Số lần đọc/download: 3274 / 53
Cập nhật: 2017-04-04 13:32:06 +0700
Chương 16 - Gọi Họ
M
ột năm qua. Trong một năm ấy, cũng như trong những tháng mới làm dâu, và có lẽ trong những năm thừa lại của đời nàng, Minh vẫn là người chịu những nỗi bất công của Tạo hoá. Nhưng khác trước, nàng không hề phản đối những nỗi bất công ấy. Nàng vui vẻ mà nhận, mà tránh.
Nàng đã thấy có ít kết quả, là những người họ xa với chồng khen nàng ngoan nết, ăn ở đầy đặn, biết điều. Nhiều lần, nói chuyện với người khác, nàng đã thực bụng phàn nàn cho Oanh bị chồng chơi bời mà hờ hững.
Nàng vẫn mong có dịp để khuyên can Thẩm, nhưng hoạ hoằn, khi có giỗ tết, Thẩm mới đến nhà vợ, mà đến cũng không ngồi lâu bao giờ. Thẩm rất ác cảm với bà Tuần, vì bà Tuần rất ghét Thẩm. Chính tai Minh nghe thấy bà luôn luôn xui Oanh sinh sự lôi thôi với nhà chồng để lấy chứng cớ mà kiện ly dị. Nếu không có chồng nàng và nàng ngăn ngừa Oanh, thì có lẽ Oanh đã làm theo mẹ từ lâu.
Vì Minh là người đứng giữa nên biết xét công bình hơn, nàng thấy Thẩm không phải người tệ bạc. Nàng hiểu rằng trong tấn bi kịch mẹ chồng nàng dâu ở nhà Thẩm là do lỗi tại Oanh nhiều hơn. Nàng cảm động vì một lần được Thẩm ngỏ tâm sự riêng cùng nàng và có ý quý nàng nhất nhà. Một vài khi, Thẩm đã nhờ nàng răn bảo vợ hộ. Bởi vậy, nàng cũng đem lòng quý mến Thẩm.
Về phần Oanh, vì từng trải, nên nàng đối với Minh không xét nét như trước nữa. Trái lại, thỉnh thoảng Oanh muốn sắm sửa may mặc thức gì, nàng phải nhờ chị dâu cùng đi với.
Minh nhân những dịp ấy, vẫn khuyên bảo Oanh ăn ở cho phải đạo. Bởi vậy, thỉnh thoảng Oanh cũng than thở với Minh những nỗi đau đớn của mình. Có một hôm Oanh khóc và nói:
- Chị ạ, thế mà thành ra em khổ hơn chị.
Thấy Oanh đã thật thà mà nói câu vô ý ấy. Minh mỉm cười và nói chữa hộ:
- Tôi đi làm đâu, có gì là khổ mà cô nói thế. Mẹ yêu thì mẹ phải dạy, đó là lẽ rất thường.
Oanh chùi mắt:
- Nhà em chơi bời quá, em không biết khuyên bảo thế nào được. Đàn ông họ không hiểu cái khổ tâm của một người vợ có chồng chơi bời.
Minh ngẫm nghĩ, rồi nói:
- Nhưng mình cũng nên suy xét, họ đi cầu vui ở chỗ khác, có lẽ vì ở gia đình họ không thấy vui thú. Tôi hay trách mình trước rồi mới trách người sau, nên nói vậy. Hay là cô thử nghĩ kỹ xem hoặc cô đã làm chú ấy buồn bực vì nỗi gì chăng. Ở trong nhà vui vẻ thì người chồng còn phải đi tìm thú vui ở đâu nữa!
- Không phải, chẳng qua tại tính người.
- Nếu nghĩ như cô thì không tài nào cô sửa chữa được chú ấy. Cô phải tìm cho đến nguyên nhân. Người ta chán vợ hay chán chồng, là do người ta yêu vụng nhớ thầm một người nào khác hơn. Chỉ có những bậc hơn người mới có thể biết nghĩ mà bỏ những tư tưởng yêu nhớ ấy được. Còn những người tầm thường, thì phải chờ cho đến khi họ thấy người yêu ấy có chỗ đáng chán, họ mới đổi bụng. Vậy chính cô có thể làm cho chú ấy đổi bụng được.
