Forever is not a word…rather a place where two lovers go when true love takes them there.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Tiêu
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: kmejoko
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3177 / 29
Cập nhật: 2016-03-29 17:21:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hôi đi cô. Từ ngày cô về nhà chồng chưa đầy năm trời mà cô tiêu của tôi bao nhiêu rồi. Tôi phải cho cô cả từ cái bát mẻ trở đi. Bây giờ tôi chả còn gì để nuôi không vợ chồng cô mãi được.
Sồi vốn ít mồm ít miệng, ngồi thừ ra một lúc lâu rồi thong thả buông từng tiếng một:
- Ai bảo bu gả con vào chỗ nghèo.
Bà lý cũng ngồi thừ ra nghĩ ngợi.
Từ ngày bà bị hai vợ chồng lão nghị đóng cửa không tiếp, bà uất ức trở về, buồn bã mất tháng trời. Bà đâm ra thù ghét cả chồng lẫn họ nhà chồng. Bà nhất quyết phen này còn đứa gái thứ hai, chỉ gả cho nhà thật nghèo. Ông cụ lý đã khuất núi. Cả họ không còn ai đủ quyền thế bắt nạt được bà. Bà có thể tự ý, muốn gả con cho ai thì gả. Vì thế, cữ tháng Mười năm kia có người đến làm mối cái Sồi cho con trai bà lý Thịnh, bà ưng ngay.
Bà lý Thịnh góa chồng đã lâu. Nhà chồng bà cũng ba bốn đời chức dịch như nhà chồng bà lý, nhưng nghèo, nghèo quá, không một thước vườn, không một thước ruộng, cả đời chỉ ăn vay với thuê ruộng đọ. Mùa đến, bao nhiêu thóc gặt về chỉ đủ trả vốn lời rồi bắt đầu lại ăn vay cho đến mùa sau. Cũng như Vót, vợ xã Khoan, bà lý Thịnh có cái lời đi chợ. Nhưng vì ít vốn nên lãi chẳng được mấy, đủ mua đồ ăn thức mặc cho con cái là khá lắm rồi. Thằng con thứ hai bà nhờ ông chú buôn bán ở phố huyện nuôi cho ăn đi học, đã đỗ được cái bằng sơ học Pháp Việt. Rồi vì nghèo, không có tiền theo học nữa, chịu vô nghề nằm nhà. Chính là chồng cái Sồi bây giờ.
Chẳng may mùa hè mới rồi, bà lý Thịnh chết về thời khí. Người con cả, một anh canh điền, với ít chữ nho trong óc, với cái tính cố hủ ương gàn, chiếm lấy ngôi nhà thờ. Chiếc nhà ngang lụp sụp, tối tăm phần hai vợ chồng Sồi. Còn nhà bếp, hai gian nhà tre xiêu vẹo, cáu đen mồ hóng và bụi bám, mạng nhện chăng đầy thì hai nhà chung nhau thổi nấu. Vì thế mà sinh ra lắm chuyện rắc rối, cãi cọ om sòm.
Sồi vẫn giữ cái tính lỳ lỳ. Chị dâu cả thì chua ngoa, lắm mồm lắm miệng, ích kỷ, cay nghiệt. Chị ta chỉ muốn đuổi hai vợ chồng Sồi đi để chiếm lấy cả ngôi nhà. Không mấy ngày là không có những lời bóng gió, những câu chửi cạnh vì một cớ nhỏ nhen. Lúc thì chị ta đổ một cách gián tiếp cho Sồi ăn cắp cà nén, lúc thì chị ta kêu mất khúc cá kho, mớ hành, mớ tỏi khô gác rành bếp. Những câu chửi: “Cha con bà nó chứ!...” hoặc, “mớ đời nhà nó chứ...”, luốn luôn xuất ở cái mồm ngoan ngoạc của chị ta. Rồi chị ta thêm một câu: “Còn có ai vào đây nữa!” để ám chỉ Sồi. Bao nhiều những lời thô bỉ như thế hắt vào lỗ tai Sồi không biết bao nhiêu lần mà Sồi vẫn lỳ lỳ, chẳng nói chẳng rằng, chẳng buồn cãi vã.
