If love is a game, it has to be the hardest game in the world. After all, how can anyone win a game where there are no rules?

CODY MEYERS

 
 
 
 
 
Tác giả: Neil Gaiman
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Thiên Nga
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 549 / 41
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
ó một chiếc xe Land Rover đậu sau chuồng bò. Cửa xe mở và chìa khóa xe đang cắm trong ổ. Tôi ngồi trên ghế hành khách phủ giấy báo và nhìn bác Ginnie Hempstock xoay chìa khóa. Động cơ bình bịch mấy tiếng rồi máy nổ.
Tôi không hình dung được là trong nhà Hempstock lại có ai lái xe. Tôi nói, “Con không biết là bác có xe.”
“Có rất nhiều thứ con không biết,” bác Hempstock nói, giọng chua cay. Rồi bác liếc lên nhìn tôi dịu dàng hơn và nói, “Ta đâu thể biết hết mọi thứ được.” Bác lùi chiếc Land Rover, rồi nó vừa đi vừa xóc nẩy khi qua những rãnh lún và vũng nước sau sân trang trại.
Tôi nghĩ ra điều gì đó.
“Bà Hempstock nói chị Lettie không chết,” tôi nói. “Nhưng trông như chị đã chết ấy. Con nghĩ chị chết thật rồi. Con nghĩ sự thật không phải là chị chưa chết.”
Trông bác Ginnie như định nói gì đó về bản chất sự thật, nhưng rồi bác chỉ nói, “Nó bị thương. Bị trọng thương. Đại dương đã đưa nó đi. Thật lòng mà nói, ta không biết có bao giờ nó trả con bé lại không. Nhưng chúng ta có thể hy vọng mà, đúng không?”
“Đúng ạ.” Tôi nắm chặt hai tay thành quả đấm rồi cố hết sức mà hy vọng.
Xe chúng tôi giằng xóc và chạy mười lăm dặm một giờ về đầu đường làng.
Tôi hỏi, “Chị từng là - chị là - con gái của bác thật sao?” Tôi đã không biết và đến giờ vẫn không biết vì sao mình lại hỏi bác câu đó. Có lẽ tôi chỉ muốn biết thêm về cô bé đã cứu mạng tôi, đã cứu nguy cho tôi biết bao lần. Tôi không biết gì về cô bé cả.
“Không ít thì nhiều,” bác Ginnie nói. “Đàn ông nhà Hempstock, mấy ông anh của ta ấy, họ ra ngoài đời và sinh con đẻ cái, rồi những đứa con đó lại có con có cái. Ở ngoài thế giới của con cũng có phụ nữ nhà Hempstock, và ta dám chắc mỗi người họ đều là một điều kỳ diệu theo cách riêng của mình. Nhưng chỉ có bà, ta với Lettie là thuần huyết.”
“Chị không có bố sao?” tôi hỏi.
“Không.”
“Bác có bố không ạ?”
“Bụng con đầy câu hỏi nhỉ? Không, con yêu. Nhà ta chưa bao giờ quan tâm đến thứ chuyện đó. Người ta chỉ cần đàn ông nếu họ muốn sản sinh ra thêm đàn ông thôi.”
Tôi nói, “Bác không phải đưa con về nhà đâu. Con ở lại với bác cũng được mà. Con có thể chờ đến khi chị Lettie từ đại dương quay về. Con có thể làm việc ngoài trang trại, bưng bê các thứ, học cách lái máy kéo nữa.”
Bác nói “Không được,” nhưng bằng giọng hiền lành. “Con hãy lo sống đời mình cho tử tế đi. Lettie đã trao nó cho con. Con chỉ cần khôn lớn và cố mà sống xứng đáng với điều đó thôi.”
Một thoáng phật ý. Sống, cố tồn tại ở đời và tìm được chỗ đứng của mình, hay cố làm những thứ ta cần làm để qua ngày là đã khó rồi, huống hồ còn phải băn khoăn liệu điều ta đã làm, bất kể là gì, có đáng để một ai đó... nếu không chết thì cũng từ bỏ đời mình hay không, chuyện đó không công bằng.
“Đời không công bằng đâu,” bác Ginnie nói, như thể tôi đã nói ra thành lời.
Bác rẽ vào lối vào nhà chúng tôi, đỗ xe lại ngoài cửa trước. Tôi xuống xe cùng bác.
“Tốt nhất là ta nên giúp con về nhà dễ dàng hơn,” bác nói.
Bác Hempstock bấm chuông cửa, dù cửa không bao giờ khóa, và cố gắng chùi đế đôi ủng cao su trên thảm chùi chân cho đến khi mẹ tôi ra mở cửa. Mẹ đã thay đồ đi ngủ và đang mặc áo choàng ngủ vải chần màu hồng.
