Số lần đọc/download: 1271 / 38
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:10 +0700
Căn Phòng Đó
M
ùa hè năm lớp 10, tôi được tự do và bắt đầu nhảy việc giữa các trang trại trong thung lũng. Tôi làm đủ các việc: từ hái dâu tới dọn chuồng gia súc. Rồi tôi tìm được một việc mà ông chủ trại trả tôi thêm 10 xu mỗi giờ so với mức tiền công tối thiểu; đã thế bà vợ béo không có con của ông ta lại còn cho tôi ăn trưa (mặc dù vừa cho ăn vừa ca cẩm), thế nên tôi ở lại đó cho đến lúc năm học mới bắt đầu.
Trong lúc dọn phân hoặc nhổ cỏ dại khỏi một con mương, thỉnh thoảng tôi dừng lại để nhìn về phía những cánh đồng xa, nơi những tay lực điền – như ông chủ gọi họ – đang chất lúa mạch hoặc cỏ khô lên xe ngựa. Xe chất cao ngất. Thỉnh thoảng, một tràng cười lại vọng đến chỗ tôi – cái đuôi của một cuộc trò chuyện. Ông chủ không để tôi làm việc ngoài đồng cỏ vì tôi còn quá nhỏ, nhưng mùa đông đó, tôi lớn vụt lên và đến mùa hè sau, tôi được nhập vào đội lực điền.
Vậy là tôi thành một lực điền. Lực điền! Tôi mê mẩn cái từ đó – và sung sướng khoác nó lên mình. Được giao một việc thế này là chuyện thay đổi cả một đời người. Nó có nghĩa là bạn đã thoát khỏi sự kiềm tỏa của bố mẹ, thoát khỏi sự trêu chọc của lũ bạn. Nó làm bạn tự do giữa những người lạ trong một thế giới đầy biến động, ở đó, bạn có thể đóng vai một người khác cho đến khi bạn trở thành một người khác. Nó mang lại tiền cho bạn và cho phép bạn tin rằng cuộc đời trước đó của bạn – cuộc đời vớ vẩn trong vòng tay bố mẹ ở nhà và ở trường – chỉ là một miếng mồi nhử rẻ tiền cho những kẻ tưởng rằng họ cần đến nó.
Ngoài đồng, tôi làm việc với những người khác: đứa cháu trai lực lưỡng của ông chủ, thằng Clemson; nó cùng lớp với tôi ở trường nhưng tôi coi nó chả ra gì vì nó chỉ là một thằng nhóc thiếu kinh nghiệm. Ngoài thằng Clemson còn có hai anh em người Mê-hi-cô: Miguel và Eduador. Thằng Miguel, thấp đậm và lặng lẽ, lại hầu như không biết nói tiếng Anh nhưng anh Eduador trác táng thì nói thay cho cả hai. Trong lúc chúng tôi làm hết các việc nặng thì anh Eduador lên giọng khuyên nhủ chuyện gái gú và kể các câu chuyện mà trong đấy thì lúc nào anh ấy cũng là một tay kiếm giảo hoạt, thành thục và không biết mệt mỏi. Dĩ nhiên Eduador bịa chuyện cho vui nhưng trong những câu chuyện anh ấy kể – nào là các sàn nhảy và các quán bar, những tên cảnh sát biên giới vạm vỡ, những bác nông dân đầu đất với những bà vợ tham lam, những tên cảnh sát kẻ cướp, những cô gái điếm đã phải lòng anh ấy – tôi cảm thấy sự thật về một cuộc sống mà tôi không hề biết tới nhưng muốn có: một cuộc sống thực trong một thế giới thực.
Trong lúc anh Eduador nói thì Miguel làm việc lặng lẽ cạnh chúng tôi, thỉnh thoảng rền rĩ vì đống cỏ quá nặng; khuôn mặt đầy trứng cá đỏ lên vì nắng nóng, đôi mắt ti hí nheo lại dưới ánh mặt trời. Clemson và tôi thì hồi hộp lên lên xuống xuống và cười như nắc nẻ theo những câu chuyện của Eduador, lúc nào cũng tra vấn anh ấy bằng một đống câu hỏi. Miguel chẳng bao giờ động lòng mà cũng chẳng bao giờ cười. Thỉnh thoảng, nó nhìn anh nó với cái vẻ giống như sự tò mò; chỉ thế mà thôi.
