Good as it is to inherit a library, it is better to collect one.

Augustine Birrell, Obiter Dicta, "Book Buying"

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: zzz links
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4297 / 144
Cập nhật: 2016-02-19 21:18:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16 -
hi nghe tiếng Mai bím gọi, tôi mở bừng mắt. Quần áo tôi ướt đẫm mồ hôi. Tôi đưa tay rờ nắp tôn. Nóng bỏng.
- Vũ, Vũ, tao đây, Mai bím đây…
- Rõ.
- Tao mang cơm cho mày.
- Mấy ngày rồi?
- Mới buổi chiều, mày bị nhốt hồi trưa. Tao giả đò mở nắp hầm chậm để nói chuyện với mày lâu một tí. Tao buồn lắm, vì tao mà mày khổ.
- Đâu phải vì mày.
- Giá tao đừng khắc tượng Chúa. Nó đinh mày đau nặng, hả?
- Tao chịu nổi.
- Cơm tiêu chuẩn kỷ luật mỗi bữa một nắm bằng cái hột vịt. Tao lén mang nhiều cho mày đấy. Ăn mà sống, tao cấm mày chê. Cóng canh cá ngon ra phết. Tao nấu gô nước rễ tranh nữa. Ráng ăn nhé, mày không được ăn sáng đâu.
Mai bím nhích nắp hầm, thả cơm, canh, nước cho tôi. Nó kéo kín nắp hầm lại.
- Kỷ luật ăn cơm sớm. Cán bộ chưa về. Tao bảo bé Hai cầu nguyện rồi. Tao cút, Vũ ạ!
Mai bím không dám ở lâu, sợ cán bộ ghép tội liên hệ với tôi. Nó về rồi, tôi vớ gô nước, mở nắp nốc ừng ực. Tôi uống một hơi hết nửa gô nước rễ tranh. Thấy tỉnh táo. Thể xác tôi, bấy giờ, mới ê ẩm. Những vết roi quất hằn rõ trên da màu máu tái. Nó quất tôi không biết bao nhiêu roi, về một tội thật chẳng đáng nên tội. Nhưng so với chuyện tôi bị bắt, thì hình phạt tôi đeo tượng Chúa và “đi đạo” lại chả nhằm nhò gì. Tôi rờ tay lên cổ. Vết dây bị giật mạnh cứa xước da mỏng thấm mồ hôi xót điếng đã bớt xót. Tôi nghĩ mình phải ăn đòn nhiều hơn nếu nó hiểu những câu trả lời của tôi hoàn toàn đúng về Chúa. Nó lại ngỡ tôi quá đau đòn, khôn loạn lên. Nếu tôi bảo Chúa có thiêng, tôi sẽ nói sai và sẽ nếm thêm hàng chục ngọn roi dây điện. Tạ ơn Chúa, con đã thành thật, luôn luôn thành thật. Xin Chúa tha lỗi cho con, con chỉ một lần nghe người ta bắt mình nói con bò có ba chân! Dưới những trận mưa roi, con bò có thể có hai chân rưỡi nếu người quất roi bắt người ăn roi hiểu theo ý mình. Đó là chân lý trong cái tù lao cải. Chân lý thay đổi xoành xoạch! Ngày mai, vẫn kẻ đã bắt ta nói con bò có ba chân mà hỏi ta con bò mấy chân, ta đáp ba chân là ta nhừ đòn, ta lại phải đáp con bò có bốn chân.
