A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Dark Arena
Dịch giả: Nguyễn Hoài Thu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 648 / 77
Cập nhật: 2019-11-19 14:36:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
osca nghe thấy tiếng Inge, người nữ thư ký của Eddie Cassin gọi chàng ra nghe điện thoại từ phòng ngoài. Chàng tới áp ống nói lên tai. Tiếng một thiếu phụ Đức vang lên bên tai chàng:
— Herr Mosca, tôi là Saunders đây. Họ đưa bà vợ ông đi bệnh viện rồi. Tôi nghĩ bà ấy đẻ.
Mosca đứng im. Chàng nhìn Inge và Eddie như là hai người đó cũng nghe rõ tiếng nói trong điện thoại, nhưng cả hai đang bận rộn làm việc.
— Cái gì vậy bà? Còn những hai tuần nữa kia mà? - Mosca hỏi và chàng nhìn thấy Eddie ngửng đầu nhìn chàng, dò hỏi.
— Tôi chắc bà ấy đau đẻ. Hơi sớm… - Bà Saunders nói. - Sáng nay lúc ông đi làm được chừng một tiếng thì bà ấy đau. Tôi gọi bệnh viện, họ cho xe đến đón bà ấy đi…
— Ô kê. Cảm ơn bà. Tôi đến đó ngay.
— Ông gọi điện thoại về cho tôi biết sau khi bà ấy sinh nhé. - Bà Saunders nói. Trước khi chàng kịp đặt ống nói xuống, bà ta còn nói tiếp, - Bà ấy dặn tôi bảo ông đừng lo.
Đôi lông mày của Eddie nhướng lên khi Mosca báo tin Hella đi đẻ, rồi Eddie nhấc ống nói gọi cho xe tới cho Mosca đi.
Khi chiếc xe Jeep đến, Eddie nói:
— Tôi chờ anh ở Rathskellar để ăn tối nay, nếu anh đến được. Có chuyện gì ở bệnh viện nhớ gọi về cho tôi.
— Có thể không phải là sinh đâu. - Mosca nói, - Hella không được mạnh khỏe lắm.
— Không sao đâu, - Eddie trấn an chàng. - Đúng là đau đẻ đấy mà. Con nít ra sớm hơn hay ra muộn một hai tuần đâu có gì là lạ? Tôi đã qua hết mọi chuyện này, tôi biết mà. - Anh đưa tay ra bắt tay Mosca. - Chúc may mắn.
Trên chiếc xe chạy về thành phố, Mosca nóng ruột, chàng lo sợ thực sự. Không có dấu hiệu gì báo trước tốt lành; một làn sóng kinh hãi ào đến tràn ngập tâm hồn chàng, làn sóng mạnh đến nỗi bỗng dưng chàng tin chắc rằng Hella đau và chàng nói với người tài xế:
— Chạy mau giùm.
Người tài xế nói:
— Tôi không chạy mau hơn được. Có lệnh trong thành phố xe chỉ được chạy 40 cây số một giờ.
Mosca ném bao thuốc lá còn một nửa vào lòng người lái xe Đức. Chiếc xe Jeep chồm lên.
Bệnh viện thành phố gồm một dãy nhà gạch đỏ nằm trên một khu phố ngoài có rào dây thép gai phủ dây leo. Dọc rào có nhiều cửa, cổng chính dành cho người thăm thật lớn để xe có thể chạy vào. Chiếc ô tô vượt qua cửa, chạy chậm lại vì đông người vào. Mosca bảo người lái: “Tìm dãy hộ sinh.” Người lái nhoài ra hỏi một y tá rồi cho xe chạy. Mosca ngồi trên ghế cố nghĩ lúc xe chạy từ từ trong bệnh viện.
Bây giờ chàng đang ở giữa lòng nước Đức. Tại đây không có quân phục, không có xe quân sự ngoài chiếc xe Jeep của chàng. Dân chúng xung quanh là kẻ thù. Quần áo ngôn ngữ, cử chỉ, cả không khí cũng là Đức. Gần hàng rào là dãy nhà hộ sinh.
Trong một văn phòng nhỏ có một nữ y tá đã có tuổi ngồi sau cái bàn, hai người đàn ông Đức bận hai bộ quân phục Mỹ cũ thải hồi đứng dựa lưng vào tường. Mosca biết họ là hai lao công xe cứu thương, chuyên đi khiêng cáng người bệnh vào nhà hộ sinh này.