Ông chủ của tôi – người sở hữu một đồng cỏ khô lớn – lẽ ra nên thuê thêm lực điền. Chỉ có bốn chúng tôi làm mà trời lúc nào cũng có nguy cơ mưa. Ông chủ là một người đàn ông dễ mến và dễ tính, nhưng càng về cuối mùa hè, ông ấy càng bồn chồn hơn và bắt đầu thúc chúng tôi làm việc nhiều hơn và lâu hơn. Vào tuần cuối cùng, tôi ngủ lại ở nhà Clemson ở cuối đường để có thể đến trang trại cùng với những đứa khác vào lúc mặt trời mọc và làm việc đến lúc mặt trời lặn. Những kiện cỏ khô trĩu nặng vì sương đêm khi chúng tôi bắt đầu chất chúng lên. Không khí trong kho chứa cỏ bốc mùi lên men và Eduador cảnh báo ông chủ rằng cỏ có thể bốc cháy nhưng ông chủ bắt chúng tôi tiếp tục làm. Khập khiễng, cháy nắng, và đầy các vết trầy xước, tôi hầu như không bò được ra khỏi giường mỗi sáng. Nhưng mặc dù tôi ca cẩm với Clemson và Eduador, trong lòng tôi thấy sung sướng được làm việc cạnh họ; làm việc như thể tôi không có lựa chọn nào khác.
Vào cuối tuần, xe của Eduador bị hỏng và Clemson bắt đầu chở cả Eduador và Miguel đi đi về về căn phòng trọ tồi tàn mà họ đang sống tạm ở đó. Thỉnh thoảng, sau khi đậu xe ở cửa phòng trọ, lũ chúng tôi cứ ngồi đó, chẳng ai nói gì. Mệt vậy đó. Rồi một đêm, Eduador mời chúng tôi vào làm một ly. Clemson là thằng ngoan ngoãn nên cố từ chối nhưng tôi ra khỏi xe cùng với Miguel và Eduador, trong lòng biết rõ Clemson sẽ không bỏ tôi. “Thôi nào, Clem”, tôi nói. “Đừng có pê-đê thế” Thằng Clemson nhìn tôi rồi tắt máy.
Căn phòng đó. Chúa ơi. Hai anh em họ đã cố gắng hết sức; họ đã dọn giường, đã gập quần áo gọn gàng vào trong những cái vali để mở nhưng người ta vẫn cứ ngập ngụa trong mùi mốc ngay từ khi mới bước vào phòng. Sàn nhà èo uột ở dưới chân, đầy những mảng giấy lót màu xám đã tróc; trần nhà võng xuống, loang lổ. Ngọn đèn trên trần nhà không sáng được tới các góc. Bên dưới mùi ẩm mốc là một mùi khác, khó chịu hơn. Clemson là một thằng cảnh vẻ nên lập tức khó chịu, còn tôi thì ra vẻ tự nhiên như ở nhà.
Chúng tôi cứ thế nốc whisky vào những cái dạ dày rồng và nghe Eduador kể chuyện; và chẳng mấy chốc cả lũ đều say mèm. Có ai đó đi tới cửa nói gì đó bằng tiếng Tây Ban Nha và Eduador ra ngoài rồi không quay lại. Miguel và tôi tiếp tục uống. Clemson thì gà gật, cằm cứ gục dần xuống ngực rồi lại giật lên. Rồi Miguel nhìn tôi. Nó trợn mắt lên rồi nhìn xoáy vào tôi không chớp mắt, và rồi nó bắt đầu phản đối một chuyện bất công mà ông chủ của chúng tôi đã làm với nó, cũng có thể là một ông chủ khác. Tôi cố lắm cũng chả hiểu nổi thứ tiếng Anh của nó, và nó thì cứ liên tục nói trẹo sang tiếng Tây Ban Nha, nên tôi càng không hiểu gì. Nhưng rõ ràng thằng Miguel đang giận dữ – điều đó thì tôi hiểu.
Một lúc nào đó, thằng Miguel đi ngang qua phòng rồi trở lại và đặt một khẩu súng lục lên mặt bàn, ngay trước mặt nó. Một khẩu ru-lô, nòng dài, hầu hết lớp mạ ngoài đã tróc. Miguel nhìn chằm chằm vào tôi ngang qua khẩu súng và lại bắt đầu phàn nàn, lần này hoàn toàn bằng tiếng Tây Ban Nha. Nó đang nhìn vào tôi nhưng tôi biết nó đang nhìn thấy một người khác. Trước đấy, tôi hầu như chua bao giờ nghe nó nói. Bây giờ, những lời của nó tuôn ra như một bài hát giận dữ và tôi nhận ra rằng chính cái giọng của nó làm nó phẫn nộ; chính giọng điệu phẫn nộ của nó chứng minh với nó rằng nó đã phải chịu bất công, giọng nói của nó đổ thêm dầu vào sự phẫn nộ của nó, khiến cho nó căm giận cái người mà nó nghĩ là tôi. Tôi quá sợ nên không nói gì. Tất cả những gì tôi có thể làm là mỉm cười.