Mấy tháng trước, người ta nhốt Cu lai dưới hầm biệt giam, tôi chưa rõ hầm biệt giam chỗ nào và ra sao. Bây giờ tôi rõ, quá rõ. Hầm dài ba mét, dư sức tống thêm hai chục thằng tù nhãi vi phạm kỷ luật nặng, bề ngang khoảng tám tấc, sâu gần một mét. Người ta kê gạch cách một tấc một cục theo chiều dài miệng hầm và đậy những miếng tôn xếp dọc lên kín mít. Như thế, kẻ bị nhốt dưới hầm thở hít khó khăn qua những khoảng cách hở của những cục gạch. Trên những miếng tôn là những tảng đá lớn. Kẻ bị nhốt không thể đứng thẳng dậy. Đứng thẳng, đầu sẽ đụng nắp hầm và vệ binh tưởng trốn sẽ ria đạn. Đành đứng khom lưng. Người ta không đào hầm thật sâu, vì vậy. Vì muốn kẻ vi phạm kỷ luật khổ sở, điêu đứng với tội lỗi của nó, bề ngang của hầm chỉ giới hạn khoảng tám tấc để kẻ bị nhốt co thể duỗi thẳng chân. Đành ngồi dựa lưng, thả chân chứ khó nằm ngủ. Nếu nhốt hai đứa, chắc sẽ ngộp thở và phải ngồi. Số tôi còn may, hầm có một mình nên nằm dọc được. Mùa này khô nắng, chứ mùa mưa thì nằm ngồi trên nước bùn lỗng bỏng, cóc nhái, rắn tha hồ rơi xuống kết bạn với tôi.
Tôi khom lưng đi hết chiều dài của hầm biệt giam xem có con rắn, con rết, con bọ cạp nào không. Ở Phước Long nhiều rắn lắm, hàng trăm loại. Tôi có thể phân biệt ngày đêm nhờ những khoảng cách hở của những cục gạch. Lúc này là chiều, Mai bím vừa báo giờ, các đội chưa về mà nắng còn dữ dội. Mái hầm nóng bỏng. Người ta vất sẵn dưới hầm cái thùng đạn đại liên để kẻ bị nhốt tiêu vào đó. Còn tiểu thì tự do ở đáy hầm. Tôi không biết, trên thế giới, có kiểu biệt giam ghê gớm như kiểu biệt giam dưới hầm này không. Chứ lạy Chúa, nếu Chúa đừng bắt con chết như thằng Cu lai, Chúa cho con sống, con sẽ thấy được niềm bí ẩn lung linh trong cuộc đời những ngày con bị quăng xuống hầm biệt giam. Tôi uống thêm ngụm nước nữa rồi ngồi thở. Tôi chưa thèm ăn. Đội về, nghe tiếng ồn ào tôi biết. Tôi còn biết cả giờ giấc qua từng hồi kẻng. Bóng tối trùm đen đặc trại, đen đặc hầm biệt giam, tôi mới ăn chén cơm và húp hết cóng canh của Mai bím. Tôi nhớ bé Hai, không nhắm mắt nổi. Tôi cũng sợ Cu lai chết oan tức tưởi hóa thành ma, rình tôi ngủ bóp cổ tôi. Tôi làm dấu, cầu nguyện mà tâm hồn vẫn bối rối. Người ta khen tôi ngoan ngỗn, chăm chỉ, không chửi thề, văng tục rồi người ta đánh tôi vì tôi đeo tượng Chúa và bỏ tôi xuống hầm tối tăm, hôi hám, ngộp thở, nơi đã có đứa chết thê thảm mà tôi biết rõ là Cu lai. Trước ngày tôi về trại, những đứa nào đã chết dưới hầm, tôi không biết.
Mái hầm đã nguội dần từ lúc mặt trời lặn. Bây giờ nó mát và lạnh. Nửa đêm thì lạnh buốt, rờ vào nó như rờ nước đá. Tôi ngồi co quắp chống rét buốt, thèm cái chăn. Khó mà ngủ nổi dưới hầm mái tôn mùa đông rừng rú. Đêm chịu đựng lạnh. Ngày chịu đựng nóng. Những cơn gió quái ác, ban ngày mong nó nổi đom đóm mắt, nó không tới, ban đêm nó đùa rỡn chui qua kẽ hở tạo nên những tiếng rú đâm vào thân thể mong manh chiếc áo phạm nhân của tôi. Tuy mùa đông khô ráo nhưng đất hầm vẫn ẩm và đũng quần của tôi ướt nhẹp. Tôi phải chịu đựng mười lăm ngày đêm. Tôi ước ao giá Mai bím, bé Hai hay bất cứ đứa nào bị nhốt chung với tôi thì đỡ sợ hãi. Tôi sợ ma và sợ chết. Tôi đã nhiều lần muốn chết, giờ gần cái chết, tôi run rẩy và mong sống. Dù sống để lao động quần quật, sống để ăn sắn, ăn ngô, ăn khoai và ăn đòn! Tôi thèm sống, thèm về với gia đình để kể cho bố mẹ tôi, các em tôi, bạn bè tôi nghe chuyện phiêu lưu các nhà tù của tôi.
