He who lends a book is an idiot. He who returns the book is more of an idiot.

Arabic Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: John Le Carré
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1462 / 23
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16 -
áng Chủ nhật lúc 10 giờ, Katia đến đón Barley trước cửa khách sạn đồ sộ Mejdounarodnaia, mà người Tây phương gọi là khách sạn “Mej”. Ngồi trong tiền sảnh lộng lẫy, Wicklow và Henziger chứng kiến đôi bạn gặp lại nhau sau một thời gian xa cách.
Hôm ấy là một ngày mùa thu tuyệt đẹp. Barley đến trước để đợi Katia. Ông đang đi bách bộ trong sân trước tiền sảnh và quan sát những chiếc xe limusin không ngớt ra vào để chở đến hay rước đi các nhà lãnh đạo quốc gia của các nước thế giới thứ ba. Cuối cùng rồi chiếc xe Lada màu đỏ của Katia cũng đã đến. Bé Anna huơ huơ bàn tay trắng trẻo như một chiếc khăn mù-xoa của nó, và bé Serguei ngồi bên cạnh Anna, cầm trong tay một cái vợt gỗ.
Trước hết, Barley phải để ý đến hai đứa nhỏ. Sau khi suy nghĩ kỹ, ông đã quyết định làm như vậy, vì bây giờ ông phải thận trọng đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, không được làm gì một cách ngẫu nhiên, tự phát. Chỉ sau khi có những cử chỉ vồn vã với Anna và Serguei, Barley mới nhìn đến hàng ghế trước, ở đó ông thấy bác Matvei ngồi chững chạc, mặt rám nắng, mắt long lanh, diện bộ đồ bảnh nhất của ông ta để đi đón nhà quý tộc nước Anh. Matvei hạ cửa kính xe và đưa tay ra cho Barley bắt. Sau đó Barley mới nhìn đến Katia. Có một khoảng thời gian ông do dự, như thể ông đã quên bài bản hay vai trò của mình, nhưng cuối cùng ông chỉ mỉm cười hớn hở.
Katia không giữ ý tứ đến như thế. Mặc quần ngắn, nàng nhảy ra khỏi xe và nhào tới phía Barley, kêu to tên ông, tươi cười hớn hở. Nàng ôm choàng lấy Barley, siết chặt ông một cách hồn nhiên. Tuy nhiên, chỉ một lát sau, nàng đẩy nhẹ ông ra, nhưng vẫn nắm hai tay ông và nhìn vào mặt ông, nàng nói luôn một mạch những lời ngọt ngào mừng rỡ.
- Ôi, Barley, thật là tuyệt vời! Thật là sung sướng được gặp lại ông! Hoan nghênh ông đến tham dự hội chợ sách. Hoan nghênh ông đến Matxcơva một lần nữa. Bác Matvei đã không thể tin cú điện thoại ông gọi từ Luân Đôn đến. Bác ấy đã nói: “Người Anh luôn là bạn của chúng ta. Ngày nay chúng ta làm gì có tàu bè nếu người Anh không dạy cho Pierre kỹ thuật đi biển.” Ông hiểu không, Matvei nói Pierre tức Pierre Đại Đế (1) đó. Chiếc xe của Volodia thật lộng lẫy phải không? - Tôi rất bằng lòng, cuối cùng rồi anh ta cũng có được một cái gì để yêu.
Katia buông tay Barley ra và Barley, với vẻ mặt vô cùng hân hoan, kêu lên: “Chút nữa là tôi quên”. Rồi ông chạy đi tìm các túi xách bằng chất dẻo mà ông đã để dựa vào tường khách sạn gần cửa ra vào. Khi ông trở lại, Matvei liền ra khỏi xe để nhường chỗ cho Barley nhưng ông nhất định từ chối.
- Không, không, không và không! Tôi sẽ ngồi rất thoải mái với Anna và Serguei. Bác Matvei, dù vậy, tôi cũng xin cám ơn bác.