Căn phòng đó – một khi bạn đã bước vào, bạn sẽ không bao giờ thực sự đi khỏi. Bạn có thể quên là bạn từng đến đó, bạn có thể sống tiếp như thể bạn là người cầm cương cuộc đời bạn, rằng lộ trình cuộc đời bạn, thậm chí là cả độ dài cuộc đời ấy nữa, sẽ phản ánh sức mạnh tính cách của bạn cũng như sự khôn ngoan của bạn trong các quyết định. Thế rồi, vào một ngày tháng Ba đẹp trời, bạn gặp một cái ổ gà và cái vô lăng trong tay bạn trở thành một trò hề; bạn không thể làm gì ngoài việc nhìn cuộc đời bạn cứ thế trượt như trong mơ tới miệng vực, và rồi bạn nhớ ra bạn ở đâu.
Hoặc là bạn lên xe buýt cùng với ba mươi con người trẻ tuổi khác. Lúc đó còn sớm, ngay trước bình minh. Đấy là lúc xe buýt luôn luôn khởi hành; đèn xe được hạ thấp để tránh sự chú ý của những người Quakers bên ngoài cổng. Chuyện ấy chẳng được tích sự gì vì những người Quakers đang đợi, lặng lẽ giương cao các tấm biển phản đối chiến tranh, họ nhìn bạn không phải với sự oán trách mà với sự buồn bã và cảm thông trong lúc xe buýt đi ngang qua họ về phía sân bay và cái máy bay sẽ đưa bạn tới nơi bạn không muốn tới – và vào giây phút đó, bạn hiểu rằng những ham muốn, ước vọng, kế hoạch, cộng với tất cả sức mạnh cơ bắp và tinh thần của bạn chẳng có một chút sức nặng nào. Rồi bạn nhận ra bạn ở đâu, như bạn sẽ biết bạn ở đâu khi những người bạn yêu quý gục chết trước khi họ cần phải chết – chết trước cái kế hoạch mà bạn đã đặt cho họ, cho bạn cùng với họ. Bạn cũng sẽ biết bạn đang ở đâu khi khẩu phần mơ mộng và khẩu phần nói hàng ngày của bạn cứ thu hẹp dần, hay khi con gái bạn lái xe đâm thẳng vào một gốc cây. Và nếu như con bé ra khỏi xe mà không mảy may trầy xước, bạn vẫn sẽ cảm thấy cái trần nhà tối tăm đó ở ngay trên đầu bạn, và bạn biết bạn ở đâu. Và bạn biết bạn còn có thể làm gì ngoài cái điều mà bạn đã làm trong căn phòng đó, trong lúc thằng Miguel căm thù bạn chẳng vì lý do gì và một khẩu súng lục đang sẵn sàng nhả đạn? Bạn cười và hy vọng câu chuyện sẽ đổi hướng.
Lần này thì câu chuyện đổi hướng. Thằng Clemson bật dậy khỏi ghế, chúi người về phía trước và nôn thốc nôn tháo khắp mặt bàn. Miguel ngừng nói. Nó nhìn chằm chằm vào thằng Clemson như thể nó chưa bao giờ thấy thằng Clemson và khi Clemson bắt đầu khạc thì Miguel nhảy dựng lên, tóm lấy cổ cáo thằng Clemson để đẩy nó ra cửa. Tôi đứng lên đưa thằng Clemson ra ngoài trong lúc thằng Miguel nhìn theo với vẻ kinh tởm. Kinh tởm! Giờ thì nó là thằng cảnh vẻ. Sự kinh tởm đã thắng sự giận dữ, thậm chí thắng cả sự hằn thù. Ôi, đêm đó, tôi đã chăm thằng Clemson tận tình đến thế nào! Tôi nghĩ nó đã cứu sống tôi. Mà có thể là nó đã.
Mùa đông đó, trại cỏ khô của ông chủ bị cháy trụi. Khi tôi nghe chuyện này, tôi nói “Thì tao đã bảo lão ấy rồi còn gì. Tao đã bảo cái lão khốn kiếp ấy là đừng có chứa cỏ ướt”.