Lắm lúc chồng Sồi tức quá, cãi lại chị dâu. Tức thì hai bên đôi co, tiếng ra tiếng vào, ầm nhà. Có khi to tiếng đến nỗi cả xóm đổ đến xem đông. Ai cũng có ý ghét người dâu cả. Có người lúc trở về, lẩm bẩm: “Chả ai như chị Mẫn (tên chồng Sồi là Mẫn). Con mẹ chua ngoa, độc ác thế mà chị ấy nhịn được. Cứ túm ngay lấy tóc nó mà giã cho nó một trận để cánh mình xúm vào đánh hôi có được không”.
Tất thế nào anh cả bênh vợ cũng chạy lại, giở đạo đức Khổng ra mắng át em đi. Không thế cũng rầy. Không thế thì tránh sao khỏi những lời dằn vặt, đay nghiến, những lời khiêu khích, xỉa xói của vợ trong buồng kín...
Bà lý ngồi thừ ra nghĩ ngợi hồi lâu rồi buồn rầu đáp lại lời con gái:
- Nghèo thì nghèo, vợ chồng cô cũng phải tìm công việc mà nuôi nhau chứ. Bám vào tôi mãi được sao!... Rồi tôi già, tôi chết. Lúc ấy cô bám vào đâu? Cô xem, cứ gì mình cô, bao nhiêu người nghèo mà họ cũng kiếm được miếng mà ăn đấy nhé. - Nói rồi bà ôm má thở dài.
Sồi ngồi trên ngưỡng cửa, hai tay vẩn vơ vuốt tóc. Một lúc lâu nó mới há được mồm ra nói:
- Bu giúp chúng con một bận này nữa thôi... Nhưng bận này bu giúp chúng con hai chục.
Bà lý giương to cặp mắt ngạc nhiên, hỏi:
- Trời ơi! Hai chục! Cô định tôi bán cả vườn, cả ruộng đi mà cấp cho cô nữa hay sao? Thôi thôi, tôi xin cô. Cô làm khổ tôi vừa vừa chứ!
Sồi vẫn thản nhiên. Như để đợi cho mẹ bớt khổ, nó ngồi ỳ ra mãi rồi mới cất tiếng:
- Nhà con định đến tháng Bảy này cùng con lên tỉnh, mở hàng cơm cho học trò trọ. Nhà con bảo: nhà con sẽ dạy tư thêm thắt vào và chắc thế nào cũng đủ tiêu, không phải quấy quả bu nữa. - Sao hôm nay Sồi lại nói được một thôi dài như vậy. Ý chừng, cô đã nghe chồng cô dặn và nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Bà lý hết ngạc nhiên, hạ giọng:
- Ừ, anh ấy nghĩ như thế cũng phải. Tội gì cứ chịu lủi thủi ở xó nhà mà hứng lấy những lời đay nghiến tục tằn của chị dâu! - Nghĩ đến người dâu cả nhà ấy, bà lại tức giận thốt ra ngoài miệng. - Cái con mẹ nói lắm mồm lắm miệng, tai ác làm sao! Thế mà mày chịu nhịn được! - Và bà lấy làm lạ, không bao giờ thấy Sồi phàn nàn với mình về việc ấy. Bà trở lại thương Sồi mà quên hẳn cái tính lỳ lỳ, chậm chạp của nó. Bà đổi sang câu chuyện tiền nong ban nãy hỏi:
- Chồng mày tiêu gì mà hết những hai chục cơ?
- Nhà con bảo: phải trả tiền thuê nhà... phải sắm vài cái giường cho học trò nằm... phải bỏ ra dăm sáu đồng đong gạo thổi nấu, mua đồ ăn thức đựng.
- Thức đựng: nồi niêu bát đĩa, này khác, các cái có sẵn cả rồi đấy nhé. Anh chị cứ việc đem cả lên mà dùng. Lại còn định để lại cho cái con mẹ tai ngược ấy nữa hay sao?
- Có chứ... Nhưng cũng phải hai chục nữa mới tùng tiệm đủ... Là nhà con bảo vậy.