Rồi ông leo lên ngồi ở ghế sau và phân phát quà cho hai đứa con sinh đôi của Katia, giữa những tiếng trầm trồ thán phục của chúng: “Ôi! Cái ông già Tây phương này ngộ thật! Ông đem cho chúng ta sôcôla Ănglê, bút chì màu Thụy Sĩ, vở tập vẽ, sách của Beatrix Potter bằng tiếng Anh và cho ông bác Matvei một cái ống điếu đẹp tuyệt, mới toanh, còn thêm một bịch thuốc lá Ănglê nữa.”
Và Barley đã cho Katia tất cả những gì mà một người đàn bà có thể mơ ước: son phấn, nước hoa, một chiếc áo pun và một chiếc khăn quàng bằng lụa tuyệt đẹp.
Ra khỏi sân khách sạn Mej, bây giờ chiếc xe màu đỏ đang chạy trên một xa lộ có nhiều vùng lầy mà Katia cố tránh trong lúc nàng vẫn nói chuyện về hội chợ triển lãm sách sẽ khai mạc vào ngày hôm sau.
Xe chạy về hướng đông, vượt qua ngoại ô thành phố để đi vào cánh đồng quê. Ngồi ở ghế trước, Matvei làm mọi người ngạt thở vì mùi thuốc lá.. Nhưng Katia cũng không tỏ ý bất bình,vì nàng đang bận với nhiệm vụ hướng dẫn viên.
- Barley, phía sau cái đồi kia, có những lò đúc gì đó. Vì cái nhà ximăng ở bên trái, là trụ sở một nông trường tập thể.
- Tuyệt vời! - Barley kêu to. - Phi thường thật!
Bé Anna đã lấy các cây bút chì màu của nó ra, và Barley vẽ trên quyển vở của nó những thú vật, để nó tô màu.
- Ôi, con bé ngây ngô, đừng tô màu lục! - Barley nói với nó. - Con, con có thấy một con bò cái màu lục bao giờ chưa? Này Katia, con gái của bà, nó tưởng các con bò cái có màu lục đấy!
- Anna là một họa sĩ vẽ theo trí tưởng tượng của mình! - Katia cười to đáp.
Xe đột ngột rời đường cái, chạy băng qua một cánh đồng và leo lên một ngọn đồi mà chẳng cần đi theo một con đường mòn nào cả.
- Ông thấy không? - Katia nói với Barley với một giọng hãnh diện. Ở đây chúng ta có thể đi đâu tùy thích, chừng nào chúng ta không đi vào trong các vùng đất của các nhà tỷ phú!
Xe leo lên đỉnh đồi, rồi đi xuống theo sườn đồi phía bên kia, đến một con đường nhỏ dọc theo một dòng suối, để đến một khu rừng phong. Katia cho xe dừng lại và nói:
- Bây giờ chỉ còn chúng ta ở chốn thiên đường này. Ở đây có một con suối để chơi xây dựng một cái đập, một bờ suối để cắm trại, và một chỗ đủ rộng để chơi môn lapta, với quả bóng và cây vợt gỗ mà Serguei đã có đem theo xe. Tất cả mọi người phải đứng thành vòng tròn, một người cầm cái vợt gỗ và một người khác liệng quả bóng cho người kia.
Vừa đặt các dụng cụ ấy xuống đất, Katia giải thích thêm:
- Bác Matvei nói quả quyết với tôi rằng môn lapta là nguồn gốc của môn bóng chày và môn crikê ở Tây phương. Bác ấy nói chính các di dân người Nga đã nhập môn ấy vào các nước phương Tây, và chắc chắn môn lapta cũng là do Pierre Đại Đế sáng chế ra.
Nằm dài trên bãi cỏ, ông già Matvei vừa hút thuốc vừa nói chuyện thao thao bất tuyệt với Barley. Katia đi băng qua bãi cỏ, nhốt mình vào trong xe một lát. Khi ở trong xe bước ra, nàng đã mặc một chiếc quần soóc, tay cầm một giỏ đồ ăn gồm có xăng uých, thịt gà và patê, trứng và món kotleti do nàng làm. Nàng cũng có đem theo bia và Barley đem theo rượu uýt-ky.
