một nắm lá khô trong tay và hỏi Ananđà, ngoài những chiếc lá khô trong tay ta, có còn những chiếc lá khô khác không?” Ananđà thưa: “Bạch Thế Tôn, này là mùa thu, lá rụng khắp nơi, không tài nào đếm xuể”. Phật Thích Ca gật đầu, rất hài lòng, nói: “Đúng vậy, ta đã trao cho các con một nắm chân lý như nắm lá khô trong tay ta vậy, nhưng ngoài nắm chân lý này còn muôn vàn những chân lý khác mà ta không đếm xuể…”.
Nghe câu nói ấy, thầy giáo Hải của tôi đứng ngay dậy. Ông chắp tay kính cẩn lễ bái hòa thượng rồi đi giật lùi ra cửa.
Đúng như thầy giáo Hải nói, ta muốn yêu thương ai thì ta cần hiểu rõ người. Càng hiểu rõ, ta càng yêu sâu sắc hơn. Điều này không đúng với lời hòa thượng dạy. Tâm từ của người Phật tử đều khắp cho chúng sinh. Tâm từ không phải tình luyến ái riêng biệt với người thân, tâm từ vượt lên tình huynh đệ, tình đồng chí, tình đồng bào, tình cha mẹ, vợ chồng. Nó không phân biệt thân sơ. Nhưng làm sao biết được. Tôi chỉ là một chú tiểu, một kẻ tập tu. Vậy thì sư quyến luyến đặc biệt với thầy mình chắc không phải là lầm lỗi. Chỉ biết rằng từ khi nghe thầy Hải nói chuyện với sư phụ, tôi thấy mình thương hòa thượng hơn, kính trọng hòa thượng hơn. Rồi những ngày ốm đau của thầy lại càng gắn chặt thêm tình cảm giữa hai người. Cảm giác tìm lại được người cha đến với tôi lúc nào chẳng hay.
Sư cụ lúc ấy khoảng chừng sáu mươi tuổi. Trông cụ như một lão nông. Cái đầu nhẵn thin. Lông mày dài đã bạc. Cái mũi to. Đôi mắt hơi xuôi xuống hai gò má. Răng đen. Đôi môi dày lúc nào cũng như thoáng cười. Người gầy gò tưởng như rất yếu đuối.
Nhìn cụ tôi suốt ngày bỏm bẻm nhai trầu, không ai có thể ngờ cụ thông thạo chữ Hán, chữ Quốc ngữ và ngay cả chữ Tây. Chừng một tháng sau, đôi chân sư cụ đã đỡ. Nhưng buổi chiều tôi thường dịu cụ ra ngồi ở thềm nhà tổ, trên một chiếc ghế thấp. Sư cụ dựa lưng vào tường để ngắm nhìn mấy bụi hoa sói, mấy cây hoa mộc và hàng cau trồng dọc theo lưng tòa thường điện. Tôi tưới hoa xong, đến ngồi dưới chân thầy. Chúng tôi im lặng ngắm nhìn đôi chim sẻ tha rác về làm tổ ở bẹ cau. Lũ chim sẻ thật lắm mồm. Một bầy bốn năm con ríu rít chẳng biết tranh nhau hay đang gọi nhau chui vào hốc trên bức tường rêu xanh rì. Sư cụ cứ ngắm mãi hàng cau, bầy chim và bức tường rêu đó. Chẳng biết tại sao, cụ bỗng hỏi tôi:
- Con có nhớ cái bận ta nói chuyện rất lâu với thầy giáo Hải không?
Tôi ngớ ra. Hầu chuyện thầy Hải nhiều lần lắm, làm sao tôi nhớ hết. Mà không nhớ, bởi vì những cuộc nói chuyện ấy thường quá tầm hiểu biết của tôi. Nhưng cuộc nói chuyện dài nhất ấy tôi nhớ. Bởi vì lần ấy thầy Hải rất xúc động. Thầy nói rất hùng hồn. Lúc thì lúng túng, lúc thì sang sảng. Linh hồn ư? Có thể đó là một vấn đề rất quan thiết mà lại rất khó. Tôi còn ngờ vực trí nhớ của mình. Tôi còn chưa thốt ra lời nào thì hòa thượng đã đọc ra ý nghĩ trong đầu tôi:
- Đúng đấy con ạ. Hôm ấy thầy giáo Hải nói về linh hồn. Đúng là trong kinh Phật không giảng giải hai chữ linh hồn. Nhưng theo ta thiển nghĩ là có linh hồn. Ông bà cha mẹ tổ tiên chúng ta vẫn nói thế. Mà bà nôi của ta cũng nói thế…
Hòa thượng nói đến đây bỗng ngừng lại. Mắt ông già xa vời như đang hồi tưởng lạc về miền dĩ vãng. Đây là lần đầu tiên sư cụ nói với tôi về gia đình mình, quá khứ của mình. Giọng sư cụ trở nên ấm áp và buồn buồn.