Oanh chán nản, hỏi:
- Chị bảo làm thế nào?
- Lúc nào cô cũng nên là vợ hiền, dâu thảo. Chỉ thế, cô mới có thể cảm hoá được chú ấy mà thôi.
Oanh lắc đầu:
- Khó lắm. Mỗi tháng mấy chục đồng bạc lương, nhà em không để cho em tiêu một đồng xu nhỏ.
- Sao cô không mách bà cụ.
- Có, nhưng đẻ em không nói gì cả, đẻ em lại mắng thêm em. Chán quá chị ạ. Em quyết không chóng thì chầy, cái nhà ấy phải vào tay người khác, nhà em nợ lắm, em biết.
- Thế bà cụ có biết không?
- Không, mà em cũng mặc kệ. Mất thì thôi chả cần. Nhà ấy còn chăng nữa thì về phần em có được là mấy! Đem gia tài đi chia năm chia bảy, chị tính được mấy trăm bạc, em thiết gì!
Minh nhìn Oanh, vừa bỉ vừa thương hại. Tự nhiên nàng thương hại cả Thẩm, chồng Oanh. Nàng hiểu rằng sở dĩ Thẩm chơi bời là vì Oanh đã làm cho Thẩm chán ghét vì nhiều lẽ. Lẽ thứ nhất, là Thẩm tưởng Oanh là cái mỏ vàng khai không bao giờ hết. Lẽ thứ hai, là vì Oanh không ăn mặc theo thời trang trong khi trước mắt Thẩm, biết bao nhiêu thiếu nữ khác chỉ trang điểm để khêu gợi bọn trai chưa vợ. Lẽ thứ ba, là Thẩm cũng như Minh, đã không chịu được bà Tuần, dù bà chỉ là nhạc mẫu, Mẹ Thẩm và bà Tuần sở dĩ dâu gia với nhau, là do sự thân mật làm nên bởi quân bài.
Chiều sẩm hôm ấy bà Tuần sai Minh đến nhà Thẩm để xin phép cho Oanh về bà hỏi chút việc.
Đèn điện phố lúc ấy vừa bật, như một dãy hạt ngọc hiện ra, người đi kẻ lại rầm rập vui vẻ. Minh thấy vợ chồng Trí, bạn thân với chồng nàng, đi thong thả sóng đôi nhau ở trên hè, nàng nhéch mép, cúi chào, nhưng không dừng lại hỏi chuyện.
Minh đến nhà Oanh, thì Oanh đã đi vắng. Nàng được dịp gặp Thẩm. Thẩm đem chuyện Oanh ra nói và thở dài:
- Chị tính lấy phải vợ như thế, ai mà không buồn chán. Cho nên thành ra chơi bời cũng vì thế. Mà bực mình, tôi cũng chẳng muốn để cho tiêu một đồng lương nào!
Mình nghiem trang nói:
- Chú nên hà tiện.
- Hà tiện làm gì, bó bíu làm gì cho thêm khổ. Chả ăn tiêu cho sung sướng, cũng hoài cái tuổi trẻ đi mà thôi.
Minh cau mặt:
- Chú không biết lo xa.
Thẩm vẫn chán nản:
- Lo xa làm gì? Ở đời sống được ngày nào biết ngày ấy. Cứ như tôi, làm được đồng nào chẳng tiêu cho hết, thì giữ làm gì.
Minh ra vẻ nghĩ ngợi, thở dài, nói:
- Tôi chỉ ước ao anh ấy đi làm được mỗi tháng lấy hai ba chục thôi, thì tôi nhẹ mình. Lắm lúc ngồi nhớ lại, tiếc ngẩn tiếc ngơ. Mẹ bắt tôi ở nhà không cho tôi đi làm, thành ra để khó cho tôi.
Thẩm cười, thương hại:
- Mẹ gàn không có chỗ nói!
- Ấy thế mà từ tháng sau, mẹ giao cả công việc nội trợ cho tôi, mà mỗi tháng chỉ cho tôi hai chục để tiêu pha. Như thế, không sao đủ được.