— Tôi tìm Hella Broda, người vừa được đưa vào đây hồi sáng nay. - Mosca nói với người nữ y tá.
Bà này cầm cây bút chì lướt đi trên những tên người nhập viện ghi trên trang sổ trước mặt. Trong vài giây Mosca sợ bà ta sẽ báo tin Hella không vào đây để đẻ mà là vì đau một chứng bệnh gì đó. Người nữ y tá ngửng lên, cười với chàng:
— Thưa vâng, ông chờ chút để tôi hỏi xem sao.
Trong khi người nữ y tá gọi điện thoại, một trong hai người lao công nói với chàng: “Chúng tôi mang bà ấy vào đây.” Hai người cùng cười với Mosca và Mosca lịch sự cười đáp lễ. Chàng cảm thấy cả hai người lao công cùng chờ đợi chàng thưởng cho vài điếu thuốc lá, chàng lục túi nhưng trong lúc vội vã chàng quên mất không mang theo vài gói. Gói thuốc hút dở chàng cho anh tài xế lái xe đưa chàng đến đây. Chàng nhún vai và quay lại nhìn người nữ y tá.
— Mừng ông. Ông có con trai.
Mosca tỏ vẻ sốt ruột:
— Vợ tôi có được khoẻ không? - Nói xong, chàng hơi ngượng vì đây là lần thứ nhất chàng dùng hai tiếng vợ tôi để gọi Hella. Đây cũng là lần thứ nhất trong đời chàng nói đến hai tiếng vợ tôi.
— Bà ấy khỏe mạnh. - Người nữ y tá vui vẻ đáp. - Nếu ông chịu khó chờ, ông sẽ được vào thăm bà ấy khoảng một tiếng đồng hồ nữa. Bây giờ bà ấy đang ngủ.
— Tốt. Tôi chờ.
Mosca đi ra ngoài ngồi trên chiếc ghế gỗ dài ở ngoài hiên, dựa đầu vào tường. Chàng ngửi thấy mùi hoa ở khu vườn gần đấy, một mùi thơm ngọt hoà lẫn với mùi nắng của buổi trưa. Quanh chàng, những nam nữ y tá, những bác sĩ đi đi lại lại trong những bộ y phục trắng tinh. Dấu vết của chiến tranh tàn phá và điêu tàn không có mặt trong bệnh viện này. Trong không khí yên tĩnh có tiếng ve ve của côn trùng ngoài vườn và tiếng chim non kêu chiêm chiếp trong bóng cây. Chàng có cảm giác yên bình hoàn toàn, cảm giác nghỉ ngơi lặng lẽ, như là dãy hàng rào xi măng sơn trắng ngoài kia là một giới hạn cách biệt khu nàng nằm với những tiếng động ồn ào và bụi bặm cùng với mùi vôi vữa của thành phố điêu tàn ngoài kia.
Hai người lao công ra theo. Họ ngồi trên ghế bên cạnh chàng. Mosca nghĩ: “Hai anh chàng này nhất định không chịu bỏ rơi mình. Hai anh phải kêu bằng được mấy điếu thuốc lá mới chịu.” Chàng quay về họ và hỏi:
— Các anh có thuốc lá không?
Hai người cùng ngạc nhiên rồi im lặng không nói gì. Mosca cười:
— Tôi không mang thuốc theo. Tôi có một gói hút dở nhưng hồi nãy tôi cho bác tài mất rồi. Ngày mai tôi tới đây, tôi sẽ mang biếu mỗi anh hai gói.
Hai người lao công hiểu ra. Với họ, chuyện người Mỹ hỏi xin thuốc lá người Đức là một chuyện không thể nào xảy ra được. Nhưng họ hiểu trường hợp đặc biệt này. Người lao công ngồi cạnh chàng móc túi ra gói thuốc lá Đức và đưa mời chàng:
— Nếu ông chịu hút tạm thứ thuốc này…
Mosca gần sặc vì hơi khói đầu tiên. Hai người lao công bật cười. Một người nói:
— Phải quen mới hút thứ thuốc này được.