Bé Serguei, đứng trên bờ suối, lấy cái vợt gỗ của nó cào cào quơ quơ dưới nước. Mơ ước của nó, Katia giải thích với Barley, là bắt cho được một con cá, nướng chín và đãi ông đấy. Anna thì miệt mài vẽ. Nó muốn tặng Barley bức chân dung tự vẽ của nó đê ông treo trong phòng của ông ở Luân Đôn.
- Nó hỏi ông có vợ không? - Katia phiên dịch, vì Anna muốn hỏi cho bằng được.
- Trong lúc này thì không, nhưng tôi luôn luôn sắp sửa có.
Bé Anna hỏi một câu khác, khiến Katia đỏ mặt và mắng yêu nó.
Nàng mỉm cười âu yếm và đôi mắt nàng bắt gặp đôi mắt của Barley, như để nói: “Bây giờ chúng ta có thể nói chuyện với nhau rồi đó!”.
*
Chiếc xe tải màu xám đã quay trở về. Ngang qua vai của Katia, Barley đã nhìn thấy nó một lúc trước đó rồi. Ông cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy nó đi ra đến đường cái và biến mất. Dù sao thì nó cũng phải để cho Barley nói chuyện thoải mái với Katia chứ.
- Ông ta mạnh khỏe, - Katia nói. - Ông ta có viết cho tôi một bức thư dài. Ông ta bị bệnh, nhưng bây giờ đã lành hẳn rồi,tôi chắc chắn như thế. Ông ta có rất nhiều điều muốn thảo luận với ông, và ông ta sẽ đến Matxcơva trong thời gian hội chợ triển lãm sách, để gặp ông và để biết quyển sách của ông ta đến đâu rồi. Ông ta mong muốn sớm thấy bản in thử cuối cùng của quyển sách, một trang của bản in ấy cũng được. Theo tôi, như thế thật hết sức nguy hiểm, nhưng ông ta nôn nóng quá.
Katia lục lọi trong cái túi xách của mình. Một chiếc xe màu đỏ ngừng lại ở phía bên kia rừng phong, nhưng Katia không thèm để ý đến.
- Theo ý tôi, các tài liệu của ông ta sẽ sớm bị coi là thừa, - Katia nói tiếp, - Nhờ các cuộc hội nghị về tài giảm binh bị có những bước tiến bộ nhanh chóng và Katia khí hợp tác quốc tế mới, tất cả các điều khủng khiếp kia sẽ thuộc về dĩ vãng. Lẽ đương nhiên, người Mỹ ngờ vực chúng tôi. Và lẽ đương nhiên, chúng tôi cũng ngờ vực họ. Nhưng nếu hai bên hợp lực lại, hai bên sẽ có thể giải trừ binh bị một cách hoàn toàn và tránh được các cuộc xung đột khác trên thế giới.
Katia nói với giọng thuyết giáo, không chấp nhận một sự phản biện nào.
Tuy nhiên, Barley bắt bẻ:
- Làm sao chúng ta có thể tránh được các cuộc xung đột khác trên thế giới, nếu chúng ta không còn vũ khí?
Sự dại dột của Barley đã làm cho ông ta phải lĩnh một nét nhìn giận dữ của Katia.
- Barley, ông tỏ ra là một người mâu thuẫn với chính mình, - Katia vừa nói vừa rút cái phong bì ra khỏi túi xách. - Chính ông chứ không phải tôi, đã nói với Yakov rằng chúng ta cần một cuộc nghiên cứu về nhân tính.
Barley để ý thấy phong bì không có dán tem và cũng không có dấu bưu điện. Chỉ có chữ “Katia”, hình như là do Goethe viết. Nhưng lấy gì làm chắc? Đột nhiên Barley có một linh cảm kỳ lạ rằng mình đang bị gài bẫy.