Nghĩ ngợi, đo đắn, suy tính chán rồi bà lý mới đứng dậy mở khóa hòm gian, kỳ cạch hồi lâu. Đoạn bà cầm cuốn bạc đưa cho Sồi.
- Đây, tôi cũng liều giúp vợ chồng cô bận này nữa. Chỉ bận này nữa thôi đấy nhé. Tôi bảo thật, cố mà làm, mà ăn, hà tặn hà tiện để dành để dụm về sau còn con còn cái. Tiêu hết đi rồi lại về nặc tôi nữa thì đừng có hòng. Tôi bảo thật đừng có hòng.
Sòi lẳng lặng nhét cuộn bạc vào hầu bao rồi chậm chạp bước ra cổng. Bà lý bước theo, gọi giựt lại:
- Này con, bu có thương thì bu mới bảo. Con cố chịu khó mà làm ăn nhé! Phải tần tảo chắt bóp từng tí thì sau này mới khá, con ạ. Được cái chồng con nó hiền lành bu chắc nó cũng chằng chơi bời gì. Thôi thì... nghèo yên phận nghèo, con ạ, đừng đói rách thì thôi. Bu dặn đi dặn lại có thế thôi. Con về nhé. Chịu khó làm ăn nuôi nhau. Bu thấy chúng con... vất vả, bu cũng thương.
Bà ngập ngừng sau hai tiếng “chúng con” là vì bà chợt nhớ đến Hĩm, đứa con yêu của bà. Bà thở dài, trở vào ngồi trên phản ôm má, đăm đăm nhìn ra sân...
Một cảnh trưa hè đưa trí nhớ bà trở lại quãng thời xa.
Chồng bà đã có tuổi, đã chán chường với bốn đồng tiền cái, tiếng chơi bời liều lĩnh hầu như biệt tăm, không còn ai nhắc tới. Mỗi bữa hơn cút rượu nhắm với tấm đậu phụ hay khúc cá rán. Nhắm nháp xong, ông ăn vài lưng cơm, ngồi xỉa răng uống nước, hút dăm điếu thuốc lào rồi đi làm một giấc ngủ trưa, hoặc thơ thẩn sang hàng xóm chuyện gẫu với “cụ” xã Khoan hoặc đến “cụ” khán Để làm vài cuộc tổ tôm còm cho qua thời gian nhàn rỗi, hoặc ra đình ra miếu bàn việc thôn việc làng. Hiện giờ có lẽ ông đương ngồi họp việc giáp ở đình. Thằng Quy đã lớn, đi chăn trâu với bọn mục đồng. Thằng Chút học trường làng, ăn uống xong cũng đi nô đùa với bạn bè.
Trong nhà vắng vẻ yên lặng. Một dãy sáu cây cau, cao vót với những chùm quả nhỏ, hai cây chanh cỗi cằn, càng cỗi thêm, da mốc xù xì. Cây hương, tường hoa, bể mới quét vôi trắng xóa, cùng ánh nắng chói trên mặt sân, xói vào trong nhà, làm bà lóa cả mắt. Bà nhớ lại ngày bà còn trẻ chưa có con và chồng bà còn là anh xã nhép. Bà ngồi ngưỡng cửa bắt chấy cho mẹ chồng cũng bằng chạc tuổi bà bây giờ. Mẹ chồng bà mất đã hơn mười năm nay, nhưng khuôn mặt hiện ra rõ rệt như hãy còn. Bà nhớ đến con vện nằm cạnh, một chân giơ lên gãi tai, đùi đập vào thành cửa thình thịch. Bà nhớ lại cả nỗi bực tức của bà về đường con cái làm bà tức lây đến con chó. Bà còn như vẳng nghe thấy tiếng bà quát: “Vện xuống! Xuống ngay!” Những tiếng gà gáy, những tiếng võng đưa kẽo kẹt bên hàng xóm giúp trí nhớ bà thêm rõ rệt, sáng suốt. Cái gái lớn đã đi lấy chồng và đã có con. Bây giờ cái gái em lại thay chị, nằm võng ru cháu. Tiếng nó cũng kéo dài, trong trẻo như tiếng chị. Con chó vện đã già, trụi cả lông đuôi, nằm đắt xó bếp đợi ngày sang kiếp khác. Con nó thay nó lên chức mẹ.