- Lúc ta lên bảy thì em gái ta chừng lên ba. Lúc đẻ em bé mẹ ta băng huyết rồi chết. Ta còn nhỏ quá nên chẳng còn nhớ được khuôn mặt mẹ. Chỉ còn nhớ được đôi mắt mẹ rất to. Vài giọt nước mắt to bò lên trên má mẹ. Mẹ ta khóc vì lúc mẹ có mang em bé, thầy ta cũng bị bắt và bị đày ra đảo Côn Lôn. Thế là ta không có mẹ, suốt thời thơ ấu ở với bà nội. Ta còn bé nhưng đã biết suốt này cõng em cho bà đi làm đồng kiếm gạo. Vì chỉ bám lấy anh nên em quấn ta lắm. Tên em là cái Choắt. Thiếu sữa mẹ, bé tí tì teo, nên bà gọi nó là Choắt. Choắt hay khóc. Chẳng ai dỗ được, nhưng anh Sinh bế là Choắt nín ngay. Lên ba tuổi thì Choắt ốm. Choắt bị bệnh nôn. Ăn gì cũng nôn ra. Choắt đã bé tí lại không ăn được gì nên chỉ năm ngày sau đã thoi thóp hấp hối. Ta phải ôm nó suốt ngày đêm. Hễ ta cứ buông ra là nó lại khóc. Nó bảo:
- Sinh ơi. Choắt rét lắm.
Rồi:
- Sinh ơi! Anh đừng nhè, Choắt không nhè đâu.
Choắt chết lúc nửa đêm. Lúc chết mắt Choắt cũng to giống đôi mắt mẹ. Và cũng có hai giọt nước mắt rất to. Ta nhớ khi ấy ta thương em mấy ngày liền cứ ngồi ở thềm nhà mà khóc. Ai dỗ cũng không nguôi được. Bà nội tối nào cũng ngồi cùng với ta ở thềm nhà. Ta hỏi:
- Người chết xong đi đâu hở bà?
- Người chết nhưng hồn vẫn còn – Bà nói – Hồn người chết vẫn nhớ thương người sống nên vẫn lẩn quất bay quanh nhà.
- Con chẳng trông thấy hồn em Choắt.
- Con cứ nhắm mắt lại và cầu khấn, chắc hồn sẽ hiện về.
- Có thật không hở bà?
- Thật chứ! Nào con nhắm mắt lại đi.
Ta nhắm mắt lại và lẩm nhẩm trong lòng. Tả bảo “Em Choắt ơi! Anh thương em lắm. Em có nhớ anh thì hồn hiện về đi”. Ta bỗng choàng mở mắt vì bà nội bỗng gào thét reo lên: “Kìa nó đã về rồi”. Bà nội giơ tay chỉ vào ngọn cau. “Choắt đang vẫy gọi anh Sinh kìa”. Quả thật có một sự lạ hiện hình. Tối mùa hè oi ả. Không một ngọn gió. Cây nhãn đứng im. Bụi tre không lắc lư cót két. Ba cây cau trước nhà thì hai cây thẳng đơ im phăng phắc. Chỉ có cây cau đứng giữa là đung đưa, rồi những tàu cau rung lên bần bật như múa, như gọi, như vẫy tay. Đúng rồi. Đúng là em gái đang gọi tôi rồi. Tôi òa lên nức nở: “Em Choắt ơi!”. Bà nội tôi vỗ vào vai tôi:
- Con khóc nhưng đừng khóc nhiều quá. Hồn em con hiện vào cây cau để chào con đấy. Nhưng hồn bé bỏng thường được đầu thai sang kiếp khác ngay. Bởi vì các em bé chưa gây nghiệp chướng. Nếu con khóc nhiều quá sẽ làm hồn quyến luyến, sẽ làm hồn lỡ buổi đầu thai. Hãy khóc nốt chỗ nước mắt ấy thôi nhé. Xong rồi bà cháu ta vào tụng kinh để cho hồn em Choắt nhẹ nhõm ra đi…
Tôi cần phải kể nốt đoạn cuối buổi đàm đạo giữa thầy giao Hải và sư phụ tôi chứ, bởi vì nó có đoạn cuối. Và chính đoạn cuối này, tôi cứ nhớ mãi. Có lẽ gọi buổi ấy là tham vấn thì đúng hơn. Gọi thế vì cuối cùng thầy Hải nói:
- Con là kẻ đọc sách. Những lời con hỏi cụ chẳng qua lả những lời người ta đã nói trong sách vở. Mà con cũng đã đọc được ở đâu đấy rằng: “Tu đạo mà sách vở quá nhiều, chấp trước vào sách vở quá mắc thì càng lúc càng xa đạo”. Thực ra con yêu thích đạo Phật. Con muốn trở thành Phật tử.
- Tại sao thầy giáo nhiều băn khoăn thế lại muốn thành Phật tử?
- Đầu tiên, bởi vì đạo Phật dạy người ta lòng từ bi. Không có từ bi, thế gian này sẽ rơi vào mông muội. Rồi lại dạy con người phải dựa vào chính mình. Ta luôn phải tìm Phật trong bản thân ta. Thế gian ngày nay rất cần đến cái tâm cao thượng. Có được cái vô ngã, cái từ bi hỉ xả của đức Phật thì mới mong thế gian được an lành. Phật giáo là một lối sống. Lối sống tốt đẹp lành mạnh nhất mà con được biết.
- Lành thay! Lành thay! Thầy giáo hướng đến những điều như vậy đã là kẻ tu hành.
Sư phụ tôi ra trước bàn thờ Phật gõ mõ, thỉnh chuông. Thầy giáo Hải cúi xuống lễ bái.