Nhưng sau hơi khói đầu, Mosca lại cảm thấy thuốc ngon ngon. Chàng ngả người nằm dài trên thành ghế để cho ánh nắng soi vào mặt chàng. Cảm thấy mệt mỏi, chàng hỏi trong khi hai mắt vẫn nhắm:
— Khi các anh mang vợ tôi đến đây, nàng ra sao?
— Cũng như những người đàn bà khác khi đến giờ sinh, - người lao công đưa cho chàng điếu thuốc lá đáp. Anh ta có bộ mặt luôn luôn nở nụ cười thường trực. - Chúng tôi mỗi tháng mang đến đây cả trăm người như bà ấy, không có gì rắc rối.
Mosca mở mắt nhìn:
— Việc làm của các anh chắc cũng chẳng hứng thú gì, hả? - Chàng hỏi. - Ngày nào cũng vất vả với đàn bà sắp đẻ, nghe tiếng họ kêu khóc. - Nói đến đây Mosca cảm thấy bực bội với hai người đàn ông này, bởi vì họ đã nhìn và nghe thấy Hella kêu khóc. Vì trong một lúc Hella đã khổ sở trong tay họ.
Người lao công có nét mặt vui vẻ nói:
— Không đâu ông, bận rộn với những người nói được, khóc được vui lắm, dù rằng họ kêu khóc. Vất vả với những người không kêu không khóc được mới là chán. Trong chiến tranh, tôi ở trong đội chôn xác người chết. Chúng tôi đi bằng ô tô, lượm các xác chết bỏ lên xe. Vào mùa đông, họ cứng đơ như những khúc gỗ. Đôi khi chúng tôi móc cánh tay họ vào nhau thành từng chuỗi để khi xe chạy, họ khỏi rơi xuống xe. Xếp như thế cũng xếp được nhiều hơn khỏi phải đi dây dưa thành nhiều chuyến.
Người lao công thứ hai đứng dậy đi trở vào phòng. Người Đức ngồi lại mỉm cười nói:
— Hắn đã nghe chuyện tôi nhiều lần rồi. Hồi còn chiến tranh hắn ở Luftwaffe. Bọn họ quý phái lắm, chỉ bắt họ đổ một thùng rác là họ không ăn được đến cả tuần. Còn bọn chôn xác chúng tôi thì lúc đầu cũng ngán nhưng rồi quen đi hết. Xong, mùa đông còn đỡ khổ, mùa hạ mới thật là khủng khiếp. Mùa hạ, chỉ nửa ngày là xác chết đã có mùi. Như là trái cây rữa vậy. Trước chiến tranh tôi làm nghề đóng cam tươi vào thùng, chắc có lẽ vì vậy nên khi bị động viên, người ta cho tôi vào đội chôn xác. Làm nghề đóng cam vào thùng, tôi loại những trái hư, rữa ra, trái nào hư quá thì bỏ đi, còn trái nào ăn được thì tôi bỏ vào thùng riêng đem về nhà cho bọn nhỏ ăn. Nhưng với xác chết thì không thể đem về. Và mùa đông cũng như mùa hạ tôi phải làm việc trong yên lặng không thể nói với ai nửa lời. Có nhiều tên trong bọn tôi quen nói chuyện với xác chết, nhưng tên nào có cái tật đó cũng chẳng điên thì khùng. Hết chiến tranh, họ không còn làm nghề nào khác được nữa. Vì vậy, tôi mới nói với ông rằng cái nghề tôi đang làm bây giờ dễ chịu lắm.
Mosca nghĩ thầm: “Thằng cha này cũng hay.” Chàng thấy có cảm tình với anh ta vì bản tính chất phác và hiền lành.
— Tôi thích nói chuyện. - Người lao công Đức nói tiếp. - Nói gì cũng được miễn là có nói. Tôi thích công việc tôi đang làm lắm. Tôi ngồi với đàn bà trong xe, khi họ kêu, tôi bảo họ kêu đi, cứ việc kêu cho thoả thích, không ai nghe tiếng, không ai cười đâu mà sợ. Khi họ khóc, như bà vợ ông chẳng hạn, tôi bảo: “Khóc đi! Cứ việc khóc. Khóc được là tốt. Người đàn bà nào sắp có con cũng phải khóc đi cho quen.” Tôi nghĩ ra những câu hay để nói với họ, cho họ đỡ sợ. Khi họ kêu khóc mà có người bảo họ kêu khóc là tốt, họ chịu nghe lắm.