Thẩm căm tức, nói:
- Mẹ đối với chị quá nghiệt, nghiệt đã có tiếng đấy.
Minh cười:
- Nhưng cũng phải chịu chứ sao? Cho nên nhân hôm nay, tôi có câu chuyện muốn nói với chú.
- Vâng, chị cứ nói.
- Tôi từ nay không đi làm nữa, thì thật là từ đồng xu nhỏ muốn tiêu, cũng phải ngửa tay ra xin mẹ. Lắm lúc nhục lắm chú ạ.
Thẩm lắc đầu. Minh tiếp:
- Bởi vậy, từ tháng sau, tôi muốn dựng bát họ bốn trăm, mỗi tháng đóng hai trăm đồng, muốn mời chú đóng cho một bát.
Thẩm ngẫm nghĩ. Minh lại nói:
- Thì cũng như tiền chú để dành, mà là chú giúp tôi. Tôi sẽ có đồng ra đồng vào, rồi chỗ lãi lời, tôi lấy để bù đắp vào những món thiếu thốn hàng tháng; nếu không thì lấy đâu mà tiêu pha cho đủ!
Thẩm châm thuốc lá, thở dài. Minh lại nói:
- Tôi muốn mẹ không nói tôi vào đâu được. Mẹ vẫn mạt sát bọn gái mới, cho là một hạng hư đốn, công việc làm ăn không biết một tí gì. Vì vậy, nhân dịp này, tôi quyết làm mẹ phải ngạc nhiên.
Thẩm đáp:
- Nhưng chị tính lương của tôi có mấy chục đồng bạc, nếu đóng họ thì lấy gì mà tiêu?
Minh cười, nằn nì:
- Chú có phải ăn tiêu gì đâu. Lo liệu công việc nhà, thì đã có bà. Bất quá chú chỉ chơi bời phung phí hết. Thì trước là chú giúp tôi, sau tà ngoảnh đi ngoảnh lại chú có một món tiền để dành mà.
Thẩm thở dài, rồi đáp:
- Nhưng tôi sợ nhà tôi biết rằng tôi đóng họ.
Chắc rằng Thẩm sợ nàng nói chuyện với Oanh rằng Thẩm có tiền riêng, sợ Oanh lấy mất, nên nàng nói:
- Không, chú chẳng nói tôi cũng phải giữ kín. Cô ấy với tôi như mặt trăng mặt trời. Tôi sẽ không nói rằng chú đóng họ cho tôi. Mà đến cả việc dựng họ, tôi cũng giấu hết mọi người. Rồi khi dốc ống, tôi cứ đưa riêng cho chú thôi.
Đắn đo một lúc, Thẩm không đáp. Minh nằn nì:
- Họ hàng nhà anh Cả, tôi chẳng dám hy vọng vào ai. Dựng bát họ này, tôi chỉ mời các bạn cũ của tôi, và những người hiểu tôi như chú. Nếu chú hờ hững mà không giúp tôi, thì thật là một điều không may cho tôi.
Thẩm động lòng:
- Nhưng chị có cam đoan rằng chị giấu cho tôi không?
Nghiêm nét mặt, Minh đáp:
- Chú bảo tôi mách ai? Có bao giờ tôi nói với cô ấy để cô ấy khinh tôi? Mà chẳng lẽ tôi muốn im lặng để cho mẹ ngạc nhiên, tôi lại phun ra cho mẹ biết rằng tôi phải dựng họ để lấy tiền chi tiêu hàng tháng à? Chú nhận lời tôi nhé.
Thẩm ngẫm nghĩ. Minh nói luôn:
- Thì cũng như chú nhịn tiêu một món chứ gì. Nhịn tiêu để giúp một người, tôi tưởng việc nghĩa ấy, những người có tâm huyết không khi nào bỏ qua.
Thẩm đáp:
- Vâng, tôi xin nhận. Nhưng chị nên đến tận nơi đây mà thu tiền, chứ tôi không gửi ai đưa đến đằng nhà được đâu.