Cứ nghĩ miên man, tôi thức trắng một đêm dưới hầm. Sáng sau, khi đội tập họp lao động, hầm bớt lạnh, tôi mới ngủ và ngủ đến lúc Mai bím gõ nắp hầm thì tôi biết là giờ kỷ luật.
- Tao đây, Mai bím đây, Vũ ạ!
- Rõ.
- Đưa ca cóng lên đổi ca cơm, cóng canh mới.
- Rõ rồi.
- Mày nhấm nháp nước thôi kẻo hết là chết khát. Ngày hai gô, ráng uống cầm chừng. Tao mang cái khăn cho mày lau mặt.
- Mang mền được không?
- Cấm.
- Đêm tao rét run.
- Tao biết, mày ngủ được chứ?
- Tao thức.
- Tao cũng vậy, tao lo mày không ngủ nên thức luôn. Bé Hai khóc sưng cả mắt. Liệu mày chịu đựng nổi không?
- Tao nghiến răng.
- Phải thế thôi, thoát phen này là hết sợ tù đày. À, mai lại giáng sinh, lẹ ghê. Mày muốn chào mừng Chúa một cóng canh nhái cải trời dưới hầm không?
- Muốn.
- Giá có tượng Chúa khác nữa nhỉ?
- Ừ.
- Tao sẽ khắc tượng khác tặng mày.
- Bảo bé Hai làm cho tao cây Nôen như năm ngoái.
Mai bím đã nhích cái nắp hầm. Tôi chuyền ca cóng lên và nó thả cơm, nước xuống cho tôi. Mai bím hành động thật chậm. Cốt ý che mắt vệ binh trên chòi canh.
- Đừng nghĩ cái con…
Nó khựng lại. Tôi hiểu tại sao nó khựng lại.
- Hãy nghĩ tới ba má mày, em mày và hai đứa tao, ráng ăn no ngủ kỹ nhé, Vũ!
Tôi cố ngước nhìn Mai bím. Hình như, tôi thấy Chúa trong đôi mắt buồn bã của nó.
- Mày bắt tao hứa, mày cũng phải hứa với tao.
- Tao hứa, Mai ạ!
Mai bím kéo nắp hầm kín lại. Nó đè đá tảng lên và bỏ về. Tôi thắm chút nước lạnh trong gô của tôi mang theo hôm qua vào cái khăn. Lau mặt và cổ gáy xong, tôi dễ chịu. Đói quặn bụng từ sớm tới giờ, tôi ăn hết sạch ca cơm và cóng canh. Nếu Mai bím không làm trật tự, tôi chỉ được mỗi bữa một cục cơm bằng cái hột vịt, ăn nhạt. Chúa vẫn còn thương tôi. Chúa muốn tôi nếm mùi đòn và mùi hầm biệt giam đấy mà. Tôi nằm, gối đầu lên gô nước dựng đứng lót cái khăn, đợi mặt trời đổ lửa xuống mái hầm tôn. Mai bím khuyên tôi đừng nên nghĩ ngợi gì, nhưng tôi cứ nghĩ lại đêm mưa mù mịt ở sân Hoa Lư, chuyến đi Đà Nẵng kinh hoàng và trận đòn dây điện lạnh ớn xương.