- Ông ta bị bệnh gì mà bây giờ đã lành bệnh một cách hoàn toàn như thế? - Barley hỏi.
- Ông ta có vẻ lo lắng không yên khi gặp ông ở Leningrad.
- Cả hai chúng tôi đều cảm thấy không yên... vì thời tiết, - Barley đáp. - Ông ta cảm thấy hơi chếnh choáng, hay có lẽ đã ăn một chút gì đó không tiêu.
- Bởi vì ông ta bệnh. Sau khi gặp ông, ông ta bị suy nhược nặng về cả thể xác lẫn tinh thần. Ngay các đồng nghiệp của ông ta cũng không biết ông ta biến đi đâu mất. Họ sợ đã có điều tệ hại hơn hết xảy ra. Một người đáng tin cậy đã nói với tôi rằng họ sợ ông ta đã chết.
- Thế mà tôi cứ tưởng ông ta không có bạn đáng tin cậy, ngoại trừ bà chứ?
- Ông ta đã chọn tôi làm đại diện cho ông ta bên cạnh ông. Lẽ tự nhiên ông ta có những người bạn khác về những việc khác.
Katia lấy bức thư ra khỏi phong bì, nhưng không đưa cho Barley.
- Đó không phải là những gì mà bà đã nói với tôi trước đây, - Barley nói, tâm trí vẫn luôn luôn tranh đấu chống lại các dấu hiệu báo động cứ tăng lên mãi trong ông.
Mặc dù bị bắt bẻ, Katia vẫn thản nhiên.
- Vì sao người ta lại phải nói tất cả khi mới gặp nhau lần đầu tiên? Người ta phải đề phòng, đó là điều bình thường.
- Chắc chắn là bà có lý.
Bé Anna đã vẽ xong bức chân dung tự họa của mình, trong đó nó đang hái hoa trên một mái nhà.
- Ồ, đẹp tuyệt! - Barley reo lên. - Bà hãy nói với nó rằng tôi sẽ treo bức chân dung của nó bên trên lò sưởi của tôi. Tôi biết đích xác phải treo chỗ nào rồi. Một bên có ảnh của Anthena đang trượt tuyết, và bên kia có ảnh của Hal đi thuyền buồm. Chân dung của Anna sẽ được treo chính giữa.
Katia nói tiếp câu chuyện đã bị bỏ dở:
- Ngay sau khi tiếp ông, ông ta đã biến mất, tôi đã cố tìm đủ mọi cách để liên lạc với ông ta, nhưng vô hiệu. Tôi hoàn toàn thất vọng.
Nàng đưa bức thư cho Barley, ông cầm lấy, nắm luôn bàn tay của nàng và nàng không rút bàn tay ra.
- Và trước đây một tuần, nghĩa là hai ngày sau khi ông gọi điện thoại cho tôi từ Luân Đôn, Igor đã phôn về nhà tôi: “Tôi có vài thứ thuốc cho bà. Chúng ta hãy đi uống cà phê, tôi sẽ trao thuốc cho”. Thuốc tức là thư mật hiệu của chúng tôi. Tôi hiểu thư ấy là của Yakov. Tôi ngạc nhiên và rất sung sướng, vì đã nhiều năm rồi Yakov không viết thư cho tôi.
- Igor là ai thế? - Barley hỏi to để che giấu những ý nghĩ hỗn loạn của mình.
Có tất cả năm trang, chữ viết rõ ràng dễ đọc, viết trên giấy trắng loại tốt, khó kiếm được ở đây. Barley không bao giờ tin Goethe có thể viết một tài liệu với nét chữ đẹp như thế. Katia rút bàn tay nàng ra, nhưng rút rất dịu dàng.
- Igor là bạn học của Yakov lúc hai người học ở Leningrad.
- Thế thì tốt! Và bây giờ Igor làm gì?
Katia tỏ vẻ khó chịu vì câu hỏi ấy.
- Igor là một nhà nghiên cứu, làm việc cho một Bộ. Có gì mà ông thắc mắc? Ông có muốn tôi dịch bức thư của Yakov cho ông nghe, muốn hay không?