Bà lý buồn. Xưa bà cũng chẳng vui gì. Nhưng cùng với tuổi trẻ, lửa lòng bà còn bồng bột từng lúc, tâm hồn bà còn đầy dẫy những ước vọng. Một cảnh đẹp, một ngày hội náo nức, một sự vui thú cỏn con còn có thể làm cho bà quên được những lúc khổ. Nay lửa lòng bà đã tắt, tâm hồn cùng với xác thịt đã cằn cỗi. Ngày xuân tốt tươi đem lại mầm non lá lộc, cho cả đến những cây cằn cỗi, chỉ còn đem lại cho bà một ít tiếc mến ngày quá khứ.
Bà đứng dậy vươn vai ngáp, rồi thở dài đi lại khung cửi dệt. Tiếng khung cửi lên xuống đều đều càng làm cho mấy gian nhà thêm tĩnh mịch. Dệt mãi cũng chán (ngày xưa bà dệt không chán tay bao giờ), bà gọi con ở lên dệt thay và coi nhà nhân thể. Bà thủng thỉnh sang hàng xóm nói chuyện tâm sự với Vót, một người bạn càng ngày càng thân và cần thiết cho bà mỗi khi bà có sự gì buồn bã.
Đàn trẻ xúm lại, níu lấy áo bà vồn vã. Bà tủm tỉm cười, móc cái túi vải giắt ở dây lưng, cho mỗi đứa một trinh. Chúng nó reo mừng thi nhau chạy ra quán mua khoai. Vót đương lột những tấm lụa mốc vừa cất ở chợ Sóc về phơi trên những chiếc sào đem vào gấp vuốt để mai đi chợ Hộ sớm. Vót quay lại, vui vẻ đón chào và trách:
- Gớm! Bác nuông chúng nó quá. Chúng nó mến bác hơn bà chúng nó là phải. Chả bù với mẹ chúng nó đánh đập chúng nó luôn cả ngày.
Bà lý cười nói:
- Chà thế sao người ta lại có câu hát ví: Bà ơi, cháu quý bà thay, quý bà về nỗi bà hay cho quà.
Rồi đi lại lột giúp Vót những tấm lụa vàng chóe dưới ánh nắng chiều.
Hai người ngồi trên phản gấp vuốt, vừa chuyện trò. Vót bắt đầu nói:
- Này bác, vợ chồng cái Sồi rủ nhau lên tỉnh mở hàng cơm thật đấy à?
- Phải, nhưng chả biết có làm nên trò trống gì hay lại vác người về không. Con bé lầm lỳ chậm chạp như sên, làm ăn vụng thối vụng nát. Thằng chồng thì chân yếu tay mẽm.
- Thì từ thuở bé anh ấy chỉ biết cầm quyển sách... Hình như tôi nghe nói anh ấy định dạy tư nữa, phỏng?... Tôi có thằng cháu lớn con thằng cả, nếu cháu đỗ, đỗ cái bằng gì này, tôi cũng chẳng biết nữa. Nếu nó đỗ rồi tôi cũng cho nó lên trọ học chỗ anh ấy.
- Được thế thì còn gì hơn, nhưng... Chả biết con bé có biết mua bán làm cơm làm nước...
Vót ngắt lời:
- Rồi nó quen đi chứ. Ai vụng bằng cô Tuất con bà hàn thế mà bây giờ cũng khéo rồi đấy.
Hết tấm nọ đến tấm kia gấp vuốt, đặt chồng lên nhau. Mùi tơ mùi bùn, ngây ngấy xông lên. Lũ trẻ đã rủ nhau về. Ngoài sân trở lại huyên náo. Bà lý đổi sang câu chuyện khác, hỏi:
- Tơ độ rày thế nào, hở bác?