Đêm mai, Giáng sinh. Năm ngoái, bé Hai và tôi chơi Giáng sinh bằng cây bằng lăng nhỏ xanh mướt tấm lòng bé Hai. Hai chúng tôi ngắm sao trời và tưởng Chúa nhìn mình thương xót. Bé Hai hát thánh ca như thiên thần ru ngủ. Năm nay, tôi ở dưới hầm biệt giam, không được ngắm vì sao đơn độc run rẩy phía trời xa, không được nghe bé Hai hát thánh ca ngọt lịm, không được thấy những bông hoa dại đủ màu trên cây Giáng sinh của bé Hai. Năm ngoái, bé Hai ao ước làm cái hang đá, nặn tượng Chúa hài đồng, tượng Đức mẹ, các thiên thần và các vua. Nếu bé Hai đã làm hang đá, nó đã xuống hầm rồi. Nghĩ tới cái hang đá mơ ước của bé Hai, tôi ngồi vụt dậy. Tôi sẽ có cái hang đá tuyệt vời.
Tôi mở cái nắp gô, khom lưng đi tới giữa hầm. Đất mềm dễ đào thôi. Tôi ngồi, dùng cái nắp gô khoét cái hang ngang tầm đầu tôi. Kẻng tan lao đã gầm gừ. Đội đã về, sân trại ồn ào. Nắng đang gay gắt. Nắp hầm nóng hừng hực. Người dưới hầm như ngâm mình trong nước ấm già, không khí ngột ngạt, hôi hám nên con người lúc nào cũng lờ đờ mệt mỏi. Tôi khoét cái hang nhỏ hình cánh cung chẳng khó khăn gì. Khoét xong, tôi miết cái nền hang phẳng lì, nhẵn bóng. Ba bề hang, tôi chà cẩn thận. Tôi đã có cái hang đá dưới hầm ngục một cách dễ dàng. Dơ hai bàn tay gần sát mái tôn cho mau khô, tôi phủi đất sạch sẽ. Tôi chùi tay vào quần, không dám rửa, sợ hết nước uống. Ở hầm biệt giam, uống cần hơn ăn. Nhờ tôi bị đòn ít nên mới còn sức. Chứ, sáng bị quần, đêm bị quần như Mẫm điếc, Cu lai, chắc chắc, tôi đã chết rồi.
Nóng quá, tôi không ngủ nổi, cứ ngồi dựa lưng vào vách đất ẩm, thả dài chân, ngủ gà ngủ vịt. Ban ngày mong chóng tối cho đỡ phí mồ hôi, ban đêm mong chóng sáng cho đỡ lạnh cóng. Ngày khổ, đêm khổ. Nắng khổ, lạnh khổ. Nếu nhằm mùa mưa còn khổ cực chừng nào! Chú Tường bảo ý nghĩa của đời sống chỉ tìm thấy trong những nỗi thống khổ. Và niềm bí ẩn, từ đó, phóng ra lung linh màu sắc, rực rỡ hào quang. Tôi chưa tìm thấy trong nỗi thống khổ một ý nghĩa nào của đời sống. Phải đến một tuổi nào chăng, hoặc là, ý nghĩa ấy đã thâm nhập vào tim óc tôi, đã biến thành máu, thành thịt làm tôi lớn lên, khôn ra mà tôi chẳng hề biết. Tôi không muốn làm thanh thép non nhưng đã là thanh thép non, thanh thép non đang tôi luyện trong lò lửa cực nóng. Thép không thể chảy. Tôi không thể chết. Tôi mới biết tin thế, và điều đó liệu có thể gọi là ý nghĩa của đời sống chưa nhỉ?
- Vũ, Vũ, tao nè…
- Rõ.
- Trưa mai mày có cây của bé Hai. Mày ăn hết cơm canh chứ?
- Hết sạch.
- Tốt.
- Nhà bếp còn nhiều khoai sống không?
- Còn cả tỷ! Tụi nó thổi ác mô ni ca dài dài. Cả trại đau răng vì gặm bắp đá cứng đơ. Mày nóng ruột thèm cạp khoai sống, hả?
- Không. Mày lấy khoai khắc cho tao ít tượng được không?
- Tượng gì?
- Hỏi bé Hai ấy. Bảo nó là tao có cái hang đá rồi.
- Xiện chứ?
- Xiện. À…
- Gì nữa? Nói lẹ kẻo nó nghi!