Mosca lại nhắm mắt:
— Tại sao vợ tôi lại khóc?
— Sinh đẻ là một chuyện khó nhọc, - người đàn ông Đức nhìn chàng như để trách chàng tại sao lại hỏi một câu như thế, nhưng vành môi anh ta chỉ làm cho cái nhăn mặt trở thành nụ cười răn rúm. - Cái đau làm cho bà ấy khóc, nhưng mà cái khóc ấy không có nghĩa lý gì cả, nhiều khi sự sung sướng cũng làm cho người ta khóc. Tôi thấy rõ là bà ấy khóc vì sung sướng, nên tôi không cần phải nói gì với bà ấy cả, tôi chỉ lau mặt cho bà ấy thôi. Tôi nghĩ rằng người đàn ông nào được làm chồng bà ấy là một người tốt phúc. Bà ấy khóc nhiều nhưng khi tôi khiêng bà ấy ra khỏi xe, bà ấy mỉm cười với tôi. Tôi có thể nói chắc với ông rằng bà ấy khóc nhưng vẫn sung sướng.
Một người nữ y tá đứng sau cửa kính, gõ nhẹ rồi ra hiệu cho người lao công vào phòng. Lát sau, cả hai người lao công cùng đi ra. Khi đi ngang chỗ Mosca ngồi, người lao công vui tính nhắc:
— Nhớ cho bọn tôi vài gói thuốc lá, ông nhé…
Mosca nhắm mắt lại, ánh nắng của buổi trưa tháng Sáu làm chàng ngủ đi. Dường như chàng ngủ rất lâu, trong giấc ngủ có cả vài giấc mơ ngắn nữa, rồi chàng tỉnh lại. Người nữ y tá lại đứng gõ nhẹ lên cửa kính, ra hiệu cho chàng vào phòng.
Chàng được nói cho biết Hella đã tỉnh và số phòng nàng nằm, tầng lầu có phòng nàng. Mosca chạy ba bậc một lên tầng lầu thứ hai, nhưng số phòng người nữ y tá cho chàng là một phòng lớn. Qua hai cánh cửa bật ra, bật vào, chàng nhìn thấy trong phòng có đến một chục cái giường, giường nào cũng có đàn bà nằm. Chàng kiễng chân nhìn qua cánh cửa vào phòng để tìm Hella, nhưng không nhìn thấy nàng đâu cả. Một nữ y tá trẻ đi qua, bảo chàng:
— Ông phải vào hẳn trong đó mới được chứ!
Mosca vào phòng. Nhiều người đàn bà quay lại nhìn, như họ đang chờ đợi chồng đến thăm. Chàng đi chầm chậm giữa hai dãy giường, liếc nhìn từng người nằm. Mãi tới cuối phòng, chàng mới thấy Hella.
Nàng nằm ngửa. Mắt nàng mở nhìn chàng. Chắc nàng đã nhìn thấy chàng ngay khi chàng ngơ ngẩn bước vào phòng, nhưng không gọi vì biết thế nào chàng cũng đi tới. Chưa bao giờ Mosca thấy nàng đẹp bằng lúc này. Môi nàng đỏ tím như nàng vừa cắn chặt hàm răng vào đó, làn da mặt nàng trắng xanh nhưng hai má nàng có hai vòng tròn hồng hồng. Đôi mắt nàng sáng long lanh và linh động khác hẳn với tấm thân bất động của nàng. Qua mặt nàng, Hella không có vẻ gì là người mới sinh con trước đó vài tiếng đồng hồ. Vì có nhiều người đàn bà khác trong phòng đang tò mò nhìn họ, Mosca chỉ cúi xuống hôn lên má nàng, nhưng Hella nghiêng mặt đi cho môi họ chạm nhau.
— Anh có thích không? - Nàng hỏi thì thầm. Giọng nàng khàn khàn như người vừa cảm ho.
Mosca mỉm cười với nàng và gật đầu.
— Con chúng mình đẹp lắm. Nó nhiều tóc lắm, - nàng nói nhỏ. - Như tóc anh vậy.
Không biết phải làm gì, Mosca đứng yên với nụ cười trên môi, chàng thắc mắc không hiểu vì sao chuyện này lại có thể làm cho nàng sung sướng đến như thế trong khi chàng thản nhiên đến như thế.