- Cao lắm, bác ạ. Mỗi tấm cao hai ba hào... Cao thì lại bán cao, đi đâu mà thiệt. Mà càng cao càng dễ giã nặng. Nghề buôn vẫn thế đấy, bác ạ. Cao một thì họ phao lên mười. Tôi cũng nhờ thế mà bán được lại mỗi tấm ngót đồng bạc.
- Phát tài nhỉ!
- Phát tài thế mà cữ nào người ta rủ đi buôn thì chẳng đi, hay là - Vót vừa nói vừa cười - bị cụ ông cẫm đoán. - Nói thế nhưng Vót cũng thừa biết bà lý độ này gớm lắm rồi, chẳng nhu nhược như trước nữa.
- Chưa muốn buôn thôi chứ ngữ chồng ấy thì cấm đoán được ai. Chào! Nghĩ đến ông ấy lúc nào tôi lại buồn cả ruột.
Vót cười:
- Ông xã nhà tôi thì hơn nữa.
Bà lý cũng cười:
- Thì ông ấy cũng còn được việc ngồi nhà bế cháu ngủ và khéo nấu nước chè, thế chả chán à. Còn hơn ông lão nhà tôi chẳng được việc phải gió gì cả. Động có tiền là đi biệt. Mà đi đâu? Lại xóc đĩa hay tổ tôm chứ còn đi đâu nữa.
Vót bênh ông lý một tí cho có chuyện:
- Không, dạo này khá lắm rồi đấy mà. Tôi có thấy bê tha như trước nữa đâu.
- Ối chào! Chưa đến lúc đấy!... Thử cho ông ấy vài chục xem. Lại không hàng tháng chẳng thấy mặt tôi chớ kể.
Vót cớt nhả:
- Thì ai bảo cứ nuông ông ấy, cho ông ấy nhiều tiền vào. Ý chừng đằng ấy còn muốn...
Bà lý cười, vạt mạnh vào vai Vót:
- Phải gió cái nhà bác này, già mà còn...
Bỗng có tiếng thằng Chút reo từ sân vào:
- Bu ơi bu! Chị Hĩm đã về!
Lũ trẻ đã chạy ra đình thả diều và chơi khăng, nếu không, tất chúng sẽ reo hò theo: “Ha! Ha! Cô Hĩm đã về! Chúng mình sang ăn quà đi!”
Bà lý ngạc nhiên, chưa tin:
- Thật à, con?
- Vâng, thật đấy. Con nói dối bu làm gì. Con đi học về đến cây đa đầu chợ, thấy tiếng chị ấy gọi... Con quay lại, rồi mừng quá chạy ù về bảo bu. - Trông Chút có dáng cảm động vì nó yêu chị lắm. Ngày chị nó lìa nhà ra đi, nó khóc sướt mướt và buồn hàng mấy ngày liền.
Bà lý đứng dậy: “Bác sang với cháu một tí”, rồi như người hốt hoảng, theo Chút về, không đợi câu trả lời của bạn.
Thằng Chút vừa rảo bước vừa nói:
- Trông chị ấy gầy lắm, bu ạ.
- Chị ấy gầy lắm à?
- Vâng.
Chưa đầy vài phút bà lại nhắc:“Chị ấy gầy lắm à?” Nhưng trong lòng bà khấp khởi mừng như đứa trẻ về nhận áo mới tuy chưa biết xấu đẹp thế nào.
Hai mẹ con vừa đến cổng thì Hĩm cũng vừa rẽ sang con đường hẻm vào nhà. Chút chạy đến níu lấy áo chị mừng cuống quít. Bà lý đứng cổng đợi. Tim bà đập mạnh, cặp môi và cả thân bà cũng rung động, cảnh vật chung quanh Hĩm như sáng thầm lên, Hĩm lại gần. Bà nói, giọng run run: “Con đã về”. Rồi không biết nói câu gì nữa.