- Mày kiếm được tí dầu nhớt không?
- Dễ ợt. Ra cơ quan xin thằng lái xe.
- Cho tao chút xíu đựng vào cái ve nhỏ.
- Gì nữa?
- Mấy que diêm có vỏ hộp.
- Nguy thấy mồ, nó bắt được là mày chết rũ dưới đó.
- Tao thắp ngọn đèn dầu nhỏ xíu, nó không biết đâu. Nửa đêm tao mới thắp, nó ngủ hết trơn, hơi nào đi xét.
- Để tao nghĩ cái đã.
Mai bím đã về. Tôi tin rằng Mai bím không từ chối sự xin xỏ của tôi. Cán bộ trực trại “khoán” cái hầm biệt giam cho bọn trật tự. Bọn trật tự cử một thằng phụ trách cơm, nước và kiểm tra hằng ngày xem tù kỷ luật còn sống hay chết. Hẳn là bọn trật tự đã cử Mai bím vì bọn nó biết Mai bím thân với tôi. Dân vỉa hè độc ác thì vô cùng và khi tình nghĩa thì tình nghĩa đáo để. Bọn trật tự ngán Mai bím đã đành mà còn thương Mai bím “anh hùng”, liều lĩnh nên ngó lơ chuyện Mai bím tiếp tế cơm ăn, nước uống cho tôi vượt tiêu chuẩn. Tù bệnh còn chẳng được ăn uống như tôi, nữa là tù kỷ luật nhốt hầm biệt giam. Ban đêm cán bộ trực trại, vệ binh không vào trại. Con nít không dám nổi loạn phá trại, người ta khỏi cần đề phòng. Người ta chỉ vào trại nếu phát hiện có đứa trốn trại hay chém giết nhau. Còn thì giao cho bọn trật tự canh gác ban đêm. Tôi sống ở trại này hơn một năm rồi, tôi hiểu rõ sinh hoạt của trại nên mới đòi hỏi Mai bím vụ dầu, diêm. Ăn cơm chiều xong, tôi bắt đầu sợ hãi cái đêm lạnh thứ hai. Khó lòng chống cự với nó. Tôi cảm tưởng tôi là miếng thịt. Đêm, thịt ướp đông lạnh. Ngày, thịt chảy nước, mềm nhũn.
Lại suốt một đêm thứ hai dưới hầm, tôi không ngủ. Cứ ngồi bó gối chặt cho chân tay khỏi run. Cu lai và những thằng nào khác nữa đã chết, chắc vì đói quá hết sức chống cự với cái lạnh quái ác. Giá nắp hầm xây bê tông cốt sắt hay đậy bằng gỗ thì sẽ không bị rang nóng và ướp lạnh. Vậy thì còn chi là kỷ luật. Kỷ luật làm mòn mỏi tâm hồn, rã rời thể xác. Kỷ luật làm con người khiếp đảm và hèn hạ. Kỷ luật làm con người phải xác nhận con bò có ba chân, đôi khi con bò giống hệt con người, tùy thuộc kỷ luật cao mức độ nào và người chơi trò kỷ luật muốn nó ra sao. Thí dụ, người chơi kỷ luật muốn con bò là vị cứu tinh của tổ quốc, là cha già dân tộc, là lãnh tụ quang vinh, người bị kỷ luật phải răm rắp tin tưởng con bò là cha già dân tộc. Cho nên, kỷ luật còn làm con người ngu xuẩn, kể cả người chơi nó lẫn kẻ bị nó chơi. Tôi quên chưa nói là, trước ngày tôi bị đầy xuống hầm, bọn văn hóa đã cắt tóc cho tôi. Mỗi hai tháng, trại viên được cắt tóc một lần. Để tóc rậm bù, sẽ vi phạm điều lệ Nếp sống văn hóa mới. Lỡ cắt trọc lóc sẽ phạm tội chống cách mạng. Đồ kim khí bén nhọn thì cấm sử dụng nhưng móng tay dài thì vi phạm điều lệ vệ sinh. Bọn văn hóa, vệ sinh không cắt móng tay, móng chân bằng i-nốc, sắt mỏng mài sắc hoặc bằng mảnh thủy tinh, hoặc cắn bằng răng rồi mài nhãn lên mặt đá phẳng!