Minh về, rất vui vẻ. Vừa ngồi xe, vừa ngẫm nghĩ đến thân thế nàng, nàng cho rằng sự sướng khổ của người ra, là do ở thói quen cả mà thôi. Cái gì nó làm cho ta bằng lòng hơn hay kém sự thường, thì ta thấy sướng hay khổ. Thế thì sướng hay khổ là do lòng người ta thấy như thế. Ta dùng đèn điện quen, thì khi làm việc dưới ánh sáng ngọn đèn dầu, ta thấy khó chịu; nhưng ta chưa hề ước ao có một mắt nữa ở đằng sau gáy, để tiện nhìn về phía sau, là hỏi ta chưa quen có. Thế thì đời, người nào ít thói quen nhất, là những người được nhiều điều vừa lòng nhất.
Bỗng phu xe quát một tiếng "ếp" làm nàng giật mình, chú ý nhìn. Tự nhiên nàng đỏ bừng mặt. Nàng nhác thấy Nhã đang lững thững đi bộ ở trước mặt.
Nhã quay lại gặp nàng.Nàng cuống quýt mừng rỡ, toan đập chân xuống sàn xe, bảo đứng dừng lại. Nhưng vụt nghĩ ra, nàng vội quả quyết quay đi, trống ngực thình thình, run lên.
Xe chạy được mươi bước, Minh vẫn hồi hộp vì hối hận đã quá lãnh đạm với Nhã. Bỗng nàng nghe tiếng đánh huỵch, tiếng xe đạp đổ, và tiếng người chạy. Ngoảnh cổ lại nhìn, nàng thấy một lũ người túm tụm ỡ giữa đường. Chột dạ, nàng bảo xe đổ lại và tò mò lắng tai nghe. Nhưng người phu xe cứ thản nhiên như không, cứ gò lưng để miết:
- Ô, đám đanh nhau, bà xem làm gì!
Minh càng bối rối:
- Hãy gườm.
Phu xe toan đặt xe xuống, thì bỗng Sanh đến trước mặt, làm cho nàng thất vọng. Nàng vờ trỏ bảo Sanh.
Sanh nhăn mặt, lắc đầu:
- Hơi đâu, rồi lỡ ra phải làm chứng thì lói thôi.
Rồi chàng tiếp:
- Lại một đám móc túi chứ gì!
Thế là nàng bị chồng dẫn về mà không thể làm gì được. Nàng quyết không phải đám đánh nhau, mà cũng không phải đám móc túi. Nàng đoán rằng đó là cái nạn xe đạp. Nhưng ai bị nạn? Hay là Nhã, thì thương hại thay! Nàng phân vân hậm hực và ân hận, vì có lẽ nàng đã quá lạnh lùng với Nhã, mà chàng tủi thân đến nỗi hoa mắt ù tai chăng.
Rồi đến hôm sau, một tờ báo đăng tin sau này:
ÔNG TRẦN VĂN NHÀ BỊ THƯƠNG
"Tối hôm qua, trong khi đi phố, ông Trần Văn Nhã, biên tập tờ "Tuổi trê" bị một cái xe đạp phóng nước đại văng mạnh vào mạng mỡ, ngã bất tỉnh nhân sự. Cả cái xe đạp lẫn người ngồi xe cùng lăn ra đường. Người ta vực ông Nhã vào nhà thương để điều trị. Chúng tôi có đến thăm ông ngay tối hôm qua, xem ra ông bị thương nặng ở cánh tay phải và vẫn còn đau tức ở cạnh sườn. Hỏi ông thì ông không nhớ gì hết. Ông chỉ mang máng rằng lúc cái xe đạp bấm chuông ở sau lưng, thì ông có nghe tiếng, nhưng không hiểu sao, ông không nghĩ đến việc tránh, và ông chịu hoàn toàn lỗi ở ông.
Chúng tôi lấy làm lạ, sao ông Nhã lại có cái chút vô ý và đãng trí đến như thế. Vậy xin chúc ông chóng bình phục".
Đọc xong, Minh rớt nước mắt, lả đầu vào lưng ghế, ngồi thần ra đến hàng giờ.