Hĩm trông gầy nhiều lắm. Hai má hóp, đôi mắt to và sáng trong vành mắt thâm quầng. Và tiều tụy. Chiếc khăn “xa tanh” đã đổi ra chiếc khăn nâu bã, áo vá nhiều mảnh, hai khuỷu tay rách để lộ hai miếng tròn trắng bằng đồng bạc ở chiếc áo cánh mặc trong. Chiếc quần thâm, có lẽ vẫn chiếc mẹ may cho ngày cưới, rầu rầu tơi ra từng chỗ và có những lỗ nhỏ như gián nhấm. Tuy vậy, tay cắp cái thúng con trên đậy vỉ. Hĩm vẫn còn giữ được dáng đi mềm mại, yểu điệu như xưa.
- Trồng con gầy và xanh lắm.
- Gầy và xanh lắm à, bu?
Rồi ba mẹ con yên lặng vào trong nhà.
Hĩm thơ thẩn hỏi:
- Sồi đâu bu? Vẫn lỳ lỳ và vẫn ghét con như thường chứ?
- Nó đi lấy chồng rồi. Tính nó thế chứ nó ghét gì con. Nó chẳng đổi tí nào, vẫn lỳ lỳ và chậm chạp lạch bạch như con vịt. Nó sắp đi với chồng nó lên tỉnh mở hàng cơm. Chồng nó là thằng Mẫn, con bà lý Thịnh ấy mà.
- Vâng con đi biết, chú ấy hiền lành lắm.
Hai mẹ con ngồi trên phản. Thằng Chút ngồi sát cạnh chị. Hình như nó muốn ướp lấy hơi hướm chị.
Ngồi thừ một lúc, bà lý hỏi:
- Thế nào, con độ rày ra sao? - Câu nói của mẹ như xúc động đến tâm can Hĩm. Hĩm thở dài rồi nước mắt ở đâu tuôn ra. Hĩm gục xuống, ôm mặt khóc nức nở. Ba gian nhà yên lặng. Trong không khí như nhiễm một vẻ buồn kín đáo. Bà lý thương con cũng khóc, tiếng khóc của hai người lây sang thằng Chút. Ngoài sân, chung quanh tối dần và trong nhà càng tối thêm. Trong yên lặng chỉ còn những tiếng sụt sịt, tiếng hỉ mũi.
Mãi sau, bà lý mới nói:
- Thôi con ạ, người ta có số cả. Rồi qua cảnh khó con sẽ được sung sướng. Tội gì mà nuôi cái khổ vào thân cho yếu người. Trông con xanh lắm. Rồi bu mời ông lang Tại cắt thuốc bổ cho con. Tẩm bổ vào rồi có da có thịt, lại người ngay đấy mà.
- Con còn thiết gì cái thân con nữa mà tẩm với bổ. - Hĩm tủi nhục lại nức nở khóc... Rồi hình như nước mắt cũng đã cạn và nỗi khổ theo nước mắt tuôn ra cũng đã nhẹ bớt. Hĩm bắt đầu kể lể từ khi về nhà ông nghị đến giờ.
Cứ mỗi đoạn bà lý lại thở dài, nói chêm vào:
- Con mẹ ác nghiệt thật.. Nó độc ác đến thế là cùng... Thôi, mẹ nào con ấy mà lại... Trời gần lắm con ạ. Rồi cũng có ngày trời sẽ quả báo cho mà xem... Ừ, chị ấy nói thế mà thật.
Hĩm ngạc nhiên, ngừng kể, hỏi mẹ:
- Chị nào thế bu?
- Chị hàng dầu. Cữ đã lâu bu có lên thăm con, nhưng người ta không cho vào.
- Chết thật! Thế mà con không biết.
- Bu có gọi con mãi mà chẳng thấy con thưa.
Hĩm ngồi thừ ra. Nó ngẩn ngơ tiếc. Giá độ ấy nó biết mẹ nó có đến thì dẫu chết ngay nó cũng bỏ về với mẹ nó. Hĩm kể tiếp:
- Con sinh được đứa con trai...
Hĩm tủm tỉm cười.
- Ồ! Thế à!
- Vâng, con sinh được đứa con trai. Mà vì đứa con trai ấy, con lại càng bị bà ta và hai cô hành hạ thêm. Hình như họ muốn tống con đi để cướp lấy thằng bé. - Hĩm không đám thú với mẹ rằng: thằng bé ấy không phải con ông nghị mà là con người nhà ông nghị.