Càng gần sáng, sương xuống càng nhiều. Cuối năm, sương mù mịt. Mặt trời mọc thật muộn. Sương rừng nặng hạt lắm, nó rơi lõm tõm trên mái tôn. Nó là những viên đá nhỏ. Nó đọng ở nắp hầm. Nó đâm từng mũi buốt xuyên qua da thịt tôi, ớn tận xương. Tôi phải tưởng tượng bát bún bò Huế cay bỏng lưỡi, bát phở nóng hổi, ly cà phê sữa, cục đường phổi để chiến đấu chống lạnh giá. Bếp lửa nấu bánh chưng đêm ba mươi Tết là thiên đường, bây giờ. Và cái giường đệm, cái chăn dầy đã hạnh phúc trọn đời mình. Cùng lắm là mười giờ sáng hôm sau, giờ cơm, nắng ấm sương khô.
- Vũ, Vũ, mày thức chưa? - Mai bím đã tới.
- Ngủ đâu mà thức.
- Cả đêm mày không ngủ à?
- Lạnh chết người.
- Tội nghiệp mày, sáng giờ cũng không ngủ sao?
- Không.
- Tao đem đủ thứ mày dặn đây. Tao túm gom vào cái bao giấy. Mấy ông tượng khoai, tao khắc nhanh, xấu ỉn.
- Tốt, có là tốt.
- Bé Hai chưa về, chiều mới có cành cây.
- Nhớ đấy.
- Ừ, tao về nhé! Cố ngủ chút chút kẻo gục, Vũ ạ!
- Tao sẽ cố.
Mai bím đã về. Nắp hầm kéo kín. Tôi chưa vội ăn uống. Mở bọc giấy ra, tôi sung sướng quên cả nóng lạnh. Bé Hai đã chỉ dẫn Mai bím khắc các thứ tượng bằng khoai lang. Chúa Hài đồng nằm trên nôi, Đức mẹ, các thiên thần, các vua, thánh Giuse, hai chú nai. Mai bím không nhớ mặt Chúa Hài đồng. Nó có biết Giáng sinh là gì đâu! nó khắc mặt Chúa Hài đồng già nua và buồn bã như nó đã khắc trên gỗ mun. Đức mẹ, thánh Giuse, thiên thần, các vua, Mai bím khắc hình sai hết. Nhưng hai chú nai, Mai bím gọt khắc thật đẹp. Mai bím tài ghê. Nó sáng tạo cái nôi củ khoai và khắc Chúa lên trên củ khoai. Nó chế hai cái đèn bằng lọ dầu cù là thủy tinh, châm dầu Gasoil đầy nhóc. Giữa cái nắp nhôm vặn chặt, Mai bím làm cái tim vải. Tôi bỏ hộp quẹt còn vài cái diêm vô túi, sợ nó ẩm quẹt hết cháy, rồi khuân tượng tới hang. Cất tượng vào hang, tôi về chỗ ăn cơm. Bữa cơm trưa nay ngon miệng quá. Tôi cảm thấy tôi chưa khổ, tôi vẫn còn nhiều hạnh phúc, tôi còn Mai bím và bé Hai cho tôi những thứ tôi mong muốn. Nếu Mai bím và bé Hai cũng là ý nghĩa của đời sống thì tôi đã biết cái ý nghĩa đó, cái ý nghĩa tuyệt vời trong tâm hồn một đứa bé cô nhi viện và một thằng móc túi vỉa hè. Ý nghĩa ấy đong đưa và bay lơ lửng thành điệu ru êm ái ru tôi ngủ ngon dưới hầm nóng. Tôi có giấc ngủ tưởng chừng không bao giờ có.
- Vũ, Vũ, Vũ… - Mai bím đang bê những tảng đá trên nắp hầm. - Mày ngủ được hả, Vũ?
- Ừ. - Tôi đáp, mắt còn thèm nhắm tít.