“Nó đây,” bác Ginnie nói. “Bình an vô sự, như người lính từ chiến trận trở về. Thằng bé đã được vui vẻ ở buổi tiệc tiễn Lettie nhà chúng tôi đi xa, nhưng giờ đã đến lúc cho chàng trai trẻ này được nghỉ ngơi rồi.”
Mẹ tôi trông bối rối - gần như hoang mang - và rồi để thay thế cho sự hoang mang đó, mẹ nở nụ cười như thể thế giới vừa định hình lại thành một thể dạng có nghĩa lý.
“Ôi, chị không cần phải chở nó về đâu,” mẹ nói. “Tôi hay chồng tôi xuống đón nó cũng được mà.” Rồi mẹ nhìn xuống tôi. “Con phải nói gì với bác Hempstock nhỉ, con yêu?”
Tôi nói như máy. “Cảm ơn bác đã mời con.”
Mẹ tôi nói, “Giỏi lắm, con yêu.” Rồi, “Lettie đi xa sao?” “Sang Úc,” bác Ginnie nói. “Để ở lại với bố nó. Chúng tôi sẽ nhớ mấy lần anh bạn nhỏ này đến chơi lắm, nhưng thôi, khi nào Lettie về thì chúng tôi sẽ cho nhà chị biết. Lúc đấy cậu bé lại đến chơi cũng được.”
Tôi mệt rồi. Bữa tiệc thật vui mặc dù tôi không nhớ được nhiều về nó. Dù vậy, tôi biết mình sẽ không đến thăm trang trại Hempstock nữa. Trừ phi là có Lettie ở đó.
Úc thì dặm trường xa, xa thật xa. Tôi tự hỏi bao lâu nữa cô bé mới cùng cha từ Úc về lại. Tôi chắc là nhiều năm nữa. Nước Úc ở bên kia thế giới, băng qua đại dương...
Một góc nhỏ trong trí óc tôi nhớ một chuỗi sự kiện khác rồi quên mất, như thể tôi vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ khoan khoái, nhìn quanh, kéo mền lên trùm người rồi lại mơ tiếp.
Bác Hempstock trèo lên chiếc Land Rover cũ dính bùn bê bết (giờ tôi mới thấy nhờ ánh đèn bên trên cửa trước) đến mức gần như không còn thấy được dấu vết nước sơn ban đầu nữa, rồi bác vòng xe ra khỏi lối vào, chạy ra đường làng.
Mẹ tôi có vẻ không để tâm chuyện tôi mặc áo quần lạ lùng, kỳ quái về nhà khi đã gần mười một giờ đêm. Mẹ nói, “Mẹ có vài tin xấu, con yêu.”
“Là gì thế ạ?”
“Ursula đi rồi. Chuyện nhà. Nhà có chuyện gấp. Cô ấy đi rồi. Mẹ biết bọn trẻ các con thích cô ấy biết chừng nào.”
Tôi biết là mình không thích cô ta, nhưng tôi không nói gì.
Giờ đây, không còn ai ngủ trong phòng của tôi ở đầu cầu thang nữa. Mẹ hỏi tôi có muốn lấy lại phòng một thời gian không. Tôi nói không mà chẳng rõ vì sao mình lại nói vậy. Tôi không nhớ tại sao mình ghét Ursula Monkton đến như vậy - thực ra thì tôi cảm thấy hơi có lỗi vì ghét cô ta một cách tuyệt đối và vô lý như thế - nhưng tôi chẳng hề mong được về lại phòng ngủ đó dù nó có cái bồn rửa mặt nhỏ màu vàng vừa cỡ tôi, và tôi vẫn ở lại phòng ngủ dùng chung với em gái cho đến nửa thập kỷ sau, khi gia đình tôi dọn ra khỏi ngôi nhà đó (bọn trẻ chúng tôi phản đối, người lớn thì tôi nghĩ rằng đang thấy đúng là nhẹ nhõm vì những khó khăn tài chính đã qua đi).
Sau khi chúng tôi dọn đi, ngôi nhà bị đập bỏ. Tôi chẳng muốn đi thăm để rồi nhìn thấy nó đứng trơ trọi, cũng không muốn chứng kiến người ta phá hủy nó. Đời tôi ràng buộc quá nhiều trong mấy viên gạch và miếng ngói đó, cả những ống thoát nước và các bức tường nữa.
Nhiều năm sau, em tôi, giờ cũng đã là người lớn, tiết lộ với tôi rằng nó tin mẹ đã đuổi Ursula Monkton (người mà nó trìu mến nhớ là một người tử tế trong cả loạt những cô trông trẻ cộc cằn) vì bố có tư tình với cô ta. Điều đó cũng có thể, tôi đồng ý. Lúc ấy bố mẹ chúng tôi đều còn sống nên đáng lẽ tôi đã có thể hỏi họ, nhưng tôi không hỏi.