Hĩm đến nhà ông nghị được vài tháng thì bà nghị ghen. Cơn ghen mỗi ngày một mạnh và thanh củi đập vào người Hĩm mỗi ngày một mạnh thêm.
Đêm đến, đêm nào cũng vậy, bà bắc chõng nằm ngang cửa buồng cạnh chồng. Bà bắt Hĩm nằm dưới bếp. Bà cũng chẳng nghĩ gì đến trong nhà có anh xinh trai và có tình ý với Hĩm. Hay bà biết mà bà để mặc cũng nên.
Cách hai tháng sau Hĩm ốm. (Bị hành hạ như thế thì khỏi ốm sao được!) Cả nhà chẳng ai buồn nhìn nhỏ. Hĩm rên, Hĩm mê man. Mặc! Người nào cứ công việc người ấy làm trôi chảy như thường. Ông nghị sợ vợ, thương thầm mà không dám hé răng. Ông đành để mặc cho thời giờ qua. Duy có anh người nhà xinh trai, cố nhiên là săn sóc ngầm đến Hĩm. Anh ta khéo che đậy, khiến cả nhà không ai ngờ. Ngoài miệng, anh ta làm ra không cần, thường nói với hai cô để hai cô bắn tin lên bà nghị: “Kệ mẹ nó! Cho nó chết để khỏi rắc rối trong nhà”. Kỳ thực, anh ta vẫn ăn trộm gạo tám - ăn trộm có khó gì! Anh ta giã gạo, lừa lúc vắng, anh ta bỏ vài nắm vào túi, đợi lúc nào rỗi, lẻn sang hàng xóm nấu cháo cho Hĩm. Anh ta đến kê bệnh Hĩm với ông lang rồi bỏ tiền túi ra cân thuốc. Đêm khuya, đợi cả nhà ngủ say, anh ta cặm cụi ngồi sắc. Tang tảng sáng, Hĩm đã có bát thuốc và bát nước chè nóng trước mặt. Hĩm ngửng lên âu yếm nhìn và nhếch một nụ cười với câu cám ơn rất nhẹ nhàng. Anh chàng sung sướng, cảm động quá. Trời ơi! Đôi con mắt Hĩm mới tình tứ làm sao! Miệng cười Hĩm mới có duyên làm sao!
Nửa tháng sau, Hĩm khỏi. Anh chị bắt đầu cảm nhau. Mỗi lần Hĩm bị hai cô đánh túi bụi, anh chàng thương đến rỏ lụy nhưng vẫn cố làm ra mặt thản nhiên, nói: “Phải đấy các cô cứ nện khỏe vào”. Anh ta gọi hai cô ra một chỗ nói nhỏ: “Không hiểu sao, tôi trông thấy nó tôi cũng ghét. Nhưng mà, các cô ạ, có đánh thì cứ nhè mông nó mà đánh, chớ đánh vào đầu óc nó mà nhỡ oan gia đấy. Ngày xưa tôi phải đòn nhiều tôi biết, đánh vào mông đau ghê, đau chết người đi được, còn vào đầu vào vai thì chỉ ê lên thôi”. Anh ta bịa một chuyện để dọa nạt hai cô: một nhà giàu có lắm, ở ngay cạnh nách nhà anh ta, cầm đũa cả đánh vào đầu con ở, phải chỗ phạm, con ở nằm quay ra chết. Nhà ấy chạy chọt sạt hết nghiệp mà tội vẫn hoàn tội.
Câu chuyện bịa của anh ta có kết quả. Vì không những hai cô, cả bà nghị từ đấy cũng cứ nhằm mông Hĩm mà đánh.
Nhà trên, ông nghị vẫn bị canh riết. Lắm lúc ông phát cáu, nói gắt:
- Bà làm thế thà cứ cho ngay người ta về có hơn không?
Bà nghị bĩu môi lườm nguýt, vênh mặt lên nói lại:
- Ai bảo đừng!