- Ngủ ngon chứ?
- Ngon lắm.
- Tao mừng đấy, tao lo mày mất ngủ. Có cành cây, ốc ma trắng và hoa lu bù của bé Hai. Có cái này nữa…
- Cái gì?
- Lát nữa mày sẽ biết. Cái này của tao, mày nói với Chúa là tao dâng ổng nhé! Quên, quên, tao dâng Chúa. Buồn thối ruột, xoay mãi không ra mấy cục đường đen thổ tả!
- Tối nay mày với bé Hai đảo quanh đây nhé!
- Ừ.
- Bảo bé Hai chỉ cho mày thấy vì sao trên trời.
- Ừ.
- Mày phải cầu nguyện với bé Hai.
- Tao biết gì mà cầu!
- Nghe bé Hai đọc kinh rồi mày xin Chúa điều gì mày thích.
- Tao sẽ xin cho mày về nhà mày ở Sài Gòn thôi, còn tao chả cần xin xỏ.
- Bậy bạ mày! Mày cầu xin Chúa cho ba đứa mình về sống với bố mẹ và em tao.
- Ừ, ừ…
- Khi kẻng báo ngủ, mày nhắc bé Hai hát thánh ca, may ra tao nghe rõ đấy.
- Tao sẽ nhắc nó. Đêm nay ráng ngủ ngon nữa nghe, Vũ! Này, cóng canh những mười chú nhái mập thù lù đó.
- Cám ơn mày.
- Cám ơn cái khỉ mốc gì. Mày còn cám ơn, tao bỏ đói mày luôn. Tao ghét đứa nào cám ơn tao lắm.
- Mai!
- Gì?
- Tại sao mày thương tao thế?
- Tao… tao không hiểu. Tao về nhé!
Mai bím suýt buột miệng nói “Tao đéo hiểu”, nó ghìm được. Nó đã hứa với tôi không chửi thề, văng tục mà. Nó về, sau khi đã chuyển cơm, nước và cái “lát nữa mày sẽ biết”, cây Giáng sinh xuống cho tôi. Tôi mở cái “lát nữa mày sẽ biết” gói trong tờ báo cũ. Tôi ngạc nhiên thích thú. Đó là cái bánh làm bằng bột sắn. Mai bím phàn nàn “xoay mãi không ra đường” thì chắc là bánh mặn. Tôi biết cách Mai bím làm cái bánh này. Nó kiếm miếng nhôm mỏng hoặc vỏ hộp bia, cắt ra, bẻ phẳng rồi lấy đinh nhọn đóng lỗ lí nhí sát nhau, rồi bẻ cong lại. Nó mài củ sắn bằng cái bào trong ca nước. Bột củ sắn tươi với nước đặc quánh. Mai bím quấy chút muối, đổ vô nồi, nhóp bếp nướng, khơi than hồng đặt kín nắp. Nếu có đường, có nho, có bơ, bánh sắn sẽ ngon lắm. Vì không đường, không cả mỡ phết đáy nồi nên cái bánh bị cháy đít. Chúa đã hiểu lòng Mai bím rồi.
Tôi bứt ít lá rán trên thềm hang và ít hoa dại cắm ở ba bề rải rác. Và tôi bày tượng. Chúa Hài đồng nằm đây. Đức mẹ đứng gần Chúa. Thánh Giuse chỗ này. Thiên thần cạnh Chúa. Các vị vua hướng mặt về phía Chúa. Hai chú nai ngơ ngác trước cửa hang. Ngọn đèn đặt giữa hang. Cây Giáng sinh của bé Hai được cắm sâu vào tường hầm gần “hang đá”. Tôi cầm tờ báo cũ, gấp tư, quạt khẽ làm gió thổi. Những con ốc ma trắng toong teeng chạm nhau kêu lạch cạch. Mải mê trang hoàng hang đá, tôi quên khuấy mình đang ở trong lò nướng bánh mì. Tôi ngồi chờ kẻng gầm gừ. Hôm nay tôi mong nó gầm gừ. Tan lao. Bé Hai đã về trại. Bé Hai xách cóng canh ốc rau tàu bay. Tưởng tượng bước chân và nụ cười của bé Hai. Điểm số. Bé Hai xếp hàng. Bé Hai sắp thoát ra sân, lại gần hầm biệt giam với Mai bím.