- Igor họ gì?
Katia nói cho Barley biết với một giọng bực bội. Nhưng điều đó làm cho Barley mừng thầm và tạm quên đi những sự nghi ngờ của mình. Ông mở bức thư, hai tay cầm nó để Katia nhìn mà dịch. Katia quỳ gối trên cỏ ở sau lưng Barley, một tay vịn vào vai ông và một tay chỉ các hàng chữ mà lần lượt dịch. Ông cảm thấy đôi nhũ hoa của nàng đè nhẹ vào lưng ông. Sự sôi sục nội tâm của ông dịu đi, sự ngờ vực khủng khiếp của ông nhường chỗ cho một trạng thái tinh thần khách quan hơn.
- Đây là địa chỉ, đơn giản chỉ là số hiệu hộp thư, - Katia giải thích. - Ông ta ở trong một bệnh viện đặc biệt, có thể là trong một thành phố đặc biệt. Ông ta đã viết bức thư này ở trên giường. Ông thấy không? Ông ta viết rõ ràng, dễ đọc khi nào ông ta không uống rượu. Ông ta đã giao thư cho một người bạn có việc đi Matxcơva, và người này đã giao thư lại cho Igor. Thư viết: “Katia yêu dấu của anh”. Thật ra, dịch như thế không hoàn toàn đúng những gì ông ta viết, những từ yêu thương có khác biệt trong hai ngôn ngữ của chúng ta. Điều đó không quan hệ gì. “Anh bị bệnh viêm gan quật ngã, gần chết, nhưng anh đã sống”.
Katia chỉ một chữ và nói tiếp:
- Chữ này có nghĩa là bị viêm gan rất nặng. Do “tinh độc” sinh ra.
- Do “siêu vi” - Barley chỉnh lại.
Katia dịch tiếp:
- “Nhiệt độ của anh rất cao và anh có những ảo giác”.
- Những cơn mê sảng - Barley lại chỉnh.
- Tiếng Nga là galioutsinatsia, -Katia nói. - Ông có cần tôi đi tìm một cuốn tự điển không?
- Thôi được rồi. Ô-kê, tôi không nói gì nữa.
Katia dịch tiếp:
- “Nhưng bây giờ anh đã lành bệnh, và hai ngày nữa anh sẽ đi đến một trung tâm an dưỡng ở bờ biển và sẽ ở đó một tuần.”. Ông ta không nói ở biển nào. Nhưng vì sao ông ta lại nêu lên nhỉ? “Ở đó anh có thể làm tất cả những gì anh muốn, ngoại trừ việc uống rượu vodka. Nếu tất cả người Nga đều được vào những bệnh viện giống như bệnh viện này thì hay biết mấy!”.
Katia bình phẩm: Ông ta luôn luôn lý tưởng chủ nghĩa, ngay cả khi bệnh gần chết.
Nàng dịch tiếp:
- “Các nữ y tá xinh đẹp tuyệt trần! Các y sĩ trẻ trung và vô cùng hấp dẫn!”.
Katia lại bình phẩm: Ông ta nói điều đó để làm cho tôi ghen đấy. Và sau đó là những câu nói về tình yêu, tôi sẽ không dịch làm gì.
- Ông ta luôn luôn làm như vậy sao?
- Tôi đã nói với ông rồi mà, - nàng cười. - Ông ta viết thư cho tôi, đó là một việc không bình thường rồi. Đã nhiều năm nay, ông ta không nói đến tình yêu giữa ông ta và tôi, một tình yêu mà bây giờ hoàn toàn vô hiệu lực. Tôi tin là bệnh hoạn đã làm cho ông ta trở thành hơi lãng mạn. Có thể tha thứ cho ông ta điều đó.
Katia lật qua trang khác, một lần nữa hai bàn tay của họ lại gặp nhau, nhưng bàn tay của Barley lạnh ngắt và ông ngạc nhiên vì Katia không đá động gì đến điều đó.