Anh người nhà được thể, vào phe với bà nghị. Một hôm anh ta ngồi nhặt rau với bà. Cả hai cô cũng đứng đấy. Anh ta tỉ tê tán chuyện: “Bẩm bà, bà làm thế cũng chưa chắc đâu. Có khi bà ngủ quên, ông con lẻn ra được. Con xem ông con mê nhà chị ta lắm”. Anh ta cố ý vừa nói vừa nhìn bà nghị. Thấy nét mặt bà ta sầm lại, anh ta tán thêm: “Giá bà để con nằm chắn cửa buồng bếp. Con tỉnh ngủ lắm. Hễ thấy bóng ông con, con cứ kêu trộm ầm lên để bà thức dậy”.
Hai cô thích chí, tranh nhau nói: “Phải đấy mẹ ạ, cứ cho hắn canh cửa bếp”. Bà Nghị bằng lòng: “Ừ cho mày canh. Hay là - Bà tủm tỉm cười - anh lại muốn tỉ tê với cô nương đấy?” Anh người nhà đỏ mặt tía tai cười gượng, cãi lại: “Chết! Bà chớ nói thế, nhỡ đến tai ông con thì con chết!”
Từ đấy cái buồng chứa nồi, niêu, xoong, chảo, cái buồng tối tăm hôi hám, cáu đen mồ hóng và mạng nhện, đã thành một căn phòng ấm cúng, đầy tình thương. Chẳng mấy đêm là anh chị không tình tự. Trong khi ấy thì ông nghị trằn trọc ở nhà trên, chốc chốc lại dậy uống nước, hút thuốc vặt để nghe những tiếng đằng hắng của bà nghị nằm dài trên chõng...
Bà lý thấy Hĩm ngồi đờ ra nghĩ, tỉ tê khuyên:
- Này con ạ, thế là trời thương, đem phúc lại cho con rồi đấy. Con nên chịu khó, chịu nhục mà nuôi lấy nó. Sau này trời cho nó ra người, con sẽ được nhờ vả nó nhiều. Phúc đức tại mẫu, con ạ. Thôi thì người ta có đánh mắng cũng cứ cố mà nhịn. - Hĩm lơ đễnh nghĩ đâu đâu. Bà lý tiếp luôn - Con ạ, hai cô rồi cũng đi lấy chồng. Không lẽ ở nhà mãi để hành hạ con hay sao? Bà nghị rồi cũng già... tất có ngày nghĩ lại mà thương con...
Hĩm vẫn ngồi ngây, đăm đăm nhìn ra phía cửa. Trời đã sâm sẩm tối. Bỗng ngoài cổng có tiếng lộp cộp, tiếng móng chân trâu nện trên đất rắn. Thằng Quy đã dắt trâu về chuồng. Bà lý đứng dậy:
- Chết chửa, muộn rồi. Dễ từ trưa đến giờ con chưa ăn. Để bu xuống bếp giục con ở làm cơm mau lên mới được. Chẳng biết nó đã hâm lại nồi cá chưa? Cũng may con đấy. Sáng nay bu đi chợ mua được con chép béo quá. - Bà lý nói xong đi vội xuống bếp. Thằng Chút từ nãy vẫn ngồi yên nghe. Nó lấy tay vân vê hết sợi tóc xõa xuống tai chị đến vạt áo, dây lưng. Nó ngắm từng ngón tay nhỏ đẹp của chị nó đặt trên đùi. Hình như nó được ngồi sát cạnh chị nó là đủ, không cần chị phải hỏi han đến.
Hĩm nhô ngực lên, thở dài. Không phải cái thở dài ban nãy, cái thở dài của nỗi khổ thống, mà là cái thở dài khoái lạc, bật ra trong lúc Hĩm nghĩ đến tình yêu nồng nàn, khăng khít của anh người nhà xinh trai. Hĩm trốn về cũng không phải tự ý Hĩm. Đó là mưu kế của anh chàng. Hĩm về rồi chỉ độ nửa tháng nữa là anh xinh trai của Hĩm sẽ tìm cớ bỏ nhà ông nghị để tìm việc trên Cẩm Phả. Mùa gặt này anh chàng sẽ về đón Hĩm. Hĩm chờ đợi.
Chồng Con Chồng Con - Trần Tiêu Chồng Con