Nắng đã tắt ngóm. Hầm tối om. Tôi mò tới hang đá, quẹt diêm châm đèn. Ánh sáng tràn ngập hang đá. Và, lạ lùng khó mà tả, những tượng khoai của Mai bím rạng rỡ, tươi vui như sống thật và đang muốn nói với tôi điều gì. “Bé Hai, lại đây”, Mai bím gọi lớn, báo hiệu cho tôi là bé Hai và nó đang quanh quẩn cách hầm biệt giam không xa mấy. Ánh sáng của ngọn đèn không thể thoát lên sân trại được. Nó chỉ đủ làm rực rỡ cái hang đá một đời tôi, cái hang đá, sau này. Tôi nghĩ, hai nghìn năm đã qua và hai nghìn năm sẽ đến chẳng có ai sáng tạo nổi. Dễ hiểu thôi, bởi vì, đã và sẽ chẳng có ai, bằng tuổi tôi, ngụp lặn chơi vơi giữa dòng nghịch lũ khốn khổ, bởi vì, đã và sẽ chẳng có ai trả giá cái hang đá này bằng những ngọn roi dây điện hằn lươn tím bầm đầy mình mẩy và những ngày đêm nóng chảy mỡ, lạnh đông máu dưới hầm biệt giam mùa đông ở rừng già hiu quạnh Phước Long. Và nữa, đã và sẽ chẳng có ai được bé Hai tặng cây Giáng sinh bằng lăng non kết nhiều vỏ ốc ma trắng, nhiều hoa dại và được Mai bím tặng tượng Chúa Hài đồng, Đức mẹ, thánh Giuse, thiên thần, các vua khắc bằng khoai lang sống.
Ánh sáng của đêm vô cùng từ hang đá của tôi không thể thoát lên thời đại khốn cùng nhưng lại đang chập chờn trong đôi mắt thiên thần Mai bím, bé Hai. Chúng nó đứng cách tôi không xa mấy. Chúng nó gần tôi lắm. Hai đứa đây này, hai thiên thần khoai lang hiền hậu đang nhìn tôi. Tôi say mê ngắm hang đá, say mê ngắm vùng ánh sáng huyền diệu và, sau này, tôi dám đoan quyết, cái hang đá dưới hầm biệt giam của tôi mới giống hệt cảnh tượng Chúa giáng sinh trong máng cỏ đêm đông Bê-lem diễn tả ở Thánh kinh. Linh hồn của ba đứa chúng tôi đã nhập vào tượng khoai. Ôi, Mai bím, nhà nghệ sĩ thánh thiện của tôi, đứa trẻ vỉa hè móc túi đã khăng khăng không tin Chúa thương nó lại sáng tạo nổi tượng Chúa Hài đồng ngủ ngoan trên củ khoai lang oan nghiệt. Tôi quỳ trước hang đá, làm dấu và cầu nguyện. Trên kia, bé Hai đang chỉ cho Mai bím nhìn vì sao cô độc, run rẩy góc trời xa và bảo Mai bím rằng Chúa đấy. Bé Hai cầu nguyện. Bé Hai đọc kinh kính mừng. Mai bím ngoan ngỗn nghe và cầu xin.
Tôi không thấy kẻng báo ngủ gầm gừ nhưng rõ mồn một giọng hát Thánh ca của bé Hai… “Ơn Thiên Chúa vô bờ bến. Biết tìm kiếm của chi đều.” Tiếng hát tan trong không gian mù mịt. Rồi hoàn toàn im lặng. Hoàn toàn vô cùng. Bé Hai, Mai bím đã về nhà. Tôi vẫn chắp tay quỳ nguyện trước hang đá. Cho đến khi ngọn đèn tắt thì tôi không còn biết gì nữa.
Đồi Fanta Đồi Fanta - Duyên Anh Đồi Fanta