Bố tôi không nhắc đến các sự kiện đã xảy ra những đêm đó, lúc ấy thì không, sau này cũng không.
Đến khi tôi hai mươi mấy, cuối cùng thì tôi cũng đã làm bạn với bố. Ngày tôi còn là cậu bé, chúng tôi có rất ít điểm chung, và tôi tin chắc mình đã làm bố thất vọng. Bố không cần một đứa trẻ thích đọc sách, thích đắm mình vào thế giới riêng. Bố muốn một thằng bé làm những thứ bố đã làm: nào là bơi lội, đánh bốc, chơi bóng bầu dục rồi chạy xe sung sướng và phóng túng, nhưng rốt cuộc bố lại không có điều đó.
Tôi chưa bao giờ đi một mạch đến tận cuối đường làng. Tôi không nghĩ đến chiếc Mini trắng. Khi tôi nghĩ về ông thợ mỏ đá mắt mèo thì đó là trong bối cảnh có hai viên đá mắt mèo thô xù xì để trên bệ lò sưởi nhà chúng tôi, và trong ký ức của tôi thì ông ta mặc sơ mi kẻ ô với quần jean. Da ông ta rám nắng chứ không phải đỏ tía vì trúng độc monoxit, ông ta cũng không thắt nơ bướm.
Yêu Quái, con mèo đực lông màu hoe mà ông thợ mỏ đá mắt mèo để lại cho chúng tôi, đã bỏ đi lang thang cho nhà người ta nuôi, và dù thỉnh thoảng chúng tôi thấy nó lảng vảng ở mấy con mương và đám cây cuối đường làng, nó cũng không bao giờ chạy lại khi chúng tôi gọi. Tôi nghĩ là mình thấy nhẹ nhõm vì chuyện này. Nó chưa bao giờ là mèo của nhà tôi. Chúng tôi biết vậy, và nó cũng biết vậy.
Tôi ngờ rằng một câu chuyện chỉ quan trọng chừng nào nhân vật trong chuyện thay đổi. Nhưng khi những chuyện này xảy ra thì tôi mới bảy tuổi, và tôi ở cuối chuyện cũng vẫn y hệt như tôi ở đầu câu chuyện, đúng không? Tất cả những người khác cũng vậy. Họ hẳn phải như vậy. Con người không thay đổi.
Dù vậy, có một số thứ thay đổi.
Độ một tháng sau các sự kiện ở đây và năm năm trước khi thế giới cũ nát tôi từng sống bị đập bỏ rồi được thay bằng những tòa nhà đều đặn, thấp lè tè, thanh tú và có những người trẻ tuổi thông minh làm việc ở thành phố nhưng sống trong thị trấn của tôi dọn đến, những người kiếm ra tiền rồi chuyển tiền từ nơi này sang nơi khác chứ không xây cất, đào mỏ, làm nông hay dệt vải, và chín năm trước khi tôi hôn Callie Anders hay tươi cười...
Tôi đi học về. Lúc đó là tháng Năm, cũng có thể là đầu tháng Sáu. Nó đang ngồi bên cửa sau như thể biết chính xác mình đang ở đâu và đang đợi ai: một con mèo đen còn nhỏ, giờ thì đã lớn hơn mèo con, có mảng trắng một bên tai cùng cặp mắt màu lam lục lạ lùng và sáng quắc.
Nó theo tôi vào nhà.
Tôi cho nó hộp đồ ăn của mèo mà Yêu Quái chưa động đến, cho nó ăn trong cái chén bụi bặm của Yêu Quái.
Bố mẹ tôi, những người chưa bao giờ để ý chuyện con mèo đực màu hoe đã đi đâu mất, thoạt tiên không nhận thấy là mèo con mới đến, nên đến khi bố tôi nhận xét về sự tồn tại của nó thì nó đã sống với chúng tôi được vài tuần rồi, nó thám hiểm khu vườn cho đến khi tôi đi học về rồi quanh quẩn ở bên cạnh khi tôi chơi hay đọc sách. Khi đêm đến, nó thường chờ dưới gầm giường cho đến khi đèn tắt rồi trèo lên nằm trên gối cạnh tôi, cào cào tóc tôi, luôn kêu rừ rừ rất khẽ để không quấy rầy em tôi.
Tôi thường vùi mặt vào bộ lông của nó rồi ngủ thiếp đi, còn tiếng rừ rừ trầm trầm của nó rung nhẹ như có điện bên má tôi.
Nó có đôi mắt thật khác lạ. Nó làm tôi nghĩ đến bờ biển nên tôi gọi nó là Đại Dương, nhưng tôi không thể giải thích được tại sao.
Đại Dương Cuối Đường Làng Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman Đại Dương Cuối Đường Làng