Nàng nói tiếp:
- Bây giờ đến đoạn ông ta nói về Barley. Vâng, nói về ông. Ông ta hết sức thận trọng, ông ta không nêu tên ông. Đây, tôi dịch: “Hãy nói với người bạn thân của chúng ta rằng anh sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để gặp ông ta trong thời gian ông ta ở đây, nếu anh tiếp tục bình phục. Ông ta hãy đem đến cho anh các tài liệu của ông ta và anh cũng sẽ làm như vậy. Anh phải diễn thuyết tại hội nghị Sarotov trong tuần lễ ấy. Từ đó anh sẽ đến Matxcơva, ngay khi nào anh có thể đi được. Nếu em gặp ông ta trước anh, em hãy nói với ông ta đem theo tất cả các câu hỏi khác, vì sau khi gặp ông ta rồi, anh không muốn sẽ không còn phải trả lời các câu hỏi của những người mặc đồ xám nữa. Hãy nói với ông ta rằng, các câu hỏi của ông ta phải là bản kê cuối cùng và đầy đủ”.
Barley lặng lẽ nghe những lời căn dặn tiếp theo của Goethe. Nhưng trong thâm tâm, ông cảm thấy những đợt sóng đen tối của lòng hoài nghi đang nhấn chìm ông, và sự kinh hoàng đang xâm chiếm ông.
Katia phiên dịch tiếp:
- Tôi muốn có được một lời giới thiệu của giáo sư Kallian ở Stockholm”.
Barley ghi chép một cách cẩn thận vào quyển sổ tay của mình.
- Còn có gì nữa trong bức thư của ông ta mà bà đã không dịch cho tôi nghe? Barley hỏi, vì thấy Katia gấp bức thư lại, bỏ vào trong phong bì.
- Tôi đã nói với ông rồi. Những chữ nói về tình yêu. Ông ta an tâm và ông ta muốn nối lại một quan hệ nghiêm chỉnh.
- Với bà.
Katia nhìn thẳng vào đôi mắt của Barley và nói:
- Barley, tôi nhận thấy ông xử sự như con nít!
- Thế là hai người vẫn là tình nhân của nhau như xưa? - Barley nhấn mạnh.
- Xưa khác, bây giờ khác. Cái gì đã chấm dứt là chấm dứt, và người ta không thể làm lại từ con số không.
- Thế thì sao ông ta lại viết tất cả những điều đó? - Barley vẫn cố chấp.
- Tôi không biết.
- Vì sao ông ta lại viện cớ bị bệnh, nói những lời yêu đương ấy để cám dỗ bà? Và bà đã tin những gì ông ta nói?
- Ông ta cô độc. Ông ta nhớ đến tôi, vì thế ông ta đã nói quá đáng. Điều đó cũng bình thường thôi. Barley, tôi tin là ông hơi...
Katia không tìm ra chữ để nói, hay có thể sau khi suy nghĩ, nàng không muốn dùng chữ ấy. Barley nhắc:
- Ghen?
Và ông mỉm cười rất tươi.
*
Katia nằm trên giường của nàng. Nàng suy nghĩ, mắt đăm đăm nhìn máy điện thoại.
- Katia? Igor đây. Mạnh khỏe không? Tôi gọi để cho cô biết rằng tôi không có tin tức gì mới về ông ta cả. Ô-kê!
- Thế thì gọi tôi làm gì nếu cậu không có gì để nói với tôi cả.
- Như cũ, ô-kê? Cũng giờ ấy, cũng chỗ ấy, không có vấn đề gì. Hoàn toàn giống như các lần trước.
- Vì sao cậu lặp lại những gì không cần thiết phải lặp lại, vì tôi đã nói với cậu rằng tôi sẽ có mặt ở bệnh viện vào giờ ấy?
- Vào lúc ấy ông ta sẽ biết ông ta có đi được không, sẽ đi máy bay nào. v.v... Vì thế cô đừng lo gì cả, ô-kê! Và nhà xuất bản của cô? Ông ta đã đến rồi chứ?