Một người nữ y tá đến gần họ, nói:
— Vậy là đủ rồi, ông. Ngày mai mời ông trở lại, vào giờ thăm. Xin để bà ấy nằm nghỉ.
Mosca cúi xuống Hella:
— Mai anh đón, ô kê?
Nàng gật đầu và hơi ngước mặt lên đón chiếc hôn của chàng.
Ra khỏi phòng, người nữ y tá hỏi chàng có muốn xem đứa nhỏ không và Mosca đi theo cô ta qua hành lang dài đến một phòng kính. Có vài người đàn ông đang đứng trước bức vách kính này để nhìn ngắm con họ bên trong. “Em bé Broca.” Một nữ y tá bên trong đi vào phòng trong nữa. Vài giây sau cô trở ra, tay ôm một bọc, cô mở khăn ra cho Mosca nhìn đứa bé nằm trong bọc qua làn kính với cái vẻ kiêu hãnh như đứa bé do chính cô ta tạo ra vậy.
Mosca chán nản vì vẻ xấu xí của đứa bé. Đây là lần thứ nhất chàng nhìn kỹ một đứa nhỏ vừa ra khỏi lòng mẹ được vài tiếng đồng hồ. Da mặt nó răn reo trông không ra làm sao cả, đôi mắt nó nhắm lại nhưng vẫn có vẻ mở ti hí để phóng những tia nhìn đề phòng gian manh ở cõi đời mà nó thấy là xa lạ và đầy đe dọa quanh nó. Trên chỏm đầu như trái dưa méo của nó lơ thơ một rúm tóc càng làm cho nó có vẻ là một con vật hơn là người.
Bên cạnh Mosca, một anh đàn ông Đức hói tóc đang chúm chím cười với một đứa nhỏ do một nữ y tá khác bế đưa sau tấm kính. Mosca nhẹ cả người khi thấy đứa con mới đẻ của anh bố tóc hói này cũng giống hệt như con chàng, nghĩa là cũng răn reo, xấu xí, tóc cũng lơ thơ, không ra làm sao cả. Chàng nhìn anh bố sung sướng khen con: “Đẹp quá… Xinh quá…” và nhăn mặt méo môi chờ đợi một phản ứng nào đó ở đứa bé. Rồi chàng nhìn trở lại con chàng, cố gắng chờ đợi một xúc động nào đến gọi là có, nhưng tuyệt nhiên không thấy gì, chàng ra hiệu cho người nữ y tá bế nó vào. Người nữ y tá sịu mặt và nhìn chàng hờn dỗi, cô chờ đợi Mosca lộ ra niềm khoan khoái sung sướng theo kiểu những anh bố đến xem mặt con mới đẻ nhưng chàng đã không chịu làm cái bổn phận đó.
Mosca chạy ra khỏi toà nhà và rảo bước ra cổng. Chàng nhìn thấy Leo trong chiếc xe Jeep đang chầm chậm đi ngược dòng người Đức. Chàng trèo vào xe nhấc bó hoa Leo đặt trên ghế lên tay, mùi hoa thơm, mát ập vào mũi chàng và bỗng dưng, chàng cảm thấy hài lòng, thoải mái, sung sướng.
Khi họ gặp nhau ở nhà hàng Rathskellar buổi tối ấy, Eddie đã say. Eddie lè nhè:
— Đồ khốn nạn. Đi là mất mặt luôn. Sao không gọi điện thoại về? Làm người ta sốt ruột phải gọi đến bệnh viện. Họ bảo anh đi theo em nữ y tá nào đó vào phòng nào mất tích rồi. Chó thật.
Mosca cười bỡ ngỡ:
— Quên khuấy đi mất.
Eddie choàng tay Mosca:
— Mừng cậu. Tối nay mình phải ăn mừng mới được.
Ba người ngồi ăn rồi kéo nhau sang Bar rượu.
— Đêm nay chúng mình vẫn ai uống người ấy trả tiền hay là Walter phải trả hết? - Leo nói, như đó là một chuyện quan trọng đáng kể.
Eddie nhìn họ bằng con mắt đàn anh rồi nói:
— Đêm nay tôi chi hết, cả ăn lẫn uống. Chờ anh bố bủn xỉn này thì còn khuya. Anh không thấy bộ mặt đau khổ quá của hắn ư?
— Mẹ kiếp, - Mosca kêu lên, - làm sao tôi có thể đóng kịch vai anh bố trẻ sung sướng cho được? Chúng tôi vẫn chưa kết hôn với nhau. Họ vẫn gọi thằng nhỏ bằng họ của Hella. Việc tôi cần làm bây giờ là nộp đơn xin cưới.
— Để tôi lo cho, - Eddie nói. - Dễ mà. Nộp đơn khoảng ba tháng là anh có giấy phép kết hôn, nhưng kết hôn được ba mươi ngày là anh phải về Hoa Kỳ. Anh có bỏ được nơi này không?
Mosca suy nghĩ:
— Hãy cứ lấy cho được giấy phép trước đã. Mình hoãn ngày kết hôn lại cũng không ngại gì. Tôi cũng muốn nắm trong tay đủ giấy tờ hợp pháp, khi cần đến là có ngay.
Eddie gật đầu:
— Anh có thể làm như thế được, nhưng có giấy phép rồi anh không thể hoãn được mãi. Trước sau gì anh cũng phải về, cuộc sống ở đây càng ngày càng khó. Họ kiểm soát mỗi ngày một gắt gao hơn, có vợ, có con mà vẫn bất hợp pháp, anh sẽ khó xoay nổi các thứ cần thiết cho vợ con anh. - Eddie nhìn Mosca bằng một cái nhìn kỳ dị, soi mói, - Anh có thật muốn có giấy tờ đó không, Walter? Anh có thật muốn về Mỹ không?
Không trả lời, Mosca hỏi Leo:
— Còn anh thì sao? Anh đã quyết định chưa? Đi Hoa Kỳ hay đi Palestine?
— Tôi đang kiếm được ở đây. - Leo đáp. Cùng lúc ấy anh nhớ đến ông giáo sư. - Tôi chưa quyết định nhưng tôi sắp phải quyết định.
— Anh nên đi Mỹ với tôi, - Mosca nói. - Anh có thể sống với tôi và Hella cho đến lúc nào anh quen với đời sống Mỹ và có nhà riêng, nhưng với điều kiện là tôi với Hella có tìm được nhà riêng hay không trước đã.
Eddie tò mò hỏi:
— Walter… Anh sẽ làm gì khi anh về Mỹ?
— Tôi chưa biết, - Mosca đáp. - Tôi nghĩ có thể trở về trường học lại. Tôi là một thằng ngu si, từ trường trung học tôi đi thẳng vào quân đội. - Mosca cười với họ. - Chắc các anh không tin đâu nhưng hồi còn đi học, tôi là một học sinh khá. Nhưng tôi đã tình nguyện nhập ngũ, như anh biết đấy, Eddie, anh vẫn từng chửi tôi về chuyện tôi tình nguyện trong thời gian chúng mình còn ở trong quân đội. Bây giờ tôi lại muốn học để biết những gì tôi chưa biết. - Chàng dừng lại như để suy nghĩ và để sắp đặt ý nghĩ thành lời. - Đôi khi tôi muốn chiến đấu chống lại tất cả những gì mà tôi thấy là vô lý và bất công xảy ra quanh tôi, nhưng tôi không biết cách chiến đấu ra sao cho đúng, cho phải. Như bây giờ chẳng hạn. Tôi muốn làm nhiều chuyện nhưng tôi không được phép làm. Toàn là những chuyện riêng của tôi. Tôi không kết hôn được với em người Đức và tôi không hiểu tại sao quân đội lại khó khăn với việc ấy đến như thế, chẳng quý báu gì người Đức nhưng mà việc bị cấm đoán cũng làm tôi phát điên. Mẹ kiếp… - Chàng giơ ly lên uống, nói tiếp, - Khi tôi còn nhỏ, tôi nghĩ tất cả mọi người đều tốt, đều hay. Thời đó tôi có nhiều ý nghĩ cố định, rõ rệt về người và việc những ý kiến mà đến giờ tôi quên hết cả rồi. Trong những trận đánh lộn ngoài phố với những đứa trẻ khác, tôi luôn luôn đánh như những người hùng tôi thấy trên màn bạc, luôn luôn đánh công bằng, với ý nghĩ là hành động phải quang minh chính đại, chẳng hạn như không đánh bất ngờ, không đánh khi địch thủ ngã chưa dậy được. Đúng là một thằng đần. Bây giờ, tôi hồi tưởng lại và thấy tất cả chuyện ấy đều như không có thật. Như là chuyện mình tin rằng chiến tranh sẽ không bao giờ kết thúc, tin rằng rồi chúng mình sẽ đánh thẳng vào Nhật Bản. Rồi đến đánh người Hoả Tinh. Đánh mãi và không bao giờ trở về nhà. Bây giờ là lần đầu tiên tôi nhận thấy rằng chiến tranh đã hết, tôi không còn đánh ai nữa và phải trở về với cuộc sống của tôi, dù nó chỉ là giấc mơ hay là gì đi nữa. Khi phải trở về, tôi có thể bắt đầu sống lại cuộc đời cũ bằng cách đi học.