- Igor, tôi không biết cậu nói nhà xuất bản nào.
Rồi nàng cúp máy trước khi Igor có thì giờ nói thêm.
Tôi trở thành người bạc bẽo, nàng nghĩ thầm. Khi người ta đau ốm, bạn bè cũ chạy đến, đó là việc bình thường. Igor đã xử sự như là người bạn tốt hơn hết của Yakov và đã dốc lòng giúp Yakov một việc nguy hiểm. “Nếu cô có bức thư nào gửi cho Yakov, cô cứ giao cho tôi. Tôi đã có cách gửi nó đến nhà an dưỡng”, Igor đã nói với nàng như thế.
- Nhà an dưỡng? - Nàng đã kêu lên vì bi kích thích mạnh - Nhưng nhà an dưỡng nào? Ở đâu?
Igor hình như chưa tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi ấy, vì ông ta đã nhăn mặt và viện cớ bí mật quốc gia với một vẻ lúng túng. “Nhà an dưỡng nào và ở đâu là bí mật quốc gia đối với chúng tôi, trong lúc chúng tôi đang phơi bày ra ánh sáng các bí mật quốc gia!”
Ta bất công với ông ấy, nàng nghĩ. Ta bắt đầu thấy sự ngạo mạn, sự tráo trở khắp nơi. Nơi Igor và ngay cả nơi Barley.
Barley. Nàng nhíu mày. Lấy quyền gì mà ông ta tự cho phép mình công kích những lời bày bỏ tình yêu của Yakov? Cái anh chàng Tây phương ấy tự coi mình là gì với vẻ quyến rũ, với sự tọc mạch và những hoài nghi của ông ta? Làm sao ông ta dám len lỏi nhanh như thế vào đời tư của ta và đóng vai trò ông già Noel với Matvei và hai đứa con của ta?
Ta sẽ không bao giờ tin cậy được một kẻ như vậy, nàng tự nhủ một cách nghiêm khắc. Yêu một người mộ đạo, có thể; yêu một người mê tín, có thể; nhưng yêu một người phớt tỉnh Ănglê, thì không bao giờ.
Chuông điện thoại reo. Nhưng chỉ là Nazagan, mấy lúc sau này hoàn toàn thay đổi:
- Tôi muốn biết chắc, ngày mai bà có thật sự muốn phụ trách gian hàng của Nhà xuất bản Tháng Mười không? Phải đến rất sớm. Vì thế, nếu bà phải đưa con đến trường hay một việc gì tương tự như thế, thì tôi sẵn sàng yêu cầu bà Elisaveta Alexievna thay thế bà. Bà cứ cho tôi biết.
- Griogri Tigranovitch, cám ơn lòng tốt của ông. Nhưng tôi là người suốt cả một tuần lễ chuẩn bị cho cuộc triển lãm, lẽ đương nhiên tôi mong muốn có mặt trong lễ khai mạc trọng thể. Bác Matvei của tôi có thể đưa các cháu đến trường mà.
Cuối cùng rồi ông ta cũng gọi, và nàng lập tức biết rằng nàng không ngớt đợi cú điện thoại của ông ta, vì mới nghe tiếng ông ta, nàng đã mỉm cười. Trái với Igor, ông ta không nói tên mình và cũng không nói tên của Katia.
- Này, tối bắt cóc cô nhé. Hãy đi với tôi, - ông ta đề nghị.
- Đêm nay?
- Ngựa đã thắng yên rồi, và chúng ta có ba ngày lương thực.
- Nhưng ông không quá chén mà, sao lại muốn bắt cóc tôi?
- Không, thế mới lạ chứ.
Ngừng một lát, ông ta nói tiếp:
- Tôi không say, nhưng tôi muốn bắt cóc cô. Vả lại, không thể làm gì khác được.
Quả thật ông ta không say. Và ở đâu đó rất gần.