Leo và Eddie đều có vẻ bối rối. Đây là lần đầu tiên Mosca tâm sự với họ về những gì chàng nghĩ trong thâm tâm. Mosca chưa bao giờ tâm sự và họ ngạc nhiên vì tính chất trẻ thơ và vì nhưng xúc động trong người thanh niên rắn rỏi, nước da hơi đen và có một bộ mặt tàn nhẫn này. Leo nói:
— Đừng lo, Walter. Khi anh sống cuộc đời bình thường như tất cả mọi người với vợ anh và con anh, anh sẽ quen. Mọi việc sẽ đâu vào đấy hết.
— Làm sao cậu biết? - Eddie hỏi với vẻ giận dữ của người say. - Tám năm trời sống trong trại tập trung không biết mùi đàn bà. Anh biết cái gì mà nói.
Leo nói với vẻ ngạo mạn thản nhiên:
— Tôi biết một điều. Anh sẽ không bao giờ rời khỏi được nơi này.
Lời nói của Leo làm cho Eddie sửng sốt.
— Anh nói đúng. - Eddie gật gù, - anh nói đúng không chê vào đâu được. Tôi vừa mới lại viết thư cho vợ tôi rằng cô ấy phải mang con đến đây sống với tôi, chứ tôi thì tôi nhất định không rời khỏi khu vực này. Tôi hy vọng cô ấy không mang con đến. Đó là hy vọng duy nhất của tôi. Cô ấy không thể đến được vì đã bắt bồ với thằng chủ của mình. Cô ấy tưởng tôi không biết chuyện đó nhưng tôi biết thừa đi. Trong thư, tôi đã để lộ cho cô ấy biết là tôi biết.
Leo nói với Mosca:
— Có thể là tôi sẽ đi Hoa Kỳ cùng với anh, ai biết đâu những chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai? Tôi không thể ở đây mãi mãi được, anh cũng vậy. Sao chúng mình không về Hoa Kỳ cộng tác với nhau làm một công việc gì đó? Tôi lo bán hàng, anh đi học? Hả? Được lắm chứ?
— Hay đấy, - Eddie xen vào, - buôn bán với Leo là anh khỏi bao giờ sợ lỗ. - Eddie cười nhưng anh thấy rằng hai người kia không hiểu câu nói bóng gió của anh hoặc là họ nghe không rõ nữa, cũng có thể vì họ tin ở anh hoặc họ không ngờ anh lại nói xỏ xiên họ. Eddie cảm thấy xấu hổ. - Các anh mơ mộng lẩm cẩm, chẳng thằng nào trong bọn mình rời khỏi được nơi này hết. Tin tôi đi, rồi xem…
Eddie thấy rằng anh hờn giận vì hai người kia đã bàn luận tương lai riêng với nhau, họ bỏ anh ra ngoài. Không phải họ không cho anh vào chương trình dự định của họ vì họ không ưa anh mà là vì họ tin chắc rằng không bao giờ anh đi khỏi được nơi này. Bỗng dưng, anh thấy anh lo lắng cho họ. Anh lo cho Leo vì sự ngây thơ của Leo trước cuộc đời. Anh lo cho Mosca vì anh thấy trong tâm hồn Mosca có một cuộc tranh đấu bất tận với đời. Và anh cảm thấy thương hại anh vô bờ bến. Trước những đôi mắt ngạc nhiên của Leo và Mosca, anh gục đầu lên bàn và khóc nức nở. Rồi anh ngủ thiếp đi.
Đấu Trường Đen Đấu Trường Đen - Mario Puzo Đấu Trường Đen