- Nhưng còn hội chợ triển lãm sách thì sao? Không lẽ ông cũng bỏ cuộc, chịu thua non trước khi đấu, như trong hội chợ triễn lãm Audio sao?
- Tống khứ hội chợ triển lãm sách cho lũ quỷ quái! Chúng ta phải chuồn trước đi, nếu không thì còn có cơ hội nào khác nữa. Còn để lại sau hội chợ thì chúng ta sẽ quá mệt mỏi, cô có khỏe không?
- Ôi, tôi giận ông lắm. Ông đã làm cho những người trong gia đình tôi say mê ông, và bây giờ họ không ngớt hỏi tôi bao giờ ông trở lại với thuốc hút và những cây bút lông.
Barley lại ngừng lần thứ hai. Thường thường ông ta không đắn đo suy nghĩ nhiều như thế mỗi khi nói đùa.
- Đó là mánh lới của tôi. Tôi cám dỗ người ta và khi người ta đã say mê tôi rồi, tôi thôi không còn thấy có tình cảm gì với người ta nữa.
- Những gì ông vừa nói với tôi đó, thật là ghê tởm! - Nàng kêu lên một cách khó chịu.
- Tôi chỉ lặp lại những lời nói khôn ngoan của một người vợ cũ. Bà ta nói rằng tôi chỉ có những sự xung đột, mà không có những tình cảm, và rằng tôi không được mặc một cái áo khoác ngắn có liền mũ ở Luân Đôn. Khi người ta nói với mình như thế, thì mình nhớ suốt đời. Và từ đó tôi không bao giờ mặc áo khoác ngắn có mũ nữa.
- Barley, người đàn bà ấy... Barley, người ta phải là người thật độc ác và hoàn toàn vô ý thức mới nói những lời như thế. Tôi rất lấy làm tiếc, bà ta hoàn toàn sai lầm! Theo tôi nghĩ, chắc bà ta đang tức giận, nhưng dù sao thì bà ta cũng có lỗi.
- Thế à? Thế thì tôi đang có những tình cảm như thế? Cô hãy làm cho tôi thấy rõ ràng đi.
Nàng phá lên cười, biết rằng mình đã hoàn toàn bị Barley lừa vào bẫy.
- Barley, ông là người rất nguy hiểm. Tôi không bao giờ còn muốn nghe nói đến ông nữa.
- Bởi vì tôi không có một tình cảm nào, phải không?
- Thôi, được rồi, hãy cho tôi nói đây: trước hết, ông luôn cảm thấy cần phải che chở cho người khác. Hôm nay tất cả chúng tôi đã thấy điều đó, và chúng tôi rất cảm động.
- Còn gì nữa?
- Sau nữa, tôi cho rằng ông có ý thức trọng danh dự. Ông tồi tệ, nhưng ý thức trọng danh dự đã cứu chuộc ông.
- Món patê có còn không?
- Ông đừng có nói thèm với tôi rằng ông đang đói!
- Tôi muốn ăn patê.
- Ngay bây giờ?
- Ngay bây giờ.
- Nhưng, tuyệt đối không thể được! Đã gần nửa đêm rồi, và mọi người trong nhà đều đã ngủ rồi.
- Thế thì ngày mai, được chứ?
- Barley, thật là kỳ cục. Chúng ta đi khai mạc hội chợ triển lãm sách, và mỗi người chúng ta có cả đống thiếp mời.
- Mấy giờ?
Một phút im lặng thú vị.
- Ông có thể đến “vào lúc 19 giờ 30”.
- Chắc chắn tôi sẽ đến trước giờ đó.
Ông ta và nàng, cả hai người im lặng một lúc lâu, nhưng sự im lặng còn làm cho người ta gần gũi nhau hơn là những lời nói, gần đến nỗi như hai cái đầu chung một gối, hai má sát bên nhau.
Chú thích
(1) Pierre Đại Đế: Tức Pierre le Grand, vua nước Nga, có công lớn trong công cuộc cải tổ nước Nga (1672 - 1725).
Đợi Chờ Đợi Chờ - John Le Carré